Ông Ba Đen mắng: “Vớ vẩn, không có khóa…thì là rớt rồi chứ sao, không có đường nối…là mắt mày nhỏ, nhìn không thấy chứ gì?”
Bọn thổ phỉ cười ầm lên.
Tên lâu la rầu rĩ quay mặt lại, mắt quả nhiên là rất nhỏ, bình thường hẳn đã bị chế giễu không ít vì điều này: “Ông Ba, thật đấy, em mà nói bậy, cọp ngựa moi ruột em đi.”
Lời thề này còn ác hơn cả thề bị sét đánh gì gì khác, dù sao sấm sét trên trời chẳng mấy khi có, mà những năm ấy, cọp ngựa lại thường xuyên chạy khắp núi.
Ông Ba Đen bán tín bán nghi: “Để tao xem nào.”
Lão đại muốn xem, bọn thổ phỉ tất nhiên là phối hợp, mười mấy cây đuốc cùng chụm lại, chiếu rọi sáng rực đến độ có thể nhìn rõ từng chi tiết trên chiếc rương. Ông Ba Đen nhìn một lúc, cũng “ớ” một tiếng, đưa tay vỗ vỗ lên thân rương, giống như vỗ dưa hấu xem xanh chín ra sao vậy, còn liên tục lật rương theo đủ mặt, sợ bỏ qua chi tiết nhỏ bé gì.
Điều này lại thành ra rất tiện cho Giang Luyện: Rương có sáu mặt, vốn nếu cứ đặt trên đất, một mặt dán đất như vậy, hắn có xem tỉ mỉ nữa cũng không thể xem được toàn cảnh, giờ lật từng mặt lên thế này, rốt cuộc cũng nhìn được rõ ràng.
Cái rương này đúng là được điêu khắc vô cùng tinh xảo, trên bề mặt có hoa văn, có người có vật, có chim muông, chỉ liếc vội qua một thoáng chốc thôi thì khó mà tả hết được, chỉ lờ mờ cảm thấy, đường nét mây bay nước chảy, vừa liền mạch lưu loát vừa sống động như thật, thật chẳng biết là tay nghề của ai mà điêu luyện đến thế.
Ông Ba Đen lẩm bẩm: “Mẹ kiếp…”
Con ngươi chợt lóe lên vẻ dữ tợn: “Ông Ba mày đây không tin!”
Dứt lời, trở tay ra sau rút cái rìu to bản ra, vung lên thật cao, cơ thịt trên mặt rung lên bần bật, bổ mạnh xuống cái rương.
Giang Luyện thất thanh kêu lên, giây phút ấy đã quên mất rằng tất cả chỉ là ảo ảnh, gập khuỷu tay thúc mạnh vào ngực ông Ba Đen, gắng sức đụng gã lảo đảo để cú rìu này bổ trượt.
Trên đời đáng sợ nhất là chuyện như vậy, áo gấm đi đêm, tranh chữ cổ cả ngàn năm mất bao công sức các chuyên gia tu sửa phục hồi mà đến tay lão già nhà quê dốt đặc cán mai lại chỉ coi là giấy vụn đốt lò, còn bị chê bai là đốt chẳng được lâu – Ông Ba Đen này chẳng biết cái sất gì, coi tranh chữ của Bạch Thạch Sơn Nhân (*) là phế phẩm vứt đi thì thôi, nhưng cái rương này…
(*) Tề Bạch Thạch (1864 – 1957) là một họa sĩ danh tiếng thời Dân quốc, Bạch Thạch Sơn Nhân là một trong những biệt hiệu của ông.
Cú thúc này tất nhiên là hẫng, Giang Luyện không trụ vững, lảo đảo suýt ngã, Mạnh Thiên Tư đang nhìn Ba Đen, bỗng thấy Giang Luyện ngã ra ngoài, vội thò tay ra túm nhưng vẫn chậm một bước, túm hụt.
Đúng lúc đó, chợt nghe một tiếng chát chúa vô cùng nhức tai vang lên, chẳng thua gì tiếng cạo nồi đè cưa, mà ông Ba Đen thì ném rìu đi, vẩy vẩy tay la oai oái.
Giang Luyện vội chạy qua xem.
