Giờ Mão, cùng với tiếng hô vang của nội thị, Vĩnh Chiêu Đế đội mũ miện dùng cho lễ tế lớn, ra khỏi điện Tử Thần, đi qua điện Tuyên Chính, điện Hàm Nguyên, đi đến trước cổng cung.
Vọng Quân Quy dựng sừng sững ở cổng cung, bên trên là hai con hống* đá ngồi hướng về phía Nam giống như đang chăm chú nhìn Vĩnh Chiêu Đế dẫn đầu văn võ bá quan rời đi, lại giống như đang kêu gọi ông ta nhanh chóng trở về xử lí chính sự.
(*) Vọng Quân Quy là hai con hống bằng đá ngồi trên cột đá khắc hoa ở cổng cung nhìn về hướng Nam, quan sát nhà vua đi tuần, nếu nhà vua lâu ngày không về thì chúng sẽ lên tiếng gọi nhà vua về xử lí chính sự. Ngoài ra còn có Vọng Quân Xuất là hai con hống nhìn về phía Bắc, nếu hoàng đế ở lâu trong cung đình, không để ý tới triều chính, bọn chúng sẽ lên tiếng mời nhà vua xuất cung, minh xét tình hình quần chúng.
- Hống: linh vật phương Đông, là sinh vật giống ngựa và rồng, có vảy và biết bay. Truyền thuyết nói rằng, hống là con của rồng, có thói quen ngồi trên cao quan sát mọi thứ
Uông Ấn mặc y phục Minh Xà màu đỏ, cưỡi trên tuấn mã cao lớn chậm rãi đi theo ngự giá của Vĩnh Chiêu Đế.
Y phục Minh Xà màu đỏ, làn da trắng như tuyết và cả gương mặt tuấn tú khiến hắn đẹp đến hút hồn, nổi bật giữa đám binh lính áo giáp đen thui. Nhưng vẻ lãnh đạm Đốc chủ đại nhân lại mang theo sát khí, khiến mọi người cảm thấy lạnh gáy, sợ một khắc sau sẽ đầu một nơi thân một nẻo.
Bất kể là binh lính hay là dân chúng đang đứng hai bên đường nhà vua đi qua cũng đều chỉ dám liếc thoáng qua rồi lập tức sợ hãi cúi đầu xuống.
Mặc dù Vĩnh Chiêu Đế dẫn đầu đội ngũ văn võ bá quan nườm nượp oai nghiêm, nhưng đoạn đường đi vô cùng yên tĩnh, chỉ có tiếng xe ngựa và tiếng tuấn mã đạp vó, thế nên Vĩnh Chiêu Đế cảm thấy rất hài lòng.
Có lẽ sự uy nghiêm của thiên tử chính là như thế này, đến mức tất cả mọi người không dám phát ra tiếng động, càng không dám nhìn thẳng.
Rốt cuộc những người dân này kinh sợ uy nghiêm của thiên tử hay kinh sợ sự đẫm máu kinh khủng của Đề Xưởng thì chỉ có chính họ mới biết.
Diệp Tuy đứng cùng Triệu Tam Nương và Khánh bá ở một tòa lầu cao rất gần cổng thành.
Lúc Uông Ấn vào cung nhận lệnh, nàng cũng ra khỏi phủ rồi tới đây, đứng ở con đường mà muốn ra khỏi thành thì nhất định phải đi qua, để chờ Uông Ấn.
Mặc dù đã sớm thổ lộ hết nỗi lòng khi phải xa cách, nhưng Diệp Tuy vẫn không kìm nén được, trong lòng vẫn thấy luyến tiếc, muốn nhìn Uông Ấn thêm chút nữa.
Khi đội ngũ khổng lồ xuất hiện, Diệp Tuy vừa liếc mắt đã thấy Uông Ấn.
Người nàng nhớ nhung nổi bật trong đội ngũ như thế, quả thật là không thể nào bỏ qua được.
Người khiến nàng bận tâm đang mặc y phục Minh Xà màu đỏ, da trắng như tuyết, vẻ ngoài vô cùng tuấn mỹ.
Mặc dù khoảng cách rất xa, không thấy rõ nét mặt của hắn nhưng nhất định là vô cùng lạnh nhạt, tỏa ra sát khí kinh người.
Diệp Tuy chăm chú nhìn theo Uông Ấn trong đám đông, không nỡ chớp mắt, cho đến khi khóe mắt dần cay cay.
Trong lòng nàng như bị thứ gì đó siết chặt, nàng bỗng thấy vô cùng khó chịu, quặn thắt trong lòng.
Đại nhân, đại nhân…
Uông Ấn đang đi theo Vĩnh Chiêu Đế giống như có linh cảm, vốn đang hơi cúi đầu bỗng ngẩng lên nhìn về một hướng.
Trên lầu cao của quán rượu có một bóng dáng màu đỏ giống với y phục Minh Xà trên người hắn.
Là cô gái nhỏ! Cô gái nhỏ đã đứng sẵn ở đó chờ hắn!
Thị lực của hắn rất tốt, nhìn dung mạo diễm lệ rực rỡ của nàng như mặt trời chói chang khiến người ta không thể nào bỏ qua, khắc sâu trong lòng.
Đương nhiên, hắn cũng nhìn thấy hốc mắt đỏ hoe của nàng.
Nàng khóc sao?
Chỉ nháy mắt, trong lòng Uông Ấn cũng dâng lên cảm giác luyến tiếc khó tả.
Nếu không phải đang đi bên cạnh đế vương, nếu không phải sau lưng vẫn còn văn võ bá quan và vô số binh lính thì hắn sẽ lập tức bay vút về phía bóng dáng màu đỏ kia.
