Mấy ngày sau là đó là lễ Bách Hoa, trong ngự hoa viện được bày trí sân khấu kịch và yến tiệc linh đình. Phàm là khuê nữ vương tôn, quý tộc, công chúa, quận chúa, đều được mời tiến cung tham dự. Nhà đại thần nào có công tử trẻ tuổi chưa từng định hôn phối cũng phụng chỉ tiến cung tới dự hội. Tại Bách Hoa yến hai năm tổ chức một lần, Đế Hậu có thể ban hôn ngay tại bữa tiệc, đồng thời gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thần tử có cống hiến to lớn với xã tắc, đây cũng là vinh hạnh cực kỳ đặc biệt. Mục đích chính của Bách Hoa yến chính là thúc đẩy việc kết thông gia giữa các thế gia, nhằm củng cố hoàng vị của vương triều Đại Trịnh.
Tiểu Viện đã kết hôn, trở thành vương phi của Trạm Vương - Trịnh Lan, nhờ có thiệp mời của Hoàng hậu nên mới có cơ hội tới dự tiệc, còn Trịnh Lan vì cơ thể nàng hiện đang trúng độc, cho nên cũng đi theo chăm sóc. Trước nhất chàng lo lắng ảnh hưởng của độc dược đột ngột phát tác, tác động đến tâm trí nàng, thứ hai là lo trong nhóm quý nữ tham gia yến hội khó tránh khỏi có vài người từng tiếp xúc với Tiền Thục Viện thật, có thể phát hiện ra Tiểu Viện giả danh.
Bởi vì Bách Hoa yến, Bách Linh và Ngân Tuệ từ sáng sớm đã bận bịu chuẩn bị xiêm y, quần áo giúp Tiểu Viện, thậm chí còn chu đáo, tỉ mỉ, kỳ công, háo hức hơn cả nàng.
“Mấy ngày nay sao không thấy Đào nương tử nhỉ? Vương phi lệnh cho nàng ấy về Tả tướng phủ có việc gì ạ?” Bách Linh cầm than kẻ lông mày dạng ốc (*) giúp Tiểu Viện hoạ mày, bỗng nhiên nhớ đến Đào nương tử nên thuận miệng hỏi nàng.
(*) Than kẻ dạng ốc (螺子黛) có màu xanh đen, khi vẽ không cần mài, chỉ cần chấm nhẹ vào nước. Than kẻ dạng ốc (螺子黛) là đồ dùng trang điểm xa xỉ được Đế quốc Ba Tư sản xuất với số lượng vô cùng ít ỏi. Do đó, kể cả cung tần mỹ nữ chốn hậu cung sở hữu than kẻ dạng ốc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tiểu Viện nhất thời nghẹn lời, nghĩ ngợi một lát mới đáp: “Nàng ấy theo ta xuất giá, nhưng xét cho cùng không phải nha hoàn hồi môn của ta, trước đây ta có hứa đợi ta được gả đi, sẽ cho nàng ấy quay lại tướng phủ.”
Bách Linh và Ngân Tuệ không chút hoài nghi, gật đầu.
Bách Linh nói: “Đào nương tử cả ngày mặt mày cau có, nặng nề. Người trong vương phủ đều không dám nói chuyện với nàng. Bây giờ nàng ấy về lại Tướng phủ rồi, chúng nô tỳ cũng cảm thấy dễ thở hơn.”
Tiểu Viện khéo léo chuyển chủ đề. Trong số váy vóc Ngân Tuệ lấy ra, cuối cùng nàng cũng chọn được một bộ xiêm y màu đỏ hồng, vừa vặn phối với áo choàng lụa màu trắng tuyết.
Nàng đã là nữ tử có gia đình không thể mặc mấy màu sắc quá chói mắt, bộ váy này màu sắc hài hoà, thanh lịch, mang vẻ đẹp hết sức thư thái, khoan thai, dễ dàng chiếm được cảm tình của người đối diện.
Quần áo và trang dung đã chuẩn bị xong xuôi, Bách Linh và Ngân Tuệ nhịn không được cảm thán trước nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn của Vương phi.
