Đội ngũ của lễ tế lớn vẫn đang tiến vào rừng rậm núi sâu Mậu Lĩnh, đường đi vẫn gập ghềnh hiểm trở, trong tầm mắt toàn là cây cối, chim muông. Phong cảnh tươi đẹp vẫn không gợi được chút hứng thú nào cho bậc đế vương.
Nhưng Vĩnh Chiêu Đế đã có cách giải sầu, hơn nữa nhóm quan viên như Chu Vân Xuyên biểu hiện rất tốt, khiến tâm tình Vĩnh Chiêu Đế dần trở nên tốt hơn.
Các quan viên đi cùng mặc dù đều cảm thấy rất mệt, nhưng bởi vì tâm tình của hoàng thượng đã tốt lên, và bởi vì hoàng lăng đã mỗi lúc một gần nên đội ngũ đều trở nên phấn khởi.
Khiến người ta nhìn thấy hi vọng, biết hi vọng đang ở ngay trước mắt luôn là điều làm cho người ta phấn chấn.
Tâm trạng của đại tướng quân Giản Tĩnh An của Tả Dực Vệ thì lại càng lúc càng lo lắng, các binh lính Tả Dực Vệ canh phòng cũng càng lúc càng nghiêm ngặt.
Hoàng lăng gần hơn có nghĩa là sắp đến nhiệm vụ quan trọng nhất của Tả Dực Vệ.
Tả Dực Vệ phải bảo vệ sự an toàn của hoàng thượng, đảm bảo cho hoàng thượng thuận lợi hoàn thành lễ tế lớn lần này, vì vậy tinh thần cần giữ vững.
Trong quá trình diễn ra lễ tế sẽ xảy ra chuyện gì thì không ai biết cả.
Giản Tĩnh An và tất cả các Tả Dực Vệ đều đã sẵn sàng trong tư thế sẵn sàng cho mọi biến cố.
Nhưng những người khác lại không giống Giản Tĩnh An, thấy đã sắp đến hoàng lăng, có người tâm tư còn dần dần bức bối hơn, trong đó bao gồm Ngũ hoàng tử Trịnh Phồn.
Trịnh Phồn đi theo Vĩnh Chiêu Đế đến viếng hoàng lăng, nhưng trên đường đi, những tình huống y gặp phải rất khác so với trong tưởng tượng của y trước khi xuất phát.
Buổi sáng, ngoại trừ đến thỉnh an Vĩnh Chiêu Đế ra, y không thể ở lại trong ngự trướng, căn bản là không thể thể hiện được gì trước mặt ông ta.
Cả chặng đường này, người được Vĩnh Chiêu Đế coi trọng nhất, ngoài Uông đốc chủ của Đề Xưởng ra thì chính là thứ sử Thái Châu - Chu Vân Xuyên.
Đối với Trịnh Phồn, hễ là người được Vĩnh Chiêu Đế coi trọng thì đều là thế lực cần phải lôi kéo.
Tất nhiên không cần phải kể đến Uông Ấn. Lúc còn ở Kinh Triệu, Trịnh Phồn đã tìm cách lôi kéo Uông Ấn, còn cố ý lên kế hoạch cưới hỏi từ nhà họ Liễu.
Tiếc rằng Uông Ấn vẫn bình chân như vại, cho dù phủ Ngũ hoàng tử đã làm đủ chuyện, Uông Ấn cũng không mảy may dao động.
Về phần thứ sử Thái Châu - Chu Vân Xuyên…
Trước đây, người này không lọt vào mắt Trịnh Phồn, nhưng Vĩnh Chiêu Đế ngày nào cũng giữ hắn ta lại bên mình, còn đặc biệt sai nội thị bố trí trướng của Chu Vân Xuyên bên cạnh ngự trướng của mình để tiện triệu kiến bất cứ lúc nào.
Chu Vân Xuyên có được ân sủng như thế, người trước kia không lọt vào mắt mình bỗng trở nên vô cùng quan trọng, nên đương nhiên là phải lôi kéo.
Mấy ngày liền, Trịnh Phồn đều dẫn trưởng sử trong phủ là Hứa Luyện đến trướng của Chu Vân Xuyên, vừa âm thầm vừa bóng gió thể hiện ý lôi kéo. Tuy nhiên, Uông Ấn đã khó lôi kéo, Chu Vân Xuyên này cũng chẳng dễ lung lay.
