CHƯƠNG 60: VƯƠNG QUỐC KONGO (2)
Adalbert nói :
- Chúng ta là những người chinh phục, muốn thu phục dân tâm không dễ. Do đó chúng ta cần phải cho bọn họ thấy rằng sống dưới chế độ của chúng ta tốt hơn những nơi khác, và trách nhiệm của các linh mục cũng rất nặng nề.
Linh mục Franz Andreas vội nói :
- Quốc vương Bệ hạ yên tâm. Chúng thần cam kết hoàn thành nhiệm vụ.
Adalbert cũng hy vọng các phương pháp ‘tẩy não’ thời hiện đại sẽ có hiệu quả như các sách vở vẫn tuyên dương.
Vương tử Luitpold thận trọng nói :
- Nếu mọi việc thuận lợi, chúng ta có thể huấn luyện từ 500.000 đến một triệu dân binh người bản xứ. Nhưng để quản lý tốt quân đội, tránh những việc ngoài ý muốn, chúng ta cần có ít nhất 20% quân số là người da trắng, tốt nhất là người Bayern.
Lão Johann Rudolf nói :
- Như vậy Nội các phải cố gắng di dân ít nhất một triệu người.
Vương tử Luitpold nói :
- Càng nhiều càng tốt. Có cả gia đình tốt hơn những kẻ đơn thân.
Những quân nhân có gia đình ở hậu phương thì sẽ ít có khả năng phản bội hơn. Vương quốc Kongo mới thành lập, nhân dân đều là những người bị chinh phục và di dân tứ xứ, nên có những biện pháp đề phòng là cần thiết. Đặc biệt là khi tư tưởng tự do, vô chính phủ đang bành trướng ở châu Âu. Adalbert lại nói :
- Trung tâm nghiên cứu vũ khí của ta đang phát triển một số vũ khí mới. Ngoài ‘bộc phá’ và ‘tên lửa Dynamite’, còn có một loại súng trường đang trong quá trình hoàn thiện, Kongo-1845, có tầm sát thương hữu hiệu lên đến 550m, thậm chí có thể bắn trúng một tấm gỗ mềm ở cự ly 1.000m. Để chuẩn bị cho chiến sự trong tương lai, ta đã cho bảo mật thông tin và bí mật sản xuất. Với ưu thế vượt trội về vũ khí, ta hy vọng quân đội của chúng ta có thể giành được ưu thế trên chiến trường.
Hiện tại, quân đội Britain sử dụng súng trường Brunswick, quân đội France sử dụng súng trường Delvigne, các nước khác sử dụng những loại súng tương tự, có tầm bắn chỉ 300 yard, tương đương 275m. Súng trường Kongo-1845 có tầm bắn gấp đôi, một khi xuất hiện trên chiến trường sẽ là cơn ác mộng của kẻ thù. Nguyên bản lịch sử, người France dựa trên mẫu súng trường Carabine, đã phát triển thành súng trường P1851-Minie tương tự như loại Kongo-1845 này. Nhưng hiện tại cha đẻ của súng trường Carabine là Thouvenin đã trở thành thành viên của Viện Khoa học Adalbert, nên có khi súng trường Minie sẽ không có cơ hội xuất hiện ở France.
Vương tử Luitpold là một quân nhân, nghe nói có vũ khí mới, ánh mắt sáng bừng lên, vội hỏi :
- Có súng mẫu không vậy ? Ta muốn thử nghiệm.
Adalbert bảo :
- Cận vệ của ta có mấy khẩu. Lát nữa anh có thể lấy ở chỗ bọn họ.
Lão Johann Rudolf nắm rõ tình hình ở Bayern, liền nói trở lại chính đề :
- Quốc vương Bệ hạ. Chúng ta giả định cách mạng sẽ xảy ra như dự kiến. Do ảnh hưởng của vụ Lola Montez, dân chúng Bayern rất bất mãn, nếu bị kẻ xấu kích động sẽ rất dễ phát sinh bạo loạn. Tình hình lý tưởng nhất là chỉ có dân chúng bạo loạn, còn quân đội trung lập. Trong trường hợp này, một vạn tự vệ ở Augsburg có thể kiểm soát tình hình. Còn tình huống xấu nhất là có sự can thiệp từ nước ngoài, chẳng hạn như France, Oesterreich. Lúc đó cần phải có viện quân từ Kongo.
