Chức vị trung thư lệnh rơi vào tay Thái bộc khanh - Bùi Đỉnh Thần.
Bùi Đỉnh Thần năm nay sáu mươi lăm tuổi, cũng đã đến lúc có thể về hưu, không thuộc bất cứ thế lực nào trong triều, không hề qua lại với thái tử, Ngũ hoàng tử hay các hoàng tử, công chúa khác.
Quá trình làm quan của ông ta không có nhiều điều để nói, làm quan thông qua con đường khoa cử, lúc tiên đế băng hà thì Bùi Đỉnh Thần đang giữ chức thứ sử địa phương.
Hoàng thượng lên ngôi không bài xích mà cũng chẳng trọng dụng ông ta, ông ta dần dần thăng lên quan sát sử của một đạo, rồi đến Lục Bộ ở Kinh Triệu, sau đó lên làm thái bộc khanh, quản lý việc chăn thả ngựa của Đại An.
Ông ta giống với các quan viên khác cùng lứa trong triều, đều thận trọng và giỏi chịu đựng.
Bùi Đỉnh Thần đã chịu đựng gần hai mươi năm, mỗi một bước đi đều thong thả. Vào lúc tất cả mọi người đều cho rằng ông ta đã sắp nghỉ hưu thì lại bước lên vị trí cao nhất của Thượng Thư Tỉnh, trở thành một trong ba người đứng đầu Tam Tỉnh.
Kết quả này khiến các quan viên kinh ngạc rơi cả miệng, ngay cả Uông Ấn cũng không ngờ đến.
Lúc này, hắn đang đọc tài liệu ghi chép về Bùi Đỉnh Thần, muốn tìm hiểu kĩ hơn về ông, muốn tìm ra nguyên nhân thực sự tại sao hoàng thượng lại để ông nhậm chức trung thư lệnh.
Chỉ chốc lát sau Uông Ấn đã đặt xấp tài liệu dày cộp đó xuống.
Bùi Đỉnh Thần làm quan đã nhiều năm nên có rất nhiều ghi chép về ông ta, nhưng manh mối về tình hình kết giao bằng hữu lại rất ít.
Manh mối duy nhất mà Uông Ấn có thể tìm thấy là Bùi Đỉnh Thần qua lại thân thiết với Phó tướng quân Kinh Kỳ Vệ - Mục Thái Trừng và Thượng thư Lại Bộ - La Bằng Vân, nhưng như thế cũng đã đủ rồi.
Chỉ dựa vào điều này là Uông Ấn đã hiểu được tại sao Bùi Đỉnh Thần mới là người được chọn vào vị trí trung thư lệnh, chứ không phải là những người trong danh sách Lại Bộ đã dâng lên.
Phó tướng quân Kinh Kỳ Vệ - Mục Thái Trừng và Thượng thư Lại Bộ - La Bằng Vân đều là quan viên do một tay hoàng thượng đề bạt và bồi dưỡng, là quan viên thân cận theo phe hoàng thượng.
Bạn bè thường chung chí hướng, Bùi Đỉnh Thần thân thiết với hai người này thì đương nhiên suy nghĩ cũng giống họ.
Bùi Đỉnh Thần là tâm phúc thân cận của hoàng thượng, nếu ông ta nhậm chức trung thư lệnh thì vị trí trong Trung Thư Tỉnh vẫn do hoàng thượng nắm giữ, tiếng nói quyết định ở Tam Tỉnh vẫn nằm ở hoàng thượng.
Việc thăng chức giáng chức của quan viên chỉ phụ thuộc vào ý nghĩ của hoàng thượng, mà ý nghĩ đó gắn liền với chữ “ta”.
Khúc Công Độ bị mất chức trung thư lệnh bởi vì có nhiều công lao, ảnh hưởng quá lớn tới sự vận hành của Tam Tỉnh, làm suy yếu quyền khống chế Tam Tỉnh của hoàng thượng. Đây chính là người “không thuộc phe ta”.
Bùi Đỉnh Thần có được vị trí trung thư lệnh là bởi vì ông ta đủ nghe lời, đủ trung thành, không có sức ảnh hưởng lớn tới Tam Tỉnh, quyền lực ở Tam Tỉnh vẫn nằm trong tay hoàng thượng, đây là người “phe ta”.
Uông Ấn chậm rãi khép tài liệu lại, không nói ra được cảm xúc trong lòng lúc này là gì, vẻ mặt vẫn bình thản mà hờ hững.
Nói thật, hắn thân là đốc chủ Đề Xưởng, thân là tâm phúc mà hoàng thượng coi trọng nhất, bất kể ai trở thành trung thư lệnh của Thượng Thư Tỉnh, chỉ cần đó là người mà hoàng thượng lựa chọn hắn đều không nên, cũng không thể có bất cứ ý kiến gì mới đúng.
Thế nhưng, ngôi vị hoàng đế là cha truyền con nối, còn chức quan của các triều thần thì không giống vậy, nguyên nhân nằm ở hai chữ “hạn chế”.
Sở dĩ Tam Tỉnh cùng tồn tại chính là để hạn chế được việc hoàng thượng làm nhiễu loạn triều đình vì ham muốn cá nhân.
Dựa vào ý chỉ của hoàng thượng, Tam Tỉnh bàn bạc thống nhất ý kiến, tạo thành chính sách có lợi cho nước nhà, giữ cho nước nhà ổn định, phồn vinh.
Bây giờ, quyền lực của Tam Tỉnh càng ngày càng quy về tay hoàng thượng, nếu quyền lực này đều do hoàng thượng nắm giữ, đều nghe theo lời hoàng thượng thì sẽ như thế nào?
Hoàng thượng là vua của một nước, tay nắm hoàng quyền thiên hạ, là người cao quý nhất của Đại An. Nhưng hoàng thượng vẫn là con người, mà chỉ cần là con người thì sẽ có tình cảm, sẽ có ham muốn cá nhân. Ham muốn cá nhân của người bình thường có lẽ chỉ là vấn đề nhỏ, ít nguy hại, nhưng ham muốn cá nhân của đế vương lại là vấn đề to lớn vô cùng nguy hại. Bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến mười đạo lớn của thiên hạ, sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn hàng vạn dân chúng.
Uông Ấn hoàn toàn không tin đế vương có thể tự kìm nén ham muốn của mình, thứ có thể kìm nén ham muốn của hoàng thượng chỉ có luật pháp và bộ máy quan chức hoàn thiện, trong đó quan trọng nhất chính là sự thiết lập của chế độ Tam Tỉnh.
Uông Ấn không dám tưởng tượng hậu quả của việc quyền lực của Tam Tỉnh quy về một mối, bởi sự tồn tại đó còn đáng sợ hơn cả Đề Xưởng, sẽ còn kinh khủng đẫm máu hơn cả Đề Xưởng.
Phải làm sao đây?
Hắn có thể âm thầm cứu Khúc Công Độ nhưng chẳng lẽ hắn có thể âm thầm cách chức Bùi Đỉnh Thần sao?
Cho dù có cách chức Bùi Đỉnh Thần thì người tiếp theo nhận chức trung thư lệnh chắc chắn vẫn là người chỉ nghe lời hoàng thượng, cũng là người có tầm ảnh hưởng rất nhỏ với Tam Tỉnh.
Huống hồ, ngoại trừ trung thư lệnh thì vẫn còn tả bộc xạ Thượng Thư.
Với nhận định của hoàng thượng về Tạ Giới hiện giờ, nói không chừng chưa đến tuổi về hưu, Tạ Giới đã phải rời khỏi vị trí này rồi.
Sự lựa chọn cho vị trí tả bộc xạ Thượng Thư cũng phải chuẩn bị sớm mới được.
Uông Ấn đứng lên mở cửa sổ ra, dựa người vào cửa, hơi cụp mắt, lặng lẽ nhìn ra bên ngoài Đề Xưởng.
Lúc này sắc trời u ám, tuyết bay lả tả, trên đường rất ít người qua lại. Thỉnh thoảng mới có một, hai người đi đường, trong lúc lơ đãng ngẩng đầu lên, hoặc ngẩn cả người ra, hoặc là lảo đảo ngã nhoài xuống nền tuyết mà hai mắt vẫn ngơ ngác ngước lên.
Trên tòa lầu xám xịt ấy có một người đang đứng dựa vào cửa sổ, làn da tuyết trắng, vẻ ngoài tuấn tú như lấy mất hồn vía của người khác. Nhưng vẻ mặt hắn vô cùng lãnh đạm, đến mức gần như vô cảm.
Khoảnh khắc đó, người đang ngước đầu lên cứ ngỡ mình đã nhìn thấy thần tiên trên trời. Nhưng thần tiên trên trời không có… không có đôi mắt thương xót như vây. Chính đôi mắt đầy thương xót ấy đã khiến vị thần tiên này nhuốm chút hơi thở nhân gian.