Cái rương này chẳng biết được làm từ chất liệu gì, cứng một cách bất ngờ, lực bổ rìa mạnh như thế mà chỉ để lại trên mặt rương một vết trắng, ông Ba Đen thì lại bị lực phản chấn làm bị thương: hổ khẩu rách toạc, máu từ lòng bàn tay chảy ra.
Dùng rìa to bản cũng không bổ ra được?
Giang Luyện ngoài kinh hãi ra cũng mừng rỡ yên lòng hơn phần nào: Hắn vẫn luôn lo rằng cái rương sẽ bị vứt bỏ ở nơi hoang dã, qua gần trăm năm mưa to tuyết dày, thân rương đã sớm mục nát rồi, toa thuốc bên trong tất nhiên cũng không giữ được – hiện giờ xem ra là lo bò trắng răng.
Lão đại bị thương, đám thổ phỉ cũng hoảng loạn, có người vội vàng móc thuốc trị thương từ trong ngực ra, có người lấy vật liệu tại chỗ, xé một miếng vải trên áo xuống để băng vết thương cho ông Ba Đen, còn có người để dỗ Ba Đen vui mà đi tới đá văng cái rương, mắng: “Thứ đồng nát.”
Giữa một đám hỗn loạn, Giang Luyện để ý tới tay trợ tá tên Diêm La kia mặt lộ vẻ khó hiểu, đánh mắt tới lui về phía cái rương.
Tim Giang Luyện nảy thịch, hắn quan sát một lượt Diêm La từ trên xuống dưới thật cẩn thận.
Đám thổ phỉ này chỉ là một đám tội phạm rừng núi chỉ tham tửu sắc, không biết chữ nào, chỉ có tay Diêm La này là từng va chạm xã hội, đại khái cũng có đi học, biết trên đời cái đáng tiền còn xa mới chỉ có vàng bạc châu báu, cũng hiểu rằng có vài thứ quái dị tất có giá trị.
Ông Ba Đen nổi giận, con mắt duy nhất tức đến độ muốn lồi ra khỏi hốc mắt: “Lấy lửa cho tao, đốt mẹ nó đi!”
Diêm La vội gọi lại: “Ông Ba!”
Gã chạy lại chen vào đám người ông Ba Đen, cười cười lấy lòng: “Tôi nói chứ ông Ba, không phải chúng ta phải nhanh lên à? Dù sao cũng là cướp bóc, lỡ đường lui còn có người khác đến thì lại bất tiện.”
Lại chỉ vào đống rương hòm như núi kia: “Anh đôi co với một cái rương giẻ rách không đáng tiền như vậy làm gì… Không đáng, nó có hiểu đâu, chỉ là một vật chết mà thôi.”
Ông Ba Đen sửng sốt, ngẫm lại, cảm thấy lời này rất có lý, khen gã: “Vẫn là trợ tá nghĩ chu đáo, lại nói có chữ đúng là đầu óc khôn khéo hơn hẳn.”
Nói đoạn, lại liếc cái rương: “Thật sự không đáng tiền?”
Diêm La hời hợt nói: “Chạm trổ không tệ, chắc cũng được một hai đồng bạc trắng, nhưng cũng phải xem có ai mua hay không – cái rương này không đường nối, theo tôi thấy, chỉ là một cái vỏ rương hàn kín mà thôi.”
Tên lâu la bím tóc đuôi lợn lấy làm khó hiểu: “Trợ tá, vậy họ mang theo một cái vỏ rương trống chạy nạn làm gì?”
Diêm La đáp: “Cậu không hiểu rồi, đây gọi là không thành kế, mấy nhà buôn bán thuốc phiện sống thường đều mang theo mấy rương thổ sản vùng núi, giả bộ mình là thương nhân đứng đắn – gặp cướp thì ném mấy cái rương thổ sản xuống dụ kẻ xấu xâu xé, mình thì nhân lúc sơ hở bảo vệ thuốc phiện tẩu thoát, đây đều là ngụy trang.”
“Người nhà này vừa mang tranh chữ không đáng tiền vừa mang rương trống theo cũng là đạo lý này, may là chúng ta vây họ lại, bằng không họ sẽ vứt những thứ không đáng tiền này xuống cho chúng ta cướp còn mình thì mang vàng bạc châu báu chạy mất, không phải chúng ta sẽ lỗ lớn sao?”
