Kobayashi nghe vậy cười ha hả, y vươn tay vỗ vai Shuji: “Shuji-kun, câu trả lời của cậu quả nhiên đúng như tôi nghĩ, tôi không nhìn lầm cậu, không nhìn lầm cậu.”
Shuji nhẹ vuốt cằm: “Vậy tôi coi như ngài nói đùa. Rốt cuộc định làm thế nào để chiếm khu vực đài điểm tướng kia?”
“Đi bước nào xem bước ấy thôi, bất kể ra sao, rồi cũng sẽ có cách. Nào, uống trà đi.”
Trong một phòng khác, Minh Nguyệt mở quyển tập viết của cô con gái lớn Touga nhà Kobayashi ra xem, bên trên là bài thơ ngắn đứa trẻ viết bằng chữ Hán:
Ngỗng ngỗng ngỗng
Gáy khúc lên trời.
Lông trắng trong nước biếc,
Chân đỏ quạt sóng xanh.
Nàng không nhịn được mỉm cười. Touga nhìn nàng hỏi: “Cười chi ạ?” Touga sáu tuổi sinh ra ở Phụng Thiên, lớn lên ở Phụng Thiên, ngoài với cha mẹ mình ra, khi nói chuyện với người ngoài cô bé đều dùng tiếng Trung, bởi vậy nên rất nặng giọng địa phương: “gì” không nói là “gì” mà nói là “chi”; “thích” nói là “ham”; “thoải mái” là “dễ chịu”; “xương bánh chè” là “xương đầu gối”…
Minh Nguyệt đáp: “Chị quen một người Nhật Bản cũng viết bài thơ này.”
Kobayashi Masako đứng bên cạnh hỏi: “Có ở Phụng Thiên không? Nhà tôi có quen không?”
“Là bạn học thời em còn học ở Nhật, tên là Seinan.”
“Hiếm có ai nhớ kĩ như em.”
“Người bạn này rất thú vị, bọn em chơi khá thân nên ấn tượng rất sâu.”
“Chữ của Touga tiểu thư cảm thấy thế nào? Đừng khách khí, xin cứ nói thẳng.”
“Chữ viết rất được. Bằng tuổi này, chữ em hoàn toàn không bằng Touga.”
“Em nghe nói thầy giáo dạy viết chữ Hán đều rất nghiêm khắc, có phải không ạ?” Kiko hỏi.
“Đứng sau lưng em, em đang viết, thầy ấy sẽ giật bút từ phía sau. Giật không ra thì tốt, coi như em cầm bút vững. Nếu bị giật ra, bút bị thầy ấy lấy mất rồi…”
“Sẽ đánh tay phải không ạ?”
“Đánh rất nặng.” Minh Nguyệt nói.
Masako cười, trong tay cô cầm một bức tranh tự thêu chữ thập, đã hoàn thành được một nửa, có vẻ như là tranh mẫu đơn Lạc Dương. Trong gia đình này đâu đâu cũng có thể thấy chút yếu tố Trung Hoa thú vị: bình gốm màu đời Đường bày trên bàn, tranh thủy mặc Hoàng Sơn treo trên tường, bài thơ cô bé con chép và giọng bản địa của nó, và cả bức tranh thêu của nữ chủ nhân… Minh Nguyệt nghĩ, một nền văn hóa được một dân tộc khác cảm thấy hiếu kỳ và tán thưởng luôn là điều khiến người ta vui sướng, nhưng bên cạnh đó lại có điều khiến người ta bất an: Đây là một gia đình quân nhân. Tuy rằng họ ôn hòa thân thiện, nho nhã lễ độ nhưng khi cha của cô bé này ra cửa, y cũng giống như bao quân nhân Nhật Bản khác mà Minh Nguyệt từng thấy, mặc quân trang, kiêu ngạo uy vũ, đeo gươm giắt súng. Mà nơi đây lại chẳng phải đất của họ.
Khi Shuji và Minh Nguyệt rời khỏi nhà Kobayashi, trời đã tối.
Minh Nguyệt quay cửa kính xe xuống, gió nam mang theo hương hoa hòe nhẹ nhàng thổi vào xe, ngọt ngào ướt át.
Shuji đó giờ vẫn im lặng bỗng nói: “Lần đầu tiên anh đánh nhau với người ta là năm bảy tuổi.”
Nàng quay đầu nhìn anh: “Với ai?”
“Một đàn anh, học trên anh ba khóa.”
“Vì sao đánh nhau?”
“Tên đó rõ ràng có hộp cơm riêng của mình mà cứ bắt đám trẻ con phải dâng đồ ăn cho hắn. Ai có cá chình nướng, đùi gà chiên đều phải cho hắn.”
Minh Nguyệt phì cười: “Chỉ vì nguyên nhân này thôi à? Hắn cướp cá chình nướng của anh?”
“Ừ.”
“Đánh thắng không?”
“Không.” Shuji lắc đầu, “Hắn rất đô con. Đám học sinh miêu tả về hắn rất đáng sợ, nói hắn có thể nuốt chửng một nắm cơm, sức ăn lớn kinh người. Lần đầu đánh nhau với hắn, anh tung nắm đấm, nhưng căn bản là không với tới hắn, thế nên bị tóm cổ áo, hai chân nhấc khỏi mặt đất, cằm bị trúng một đấm, gáy đập vào tường. Sau đó trơ mắt nhìn hắn ăn hết cá chình của mình với cơm nắm của hắn.”
“Sau đó anh biết mình không nên tranh với hắn nữa, hoặc là không nên bảo mẹ làm cá chình nướng cho anh.”
Anh nhìn nàng: “Em sẽ làm vậy à? Anh thì không. Mỗi tuần mẹ anh đều làm một bữa cá chình nướng cho anh. Mỗi tuần anh đều vì chuyện này mà đánh nhau với hắn. Ban đầu đều là bị đánh, về sau không biết bắt đầu từ lúc nào, anh có thể ăn hết một nắm cơm, sau có thể ăn hai, ba nắm, anh cao lên bằng hắn, rồi còn cao hơn hắn, đến một ngày nọ, là anh xách hắn lên…”
“Anh không chấp nhặt với hắn, anh chỉ nói cho hắn biết không được cướp cá chình nướng của anh, cũng không được cướp đùi gà chiên của bạn anh thôi, đúng không?” Minh Nguyệt đoán.
“Em sẽ làm vậy à? Anh thì không. Anh tẩn cho hắn một trận ra trò, ăn hết hộp cơm của hắn.”
Nàng bật cười: “Dã man thật.”
Anh vươn tay ôm lấy vai nàng: “Em quá thiện lương.”
Nàng cúi đầu, tóc phất qua chóp mũi anh, trán chạm vào môi anh. Nàng có một hơi thở mềm mại ấm áp. Anh không cầm được cúi đầu hôn lên má nàng, tìm kiếm môi nàng, tỉ mỉ hôn. Nàng chậm rãi cúi đầu, tránh khỏi môi anh, khẽ ho một tiếng. Anh vỗ nhè nhẹ lên lưng nàng. Nàng tự cho rằng là mình làm quá tự nhiên, lại không biết rằng anh không nhận ra hoàn toàn là dựa vào sự nhẫn nại.
Ả đào bình kịch nổi tiếng Cố Hiểu Đình ngăn Lý Bá Phương lại ngoài cửa phòng mình, không cho vào: “Vương gia các người đang ngủ, vừa mới ngủ, khi khác anh hẵng trở lại.”
Lý Bá Phương nói: “Vương gia bảo tôi đến lúc này, cô cho tôi vào, chờ ngài ấy tỉnh lại.”
“Tôi không có chỗ cho anh đợi.”
Lý Bá Phương cười nói: “Là vương gia đắc tội cô hay là tôi không chu toàn chỗ nào.”
“Đều chẳng ra sao hết. Mỗi lần anh tới đây đều rề rà cả nửa ngày báo cáo kinh doanh gia sản với hắn. Anh đi rồi, hắn lại dài mặt hai, ba ngày không vui. Nói cho anh biết, tôi trước nay nói chuyện luôn là người chiếm thế thượng phong, chịu không nổi chuyện này. Anh đó, anh đừng có chờ ở chỗ tôi, anh về đi, nhé.”
Lý Bá Phương nói: “Được, tôi đi ngay đây. Trước khi đi, có cái này tặng cô. Vương gia dặn dò, nói muốn tặng cô một món quà nhỏ, vất vả mãi tôi mới tìm được, mời cô xem thử.”
Nói đoạn y cầm lấy hộp gấm xanh lục trong tay người hầu, mở ra cho Cố Hiểu Đình xem, mỹ nhân vừa thấy, mặt đã sáng bừng: “Ừ, là chuỗi ngọc trai mà tôi muốn.”
“Chuỗi cô muốn không phải chuỗi này. Chuỗi cô muốn hai mươi tư viên, chuỗi này ba mươi sáu viên.”
Ả hừ một tiếng nhận lấy, Lý Bá Phương xoay người đang định đi, Cố Hiểu Đình lại gọi y lại: “Đến cũng đến rồi, vào trong chờ vương gia tỉnh lại đi. Tôi không để ý tới anh nữa, tối tôi còn có buổi diễn, phải lên sân khấu.”
“Cảm ơn cô.”
Lý Bá Phương vào phòng khách bên trong đợi khoảng hai chén trà, Hiển Sướng từ trong phòng ngủ đi ra, trên người mặc áo bào dài lửng và quần đen bó chân: “Bá Phương tới à.”
“Mang sổ sách qua đưa vương gia xem ạ.”
“Không xem đâu, đọc cho ta nghe đi.” Chàng ngửa đầu uống vài hớp trà, không có tinh thần gì.
Lý Bá Phương bèn đọc các loại khoản tiền lợi nhuận chi tiêu một tháng qua cho Hiển Sướng, tổng thể mà nói thì chẳng có gì giảm cũng chẳng có gì tăng. Y đọc xong, Hiển Sướng nói: “Anh vất vả rồi.” lại nhìn cậu thanh niên tới đây cùng y, “Mới vào phủ à?”
“Vào được bốn tháng rồi ạ, trước đó vương gia không để ý tới. Là cháu ruột của Đại Triệu, trước vốn làm việc ở tiệm thuốc nhà ta. Tôi thấy hắn gảy bàn tính rất khá nên điều vào phủ đỡ đần.”
Hiển Sướng gật đầu, không nói gì.
Lý Bá Phương nháy mắt, cậu trai đi cùng ra khỏi phòng.
Hiển Sướng nhìn y: “Làm sao thế?”
Lý Bá Phương thấp giọng nói: “Trong nhà có người nói đã nhìn thấy Minh Nguyệt cô nương.”
Chàng nghe thấy tên nàng mà không có chút phản ứng gì đặc biệt.
Lý Bá Phương đành tiếp tục nói: “Về Phụng Thiên rồi. Vẫn đang dạy học trong trường tiểu học Nhật kiều. Ở trọ gần chợ Bắc.”
Chàng bưng cốc trà lên, Lý Bá Phương để ý thấy trong cốc đã sớm cạn không.
“Vương gia, vương gia qua thăm hay là để tôi đi chào hỏi trước?”
Hiển Sướng lặng thinh hồi lâu, mãi mới nói: “Cô ấy như vậy là tốt rồi. Đừng quấy rầy cô ấy.”
“…”
“Sao vậy?”
“Người Nhật kia, Azuma Shuji, vương gia còn nhớ không?”
Tiết một chiều hôm đó Minh Nguyệt không có lớp, nàng ngồi trong phòng làm việc phê chữa bài tập của học sinh. Tiết trời hơi nóng, cửa sổ phòng làm việc mở ra, hai con bướm trắng bay vào, nàng ngẩng lên khỏi quyển vở, đăm đăm nhìn hai con vật nhỏ mà ngẩn ra. Đầu tiên chúng bay vài vòng quanh chậu lan đuôi cọp, tiếp đó đậu lên gáy một quyển truyện tranh trên giá sách nghỉ chân, tiếp nữa con này tiếp con kia bay lên, bay ra cửa. Sau đó, nàng nhìn thấy Hiển Sướng.
Nàng cúi đầu, cắn môi, thấy đau mới tin là thật, đứng lên, từ từ đi về phía chàng.
“… Vương gia.”
“Không có tiết à?”
“Dạ.” Nàng ngẩng lên nhìn chàng, “Chút nữa mới có.”
“Có thời gian nói chuyện không?”
“Có ạ. Nhưng không thể…không thể đi quá xa.”
Chàng quay đầu nhìn hành lang phía sau: “Ở đây rất được, gió cũng mát.”
Hai người họ bèn đứng trong hành lang, cách nhau một cánh cửa sổ. Thời gian vốn không có nhiều, nhưng mở miệng sao mà gian nan. Chàng đoán chừng nếu mình không nói câu nào, Minh Nguyệt hẳn sẽ không chịu ngẩng đầu lên. Toàn bộ sự chú ý của nàng dường như đều đặt tại giày và trường sam của chàng, hoặc là trên ngón tay.
“… Tháng Tư ta từ Thiên Tân về. Về rồi mới biết chuyện xảy ra ở nhà.”
“Em không làm gì sai cả. Nhưng,” Chàng thoáng dừng lại, “Nhưng cô ấy cũng khổ… Ta xin em tha thứ cho cô ấy không phải là nói đỡ cho cô ấy mà là muốn em nghĩ thoáng hơn một chút, tự mình sống tốt hơn một chút.”
“Vâng. Hiểu.”
“Em ra ngoài cũng tốt. Ra rồi không còn ai ức hiếp được em nữa. Cô ấy không thể… Ta cũng không thể.”
Nàng nghe đến đó, bấy giờ mới chậm rãi ngẩng đầu lên nhìn vào mắt chàng, không thể nói gì, một tiếng cũng không thể phát ra, sợ rằng chỉ một động tác nhỏ thôi cũng sẽ làm những giọt lệ đong đầy trong mắt tràn ra.
Chàng cau mày nhìn nàng: “Cho nên ta tới không phải muốn dẫn em về. Có hai chuyện muốn nói cùng cô nương. Một cái về ta, một cái về em.”
“…”
“… Ta đối xử với em không tốt. Em đã lớn vậy rồi, đi theo ta chỉ toàn là tủi nhục, đáng tiếc thời gian không thể đảo ngược lại, ta cũng không thể thay đổi được quá khứ. Vậy nhưng…vậy nhưng Minh Nguyệt, em có tin chăng, kể từ ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau cho đến lúc này đứng tại nơi đây, mỗi thời mỗi khắc ta đều thật lòng.”