Sáng hôm nay, tâm trạng của tôi tốt lên trông thấy. Bảy phần vì Tiểu Mai đã khỏi bệnh và bình phục rất nhanh, ba phần vì tiết trời đang độ giữa thu càng làm lòng người thêm phần khoan khoái. Tôi cẩn thận bưng khay cháo cá bớp lên phòng Tiểu Mai, nhẹ nhàng đẩy cửa ra:
- Dậy nào em ơi, dậy ăn cháo ngon lắm nè!
Tiểu Mai đã ngủ dậy tự lúc nào, nàng tựa người vào thành giường, đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ kế bên. Một khoảng trời quang đãng màu xanh lộng gió khoan thai, thổi dìu dịu làm tấm màn cửa màu xanh nhạt khẽ tung lên từng hồi. Những tia nắng sớm mai đậu vào khung cửa, lướt trên đôi bàn tay người con gái đan xiết vào nhau, rồi nhảy nhót trên gương mặt nàng.
- Chà, ngắm cảnh làm thơ hở nàng? - Tôi nháy mắt trêu.
Nhưng Tiểu Mai không trả lời, nghe tôi gọi chỉ bèn quay sang nhìn:
- …!
Rồi nàng nở một nụ cười hàm tiếu, một giọt nước mắt lăn trên gò má trái, thản nhiên chảy thành dòng. Ánh nắng khi đó càng làm dòng nước mắt thêm phần lung linh, tô điểm cho nét rạng ngời của nụ cười tươi, cạnh đó đôi làn tóc mai hững hờ bay theo gió.
- Sao… sao lại khóc rồi? - Tôi hoảng hốt.
Tiểu Mai vẫn chẳng nói một lời nào, chỉ cười nhìn tôi, tựa như không hề biết mình đang khóc. Rồi ngay sau đó, ánh nắng bất thần làm… thân ảnh nàng lấp lánh đến hư ảo. Làn tóc, ánh mắt, bờ môi đang hé nụ cười bỗng chốc dần vỡ nát theo chiều gió như một tấm gương bị đánh tan tành. Từng mảnh hình ảnh là Tiểu Mai đang vụn vỡ rồi nát tan, đổ ào bay theo cơn gió cuốn ra ngoài cửa sổ.
Tôi nghẹn thở buông khay cháo rơi xuống đất đánh xoảng một tiếng, vỡ tan tành.
…
Rồi bật người thảng thốt, tôi choàng tỉnh dậy, cả thân người ướt đẫm mồ hôi. Tôi thở hổn hển nhận ra mình vẫn còn đang ở trong phòng, kế bên là chiếc đồng hồ báo thức đang reng lên inh ỏi, vừa điểm sáu giờ mười lăm phút sáng.
Hóa ra vừa rồi, tất cả là một cơn ác mộng.
Tôi vội vàng phóng ra khỏi giường, tung cửa ba chân bốn cẳng chạy sang phòng Tiểu Mai, quên cả gõ cửa mà xộc thẳng vào tìm nàng. Nhưng không, trong phòng chẳng có ai cả. Trước mắt tôi lúc này là khung cảnh hệt như cơn ác mộng vừa rồi, cũng ô cửa sổ đó đang được nắng sớm chiếu vào, cũng tấm màn màu xanh nhạt đang tung bay phất phơ.
Một cảm giác hoảng hốt chạy dọc thân thể như điện, tôi hít thở thật sâu rồi lại phóng xuống dưới lầu. Sự hoang mang vô cớ mà người đời thường gọi là linh tính này khiến tôi điên đảo thần hồn, một bước đi ba bước chạy.
Nhà trên không có ai, cửa trước mở toang hoác. Tôi chùn chân, tay vịn cầu thang như sợ mình ngã khuỵu rồi mím môi đi tiếp xuống dưới nhà. Càng bước, càng nghe có tiếng người nói chuyện với nhau. Niềm hi vọng và sau đó là vỡ òa vì vui sướng lan tỏa tâm can, tôi mở to mắt thở phào nhẹ nhõm khi thấy trước mắt mình là mẹ đang cùng Tiểu Mai loay hoay dưới bếp. Hai người họ đang soạn đồ đạc rau củ quả từ giỏ xách ra, vẻ như mới đi chợ về.
