Trời đã tối từ lâu, bầu trời đêm nay không có sao, chỉ có một mảnh trăng sáng rọi chiếu nhân gian. Những cơn gió nhẹ lướt qua làm lay động từng kẽ lá. Y nhanh tay bắt lấy một chiếc lá đang rơi xuống, dù lá vẫn còn xanh nhưng lại cam chịu theo chiều gió thổi mà lìa cành.
Hàng tháng trong Hắc bang lại có vài tên đến từng nhà đòi thuế, có thì họ cho qua còn không có thì họ đánh đập, mắng chửi, thậm chí là giết hại. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh tượng đó, trong lòng y lại dấy lên một cảm giác căm hận khó tả. Y hận không thể rửa sạch máu cho bá tánh thiên hạ, hận không thể lấy đầu ''quỷ vương'', lại càng hận bản thân hồi trước còn quá nhỏ chưa thể bảo vệ được phụ mẫu mới để họ ra đi vô cớ.
(*lưu ý: quỷ vương ở đây có ý chỉ Đại vương là một người tàn bạo, độc ác.)
[12 năm trước, tại làng Chiêu Phong]
Giờ đang là cuối mùa thu, tiết trời se lạnh chuẩn bị mang giá rét của mùa đông tới. Tại làng Chiêu Phong có một gia đình nhỏ tuy nghèo nhưng chung sống với nhau rất hạnh phúc trong một căn nhà lá cũ kĩ. Căn nhà này được làm từ rất lâu rồi kể từ khi tổ phụ của y còn trẻ đến bây giờ cũng đã mười mấy hai mươi năm, vì không đủ điều kiện và một phần cũng muốn lưu giữ lại những kỉ niệm nên họ đã chấp nhận sống ở đây.
Trong gia đình người cha luôn là trụ cột, luôn làm những công việc nặng nhọc để trang trải cuộc sống, chăm lo gia đình. Ông có một nương tử dịu dàng và ba đứa con kháu khỉnh. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng, ông phải dậy từ sớm để lên rừng chặt củi đem ra chợ bán. Trưa thì về ăn cơm cùng gia đình rồi chiều đến lại đi làm thuê cho các gia đình giàu có trong vùng, phải đến tận tối muộn ông mới về đến nhà. Ông cứ luôn như vậy, âm thầm chịu đựng, âm thầm hi sinh. Đôi mắt ông hằn lên những muộn phiền, đôi môi thâm tím và làn da đen sạm theo thời gian ấy đã nói lên những gì mà ông trải qua. Ở bên cạnh ông y luôn cảm thấy an toàn, cảm thấy mình được che chở.
Giờ đã quá nửa đêm, như mọi khi y lại cùng nương thức chờ cha về. Nương ngồi đứng ngoài cửa, trên tay cầm bộ quần áo đã may xong, tay kia cầm một cái kim thêu lên áo những họa tiết họa văn. Từng mũi kim thanh thoát lượn theo đôi bàn tay khéo léo của nương thêu ra những đường chỉ thật bắt mắt. Không khí lạnh lẽo của buổi tối thổi vào tận trong nhà, nương đóng cánh cửa tre lại rồi dắt y vào trong nhà ngồi. Bình thường giờ này cha đã về dùng bữa muộn mà giờ vẫn chưa thấy cha đâu. Nhìn ra ngoài cửa sổ nơi có những ngôi sao lấp lánh kia, y lại nghĩ về ước nguyện được đi học dù chỉ một lần. Nếu sau này có điều kiện thì y nhất định sẽ đi học thật chăm chỉ, không để phụ mẫu phải nhọc nhằn nữa. Trong vô thức, y đã thiếp đi lúc nào không hay biết.
Sáng hôm sau, y tỉnh dậy trên chiếc giường tre, ngồi trên chiếc ghế nhỏ bên cạnh là nương đang dựa đầu lên bàn ngủ. Hiếm khi được thấy nương ngủ ngon như vậy, vì hôm nào nương cũng phải thức thêu thùa, may vá cho khách. Ngắm nhìn nương thật kĩ, đôi mày mềm mại, thanh mảnh tựa lá liễu; đôi mắt to, tròn sáng như ánh sao trời; đôi môi mỏng màu hồng nhạt; mái tóc đen nhánh, mượt mà được chải gọn gàng. Và đặc biệt, trên đầu nương có gài một cây trâm gỗ do chính tay cha làm tặng, đây chính là tín vật định tình của cha cũng là vật lưu giữ những kỉ niệm của hai người. Trong bộ y phục đã phai màu theo năm tháng, tôi hình dung lại hình ảnh của nương ngày trước đoan trang, hiền dịu. Y còn đang suy nghĩ thì Tiểu Ngôn, Tiểu Ân chạy vào đứng cạnh nương. Y đưa ngón tay trỏ lên giữa miệng ra hiệu ám chỉ:
''Suỵt, nhỏ tiếng thôi nương còn đang ngủ.''
