Sau khi băng bó, trị thương cho Vân Ngọc, trời cũng đã là chiều tối. Lão đại phu nhìn một vòng khắp người cô, y phục đã nhếch nhác và nhiều vết rách. Giờ này không thể vào trấn mua cho cô nương ấy y phục được nữa, vả lại với thương thế như vậy, nàng ta cũng chẳng tiện thay ra mặc vào. Ông trầm ngâm nghĩ ngợi đôi chút rồi gật gù, dặn Vân Ngọc nghỉ ngơi trong lúc chờ ông ra ngoài, một lát sẽ trở lại.
Sau đó, ông hướng về phía nhà vị đại thẩm ở cách đây mấy dặm mà bước. Đại thẩm ấy có nhi tử đi làm lụng ở xa, lâu lâu mới về thăm nhà một lần, cũng neo người đơn chiếc như ông và rất tốt bụng. Ông chỉ nói dăm ba câu nhờ cậy, đại thẩm đã mang một bộ y phụ màu nâu sậm hơi ngả màu, cùng sang nhà với lão đại phu để tương trợ.
Đại thẩm hiền từ, kiên nhẫn mở nhè nhẹ từng món y phục trên người cô, mắt nheo nheo nhìn cho kỹ rốt cuộc đây là loại y phục gì, của nước nào mà bà chưa từng thấy qua. Nếu không phải được cô chỉ dẫn cách thức, chắc cả ngày trời vật lộn cũng đành chịu thua vì không mở được. Tò mò thì tò mò vậy, bà không có thói quen buôn chuyện linh tinh ra bên ngoài, thế nên lão đại phu mới tin tưởng mà nhờ bà giúp một tay. Đó là ông đang phòng hờ trường hợp cô nương này bị đuổi giết, ám hại, việc bảo mật tin tức mới có thể giúp nàng ấy an toàn qua ngày, bình phục nhanh chóng.
Vị đại thẩm làm xong, còn nhiệt tình chải lại mái tóc gọn gàng cho cô. Y phục sờn vải ngả màu, không phù hợp với người con gái trẻ trung, làm che đi vẻ xinh đẹp tươi tắn của cô, nhưng nhìn chung cũng sạch sẽ, tươm tất. Vân Ngọc nắm lấy tay đại thẩm, chân thành nói lời cảm tạ. Bà mỉm cười đáp lại rồi xoay lưng, trở về nhà mình.
Nhờ bài thuốc giảm đau lão đại phu sắc cho, Vân Ngọc trôi qua một đêm không quá đau đớn vì vết thương hành hạ. Cô có giấc ngủ an ổn, trong giấc mơ cô thấy hình bóng Trà Ngân đang vẫy tay vừa gọi thật to: "Vân Ngọc ơi, tôi ở đây nè. Đến đây nhanh nào!". Vân Ngọc vội vàng nhắm hướng của bạn mình mà chạy đến, chưa kịp nắm lấy tay cô ấy, đã nghe bên tai vang vọng thanh âm của một người lão niên:
- Tiểu cô nương thức dậy đi! Ta vừa nấu một bữa cháo sáng, cháu dậy mà ăn cho nóng còn uống thuốc nữa. Thuốc cũng gần xong rồi đấy.
Vân Ngọc thoát khỏi giấc mộng, hi hí mắt, nhẹ dụi một chút cho tỉnh táo, lại được lão đại phu mang cho chiếc khăn nho nhỏ vừa được vắt ráo nước để lau mặt, lại đưa thêm cành liễu nhỏ ý bảo cô vệ sinh răng miệng. Thấy cô mang vẻ mặt ngô nghê, ông tinh ý hiểu được cô không biết sử dụng dụng cụ này nên vào lấy một cành liễu khác hướng dẫn. Bột chải răng của ông được kết hợp từ nhiều loại thảo dược nên vừa thơm mát sảng khoái, cảm giác đầu ngày nhờ vậy mà hưng phấn hẳn.
Vì lão đại phu cách hai ngày mới cần đi hái thuốc. Hôm qua đã đi, hôm nay dành cho việc đi loanh quanh hành thiện chẩn trị bệnh cho người nghèo. Tấm lòng thiện lương hiếm có khó tìm, dù y thuật rất cao minh nhưng luôn lấy việc từ thiện làm gốc mà mãi chẳng giàu có được, bù lại ông được rất nhiều người quý mến. Ông dặn Vân Ngọc ở nhà dưỡng thương thật tốt, không được suy nghĩ linh tinh làm ảnh hưởng đến thời gian bình phục. Ông còn để sẵn cơm nắm cho bữa ăn trưa của cô và sau đó đeo hòm thuốc lên vai, đi xuống thị trấn.
