Tai mắt của Đề Xưởng trải khắp Kinh Triệu, nhưng không có hứng thú với những chuyện trong khuê các của các nhà và tẩm điện của Đông Cung, nên hiển nhiên là bọn họ không để ý tới những nơi đó. Bởi vậy chuyện phong thư được gửi từ am Từ Vân trên đỉnh Thiên Tuyệt đến Đông Cung cũng không được biết đến.
Ai mà ngờ được, một nơi hẻo lánh ít người lui tới như đỉnh Thiên Tuyệt, một nơi nội bất xuất ngoại bất nhập như am Từ Vân lại chuyển được thư ra ngoài?
Lại càng không ngờ thái tử sẽ bật cười nhẹ nhõm vì phong thư này.
Dĩ nhiên là hiện giờ Uông Ấn vẫn chưa biết về mưu kế mà thái tử nhận được, hắn còn đang dưỡng thương trong viện Tư Lai.
Trước đó, khi sắp xếp chuyện bị tấn công thì đã nghĩ đến những bất tiện sẽ gặp phải, nên cố tình tạo vết thương nhẹ.
Sau mấy ngày tĩnh dưỡng, tuy cánh tay trái của hắn vẫn được băng bó nhưng đã cử động tự nhiên.
Vào lúc này, các quan viên của Hộ Bộ, Ngự Sử Đài và Quang Lộc Tự đều sôi nổi chạy về các đạo. Các vấn đề về danh gia vọng tộc đã ra khỏi tầm mắt hắn.
Giờ hắn rất nhàn rỗi, thời gian ở lại viện Tư Lai cũng nhiều hơn.
Một ngày nọ, Uông Ấn nhìn Diệp Tuy đang lật xem sổ sách trong phủ, đột nhiên hỏi: “Cô gái nhỏ, nàng có muốn cùng bổn tọa đến lầu Vạn Ánh tránh nóng không?”
Tất nhiên là phủ nhà họ Uông có đầy đủ công trình để tránh nóng trong những ngày hè oi bức. Bên dưới sàn nhà được lắp đặt những ống dẫn vừa dài vừa hẹp, hệ thống này, mùa đông dùng để sưởi ấm, bây giờ chứa nước lạnh để giải nóng mùa hè. Hơi lạnh từ đất tỏa ra khiến cả người mát mẻ khoan khoái.
Uông Ấn còn cho người cải tạo lại đài Ấp Xuân, phun nước ao lên đài, nước lắc rắc bay xuống từ khắp bốn phía tạo thành màn mưa đặc biệt, vừa có thể tránh nóng, vừa có thể thưởng thức cảnh đẹp.
Diệp Tuy thích ngồi ở đài Ấp Xuân nhất, nơi đây khiến nàng cảm thấy vô cùng tự do thoải mái, chỉ xếp sau góc nhỏ ở quán trà Diệm Khê.
Bấy giờ nghe thấy Uông Ấn nhắc đến lầu Vạn Ánh, nàng chớp chớp mắt tò mò hỏi lại: “Lầu Vạn Ánh ạ?”
Dĩ nhiên, nàng biết lầu Vạn Ánh, đó là một trong những quán rượu nổi danh ở Kinh Triệu.
Rất nhiều trọng thần trong triều thích đãi khách ở nơi này, nhưng ít khi thấy các phu nhân, cô nương đến đây.
Hơn nữa, trong phủ cũng đã dễ chịu như thế này rồi, chẳng lẽ lầu Vạn Ánh còn có công trình tránh nóng độc đáo gì sao?
Uông Ấn nở nụ cười, nét mặt bớt đi vẻ lạnh lùng, đáp: “Tất nhiên rồi! Lầu Vạn Ánh là một nơi được xây dựng rất kỳ công. Màn mưa ở đài Ấp Xuân cũng là được bổn tọa học theo lầu Vạn Ánh.”
Sau đó, ánh mắt Uông Ấn bỗng trở nên sáng rực, nuốt nước bọt: “Rượu ở lầu Vạn Ánh rất ngon, ăn kèm đậu phụ phường Tây Thi là hợp nhất.”
Diệp Tuy cạn lời.
Sao trước đây nàng không phát hiện ra, lúc đại nhân nhắc đến đồ ăn thì hai mắt sẽ sáng bừng lên thế này?
Hay rượu ở lầu Vạn Ánh và đậu phụ phường Tây Thi thật sự ngon như vậy?
Diệp Tuy vừa nghĩ đến đây đã không khỏi cảm thấy hết sức tò mò, bèn hào hứng nói: “Đại nhân, thiếp rất thích đi cùng đại nhân! Chúng ta xuất phát ngay đi!”
Uông Ấn mỉm cười, ánh mắt dịu dàng.
Rốt cuộc vẫn là một cô gái nhỏ, khi nói đến chuyện ra ngoài chơi, biểu cảm của nàng mới đúng với độ tuổi.
Chung quy nàng mới có mười sáu tuổi mà thôi.
Còn hắn thì đang làm gì khi mười sáu tuổi?
Hẳn là khi đó hắn còn đang chém giết đẫm máu ở Nhạn Tây Vệ.
Lầu Vạn Ánh lúc nào cũng đông người, khi Uông Ấn và Diệp Tuy đến thì lập tức gây náo động.
Rất nhiều quan viên bần hàn đang ngồi ở lầu một đều vô thức đứng bật dậy khi thấy Uông Ấn và Diệp Tuy đến, rồi cung kính khom người hành lễ.
Uông Ấn chỉ thờ ơ gật đầu không nói gì, sau đó dẫn Diệp Tuy đi lên lầu.
Chưởng quầy của lầu Vạn Ánh là một ông già béo tròn, để chòm râu dê, cặp mắt híp, hơi nheo lại là đã biến thành một đường thẳng.
