Ván Cờ Người

Quyển 2 - Chương 3: Chiêu độc



Văn Hòa càng ngày càng nghiện nặng mạt chược. Cánh Hữu Ngư không biết Văn Hòa ở nhà càng ngày càng khó ở, mà cho rằng anh càng tham nhũng nhiều hơn.

Không phải lúc nào cũng có “lợn” để giết, không có nhiều người giúp được họ. Văn Hòa không thích chơi “hữu nghị làm đầu, thi đấu thứ hai”. Chơi mạt chược anh chê nhỏ không sợ to.

Không có “lợn” để giết, trạng thái chơi bài của anh rất không bình thường. Đại Trung về cơ bản không dám chơi, kéo anh anh cũng không chơi, vì chơi bài kiểu ấy thua coi như đổ máu. Không còn cách nào khác, Hữu Ngư đành tìm người thế mạng, những lúc Văn Hòa muốn chơi anh gọi ông Trương Đức Lâm, Phó giám đốc sở Bảo vệ môi trường.

Bên cạnh ông Lâm có nhiều người chơi mạt chược, có lúc ông “một kéo một” hoặc “một kéo hai”, ông chơi cũng chê nhỏ không sợ to, chơi giỏi, có ông không phải lúc nào Văn Hòa cũng thắng. Ai không dám thắng Văn Hòa, ông Lâm dám, ông quen tiền không quen người.

Hôm ấy Văn Hòa lại ngứa tay, chưa hết giờ đã đòi chơi. Hữu Ngư không đánh, Đại Trung không đánh, sợ làm mất lòng Văn Hòa, Đại Trung trốn, bảo có việc gấp. Hữu Ngư không chạy nổi, chỉ còn nước gọi điện tìm người thế chân, gọi ông Lâm.

Ông Lâm đến nhưng không đánh, bảo việc ở cơ quan chưa xong. Hữu Ngư nhìn sắc mặt Văn Hòa, sợ hãi, bảo ông Lâm hãy chiếu cố cả công tác lẫn chơi bài. Ông Lâm rất khó xử, do dự hồi lâu mới đồng ý chơi. Ông để cặp xuống, gọi điện về cơ quan bố trí công việc, tiếp theo gọi điện tìm thêm hai người nữa, khó khăn lắm mới đủ bốn người.

Hồ Bằng cũng đến chầu rìa, anh quen hai người ông Lâm gọi đến, theo cơ quan họ làm việc, vẫn gọi họ là “Hạ điện” và “La nước”.

Không biết Văn Hòa bị bệnh gì, nhất định đòi đánh lớn, mấy người tham gia đều phải ra ngân hàng rút tiền.

Tấm cửa cuốn của Công ty Hữu Ngư kéo xuống, khóa lại, Hồ Bằng được chỉ định lo việc hậu cần. Vừa ngồi xuống, ông Lâm hô đặt cái năm chục nghìn, mấy người lần lượt rút từng tệp tiền ra.

Ông “La nước” đề nghị cất tiền mà dùng quân bài tú-lơ-khơ làm thẻ. Ông Lâm không đồng ý, bảo không thấy tiền không phấn khởi. Người quen chơi, mỗi đồng một quân, Văn Hòa phụ họa, dẫn đầu mở băng tiền, đếm tiền rất có nghề. Mọi hứng thú đều được huy động. Ông “Hạ điện” vỗ mạnh vào những tờ giấy bạc để trước mặt: “Bắt đầu, bắt đầu!”

Tiếng xóc bài rào rào, bốn người chơi bài tinh thần vô cùng phấn chấn.

Hữu Ngư rất ngượng ngồi quan sát, vừa rồi anh bảo bận việc để từ chối tham gia. Hồ Bằng pha trà, rót nước cho mọi người, những lúc rỗi lại ngồi chầu rìa sau lưng ai đó.

Chầu rìa có thể thấy bài của mấy người. Nhìn bài người khác có thể biết cục diện cuộc chơi, thầm phán đoán nước đi của từng người, có thể tính ra được mặt đúng sai. Người chầu rìa thấy bài khó che giấu những biểu hiện trên nét mặt. Người chơi bài thông minh có thể nhìn nước ngắm trăng, nhìn vẻ mặt người chầu rìa đoán đúng tám chín phần bài của đối phương. Những người ấy không bao giờ để người ngồi sau lưng mình. Gặp những người không thích có ai chầu rìa nghiêng ngó liền mời điếu thuốc, ám chỉ đi chỗ khác; nếu không khách khí, cau mặt chửi vài câu là chuyện bình thường.

