Vụ việc của Bình Hoài Thự có liên quan đến Ngũ hoàng tử!
Hóa ra nhà mẹ đẻ của Ngũ hoàng tử phi Tề thị giữ quan hệ tốt với Tiết Triệu Tôn của Bình Hoài Thự, đã cố tình sắp đặt tai họa này giáng lên phủ thái tử.
Tin đồn này vừa lộ ra, cả Kinh Triệu đều bàng hoàng.
Giống như nhà họ Vệ và phủ thái tử là một thể, thì nhà họ Tề và phủ Ngũ hoàng tử cũng khăng khít không thể tách rời.
Bây giờ truyền ra tin tức nhà họ Tề mới là đầu sỏ đứng sau giật dây, vậy người cho nhà họ Tề có lá gan làm việc đó có phải là Ngũ hoàng tử không?
Ngay cả Uông Ấn và Diệp Tuy cũng thấy kinh ngạc.
Họ nghĩ rằng sở dĩ Bình Hoài Thự xảy ra chuyện lớn, chắc chắn là có người đứng sau phá rối, nhưng không ngờ lại dính dáng đến nhà mẹ đẻ của Ngũ hoàng tử phi.
Phải biết rằng nhà họ Tề là nhà công thần, là phủ Vĩnh Lạc Hầu!
Vĩnh Lạc Hầu là Tề Ngọc Thành xưa nay khiêm nhường, giỏi trù tính, sao có thể gây ra chuyện lớn như thế?
Lần này Ngũ hoàng tử đi theo đội ngũ tham gia lễ tế lớn, sau gần một tháng tiếp xúc, Uông Ấn phát hiện ra vị Ngũ hoàng tử được bá quan trong triều khen ngợi có bản tính thật sự không khác thái tử là bao, tài năng cũng không hơn gì thái tử.
Bởi vậy, Uông Ấn càng hiểu rõ hơn tại sao Ngũ hoàng tử lại luôn thua kém thái tử.
Ngũ hoàng tử quá nóng vội, quá để ý đến ngôi vị hoàng đế, căn bản là thiếu mất sự ẩn nhẫn và náu mình nên có của người thừa kế ngai vàng, sao có thể không thất bại cho được?
Trong thời gian tham gia lễ tế, Ngũ hoàng tử dám ngang nhiên lôi kéo Chu Vân Xuyên. Người như vậy sẽ bí mật lên kế hoạch vụ Bình Hoài Thự sao?
Mà đề kỵ luôn chú ý sát sao đến động tĩnh của phủ Ngũ hoàng tử, còn chưa bao giờ điều tra ra phủ Ngũ hoàng tử và Bình Hoài Thự giữ quan hệ qua lại.
Quan trọng hơn là việc này liên quan đến phủ Ngũ hoàng tử và phủ thái tử, có nghĩa là liên quan đến cuộc chiến tranh giành thế lực trong hoàng tộc.
Khác nào vì ngôi vị mà gây ảnh hưởng đến bách tính, khiến Kinh Triệu rối ren.
Đúng là họa vô đơn chí, sự tình càng rắc rối hơn.
Gương mặt lãnh đạm của Uông Ấn trở nên lạnh lẽo, bất kể chân tướng bên trong là gì thì rối loạn như thế này tuyệt đối không phải là chuyện tốt.
Diệp Tuy rót trà cho Uông Ấn và nói: “Đại nhân, khi trước thiếp đã từng nói với ngài, chuyện ở Kinh Triệu khá bất thường. Vụ việc của Bình Hoài Thự xảy ra đột ngột, vừa xuất hiện đã bùng nổ dữ dội, hoàn toàn không ngăn lại được. Nhất định là có một thế lực rất mạnh thúc đẩy nó.”
Thế lực này đã thuận lợi giấu được Đề Xưởng, cũng che mắt được cả Tạ Giới ở lại Kinh Triệu hỗ trợ thái tử trong việc giám quốc. Bọn họ đều không nghe ngóng được tin tức gì trước khi sự việc xảy ra.
Thế lực này đến từ đâu? Lẽ nào thật sự là phủ Vĩnh Lạc Hầu?
Diệp Tuy không biết.
Ban đầu, sau khi chuyện xảy ra, Tạ Giới đã lập tức hành động, thảo luận đối sách với Thị lang Hộ Bộ - Trần Tựu Đạo và Tiền Thiên Huy, bắt giam Tiết Triệu Tôn của Bình Hoài Thự, hủy bỏ chính sách Bình Hoài Thự đưa ra trước đó.
Sau khi phủ Định Quốc Công - Tề Chiêm Trúc tiếp nhận Bình Hoài Thự đã ban bố liền vài chính sách mới để ngăn cơn sóng dữ, mới có thể ổn định được tình hình Kinh Triệu.
Mặc dù vậy thì kết quả cũng không mấy khả quan.
Trong lúc Đề Xưởng đang ra sức dẹp yên hỗn loạn thì lại bùng lên tin đồn chuyện có liên quan đến phủ Ngũ hoàng tử, sự việc lại dậy sóng, càng thêm rắc rối.
“Vì vụ việc Bình Hoài Thự mà dân chúng đã oán thán khắp nơi, thanh danh của thái tử đã rơi xuống đáy vực, hiện giờ lại liên quan đến phủ Ngũ hoàng tử, có thể thấy thanh danh của Ngũ hoàng tử cũng sẽ bị tổn hại.” Diệp Tuy phân tích.
Uông Ấn gật đầu đáp: “Hiện tại thái tử lại thành trong họa có phúc, không giẫm sâu hơn vào vũng bùn nữa.”
Đúng vậy, đối tượng mà dân chúng oán thán bây giờ sẽ là Ngũ hoàng tử, thái tử đương nhiên tránh được một kiếp nạn.
Nói như vậy, thái tử may mắn được lợi, hay sở dĩ việc Ngũ hoàng tử liên quan là do sắp đặt của thái tử?
Cả Uông Ấn và Diệp Tuy đều không nghĩ thế.
Nếu thái tử phản kích nhanh và tác động lớn như vậy thì ban đầu đã không bị trúng kế.
Huống hồ đây chỉ là lời đồn mà thôi, còn chưa chứng thực.
Hoàng thượng chưa hẳn sẽ tin lời đồn này, mà như vậy thì thái tử vẫn sẽ chịu tổn thất nặng nề.
Đúng lúc này, một đề kỵ bay vọt vào, vội vàng bẩm báo: “Xưởng công, Bình Hoài Thự đã làm cho Tiết Triệu Tôn nhận tội, nói rằng tất cả mọi việc đều là do Vĩnh Lạc Hầu sai khiến, cũng là mệnh lệnh của Ngũ hoàng tử phi Tề thị. Trong tay Tiết Triệu Tôn có mật thư của Tề thị, chứng cứ vô cùng xác thực.”
Nghe xong, Uông Ấn trầm lặng, sau đó liền nói với Diệp Tuy: “Xem ra, bổn tọa phải đến Đề Xưởng một chuyến!”
Việc Tiết Triệu Tôn nhận tội vào lúc này quả thực rất đột ngột, mà lời thú tội của ông ta chính là điểm mấu chốt.
Trước đó đề kỵ tống Tiết Triệu Tôn vào ngục, ông ta hoàn toàn im lặng, cho dù dùng không ít hình phạt cũng vẫn ngậm chặt miệng.
Sao bây giờ ông ta lại chủ động thú tội! Còn khai ra Ngũ hoàng tử phi và có chứng cứ xác thực là mật thư kia?
Khi Uông Ấn đến Đề Xưởng, đề kỵ vừa vặn tìm được mật thư trong phủ họ Tiết, trình lên cho Uông Ấn.
Uông Ấn xem qua, thấy nội dung trên đó viết về vụ việc Bình Hoài Thự đúng như lời đồn.
Quan trọng hơn là trong thư còn có con dấu của Ngũ hoàng tử.
Con dấu của Ngũ hoàng tử đại diện cho ý kiến của chính Ngũ hoàng tử, cực kì khó làm giả, bây giờ có trên mật thư, vậy thì...
Ngay sau đó, Hình Bộ lệnh cho các quan viên Hình Bộ tiến hành giám định mật thư, họ xác nhận chữ trên mật thư là chữ viết tay của Ngũ hoàng tử phi, cũng xác nhận con dấu này tuyệt đối không phải con dấu giả.
Điều đó có nghĩa là mật thư vô cùng xác thực. Sao trong tay Tiết Triệu Tôn lại có chứng cứ này?
Nói cách khác, sao phủ Ngũ hoàng tử lại để lại bằng chứng phạm tội rõ ràng như vậy?
Uông Ấn biết có người biết mô phỏng nét chữ, căn bản là khó phân biệt thật giả, Đề Xưởng cũng có vài người làm được.
Hắn tin rằng Ngũ hoàng tử phi sẽ không viết bức mật thư đó và nó sẽ không thật sự xuất hiện đúng lúc như này.
Điều then chốt nằm ở con dấu của Ngũ hoàng tử, ai đã sử dụng con dấu của Ngũ hoàng tử?
Ngũ hoàng tử đi cùng đội ngũ tham gia lễ tế, sẽ mang theo con dấu bên người hay để lại Kinh Triệu?
Muốn biết những câu trả lời này thì phải hỏi Ngũ hoàng tử.
Bấy giờ, trong phủ Ngũ hoàng tử, Tề thị vô cùng hoảng hốt, nói năng lộn xộn: “Điện hạ... không phải do thiếp! Thiếp hoàn toàn không quen biết Tiết Triệu Tôn, lại càng chưa từng gặp ông ta! Thiếp... cũng chưa bao giờ sử dụng con dấu... Điện hạ, thần thiếp... cũng không biết chuyện là thế nào.”
Nàng ta vừa cuống vừa sợ, dứt lời liền khóc không thành tiếng.
Con dấu của Ngũ hoàng tử đúng là ở trong phủ và do nàng ta bảo quản.
Nhưng, nàng ta không hề động tới, hoàn toàn không biết tại sao chuyện lại thành ra thế này.
Trắc phi Liễu thị ở bên nói đỡ cho Tề thị: “Điện hạ, việc này chắc chắn không liên quan đến tỷ tỷ! Chúng thiếp đều quan tâm đến điện hạ, tỷ tỷ xưa nay thông minh, sao có thể gây chuyện như vậy?”
Sắc mặt Trịnh Phồn đen sì. Y cũng biết Tề thị vô tội, nhưng chứng cứ rành rành ra đấy, y có thể làm được gì đây?
Tề thị thông minh, y lo nàng ta thông minh quá lại hóa dở, bị người ta lợi dụng mà không biết.
Y trầm ngâm hồi lâu, cuối cùng vẫn cất tiếng hỏi: “Nàng chắc chắn là không động vào con dấu chứ? Phủ Vĩnh Lạc Hầu có hỏi mượn nàng con dấu không?”
Tề thị sửng sốt, lập tức ngừng khóc. Nàng ta nhìn Trịnh Phồn bằng ánh mắt không thể tin được, nghẹn ngào hỏi lại: “Điện hạ... ngài... không tin thần thiếp sao?”
Thấy dáng vẻ nàng ta như bị tổn thương nặng nề, sắc mặt Trịnh Phồn dịu đi, nhẹ giọng nói: “Bổn điện hạ không phải có ý này, sao bổn điện hạ lại không tin nàng được?”
Tuy nhiên chuyện đã xảy ra, phụ hoàng chắc chắn sẽ hỏi tội, y nhất định phải có câu trả lời thích đáng.
Tiếp theo nên làm thế nào đây?
Lúc này, hoàng quý phi Phạm thị trong cung chuyển lời, lệnh cho Trịnh Phồn lập tức vào cung, bà ta có việc gấp cần bàn!
(*) Trong các tập trước và các tập sau, Hoàng quý phi Phạm thị là mẹ ruột còn thái tử, Huy phi Hồ thị là mẹ ruột của Ngũ hoàng tử. Còn trong tập này, tác giả lại viết Phạm thị là mẹ ruột của Ngũ hoàng tử. Người dịch tôn trọng bản gốc của tác giả nên vẫn giữ nguyên và chú thích để độc giả rõ hơn (Chú thích từ biên tập).