Hai đứa trẻ ngây ngô không hiểu y đang ám chỉ điều gì, chúng nghiêng đầu. Hình như hiểu ra chuyện gì, Tiểu Ngôn nói lớn:
''Nương, đừng ngủ nữa, bọn con đói.''
Trời ạ, vậy mà y lại có thể tin tưởng trí thông minh của chúng, cứ nghĩ chúng hiểu ý của mình. Đúng là sai lầm thật mà. Y không còn làm được gì nữa, chỉ có thể nhìn chúng bất lực.
Nương giật mình ngẩng đầu dậy thấy ba đứa con đang đứng cạnh mình thì dịu dàng ôm lấy Tiểu Ân:
''Nương xin lỗi, tại nương mệt quá nên mới chợp mắt một lát.''
Tiểu Ân đang ngồi gọn trong vòng tay của nương, ngước mặt lên nhìn:
''Nương, bọn con đói rồi.''
''À được rồi, để nương vào lấy khoai ra cho các con ăn tạm nhé. Khoai hôm qua nương nướng ngon lắm.''
Hai đứa trẻ mặt xịu xuống, giọng trầm hẳn:
''Sao lại là khoai? Bọn con suốt ngày phải ăn khoai, con ngán lắm rồi.''
Đôi mắt nương đượm buồn, hàng mi dài trúc xuống khẽ rung. Bỗng nhiên không biết từ đâu tới, một người đàn ông trẻ trong bộ đồ xám cũ kĩ không mấy đặc biệt, vội vã chạy đến nhà y. Chống hai tay lên hai đầu gối vừa thở hồng hộc vừa nói gấp gáp:
''A...A Độ...A Độ đã...đã...''
Nhớ lại hôm qua nương vẫn ngồi chờ cha về, đến sáng thì ngủ quên mất cũng không biết cha đang ở đâu. Nhìn sắc mặt thúc ấy cộng với ngày hôm qua cha không về khiến trong lòng có chút bất an. Nương lo lắng đứng dậy, gấp gáp nói:
''A Độ, chàng ấy làm sao?''
Thúc trấn tĩnh lại một lúc rồi hít một hơi thật sâu:
''Chiều hôm qua không thấy A Độ sang nhà phú ông làm, sáng nay trong làng có người đi qua thấy xác của A Độ ở dưới chân núi nên tôi sang đây báo cho cô biết. Mong cô đừng quá đau buồn.''
Mặt nương lúc này tối sầm lại, trong lòng lúc này bắt đầu nhớ về những kỉ niệm phu thê bên nhau. Ba đứa trẻ đứng cạnh đó thì sững sờ, lặng người đi. Từng giọt nước mắt mặn chát lăn dài trên khóe mi. Đôi mắt ướt đẫm lệ, đôi môi run run không nói lên lời. Những giọt nước mắt ấy cứ thế trôi theo dòng kí ức tuôn ra.
Nương nhớ về quá khứ hai người ngồi dưới gốc cây thề hẹn một đời bên nhau giờ vẫn còn nhưng sao người lại không còn nữa rồi. Không kiềm chế được nữa, nương chạy đến chân núi nơi có xác của cha, ba đứa trẻ cũng chạy theo.
Đã đến chân núi, vây quanh là mọi người trong làng đi ngang qua đứng lại để xem. Xác của cha nằm trên đống củi đã được cột chặt bằng dây thừng, xung quanh chỉ toàn là máu. Y thầm nghĩ:
''Không thể sai vào đâu được, chắc chắn cha đã bị sát hại. Nhưng rốt cuộc là ai chứ?''.
Vừa khóc vừa nhìn vào vũng máu bằng ánh mắt hận thù, y nghiến răng:
''Cho dù có là ai đi chăng nữa, sau này con nhất định sẽ báo thù cho cha.''