Những lúc rỗi, Hồ Bằng ngồi sau lưng Văn Hòa, Văn Hòa không kị Hồ Bằng nhìn bài của mình, bắt bài, ra bài còn lầm rầm nói đúng sai, tốt xấu với Hồ Bằng. Thật ra anh rất giảo hoạt, có những lúc lợi dụng như vậy để nghi binh đối phương. Hồ Bằng cố không để lộ vẻ mặt. Ai ù ván lớn đều mời thuốc Hồ Bằng, anh vui cho những người thắng, tiếc rẻ cho những người thua, luôn đứng lên rót nước cho mọi người.

Bài của Văn Hòa rất lạ, thoạt đầu bài tốt, nhưng không hiểu tại sao cứ xấu dần, cứ lắng nghe mãi, cuối cùng bị người khác ù trước. Hồ Bằng sốt ruột cho anh, bài đánh như vậy gọi là bài ôn dịch, làm cho người chơi mất hết tinh thần.

Kết thúc vòng một Văn Hòa thua ba chục nghìn đồng. Anh không tỏ ra buồn, cứ lặng lẽ ứng chiến, tươi cười vui vẻ. Sang hiệp thứ hai, tình hình dịu dần, ông Lâm bắt đầu thua.

Văn Hòa cầm bài rất thích dùng ngón tay cái và ngón giữa sờ bài, có thể biết chính xác quân bài nào đến tay mình. Anh xòe bài, không gom các quân bài lại một chỗ, đối phương không thể biết vị trí các quân bài trên tay anh. Làm được điều này không dễ, vì một ván bài nghe gọi mấy quân, tính không ra sẽ bị bồi thường….

Họ đánh bốn ván coi như một vòng, sau mỗi vòng lại đổi hướng đông, tây, nam, bắc. Vòng thứ ba Văn Hòa ngồi ở vị trí tây. Tuy là vị trí “hưng họa”, hai vị trí trước anh đều thắng, Văn Hòa nghĩ mình là cá muối vươn mình.

Ông “Hạ điện” ngồi ở vị trí đông, là đối tượng của Văn Hòa, ra quân đầu tiên Văn Hòa đỡ, ngăn được nhà trên là ông La bắt bài… Tiếp theo, anh như bị ma ám, cuối cùng bị thua.

Mọi người cùng căng thẳng, nhìn quân bài trước mặt Văn Hòa, lại nhìn bài trên tay mình, nơm nớp lo. Ván này và nhiều ván khác Văn Hòa được hơn chục nghìn… Lúc này trên bàn mạt chược ít nhất có hai người phải ra ngân hàng rút thêm tiền.

Văn Hòa đặt bài xuống bàn: “Lại ù!”.

Hồ Bằng không nhìn rõ anh đánh quân gì, để tránh bị nghi ngờ, Hồ Bằng ra ngồi ở sofa.

Cuộc chơi kéo dài đến sáng, kết quả Văn Hòa thua sạch, anh đưa thẻ tín dụng cho Hồ Bằng ra trạm tự động rút mười nghìn đồng, phải chiến đấu đến cùng.

***

Hồ Bằng không muốn chơi mạt chược với Oánh Oánh nữa, anh sợ quan hệ của mình với Oánh Oánh sẽ bị lộ trên bàn mạt chược. Văn Hòa muốn được yên tĩnh, anh muốn xem Hồ Bằng có chơi bài với vợ hay không, nếu có lúc nào đó không chơi, lòng anh lại không yên. Vì vợ chơi mạt chược say mê anh mới được yên tĩnh.

Văn Hòa rất chú ý đến Hồ Bằng, lúc nào cũng muốn Hồ Bằng đến chơi mạt chược với vợ, giúp vợ tìm đủ người chơi. Anh rất cảm kích Hồ Bằng, Hồ Bằng trở thành thuốc ổn định và dầu bôi trơn cho quan hệ giữa Văn Hòa và vợ.

Hồ Bằng thấy rõ tâm tư Văn Hòa, trước Tết kêu túng, chơi mạt chược thua nhiều, đề nghị Văn Hòa giúp tiêu thụ hàng Tết của anh ta và Đại Trung nhập về. Văn Hòa đồng ý ngay, anh gọi điện liên hệ khắp nơi, bán số hàng Tết ấy cho một doanh nghiệp nhà nước đang nợ ngân hàng của anh.