Ông già tươi cười, niềm nở và cung kính nói: “Nô tài tham kiến Đốc chủ đại nhân, tham kiến Đốc chủ phu nhân. Mời hai vị đi theo nô tài.”
Nói đoạn, ông ta khom lưng cúi chào, dẫn hai người đi qua cánh cửa có hoa văn được chạm rỗng.
Vừa bước qua cánh cửa, Diệp Tuy cảm thấy trước mắt như sáng bừng lên, thì ra bên trong lầu Vạn Ánh còn có chốn bồng lai tiên cảnh thế này.
Một màn nước đổ xuống từ trên cao, bắn ra bọt nước li ti, hơi lạnh phả lên cổ và mặt, khiến cho người ta cảm thấy vô cùng thoải mái trong mùa hè oi ả.
Lấy bức màn nước làm trung tâm, những chiếc ghế dựa bằng bạch ngọc được sắp xếp ngẫu hứng thành vòng tròn, hiển nhiên là để người ta ngồi ở đây ngắm cảnh đẹp.
Ngọc có đặc tính mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, ghế dựa bạch ngọc này chính là một kiệt tác. Diệp Tuy chạm vào những chiếc ghế ngọc, cảm thấy mát mẻ từng hồi.
Chưa nói đến việc ngồi xuống ghế ngọc mới phát hiện ra chiếc ghế này sẽ chầm chậm chuyển động.
Có thể nói là chuyển động một cái khung cảnh liền thay đổi. Qua bức màn hơi sương của tấm rèm nước, có thể nhìn thấy hoa sen vươn thẳng, có thể nghe thấy tiếng sáo trúc bên tai, tất cả như ảo mộng, như bước vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Đến lúc này thì đâu còn nhớ đến thời tiết nóng bức nữa?
Sẽ chỉ biết đắm chìm ở nơi đây, cảm thán trong núi sâu không biết đến mặt trời.
Diệp Tuy cầm một miếng dưa ướp lạnh lên, thở dài đầy thỏa mãn, nói: “Lầu Vạn Ánh quả nhiên là được thiết kế kỳ công! Đại nhân thật sự không lừa thiếp!”
Nơi đây rất dễ chịu, chỉ kém quán trà Diệm Khê và đài Ấp Xuân của nàng một chút mà thôi.
Diệp Tuy nhìn xung quanh một lượt, nhận thấy ngoại trừ tùy tùng theo hầu ra thì chỉ có hai người khách là nàng và đại nhân.
Những vị khách khác của lầu Vạn Ánh sợ uy thế của đại nhân nên không dám đến gần nơi này sao?
Hay lầu Vạn Ánh cố ý bố trí, đặc biệt giữ riêng nơi này cho đại nhân?
Uông Ấn đưa miếng dưa cho Diệp Tuy, cười nói: “Đây vốn là nơi dành riêng cho chủ nhân của nơi này, rất ít khi tiếp đón khách.”
Nơi này bình thường không có người, phàm là khách có thể đến được đây tránh nóng đều không thích có người ở bên cạnh, chứ đừng nói là cả một đám người ầm ĩ.
Nghe vậy, Diệp Tuy liền tò mò hỏi: “Đại nhân, chủ nhân của lầu Vạn Ánh là ai?”
Nàng đã sống tới kiếp thứ hai nhưng vẫn không biết ai là chủ của lầu Vạn Ánh, tất nhiên cũng chưa bao giờ dốc sức điều tra.
Uông Ấn thản nhiên đáp: “Chủ nhân nơi này chính là Trưởng công chúa điện hạ!”
Trưởng công chúa điện hạ?
Diệp Tuy biết, một nơi có số tiền thu vào mỗi ngày lớn như lầu Vạn Ánh, chủ nhân đương nhiên không phải là người tầm thường, nhưng không ngờ được lại là Trưởng công chúa điện hạ!
Việc này… Nàng thật không biết nên nói sao cho phải.
Phản ứng kinh ngạc của nàng khiến Uông Ấn bật cười. Hắn thật sự rất thích nàng thế này.
Cười xong, hắn chậm rãi nói tiếp: “Đại An không có chế độ ‘buông rèm nhiếp chính’, đặc biệt là con cháu hoàng gia đều phải ở lại Kinh Triệu, nhưng Trưởng công chúa lại sợ nóng, hằng năm đến mùa hè là luôn cảm thấy rất khó chịu...”
“Lầu Vạn Ánh này là do phò mã đặc biệt xây dựng cho Trưởng công chúa lúc bà còn trẻ. Phò mã Tề Thích Chi là một người rất thú vị, ông ấy không hề nhờ ai khác làm thay, mà tự mình thiết kế và giám sát mọi việc...”
Giọng nói lành lạnh trong trẻo của Uông Ấn rót vào tai Diệp Tuy, mang đến cảm giác thoải mái khôn tả, lại được nghe một câu chuyện tình cảm như vậy khiến người ta dường như cũng cảm thấy hạnh phúc.
Diệp Tuy dựa người vào lưng ghế ngọc, nghe tiếng “róc rách” của màn nước, đáy lòng trở nên dịu dàng và bình yên.
“Thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn”,* chính là đây!
(*) Câu thơ được trích trong bài thơ “Đề Hạc Lâm Tự Bích” (Đề nơi vách chùa Hạc Lâm) của Lý Thiệp, một nhà thơ đời Đường, có nghĩa là: “Trộm được phù sinh, nửa ngày nhàn”.
Diệp Tuy vẫn luôn ôm tâm trạng vui vẻ cho đến khi rời khỏi lầu Vạn Ánh, nhưng một cuộc gặp gỡ bất ngờ đã khiến tâm trạng đó gần như biến mất hoàn toàn.