“Dù không dốc sức trang điểm, ăn mặc thì mỹ mạo của vương phi vẫn hơn đứt các tiểu thư danh môn trong kinh thành. Dõi mắt khắp kinh thành nào ai có thể so sánh được với người?” Bách Linh dẻo miệng nịnh nọt, sau đó cầm hai chiếc trâm cài lên ướm thử, lựa chọn xem cái nào hợp nhất với xiêm y của chủ nhân.
Ngân Tuệ phụ hoạ tâng bốc: “Đúng đấy, vương phi nhà chúng ta đúng là thiên sinh lệ chất, câu thơ gì mà… thanh thuỷ phù dung hoa…!”
“Thanh thuỷ xuất phù dung, thiên nhiên khứ điêu sức.” (*) Trịnh Lan cầm trên tay một chiếc quạt xếp Mai Lộc Như Ý (1), cất bước tiến vào, nói nốt vế còn lại của câu thơ Ngân Tuệ đang nhắc đến.
(*) Câu thơ của Đường Lý Bạch – Luận thi. Dịch nghĩa: Hoa sen mọc lên từ nước trong, thiên nhiên không cần phải bài trí, gia công.
Hai nha hoàn vội vàng hành lễ, ánh mắt Trịnh Lan hoàn toàn bị thu hút bởi Tiểu Viện. Chàng chưa từng thấy nàng ăn mặc dịu dàng, thanh thoát như vậy bao giờ, hơn nữa còn trang điểm tương đối tỉ mỉ, dụng tâm. Tuy nhiên mọi thứ đều mang đến cảm giác cực kỳ tự nhiên, thư thái, tản mát ra một vẻ thanh nhàn, biếng nhác, khiến bản thân chàng cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái lây.
Quả thực, vô cùng xinh đẹp.
Lúc này Bách Linh và Ngân Tuệ mới để ý điện hạ đã thay một bộ quần áo khác ở thư phòng, là một bộ trường sam bằng gấm màu trắng tuyết, phối cùng đai lưng Ngọc Hòa Điền (2), trong tay cầm một chiếc quạt xếp Mai Lộc Như Ý, càng tôn thêm khí chất phiêu dật, hào hoa, cùng nét tiên khí thoát tục của chàng.
Hai nha hoàn đương tuổi xuân xanh nhịn không được cảm xúc bồi hồi, xao xuyến.
Những ngày gần đây, chàng cả ngày ở trong thư phòng xử lý chính sự, phòng độc dược kia phát sinh rủi ro không khống chế được, cho nên thời gian đến hậu viện không nhiều. Kỳ thực mấy lần chàng định dùng thân làm “giải dược”, muốn dứt khoát giải trừ độc dược trong cơ thể Tiểu Viện, nhưng đều cố nhịn xuống.
Tiểu Viện đã tin tưởng kể cho chàng chuyện cũ của mình, có thể tựa trên vai chàng rơi lệ, vậy thì Trịnh Lan cũng nguyện chờ đợi nàng cam tâm trao ra tấm chân tình.
Chàng duỗi đôi bàn tay trắng nõn thon dài, Tiểu Viện e lệ đặt bàn tay nhỏ nhắn mềm mại vào lòng bàn tay chàng, cùng nhau sóng bước vào cung.
Thời điểm Tiểu Viện nắm tay Trịnh Lan tiến vào ngự hoa viên, tất cả ánh mắt đều đổ dồn về phía hai người. Ghen tị có, kinh ngạc có, hâm mộ có.
Trạm Vương điện hạ trước nay hành vi phóng túng, hống hách, ngang ngược chưa từng tham gia yến tiệc trong cung, thế mà lần này lại đích thân hộ tống vương phi, điều này không khỏi khiến mọi người kinh ngạc.
Xem ra tin đồn Tiền đại tiểu thư có bí kíp trói buộc nam nhân không phải giả. Càng khiến người ta trầm trồ, tán thưởng hơn chính là mỹ mạo nghiêng nước nghiêng thành của vương phi, mắt tựa làn thu thuỷ, da trắng nõn nà --- đặc biệt là vết bớt Hoa Điền đỏ thẫm giữa trán trong truyền thuyết, quả là trong dung nhan mỹ lệ, yêu kiều lại điểm thêm nét chấm phá, tựa vẽ rồng điểm mắt.
Một đôi bích nhân chầm chậm đi tới, như đôi thần tiên quyến lữ bước ra từ tranh vẽ.
“Thật là đẹp…” Người vừa nói chính là đích nữ duy nhất nhà Lễ bộ Thượng Thư Phùng Mỹ Nga vừa đến tuổi cập kê, được cùng mẫu thân Phùng Lưu thị tiến cung, nàng có chuẩn bị một đoạn cổ cầm độc tấu, hi vọng có thể lọt vào mắt xanh của đế hậu, để được ban một mối hôn sự tốt.
Đứng bên cạnh là đích nữ Lý Tú Dung nhà Hữu tướng, nàng ta yên lặng nhìn Trịnh Lan tiến vào, đôi mắt chằm chằm dán theo cử chỉ thân mật, tình tứ của phu phụ Trạm Vương với cái nhìn đầy si oán.
Lý Tú Dung đã quen biết Trịnh Lan từ lâu, thậm chí còn trước cả Tần Chí Thành.
Trước khi thăng lên chức lên Hữu tướng, cha của Lý Tú Dung - Lý Lương Bạt là Thái phó ở Thái Học, được Hằng Xương Đế khâm định trở thành thầy giáo dạy vỡ lòng cho Trịnh Lan. Lý Tú Dung thuở nhỏ thường theo phụ thân đến Thái Học học chung với các hoàng tử, công chúa. Trịnh Lan và Tần Chí Thành đều là đồng môn của nàng ngày trước.
Trịnh Lan từ nhỏ đã thể hiện tài năng hơn người, thiên tư trác tuyệt, Lý Tú Dung từ thuở ấu thơ đã nảy sinh ái mộ. Tình cảm ấy cứ lặng lẽ lớn dần lên.
Tới khi Trịnh Lan trưởng thành, ở kinh thành bắt đầu có những tin đồn chỉ trích chàng hành vi phóng túng, ngông cuồng tự đại, chẳng những không màng triều chính, tính tình còn thất thường, khó nắm bắt khiến thường xuyên chọc giận Hằng Xương Đế.
Mặc dù Lý Tú Dung cũng đoán được phần nào lý do Trịnh Lan trở nên như thế, nhưng thân là khuê tú, cũng chỉ đành chôn vùi tình cảm đầu đời nơi sâu thẳm đáy lòng.
Thế nhưng vì hình bóng Trịnh Lan quá lớn, Lý Tú Dung lại là người kiêu ngạo, không dễ coi trọng kẻ khác, cho nên dù người tới cửa cầu hôn tương đối nhiều, nhưng nàng đều cự tuyệt. Bây giờ nàng đã mười tám tuổi, ở cái thời mà tuổi cập kê đã kết hôn, Lý Tú Dung chẳng khác nào bà cô già quá tuổi.
Ngày nghe tin bệ hạ chỉ hôn cho Tiền Thục Viện - con gái Tả tướng với Trịnh Lan, lần đầu tiên trong cuộc đời nàng ta mới biết cảm giác tan nát cõi lòng đau đớn đến nhường nào. Nàng ngồi bên cửa sổ rơi lệ hồi lâu. Nhưng trong lòng vẫn nhen nhóm tia hy vọng, biết đâu trong lòng Trịnh Lan cũng có nàng, nàng không ngại trở thành trắc phi của vương phủ.
Bách Hoa yến lần này, mọi người đều thầm hiểu trong lòng, mục đích chính là chọn tục huyền (*) cho Thái tử.
(*) Lấy vợ khác, sau khi vợ trước chết.
Mười năm trước, Đông cung từng có Thái tử phi, nhưng sau này nàng ta bệnh chết, Hằng Xương Đế cũng chưa đề cập đến việc tục huyền cho Thái tử. Cho nên vị trí nữ chủ nhân Đông Cung cứ vậy để trống đã nhiều năm.
Hoàng hậu hiện tại là kế hoàng hậu của Hằng Xương Đế, cũng không phải mẹ đẻ của Trịnh Dũng, cho nên việc tục huyền của Thái tử đương nhiên không quá quan tâm.
Bách Hoa yến lần này, Hằng Xương Đế cố ý sắp xếp cốt chọn được một người phù hợp với vị trí Thái tử phi.
Trên triều đình, đã có người dâng sớ, giới thiệu Lý Tú Dung, nhưng chuyện này người đầu tiên phản đối lại là Lý Lương Bạt. Bởi vì xung đột đảng phái, Lý Lương Bạt đã nhiều lần tố cáo với Hằng Xương Đế hành vi ngang ngược của Thái tử, có thể nói mối quan hệ giữa Lý tướng và Thái tử như nước với lửa.
Huống chi, trong lòng Lý đại nhân rất rõ tâm ý của nữ nhi. Trừ khước Vu Sơn bất thị vân (*), dù có làm tiểu thiếp của Trịnh Lan, nữ nhi của ông cũng sẽ đồng ý không chút do dự.
(*) 除却巫山不是云 dịch nghĩa Trừ khước Vu Sơn bất thị vân. nghĩa là: Đã trải qua một mối tình đẹp thì khó mà yêu thêm lần nữa, người bị tình yêu làm cho tổn thương.
Trịnh Lan nắm tay Tiểu Viện đi đến trước sân khấu, cùng hành lễ với Hằng Xương Đế và Hoàng hậu. Cung nữ thái giám đưa chàng và Tiểu Viện ngồi xuống vị trí tốt nhất, chờ đợi các nữ nhi danh môn trổ tài, hiến nghệ.
Lý Tú Dung thu lại ánh mắt đau buồn, ảm đạm, cũng ngồi xuống vị trí đã được an bài thưởng thức các tiết mục.
(1) Quạt Mai Lộc Như Ý: Đại khái là loại tre làm nan quạt này là một loại tre Mai Lộc, nó có hoa văn như những đóa hoa đang nở rộ đan xen, một số thân tre khác thì có hoa văn như da thú.
(2) Ngọc Hòa Điền: Hòa Điền là một loại ngọc bích đến từ vùng Tân Cương, Trung Quốc. Loại ngọc được khai thác ở núi Côn Luân, màu sắc cực kỳ đa dạng. Độ cứng của ngọc rơi vào khoảng 6-6,5 Mohs, và loại màu trắng có độ cứng cao nhất. Từ rất lâu đời, con người đã khai thác tìm thấy loại ngọc này. Chúng có vẻ đẹp thu hút, khiến nhiều người say mê.Vào thời phong kiến, ngọc sẽ được sử dụng làm trang sức đeo bên cạnh vua chúa, quý tộc. Các khối ngọc sau khi được khai quật lên, sẽ được các người thợ kim hoàng điêu khắc tỉ mỉ. Tạo nên các sản phẩm trang sức xinh đẹp, thể hiện sự sang trọng, quý giá. Theo sử sách ngọc được tìm thấy lần đầu tiên tại Côn Luân nên được gọi là “Côn Sơn Ngọc”. Chính vào thời Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, ngọc được đổi tên thành Ngọc Bích Hòa Điền. Sau đó đến năm thứ 9 của triều Thanh thì được chính thức có tên là Ngọc Bích Tân Cương.Màu sắc của những viên ngọc bích hòa điền sẽ có màu trắng, lục nhạt, lam, xám, xanh,…Mặc dù có màu sắc đa dạng nhưng chúng có điểm chung là vết rạch màu trắng. Điều này cũng khá dễ hiểu, bởi ngọc khi được hình thành có nhiều Tremolite.Tiếp đến là về độ bóng của ngọc cũng khá vừa phải, độ dầu béo cao. Khi tiếp xúc với ánh sáng chúng lấp lánh, thu hút ánh nhìn. Độ bóng này của ngọc cũng ảnh hưởng đến các vệt trắng nên chúng được phân thành các cấp độ. Bao gồm trắng cấp độ 1, 2, trắng cấp độ mỡ dê, trắng phấn kem và trắng xương gà. Và tùy theo độ trắng này mà độ bóng và độ béo của ngọc khác nhau.