Lễ vật Trịnh Phồn mang đến, Chu Vân Xuyên cười nhận lấy, nhưng ngày hôm sau sẽ nói ra trước mặt Vĩnh Chiêu Đế khiến Trịnh Phồn không dám tặng gì nữa.
Khác với Uông Ấn lạnh lùng xa cách, Chu Vân Xuyên không nhận lời cũng chẳng từ chối, mà giả vờ hồ đồ, lời nói kín kẽ khiến người ta không đoán được ý của hắn ta.
Giơ tay ra không nỡ đánh người tươi cười, dù Trịnh Phồn biết Chu Vân Xuyên không nhận lời cũng chính là đã từ chối, nhưng trong lòng cũng chẳng thể tức giận.
Huống hồ Vĩnh Chiêu Đế rất coi trọng Chu Vân Xuyên, chỉ riêng điểm này, miễn sao Chu Vân Xuyên không từ chối một cách rõ ràng, Trịnh Phồn cũng sẽ vẫn dày mặt tiếp cận.
Trịnh Phồn cảm thán: Khát khao mong cầu thu nạp người tài, mong cầu phát triển thế lực như cơn khát nước vậy. Y thầm nghĩ mình làm hoàng tử thì đã sao? Khi đối diện với những quần thần quyền cao chức trọng, những quần thần được đế vương cực kì ân sủng, y vẫn chỉ có thể ăn nói khép nép với họ mà thôi.
Có điều, ăn nói khép nép chỉ là tạm thời, sẽ có một ngày những người này phải khấu đầu khi gặp y, chút ấm ức cỏn con bây giờ đã là gì?
Trịnh Phồn đã dựa vào niềm tin này để chống đỡ suốt cả chặng đường đi.
Y đã trở thành người sôi nổi nhất trong đội ngũ của lễ tế lớn, thường xuyên ra vào trướng của các quan viên, nắm lấy cơ hội để lôi kéo họ.
Y là hoàng tử, thuộc dòng dõi hoàng tộc cao quý mà làm vậy quả thực quá mất mặt.
Giản Tĩnh An khẽ nhíu mày khi chứng kiến hành động của Trịnh Phồn, nhưng lại không tiện nói gì.
Lúc này, trong trướng của Ngũ hoàng tử, Trịnh Phồn day hai đầu chân mày, đôi mắt dịu dàng như nước ẩn giấu chút mệt mỏi và cơn tức giận ngấm ngầm.
Lại một lần nữa y rời khỏi chỗ Chu Vân Xuyên một cách thảm hại. Nhiều lần như vậy, tuy rằng y sẽ không giận lây sang Chu Vân Xuyên, nhưng cũng khó tránh khỏi cảm thấy bực bội.
Quan trọng hơn là Kinh Triệu vẫn chưa truyền đến tin tức mà y muốn nghe thấy.
“Đã dò hỏi những người khác chưa? Tình hình Kinh Triệu thế nào?” Y hỏi trưởng sử Hứa Luyện.
Các phi tử trong phủ thường xuyên gửi tin tức tới, nói rằng trong triều rất yên bình, thái tử giám quốc rất suôn sẻ, bởi vì có tả bộc xạ Tạ Giới ở bên cạnh hỗ trợ nên không xảy ra sai sót gì.
Trịnh Phồn nghe thấy vậy thì vô cùng thất vọng, thầm nhủ có phải tin tức trong phủ không đủ nhanh nhạy, bèn lệnh cho Hứa Luyện nghe ngóng từ chỗ những người khác, có điều không biết tình hình ra sao.
Khuôn mặt Hứa Luyện nhuốm chút dấu vết gió sương, y vội vàng đáp: “Bẩm điện hạ, tin tức nô tài nghe được từ chỗ những người khác cũng như vậy.”
Kinh Triệu hết sức yên bình, đã gần nửa tháng mà trước sau vẫn yên ả.
Chắc hẳn có tả bộc xạ Tạ Giới ở đó, Kinh Triệu khó mà loạn cho được.
Suy cho cùng là thời gian quá ngắn!
Trịnh Phồn mím môi, nỗi bực bội trong lòng dường như sắp không nín nhịn được nữa, lồng ngực y phập phồng dữ dội, ra sức kìm nén cảm xúc của mình, không ngừng tự nhủ: Hiện giờ đang trong quá trình đại lễ, không thể tức giận, tránh để lọt vào mắt phụ hoàng và các quan viên khác.
Hồi lâu sau, y mới bình tĩnh lại, lạnh lùng nói: “Nếu đã vậy thì tìm cho thái tử chút phiền phức đi! Không thể làm loạn lớn thì có loạn nhỏ. Những việc này không cần bổn điện hạ phải dạy ngươi chứ?”
Hứa Luyện khom người, cung kính đáp: “Điện hạ, nô tài đã biết! Nô tài sẽ đi làm ngay, nhất định sẽ làm đâu vào đấy, không phụ sự mong đợi của điện hạ!”
Dứt lời, Hứa Luyện liền đi ra khỏi trướng, nghĩ cách gửi tin về Kinh Triệu.
Mặc dù nơi này bói không ra một nhà dân, nhưng may mà họ có nuôi bồ câu đưa thư, núi Mậu Lĩnh chim chóc bay đậu đầy cành nên cũng không gây sự chú ý.
Lại qua hơn nửa ngày, cuối cùng hoàng lăng đã xuất hiện trong tầm mắt của mọi người.
Từ xa đã trông thấy những con thú bằng đá uy nghiêm cao lớn đứng hai bên lối dẫn vào mộ, tựa như những binh lính đang canh gác cho hoàng lăng, các quan viên đều mừng rỡ: Cuối cùng đã có thể được nghỉ ngơi tử tế!
Lễ tế lớn là sự kiện quan trọng, phải tắm gội thay y phục, thái thường khanh Tạ Lộc Niên đề nghị hoàng thượng cho hạ trại trước rồi hẵng tiến hành làm lễ tế.
Giản Tĩnh An dẫn binh lính tuần tra một lượt, sau đó chọn một nơi gần bờ suối để hạ trại, chuẩn bị trước cho lễ tế.
Ba ngày trôi qua, khi mặt trời lên cao, Vĩnh Chiêu Đế dẫn đầu bá quan văn võ đến trước lăng thái tổ, dâng từng món đồ lễ lên, rồi nghiêm trang quỳ xuống.
Lễ tế kéo dài hơn nửa ngày, mọi thứ đều rất suôn sẻ, khiến mọi người vô thức thả lỏng tâm tình.
Khi lễ tế kết thúc, Vĩnh Chiêu Đế liền dẫn văn võ bá quan rời đi.
Nói đùa sao, nơi này là vùng đất yên nghỉ của hoàng tộc Đại An, Vĩnh Chiêu Đế đâu dám hạ trại quá lâu ở đây?
Cho đến khi rời khỏi hoàng lăng được một quãng, sắc trời dần tối, bấy giờ Giản Tĩnh An mới tìm được nơi thích hợp để nghỉ chân.
Bởi vì mọi việc đã kết thúc thuận lợi nên mọi người đều như trút được gánh nặng.
Ngay cả người luôn trong trạng thái căng thẳng như Giãn Tĩnh An cũng bất giác thả lỏng tinh thần, binh lính Tả Dực Vệ khó tránh khỏi có phần lơi lỏng. Tâm trạng vốn luôn căng thẳng một khi đã được buông thả thì cơn mệt mỏi sẽ lập tức ập đến.
Vào đêm sau khi kết thúc lễ tế lớn, mọi người đều thư giãn chìm vào giấc ngủ.
Duy chỉ có mình Uông Ấn vẫn mở mắt trong bóng tối, hình như đang đợi điều gì đó.
Không lâu sau, một đề kỵ lặng lẽ xuất hiện, nhỏ giọng bẩm bảo: “Xưởng công, có kẻ bịt mặt, mặc đồ đen lẻn vào trướng của Chu Vân Xuyên. Đề kỵ đã bám theo hắn, thuộc hạ đặc biệt đến báo với xưởng công.”
Uông Ấn còn chưa kịp tỏ thái độ gì thì đã nghe thấy tiếng thét chói tai thình lình vang lên trong đêm tối.
Mặt hắn biến sắc, lập tức bay vọt ra ngoài, lao đến ngự trướng của Vĩnh Chiêu Đế với tốc độ nhanh nhất.
Khoảnh khắc ấy, rốt cuộc Uông Ấn đã hiểu thời cơ của Chu Vân Xuyên là gì.