Tên lâu la bừng tỉnh.
Ông Ba Đen cũng khen Diêm La: “Vẫn là trợ tá có học vấn, hoặc nói, lên núi lập trại nhất định phải có một trợ tá biết chữ!”
Diêm La cười khiêm tốn, cười cười, ánh mắt lại lặng lẽ không dấu vết bay về phía hai cái rương bị vứt sang một bên.
…
Những rương kế tiếp mở ra rất thuận lợi, không chiếc nào làm ai thất vọng, ông Ba Đen sai người sắp xếp lại rương, đồng bạc một bên, vàng bạc một bên, trang sức châu báu một bên, tơ lụa thượng hạng cũng một bên, nhặt nhạnh những gì quý giá nhất, tổng cộng xếp được chừng mười rương, lúc khuân lên lưng ngựa, đến ngựa thồ cũng bị trọng lượng đè cho lảo đảo.
Một nửa số rương trống và thi thể đầy đất còn lại, ông Ba Đen chẳng buồn để ý tới, vung tay lên, định rút người về trại, Diêm La lại kiến nghị: “Ông Ba, chúng ta vẫn nên dọn dẹp một chút thì hơn, thi thể rương hòm bừa bãi thế này, qua đường nhìn cái là biết gặp cướp.”
Ông Ba Đen cười nhạt: “Tao mà phải sợ cái này à?”
“Cũng không phải sợ họ báo quan, có làm quan cũng biết ngồi không, mà là sợ tin tức truyền ra, người ta biết vùng núi này có thổ phỉ, đều tránh không đi nữa – chúng ta về sau có thể sẽ phải vòng đường xa hơn để mổ lợn béo.”
Ông Ba Đen nghĩ đến tương lai, hít mạnh một hơi lạnh.
Diêm La ung dung: “Không bằng thu dọn rồi, lát nữa tôi dẫn người đi tìm một hố trời gần đây, ném vào cho xong chuyện.”
…
Giang Luyện nhìn những thi thể này được khiêng lên, chồng chất lên nhau dồn lên lưng ngựa, năm sáu con ngựa chở chừng hai mươi thi thể, run run rẩy rẩy, bị người thét to quất roi, theo sau đoàn ngựa thồ chiến lợi phẩm, từ từ đi xa.
Hắn không cam lòng, một mực đi theo như muốn đi cùng tới đích cuối cùng, xem xem cái rương sẽ còn bị dời qua chuyển lại bao lần nữa, song hình chiếu của thận châu có hạn chế phạm vi, lúc đi cùng tới một miệng núi, như có một ranh giới nào đó, đoàn người ngựa này đi qua là biến mất, tựa như bước ra từ bụi mù năm xưa rồi lại chui vào bụi mù rời đi, chỉ dừng lại ở đây một thoáng, diễn một vở kịch mà thôi.
Xung quanh một lần nữa yên tĩnh lại, Giang Luyện đứng ở miệng núi, nhất thời còn chưa thích ứng được với biến hóa hư thực này, trong đầu dừng lại ở cảnh tượng cuối cùng, là người phụ nữ mặc áo quái tử trắng mềm rũ nằm sấp trên lưng ngựa: Hai cánh tay nàng đung đưa trái phải theo bước chân ngựa thồ, nửa cái đầu liền cổ cũng vậy.
Đằng sau, Mạnh Thiên Tư nói: “Chuyến này cũng coi như có thu hoạch rồi.”
Đúng vậy, Giang Luyện thu hồi lại tâm thần bị đội thồ kia mang đi xa.
Kết quả chuyến này còn tốt hơn cả trong dự liệu, cái rương chắc chắn vẫn còn, chỉ có điều không biết đang lưu lạc nơi nào mà thôi.
Vậy nhưng, có thể bắt tay điều tra từ một người.
Diêm La.
***
Lúc trở lại Vân Mộng Phong, trời đã rất khuya, nhưng Huống Mỹ Doanh còn chưa ngủ, đứng ở cửa nhà nghỉ dạo qua dạo lại, trông thấy Giang Luyện xuống xe, cô vội vàng chạy tới đón: “Giang Luyện…”
Trên xe lại lục tục có người xuống, cô nuốt nửa vế câu còn lại về, bàn tay nắm chặt hơi run lên.
