Tôi là một đứa dễ bị mê hoặc bởi giai thoại và khi đã bị mê hoặc rồi, tôi dễ bị dụ đi theo tìm hiểu giai thoại đó. Cái tên Varanasi đối với tôi gắn liền với những giai thoại về aghori sadhu. Sadhu là những thầy tu đạo Hindu. Họ không sống ở chùa hay nhà thờ mà sống tha phương cầu thực: không làm việc mà sống bằng bố thí. Theo Wikipedia: “Ngày nay, ở Ấn Độ có tới bốn, năm triệu sadhu. Họ vẫn được kính trọng vô cùng: tôn sùng vì sự thánh thiện của họ, sợ hãi vì lời nguyền của họ”.
Tôi biết đến aghori sadhu lần đầu tiên qua cuốn sách Holy Cow của Sarah McDonald. Trong đó, cô kể rằng lần đầu tiên gặp aghori sadhu, cô bị nguyền rủa và bị ốm gần chết. Dưới ngòi bút vô cùng sinh động của cô, sadhu có vẻ giống như một dạng phù thủy man rợ của Ấn Độ, sống trong nghĩa địa, uống nước từ đầu lâu người, ở trần truồng và có đôi mắt lạnh như băng. Thường thường, tôi không tin lắm vào những câu chuyện Sarah kể nên không suy nghĩ nhiều, cho tới khi Robinson tiêm nhiễm nó vào đầu tôi một lần khi chúng tôi ăn tối.
“Này, anh từng gặp aghori sadhu đấy. Ông nhìn thẳng vào mắt anh và nói: “Hầu hết những kẻ đến với ta đều vì sợ ta hoặc vì muốn lợi dụng ta. Nhưng ngươi có một trái tim trong sáng. Ngươi có thể hỏi ta bất cứ điều gì ngươi muốn”. Thế là anh hỏi ông cho xem ma. Em biết là sadhu luôn mang theo ma bên người
“Anh có thấy ma không?”.
“Hừm, ông hỏi lại anh là anh nghĩ ma là cái gì. Ma thực chất chỉ là năng lượng, giống như một đám mây tích điện quá nhiều. Ông có thể cho anh xem, nhưng năng lượng này quá mạnh, đến mức nó có thể quật ngã anh”.
“Thông minh phết nhỉ”.
“Ừ, tốt nghiệp Cambridge ra mà. Nói bảy thứ tiếng”.
“Hả? Thế sao ông lại trở thành sadhu?”. Tôi hỏi mà trong đầu nghĩ thầm rằng ông này chắc học nhiều quá phát cuồng, hoặc thị trường việc làm ở Ấn Độ giờ quá cạnh tranh.
“Ông bảo rằng sadhu sinh ra đã là sadhu, chứ không phải được tạo thành. Khi ông mới hai tuổi, ông đã biết ông là sadhu rồi. Em hay anh không thể trở thành sadhu được”.
“Nhưng cũng phải qua nghi lễ nào đó mới trở thành sadhu được chứ?”.
“Có có. Ông bảo ông phải đi bộ khoảng hai ngàn kilomet từ Kolkata lên tận Gingotri trên dãy Himalaya”. Robinson sau đó kể một câu chuyện dài về ông sadhu này, rằng ông gặp hồn ma một cô gái bị hiếp dâm rồi giết chết bởi chính chồng và bạn bè hắn trông đêm tân hôn và rồi ông đã giúp cô tìm lại cái vòng đeo tay bị đánh mất như thế nào.
“Nghe giống Liêu trai chí dị thế. Chuyện ma thế này ở Việt Nam có mà đầy”.
“Họ còn ăn xác chết cơ”.
“Hả?”.
“Họ thậm chí còn ngủ với xác chết”.
“Như thế nào cơ?”.
“Nghi lễ của họ đấy. Mỗi năm một lần, họ phải ăn một mẩu thịt người chết. Họ cũng phải đánh cắp xác của một người phụ nữ không quen biết, ở nhà xác hay ở đâu đó, để ngủ với cái xác đó. Họ không phải là muốn thế đâu, nhưng phải làm thế để hiến dâng cho Chúa và tạo mối quan hệ với người chết. Tự bản thân sadhu coi họ là những người đã chết, thậm chí được chứng nhận chết bởi chính quyền. Họ có thể phải tham gia lễ tang của chính mình trước khi đi theo guru”.
“Họ ăn sống à?”.
“Không không. Em biết là ở một số nơi như Varanasi, người ta đốt rất nhiều xác mỗi ngày. Họ ăn ở những chỗ đấy”.
