Ảo Mộng Nhân Sinh

Chương 59: VƯƠNG QUỐC KONGO (1)



Chương 59 : VƯƠNG QUỐC KONGO (1)

Để đất nước có thể ổn định lâu dài, Adalbert đã xây dựng Vương quốc Kongo theo chế độ trung ương tập quyền mạnh mẽ, toàn bộ chủ quyền quốc gia đều thuộc về triều đình trung ương. Triều đình gồm có năm cơ quan chủ yếu : Nghị viện, Nội các, Quân bộ, Viện Cơ mật và Pháp viện Hoàng gia.

Quyền lập pháp được giao cho Nghị viện, sẽ được triệu tập trong tương lai, dự kiến vào giữa năm 1847. Nghị viện Kongo sẽ được tổ chức thành hai viện theo kiểu Britain, gồm Viện Huân quý và Viện Dân biểu. Viện Huân quý chứ không phải Viện Quý tộc, để bình dân có cơ hội tham gia, chỉ cần lập công với triều đình, đương nhiên thành viên của Viện Huân quý cũng do cử tri bầu ra, nhưng chỉ những người có huân công hoặc quý tộc mới được quyền ứng cử (khác với Viện Quý tộc ở Britain chỉ dành cho quý tộc). Theo quan điểm của Adalbert, những người có công đương nhiên phải được ưu đãi hơn, dân chúng cũng nhận đồng quan điểm này. Còn Viện Dân biểu là đại biểu của nhân dân. Các cuộc bầu cử đều theo hình thức phổ thông đầu phiếu, mỗi cử tri một phiếu, tư cách ngang nhau, giá trị lá phiếu của cử tri không phụ thuộc vào tài sản của họ.

Nội các được giao quyền hành pháp, do Thủ tướng đứng đầu, bên dưới có một Phó thủ tướng và 9 Bộ trưởng phụ trách các bộ : Nội vụ, Ngoại giao, Giáo dục, Tài chính, Y tế, Thương nghiệp, Công nghiệp, Nông nghiệp, Giao thông. Lão quản gia Johann Rudolf der Schmid ‘công lao khổ lao’ đều có, lại là người đáng tin cậy, nên được bổ nhiệm làm Thủ tướng đầu tiên. Phó thủ tướng là Herbert Leutheusser, một chuyên gia kinh tế. Các Bộ trưởng lần lượt là Ulrike Eulenberg, Joseph Rumschottel, Katharina Weigand, Friedrich Pustet, Jorg Schuller, Florian Zedler, Felix Graf, Kaspar Rudolf và Matthaus Koch. Đây thật ra là những người làm việc dưới quyền lão quản gia trước đây để quản lý các tài sản của Adalbert, nay được mở rộng chức năng, thay đổi bảng hiệu, trở thành Bộ trưởng.

Quân bộ phụ trách các vấn đề về quân sự, do Adalbert trực tiếp quản lý, gồm các bộ : Tham mưu, Lục quân, Hải quân, Hậu cần, Tuyên truyền. Vương tử Luitpold Karl Joseph Wilhelm der Bayern làm Tổng tham mưu trưởng. Bộ trưởng Lục quân là Ritter der Hertling, Bộ trưởng Hải quân là Heinz Angermeier. Bộ trưởng Hậu cần là Johann Navarro. Bộ trưởng Tuyên truyền là linh mục Joseph Wagner.

Viện Cơ mật gồm các phân viện : Viện Điều tra, Viện Kiểm sát, Viện Khoa học, Viện Văn hóa và Viện Thần học, lần lượt do Heinrich Siebert, Martin Segitz, Hermann Weigand, Hanns Ehard và linh mục Franz Andreas chủ trì. Viện Thần học có trách nhiệm đào tạo các linh mục theo hệ tư tưởng của Adalbert, trước mắt phục vụ trong quân đội như là linh mục tuyên úy, và là cái nôi của Giáo hội Bayern sau này.