Văn Hòa không thèm những đồng tiền vặt của Hồ Bằng. Cảm thấy chỉ giúp anh ta vốn chơi mạt chược, lại cho Hồ Bằng hai chai rượu Thủy Tỉnh Phường và hai cây thuốc lá Trung Hoa, nói là để cảm ơn Hồ Bằng đã vất vả cùng chơi mạt chược với Oánh Oánh.

Cầm những thứ Văn Hòa cho, Hồ Bằng cảm thấy nóng tay, không vững tâm và sợ hãi.

Sau mấy lần làm tình với Oánh Oánh ngay ở nhà Văn Hòa, Hồ Bằng không dám làm tiếp. Có lúc chơi mạt chược xong, Oánh Oánh giữ Hồ Bằng lại, sau một hồi đấu tranh tư tưởng, táo bạo lắm anh mới dám ở lại, còn phần lớn anh tìm lý do để ra về. Hồ Bằng vẫn rất thích Oánh Oánh, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là lạnh lùng với Vân Tài và lòng những trống trải.

Làm chuyện lén lút với vợ người khác, cũng có thể coi đấy là vợ bạn, Hồ Bằng không khỏi căng thẳng, có lúc thần hồn nát thần tính. Oánh Oánh rất hiểu, gặp những lúc ấy chị dịu dàng ôm Hồ Bằng. Hồ Bằng không chịu nổi, anh nói thẳng sợ Văn Hòa bắt gặp.

Oánh Oánh nói không có gì phải sợ, cho dù anh ấy bắt được cũng không sao. Thấy Hồ Bằng nửa tin nửa ngờ, chị buộc phải nói rõ: “Anh ấy sẽ không dám làm gì Oánh, Oánh sẽ không để anh ấy làm phiền đến Bằng đâu”.

Hồ Bằng thấy trong phòng ngủ có thêm một cái giường mới, liền kéo Oánh Oánh lên đấy làm tình. Oánh Oánh nhất quyết không chịu, nhưng không chống cự nổi Hồ Bằng, đành trải khăn trải giường sạch lên: “Đây là giường anh Hòa, không bao giờ Oánh đụng đến nó”. Hồ Bằng không tin, chị lại giải thích: “Từ lâu Oánh với anh ấy không có chuyện kia. Bây giờ hai người đã chia tay”.

Trên cái giường của Văn Hòa hai người đều rất hưng phấn, lúc cao trào đến, Oánh Oánh kêu to: “Anh… anh Hòa…”. Hồ Bằng sắm vai Văn Hòa lúc đánh bài để nói chuyện vui khiến Oánh Oánh ôm bụng cười, chị nói những người như vậy đầu óc ngu xuẩn đầy phân. Hồ Bằng thấy Oánh Oánh nói như vậy anh nghĩ bụng, nếu chị ta biết con người ấy là chồng mình, liệu có cười được không? Anh hối hận đã kể chuyện ấy ra, sợ lúc vui chị kể lại cho chồng nghe. Anh vội dặn Oánh Oánh: “Oánh đừng kể lại chuyện ấy cho anh Hòa nghe đấy nhé, người ấy chính là bạn của anh Hòa”. Oánh Oánh nói: “Không đâu! Oánh không có chuyện gì để nói với anh ấy”.

Quan hệ giữa Oánh Oánh và Hồ Bằng trở nên nhộn nhịp. Ngày nào dù có việc hay không, Oánh Oánh cũng gọi điện cho Hồ Bằng, qua điện thoại nói đủ thứ chuyện. Chị bảo Hồ Bằng đã đem niềm vui đến, cuộc sống thật nhẹ nhàng thoải mái, không buồn như trước, ngày dài bằng một năm. Hồ Bằng không thay đổi được bản tính, hỏi Oánh Oánh niềm vui nào, vui vì ù một ván lớn hay niềm vui khó nói bằng lời? Oánh Oánh bảo, dù sao đấy là niềm vui, niềm vui không thể nói rõ. Oánh Oánh cảm khái: “Bằng thấy có lạ không, giống như người mất hồn, với anh Hòa chưa bao giờ được như thế”.

Hồ Bằng giội nước lạnh: “Bằng vẫn sợ, sợ vui quá hóa buồn”.

Oánh Oánh hiểu tâm lý sợ hãi của Hồ Bằng, chị thuê căn hộ của thằng em trai với danh nghĩa người khác. Đưa cho anh một cái chìa khóa.