Ông lão đã tính toán kỹ càng, khi vào thị trấn sẽ mượn tạm một chiếc bàn, bày thành một quầy nhỏ chẩn bệnh thu lấy ít bạc để mua vài bộ y phục cho tiểu cô nương ở nhà. Vết thương như thế, cũng phải ít nhất một tháng mới hồi phục. Đâu thể nào cứ hỏi mượn của đại thẩm gần nhà mãi được. Vậy là ngồi gần cả một ngày, bạc kiếm về cũng tạm ổn, ông nhẩm tính rồi dọn dẹp đồ đạc, ghé qua gian hàng bán y phục.
Lão nam nhân lần đầu mua y phục cho nữ tử, mặt đỏ bừng ngượng nghịu. Ông dặn dò bà chủ cửa hiệu chọn lấy vài bộ phù hợp. Lão đại phu xưa nay chẳng có thê nhi mọi người đều biết, nay lại mua y phục nữ tử, bà thấy vậy trêu ghẹo đôi câu. Ông liền nghiêm mặt bảo mình là mua cho nghĩa nữ. Bất giác, ý niệm nhận nàng ấy làm con nuôi cũng nhen nhóm trong lòng từ đó.
Bà chủ tiệm cười trừ, gói lại y phục. Ông vốn hiền hòa chẳng thể giận ai lâu, liền lấy bạc ra thanh toán xong lại nhanh bước trở về nhà. Vừa bước vào đã thấy Vân Ngọc đang cầm trên tay quyển sách, là do ông tự biên soạn, xếp trên bàn nhỏ trong nhà. Sách cô đang cầm là tổng hợp công năng của các thảo dược, do ông dùng gần cả đời người khảo nghiệm và tích lũy được. Nàng ấy đọc rất hăng say, còn không chú ý cả tiếng mở cửa của ông nữa.
Cảnh tượng ấm áp này khiến ông thỏa mãn biết bao, càng kiên định sẽ nhận nữ tử này làm nghĩa nữ. Ông đã tuổi cao, sức dần yếu. Hối tiếc trong đời là bỏ lỡ việc thành gia lập thất, có một người cùng chia sẻ. Càng tiếc hơn khi không có người kế thừa y thuật dày công nghiên cứu bao năm, và có lẽ nàng ấy xuất hiện như định mệnh an bài cho ông bù đắp lại nuối tiếc của đời mình. Chờ nhận thức quan hệ cha con xong, ông sẽ dành hết vốn hiểu biết, truyền thụ lại cho nàng.
Ông đi đến cạnh chiếc giường trúc nơi Vân Ngọc đang yên vị, hỏi han rồi xem xét một chút về vết thượng, sau đó mang túi vải đựng y phục vừa mua đặt vào tay cô gái. Cô mở ra xem, chất liệu vải thô sơ nhưng cũng hợp mắt đủ hiểu được sự tận tụy hết lòng của ông lão. Lật tới lật lui xem xét một lúc, cô bỗng nhớ ra một chuyện, cũng đành cười khổ trong lòng: "Chiếc áo ngực đã thay ra còn chưa khô, mà mình cũng chẳng thể nào mặc mãi chỉ một cái. Thôi thì ngày mai vị đại phu này đi hái thuốc, mình tiện may vài chiếc áo ngực mặc thay đổi". May vá ấy à, dẫu sao mẹ cô hồi còn trẻ là một thợ may giỏi, ít nhiều cũng dạy cho cô được kỹ năng kha khá.
Ôm áo quần trong tay, cô chẳng biết làm gì hơn ngoài tiếng cảm ơn và nụ cười chân thành thật ý. Ông im lặng trong phút chốc như lấy hết can đảm cùng lý lẽ thuyết phục cô gái, cũng có hơi lo lắng sẽ bị khước từ. Bởi hoàn cảnh nhân thân của nàng ấy thế nào ông cũng không biết rõ.
Và câu trả lời của Vân Ngọc khiến ông rất đỗi hài lòng. Cha và nghĩa nữ nhận nhau, nghi lễ đơn sơ chỉ là một cái cúi đầu thấp của cô gái trẻ. Lời đề nghị của ông lão rất kịp thời, là cứu cánh cho mình giữa lúc thân cô thế cô nơi vùng đất lạ lẫm, chưa biết trước tương lai là an hay nguy. Có một nơi nương tựa, một người cha nuôi ấm áp như thế này đúng là ông Trời vẫn còn thương xót, càng trân trọng cơ duyên làm phụ tử bất ngờ này.
Nhận lấy sự thật lòng đối xử, Vân Ngọc nghĩ cô cũng nên nói đôi chút về hoàn cảnh của mình cho nghĩa phụ được biết. Chỉ là giấu đi thông tin mình đến từ tương lai. Nếu không sẽ dọa nghĩa phụ đau tim mất thôi. Cô lại nghĩ, chờ thương thế khỏi hẳn, cô nhất định sẽ theo cha nuôi học y thuật, sẽ đỡ đần, hiếu thuận với cha ít nhất là đến khi cô có thể trở về nơi mình đã sinh ra, trở về thế giới vốn dĩ của mình. Ý định của cô cũng thật vừa vặn với suy nghĩ của nghĩa phụ. Họ cùng nhau dùng bữa cơm tối, mắt lão nam nhân nhòe cay cảm động, lòng không ngừng cảm tạ Trời xanh đã xót thương, ban cho ông niềm vui có nữ nhi lúc gần hết cuộc đời.
Từ dạo có thêm nữ nhi, lão đại phu cũng không thể chỉ chẩn bệnh miễn phí nữa vì còn phải nuôi hai miệng ăn. Nhưng bản tính hành thiện xưa nay đâu dễ dàng thay đổi, ông vẫn mở quầy hàng nhỏ, miễn phí cho người nghèo thiệt nghèo, còn người bình dân thì lấy phí chẩn vừa phải. Cuộc sống mỗi ngày trôi qua đều vô cùng vui vẻ.
Nghĩa phụ vắng nhà, Vân Ngọc có nhiều thời gian rảnh rỗi liền lấy vải bông mềm mại và không quá dày, đã xin nghĩa phụ trước đó, may thành ba chiếc áo ngực. Không được tinh xảo cho lắm, vẫn đủ công dụng nâng đỡ nơi đầy đặn đẹp đẽ nhất của người con gái. Cô hài lòng xếp lại, đặt vào một góc hơi khuất, sau tấm chăn trên giường trúc. Lại lấy quyển sách y thuật của nghĩa phụ chăm chú đọc hiểu, ghi nhớ.
Cứ thế, qua hơn một tháng, chân Vân Ngọc đã hoàn toàn bình phục. Kiến thức về nhận biết thảo dược, công dụng của từng loại ra sao cô tự tin đã nắm chắc được bốn phần. Cô bắt đầu xin nghĩa phụ cho theo chân lên núi hái thuốc, san sẻ vất vả cùng ông. Cũng là cách nâng cao trình độ từ việc cọ xát với thực tiễn. Vân Ngọc vốn rất thông minh, chỉ cần nói qua là nhớ rất lâu, cộng với thái độ hiếu học, làm nghĩa phụ vô cùng tự hào, luôn treo trên mặt vẻ hứng khởi.
Chỉ mới mang theo nữ nhi đi hái thuốc cùng đôi ba lần, nàng đã mạnh dạn đề nghị lần sau sẽ tự mình đi hái, nhất định không muốn cha chịu thêm cực nhọc thể lực như vậy nữa. Thấy con ngoan ngoãn hiếu tâm, ông cũng đành đồng ý. Cô thuận lợi đi hái thuốc một mình đã hơn mười ngày. Có lần Vân Ngọc hỏi nghĩa phụ vì sao lại không hái nhiều, bào chế luôn một lần cho đỡ phí công sức leo trèo mỏi mệt, nghĩa phụ chỉ ung dung giải thích rằng: "Đường xa núi cao, mỗi lần hái đầy một gùi cũng đã là quá tốt rồi. Hơn nữa, thảo dược phải tươi mới, thuốc điều chế mới công hiệu, nguyên liệu cũ kỹ trữ lâu sẽ mất bớt dược tính vốn có". Cô ngơ ra một lát, tự cười chê cái sự ngớ ngẩn của mình xong, bày ra vẻ mặt nịnh nọt cha già, càng khiến ông thương yêu gấp bội.
Hôm nay lại là ngày phải lên núi thu thập thêm nguyên liệu điều chế thuốc. Vân Ngọc thả bước chân nhẹ tênh, miệng nghêu ngao hát đôi chút cho đời thêm tươi, tâm trạng cũng nhẹ nhàng hơn. Chợt cô dừng lại khi nhìn thấy vết máu trên cỏ, bỗng hoang mang sợ hãi dâng đầy, trộm nghĩ chẳng lẽ là thú dữ tấn công hay sao. Rồi cô chợt nhớ lại nghĩa phụ đã từng nói trước đó, rằng ngọn núi này rất an toàn, nghĩa phụ đã lên đó hái thuốc gần hết đời người mà chưa từng nghe nói có ai bị thú dữ làm hại cả. Cô vuốt ngực, tự nhắc mình phải bình tĩnh lại. Cô quyết định lần theo vết máu, linh tính của cô mách bảo rằng có một người đang rất cần được giúp đỡ. Cũng giống như cô lúc hoạn nạn, cần lắm một người đưa tay cứu giúp. Cô may mắn gặp được nghĩa phụ, và giờ cô cũng muốn mình sẽ là quý nhân kịp thời tương trợ cho người đang nguy nan tựa như mình từng trải qua.
Cứ đi theo dấu máu để lại, cô đi đến một động nhỏ, Vân Ngọc cẩn thận quan sát kỹ càng rồi mới bước vào sâu bên trong. Cô vừa đi vừa xoay đầu nhìn khắp các góc, bỗng đập vào mắt là một thân ảnh nằm bất động trên thảm cỏ. Quả nhiên giác quan thứ sáu của cô luôn chính xác như thế.