Quân đội Bayern không ủng hộ vương tộc, bằng chứng là trong cuộc bạo loạn năm 1844, bọn họ đã không nghe theo mệnh lệnh của quốc vương, do đó bọn họ giữ trung lập là tình trạng lý tưởng nhất. Làm quốc vương mà như Ludwig I der Bayern thì thật thất bại.
Adalbert bảo :
- Để dự phòng tình huống xấu nhất, ta mới phải bảo mật các loại vũ khí mới, nhằm đối phó với quân France, Oesterreich. Đây là một nguy cơ, nhưng cũng là một cơ hội. Ta hy vọng sự việc có thể diễn ra theo kịch bản sau đây.
Mọi người lập tức tập trung nghe cậu nói.
- Tin cách mạng từ Paris truyền đến Munchen, bạo loạn bùng phát, quốc vương thoái vị, tình trạng vô chính phủ bắt đầu, trả thù chính trị, cướp của giết người lan tràn, khắp nơi hỗn loạn, dân chúng hoang mang. Quân tự vệ từ Augsburg tiến về Munchen, phối hợp với người của ta trong cả hai phái Tự do và Bảo thủ, lập lại trật tự. Lúc này, những kẻ cực đoan hoặc chống đối đều đã chết trong khi hỗn loạn. Tình hình nhanh chóng được kiểm soát. Chúng ta đưa những người thân chúng ta trong cả hai phái ra ứng cử, thành lập Nghị viện. Sau đó, quân France, Oesterreich và Sardinia can thiệp. Nghị viện mới được bầu trở thành Nghị viện Vệ quốc, kêu gọi dân chúng vũ trang đánh giặc giữ nước. Chúng ta phải vũ trang tối thiểu 300.000 Vệ quốc quân. Ở mặt trận phía tây và phía nam, chúng ta cố thủ trận địa, tập trung lực lượng giải quyết quân Oesterreich ở phía đông. Ở mặt trận phía nam, quân Sardinia thông qua Milan và Tyrol, uy hiếp Augsburg. Viện quân Kongo tấn công bọn họ từ phía sau, chiếm giữ Sardinia, Piedmont, Milan và Tyrol, tiêu diệt quân Sardinia, rồi phối hợp với Vệ quốc quân tràn vào đất Oesterreich, buộc triều đình Vienna cầu hòa. Chúng ta có thể giữ thể diện cho Hoàng đế Ferdinand, tuyên bố chiến tranh bất phân thắng bại, Oesterreich trả lại Tyrol và Salzburg cho chúng ta, còn chúng ta cũng trả lại Pfalz cho Oesterreich, đồng thời Oesterreich cũng từ bỏ chủ quyền đối với vương quốc Lombardy – Venetia lúc này đang nằm trong tay quân cách mạng. Sau đó, chúng ta tập trung lực lượng giải quyết mặt trận phía tây, đuổi quân France về nước, rồi chiếm giữ vùng duyên hải phía nam. Song phương cầm cự vài tháng. Nước France hỗn loạn vì bạo động và thiếu lương thực nên phải cầu hòa. Song phương cũng tuyên bố hòa nhau, France nhượng lại vùng duyên hải phía nam và các đảo ở Địa Trung Hải cho chúng ta, đổi lại chúng ta sẽ nhượng lại vùng Baden cho France. Ta không dám hy vọng kịch bản này sẽ hoàn thành một cách mỹ mãn, nhưng chỉ cần thành công một bộ phận cũng tốt lắm rồi. Bayern muốn phát triển cần một đường ra biển.
Mọi người đều mong chờ viễn cảnh đó sẽ xảy ra. Nhưng vương tử Luitpold lại thắc mắc :
- Chúng ta chiến thắng, tại sao phải tuyên bố hòa nhau và đổi đất ?
Adalbert giải thích :
- Chúng ta cần hòa bình để phát triển. Ta không hy vọng Bayern sẽ trở thành kẻ thù số một của người France và người Oesterreich. Khi đó chỉ có người Prussia hưởng lợi. Trước đó, chúng ta có thể tố tạo hình ảnh đáng thương, bị ức hiếp sau mấy lần đổi đất thời Napoleon. Đến lúc đó, nhiều người sẽ nghĩ rằng chúng ta chỉ đòi lại những gì đã mất, có qua có lại mà thôi.
Mọi người trầm tư hồi lâu, rồi lão Johann Rudolf nói :
- Chúng ta có hai năm để chuẩn bị. Hy vọng mọi sự sẽ thuận lợi, đạt thành ước vọng của Quốc vương bệ hạ.