Hai người hễ có cơ hội lại gặp nhau, có lúc Oánh Oánh giữ anh lại qua đêm. Gặp những hôm như vậy chị giải thích rất đơn giản với Văn Hòa: chơi mạt chược thâu đêm. Văn Hòa vẫn thương vợ, anh nói rất nghiêm túc, thâu đêm rất hại người.

Thật ra nhiều lúc chị không cần giải thích, chị và chồng không ngủ cùng phòng, Văn Hòa không biết vợ mình mấy giờ mới về.

Oánh Oánh mua cho Hồ Bằng bộ đồ Tây nhãn hiệu Baromon, Hồ Bằng mặc vào trông như một người khác, càng đẹp trai, càng phong độ. Oánh Oánh gợi ý, từ nay về sau không phải áo quần hàng hiệu thì không mặc lên người, hàng hiệu dù cũ cũng là hàng hiệu, có phong cách, không giống với những thứ khác. Cũng đừng mặc áo bluson quanh năm, trông như con sâu.

Hồ Bằng vui mừng lôi Oánh Oánh cùng soi gương, nói giống như hai vợ chồng. Oánh Oánh trẻ trung, đứng với Hồ Bằng không ai nhận ra hai người chênh lệch tuổi tác. Có lúc chị đỏ mặt, ôm Hồ Bằng, quằn quại trên người anh. Hồ Bằng nói: “Bằng phát điên lên mất”. Điên lên, Hồ Bằng lại vật Oánh Oánh xuống giường, điên cuồng lột quần áo Oánh Oánh. Oánh Oánh rất thích cách ấy, hễ Hồ Bằng làm như thế hơi thở của chị lại gấp gấp, dồn dập…

Thỉnh thoảng chị lại nhắc Hồ Bằng đón Vân Tài về. Cứ nhắc đến Vân Tài, Hồ Bằng tỏ ra nhạt nhẽo. Oánh Oánh nói nhiều lần, Hồ Bằng cũng cảm thấy cứ như thế cũng không nên.

Không còn mấy hôm nữa là đến Tết, không nên để Vân Tài ăn Tết ở nhà mẹ đẻ. Hồ Bằng muốn đón vợ về, anh phải rất quyết tâm, anh không muốn sang nhà bố mẹ vợ.

***

Vân Tài và Hồ Bằng cãi nhau, vợ tức giận bỏ về nhà mẹ đẻ trở thành vấn đề lịch sử.

Hồi mới lấy nhau, hai người cứ ba ngày cãi nhau nhỏ, bốn ngày cãi nhau to, mỗi tháng cũng vài ba lần xung đột tay chân. Bố Vân Tài từ vị trí Cục trưởng Cục Công nghiệp điện tử lui về được ít lâu, coi mâu thuẫn giữa con gái và con rể là việc lớn cần xử lý. Hồ Bằng về nhà bố mẹ vợ đón Vân Tài về, Vân Tài định về nhưng bố không cho. Ông rất hùng hồn nói, qua nghiên cứu, vấn đề ở Hồ Bằng, nhất định đòi Hồ Bằng phải viết một bản kiểm điểm thật sâu sắc.

Nghiêm trọng nhất là lần anh cho Vân Tài một cái tát, Vân Tài ôm bộ mặt sưng húp về nhà bố mẹ đẻ. Ông cựu Cục trưởng không những yêu cầu Hồ Bằng phải viết kiểm điểm, còn triệu tập hội nghị gia đình để giúp đỡ anh, cuộc họp giống như phê đấu, khiến Hồ Bằng không ngước mặt lên nổi. Từ đấy về sau, Hồ Bằng ít khi sang nhà bố mẹ vợ, ngày Tết ngày lễ phải như thắp lửa anh mới sang thăm, nhưng tuyệt nhiên không ngồi quá một phút. Sau đấy, mỗi lần Vân Tài cãi nhau với anh, chị về nhà mẹ đẻ, anh thay đổi sách lược, không đi đón nữa, cuối cùng thì Vân Tài phải kiếm cớ để về.

Sau lúc hết giờ buổi chiều, trước bữa ăn tối Hồ Bằng đi đón Vân Tài. Mẹ vợ thấy con rể đến thoáng chút bối rối, ấp a ấp úng bảo Vân Tài đang đi đâu đấy.

Thằng con đang ngồi trong nhà làm bài tập, thấy bố nó chạy ra, học khẩu khí của bố: “Lại chết vì mạt chược rồi! Đánh cũng không chừa, mạt chược là đời nó!”

