Trong lúc Vĩnh Chiêu Đế vẫn không nói gì thì xá nhân Trung Thư - Cố Chương bước ra khỏi hàng ngũ: “Hoàng thượng, vi thần cho rằng việc này có sự tham gia của Đại Lý Tự đương nhiên là tốt nhất. Hạ quan xin hỏi Ngụy đại nhân một câu: Chẳng lẽ chuyện có người đánh trống Đăng Văn kêu oan còn chưa đủ quan trọng sao? Hiện tại nếu việc điều tra của Hình Bộ và phủ Kinh Triệu đã không có chút tiến triển nào, vậy thì vừa hay có thể mượn sức của Đại Lý Tự. Hạ quan ngu dốt, chỉ cảm thấy điều tra rõ chân tướng vụ việc sớm nhất có thể mới là điều tốt nhất. Nếu bởi sợ khó sợ phiền thì tại sao triều đình lại thiết lập nhiều phủ nha, bổ nhiệm nhiều quan viên như thế?”
Trống Đăng Văn do thái tổ cho dựng lên, là quy chế kéo dài đến tận ngày nay của Đại An. Sao Ngụy Hàm Trung có thể nói điều này là không quan trọng?
Nếu như nó không quan trọng thì trước đây Uông Ấn đã không thể mượn nó để kéo công chúa Hi Bình xuống khỏi địa vị.
Nhưng theo như Ngụy Hàm Trung thấy đó không phải là vấn đề việc đánh trống Đăng Văn kêu oan có quan trọng hay không, mà là những án mạng trong nội trạch của nhà họ Diệp không cần phải tốn tâm sức của triều đình đến vậy.
Lời nói của Cố Chương rõ ràng là đã đi lệch chủ đề.
Ngụy Hàm Trung bèn liếc nhìn Cố Chương thật sâu rồi mới nói: “Việc có người đánh trống Đăng Văn đương nhiên là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên có một quá trình nghiêm ngặt trong việc xử lý chuyện đánh trống kêu oan. Thần vẫn cho rằng việc này không cần Đại Lý Tự nhúng tay vào! Xin hoàng thượng nghĩ lại!”
Cố Chương cũng không nhượng bộ với vấn đề này, lại nói tiếp: “Hoàng thượng, vi thần đồng ý với bản tấu thỉnh cầu của Vạn đại nhân. Thêm một người sẽ thêm sức lực. Thần khẩn cầu hoàng thượng cho phép!”
Nghe ba vị triều thần nói vậy, Vĩnh Chiêu Đế hơi nheo mắt lại, không nhìn ra được biểu cảm trên mặt.
Còn các quan viên khác thì lại không bình tĩnh như đế vương, bọn họ nghe thấy đây rõ ràng là những lời bẩm tấu đối chọi gay gắt và đều không kìm được mà quay bắt đầu quan sát Cố Chương.
Trong một đám quần thần râu tóc hoa râm, Cố Chương trẻ tuổi lại tuấn tú đặc biệt bắt mắt. Các quan viên trong triều đều nhớ vị quan trẻ tuổi bởi vì ẩn giấu tài năng nên mới trở thành xá nhân Trung Thư, đó là sự đãi ngộ tốt của hoàng thượng dành cho nhà họ Cố.
Xá nhân Trung Thư là cận thần của hoàng thượng, có quyền soạn thảo chiếu thư. Cố Chương nhậm chức ở Trung Thư Tỉnh, hẳn là có rất nhiều cơ hội gần gũi với hoàng thượng, chắc rằng cũng nắm bắt rất chính xác ý của đế vương.
Bây giờ Cố Chương nói thế, chẳng lẽ những lời bẩm tấu của hắn ta là ý của hoàng thượng?
Có rất nhiều người nghĩ rằng đây là lần đầu tiên Cố Chương thể hiện quan điểm trực tiếp như vậy ở trong triều. Những lời này của hắn là nhắm vào Uông đốc chủ sao? Hay đơn thuần chỉ là bác lại những lời của Ngụy Hàm Trung.
Một lát sau, thượng thư Công Bộ - Tô Tức Ngôn cũng bước ra khỏi hàng và nói: “Hoàng thượng, thần tán thành với thỉnh cầu của Vạn đại nhân. Đúng như Cố đại nhân đã nói, thêm một người sẽ có thêm sức lực. Có Đại Lý Tự tham gia vào có thể đẩy nhanh tiến trình điều tra vụ việc, vô hình trung chính là đã tiết kiệm sức lực cho triều đình.”
Tô Tức Ngôn và nhà họ Cố có mối quan hệ rất tốt, cũng qua lại khá thân thiết với Vạn Ngạn Thời nên tất nhiên là phải ủng hộ hai người này.
Sau khi Tô Tức Ngôn nói xong thì không có quan viên nào lên tiếng nữa.
Chung quy, chuyện của nhà họ Diệp đã liên quan đến việc đánh trống Đăng Văn kêu oan và Uông đốc chủ. Bọn họ bo bo giữ mình, chỉ cần ở bên yên lặng quan sát tiến triển của tình hình là được.
