Liễu Nguyên Tập nói: “Đốc chủ, ta đề nghị như sau: Một là đánh tan hai bộ lạc mạnh nhất là bộ lạc Tiêu và bộ lạc Cao, để bách bộ không có kẻ mạnh nhất. Hai là cho con cháu của quan viên trong triều kết hôn với con gái của thủ lĩnh các bộ lạc. Ba là triều đình giảm bớt chính sách thuế má cho bách bộ...”
Hắn ta thoáng dừng lại, điều chỉnh hơi thở rồi tiếp tục cất lời: “Ba biện pháp này đều là suy tính lâu dài cho bách bộ và triều đình, không phải chuyện trong một sớm một chiều. Nếu muốn thực hiện đến nơi đến chốn ngay lập tức e rằng rất khó. Vì vậy, ta cho rằng có thể làm thử trước đã, sau đó căn cứ theo tình hình phản ứng của triều đình và bách bộ để điều chỉnh dần dần.”
Khi Liễu Nguyên Tập trình bày, Uông Ấn vẫn luôn cẩn thận lặng nghe, không ngắt lời hắn ta.
Sau khi hắn ta dứt lời, nét mặt Uông đốc chủ không còn vẻ lãnh đạm nữa mà ôn hòa hơn nhiều.
Hắn khẽ gật đầu, khen ngợi: “Không tồi, ba biện pháp này đúng là kế sách hay, bổn tọa sẽ suy xét kĩ.”
Thảo nào cô gái nhỏ lại muốn hắn dẫn theo Liễu Nguyên Tập. Chỉ trong ba ngày ngắn ngủi mà hắn ta đã nghĩ ra những biện pháp mang tính lâu dài cho cả bách hộ và triều đình.
Hay, rất hay!
Trong mấy ngày qua, lúc Uông Ấn cùng Trương Hào Đoan và Quan Hàn Tùng đi tuần tra các nơi cũng thường xuyên thảo luận về cách dẹp yên loạn bách bộ.
Trương Hào Đoan cho rằng để cục diện quay trở lại trước khi bách bộ xảy ra náo loạn là tốt nhất, như thế đạo Lĩnh Nam sẽ tiếp tục ổn định, Nam Khố cũng sẽ không bị lộ.
Ông ta chủ trương bắt đầu từ hai phía: Một là cho gọi thủ lĩnh của hai bộ lạc Tiêu, Cao đến hỏi chuyện, bày tỏ sự không hài lòng của triều đình đối với loạn bách bộ. Hai là cho tập trung đại quân Lĩnh Nam Vệ áp sát các bộ lạc, buộc bọn họ dẹp loạn, để mọi thứ trở lại lúc ban đầu.
Như thế vừa thể hiện được ân đức của triều đình, lại giải quyết được loạn bách bộ, đồng thời bảo vệ được Nam Khố, giữ gìn sự ổn định của đạo Lĩnh Nam.
Uông Ấn không có ý kiến gì về những biện pháp của Trương Hào Đoan. Quan Hàn Tùng cũng vậy.
Theo quan điểm của Uông Ấn, tình hình trong thiên hạ đúng như những lời Liễu Nguyên Tập đã nói: hợp tan tan hợp.
Các bộ lạc quy thuận triều đình đã lâu, nhưng bọn họ lại càng ngày càng suy yếu và hỗn loạn. Thủ lĩnh của những bộ lạc đâu phải kẻ ngốc, họ đã đoán ra được dụng ý của triều đình, đồng thời cảm thấy triều đình không đối xử bình đẳng với bách bộ.
Có lẽ, hai bộ lạc Tiêu, Cao đã dựa vào chính những suy đoán này mà khuấy động lòng dân trong các bộ lạc hòng sáp nhập các bộ lạc nhỏ và suy yếu lại.
Nếu bọn họ đã đi tới bước quan trọng này thì sao có thể bằng lòng trở lại trước kia được?
Bất kể là triều đình dụ dỗ hay đe dọa, chắc hẳn thủ lĩnh của những bộ lạc cũng đều sẽ không đồng ý.
Mà cho dù họ có đồng ý thì cũng sẽ nói một đằng làm một nẻo.
Cứ tiếp tục thế này thì bách bộ sẽ ngày càng tỏ thái độ với triều đình, việc quy các bộ lạc về một mối sẽ ngày càng mất ý nghĩa và không còn tác dụng như ban đầu.
Tình thế đi đến nước này chứng minh rằng triều đình đã phạm sai lầm trong việc quản lý bách bộ trước đây, cần phải thay đổi chính sách.
Những suy nghĩ trên là kết quả mà Uông Ấn thu được sau khi tuần tra đạo Lĩnh Nam, nhưng vẫn chưa thật sự nhắc đến với Trương Hào Đoan và Quan Hàn Tùng.
Những diệu kế của Liễu Nguyên Tập thật ra chính là điều mà Uông Ấn cho là cơ sở để thống nhất Đại An, đoàn kết các dân tộc.
Đúng ra thì bách bộ thuộc về triều đình, do đó người dân của các bộ lạc cũng không khác gì bách tính đạo Lĩnh Nam, đều là dân chúng của Đại An.