Nghe thằng con nói vậy anh bỏ về ngay, bà mẹ vợ đuổi theo, bảo sẽ gọi Vân Tài về. Hồ Bằng nói: “Khỏi phải gọi, để cô ấy chơi cho chán”.

Hơn mười một giờ đêm hôm ấy Vân Tài bị cảnh sát bắt ngay bên bàn mạt chược.

Cả bốn người chơi đều bị đưa về đồn. Cảnh sát không nói gì với họ, mà lấy cuốn “Điều lệ xử phạt vi phạm trật tự trị an” cho họ học.

Sáng hôm sau đồn cảnh sát thông báo cho thân nhân đem tiền phạt đến, Hồ Bằng đến muộn nhất. Vân Tài gọi điện cho bố mẹ, bố chị không đến, sợ xấu mặt; anh em đều đi công tác ở Cáp Nhĩ Tân; mẹ bất đắc dĩ phải gọi điện cho Hồ Bằng.

Người nhà của mấy người cùng chơi bài với Vân Tài đứng ở đồn cảnh sát cả đêm. Thấy Hồ Bằng đến muộn, họ bảo với anh, Vân Tài khóc không biết bao nhiêu lần.

Cảnh sát làm việc rất nghiêm túc, họ đưa cho Hồ Bằng xem biên bản: “Những người này không chơi nhỏ, cũng không phải vui, mà được thua hàng nghìn. Tiền trên mặt bàn có đến hơn ba nghìn đồng”.

Nộp một nghìn đồng chỉ là tạm ứng, cảnh sát bảo phải chờ quyết định xử phạt của Phòng Trị an sẽ tính. Làm xong thủ tục đưa Vân Tài về, chị cúi đầu đi trước Hồ Bằng.

Hồ Bằng không tức giận, cũng không múa tay trong bị, anh cảm thấy Vân Tài thật không may. Anh tìm vài câu an ủi vợ, lại sợ Vân Tài bảo anh giả dối. Ra khỏi đồn cảnh sát, Vân Tài về nhà bố mẹ, Hồ Bằng lôi lại, bảo về nhà. Vân Tài vùng thoát, đi thẳng.

Buổi trưa, một người bạn thân của Vân Tài tìm gặp Hồ Bằng, vừa thấy mặt đã trách anh thủ đoạn thâm độc: “Dù sao thì cũng là vợ chồng, không được đi báo cảnh sát tống người nhà vào tù”.

Hồ Bằng hỏi: “Là cô hay là chính cô Tài cho rằng tôi đi báo cảnh sát đến bắt đánh bạc?”.

“Ai cũng bảo thế. Cảnh sát bảo, người báo là người nhà của những người đánh bạc, không anh thì ai?”

“Nói cho cô biết nhé, không phải tôi. Cô có tin không?”

“Em tin, Chị Tài không tin, người khác cũng không tin. Chuyện ở nhà máy anh cũng muốn cho nó vào tù, sự việc được giấu kín, vậy mà anh tìm cách để bung ra”.

“Cô nói điều ấy hay cô Tài nói?”

“Tất nhiên là chị Tài, em thấy chị ấy nói có lý”.

Hồ Bằng tức không nói nên lời. Vân Tài đã sai càng sai hơn, chị đổ trách nhiệm lên đầu anh, lại nhờ người đến gây sự. Về đến nhà, thấy nhà bừa bãi, nhớ lại cuộc sống vợ chồng không chịu nổi mấy năm qua. Anh rít thuốc một lúc rồi trùm chăn ngủ một giấc.

Chị gái Vân Tài và chồng ngay trong đêm đến tìm Hồ Bằng, Hồ Bằng không ngờ đến trao thông điệp của Vân Tài, Vân Tài đòi li hôn.

Chị gái Vân Tài hỏi Hồ Bằng đấy là thái độ gì. Hồ Bằng nói: “Kì lạ, li hôn là chuyện của tôi với cô ấy, phải để cô ấy nói”.

Ông anh cọc chèo hình như đồng tình với Hồ Bằng: “Nếu chú không muốn li hôn thì cứ mặc cô ấy, để xem cô ấy làm được gì? Không phải là trẻ con ba tuổi, nói li hôn là li hôn”.

Chị gái Vân Tài trừng mắt nhìn chồng, quay sang nói với Hồ Bằng: “Em gái tôi không đến nói với anh, dù anh có thế nào thì cô ấy cũng đã chuẩn bị, nhiều lắm là kéo nhau ra tòa cắt đứt”.