“Vậy là ở Varanasi có nhiều sadhu hả?”.
“Nhiều chứ”.
Tôi quyết định khăn gói lên đường đi Varanasi.
Vé tàu lên Varanasi không phải dễ kiếm. Robinson cứ khăng khăng không chịu cho tôi đặt vé tàu hạng thường, còn tôi cứ khăng khăng không chịumua vé tàu hạng sang. Nhưng vé hạng thường hay hạng sang thì cũng chẳng còn. Người Ấn Độ đi lên Varanasi quá nhiều nên chuyến tàu nào cũng chật kín khách, phải hai tuần tới mới có vé. Mà tôi thì lại không muốn chờ lâu đến thế. Vậy là mặc cho Robin ra sức phản đối, tôi khăn gói lên đường ra ga tàu quyết săn vé cho bằng được. Sáng tôi dậy sớm ra ga phòng có gì bất trắc.
Sáng sớm, ga đã rộn ràng kẻ buôn người bán, kẻ ra người vào. Mua cho mình một cái bánh dosa nhân hành ăn cho ấm bụng, tôi len lỏi vào được phòng Tourist Information – phòng dành cho khách du lịch với hy vọng nơi đây sẽ có người hiểu được tôi muốn nói gì. Dosa là món bánh của miền Nam Ấn Độ mà tôi rất thích và thời gian ở cùng gia đình Robinson cũng được Murdi dạy cách làm. Đầu tiên bạn phải ngâm bột gạo vào nước, để qua đêm cho bột lên men. Rồi bạn cho chảo lên bếp đợi một chút cho nóng, cho chút dầu vào chảo, dùng một nửa củ hành di di phái bên trên để dầu phủ đều khắp chảo. Sau đó, múc một muôi nước bột gạo rót vào chảo, dùng mặt sau của muôi di di lên trên bột để bột trải ra đều đều hình tròn. Bột lên men, gặp nóng sẽ phồng lên một chút. Bạn đợi cho bột khô, lật bánh, muốn ăn thêm nhân gì thì rắc lên trên. Bước cuối cùng là gập đôi bánh lại, gập sao để không bị gãy, cho vào đĩa và ăn.
Lại lạc đề rồi. Trái ngược hẳn với cảnh hỗn độn bên ngoài, phòng Tourist Information khá sạch sẽ. Trong phòng có mấy hàng ghế kê sát tường, một cái bàn ở giữa, ở trên đó là một cái máy tính và cạnh đó là một anh chàng chắc chỉ khoảng đôi mươi đang ngồi chơi Solitaire. Nhìn đã thấy hy vọng rồi. Những bạn trẻ trẻ thư sinh thế này dễ đồng cảm với mình.
“Anh ơi, em muốn đi Varanasi mà không mua được vé tàu “.
“Thế thì đợi khi nào có vé rồi đi em ơi”.
“Không được anh ạ, em cần đi gấp ngày hôm nay. Bạn thân của em đang ở trên đấy, mai nó đi rồi. Nếu em không lên kịp sẽ không gặp được nó”. Mặt tôi nhìn buồn xo. Mọi người đều bảo tôi có khuôn mặt rất biểu cảm. Tôi mà làm mặt buồn thì thiên hạ thế nào cũng tưởng tôi sắp khóc.
“Đi bằng máy bay đi em. Để anh tìm vé cho”.
“Ặc, em làm gì có tiền mà đi máy bay anh. Em chỉ trả được vé tàu thôi. Có cách nào không có vé mà vẫn lên được tàu không anh nhỉ”.
“Không, không được”.
“Phải có cách nào đó chứ anh. Có ai đó hủy vé chẳng hạn “Hủy vé thì chắc không đâu, nhưng để anh kiểm tra thử xem”. Anh click click click trên màn hình máy tính, rồi à lên. “Ủa, có vé mà em?”.
“Đâu anh? Ở nhà em đã kiểm tra trên mạng đâu thấy có”.
“Có, foreign quota mà anh quên mất. Hầu hết các chuyến tàu đều có một lượng vé nhất định dành cho khách du lịch, vé này không tìm trên mạng được, em phải đến ga tàu để mua. Còn hai vé đấy, em chạy lên mua ngay không hết”.
“Có đắt hơn vé thường không anh?”.
“Không em ơi”.