Đó cũng là tâm nguyện chung của những người hiện diện.
Hiện tại, diện tích của vương quốc Kongo, kể cả các vùng tuyên bố chủ quyền nhưng chưa trực tiếp kiểm soát, được xác định là 3,9 triệu km2, phân chia thành 66 tỉnh, sau đó lại được chia thành 2.188 hạt, tỉnh ít nhất có 24 hạt, nhiều nhất có 38 hạt. Các đô thị lớn chủ yếu tập trung dọc theo hai bờ sông Kongo, do điều kiện giao thông thuận lợi.
Đến phiên Viện trưởng Viện Thần học Franz Andreas kể khổ :
- Quốc vương Bệ hạ. Do quy mô lãnh thổ bành trướng quá nhanh, số lượng linh mục không đáp ứng đủ nhu cầu, thêm vào đó điều kiện giao thông quá lạc hậu, nên việc truyền giáo không được như ý muốn. Chỉ riêng vùng Hạ Kongo đã cần đến gần một nghìn linh mục. Nếu mở rộng ra toàn vương quốc, tương lai tối thiểu cần hơn ba nghìn, trung bình mỗi linh mục phụ trách một vạn dân. Trong khi đó, hiện tại chúng ta chỉ mới có 386 linh mục, kể cả những người phục vụ trong quân đội. Việc đào tạo linh mục cũng không dễ dàng, bởi một linh mục tối thiểu phải biết chữ.
Linh mục có vị trí rất quan trọng trong chính quyền của Adalbert. Bọn họ chăm lo đời sống tinh thần, định hướng dư luận, đặc biệt còn có thể ‘tẩy não’, đảm bảo sự trung thành của dân chúng. Vì thế cậu mới cần nắm chắc hệ thống giáo hội, để khỏi phải chịu sự phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài. Cậu trầm ngâm hồi lâu, rồi hỏi :
- Sau hai giai đoạn chiến tranh, thu hoạch có khả quan không ?
Heinrich Siebert nói :
- Quốc vương Bệ hạ. Các bộ lạc địa phương tuy lạc hậu nhưng rất giàu có, đặc biệt kho tàng của các vương quốc càng phong phú hơn. Bọn họ có nhiều vàng bạc châu báu, nhưng thương mại kém phát triển, chủ yếu dùng để trang sức và đồ dùng tế tự, tích lũy từ năm này qua năm khác, nên tài sản rất đáng kể. Ở giai đoạn một, chúng ta thu được 470 tấn vàng, gần 40 tấn bạc, khoảng 22.000 viên kim cương, hơn 5.000 khối đá quý các loại. Đặc biệt là ở đây vàng nhiều hơn bạc, kim cương nhiều hơn đá quý. Giai đoạn hai thu hoạch kém hơn chút, nhưng cũng rất đáng kể. Tính thêm các khoản thu nhập khác, ước đạt 220 triệu bảng.
Chiếm lĩnh địa bàn của thổ dân thường thu được rất nhiều vàng, như Britain chiếm India, Spain chiếm Trung - Nam Mỹ. Chỉ một đoàn thuyền chở châu báu của Spain từ Mexico về nước đã có 1.624 thanh bạc, mỗi thanh nặng 36kg; 500 rương vàng (gồm cả các thanh vàng và đồng tiền vàng); 800 khổi ngọc Tổ mẫu lục; 2.600 khối ngọc quý các loại; cùng với vô số đồ trang sức bằng vàng bạc, châu ngọc, đá quý. Không tính châu ngọc, chỉ tính riêng vàng đã nặng đến 130 tấn, bạc gần 60 tấn. Trong khi đó, châu Phi lại là nơi có trữ lượng vàng và kim cương lớn nhất thế giới. Đương nhiên, khoản thu nhập khổng lồ trên chỉ có được một lần, hết rồi thì thôi, bởi kinh tế của châu Phi rất kém phát triển. Trong một thời gian dài từ thế kỷ 19 trở về trước, thương phẩm chủ yếu của các thuộc địa châu Phi là ngà voi và nô lệ.
Adalbert thoáng giật mình. Những người khác đều kinh hãi. Mọi người đều biết chiến lợi phẩm rất khả quan, nhưng không ai ngờ thu nhập lại cao đến như vậy.