Ông anh cọc chèo kéo Hồ Bằng sang một bên: “Cô Tài buồn lắm, về đến nhà khóc lóc không thôi. Hình như cô ấy nhất định li hôn với cậu, tôi không sao khuyên can nổi”.

Trước mặt ông anh cọc chèo, Hồ Bằng tỏ ra không sợ: “Trời không chịu đất, đất không chịu trời, muốn thế nào thì thế. Định đem chuyện li hôn để dọa tôi đấy à?”.

Ông anh cọc chèo lại bị vợ lườm, quay sang trách Hồ Bằng: “Cô Tài chỉ chơi mạt chược chứ đâu giết người, đốt nhà? Cậu đi trình báo, làm cho sự việc căng thẳng làm gì?”.

Hồ Bằng không muốn giải thích, nhưng bà chị lại đòi nói rõ. Tại sao lại thù hận cô em chị ta sâu sắc đến vậy? Hồ Bằng tức lên, bảo hai vợ chồng chị ta về đi, chuyện nhà của anh không mượn ai can thiệp.

Vân Tài đòi li hôn thật, hôm sau chị gọi điện cho Hồ Bằng, muốn bàn cụ thể với anh về chuyện này.

Hồ Bằng bảo không nói qua điện thoại, gặp nhau sẽ nói.

Vân Tài không gặp, nhất định đòi nói qua điện thoại. Chị liên tiếp gọi điện. Hồ Bằng tắt máy di động, vừa mở máy lại nhận được điện của vợ.

Hồ Bằng đành nhận điện, hỏi tại sao đòi li hôn? Vân Tài trả lời: “Vì anh muốn, tôi theo ý anh”.

Hồ Bằng nói: “Tôi đâu có muốn li hôn với cô? Cô không phải con giun trong bụng tôi, tâm tư tôi cô đâu có biết?”

Vân Tài cong cớn: “Lòng dạ xấu xa của anh lộ rõ, ai mà chẳng biết”.

Hồ Bằng thấy Vân Tài chỉ trích, anh cao giọng: “Cô định trả đũa đấy à? Tử tế thì không muốn”.

Vân Tài không chịu lép vế, phản ứng: “Chính là anh không muốn tử tế, anh cũng là người phá hoại cuộc sống bình thường. Anh là người có dã tâm bởi chuyện ở nhà máy của tôi, đưa tôi từ bàn mạt chược ra đồn cảnh sát. Anh bỏ tôi vào chảo mỡ để rán, sống với anh còn tình nghĩa gì nữa? Anh muốn bỏ tôi thì cứ nói rõ, giở thủ đoạn bỉ ổi ra làm gì”.

Hồ Bằng không chịu nổi, nói không thể li hôn, phải nghĩ đến con cái, làm như vậy mất hết nhân tính.

Vân Tài bị mắng vẫn không tức giận, chị im lặng trong giây lát, có phần do dự. Thái độ của Hồ Bằng làm chị bất ngờ, hỏi có phải anh thực tâm không muốn li hôn?

Hồ Bằng muốn giữ thể diện, anh nói: “Không muốn, ít nhất hiện tại không muốn”.

Vân Tài bị chọc giận, tỏ ra ngang bướng: “Tôi biết tâm tư của anh rồi. Bây giờ không muốn, sau này sẽ muốn. Chẳng thà cứ để tôi nói toạc ra cho sớm chuyện. Trước mặt tôi có hai con đường: thứ nhất, chúng ta đến phòng Dân chính làm thủ tục li hôn; thứ hai, kiện ra tòa. Cách thứ nhất li hôn không ồn ào, cách thứ hai mọi người đều xấu mặt còn tổn thương lẫn nhau”.

Thấy vợ như vậy, Hồ Bằng cũng trở nên ngang ngạnh, bực tức: “Muốn li hôn còn sợ gì xấu mặt với tổn thương! Nếu cô nhất quyết li hôn thì cứ nói thẳng ra”.

“Tôi chẳng cần gì sất, cái kim cũng không cần, cho anh tuốt”.

Hồ Bằng vặn lại: “Con cũng không cần chứ? Bỏ nhà hay bỏ con?”.

“Tôi nuôi con cũng được. Để nó đổi sang họ tôi, không gọi là Hồ Hâm mà gọi là Ca Hâm”.

“Tùy ý cô. Bao giờ thì làm thủ tục?”

“Bây giờ”.

“Thì đi ngay bây giờ”.

***

Li hôn đơn giản hơn kết hôn. Kết hôn giống như xây nhà, li hôn giống như phá nhà, chỉ xô một cái là đổ.

Hồ Bằng không muốn li hôn. Anh không ngờ Vân Tài lại nêu vấn đề li hôn, lẽ ra anh mới là ngườiđề xuất. Anh cảm thấy ngượng mặt, giống như bị Vân Tài đá.

Ngược lại, anh tự an ủi, bây giờ người li hôn nhiều lắm, thêm họ cũng chẳng ai để ý. Thỏa thuận li hôn thực chất là hai bên giữ nguyên, nếu anh không đồng ý thì cũng đã li hôn. Những ngày gần đây đúng là anh bị Vân Tài làm rối lên, tức giận vô cùng.

Hồ Bằng muốn sau khi li hôn anh được yên tĩnh mấy hôm. Cuối tuần tắt điện thoại di động, điện thoại ở nhà cũng rút bỏ dây ra ngoài.

Nằm trên giường, anh nhớ lại những tiểu thuyết thông tục đọc hồi nhỏ, anh dùng bút đỏ khoanh lại một câu: “Người không có vợ là người sung sướng nhất trần đời”.

Có đúng không có vợ thì sung sướng không?

Anh không hình dung nổi những ngày tiếp theo sẽ sung sướng như thế nào. Những ngày giải phóng và tự do sắp tới nhưng anh lại thấy hoang mang, không biết phải thế nào. Anh có ý định, hãy giấu mọi người chuyện li hôn, cũng không nói gì với Oánh Oánh.

Không biết ma sai quỉ khiến thế nào Hồ Bằng gọi điện cho anh rể Vân Tài. Ông anh cọc chèo này biết không phải Hồ Bằng gọi điện đến để giải thích, chủ động nói chuyện Vân Tài, nói tâm trạng Vân Tài có vấn đề, chơi mạt chược suốt ngày đêm, người gầy như que củi. Hồ Bằng nói, Vân Tài chơi mạt chược tâm trạng thế nào không quan hệ gì đến anh, chị ta mê mạt chược, chơi bài quên hết mọi thứ. Sau cái cười khà khà, anh nói đến quan hệ giữa mình và ông anh cọc chèo, tuy bây giờ không còn là thân thích họ hàng, nhưng vẫn còn tình bạn. Ông anh cọc chèo cũ nói, vợ anh, tức chị gái Vân Tài, rất giận Hồ Bằng. Hồ Bằng hỏi giận chuyện gì? Li hôn rồi, anh vẫn không hiểu.

Nhân lúc mẹ không có nhà, Hồ Bằng thu dọn áo quần của vợ, bọc thành hai bọc lớn, bỏ vào tủ. Vân Tài không nói đến chuyện lấy đồ, đúng là một cây kim cũng không cần. Hồ Bằng không muốn gọi điện cho Vân Tài đến lấy đồ, sợ như vậy Vân Tài lại công kích anh, bảo anh tuyệt tình. Nhưng trông thấy hai bọc đồ, anh bực lắm, thật sự bất đắc dĩ, mấy hôm nữa thuê chiếc xích lô chở hàng đưa đến cho Vân Tài. Đưa đến cửa nhà bố mẹ Vân Tài, anh cho người đạp xích lô năm chục đồng gồm tiền vận chuyển và bốc vác đồ vào tận nhà.

Nhận được đồ, Vân Tài gọi điện cho Hồ Bằng, chị oán anh lòng lang dạ sói, vặn hỏi anh: “Tôi bảo li hôn, anh cũng li hôn thật à?”.

Vân Tài có phần hối hận, đấy là điều anh mong muốn. Anh nói lấp lửng: “Vậy là, tôi đồng ý li hôn là sai lầm, nếu không đồng ý thì cô không li hôn chứ gì?”.

Mẹ Hồ Bằng không biết con trai li hôn, chỉ nghĩ Vân Tài tức giận bỏ về nhà mẹ đẻ và đem theo con về. Sắp đến Tết, vậy mà trong nhà bếp nước lạnh tanh, bà bắt đầu lo lắng. Bà không chửi được con dâu đành chửi con trai, chửi anh kiếp trước không tích đức, kiếp này chuốc lấy cô vợ tham ăn biếng làm. Hồ Bằng bị mẹ mắng buồn vô hạn, nhưng lại không có cách nào ngăn được mẹ, chỉ còn biết mũ ni che tai.

Ở nhà không nổi, Hồ Bằng bỏ đi chơi, tìm đến đám Hữu Ngư. Hữu Ngư không ở Công ty, trong điện thoại, Đại Trung bảo anh ta đưa con đi phố sắm Tết.