Mẹ nhìn thấy tôi đầu tiên, bà ngạc nhiên hỏi:
- Mày bị gì đấy Nam?
- Con… đâu có bị gì đâu! - Tôi chưng hửng, dợm người bước tới.
Tiểu Mai nghe thấy nên quay sang nhìn, rồi nàng cũng đỏ mặt im lặng.
Đến đây thì tôi lờ mờ nhận ra mình đang có vấn đề thật.
Mẹ tôi khẳng định ngay vấn đề của tôi, bà hỏi tiếp:
- Không bị gì sao cởi trần chạy xuống đây? Mày không tắm rửa thay đồ đi học à?
Đến đây tôi mới cảm thấy người mình hơi trông trống, lành lạnh khác thường. Rồi vỡ lẽ ra rằng trong cơn hoảng loạn vì ác mộng ban nãy mà cuống cuồng chạy khắp nhà, quên cả xỏ áo thun vô chứ đừng nói là tắm rửa thay đồng phục tới trường.
- Ô… ! - Nhưng não tôi như máy tính bị treo, chỉ gật gù hưởng ứng rồi lại đứng trố mắt nhìn Tiểu Mai lom lom.
Tới lượt Tiểu Mai ngạc nhiên, nàng thắc mắc:
- Nhìn… gì đấy?
Tôi lắp bắp, mấp máy môi thốt ra những câu từ vô nghĩa:
- Nhìn… cửa sổ, không bị nát… vẫn còn nguyên. Nằm mơ… ư hư hư!
Bỗng dưng sáng sớm thấy thằng con mình nửa cười nửa mếu lại rên ư ử như chó dại, mẹ tôi bực mình xẵng giọng quát:
- Mày có tắm rửa thay đồ xuống ăn sáng rồi đi học không? Hay để tao phét cho mấy roi?
Tôi đần mặt ra, vẫy tay chào Tiểu Mai như động tác bái bai của mấy đứa nhỏ rồi lùi mình quay bước lên nhà trên, sau lưng là tiếng mẹ ra rả nói với theo:
- Con với cái, sáng ra không chào má nó được một tiếng đã lo tới bạn gái rồi. Bé Mai khỏe rồi, mai đi học lại với mày. Hết lo chưa?
Giọng mẹ thì to, nhưng niềm vui trong tôi còn to hơn gấp bội. Tạm gác lại cơn ác mộng vô nghĩa khi nãy thì trở lại với thực tại đáng mừng rằng, Tiểu Mai đã khỏe hẳn và nàng chỉ còn ở nhà tôi nốt hôm nay là mai sẽ về nhà nàng, chuẩn bị đi học trở lại sau gần mười ngày dưỡng bệnh.
Đứng dưới làn nước mát lạnh của vòi sen, tôi nhắm mắt lại với hi vọng dòng nước buổi sáng sẽ gột rửa đi cơn ác mộng lúc nãy. Nhưng không, nó vẫn còn đó, vẫn khiến tôi sởn gai óc mỗi khi nghĩ đến.
- “Tào lao thiệt, mơ kiểu quái gì thế không biết. Tiểu Mai đã khỏe lại rồi mà!” - Tôi bực mình nghĩ thầm, lắc đầu qua lại thật mạnh cho tỉnh táo.
Tắm rửa thay đồ xong xuôi, tôi xuống dưới nhà ăn sáng và gần như ngã bổ ngửa ra khi thấy trên bàn là tô cháo cá bớp nóng hôi hổi.
- Cái gì vậy? - Tôi trố mắt thảng thốt.
- Cháo… cháo cá, mẹ cũng hay nấu cho anh ăn mà! - Tiểu Mai ngạc nhiên, nàng ngồi xuống cạnh tôi.
- Không… không, ý anh là…!
- Là sao nè?
Tôi ngắc ngứ không biết phải nói sao, chẳng lẽ kể với nàng là lúc nãy trong mơ tôi cũng thấy cháo cá bớp. Mà nói vậy khác nào thừa nhận ác mộng kia giống như một lời tiên tri sẽ thành sự thật chẳng sớm thì muộn. Nhưng nhìn Tiểu Mai sắc mặt hồng hào, mỉm cười nhìn mình thì tôi cảm thấy mình đã thần hồn nát thần tính rồi, cứ lo về những điều không có thực như là giấc mơ trong khi hiện tại rõ rành rành rằng nàng đã khỏe mạnh và đang ngồi trước mặt tôi, bằng xương bằng thịt chứ chẳng phải là mấy mảnh hình ảnh thủy tinh vỡ nát nào.
Nên tôi đành đáp bừa cho qua chuyện:
- Ý là… đang thèm cá thu cá mập, tự nhiên mẹ nấu cháo cá bớp!
- Ơ… hôm qua rõ ràng anh nói thèm cháo cá bớp chứ ai! - Tiểu Mai nhướn đôi hàng mi ra chiều khó hiểu.
- Ủa vậy hả? Chà… lo học quá nên quên hết trơn!
- Hi hi, anh mà lo học, chuyện lạ nhen!
Tiểu Mai khúc khích cười rồi tiếp lời:
- Anh ăn nhanh đi còn tới trường, còn mười phút thôi đó!
- Ừa, mà mai em đi học lại được chưa? Hay nghỉ thêm vài bữa nữa?
- Dạ được, em nghỉ đủ rồi, sợ bỏ nhiều bài quan trọng mất!
- Em giỏi mà sợ gì!
- Sợ chứ sao không, với lại em cũng sợ…!
- Sợ gì?
Đáp lại câu hỏi của tôi, Tiểu Mai chỉ tay vào tô cháo rồi trả lời:
- Em sợ anh chép bài dùm em mỏi tay, sợ anh ngồi đây lo mà trễ giờ vô lớp!
- Mỏi gì, anh chép cả đời cũng được. Còn trễ gì, thằng Khang nó cho qua hết, bạn thân mà!
- Ừa, Khang cho qua nhưng thầy Trà giám thị thì không đâu ha. Lo ăn đi, anh!
Thế là tôi cũng cố ăn qua quýt cho hết tô cháo chứ thật tình mà nói bây giờ, tôi chẳng thấy cháo cá bớp còn ngon lành gì nữa, căn bản là nuốt không có vô. Sau ác mộng khi nãy, đồ rằng tôi sẽ còn ngán món này dài dài.
- Ủa, mẹ đâu ồi? - Tôi hỏi, dắt xe ra khỏi nhà.
- Hình như mẹ qua nhà bác Viêm lấy đợt thuốc cuối cùng thì phải, nãy mẹ có nói. Em muốn để em tự đi mà mẹ không cho! - Tiểu Mai mở cổng.
- Ngon ha, mẹ anh mà em cũng gọi là “mẹ” luôn! - Tôi hấp háy mắt trêu.
- Anh không muốn à?
- Muốn… lúc nào cũng muốn hết!
- Được rồi, anh đi học đi, giờ em còn nấu bữa trưa!
Thấy Tiểu Mai cũng định bước ra cổng theo, tôi vội đưa tay ngăn lại:
- Anh đi bây giờ nè, em vô nhà đi!
- Sao thế? - Nàng thắc mắc.
- Không có sao trăng gì hết, sáng rồi. Anh đi nha!
Rồi tôi phóng xe chạy mất, không dám nói với Tiểu Mai rằng tôi đang sợ nàng bước ra dưới ánh mặt trời. Tôi sợ nắng chiếu lên người nàng, rồi nàng sẽ tan biến như lúc nãy tôi vừa thấy.
Tôi sợ cơn ác mộng đó trở thành sự thật, dẫu biết chỉ là chuyện bất khả thi. Chứ sao, con người chứ có phải gì đâu mà tự nhiên vỡ tan nát như trong phim viễn tưởng kinh dị được.
Mơ với chả mộng, chết tiệt thiệt mà!
oOo
Khi tôi vừa đến trường là vừa kịp nghe tiếng trống báo hiệu mười lăm phút sinh hoạt đầu giờ vang lên, vội vàng ba chân bốn cẳng đạp xe thẳng vô luôn bãi gửi chứ chẳng thèm dắt bộ nữa. Chả sao, giờ này cũng không còn ai đi lại dưới sân nữa trừ một vài học sinh đang ôm thau nước đi nhúng giẻ lau bảng. May phước cho tôi là hôm nay lại chẳng có thầy cô giám thị hay học sinh cờ đỏ nào đang đi tuần, chứ bình thường mà bị bắt gặp là chỉ có nước giam xe thu bằng.
