Yến Từ Quy

Chương 64: Mỗi thỏi đều có giá trị



Yến Từ Quy

Tác giả: Cửu Thập Lục

Quá khứ chậm rãi

Chương 64: Mỗi thỏi đều có giá trị

Đào Hạch Trai.

Trần Quế đặt chiếc rương đồng xuống sân sau.

Phụ Quốc công chưa đến, Trần Quế cũng không dám rời đi, đành kéo ghế ngồi cạnh rương, lơ đãng nhìn trời.

Mặt trời đã lên.

Trần Quế nhìn ánh nắng trải dài, thầm nghĩ, chẳng bằng ánh vàng rực rỡ của những thỏi vàng.

Lúc ở hoa sảnh thấy những thỏi vàng trong rương, mắt hắn suýt nữa bị chói lóa, muốn nhắm lại mà không dám, chỉ sợ khi mở ra thì đã biến mất.

Trước khi tới đây, Lâm Tuần đã nhắc nhở hắn.

Nếu cuối cùng phải nộp lên quan phủ, thì đừng ai mong mơ tưởng đến số của cải bất ngờ này, chỉ cần làm tốt công việc kinh doanh là được.

Nếu ai nấy đều giữ phần của mình, thì Bá phủ cũng không quên phần của Trần Quế.

Dù số tiền hắn được chia không nhiều, nhưng hắn cũng đã cực khổ chạy tới chạy lui, không thể vì quan hệ tốt mà bị nuốt mất phần lợi ích của mình.

Trần Quế không chủ động nhắc đến chuyện chia phần, vì hắn biết rõ phẩm hạnh của những người trong phủ, họ chắc chắn sẽ không để hắn thiệt thòi.

Tam lão gia đã nói vậy nên trong lòng Trần Quế cảm thấy ấm áp hơn.

Người ta nói "anh em ruột rạch ròi tiền bạc", dù là làm ăn hay làm anh em, làm việc với phủ này là yên tâm nhất.

Không cần mưu tính, tiết kiệm được công sức và trí óc để tập trung vào việc chính.

Nghĩ đến hai rương vàng này, hắn cảm thấy quyết định kéo Tam lão gia vào việc kinh doanh ở ngõ Lão Thật quả thật không sai.

Đang suy nghĩ, cánh cửa sân sau chợt kẽo kẹt mở ra.

Trần Quế nhìn qua, thấy Từ Giản bước vào, bèn vội vàng đứng dậy hành lễ.

Từ Giản liếc mắt thấy Trần Quế, đồng thời cũng nhìn thấy chiếc rương đồng lớn bên cạnh hắn.

"Đào lên vào giữa đêm, hai chiếc giống hệt nhau." Trần Quế giải thích với Từ Giản: "Một chiếc đã đưa đến phủ Bá gia, chiếc còn lại mang tới cho ngài."

Ánh mắt Từ Giản dừng lại ở chiếc khóa trống không.

Trần Quế thấy thế, giải thích thêm: "Không có chìa khóa nên phải phá khóa."

Phá khóa xong, lõi khóa bị hỏng, tất nhiên không thể đóng lại được nữa.

Từ Giản ném chiếc khóa hỏng sang một bên, mở nắp rương ra.

Ánh sáng vàng óng ánh đập vào mắt.

Huyền Túc đứng cạnh, kinh ngạc, trong khi Phụ Quốc công vẫn điềm tĩnh.

Trần Quế quan sát thấy, thầm gật đầu: Quốc công gia quả thật giống Quận chúa, không chỉ biết ngõ Lão Thật có bảo vật, mà còn biết rõ giá trị thực sự của nó.

"Quận chúa để lại một rương à?" Từ Giản hỏi, rồi nghĩ đến ánh mắt của Thành Ý Bá, hỏi thêm: "Ngươi có gặp Bá gia khi mang đồ đi không?"

Trần Quế thành thật kể lại chuyện buổi sáng: "Là giao cho quan phủ, hay giữ lại, Bá phủ đợi ý của ngài."

Nghe đến đây, Từ Giản bật cười.

"Nộp lên quan phủ ư? Đó chắc là ý của lão phu nhân nhỉ?" Hắn càng nói càng thấy buồn cười, chân mày nhướng lên, tặc lưỡi: "Quận chúa chịu nộp vàng cho quan phủ sao?"

Quận chúa e rằng còn không muốn cạo chút bụi vàng để đem nộp cho phủ Thuận Thiên.

Nghĩ vậy, Từ Giản cúi người cầm lên một thỏi vàng, lắc lắc trên tay.

Nặng trịch, sáu mặt nhẵn nhụi, không có dấu ấn về năm tháng hay nơi sản xuất, nên không thể dựa vào đó mà xác định nguồn gốc.

Đang định đặt lại thì đột nhiên hắn nghĩ đến điều gì đó, bèn lật thỏi vàng qua.

Dưới ánh mặt trời, hắn nhìn vào một góc cạnh của thỏi vàng.

Thay đổi góc nhìn, một vết xước nhỏ dài bằng nửa đốt ngón tay, mảnh như sợi tóc hiện ra.

Khi đã nhìn rõ, nụ cười trên gương mặt Từ Giản vụt tắt.

Hắn đặt thỏi vàng xuống, cầm lên một thỏi khác lên soi dưới ánh sáng. Kiểm tra gần hết cả lớp vàng bên trên mới thôi.

Trần Quế thấy hành động của Từ Giản có phần khó hiểu, cũng bắt chước cầm vài thỏi lên xem.