Tôi hỏi đường phi ngay lên Tourist Bureau để mua vé. Phòng Tourist Bureau có điều hòa, ghế ngồi lịch sự hết sức. Các bạn du khách ngoan ngoãn điền form ngồi chờ, tôi cũng làm theo. May mà hôm nay tôi lên đây mới biết có cái foreign quota này, chứ nếu cứ ở nhà như Robinson ngăn cản thì có mà chờ hai tuần nữa.
Tàu chạy qua đêm, tôi đến Varanasi sáng sớm ngày hôm sau. Varanasi có gì đó rất khác. Nếu Kolkata có cái vẻ hỗn độn điên cuồng thì Varanasi lại có vẻ hỗn độn rất trật tự, như thể mọi chuyện đã diễn ra như thế từ hàng ngàn năm nay. Một em bé đứng rửa bát ngay cạnh cống thoát nước. Phía sau em, người lớn ngồi xổm bốc cơm ăn ngon lành. Một người đàn ông vừa đi vừa đánh răng bằng cành cây. Một người phụ nữ ngồi khép nép sau xe kéo, một tay giữ váy, một tay giữ khăn. Một anh chàng chạy xe Vespa lịch bịch. Đường chính đông nghẹt xe là xe. Đường nhỏ thì nào người, nào bò. Ngõ hẻm được trưng dụng hoặc để làm chợ, hoặc để làm nơi đổ rác, hoặc là cả hai. Với lịch sử ba ngàn năm tồn tại, Varanasi tự hào là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới. Trong khu phố cổ bên bờ sông Hằng, mọi thứ như chưa thay đổi gì suốt mấy ngàn năm qua vậy. Vẫn những ngôi nhà ch mái hiên gỗ hơi nhô ra ngoài, vẫn những cánh cửa thấp đến mức mình phải cúi đầu mới đi qua được, vẫn những ngôi đền thờ rực rỡ màu sắc, vẫn những con đường nhỏ đến mức nếu gặp một chú bò đi ngược đường, bạn sẽ phải lùi lại nhường đường cho bò đi.
Đi vòng vòng một hồi, tôi tìm được một căn phòng giá 300Rs. Phòng đơn ở một đầu cầu thang, nhà vệ sinh ở phía kia cầu thang, đi qua một cái hành lang tối mù. Tôi để đồ ở đấy rồi đi ra bờ sông chơi.
Ở đây có quá nhiều sadhu. Nhưng không như những gì tôi vẫn hình dung về sadhu như gầy gò, tóc tai xơ xác vì sống khổ hạnh, sadhu ở đây nhiều người béo tốt, phốp pháp, vải cuốn ngoài sạch bong không một vết bẩn. Thấy tôi chụp ảnh, mấy bác còn kéo tôi lại kì kèo xin tiền. Tôi nhất định không cho, bởi nghĩ mấy ông này tu hành gì, chắc chỉ trát sơn lên mặt làm tiền thôi. Chốn xô bồ thật giả lẫn lộn, không biết chân nhân đâu mà tìm. Tôi nhớ câu Robinson bảo tôi: “Nếu sadhu muốn gặp em thì họ sẽ tự đến, còn mình đi tìm thì sẽ không được đâu”.
Varanasi được coi là thủ đô tôn giáo của Ấn Độ và sông Hằng là mạch máu của nó. Truyền thuyết kể rằng, sau khi cưới Parvati, thần Shiva về cư ngụ tại Varanasi với tất cả các vị thần khác ở cạnh bên và sông Hằng chính là nước chảy ra từ đinh ba của Người. Hơn ba trăm năm mươi vị nam thần và nữ thần tụ họp nơi này tạo thành một vòng tròn vũ trụ với thần Shiva ở giữa. Chính vì vậy, đây là thành phố linh thiêng của Ấn Độ, không thua kém Jerusalem của người theo đạo Thiên Chúa giáo, hay Mecca của người theo đạo Hồi về số người hành hương về đây mỗi năm. Sông Hằng chảy từ Bắc về Nam ở cả Ấn Độ, nhưng đến Varanasi thì tự nhiên đổi hướng chảy từ Nam về Bắc. Người dân kể rằng, đó là vì sông Hằng muốn tỏ lòng kính trọng với thần Shiva. Cũng có phiên bản khác kể rằng, sông Hằng là con gái của thần Himalaya. Tán tỉnh thần Shiva không được, nàng ngại luôn tránh mặt thần Shiva. Người Ấn Độ tin rằng tắm ở sông Hằng sẽ được rửa sạch tội lỗi trần gian. Cầu thang dẫn xuống bờ sông được gọi là ghat. Hầu hết các ghat ở đây là dùng để tắm. Dễ phải có đến cả ngàn người đang tắm rải rác ở khắp các ghat. Có lẽ chỉ ở đây mới có thể thấy người Ấn Độ rõ đến thế. Tất cả mọi người, không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, quê quán… đều lột bỏ quần áo để tắm cạnh nhau trên cùng một dòng sông. Trong khi Ấn Độ là một nước phân biệt đẳng cấp (caste) hết sức nặng nề, trai gái không cùng đẳng cấp sẽ không được lấy nhau