Mạnh Thiên Tư cười, nói: “Hai người trò chuyện đi.”
Vừa nói vừa rảo bước nhanh hơn, mọi người đều là người biết quan sát, cũng đều nhanh chóng đi vào cửa.
Huống Mỹ Doanh cắn môi, đợi hộ núi vào nhà cả rồi mới nắm lấy cổ tay Giang Luyện: “Anh…thấy được chưa?”
Giang Luyện cười cười: “Thấy được rồi.”
Trước mắt Huống Mỹ Doanh thoắt chốc nhòa đi, cô có thể cảm nhận được nước mắt đang dâng lên mấp mé bờ mi: “Bà cố em trông thế nào, anh cũng thấy rồi?”
“Thấy rồi, còn trông thấy bà ngoại em khi còn bé nữa, sau khi bà ấy lớn lên, quả thực giống bà cố như đúc.”
Huống Mỹ Doanh thở dài một hơi, buông tay ra, lại hít mũi một cái, lẩm bẩm: “Tốt rồi, tốt rồi.”
Chợt nhớ ra cái gì: “Vậy…cái rương đó thì sao?”
Giang Luyện không trả lời thẳng mà chỉ ngẩng đầu nhìn trời: “Nghỉ ngơi trước đã, đợi trời sáng rồi…bắt tay làm việc thôi.”
…
Sáng sớm hôm sau, Giang Luyện qua loa ăn sáng rồi một lần nữa nhốt mình trong phòng với Huống Mỹ Doanh hỗ trợ, đóng cửa không ra.
Về tổng thể, số lượng công việc của ngày hôm nay cũng không khác ngày hôm qua là bao, ngày hôm qua thì khổ rộng hơn, không thể không quỳ xuống lấy đất làm bàn; ngày hôm nay thì chỉ cần vẽ khổ bình thường thôi là được, nhưng số lượng nhiều, chỉ tính rương thôi đã có sáu mặt rồi, hắn phải đủ cả sáu.
Tâm trạng của Huống Mỹ Doanh ngày hôm nay khác hẳn khi trước, tuy nói những bức vẽ khi trước cũng có liên quan tới chuyện của cô, song chỉ như làm bài bài thi mô phỏng, bức vẽ lần này mới là kỳ thi lên cấp cực kỳ quan trọng.
Bức thứ nhất, Giang Luyện vẽ người phụ nữ mặc quái tử trắng ôm Huống Vân Ương – đây cũng là bức Huống Đồng Thắng muốn thấy nhất nên được ưu tiên lên hàng đầu.
Huống Mỹ Daonh nín thở xem, thỉnh thoảng mũi lại cay cay. Cô chưa từng gặp bà ngoại, nhưng từng xem ảnh chụp, đúng như lời Giang Luyện nói, bà ngoại khi còn trẻ rất giống bà cố.
Lúc bức tranh này thành hình, Huống Mỹ Doanh lấy điện thoại ra, chỉnh sang chế độ im lặng rồi chụp chính diện một tấm, gửi cho y tá, sau đó nhẹ tay nhẹ chân ra khỏi cửa, gọi thêm một cuộc, dặn lúc nào cụ tỉnh thì cho cụ xem, nói không chừng tâm trạng khá hơn, tinh thần phấn chấn, kiếp nạn này lại một lần nữa qua khỏi.
Kế tiếp là vẽ cái rương, mặt chính, mặt trái, mặt bên, mặt dưới, trong những nét vẽ ngang dọc, mặt trời dần lên đỉnh rồi lại dần ngả về tây, đến cùng, khi đã vẽ xong cả sáu bức thì đã là xế chiều.
Cái rương rất đẹp, chạm khắc rất nhiều hoa văn chim muông, còn có không ít những hình ảnh khác. Huống Mỹ Doanh xem đi xem lại, mơ hồ có thể nhận ra những bức chạm khắc này hình như đều là tích truyện thần thoại thời thượng cổ.