Hiện tại bách bộ nội loạn, nói trắng ra là có một số người muốn lợi dụng sự tranh chấp giữa các bộ lạc để chống đối triều đình, tranh giành quyền lực và tiền bạc.
Uông Ấn tìm hiểu qua về hai vị thủ lĩnh của bộ lạc Tiêu và bộ lạc Cao, cuối cùng lắc đầu.
Qua những việc mà hai người họ đã làm, hắn chỉ thấy bốn chữ “tranh giành quyền lực”.
Họ lấy danh nghĩa là vì bách bộ, tuy nhiên lại làm những việc gây tổn hại tới bách bộ và triều Đại An.
Cho nên Uông Ấn chấp thuận ý kiến của Liễu Nguyên Tập và dự định thực hiện chúng, cho gọi Trương Hào Đoan và Quan Hàn Tùng tới phủ nha Thiều Châu, nói ý tưởng đó với họ, đồng thời bổ sung hoàn thiện ba diệu kế của Liễu Nguyễn Tập.
Cuối cùng, hắn hỏi: “Đây là ý kiến của bổn tọa, không biết hai vị đại nhân nghĩ thế nào?”
Trương Hào Đoan và Quan Hàn Tùng đưa mắt nhìn nhau, nhất thời im lặng.
Một lúc sau, Trương Hào Đoan lên tiếng: “Đốc chủ, nếu làm như thế thì sợ rằng sẽ khiến bách bộ phản kháng và căm giận, sẽ khiến đạo Lĩnh Nam bất ổn, không tốt cho triều Đại An.”
Trương Hào Đoan là quan sát sứ của đạo Lĩnh Nam nên điều đầu tiên mà ông ta nghĩ đến vẫn là sự yên ổn cho nơi đây, do đó chỉ muốn dùng cách đơn giản nhất để giải quyết tình thế trước mắt.
“Không sao, trong các bộ lạc không thiếu người có hiểu biết. Biết mọi người đều là dân chúng Đại An, họ sẽ hiểu được điểm tốt và ý nghĩa của những diệu kế này.” Uông Ấn đáp.
Nghe hắn nói vậy, Trương Hào Đoan ngẫm nghĩ rồi không nói gì nữa.
Ông ta cảm thấy thế này quá tốn công, thời gian duy trì quá dài, có quá nhiều yếu tố chưa biết nên khó mà đoán được tình hình cuối cùng sẽ ra sao.
Trời đất chứng giám, ông ta chỉ mong đạo Lĩnh Nam được yên ổn!
Trương Hào Đoan nhìn sang Quan Hàn Tùng, muốn nghe suy nghĩ của ông ta.
Quan Hàn Tùng là Đại tướng quân Lĩnh Nam Vệ, luôn trấn thủ ở đạo Lĩnh Nam, hẳn cũng sẽ không mong muốn nơi đây xảy ra biến cố lớn gì đó, đúng không?
Quan Hàn Tùng không đáp lại ánh nhìn của Trương Hào Đoan mà chỉ cúi đầu, dáng vẻ đang ngẫm nghĩ, hồi lâu sau mới ngẩng đầu lên và nói: “Ta tán thành ý kiến của đốc chủ. Tuy hiện giờ loạn bách bộ đã thành tình thế nguy hiểm nhưng cũng là một thời cơ. Rủi ro của việc quy các bộ lạc về một mối năm đó nay đã bùng nổ, vừa hay phải đặt nền tảng mới cho sự ổn định lâu dài về sau của Đại An rồi.”
Ông ta cảm thấy Uông đốc chủ đúng ở chỗ là chắc hẳn trong các bộ lạc không thiếu những người có hiểu biết, họ sẽ hiểu được người của các bộ lạc cũng là con dân Đại An, biết được tầm quan trọng của việc ổn định quốc gia.
Bởi vậy, ông ta tán thành ý kiến của Uông đốc chủ, bất luận tốn bao nhiêu tinh thần và sức lực cũng phải loại bỏ những tai hại đã xuất hiện.
Trương Hào Đoan kinh ngạc nhìn Quan Hàn Tùng, hoàn toàn bất ngờ.
Hai với một, quan điểm đối phó với loạn bách bộ thế nào đã rất rõ ràng.
Sau một lúc lâu, Uông Ấn gật nhẹ đầu rồi kết luận: “Chúng ta thống nhất như vậy đi. Bổn tọa sẽ lập tức bẩm báo tình hình của bách bộ lên hoàng thượng để xin chỉ thị. Còn về các bộ lạc ở đây, cho dù là để dẹp yên sự hỗn loạn hiện nay hay vì sự ổn định lâu dài của Đại An, thì luôn cần một bước đột phá.”
Hắn nhìn địa đồ trước mắt, bên trên đánh dấu vị trí các bộ lạc, mỗi điểm đại diện cho một bộ lạc khác nhau, chỉ tay vào một điểm rồi nói: “Đây! Bộ lạc này có thể tạo bước đột phá!”
Trương Hào Đoan và Quan Hàn Tùng vừa nhìn rõ bộ lạc mà Uông Ấn chọn, mặt hai người đều biến sắc.