Vào đến nhà tôi mới thấy bên vai phải mình ướt, dưới ánh đèn huỳnh quang tôi thấy có chút máu rỉ xuống cổ làm ướt cái áo len mỏng, sờ nhẹ lên phần dái tai thấy dính dính, nhờn nhờn tôi đoán là máu, chắc khi nãy lúc rụt đầu vào thì phần dái tai đã bị cứa vào cật tre, nghĩ cũng may vì toàn tre cũ chứ nếu tre mới và bén thì tôi dễ phải đổi tên thành N. Cụt Tai, một cái biệt danh nghe chẳng vui chút nào.
Sớm hôm sau tôi đi học lúc 6g30 đã thấy trong ngõ nhà mình có đông người, cờ trắng đã thấy treo ở cổng nhà ông T, chưa thấy kèn trống nhưng nhìn vậy là biết bà Th. cuối cùng vẫn bị dẫn đi, không chạy thoát được. Bà Th. tôi có biết, đấy là một bà khoảng gần 60 tuổi có bệnh hen, tôi gặp bà ấy nhiều lần và cũng có nhiều khi bà ấy vào chơi ngồi uống nước với bà Già, chính bởi thế khi gặp bà Th. vào đêm qua tôi vô tình buột miệng như kiểu ngạc nhiên, đây là một kinh nghiệm xương máu mà tôi cố gắng ghi nhớ, thấy sự lạ tốt nhất là im lặng để tránh phiền toái. Sau này tôi được chỉ rằng gặp cảnh người chết đường, chết chợ có thể xem, có thể nghĩ nhưng tuyệt đối không nên buột miệng nói thương cảm người đã khuất nếu đó không phải họ hàng, người thân quen, có thương thì để trong lòng chứ nếu oán thán thương cảm thì linh hồn người chết có khả năng sẽ đi theo mình nếu hợp duyên, mà nếu để họ đi theo thì họa phúc khó lường.
Chồng bà Th. là ông T., một người đàn ông tóc muối tiêu lốm đốm bạc, ông ấy mắt kèm nhèm nên người làng gọi là ông T. Toét, mãn tang bà Th. thì ông lấy thêm một người vợ trẻ ngoài ba mươi ở làng khác hay đến làng tôi làm mướn. Vợ sau của ông T. là một người ít nói, cao lớn, lúc cưới tôi cũng được đi ăn cỗ nhưng người làng thì xì xào bàn tán rất nhiều vì cô ấy còn ít tuổi hơn một số người con của ông T., nhiều lời đàm tiếu nên sau này hai đứa con của cô ấy với ông T. cũng là những đứa ít nói, ít giao tiếp. Tôi khi ấy còn trẻ con nên chuyện người lớn tôi không hiểu hết nhưng tôi có một thói quen bất di bất dịch ấy là chuyện tình cảm của người khác tôi đều vun vào, ai cũng có quyền được hạnh phúc và có quyền đi kiếm tìm hạnh phúc còn thiên hạ nói gì mặc kệ họ, bản thân mình cảm thấy được là được. Ai cũng chỉ sống một lần nên phải sống cho mình, không nên sống một cuộc sống do người khác sắp đặt mà tôi gọi là sống hộ, họ vui còn bản thân mình buồn thì thật bất công.
Hắc Bạch Vô Thường thì nhiều người biết vì xem phim ảnh nhưng Ngưu Đầu Mã Diện thì tôi tin nhiều bạn trẻ không rành. Bốn người này hình hài khác nhau nhưng nhiệm vụ giống nhau, có dịp tôi sẽ kể rõ thêm.
Tôi biết, khi các bạn đọc những câu chuyện này cũng có bán tín bán nghi xem thật giả đến đâu bởi vì có quá nhiều “Chuyện ma có thật” đã từng được nghe, tôi nghĩ rằng những câu chuyện tôi kể chỉ là chuyện lạ chứ không phải truyện ma. Bởi vì tôi đã trải qua, chứng kiến, cảm nhận và bởi vì thế có nhiều thứ tôi già trước tuổi, nhiều điều tôi biết hơn cả người lớn. Tôi không phải là một người tài năng hay cái gì cũng biết nhưng qua mỗi trải nghiệm, mỗi biến cố của cuộc đời thì tôi đều dành thời gian ghi chép lại, tự đặt câu hỏi và tự trả lời để có thể đúc kết ra một chân lý cho riêng mình.
Khi tôi bắt đầu ý định viết những câu chuyện của mình thì thực sự tình cờ, tôi đã từng nghĩ cuộc sống bận rộn này với những ánh đèn neon sáng choang thì ai còn quan tâm đến ma quỷ chui rúc những nơi tối tăm và đầy âm khí làm gì?! Tôi đã bắt đầu viết câu chuyện này trong bãi gửi xe ô tô, tôi thậm chí còn nghĩ chẳng ai rảnh mà đọc vì toàn chuyện hoang đường và linh tinh nhưng điều tôi không ngờ là lại có nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ mình chắc sẽ viết được khoảng 50 chương là giỏi lắm rồi nhưng sau đó tôi chợt nhận ra là không phải như thế, khi gần đến chương 50: tôi lại thấy rằng có khi phải 100 chương và bây giờ, khi đạt gần con số 100 thì tôi lại phát hiện ra, mình còn chưa học hết lớp 9 trong khi sóng gió nổi lên chưa thấy đâu, vẫn là những cuộc dạo chơi xung quanh làng và gặp những điều kỳ lạ.
Tại sao tôi lại có thể nhớ được nhiều sự kiện như vậy? Đây là một câu hỏi mà nhiều người muốn hỏi, tôi cũng chân thành nói rằng tôi đã viết rất nhiều nhật ký nhưng vì lý do nào đó, đến trước khi tôi lấy vợ mọi thứ đều cháy hết, cháy sạch chứ nếu không thì tôi có thể mạnh dạn viết cả 1000 chương không mệt vì việc đơn giản là chép lại hoặc... chụp hình post lên là thành truyện. Sau hai lần bị như vậy thì tôi nay đã khôn hơn, tôi bắt đầu viết và gửi email đến một hòm thư bí mật chỉ riêng mình tôi biết, khi con trai tôi tròn 18 tuổi nếu nó vô tình đi học làm phim, nhà văn, đạo diễn... thì cũng có tư liệu để mà viết đỡ phải tra Google, tôi cũng đề phòng “ai đó” sẽ biết được password và xóa hết mọi dữ liệu trong đó nên tôi đã phải cất giấu rất kỹ, kể cả với vợ tôi, cô ấy cũng không biết email đó là gì, chỉ biết rằng có một email lưu trữ như vậy. Đấy là cách nhớ của tôi.
Tôi không biết câu chuyện của mình có bao nhiêu chương, đó là sự thật, mặc dù tôi chưa nhiều tuổi nhưng trải nghiệm của tôi, tôi nghĩ rằng tương đương với người khoảng 50 tuổi. Tôi cũng có đọc một vài câu chuyện ma mị nhưng chẳng biết tác giả, chẳng biết nơi chốn nên tôi rất bực và vì vậy khi tôi viết nên câu chuyện của mình, tôi muốn đưa ra mọi thứ, chỉ có điều gì quá tế nhị và có thể ảnh hưởng đến nhiều người thì thôi, viết bớt đi hoặc có thể chỉ lướt qua cho có, biết đâu đấy, bản thân tôi cũng hy vọng các bạn đang đọc một câu chuyện có màu sắc huyền bí, chân thật dài nhất từ trước đến nay thì sao?!
Câu chuyện đầu tiên liên quan đến con chim lợn với tiếng kêu ghê rợn giữa đêm khuya chưa phải đã hết, tôi còn nhiều lần nghe thấy nữa nhưng tiện chuyện về con chim hay đánh hơi được mùi tử khí này thì tôi kể tiếp không lại quên.