"Ngài đang tìm vết xước này phải không?" Hắn hỏi: "Mỗi thỏi đều có, chắc là từ khuôn đúc ra?"

Từ Giản không trả lời, chỉ hỏi tiếp: "Quận chúa có biết không?"

Trần Quế đáp: "Không biết."

"Vậy ngươi về nói nàng xem thử." Từ Giản nói xong, bảo Huyền Túc thu dọn vàng lại.

Theo lệnh, Trần Quế trở về phủ Thành Ý Bá.

Khi Lâm Vân Yên nghe hắn kể lại, nàng hỏi: "Có một đường xước à?"

Chiếc rương ở nhà nàng, Tiểu Đoạn Thị đã nhờ Lâm Tuần mua một ổ khóa mới, cất vào kho. Giờ mà mở ra xem thì quá phiền phức, chưa kể còn dễ bị người khác để ý.

Nghĩ vậy, nàng cảm thấy đến Đào Hạch Trai vẫn tiện hơn.

Lâm Vân Yên bèn lập tức lên đường, một cỗ xe ngựa dừng lại bên ngoài cửa tiệm.

Bước vào trong, nàng hỏi người quản gia: "Gia nhà các ngươi ở trên lầu hay trong phòng?"

Quản gia vội chỉ vào phía trong.

Lâm Vân Yên gật đầu.

Đi sâu vào trong, qua lối cầu thang, nàng liếc nhìn chiếc cầu thang gỗ chật hẹp và dốc đứng.

Nếu lại phải leo lên chiếc cầu thang này một lần nữa, có lẽ nàng sẽ trực tiếp hỏi Từ Giản "Có còn cần đôi chân nữa không."

Ở sân sau, Từ Giản hơi ngạc nhiên khi thấy nàng tới.

Nghĩ ngợi một chút, hắn cũng hiểu ra.

"Sao vậy?" Hắn hỏi: "Bảo bối của nàng mất tiêu rồi à?"

"Tổ mẫu ta cất đi rồi." Lâm Vân Yên đáp: "Người trong phủ nhiều, mở rương ra một lần không tiện."

Từ Giản bước vào phòng, mở rương lấy ra một thỏi vàng.

Lâm Vân Yên cầm lấy, đứng dưới ánh mặt trời soi qua lại. Khi nhìn thấy rõ vết xước, sắc mặt nàng cũng trở nên nghiêm trọng.

Vết xước này, nàng thấy quá quen thuộc.

Kiếp trước vào năm Vĩnh Gia thứ mười tám, cũng là năm sau khi Hoàng Thái hậu băng hà, Từ Giản đã giám sát việc tịch thu tài sản phủ An Dật Bá trong vai trò phó sứ.

Nói rằng An Dật Bá phạm tội lớn khiến gia tộc lụi bại, thật ra cũng không hẳn.

Theo Lâm Vân Yên, căn nguyên nằm ở Thái tử.

An Dật Bá có nhiều bất mãn với cách hành xử thường ngày của Thái tử Lý Thiệu.

Một số hành vi của Lý Thiệu không hẳn là sai, nhưng với thân phận Thái tử thì chưa đủ chín chắn.

Mấy năm trước, khi các ngự sử dâng sớ lên, họ cũng từng chỉ trích Thái tử vì thái độ tự tung tự tác. Hoàng thượng dường như cũng không có ý chỉnh đốn thái tử nghiêm túc, nên các ngự sử cũng đành bỏ qua.

Rốt cuộc thì chỉ là Thái tử thích uống rượu, đôi khi nói vài lời ngông cuồng mà thôi.

An Dật Bá vốn nổi tiếng hay soi mói, những gì các ngự sử không nói ra, ông lại mạnh dạn nói thẳng, khiến Thái tử không ít lần phải cúi đầu xấu hổ trên chầu.

Cuối cùng, ông trở thành con gà bị giết để răn đe bầy khỉ.

Cả nhà từ già đến trẻ, đều bị giam vào ngục.

Trong lúc triều đình tranh cãi gay gắt về "tai họa từ trên trời rơi xuống" của An Dật Bá, Từ Giản lại phát hiện một lô vàng thỏi khi khám xét phủ An Dật Bá.

Ban đầu, với gia sản của An Dật Bá thì việc có chút vàng cất giữ là điều bình thường. Nhưng điều đáng nói là trong số đó có hai thỏi lại xuất hiện vết xước nhỏ.

Góc độ và nét vạch trông rất giống chữ của Lý Mật, người con thứ tư của Tiên đế.

Lý Mật vốn là con thứ tư của Hoàng đế Thái Hưng, nổi tiếng với tính cách nóng nảy, bộp chộp. Trừ những lúc viết văn bản chính thức, khi tự tay viết tên mình, hắn chỉ dùng một nét ngang thay cho chữ "Mật."

Năm Thái Hưng thứ hai mươi tám, sau khi Hoàng trưởng tử do Thẩm Hoàng hậu sinh ra qua đời vì bạo bệnh, Hoàng đế Thái Hưng đã giam giữ Tam hoàng tử và giáng chức Lý Mật xuống làm thường dân. Chưa đầy nửa năm sau, Hoàng đế qua đời, và lục hoàng tử- chính là Thánh thượng hiện tại lên ngôi.

Kể từ khi bị đuổi khỏi kinh thành, Lý Mật đã mất tăm mất tích nhiều năm.

Cả triều đình gần như quên lãng ông.

Chỉ đến khi hai thỏi vàng kia bị phát hiện có khắc chữ "Mật" của Lý Mật, thì vị hoàng tử bị phế truất này mới lại xuất hiện trong tâm trí mọi người.


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv