Nam Nhất hỏi: “Anh biết nói tiếng Trung không?”
Shuji đáp: “Biết.”
“Biết nói những gì?”
“Nghe hiểu nhiều hơn chút, biết nói Xin chào, Cảm ơn, Đưa bản vẽ cho tôi, Cát, Xi măng… Tôi mua cái này, còn có…Xin lỗi.”
Nam Nhất nói một câu “Xin lỗi” rồi đặt tay lên tay Shuji, Shuji né ra, cô nắm thật chặt lấy tay anh, giương mắt lên nhanh chóng uy hiếp: “Rõ ràng anh thích cô ấy, sao lại gây rắc rối cho cô ấy?”
Anh nhìn Nam Nhất, cô cũng nhìn anh: “Anh là đi cùng tôi, là bạn của tôi. Nghe hiểu không?”
Cùng lúc đó, trong phòng nhã trên tầng, có người đang nghiêm túc nghe kịch, gật gù theo nhịp trống và đàn nhị, ngón trỏ mân mê cái nhẫn đeo trên ngón tay cái. Dáng vẻ chàng say sưa, chăm chú, không chịu sự quấy rầy của những chuyện khác. Không ai biết chàng có để ý tới một vở kịch khác mà Nam Nhất ở bên dưới đang trăm phương ngàn kế muốn diễn cho chàng xem hay không, cũng không ai biết chàng có để ý tới Uông Minh Nguyệt đang đứng đằng sau hay không.
Cốt truyện của “Xuân khuê mộng” là thế này: Tráng sĩ Vương Khôi lấy nàng Trương thị xinh đẹp về làm vợ, tân hôn được ba ngày, người chồng phải hành quân xa, người vợ đơn côi lẻ bóng trông nhà. Cô vợ xinh đẹp nhớ chồng đến nóng ruột, lẻ loi hiu quạnh, bất giác, bao nhớ nhung tích góp hóa thành giấc mộng, mơ thấy chồng mình cởi giáp về nhà, cùng ôn chuyện cũ, ân ái muôn phần. Chợt nghe thấy tiếng trống trận dồn dập, binh loạn nhao nhao, Trương thị bị doạ giật nảy mình, mới biết mình đã nằm mơ một giấc mộng xuân khuê vô ích.
Mở đầu vở kịch là màn thiếu phụ si dại chờ chồng, ôm ấp mối tình quấn quít lãng mạn, phong cách chí nhu chí mỹ, rất có sức lôi cuốn. Mãi đến khi vai đán hạ màn, Hiển Sướng mới quay đầu lại nhìn, lạnh lùng cất tiếng: “Ồ, em cũng tới à?” Chàng kéo cái ghế bên cạnh, “Tới đây ngồi đi.”
Minh Nguyệt nghe lời đi tới, ngồi xuống cái ghế bên cạnh chàng, quay đầu nhìn đường nét sườn mặt chàng trong ánh đèn tối mờ, chậm rãi nói: “Đã lâu rồi vương gia chưa về phủ.”
“Ừ. Cần gì thì nói với Lý Bá Phương và Đại Triệu.” Chàng mỉm cười, rốt cuộc cũng ngó qua mặt nàng, “Hầu hạ không tốt em cứ việc đuổi họ đi.”
Nàng lặng thinh hồi lâu, lúc này chàng mới quay sang nhìn nàng: “Em tìm ta có việc gì?”
Nàng bỗng nhoẻn cười, rời khỏi ghế, ghé lại bên chân chàng, co chân ngồi bệt xuống, híp mắt cười nhìn chàng: “Phải có chuyện em mới được tìm vương gia sao?”
Chàng thoáng thất thần: Cô nương này khi cười lên sao vẫn đẹp như vậy? Hệt như khi còn bé, không chút thay đổi nào, một chút phong sương cũng không có. Là dáng vẻ sau khi ăn anh đào đen và đồ ngọt, là dáng vẻ khi đi dỗ dành chàng lúc chàng bị a mã trách phạt, là dáng vẻ khi chơi đoán chữ với chàng, là dáng vẻ khi chàng muốn cù nàng, khi vừa chọc ngón tay vào hõm eo nàng.
Chàng không cầm được vươn tay, dùng mu bàn tay vuốt ve gò má có đường dáng rất đẹp nhưng hơi lạnh của nàng, hiểu rõ rằng ngoại trừ nàng, người người bên cạnh mình chỉ toàn là hàng rởm… Nhưng hàng rởm cũng có chỗ tốt của hàng rởm, anh không cần phải quá chăm chút, không cần phải quá quý trọng, không có câu chuyện gì đặc biệt tốt đẹp lưu lại trong đó, cũng không có hồi ức khiến anh đặc biệt tức giận và không muốn nhớ lại. Anh sẽ không để ý, cũng sẽ không mệt mỏi, ngược lại cũng vậy.
Nàng nắm lấy tay chàng, áp lên mặt mình: “Xem xong kịch rồi về nhà được không?”
Chàng cười lắc đầu: “Không được. Ta có chỗ khác.”
Nàng không giận không cáu, sắc mặt vẫn như thường: “Mồng tám tháng Chạp thì sẽ về, phải không?”
“Ừm, để xem tình hình thế nào đã.”
“Ngày mai có phim mới ra rạp, nghe nói rất hay.”
“Em biết ta thích nghe hí kịch…”
Họ một hỏi một đáp, một đẩy một đỡ, cuối cùng Minh Nguyệt cúi đầu, nhẹ nhàng buông một tiếng thở dài khe khẽ, lại ngẩng đầu lên, dũng cảm nói: “Vậy em tìm một sư phụ học hí kịch, hôm nào hát cho ngài nghe!”
Chàng phá lên cười, con ngươi sáng lấp lánh nhìn Minh Nguyệt: “Nhóc con, em muốn làm gì? Em nhất định đòi ta về bằng được?” Chàng lắc đầu, vén một lọn tóc ra sau tai nàng, “Mỗi người trong chúng ta đều đang rất yên lành, ai muốn làm gì thì làm cái nấy, không ai trói buộc được ai, không ai làm khó được ai. Em bằng lòng ở đây nghe kịch với ta thì ngồi yên trên ghế cạnh ta. Nếu em thấy chán không có hứng thú thì hãy đi đi. Từ nhỏ em đã không thích, không cần phải vì ta mà học cái thứ này. Em không học được. Em căn bản cũng không biết cách lấy lòng. Em không có thiên phú đó. Hiểu không?”
“Hiểu ạ.” Nàng gật đầu, hoàn toàn hiểu rõ, tỏ ra thoải mái tiếp thu, “Em không học hát bình kịch nữa. Em đợi ngài mồng tám tháng Chạp trở về.” Nói đoạn buông tay chàng xuống, đứng lên, rời khỏi phòng nhã, ra ngoài.
Chàng không quay đầu lại, cũng không tiếp tục xem kịch, ngồi lặng trên ghế hồi lâu không nhúc nhích. Không cho nàng một cái liếc mắt nào, lại như thấy bóng lưng nàng hiện lên trước mắt: Mái tóc dài lưng lửng hơi cụp vào trong, vai nhỏ, khoác một chiếc ba-đờ-xuy màu nâu nhạt, bên trong là xường xám kẻ ca-rô màu xanh lá. Bước đi của nàng khá lạ lùng, nếu để ý kỹ sẽ thấy nửa người bên phải bị trầm xuống so với bên trái. Có lẽ là do hai chân lớn lên không đều, đi giày đế bằng cũng có thể bị trẹo chân, đang đi trên rìa vỉa hè cũng có thể ngã sấp xuống. Ngoại hình xinh đẹp lanh lợi là vậy, kỳ thực đi đứng suy nghĩ đều đần thối, thế mà còn đòi đi học bình kịch? Chàng nhếch mép, thầm cười khẩy trong bụng.
Kịch trên đài đang đến khúc triền miên, cặp vợ chồng trẻ chàng chàng thiếp thiếp, ngọt ngào vô cùng. Không biết là tiếng nhạc chấn động hay bước chân của khách dưới lầu quá nặng, sàn nhà dưới chân chàng bỗng rung lên một thoáng, như có như không. Hiển Sướng đứng bật dậy lao ra ngoài, vừa vén mành đi ra đã thấy Minh Nguyệt ngã ở lưng chừng cầu thang, đang đau đến nghiến răng trợn mắt.
“Bị đau ở đâu?” Chàng vọt tới, một tay vòng ra sau đỡ lấy lưng nàng.
Nàng chỉ lo chịu đau, rên rỉ hai tiếng không đáp lại.
Chàng nhìn xuống thấy chân phải nàng không dám co lại, vươn tay lần sờ mắt cá chân nàng: đã sưng đến cứng cả lên rồi. Đang muốn sờ tiếp lại bị nàng dùng tay đẩy ra.
Chàng tưởng là nàng đau, không cho sờ vào, bèn dỗ dành: “Để ta xem thử xem có bị gãy xương không.”
Tay vừa mò tới mắt cá chân lại bị nàng đẩy ra.
“Ta chỉ sờ nhẹ thôi, được không?”
Lại sờ vào, lại bị đẩy ra.
Sức lực không lớn, nhưng nhất quyết không cho chạm vào. Tới tới lui lui ba bốn lần, Hiển Sướng hiểu ra, là đang vùng vằng với chàng đây mà, ngã thành vậy rồi còn vùng vằng. Chàng sốt ruột, khẽ gầm lên: “Muốn ăn đòn đúng không?” Trước đó toàn bộ sự chú ý đều đặt lên chân và mắt cá chân nàng, quay đầu lại mắng mới nhìn đến mặt nàng, vừa nhìn tim đã thắt lại, chỉ thấy nước mắt giàn giụa, chảy tới cằm, rơi xuống ngực áo, lệ vẫn đang không ngừng lặng lẽ tuôn trào, trong mắt ngập tràn uất ức và quật cường, nhưng không nói một tiếng. Trong thoáng chốc chàng cảm giác tim mình như bị ai bóp nghiến dằn mạnh xuống đống thuỷ tinh vỡ vụn, bàn tay đỡ nàng siết lại thành nắm đấm, tay kia giữ chặt lấy cằm nàng, từng câu từng chữ phun ra qua kẽ răng: “Là ta nợ em! Được chưa? Là ta nợ em!”
Chàng bế ngang nàng lên, một bên cánh tay đỡ lấy chân nàng, rầm rầm xuống lầu chạy ra ngoài rạp hát. Tài xế lái xe tới, chàng cẩn thận thả nàng vào ghế sau, vừa định ngồi vào, chợt nhớ tới chuyện gì, khựng lại: “Chờ ta một lúc.”
Chàng quay người trở vào rạp hát, tìm đến bàn Nam Nhất và Shuji, không nói tiếng nào cứ thế ngồi xuống, bưng cốc trà của Minh Nguyệt lên uống một hớp. Tay Nam Nhất vẫn còn đặt trên tay Shuji.
Nam Nhất nhìn chàng, nghĩ ngợi chốc lát rồi nặn ra một nụ cười: “Chú ạ.”
Chàng nói ngắn gọn: “Uông Minh Nguyệt vừa bị ngã, ta đưa con bé về nhà.” Sau đó ngón trỏ lia nhanh qua hai người trước mắt: “Hai người quen nhau thế nào?”
Nam Nhất đáp: “Shuji là bạn cháu. Cháu mời anh ấy đến xem kịch, thuận tiện dẫn cả Minh Nguyệt đi.”
“Xạo.” Chàng nói.
“Chỗ nào?” Nam Nhất cãi, “Cháu xạo chỗ nào?”
“Cô không biết tiếng Nhật, hắn không biết tiếng Trung, hai người sao có thể là bạn?”
Nam Nhất líu lưỡi, trân trối nhìn Hiển Sướng, Shuji bỗng cất tiếng, anh nói: “Này!”
Tiểu vương gia xưa nay chưa từng bị ai gọi là “Này”, chỉ có chàng gọi người khác là “Này”, chàng xoay cổ, nhìn Shuji. Shuji rút tay mình ra khỏi tay Nam Nhất, vừa ra dấu, vừa dùng tiếng Trung chậm rãi, rành rọt biểu đạt: “Anh, mắt, không tốt. Tai, cũng không tốt. Không xem kịch?” Tay ra hiệu đuổi chàng ra khỏi cửa: “Ra ngoài.”
Nam Nhất bỏ một hạt bí vào miệng, ngước mắt nhìn Hiển Sướng, có phần hả hê: “Chú xem, anh ấy biết nói tiếng Trung mà, cháu đâu có xạo với chú đâu.”
Khán giả bên cạnh sớm đã không nhịn được, cũng không để ý người trước mặt này là ai: “Ngài đến xem kịch hay là đến phá bĩnh vậy hả?”
Hiển Sướng không những không giận mà còn cười, trong lòng lại nhớ tới vết thương ở chân Minh Nguyệt, sốt ruột bỏ đi.
Cố Hiểu Đình trên đài đang diễn đến đoạn hai vợ chồng tương phùng trong mộng, cùng chung gối chăn.
Hạt bí trong miệng Nam Nhất cắn mãi không nhằn được nhân, không thể không nhổ ra. Nhìn Shuji, cô cảm thấy mình không thể giải thích được gì, cảm thấy người này dường như còn biết nhiều hơn cô. Ban nãy khi Minh Nguyệt ngẩng đầu trông thấy tiểu vương gia trên lầu rồi lập tức đi lên, không bao lâu sau lúc tiểu vương gia xông vào chất vấn, anh đều không tự ti không kiêu ngạo, không dò hỏi cũng không tò mò. Trong khi Nam Nhất sau lưng đã đổ đẫm mồ hôi, Shuji lại vẫn yên lặng mà chăm chú xem kịch như thế, khiến cô phải thầm tán thưởng trong lòng: Người như Shuji mới là văn minh, mới là cao quý.
Nam Nhất chống đầu, lại cảm thấy hơi lo lắng cho Minh Nguyệt. Ngoài lo lắng ra còn có đố kị. Người thích cậu ấy nhiều thật đấy. Cô gái này vẫn luôn càng ngày càng đẹp càng ngày càng tốt như vậy, lặng lẽ mang trên mình vẻ đẹp nhuốm chút ưu sầu, khiến người ta phải đau lòng. Cô chẳng được như thế. Cô ít nhiều luôn có vẻ mạnh mẽ, mừng giận đều thể hiện hết lên mặt, gặp chuyện không nhờ vả đến ai, còn rất hay đi bênh vực kẻ yếu, tuy cũng là một cô gái ưa nhìn nhưng dù sao cũng thiếu chút khí chất mềm mại, thế là, ôi, thế là không thể bằng được Minh Nguyệt, không thể trở thành nhân vật nữ chính được nhiều người yêu thích trong các câu chuyện rồi. Đó là phiền muộn nhưng cũng là sôi nổi. Lưu Nam Nhất cô còn chẳng trọn vẹn được lấy một trong hai.
Kịch hạ màn.
Nam Nhất cùng Shuji theo dòng người ra cửa. Trời rất lạnh, cô quấn kín cổ trong khăn quàng. Shuji khăng khăng nói phải đưa cô về nhà trước, Nam Nhất gật đầu. Nhưng quái gở là, xe ba gác đỗ đầy ngoài cửa rạp nhưng khi họ muốn lên ngồi, phu xe lại lập tức né tránh, thà đợi không cũng không chịu kéo xe cho họ. Nam Nhất đang thắc mắc thì có người từ trong rạp khoan thai bước ra, giọng sang sảng, vừa như nói chuyện với cô, vừa như đang tự lẩm bẩm: “Trùng hợp thật.”
Nam Nhất quay qua nhìn, là gã thổ phỉ Đàm Phương.
Cô mỉm cười: “Là anh à? Sao không đi bán hạt phỉ đi mà lại có thì giờ đi xem kịch thế này?”
Đàm Phương kéo thẳng ống tay áo nhung gấm hoa lệ: “Hôm nay kịch hay.” Hắn nhìn Shuji, hỏi Nam Nhất: “Vị này là?” Dáng vẻ tò mò có phần khoa trương, tựa như đã sớm biết đáp án mà còn cố tình ra vẻ, nhìn rõ ngứa mắt.
“Không liên quan tới anh.” Nam Nhất nói.
Đàm Phương mỉm cười, lên một xe ba gác: “Tôi bảo này, để tôi gọi thêm một xe nữa đưa hai vị về nhà. Đám anh em này không kéo xe cho người Nhật đâu. Đến chuyện cỏn con này mà cô cũng không biết sao?”
Nam Nhất cười hì hì nói: “Anh đi mau đi, tôi không tiễn.”
Đàm Phương rời đi, vẻ mặt hừng hực tinh thần sẵn sàng tranh cãi của Nam Nhất lập tức tháo xuống, quay sang nhìn Shuji, cảm thấy người này chẳng trêu chọc vào ai bao giờ, khiến người ta phải thương xót. Cô đi qua nói chuyện với anh, đồng thời dùng tay ra dấu hỗ trợ: “Tôi ở cách đây không xa, chúng ta đi bộ sang bên kia một đoạn, lát nữa là có thể gọi được xe.”
Shuji gật đầu: “Được.”