Chẳng hạn như có một người đàn ông râu tóc rậm rạp, nửa người dưới quấn da thú, đang giương cung hướng vào không trung, mà trên không trung thì có bảy quả cầu cháy rực, còn có quả đang rơi xuống – đây là…Hậu Nghệ bắn Mặt trời?
Lại có một người đàn ông choàng áo lông, quanh hông và cổ quấn lá cỏ, tay cầm đục, ngồi trên bục đá đục chế hình cặp cá âm dương bát quái dưới thân – người có chút thường thức đều biết, đây là Phục Hy Thị chế bát quái.
Còn nhận ra Toại Nhân Thị đánh lửa, Thần Nông nếm trăm cỏ, có hình khổ rất lớn, có hình khổ rất nhỏ, có hình ở mặt chính, có hình ở mặt trái, ranh giới giữa các bức hình cũng không cứng nhắc, dùng tư thế hình dáng chim muông làm phân cách, bố cục rất tự nhiên…
Huống Mỹ Doanh đang ngắm đến nhập thần, chợt thấy phía cửa có động tĩnh khác thường, quay đầu nhìn lại, dưới khe cửa thò vào một tờ giấy trắng, đang không ngừng di động trái phải.
Đây là giao hẹn giữa cô và Vi Bưu: Lúc cô hỗ trợ Giang Luyện, không ai được vào quấy rầy, thực sự có chuyện khẩn cấp thì thò một tờ giấy trắng vào dưới khe cửa vẫy trái phải, vẫy nhiều mấy cái cô tự khắc sẽ nhìn đến.
Trong lòng Huống Mỹ Doanh đánh thịch một tiếng: Vào lúc này, chuyện gì có thể hết sức khẩn cấp? Chẳng lẽ là cụ…
Đầu cô ong ong, nhẹ chân nhẹ tay, rồi lại ba bước gộp làm hai chạy ra, mở cửa.
Đoán không sai, Vi Bưu vừa mở miệng đã là tin tức xấu: “Cụ nuôi không ổn rồi, nói là suýt nữa thì đi. Sau khi được cấp cứu thì đã thở trở lại, nhưng ước chừng cũng chẳng kéo dài được bao lâu, bác sĩ bảo chúng ta nhanh lên, mua vé chuyến bay gần nhất, nói là chỉ trong một hai ngày này thôi.”
Huống Mỹ Doanh gật đầu lia lịa, trong lòng rối tung, nhưng nhất thời không khóc được, lại không kìm được hỏi y: “Chuyện này…sao có thể chứ, trước đó còn rất ổn thỏa mà, em còn chụp bức vẽ bà cố mà cụ vẫn luôn muốn xem Giang Luyện vừa vẽ xong gửi qua, nghĩ bụng nói không chừng cụ vui lên rồi, có thể sống lâu thêm mấy năm…”
Vừa nói, hốc mắt vừa đỏ lên.
Vi Bưu ngớ người một lúc, chợt hiểu ra: “Em gửi hình bà cố cho cụ? Em gửi làm gì chứ?”
Gửi hình cũng sai được à? Huống Mỹ Doanh ngơ ngác: “Em chỉ muốn làm ông…vui.”
Vi Bưu cuống quít muốn giậm chân: “Ông cụ cố cầm cự một hơi thở chính là vì chưa đạt được tâm nguyện – từ mấy năm trước cụ nuôi đã viết xong di chúc rồi, chẳng đoái hoài đến chúng ta nữa, cũng không sợ giao phó sai lầm, em nói xem cụ còn có thể có tâm nguyện gì? Tâm nguyện lớn nhất của cụ treo trên hơi thở đó, lại chẳng buông tay được rồi sao?”
Lúc này Huống Mỹ Doanh mới biết mình có lòng tốt lại thành làm chuyện xấu, trong chớp mắt sắc mặt tái nhớt, sững sờ một lúc mới tỉnh táo lại, cố gắng giữ bình tĩnh: “Giang Luyện nói với em phải vẽ tám bức, bức thứ tám đã gần xong rồi, anh đi đặt vé máy bay ngay đi, đặt chuyến bay gần nhất, thu dọn hành lý trước, đợi Giang Luyện tỉnh lại, chúng ta lập tức rời đi.”