Ngày 14 tháng 2 năm 1846, hôn lễ của Adalbert và Johannetta được cử hành trọng thể tại Cung điện Hoàng gia Buckingham. Buổi lễ có sự tham dự của toàn thể các quân vương ở Âu châu, là một thịnh hội không tiền. Adalbert không thích các nghi thức phiền phức, nhưng cũng đành chịu. Hiện tại cậu không còn là một tiểu vương tử nữa, mà là một vị quốc vương đại diện cho một quốc gia.
Yến hội trong Cung điện Buckingham, cũng như mọi khi, sau phần yến là đến phần hội. Hai nhân vật chính của đêm nay, Johannetta và Adalbert, trở thành trung tâm của mọi người. Tuy nhiên, sau một phen khách sáo, mọi người đều cáo từ, chỉ còn lại nữ vương Victoria và vương phu Albert, công tước Adolphus và công tước phu nhân Augusta (cha mẹ cô dâu), quốc vương Ludwig I và vương hậu Therese (cha mẹ chú rể), Adalbert và Johannetta, cùng với hai vị thủ tướng đương nhiệm và tiền nhiệm của Britain là nam tước Robert Peel và tử tước William Lamb.
Vương quốc Britain và vương quốc Kongo đã trở thành đồng minh toàn diện sau khi ‘Hiệp ước London’ được ký kết hồi tháng trước. Thông qua Hiệp ước này, người Britain có thể bảo đảm những lợi ích thương mại của bọn họ ở khu vực trung bộ châu Phi mà không phải tốn kém chi phí quân sự trong tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay. Vì tình hình kinh tế khó khăn nên dân chúng mới bất mãn, tích tụ lâu ngày diễn biến thành cách mạng, đặc biệt là khi dịch bệnh trên khoai tây gây ra ‘Nạn đói lớn’ ở Ireland lan sang các phần khác của châu Âu. Vương quốc Kongo cũng được lợi qua Hiệp ước này nhờ cải thiện được hoàn cảnh quốc tế. Nói tóm lại, quan hệ giữa hai nước rất tốt, cũng giống như quan hệ giữa vợ chồng Adalbert và vương thất Britain vậy.
Sau một lúc hàn huyên, tử tước William Lamb chợt hỏi :
- Nghe nói ở Kongo có một loại thuốc mới rất tốt, được nhiều người châu Âu xem là thần dược chữa bách bệnh ?
Nam tước Robert Peel cũng nói theo :
- Thứ thuốc đó dường như gọi là penicillin, đang rất khan hiếm, giá ở thị trường chợ đen lên đến 5 pounds một liều, vậy mà cung vẫn không đủ cầu, có bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu.
Adalbert lắc đầu nói :
- Nó là penicillin, chỉ là một loại dược phẩm, không phải thần dược gì đâu. Ta xem trong sách, thấy người Serbia và Greece cổ đại đã biết cách sử dụng mốc bánh mì để điều trị các vết thương và nhiễm trùng. Ở Russia, nông dân nghèo cũng sử dụng một loại đất ẩm để điều trị các vết thương bị nhiễm trùng. Ở Poland, bánh ướt được trộn với mạng nhện để điều trị vết thương. Nhưng các phương thức đó có lúc thành công có lúc thất bại, nên không được sử dụng phổ biến. Ta liền nghiên cứu mốc bánh mì, chiết xuất được penicillium, một loại nấm có thể giết chết vi khuẩn. Ta cho mang nó đến Kongo thử nghiệm, không ngờ hiệu quả rất tốt, không chỉ chữa trị được các vết thương nhiễm trùng mà còn điều trị được các chứng bệnh sốt vàng da, giang mai, viêm loét, lậu mủ. Tuy nhiên, nó cũng có một số tác dụng phụ như phát ban hay tiêu chảy đối với một số người bị dị ứng. Cũng nhờ có nó mà quân đội của ta mới khắc phục được các chứng bệnh ở môi trường rừng rậm nhiệt đới. Chỉ đáng tiếc sản lượng còn thấp, chưa đủ cung ứng cho quân đội nữa, nên không có bán ra ngoài thị trường. Số xuất hiện ở châu Âu là theo đường không chính thức.
Mọi người không ngờ một loại ‘thần dược’ như thế lại được đề cập trong các văn hiến như là một loại bùa ngải của các thầy phù thủy.
(1) His Majesty : thường được dịch là ‘Quân vương Bệ hạ’. Ví dụ : tên đầy đủ của ‘Chính phủ Anh’ là ‘Her Majesty's Government’ (Chính phủ Quân vương Bệ hạ)