Pháp viện Hoàng gia được giao quyền tư pháp, gồm bảy thẩm phán tối cao do Quốc vương bổ nhiệm, gồm ba người gốc Bayern, một người gốc German, một người gốc Italy, một người gốc Britain và một người da đen bản địa.

Sau đó, dưới sự chủ trì của Adalbert, triều đình họp phiên tổng thể đầu tiên, bàn về các chính sách và mục tiêu quốc gia trong năm 1846. Sau đó các cơ quan đơn vị sẽ họp riêng để đưa ra chính sách hành động cụ thể. Adalbert chỉ ‘thống trị’ chứ không ‘cai trị’, chỉ đề ra chiến lược quốc gia chứ không trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện.

Tối hôm đó, Adalbert triệu tập Thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng, Viện trưởng Viện Điều tra và Viện trưởng Viện Thần học đến mật đàm, chủ yếu là để nắm tình hình hiện tại và phân công nhiệm vụ cho các kế hoạch tương lai. Đây là những người thân tín nhất của cậu.

Trước tiên, lão Thủ tướng Johann Rudolf giới thiệu kỹ hơn về địa bàn kiểm soát được ở vùng Đại Kongo :

- Quốc vương Bệ hạ(1). Toàn vùng Đại Kongo, trừ các thuộc địa vùng duyên hải của Portugal thì còn lại khoảng 4 triệu km2, từ Đại Tây Dương cho đến vùng hồ Tanganyika và hồ Mweru. Bên kia là vùng Tanzania nằm bên bờ Ấn Độ Dương. Thần kiến nghị trong tương lai nếu có điều kiện thì hãy mở rộng sang bên đó. Hiện tại, chúng ta mới kiểm soát được khu vực trung – hạ du lưu vực sông Kongo. Phần thượng du sông Kongo vẫn còn do các lực lượng bản địa trung thành với ManiKongo kiểm soát. Hiện tại, quân đội đang tập trung chinh phạt các khu vực phía nam thuộc địa bàn của các vương quốc Angola, Dongo, Matamba và Ambuila.

Vương tử Luitpold Karl Joseph Wilhelm der Bayern giải thích :

- Vì vùng duyên hải Angola đang là thuộc địa của Portugal, để tránh những tranh chấp không đáng có, chúng ta cần sớm xác định chủ quyền ở các khu vực phía nam. Quân đội chỉ tấn công các thế lực lớn, chủ yếu là triều đình các vương quốc và các bộ lạc đông hơn nghìn người. Tù binh bị sung làm khổ công, còn giới quý tộc và những kẻ cứng đầu trực tiếp bị biếm làm nô lệ, bán cho đám nhà buôn nô lệ người Britain. Còn những bộ lạc nhỏ được chiêu an, chính sách giống như ở vùng Hạ Kongo. Đối phương người đông nhưng phân tán, lạc hậu, và không biết biến thông, nên đối phó rất dễ dàng.

Viện trưởng Viện Điều tra Heinrich Siebert nói :

- Quốc vương Bệ hạ. Viện Điều tra đang thống kê chiến quả, nhanh nhất cũng phải nửa tháng nữa mới có kết quả chính thức. Sơ bộ ước tính tổng diện tích khoảng 1,8 triệu km2, dân số còn lại khoảng 9 triệu người, trong đó có 1,2 triệu tù binh chiến tranh.

Khi nghe Viện trưởng Viện Điều tra Heinrich Siebert báo cáo về khoản chiến lợi phẩm thu được sau hai giai đoạn chiến tranh, mọi người đều giật mình vì không ngờ thu nhập từ chiến tranh lại cao đến như vậy. Ở giai đoạn hai này, vùng kiểm soát rộng hơn gấp đôi, quy mô dân số tương đương so với giai đoạn một (vùng trung – hạ du sông Kongo), nhưng số tù binh chiến tranh ít hơn, cho thấy quy mô chống đối nhỏ hơn, chiến tranh ít khốc liệt hơn. Uy thế của quân đội Vương quốc Kongo đã thể hiện rõ đối với dân bản địa.

Adalbert hỏi :

- Có vẽ được bản đồ thực địa chưa ?

