Theo suy đoán của Uông Ấn, trước đây Triệu Tổ Thuần nhiều lần thất bại trong việc quét sạch thổ phỉ không phải là vì binh sĩ Nhạn Tây Vệ bất tài, cũng không phải là vì đám thổ phỉ trên núi Lân Tuân quá lợi hại. Mà là bởi vì bọn chúng đã sớm biết hành động của binh sĩ Nhạn Tây Vệ. Mà người cung cấp tin tức cho bọn chúng hẳn là có cấp bậc không thấp trong Nhạn Tây Vệ.
Mới đầu, Uông Ấn chưa từng nghĩ rằng có thể giữ được bí mật về hành động diệt trừ thổ phỉ. Nếu đã không giữ bí mật được thì cứ công khai toàn bộ để tất cả mọi người đều biết. Dĩ nhiên, đám thổ phỉ ở núi Lân Tuân cũng biết. Thật thật giả giả để khiến tầm mắt của bọn chúng bị lẫn lộn.
Hắn đoán có người trong hàng ngũ tướng lĩnh của Nhạn Tây Vệ đã trao đổi tin tức với đám thổ phỉ nên không thông báo toàn bộ hành động lần này với các tướng lĩnh, mà chỉ dẫn theo các binh sĩ đến núi Lân Tuân, biến các binh sĩ và bản thân làm tiêu điểm, thu hút sự chú ý của mọi người.
Người thật sự thực hiện hành động vây quét là Phong bá cùng các binh sĩ Nhạn Tây Vệ mà Trịnh Thất dẫn theo.
Những binh sĩ đó đã từng đến huyện Tịnh Bình tiến hành việc canh phòng bảo vệ, cũng đã từng theo Uông Ấn đi sứ sang Đại Ung.
Bọn họ cực kì tài giỏi, còn trải qua sự rèn luyện gian khổ, đều là những người nổi vượt trội nhất trong Nhạn Tây Vệ. Bọn họ hết sức kính nể và tin tưởng Uông Ấn, sẽ nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của hắn và tuyệt đối sẽ không để lộ bí mật. Trong đó có Tôn giáo úy - phò mã của quận chúa Trọng Bích.
Bọn họ được Phong bá cùng Trịnh Thất dẫn dắt, leo từ bên dưới vách núi Lân Tuân lên đỉnh núi, tấn công trực tiếp trại Bất Hối - nơi ở của thủ lĩnh Đồ Kiêu.
Đồng thời, vì để tên gián điệp trong Nhạn Tây Vệ yên tâm, Uông Ấn thậm chí không điều động đến những tâm phúc của mình như Đường Ngọc hay Chu Li mà dẫn họ đi theo bên mình, làm ra vẻ chuẩn bị tấn công núi Lân Tuân bất cứ lúc nào.
Quả nhiên, dưới sự chú ý sát sao của Đường Ngọc cùng các đề kỵ, kẻ gián điệp trong Nhạn Tây Vệ đã không trao đổi được tin tức cho bên chỗ núi Lân Tuân.
Người liên lạc với đám thổ phỉ núi Lân Tuân là quả cảm đô úy Quách Tùy của Nhạn Tây Vệ.
Quả cảm đô úy của Nhạn Tây Vệ từ trước đến nay là người phụ trách trinh sát và điều phối binh sĩ tiên phong. Đây là một vị trí có cấp bậc không cao nhưng lại cực kì quan trọng, có thể biết được thông tin tinh báo mới nhất của Nhạn Tây Vệ.
Bởi vậy, hành động diệt trừ thổ phỉ những lần trước đó của Nhạn Tây Vệ chẳng khác nào được tiến hành ngay dưới mí mắt bọn chúng.
Uông Ấn đã tương kế tựu kế, đặt ra cái bẫy vây quét thổ phỉ, lấy bản thân làm mồi nhử, thu hút sự chú ý của đám sơn tặc đó.
Bên cạnh đó, giữa hắn và Phong bá có sự phối hợp vô cùng ăn ý. Thời điểm nhóm người Phong bá từ bên dưới vách núi trèo lên đến trại Bất Hối, Uông Ấn ở bên này cũng bắt đầu hành động.
Hắn sai Đường Ngọc lập tức bắt lấy Quách Tùy, đồng thời đích thân dẫn theo binh sĩ Nhạn Tây Vệ lên núi Lân Tuân.
Trời cũng chiều lòng người, đến đêm hôm đó, gió tuyết đã dần dần dừng lại. Trên núi Lân Tuân vẫn bị bao phủ bởi lớp tuyết đọng rất dày. Tuy nhiên, bởi vì các trinh sát đã chuẩn bị đầy đủ, để lại ký hiệu chi tiết trên đường nên đoàn người Uông Ấn không gặp trở ngại gì khi lên núi.
Đến giữa trưa ngày hôm sau, sự hỗn loạn và máu tanh ở trại Bất Hối đã lắng xuống. Lớp tuyết dày trên mặt đất bị bao phủ bởi một màu đỏ của những bãi máu đã bị đông lại. Chân tay bị gãy la liệt trên nền tuyết đọng, có thể thấy được trận chiến đêm qua diễn ra ác liệt và thê thảm nhường nào.
Thủ lĩnh của các doanh trại trên núi Lân Tuân đã tập trung cả trong trại Bất Hối, cùng những thuộc hạ đắc lực mà bọn chúng dẫn theo đã bị nhóm người Phong bá tiêu diệt tận gốc. Phần lớn bọn chúng đều chết vì bị trúng tên.
Lần diệt trừ thổ phỉ này đã thành công.
Tuy nhiên, vẻ mặt Uông Ấn không có sự vui mừng. Khi nhìn máu tươi trên tuyết, đôi mắt hắn còn lóe lên một thoáng lạnh lẽo.
Thủ lĩnh Đồ Kiêu lại trốn thoát.
Câu “Ngọc còn có vết” là để nói về kết quả của chiến dịch lần này.
Trước khi xuất phát, Uông Ấn đã nhiều lần nhấn mạnh: Nhất định phải bắt sống Đồ Kiêu.
Đây là nhiệm vụ hàng đầu mà hắn giao cho Trịnh Thất sắp xếp. Nhưng kết quả bây giờ lại không được mãn nguyện.
Sở dĩ núi Lân Tuân có thể được như ngày hôm nay là bởi vì Đồ Kiêu đã trở thành thủ lĩnh của bọn chúng. Người này không phải là kẻ cướp hay tội phạm bỏ trốn bình thường mà có lai lịch rất bí ẩn. Từ binh khí và sự bố trí của trại Bất Hối thì có thể thấy nó y hệt với sự bố trí của một doanh trong quân đội.
Uông Ấn tin rằng Đồ Kiêu không có khả năng chạy ra khỏi núi Lân Tuân mà chỉ trốn ở một nơi nào đó mà thôi. Hiện tại hắn phải suy nghĩ thật kĩ xem làm thế nào để tìm được Đồ Kiêu.
…
Chẳng bao lâu sau, tin tức Uông Ấn đã quét sạch đám thổ phỉ trên núi Lân Tuân cũng đã truyền tới Kinh Triệu.
Sau khi nghe được tin tức này, trên mặt Vĩnh Chiêu Đế không bộc lộ cảm xúc. Ông ta chỉ đọc những bản tấu được gửi tới hồi lâu.
Ông ta không ngờ Uông Ấn mới đi sứ sang Đại Ung về mà đã có hành động lớn như vậy. Đến núi Lân Tuân tiêu diệt thổ phỉ, mà còn để cho mọi người ở đạo Nhạn Tây đều biết.
Uông Ấn muốn lập công đến phát điên rồi sao? Hay hắn đang nghĩ cái gì?
Đường từ đạo Nhạn Tây đến Kinh Triệu rất xa xôi, khi Uông Ấn lập được công diệt trừ thổ phỉ thì sứ đoàn đi sứ cũng mới về đến Kinh Triệu không lâu.
Chuyến đi sứ lần này của sứ đoàn đã đạt được hiệu quả tốt đẹp, Vĩnh Chiêu Đế vui mừng bất ngờ.
Theo như trưởng sứ đoàn Vi Quan Chính nói thì tất cả những điều này là nhờ các binh sĩ mà Uông Ấn dẫn theo đã ngăn chặn vụ bao vây tấn công vào sứ quán, giữ lại chỗ sơ hở của Đại Ung. Vi Quan Chính mới thuận theo điều đó để có được thu hoạch như vậy.
Vĩnh Chiêu Đế không hài lòng với việc Vi Quan Chính quy hết công lao cho Uông Ấn. Chuyến đi sứ sang Đại Ung vừa kết thúc, Uông Ấn đã dẫn binh sĩ đội giá rét đi tiêu diệt thổ phỉ, còn quét sạch đám kẻ cướp trên núi Lân Tuân đã hoành hành gây họa gần mười năm qua.
Uông Ấn thật sự lợi hại như vậy sao?