Bấy giờ, Vĩnh Chiêu Đế ngồi ở vị trí trên cao lên tiếng: “Chư vị ái khanh nói đều có lý. Vụ án mạng của nhà họ Diệp đã gây rúng động trong triều, trẫm không muốn để sự tình rối loạn quá lâu. Thế này đi, Đại Lý Tự cũng tham dự vào việc điều tra. Lúc trước, trẫm đã cho phủ Kinh Triệu thời gian ba ngày. Bây giờ có thêm Đại Lý Tự, chắc hẳn vụ án sẽ nhanh chóng kết thúc. Trẫm gia hạn trong ba ngày nhất định phải điều tra ra chân tướng chuyện này.”
Vốn dĩ chỉ có một vài quan viên trong triều biết được quy định ba ngày mà thôi. Hiện tại, chính miệng hoàng thượng đã nói ra, tất cả mọi người đều biết hoàng thượng muốn có được chân tướng vụ việc.
Đến cùng thì hoàng thượng muốn một kết quả như thế nào với thời gian ba ngày?
Lúc này, Uông Ấn không vào chầu ở trên điện Tuyên Chính, nhưng suy cho cùng những việc của nhà họ Diệp vẫn rơi vào Uông đốc chủ. Rốt cuộc, những án mạng của nhà họ Diệp có liên quan đến cha mẹ vợ của Uông đốc chủ hay không?
Hiện giờ cha mẹ vợ của Uông đốc chủ không ở Kinh Triệu. Ngay cả bị cáo cũng không có mặt ở Kinh Triệu thì Đại Lý Tự, Hình Bộ và phủ Kinh Triệu làm thế nào để điều tra vụ này?
Mấy ngày nay, trong khi Hình Bộ và phủ Kinh Triệu đang điều tra đủ thứ về nhà họ Diệp thì Diệp Tuy cũng không rảnh rỗi. Những manh mối và tài liệu mà Hình Bộ và phủ Kinh Triệu điều tra ra được, chẳng mấy chốc cũng sẽ xuất hiện trước mặt nàng.
Tất nhiên, đây là công sức của Uông Ấn và đề kỵ.
Sau khi chuyện xảy ra, Diệp Tuy đã nói với Uông Ấn: “Đại nhân, chuyện của nhà họ Diệp cứ giao cho thiếp xử lý. Đại nhân cứ lo việc ở Đề Xưởng là được rồi.”
Trước đây Uông Ấn từng nói, Nghi Loan Vệ đã nhúng tay vào công việc của Đề Xưởng. Nay hắn còn đang bận bàn giao với Nghi Loan Vệ, hầu như không có nhiều thời gian rảnh rỗi.
Vả lại, chuyện trong nội trạch của nhà họ Diệp không cần phải làm phiền đến hắn.
Lúc nàng nói như vậy, Uông Ấn chỉ liếc nhìn Diệp Tuy thật kĩ rồi thản nhiên đáp: “Được.”
Dĩ nhiên là hắn tin tưởng vào khả năng của nàng. Hơn nữa, nàng còn là người của nhà họ Diệp nên chuyện trong nội trạch của nhà họ Diệp, giao cho nàng xử lý là cực kì thích hợp.
Nếu đám người Vạn Ngạn Thời và Cố Chương biết được rằng thật ra Uông Ấn chẳng tốn nhiều suy nghĩ cho những việc mà bọn họ thấy vô cùng quan trọng, thì không biết sẽ nghĩ thế nào?
Hiển nhiên, Uông đốc chủ không bận tâm đến những suy đoán, thậm chí là sự bao vây tiễu trừ của người khác. Còn Diệp Tuy, sau khi xem xét những manh mối mà Hình Bộ và phủ Kinh Triệu điều tra được, ánh mắt nàng dừng lại ở bà già hầu hạ trong Phật đường của nhà họ Diệp. Khởi đầu của đủ loại chuyện xảy ra với nhà họ Diệp chính là bởi bà ta đã khóc lóc kể lể trước linh sàng của Chu thị.
Khi Diệp Vân và các phu nhân khác đến phúng viếng, bà già đó đã lao ra, cầm theo bã thuốc, là bằng chứng cho việc cái chết của Chu thị có điểm đáng ngờ, sau đó mới dẫn đến nhiều chuyện như vậy.
Có lẽ các quan viên của Hình Bộ cũng rõ điều này. Hiện tại, bà ta đã bị giam giữ trong đại lao của Hình Bộ, đang chịu sự thẩm vấn của các quan viên Hình Bộ. Mặc dù thủ đoạn thẩm vấn của Hình Bộ không khủng khiếp và máu me như Đề Xưởng nhưng cũng không phải là việc mà người bình thường có thể chịu đựng được.
Kỳ lạ ở chỗ, cho dù quan viên Hình Bộ đã dùng hình để tra hỏi nhưng bà ta vẫn khăng khăng khai rằng, chỉ vì nghĩ cho Chu phu nhân nên bà ta mới thu thập những bã thuốc đó mà không hề động tay động chân vào.
Đối mặt với sự tra tấn, bà ta vẫn khăng khăng như vậy. Hiện tại, tuy quan viên của Hình Bộ không nói rõ nhưng về cơ bản thì họ đều tin những lời của bà ta nói là sự thật.