--- Truyện được viết bởi Nam Ngủ Yên.
Khoảng mùa hè 2001 lúc ấy tôi vừa mới thi đại học xong chưa có kết quả nên cuối tuần vẫn giữ thói quen về quê ngủ một đêm trên tấm phản gỗ lim, thói quen về quê vào cuối tuần tôi giữ trong nhiều năm bất kể nắng, mưa, giá rét bởi vì tôi cảm thấy rất thích, đặc biệt mỗi tối thứ Bảy khi tôi dừng xe ở cổng nhà thì đèn ngoài hiên sẽ bật sáng, bà Già, bà Trẻ nhiều khi vẫn chờ cơm tôi về ăn cùng. Ai đó muốn tìm tôi vào tối thứ Bảy hoặc ngày Chủ Nhật thì cứ lên nhà tôi ắt sẽ thấy.
Một tối thứ Bảy của mùa hè năm 2001, khoảng gần nửa đêm khi tôi vẫn còn ngồi đọc truyện thì lại nghe thấy tiếng chim lợn ở phía đầu hồi nhà, hướng lũy tre, tôi nghe cái tiếng éc éc đó mà rợn hết tóc gáy. Trong suy nghĩ của tôi cứ mỗi lần nghe thấy tiếng của con chim ấy là tự hỏi:
- Nó báo hiệu cho mình về bà Già ư?
Nhưng khi ấy tôi không còn là một thằng nhóc nữa và cũng trải qua nhiều chuyện kinh thiên động địa rồi nên cũng không hoảng hốt, chỉ là cảm thấy bực dọc và khó chịu mà thôi.
Khoảng đêm về sáng khi tôi đang ngon giấc trên tấm phản gỗ thì bà H. Lớn đánh thức tôi dậy. Bà H. Lớn tay vẫn chống cái gậy tre già, mắt bà đã mờ đục, tóc bạc trắng và đầu có quấn khăn đen.
- Cò Tý, dậy bà bảo!
- Bà lên chơi bao giờ thế ạ? – Tôi ngồi bật dậy.
- Bà vừa lên tới, cháu đã tỉnh hẳn chưa nào?
- Dạ rồi, bà chờ cháu lấy nước cho bà uống...
- Không cần, bà cũng đang vội, bà dặn cháu mấy điều cháu phải ghi nhớ nghe không?
- Dạ, bà cứ dặn đi ạ!
- Ngôi nhà này cháu tuyệt đối không được phá đi, khi nào nó cũ nát hư hỏng đổ sập thì mới được xây mới theo ý cháu!
- Vâng, cháu nhớ ạ... – Tôi ngồi bên cạnh mép của tấm phản gỗ lim nghe bà H. Lớn căn dặn, khi tôi lớn hơn thì tôi không còn sợ bà như lúc nhỏ mà ngược lại tôi rất thương và quý bà do bà là em ruột ông nội tôi, nhìn rất giống ông tôi nữa.
- Lối đi từ cổng vào nhà khi nào cháu có điều kiện thì nhớ làm lại, cách càng xa bờ rào nhà hàng xóm càng tốt, điều này cháu cũng không cần phải nói với ai, cháu không làm cũng được nhưng ai đó làm thì phải bắt làm theo ý cháu!
- Vâng ạ...
- Những năm tới nếu bố cháu có biến động gì thì nhớ xem kỹ lại thềm nhà, nhớ phải xem kỹ cháu nghe không?
- Cháu nghe ạ, mà sao hôm nay bà lên chơi sớm lại dặn dò cẩn thận thế ạ?
- Ừ, thế nhé, bà phải về ngay bây giờ!
Bà H. Lớn nói dứt lời thì chống gậy bước đi ra cửa, lưng bà đã còng nhưng tôi biết khi còn trẻ bà rất cao, khi còng rồi nhìn vẫn có khí chất lắm, tôi xỏ chân vào dép vội chạy theo bà thì nghe như ở đâu có tiếng gọi cổng ý ới.