Một khắc sau, hắn giơ tay phải lên, làm tư thế ra lệnh im lặng, vậy là đội ngũ lại càng yên tĩnh hơn, như đang thể hiện điều gì đó.
Diệp Tuy nhìn về phía Uông Ấn, thấy hắn giơ tay lên thì biết rằng hắn đã nhìn thấy nàng, và cũng hiểu ra ý của hắn.
Không cần phải lo lắng, bổn tọa sẽ bình an trở về.
Cuối cùng Diệp Tuy cũng chớp mắt, nước mắt thi nhau rơi xuống.
Trong làn nước mắt, nàng thấy đội ngũ càng lúc càng đi xa, vượt qua cổng thành, biến mất khỏi tầm mắt của nàng.
Diệp Tuy lau nước mắt, xoay người rời khỏi đây, trong lòng chỉ có một mong ước thành kính:
Đại nhân, ngài nhất định phải bình an trở về!
Mậu Lĩnh thuộc Huyện Mậu của đạo Hà Nội, nơi này là vùng đất “rồng thịnh” của hoàng tộc Đại An, cũng là vùng đất “rồng về” của hoàng tộc Đại An.
Thái Tổ, Cao Tổ, Thái Tông và các vị tiên đế đều được an táng ở đây. Nếu không có gì ngoài ý muốn, sau này khi Vĩnh Chiêu Đế băng hà cũng vậy.
Vị trí phong thủy của Mậu Lĩnh hiển nhiên là khỏi phải nói, chỉ có một điều duy nhất không tốt là nơi này cách Kinh Triệu hơi xa.
Xuất phát từ cổng thành Kinh Triệu, đi thẳng theo hướng Tây Nam, phi ngựa cấp tốc cũng phải mất ba ngày ba đêm, còn truyền tin bình thường cũng phải bảy, tám ngày.
Bây giờ, theo tốc độ đi của ngự giá thì phải mất nửa tháng.
Chưa nói đến đường sá xa xôi, quan trọng hơn cả là Mậu Lĩnh hiểm trở, mà hoàng lăng của Đại An lại ở nơi sâu nhất của Mẫu Lĩnh, trên đường đi rất hiếm nhà dân, toàn núi non trùng điệp.
Bởi vậy, mỗi lần tiến hành lễ tế lớn, các đời hoàng đế Đại An đều khổ không thể tả.
Vĩnh Chiêu Đế thì không cảm thấy vậy, bởi vì cả hai lần tiến hành lễ tế lớn, ông ta đều cảm thấy rất tốt.
Lần đầu tiên thì khỏi cần phải nói, khi đó ông ta lên ngôi trước linh vị tiên đế, lễ tế mang ý nghĩa đăng cơ, ông ta trở thành chúa tể tối cao của Đại An.
Lần thứ hai, ông ta đang lúc tráng niên, sức khỏe rất tốt, hơn nữa thế cục trong triều ổn định, ông ta hăng hái không lời nào diễn tả.
Huống hồ, mười năm đã trôi qua, cho dù lúc đó có gian nan hiểm trở gì cũng đã dần phai nhạt trong ký ức, chỉ còn nhớ rõ sự vui sướng và ý nghĩa tượng trưng của lễ tế lớn.
Bởi vậy, khi mới khởi hành, tâm trạng của Vĩnh Chiêu đế rất tốt và rất chờ mong.
Tâm trạng tốt đẹp này được duy trì đến khi tiến vào Huyện Mậu.
Huyện Mậu là địa phương nhỏ, cực kì nhỏ. Ở đây, gần như tất cả mọi người đều là người canh giữ hoàng lăng Đại An.
Dân cư thưa thớt, đường khó đi, tâm trạng tốt đẹp của Vĩnh Chiêu Đế gần như dần dần bị hủy hoại hết sạch.
Ông ta hoàn toàn không ngờ thì ra lễ tế lớn lại là một việc khổ cực như vậy.
Bây giờ mới đi được một nửa hành trình, khó khăn hiểm trở thật sự vẫn là sau khi tiến vào Mậu Lĩnh!
Vừa nghĩ đến điều này, trong lòng Vĩnh Chiêu Đế dâng lên nỗi phiền muộn, cảm thấy nhìn cái gì cũng không vừa mắt.
Những người đi theo sau Vĩnh Chiêu đế đều nhận ra rõ ràng là tâm trạng của hoàng thượng không tốt. Ai nấy đều trở nên dè dặt cẩn thận, rất sợ làm điều gì đó không đúng khiến hoàng thượng không vui, đến lúc đó thì không phải chỉ đơn giản là bị phạt đánh mấy gậy thôi đâu.
Uông Ấn lại vẫn như bình thường, vẻ mặt thờ ơ không nhìn ra cảm xúc, cũng không bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của Vĩnh Chiêu Đế.
Thực sự thì sự thay đổi tâm tư của Vĩnh Chiêu Đế đều nằm trong dự đoán của hắn.
Hai lần trước, bởi vì đăng cơ và các nguyên nhân đặc thù nên hoàng thượng cảm thấy vui vẻ, nhưng không có nghĩa là bây giờ cũng vậy.
Huống hồ, mười năm nay hoàng thượng đã quen sống an nhàn sung sướng, thỉnh thoảng đi săn bắn vào mùa xuân, mùa thu thì đều không phải làm gì cả.
Thời gian mười năm sẽ để lại dấu vết, tuổi tác, sức lực của hoàng thượng đã không bằng lúc trước, đương nhiên cảm thấy không thích.
Uông Ấn cảm thấy hứng thú với một người khác trong đội ngũ đi theo hơn là suy đoán tâm tư của Vĩnh Chiêu Đế.