Đang chán ngán vẩn vơ ở một nơi gần tòa báo thì gặp Xuyên Thanh. Xuyên Thanh cũng đang có ý định tìm anh. Xuyên Thanh kéo Hồ Bằng vào tòa soạn.

Vào đến phòng Tổng biên tập, Xuyên Thanh lấy từ trong tủ công văn ra một cây thuốc Tô Yên đưa cho Hồ Bằng, bảo để anh hút qua Tết. Hồ Bằng rất muốn lấy nhưng miệng lại nói: “Không giúp gì cũng được hưởng lộc”.

Xuyên Thanh nói, Hồ Bằng là bạn, rất cảm kích vì lần trước anh tiếp nước trong bệnh viện, Hồ Bằng ngồi chơi rất lâu.

Xuyên Thanh nói như vậy Hồ Bằng tỏ ra thản nhiên, không còn khách khí. Xuyên Thanh đẩy cây thuốc trên mặt bàn về phía Hồ Bằng, Hồ Bằng khẽ lật cây thuốc trước mặt.

Xuyên Thanh cảm khái nói thời gian như thoi đưa, mới năm ngoái anh còn ở nhật báo, thỉnh thoảng lén bỏ đi chơi mạt chược với Hữu Ngư, Văn Hòa, năm nay làm Tổng biên tập, không còn thời gian để đi vui vẻ với nhau.

Hồ Bằng cho biết văn phòng nơi anh làm việc có đặt báo buổi chiều. Báo buổi chiều bây giờ thay đổi nhiều, mặt báo trình bày đẹp, nội dung cũng hay hơn nhiều. Xuyên Thanh không thấy thích thú với những lời khen của Hồ Bằng, anh bảo làm Tổng biên tập khó lắm, là một đơn vị văn hóa rất khó quản nhân viên. Hồ Bằng cười, hỏi gặp chuyện đau đầu gì phải không, Xuyên Thanh lắc đầu.

Xuyên Thanh không phủ nhận, nhưng tỏ ra bất lực. Anh nói với Hồ Bằng, có một phóng viên yêu đương ngoài hôn nhân, bị một cô đã có chồng bám riết, không dứt nổi, làm sôi sục cả lên. Anh không muốn phóng viên này ảnh hưởng đến công việc chung. Hồ Bằng tỏ ra có kinh nghiệm: “Có gì mà không cắt đứt nổi, dao sắc cắt sợi rối”. Xuyên Thanh hỏi: “Cắt thế nào, dao sắc ở đâu? Cái cậu này bị mớ dây quấn chặt, không còn cách nào”.

Như chợt nhớ ra điều gì, Xuyên Thanh cười: “Cánh thằng Ngư bảo cậu là “chuyên gia cai sữa”, có tài thoát khỏi tay phụ nữ. Cậu giúp cậu ấy nhé”.

Hồ Bằng chống chế: “Đừng nghe mồm cánh Hữu Ngư, dì Hai, dì Ba của họ đâu có phải tôi giúp cắt đứt. Tôi chỉ gợi ý cho họ thôi”. Xuyên Thanh như sáng mắt: “Tớ đâu có yêu cầu cậu giúp lính của tớ, chỉ cần cậu gợi ý thôi”.

Hồ Bằng nói: “Để cô kia xa cái cậu phóng viên kém may mắn này rất đơn giản, anh bảo cậu kia đảo ngược mong muốn của cô kia là xong”.

Xuyên Thanh cảm thấy mới lạ, bảo Hồ Bằng giải thích. Hồ Bằng nói: “Ví dụ, cô kia cảm thấy anh này rất có phong độ, thoải mái, anh chỉ cần tỏ ra lôi thôi lếch thếch; cảm thấy anh có tiền, anh giả vờ nghèo túng; cảm thấy anh mạnh khỏe, anh tỏ ra bất lực; cảm thấy anh đa tài đa nghệ, anh làm trò cười cho thiên hạ. Tức là, vứt bỏ những ưu điểm của mình, giảm bớt thế mạnh, để cô ta thấy anh chàng chẳng có gì. Vậy là cô ta dần dần sẽ không nhớ anh nữa, không muốn anh đến, không dựa vào anh, không gặp anh”.

Xuyên Thanh vỗ bàn kêu lên: “Cậu thật là cao thủ, nói lại cho tớ nghe cho rõ, để tớ nói với cậu kia…”.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv