Mặc dù đêm đã khuya nhưng bên trong điện Tử Thần đèn đuốc vẫn sáng trưng, Phòng Bảo dẫn mấy nội thị đứng hầu trong điện nín thở tập trung, không dám phát ra âm thanh nào, sợ quấy rầy Vĩnh Chiêu Đế đang ngồi trước ngự án.
Vĩnh Chiêu Đế lui về sau dựa vào ngai rồng, hai mắt nhắm nghiền, khóe miệng mím chặt toát lên vẻ lạnh lùng, chứng tỏ tâm trạng lúc này của ông ta không tốt.
Ông ta nhớ tới những lời Vi hoàng hậu đã nói trước đó
Trước khi ông ta quyết định danh sách các quan viên đi cùng, Vi hoàng hậu đột nhiên tới điện Tử Thần cầu kiến, nguyên nhân vì thái tử.
Chuyện danh gia vọng tộc lúc trước, Vi hoàng hậu cũng lên tiếng vì thái tử, nói rằng thân làm mẫu hậu phải thông cảm cho hoàn cảnh của thái tử, thương thái tử ngồi ở vị trí đó không dễ dàng gì nên cầu xin hoàng thượng mở ra một con đường cho hắn, không nên diệt trừ tất cả các thế lực của hắn.
Vĩnh Chiêu Đế và Vi hoàng hậu đã là vợ chồng mấy chục năm, ông ta ít nhiều vẫn hiểu rõ hoàng hậu của mình. Tại sao hoàng hậu không thân thiết với thái tử nhưng lại nhiều lần lên tiếng vì hắn?
Vi hoàng hậu đứng trên điện Tử Thần, nụ cười hiện lên trên gương mặt đoan trang hiền hậu: “Hoàng thượng anh minh, thái tử được hoàng quý phi sinh ra, thần thiếp quả thật không tiện thân thiết gần gũi hơn với thái tử. Chỉ là thần thiếp thân là mẫu hậu của các hoàng tử, tấm lòng thương con thật ra cũng như nhau…”
Bà ta dừng lại một lát, một thoáng khó xử và xấu hổ hiện lên trên mặt, nói tiếp: “Thật ra, thần thiếp cũng không phải hoàn toàn là vì chúng. Thần thiếp… thần thiếp làm như vậy phần nhiều là vì hoàng thượng.”
Vĩnh Chiêu Đế nghi hoặc, hỏi lại: “Vì trẫm?”
“Đúng vậy, là vì hoàng thượng. Vì để hoàng thượng không bị chỉ trích, cũng vì để tâm huyết của hoàng thượng không bị uổng phí, cho nên thần thiếp kính xin hoàng thượng trong thời gian đi viếng hoàng lăng, hãy để cho… thái tử giám quốc.” Vi hoàng hậu nói xong còn quỳ xuống.
“Thái tử giám quốc?” Vĩnh Chiêu Đế ngạc nhiên lặp lại, khó mà tin được khi nghe hoàng hậu lại nói ra đề nghị này.
Bởi vì thực sự quá bất ngờ, trong một chốc một lát, ông ta không thể nói rõ trong lòng có cảm giác gì, chỉ là nhịp tim bỗng tăng nhanh.
Vi hoàng hậu quỳ trong điện Tử Thần, đáp lời bằng giọng nói nhỏ nhẹ: “Hoàng thượng, thái tử đã gần ba mươi tuổi nhưng chưa từng độc lập xử lí triều chính. Hoàng thượng, thái tử là người kế vị, nếu quyền thế không xứng với địa vị thì các quan viên trong triều… sẽ nghĩ thế nào đây?”
Vĩnh Chiêu Đế tức thì hiểu ra ý của Vi hoàng hậu.
Thì ra, tránh bị chỉ trích, không để tâm huyết bị uổng phí là thế này.
Hoàng hậu đang nói ông ta chưa từng cho thái tử thực quyền, các quan viên trong triều sẽ có dị nghị sao?
Dám dị nghị bậc đế vương, thật to gan!
Nhưng từ trước tới giờ Đề Xưởng chưa từng báo cáo với ông ta chuyện gì giống như lời của Vi hoàng hậu.
Bấy giờ, Vi hoàng hậu lại nói tiếp: “Hoàng thượng, những điều này là do cha thần thiếp tình cờ nghe được, có lẽ Đề Xưởng không chú ý tới những chi tiết nhỏ này, hoặc cũng có thể là Uông đốc chủ cảm thấy không cần thiết phải báo cáo với hoàng thượng. Có điều, thần thiếp… thần thiếp…”
Hoàng hậu ngập ngừng, vẻ lo lắng hiện rõ lên trên mặt.
Vĩnh Chiêu Đế không nói gì, hồi lâu mới cất lời: “Trẫm sẽ suy nghĩ kĩ về đề nghị của Tử Đồng. Thái tử giám quốc là chuyện quan trọng, cần cân nhắc kĩ càng.”
Trước đây, ông ta chưa từng nghĩ tới việc để thái tử giám quốc, đúng như Vi hoàng hậu nói, đang độ tráng niên khỏe mạnh, hoàn toàn đâu cần phải cân nhắc về vấn đề năng lực của người kế vị.
Còn về thực quyền của thái tử… Hừ!
Phó thủ lĩnh nội thị Phòng Bảo đang đứng hầu bên cạnh Vĩnh Chiêu Đế hơi cúi đầu xuống, không nhìn thấy nét mặt, đôi mắt đảo nhanh hơn lúc trước một chút.
Khác với tâm tư của đế vương đặt cả vào chuyện thái tử giám quốc, sự chú ý của hắn lại đặt vào lời nói của Vi hoàng hậu.
Nếu trong triều thật sự có chiều hướng như vậy mà đề kỵ và Uông đốc chủ không hề báo cáo lại, thì bất kể là xuất phát từ nguyên nhân gì, cũng chứng tỏ Đề Xưởng làm việc không hiệu quả, hoặc là Uông Ấn lừa gạt hoàng thượng.
Dường như những lời này của hoàng hậu có ẩn ý sâu xa khác.
Lúc này, Vĩnh Chiêu Đế mở bừng mắt ra, hạ lệnh: “Truyền Uông Ấn sáng mai tiến cung!”
Sáng sớm hôm sau, Uông Ấn liền được triệu vào điện Tử Thần.
Hắn đang chuẩn bị bẩm báo về tình hình đề kỵ chuẩn bị cho lễ tế lớn, không ngờ Vĩnh Chiêu Đế lại hỏi: “Trong triều có phản ứng gì với sự sắp xếp để thái tử giám quốc của trẫm?”
Phản ứng của quan viên trong triều đã sớm được thể hiện thực sự ở trên điện Tuyên Chính, tất cả mọi người đều cảm thấy bất ngờ, kinh ngạc, chỉ nhìn sơ qua cũng thấy được điều này.
Uông Ấn biết hoàng thượng triệu riêng hắn đến không phải là vì “phản ứng thực sự” của các quan viên mà là hỏi cách nhìn nhận trong lòng họ, thậm chí họ sẽ âm thầm có hành động gì.
Đề Xưởng là tai mắt của hoàng thượng, bất cứ lúc nào cũng phải cung cấp cho hoàng thượng những sự việc không thể nhìn thấy ở bề ngoài.
Đương nhiên là đề kỵ nắm rất rõ động tĩnh trong triều, vậy nên Uông Ấn liền bẩm báo: “Hoàng thượng, các quan viên trong triều đều cảm thấy hết sức bất ngờ, có mấy quan viên thường xuyên qua lại phủ của tả bộc xạ Thượng Thư, chắc hẳn là vì việc này.”
“Các quan viên trong triều có bàn luận riêng, rằng thái tử rất được hoàng thượng ưu ái, bằng không hoàng thượng đã không có ý chỉ như vậy. Ngay cả phủ của các hoàng tử cũng vô cùng yên bình, Ngũ hoàng tử đang chuẩn bị cho việc viếng hoàng lăng.”
Với chuyện thái tử giám quốc, phản ứng trong ngoài của các quan viên như nhau, ngoài cảm thấy vô cùng bất ngờ ra thì còn thấy thái tử rất được hoàng thượng coi trọng.
Còn về những việc khác…
Uông Ấn cảm thấy tạm thời vẫn chưa cần phải nói những việc khác.
Sau khi hắn nói xong, Vĩnh Chiêu Đế khẽ nhíu mày, sắc mặt vẫn như thường, hồi lâu sau mới hỏi: “Ngoài ra, còn gì nữa không?”
Uông Ấn ngẫm nghĩ một lát rồi đáp: “Sau khi hoàng thượng đưa ra quyết định để thái tử giám quốc, số quan viên qua lại với Thượng Dược Cục đã tăng lên.”
Tại sao các quan viên lại đến Thượng Dược Cục? Đương nhiên là để âm thầm điều tra về tình hình sức khỏe của Vĩnh Chiêu Đế.
Hoàng thượng vẫn đang khỏe mạnh, trước đây chưa từng có chuyện thái tử giám quốc, ý chỉ này vừa được đưa ra, không ít quan viên trong triều nghĩ rằng có phải sức khỏe của hoàng thượng có vấn đề hay không.
Nghe xong, Vĩnh Chiêu Đế hơi nhếch khóe môi, rãnh mũi - má hiện lên hình chữ bát, ông ta nói: “Những bề tôi của trẫm nghe lời thật đấy. Không có quan viên nào dị nghị sao?”
Uông Ấn cúi đầu xuống, hai mắt lóe lên, nói tiếp: “Hoàng thượng anh minh thần võ, tài năng kiệt xuất, mọi hành động đều có ẩn ý sâu xa, các quan viên vô cùng kính sợ, nào dám có dị nghị.”
Cho dù các quan viên trong triều có dị nghị thì ai dám phản đối chuyện mà hoàng thượng đã quyết định?
Huống hồ…
Thái tử đã sắp ba mươi tuổi mà vẫn chưa hề có kinh nghiệm tự mình xử lí việc nước, mặc dù việc thái tử giám quốc khiến người ta thấy bất ngờ nhưng cũng không phải là điều khó chấp nhận được.
Vĩnh Chiêu Đế cụp mắt, mở bừa một quyển tấu chương ra, rồi mới kéo dài giọng nói: “Có phải vậy không?”
Uông Ấn không đáp lời, hắn biết hiện giờ trong lòng hoàng thượng cũng đã tự đoán định.
Đúng lúc này, hắn chợt nghe thấy Vĩnh Chiêu Đế hỏi: “Bán Lệnh, khanh nghĩ thế nào về việc thái tử giám quốc?”
Nghe thấy Vĩnh Chiêu Đế gọi “Bán Lệnh”, Uông Ấn liền biết đây là câu hỏi mang tính chất cá nhân, không phải lời giữa vua với bề tôi.
Như vậy tức là hoàng thượng muốn nghe lời thật lòng.
Thật lòng ở phương diện nào, đương nhiên là Uông Ấn biết.
Hắn giả vờ trầm ngâm một lát rồi đáp lời với giọng điệu hơi ngập ngừng: “Theo vi thần thấy thì hoàng thượng đang độ tráng niên khỏe mạnh, thời gian đi viếng hoàng lăng chỉ có hơn một tháng, thần cả gan cho rằng hoàng thượng không cần để thái tử giám quốc!”
Vinh Chiêu Đế nhếch miệng, nheo hai mắt lại, ánh mắt sâu thăm thẳm.
Ông ta chẳng tỏ ý kiến gì với câu trả lời của Uông Ấn mà lại chuyển chủ đề, thản nhiên sai bảo: “Chuyện đến Mậu Lĩnh viếng hoàng lăng, ái khanh hãy trao đổi với Giản Tĩnh An, việc này giao cả cho hai khanh.”
Nói rồi, Vĩnh Chiêu Đế phất tay ra hiệu cho Uông Ấn lui ra ngoài.
Sau khi Uông Ấn rời đi, vẻ mặt Vĩnh Chiêu Đế hơi thay đổi, thầm tự hỏi: “Không dị nghị gì cả sao?”
Nói vậy tức là tất cả mọi người đều cho rằng đã đến lúc để thái tử giám quốc?
Còn Uông Ấn, sau khi về đến phủ liền nói với Diệp Tuy: “Hoàng thượng có ý muốn phế thái tử rồi.”