Lúc đi lên lầu một, tôi thoáng thấy Dạ Minh Châu đang lục tục chạy trên hành lang, vẻ như cô nàng học trò này của tôi cũng bị trễ học. Trông thấy thế tôi bèn bước chậm lại, chứ chạy nhanh có khi lại đụng nhau rồi chào hỏi xã giao thì mệt lắm, bọn 12A2 mồm miệng như tép nhảy kế bên lại có dịp đồn đãi thị phi.
Bóng Minh Châu vừa khuất, tôi lại thấy bóng dáng Ái Khanh, cô nàng học sinh vừa chuyển lớp này đang đứng ngoài cửa nghe điện thoại, cặp sách còn để trên tường lan can. Khi đi ngang qua để vô lớp thì tôi giật cả mình vì loáng thoáng nghe được tân thủ quỹ 12A1 đang bắn tiếng Anh như bắn rap.
- Xí xa xí xộ úm si la bùm… sùy sùy! (đoạn này tôi không viết nổi vì năm đó trình tiếng Anh mình chẳng hơn con bò là mấy, đành phải mô tả đại khái dáng hình thanh âm)
Phải nói là tôi rất ngạc nhiên vì hiện tại cả lớp chỉ mỗi tôi và Tiểu Mai là đang có điện thoại di động, lại còn nói tiếng Anh liến thoắng như thế này thì trước giờ tôi chỉ biết mỗi Tiểu Mai là có thể. Tuy ngữ âm không hay bằng nhưng về luận mức độ thành thục, khả dĩ nói Ái Khanh hoàn toàn sánh ngang với Tiểu Mai.
Đang thầm nghĩ có khi nào sau này lại đại chiến giành chức cán sự Anh văn xảy ra giữa Tiểu Mai và Ái Khanh không thì chất giọng hào sảng của Khang Mập đập vào mặt tôi như sấm động nam bang:
- Thằng kia, giờ này mày còn đứng đó? Đi trễ, phạt mười ngàn!
- Mày phạt luôn thủ quỹ kia đi rồi mới phạt được tao! - Tôi hất hàm đáp rồi đi thẳng luôn về chỗ ngồi.
Thật tình tôi đã đoan chắc Khang mập sẽ tính luôn tổng cộng là hai chục ngàn sung công cả phần tôi và Ái Khanh, dù rằng nó phải nói chơi chứ trong nội quy chả có chuyện phạt tiền đi trễ gì sất. Nhưng chắc chắn nó sẽ nói thế, như cái cách nó lạm chức đã từng đối xử với hầu hết bạn học.
Ấy thế mà thằng mập chỉ gãi đầu rồi cười xòa cho qua:
- Ô thế à… thôi tao bỏ qua cho mày lần này. Lên truy bài đầu giờ coi, bữa nay có tiết Toán!
Làm cho tôi ngạc nhiên không để đâu cho hết, bèn gõ lên đầu Luân khùng đang chúi mũi vẽ bài tập Địa Lý:
- Ê mầy!
- Gì đấy, bố mày đang làm gấp! - Luân khùng nhăn nhó buông cây viết chì xuống, ngước mắt lên nhìn tôi.
- Mày thấy hai đứa kia sao? - Tôi nhét cặp sách vô hộc bàn rồi ngồi xuống, quay lưng lại nói.
- Hai đứa nào? - Thằng này chưng hửng.
- Thằng Khang với nhỏ Khanh đó!
- Thì sao? Có chuyện gì?
- Tao nghĩ giữa hai đứa nó có một điều gì đó…!
- Gì đó là có gì?
Thấy thằng Luân cũng tò mò dữ lắm, tôi bèn hạ giọng thì thào:
- Có gian tình!
Khiến nó nhảy dựng lên:
- Phải không ông nội, đồn bậy chết người nghen!
Điệu bộ không tin của thằng này làm tôi tức quá thể, bèn sầm mặt nạt:
- Im lặng, để tao phân tích cho nghe. Lúc nãy tao đi trễ, là thằng mập nó đòi phạt tiền liền thấy không!
- Ừ, lúc nào nó chả thế, ai nó cũng xử vậy mà!
- Nhưng may mà bố mày cơ trí thông minh, nãy đi vô tao thấy nhỏ Ái Khanh còn ôm cặp táp tức là chưa vô lớp. Mà tao thì vô trước, tức là tao vô còn sớm hơn. Thế sao thằng mập lúc đòi phạt tao, tao đốp lại nó ngon phạt nhỏ kia luôn đi thì nó bỏ qua?
- Ối chà… động trời ta, vậy tức là thằng Khang với nhỏ Khanh…
Hai thằng cùng đồng thanh hạ giọng, mắt láo liên như trộm gà:
- Có gian tình!
Ở đời phàm các thứ đồ nhiều chuyện đều không có kết cục tốt, thế nên tôi chân thành khuyên bạn đọc hãy việc mình mình lo, việc của người ta chỉ cần không ảnh hưởng tới mình thì đừng can dự vào, cũng đừng bàn tán xôn xao. Kẻo phước bất trùng lai mà họa vô đơn chí, như kết cục thê thảm của tôi với thằng Luân vào ngày hôm sau vậy.
oOo
Nhưng đó là chuyện của ngày mai, còn buổi học hôm nay thì đại thể cũng chẳng có gì đặc sắc. Tiết Toán trôi qua trong yên bình mà không một ai bị điểm kém, tiết Địa chỉ có mỗi Dũng xoắn quên làm bài tập bản đồ phải vô sổ đầu bài ngồi trong nức nở. Đến cuối giờ, một vài bạn học trong lớp có hỏi cô Tuyết chủ nhiệm khi nào Tiểu Mai đi học lại được. Cô chưa kịp trả lời thì Tuấn rách đã vọt miệng:
- Cái đó cần gì hỏi, cứ để thằng Nam tự khai, Nam hơ! - Nó mặt dày nói leo đã đành còn đá banh trách nhiệm sang tôi, quay xuống to giọng.
- “Hơ cái đầu mày, thằng mất nết!” - Tôi nóng máu rủa thầm trong bụng nhưng ngoài mặt cũng làm như ta đây vui vẻ lắm, cười tươi nói:
- Dạ cô, ngày mai là bạn Trúc Mai đi học lại được rồi!
- Thấy chưa, tao đã nói mà! - Tuấn rách khoái chí búng tay cái chóc.
Vẻ như đã là cuối giờ rồi nên cô Tuyết cũng chẳng muốn bắt lỗi nói leo của thằng cán sự Hóa trẻ trâu, chỉ gật đầu nói với tôi:
- Ừ cô cũng vừa nghe ban giám hiệu báo lúc sáng, mà sao lại là phụ huynh của em gọi vậy Nam?
Tôi gãi đầu gãi tai trước bao ánh mắt dõi theo, bao cái tai đang dỏng lên nghe ngóng, thực thà đáp:
- Dạ… tại vì bạn Trúc Mai sống xa gia đình, mà nhà tụi em quen nhau nên… vậy đó cô!
Khi điều không may có xu hướng xảy ra thì nó sẽ xảy ra, thằng Tuấn rách lại ngứa mồm:
- Chứ không phải do hai đứa bây quen nhau hả?
Cả lớp tâm thế như tiễn đã giương cung, chỉ chờ câu chốt hạ của Tuấn rách là được đà phá ra cười như vỡ chợ, cũng vừa lúc tiếng trống trường vang lên báo hiệu tan học. Cô Tuyết cũng tủm tỉm cười, gật đầu chào cả lớp rồi xách cặp ra về để lại tôi lẻ loi chịu trận suốt mấy phút còn lại.
Thằng Tuấn rách biết tội nên cô Tuyết vừa ra khỏi lớp nó cũng lợi dụng địa thế ngồi gần cửa ra vào mà cuống cuồng ôm cặp chạy thục mạng. Chắc nó sợ bộ dáng của tôi đang nghiến răng trèo trẹo, nhìn nó tóe lửa xung thiên.
Nhưng thằng này thì tôi chấp cho nó chạy cũng chẳng thoát lưới trời, tí nữa về nhà chỉ việc méc Tiểu Mai ngày mai lên truy bài tiếng Anh của nó đến hết học kỳ là xong.
À còn nữa, về sau nó chỉ cần nhờ tôi tập đối luyện võ công tôi thề không dần nó lên bờ xuống ruộng thì không làm thằng Nam nữa mà.