Người Ấn Độ cũng tin rằng nếu chết ở Varanasi sẽ được giải thoát khỏi kiếp luân hồi. Vì vậy, ở đây có một ghat dành riêng cho việc thiêu xác, gọi là Burning Ghat. Ghat này rất dễ nhận ra, cứ thấy ở đâu khói bốc lên mù mịt thì đó là nó. Tôi không phải là đứa yếu bóng vía, nhưng tôi phải thừa nhận, cả đời tôi chưa bao giờ thấy cái gì sợ đến thế. Burning Ghat rất bẩn. Varanasi đã bẩn, nhưng Burning Ghat là tận cùng của cái sự bẩn ấy. Ngay cạnh đó là khu vực thả bò, nước tiểu, phân bò, phân người phủ kín mặt đất. Cứ mấy mét lại có một đống gỗ, bên trên là một xác người chỉ được cuốn mỗi tấm chăn đang cháy dở. Đây là lần đầu tiên tôi ngửi thấy mùi thịt người nướng. Mùi tóc cháy khét lẹt, mùi mỡ, mùi thịt cháy cứ xộc thẳng vào mũi làm tôi không dám thở. Tự nhiên tôi nhớ lại bộ ảnh “Filthy India” chụp bởi mấy bạn Trung Quốc. Nào là xác người, xác bò trôi lềnh phềnh, nhuwnngx bộ phận cơ thể người chưa cháy hết bập bềnh bám vào rác ngay ở bờ sông nơi nhiều người tắm. Hoa mắt, chóng mặt, nhìn đâu cũng thấy người chết, tôi đâm hoảng loạn, bối rối tìm đường ra, không để ý một cái xác khác được khiêng ngược chiều với tôi. Người ta gói xác không kỹ, lúc đi ngang qua tôi, tay cái xác tự nhiên buông xõng, quệt vào vai tôi. Tôi thần hồn nát thần tính, tự nhiên bật khóc.
Kể từ đấy về sau, tôi không dám ăn, không dám uống gì ở Varanasi. Thử hỏi, sống ở đây, nấu nướng không dùng nước sông Hằng thì dùng nước gì? Thành ra, cái gì tôi ăn, uống ở đây cũng khiến tôi có cảm giác như đang ăn những mảnh rữa của xác người chết vậy. Tôi chịu không ăn nổi cái gì ở đây, toàn phải mua đồ gói làm từ nơi khác về ăn.
Tôi gặp nhiều dân ba lô ở đây, có bạn ở đây vài tuần, có bạn ở đây đến cả vài tháng. Họ thích Varanasi, bởi nơi đây họ có thể quên đi những bộ bề lo toan của thế giới hiện tại, đắm chìm vào không gian của hàng ngàn năm về trước. Tôi cũng thích nơi này lắm. Sáng sáng đi ra sông ngắm người tắm, trưa len lỏi các ngõ ngách phố cổ, chiều mát hoặc đi thăm các đền chùa, hoặc chèo thuyền trên sông Hằng, tối tối trèo lên sân thượng quán cafe cạnh bờ sông xem người ta trình diễn aarti. Aartilà nghi lễ cúng chỉ có ở Varanasi. Sáu sân khấu được dựng lên nagy cạnh bờ sông. Trên mỗi sân khấu là một anh chàng cao ráo, sáng sủa, mặc một bộ đồ trùng đến gót chân, vắt một cái khăn chéo vai. Sáu chàng trai uyển chuyển chuyển động theo tiếng nhạc khi réo rắt, khi dặt dìu. Ở bên dưới, khán giả đông nghìn nghịt, chen chúc nhau xem. Tôi không hiểu tại sao chỉ mấy bước chân là có thể tìm được chỗ xem trên cao đẹp như thế này, mà không ai chịu tìm.
Nhưng với tôi, tâm linh thôi là chưa đủ. Một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi là ăn. Tôi thích đi lang thang, tự mình khám phá ra những món ăn lạ mình chưa được ăn bao giờ. Ở đây, tôi chịu không ăn nổi gì. Được ba hôm, tôi bỏ của chạy lấy người, lên Bodh Gaya chơi.