Một quốc gia đương nhiên cần có bản đồ, từ đó mới phân chia địa giới hành chính rõ ràng được. Heinrich Siebert nói :

- Quốc vương Bệ hạ. Cục Bản đồ đã vẽ được bản đồ toàn bộ vùng Đại Kongo. Nhờ có Khinh khí cầu do các vị bên Viện Khoa học sáng chế, công việc đã hoàn thành sớm hơn dự kiến và bản đồ cũng dễ xem hơn.

Adalbert gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Bản đồ ở Âu châu thời này không chi tiết như các bản đồ hiện đại, nhưng vẫn xem được, tốt hơn các bản đồ kiểu Á Đông nhiều. Nội các đã dựa vào bản đồ này để phân chia các vùng hành chính của vương quốc. Theo ý của Adalbert, mỗi tỉnh tối thiểu phải có diện tích 30.000 km2 (ở vùng đông dân), mỗi hạt tối thiểu 1.000 km2, còn thành phố - thị trấn – làng có diện tích vài chục km2. Riêng quy mô dân số không bắt buộc, bởi vương quốc vẫn đang trong quá trình tiếp nhận di dân với quy mô lớn. Thủ phủ của các tỉnh phải được kết nối với nhau bằng quốc lộ, quy cách 12m; thủ phủ các hạt kết nối bằng tỉnh lộ, quy cách 8m; thấp hơn nữa là hương lộ, quy cách 4m. Nhờ có số lượng tù binh chiến tranh khổng lồ, cậu hy vọng có thể hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản của vương quốc (điện – đường – trường – trạm). Dân bản địa tuy còn lạc hậu, nhưng đặc biệt có sức khỏe, lại thích hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, đảm trách các công việc lao động chân tay không thành vấn đề.

Adalbert suy nghĩ giây lát, đoạn nói :

- Thi hành nghĩa vụ giáo dục bắt buộc, miễn phí đối với bậc tiểu học. Ân ! Mục tiêu trước mắt, chỉ cần dạy cho dân chúng biết đọc, biết viết và biết tính toán cơ bản. Viện Thần học cần đào tạo ít nhất 5.000 linh mục trong vòng hai năm tới.

Khổ công có sẵn, gỗ có sẵn trong rừng, xây dựng các lớp học không tốn kém gì mấy. Vấn đề ở chỗ thiếu giáo viên. Nếu như tính dân số khoảng 30 triệu, trừ những người quá nhỏ hoặc quá già, còn khoảng 25 triệu người phải phổ cập giáo dục, mỗi lớp học 50 học sinh thì cần tổ chức đến 500.000 lớp học. Đương nhiên mục tiêu phổ cập giáo dục không phải tiến hành đồng loạt, mà có thể phân thành nhiều năm. Adalbert dự định sẽ chiêu mộ khoảng một vạn giáo viên tiến hành phổ cập giáo dục, yêu cầu cơ bản có thể dạy được tiếng Bayern (kiểu như nhiều Trung tâm ngoại ngữ tuyển giáo viên bản ngữ, không cần chuyên môn sư phạm). Mỗi giáo viên phụ trách hai lớp (hai buổi), mỗi lớp 50 học sinh, thì mỗi năm có thể xóa mù chữ cho khoảng một triệu người. Nếu chỉ dạy đọc, viết và tính toán cơ bản, trừ khi trí thông minh có vấn đề, nếu không chỉ cần một năm là đủ. Chương trình tiếng Anh bằng B ở Việt Nam (không cần học qua bằng A), học 3 buổi tối mỗi tuần, mỗi buổi 2 giờ, thì cũng chỉ có 6 tháng, chương trình cấp tốc có 3 tháng. Adalbert không yêu cầu đào tạo những nhà văn, nhà thơ hay nhà khoa học (chuyện này không thể gấp được), mà chỉ cần người dân có thể đọc sách báo hay giao tiếp cơ bản bằng tiếng Bayern là tốt lắm rồi.