- Bà Từ ơi! bà Già ơiiiiiii!
- Ai đấy? – Tiếng bà Già đáp lời.
Tôi cũng choàng tỉnh vì ánh đèn điện bà Già tôi mới bật, tôi ngồi dậy ngơ ngác một hồi chưa hiểu chuyện gì, rõ ràng tôi đang định đi ra cửa nhà để tiễn bà H. Lớn về thì bây giờ lại thấy mình đang nằm trên phản, phải chừng 10 giây sau tôi mới biết là mình vừa mơ, tôi vội vàng nhảy xuống đất và chạy ra sân, bà Già cũng chỉ mới bước xuống đến bậc tứ cấp nên tôi vội lấy đèn dầu của bà đi ra mở cổng.
- Dạ, ai đấy ạ?
- Ơ, thằng Cò Tý mày cũng ở nhà đấy ư?
- Vâng, cháu về tối hôm qua ạ, có việc gì mà cô lên sớm thế ạ?
- Bà cô mày vừa mất rồi, tao lên báo cho bà Già để bà biết!
Tôi đánh rơi cái đèn dầu xuống đất rồi vội nhặt lên, cái bóng đèn bị vỡ và lửa thì tắt ngúm. Tôi vội vã bỏ thanh tre chống cổng ra để mở cổng cho con gái của bà H. Lớn bước vào.
- Bà mất lâu chưa cô?
- Khoảng nửa tiếng rồi!
- Cô vào đi, để cháu chạy ra đầu làng gọi điện báo cho bố cháu ngay!
Tôi vội vàng trở vào nhà, quên luôn cái đèn dầu nằm đổ nghiêng ngoài cổng, mùi dầu hỏa vẫn dính trên tay tôi, khi tôi dắt xe được xuống sân thì đã thấy tiếng bà Già khóc.
- Cô có về luôn không cháu chở?
- Thôi mày đi đi, tao còn phải báo cho mấy nhà nữa!
Bà H. Lớn, em ruột của ông nội tôi, cô ruột của bố tôi, là một người rất nghiêm khắc, nhiều chuyện liên quan đến dòng tộc của nhà tôi đều có ý của bà, thậm chí ngay cả cái tên của tôi cũng là do bà quyết định đặt chứ không phải theo bố tôi muốn, khi sự hiểu biết nhiều hơn thì tôi nhìn những việc bà H. Lớn làm là đều có mục đích sâu xa và đều muốn tốt cho gia đình tôi. Sớm tinh mơ trời lạnh, khi phóng xe ra đầu làng để gọi điện thì trống ngực tôi cũng đập liên hồi, vậy là ngay sau khi bà H. Lớn mất đã dành thời gian để nhắn nhủ, nhắc nhở tôi vài điều, nói thật thì mắt tôi cũng hơi ướt và sống mũi cay cay, bà cô của tôi mất khi 79 tuổi. Bố tôi chỉ gần hai tiếng sau từ Bắc Giang đã có mặt ở quê còn mẹ tôi và những người khác thì đầu giờ chiều mới về đông đủ.
Tôi tin rằng con chim lợn đúng là sứ giả của Diêm Vương, nó đã cảnh báo trước cho tôi rằng người thân tôi mất nhưng tôi không biết rõ, thật may bà H. Lớn linh thiêng đã kịp nhắn nhủ tôi sau khi lâm chung. Cách đây khoảng nửa tháng, nghĩa là sau gần 20 năm bà cụ mất tự nhiên tôi lại mơ nhìn thấy bà cụ trong tấm ảnh đen trắng, nửa đêm tôi tỉnh giấc và ngồi một mình ngoài hiên nhà, tôi tự hỏi đã bao nhiêu lâu tôi không gặp bà rồi mà tại sao khuôn mặt trong ảnh lại rõ rằng như vậy, không hiểu bà muốn nhắn nhủ với tôi điều gì?!
.....
Sau buổi tối thoát khỏi tay ông Bạch Vô Thường hiền lành, tốt bụng nhưng không đẹp trai lắm thì tôi biết chút ít về ông Thổ địa nhà mình, để cảm ơn ông ấy đã ra tay nghĩa hiệp và nhìn thấy bộ đồ của ông ấy cũng cũ kỹ nên tôi đoán ông ấy cũng nghèo, thêm việc ông ấy nói hơn nửa tháng chưa được uống rượu nên tôi đoán ông ấy cũng thèm. Tôi mua hẳn một can rượu 10 lít về, chờ đến giờ gà lên chuồng và bà Già nấu cơm thì hì hục xách can rượu ra vườn, thắp mấy nén nhang rồi rải rượu khắp khu vườn, ra cả sau nhà rồi vòng ra trước nhà. Tôi không biết ông ấy cư ngụ ở đâu nên tôi nghĩ thừa hơn thiếu, còn nếu ông ấy ở bất kỳ chỗ nào thì tôi đoán ông ấy đã có một buổi tối say mèm, dĩ nhiên tôi cũng mua riêng một chai 65 rượu nút lá chuối để bên cạnh đĩa lạc rang, đề phòng ông thấy có thú vui tao nhã là uống rượu, ăn lạc rang ngồi hóng gió bên bờ ao gần cây vối.
- Ông Thổ địa ơi, đây là một bộ quần áo đẹp thêm cả một đống tiền xem như cháu cảm ơn ông đã cứu giúp lúc nguy khốn, nếu ông không nhận được tiền này thì cháu sẽ xin chị Ngọc Hoa để chị ấy cho ông một ít, ông đừng lo, chị ấy rất giàu!
Tôi lẩm nhẩm khấn trong miệng và sau đó thì vái thêm ba vái rồi đứng dậy vào nhà, cảm giác trả ơn người cứu mạng mình cũng thật lạ, rất vui và nhẹ nhõm.
Không giống như bao buổi tối trước đó, tối hôm ấy bà Già không có nhà vì sau khi ăn cơm thì bà đi dự đám ma của bà Th., tôi ở nhà cũng nghe tiếng kèn trống vọng đến rõ mồn một, đường chim bay cỡ gần 200m chứ bao nhiêu đâu. Làng tôi hoặc vùng tôi ở có cái tục lệ là vào buổi tối hay diễn trò ở đám ma, tôi nhớ là có cảnh đưa đò tiễn mẹ qua sông gì đấy và mọi người ngồi xem thường hay cho tiền, hầu như đám nào cũng có, tôi thì chỉ có xem một lần vì lạ rồi sau đó không xem mặc dù nội dung thì tôi thấy khá hay nhưng não nề quá.
Khoảng gần 9g tối thì tôi lại nghe thấy tiếng động nơi cửa sổ nên đặt cuốn truyện lại võng rồi nhanh chóng đi ra vườn, hình bóng của chị Ma với cái váy đỏ mờ ảo đang ngồi gần chỗ lúc tối tôi cúng ông Thổ địa, con ngựa chiến thì không thấy đâu.
- Chị có nghe thấy tiếng kèn trống đám ma không chị?
- Ò í e nhức hết cả đầu, mà sao hôm nay em dở chứng hay sao mà rải rượu khắp cả nhà thế?
- Em gửi cho ông Thổ địa ạ, chả biết ông ấy ở đâu nên em làm thế.
- Mấy cái lão Xã Thần kể cả lớn hay bé lão nào cũng mê rượu chè, đến là tài, bảo sao hồi tối lão ấy mời chị nhưng chị không thích, ngày nào cũng gặp lão nhẵn cả mặt thì ngồi uống rượu có cái gì vui đâu?!
- Tối qua nhờ có chị với ông ấy chứ không em chắc sẽ khó thoát.
- Sợ cái gì? Đấy, đến cả sai nha đi làm cũng nồng nặc mùi rượu bảo sao con chó Mực nó chẳng sủa, cứ say xỉn như thế có ngày bắt nhầm người thì to tội.
- Bà cụ... bà cụ hôm qua em tưởng thoát vậy mà...
- Số đến rồi thì thoát làm sao được, trốn cũng không thoát được. Đám sai nha đấy làm việc công tâm lắm, kể cả có thoát cũng khó mà sống vì Thành Hoàng làng cũng đã được báo cáo, sổ sinh tử ở làng thì cũng đã gạch tên rồi!
- Em cảm ơn chị nữa!
- Cảm ơn làm gì, đất này là mua trắng của làng rồi đâu phải dễ vào, vào bắt người không có lệnh thì bị kiện cho tối mặt ấy chứ, em không phải sợ, số em không chết trẻ được đâu mà lo!
Tôi ngồi đối diện chị Ma nhưng xéo một bên, tôi ngồi cách chị ấy khoảng hai sải tay, tối nay thì không thấy cái vương miện đâu nữa.
- Tối qua chị đội vương miện, sao hôm nay...
- Đội để hù sai nha chơi thôi chứ ngày nào cũng đội làm gì, người ta ai cũng biết mình làm Công chúa rồi mà cứ đội thì ai chơi với. Chị là người hiền lành, thân thiện nên chị thích sự đơn giản.
- À, vâng. Liệu cái ông áo trắng ấy có làm khó gì em không ạ?
- Không, lão ta mà làm khó thì chị sẽ hê lên là sai nha say rượu, bắt đánh người vô cớ. Nhưng em yên tâm, lão mặt trắng đấy khá tốt bụng và lành, lão mặt đen chị nghe bảo là hay gắt gỏng và cục tính. Mà lần sau thì tem tém cái miệng vào không có ngày nó hại cái thân đó biết chưa?
- Vâng, em biết rồi ạ!
Tôi nghe bị mắng thế thì hơi xấu hổ.
- Biết lỗi hay giả vờ biết lỗi mà cúi đầu thế kia?
- Em biết lỗi thật mà, chị dặn rồi mà em quên, lần sau em sẽ nhớ ạ...
Chị Ma nhìn tôi giống như kiểu không tin vậy, tôi đoán là ánh mắt đó đang lườm lườm nhìn tôi, tôi chỉ biết gãi đầu cười gượng.
- Chị, tối qua em nghe chị bảo đây là đất của chị, thế ra ông Thổ địa ở nhờ hay sao?
- Cũng chả phải như thế, đúng là đất này đã được mua đứt rồi nhưng đã là đất thì phải có Thổ địa cai quản nên khi có gia chủ thì Xã Thần của làng này sẽ cử Thổ địa đến trông coi. Thổ địa nhà em nghèo rớt, một phần vì là lính mới nhập môn, hồi còn sống thì ông ấy làm thư lại, cũng tốt tính. Một phần chính là vì gia chủ nhà này mới bắt đầu phát nên ông ấy cũng chưa được hưởng nhiều bổng lộc.
- Lính mới là gì ạ, mà bà em cũng hay thờ cúng cho Thổ địa đấy chứ.
- Bà em có thờ cúng nhưng người già cúng đơn giản, chỉ lễ lạt mới có thêm cái nọ cái kia, cả cái làng này toàn người già nên cúng y chang nhau, bảo sao Thổ địa nhà nào cũng nghèo rớt mồng tơi, nghèo rơi nước mắt. Nãy chị cho ông Thổ địa đất này hai nén vàng, khiếp, mừng như được mùa lúa vậy!
- Thật ra thì... em ... em cũng tính xin chị cho ông ấy một ít...
- Chị có nghe rồi, lão ấy cũng nghe nhưng không mở miệng, lấy cớ mời rượu để nhắc khéo ấy mà, hôm nào chị đi chơi chắc phải hỏi chỗ đổi tiền chứ ở cái làng này – chị Ma khẽ thở dài – Ma nào có tí tiền thì không rượu cũng quay ra chơi thò lò, thua mà cũng cứ chơi nên cháy túi sạch, kể cả ma nữ, chả hiểu cái đất làng này ra làm sao?!
- Hả? Chị nói sao ạ? M... ma mà cũng chơi đỏ đen ạ?
- Ngấm vào máu rồi nên có chết cũng vẫn thế, nhưng mà sẽ sinh ra lắm chuyện đấy!
- Sao thế chị?
- Thua nhiều thì đi phá làng phá xóm, sau cùng chỉ có mấy tay gầy sòng là có tiền thôi, nó lừa hết. Ngay như chị đây này, mấy lần chúng nó rủ chơi nhưng chị không thèm, bán cả mả tổ nhà đứa cầm cái đi cũng không bằng một góc của chị, tiền trên tay chúng nó chỉ đủ đổi một thỏi vàng thì chơi kiểu gì? Muốn chơi thì phải đi hội, đi hội đầu Xuân chơi với người lạ thì mang tiền về mới thích, chị tính rồi, chị sẽ dùng vàng để đổi ra tiền, có nhiều tiền thì tốt, vàng ở đây không tiêu được rất bực mình!
Chị Ma đứng dậy vươn vai, điệu bộ như mỏi mệt, bỗng nhiên con ngựa chiến xuất hiện ngay phía sau, tôi đoán chị ấy lại chuẩn bị đi đâu đấy chơi rồi.
- Chị bảo này, ngày mai em có đi đâu thì đi xem giúp chị một việc, chị đi không tiện.
- Vâng ạ, chị cần em giúp gì?
- Từ Cầu Đình rẽ phải đi qua hai cái cầu, đến cái cầu thứ tư thì em tìm kiếm xung quanh xem có một cái miếu bằng đất nào không, tìm kỹ vào, nếu có tìm thấy thì nên phá cái miếu ấy đi!
- Ph... phá... phá miếu ạ?! – Tôi giật nảy mình, tôi tưởng mình nghe nhầm.
- Đúng rồi, chị đoán nó là cái miếu đất nhỏ, nếu tìm được thì đập bỏ!
- Đ...đập bỏ, đập bỏ đi ạ? – Tôi lắp bắp, trán vã mồ hôi hột.
- Chưa gì đã sợ, em cứ tìm đi đã, tìm được hay không mới là vấn đề quan trọng, tìm được thì phải phá càng sớm càng tốt.
- Sa... sao phải phá ạ? – Tôi dùng tay quệt mồ hôi trên trán, chuyện này không đùa được, đi phá đền phá miếu hậu quả khôn lường, chết mất xác như chơi.
- Chị sẽ giải thích cho em sau, nếu tìm được thì cứ âm thầm mà phá bỏ không cần cúng bái, phải nhớ, không cần cúng bái, ai hỏi cũng không được khai tên thật và gốc tích của bản thân nghe chưa!
- Dạ!
- Bây giờ chị phải đi, em cứ làm theo những gì chị dặn là được và đừng có sợ, dùng sự thông minh của mình và hạn chế gọi người giúp là tốt nhất, khi nguy hiểm đến tính mạng thì gọi chị ba lần chị sẽ đến!
Chị Ma lúc này đã ngồi trên lưng ngựa cao chót vót, vừa nói vừa cười nhìn tôi sau đó dùng tay giật nhẹ dây cương, con ngựa chiến phi nước kiệu rồi biến mất gần nơi cổng nhà bỏ lại tôi đang đứng ngây như phỗng nhìn theo và đang cố hiểu xem những gì chị Ma vừa dặn có phải là những lời nói đùa hay không.... Nhưng chị Ma tôi chưa thấy nói đùa bao giờ cả.