Lão Thủ tướng Johann Rudolf thân cận Adalbert lâu ngày, biết tính cách của cậu, liền hỏi :

- Quốc vương Bệ hạ. Hai năm sau có chuyện gì xảy ra sao ạ ?

Adalbert nghiêm mặt nói :

- Kể từ lúc này, mọi nội dung đều là tuyệt mật.

Hiếm khi cậu có thái độ như thế, mỗi lần đều là đại sự. Mọi người giật mình, vội tuyên thệ sẽ tuyệt đối giữ bí mật. Thần sắc ai nấy đều trở nên trịnh trọng. Adalbert nói :

- Ta nhìn thấy ... Ân ! Ta nhìn thấy cách mạng, toàn châu Âu đều bùng nổ cách mạng, bạo loạn và chiến tranh. Ta hy vọng đó không phải là sự thật, nhưng chúng ta cũng phải dự phòng cho tình huống xấu nhất.

Ngừng lại một lát, thở nhẹ một tiếng, cậu mới nói tiếp :

- Ta thấy ... cách mạng bắt đầu ở Paris, quốc vương Louis Philippe bị lật đổ, người France tuyên bố cộng hòa và bầu cử tổng thống, giống như cuộc cách mạng thời Louis XVI. Sau đó cách mạng lan sang Baden, người của phe tự do kích động nông dân nổi dậy đốt các trang viên của giới quý tộc; đại công Leopold phải lưu vong, quân nổi dậy thành lập chính phủ lâm thời, liên hệ với Pháp mua vũ khí để vũ trang quân cách mạng, rồi tràn sang Pfalz. Vài ngày sau, cách mạng lan sang Bayern, dân chúng vì bất mãn với Lola Montez nên cũng bất mãn với phụ vương, dưới sự kích động của phe tự do, đã nổi dậy tấn công Cung điện hoàng gia, buộc phụ vương phải thoái vị. Tiếp đó là đến lượt Oesterreich, Hoàng đế Ferdinand phải chạy về Tyrol, Thủ tướng Metternich phải lưu vong sang Britain. Ở Prussia, cách mạng bị trấn áp đẫm máu, và quân Prussia lấy cớ trấn áp cách mạng tràn sang các nước khác, một số vùng lân cận bị sát nhập vào vương quốc Prussia. Nói tóm lại, đó là một thời kỳ đen tối và hỗn loạn.

Mọi người sững sờ, không ngờ về một viễn cảnh đáng sợ đến vậy. Lão Johann Rudolf nhìn hai anh em Adalbert, khẽ than một tiếng, nói :

- Cho dù chuyện đó có xảy ra, chúng ta cũng không có cách nào đề phòng. Cả Quốc vương Bệ hạ và vương tử điện hạ đều không có chút ảnh hưởng nào đối với chính phủ ở Munchen. Nếu chúng ta can thiệp, có khi còn bị xem là có mưu đồ bất lương.

Điều lão nói cũng không phải vô lý. Adalbert không được quốc vương và đại vương tử yêu quý, còn vương tử Luitpold tuy có được quốc vương yêu quý nhưng vì thế mà mất lòng đại vương tử. Adalbert nói :

- Nếu chuyện đó xảy ra, chúng ta cũng không thể ngăn cản. Ta chỉ hy vọng chúng ta có chuẩn bị, để có thể cứu vãn tình hình.

Vương tử Luitpold gật đầu nói :

- Chuẩn bị trước chẳng có hại gì. Nếu sự việc xảy ra thì chúng ta mới có năng lực khôi phục vương quyền. Còn nếu sự việc không xảy ra thì càng tốt, và những thứ chuẩn bị cũng không vô ích, chúng ta có thể mở rộng lĩnh thổ của Kongo.

Heinrich Siebert chợt nghĩ đến một chuyện, nói :

- Hóa ra Quốc vương Bệ hạ ưu đãi dân bản xứ là muốn thu phục dân tâm, đổi lấy sự trung thành của bọn họ. Ở đây chúng ta có quá ít người da trắng. Nếu muốn mở rộng quân số thì chỉ có thể vũ trang bọn họ mà thôi.


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv