Phó Ngôn Chân giải thích rõ ngọn nguồn cái tên mình cho cô nghe. “Phó” là họ của bố anh còn “Ngôn” là họ của mẹ. Lúc đặt tên, ông ngoại đã yêu cầu phải có họ mẹ trong tên anh như tượng trưng cho “sự bình đẳng”. Năm đó Ngôn Đình Chi không đồng ý cho Ngôn Tri Ngọc lấy Phó Chẩn. Nhưng Phó Chẩn là kẻ biết ăn nói thêm cả kinh nghiệm tình trường phong phú cực hiểu tâm lý phụ nữ, Ngôn Tri Ngọc bị u mê bởi lời ngon tiếng ngọt của ông ta. Dù có phải cắt đứt quan hệ với gia đình cũng cương quyết lấy ông ta bằng được. Sau cùng chữ “Chân” là Ngôn Tri Ngọc đặt cho anh. Chữ “Chẩn” trong tên bố anh cũng gồm cả chữ chân trong chân thật, nhưng lại có thêm bộ Mịch. Vậy nên chữ “Chân” đó thực chất chỉ là lời nói dối đã được ngụy trang cẩn thận. Ngôn Tri Ngọc luôn nhắc nhở anh rằng, “Bố con không bao giờ nói thật, sau này đừng cư xử như ông ấy.”
Trước đây Phó Chẩn đã mua cho bà một chiếc túi, dỗ ngon dỗ ngọt bà rằng chiếc túi này là phiên bản giới hạn rất khó mua, ông đã tốn bao nhiêu công sức mới mua được một chiếc. Lúc ấy Ngôn Tri Ngọc vô cùng vui vẻ, có một thời gian ngày nào bà cũng mang theo chiếc túi khi ra ngoài. Cho đến một ngày bà nhìn thấy nữ thư ký của Phó Chẩn đeo một chiếc túi giống hệt của mình.
Người ta nói “mọi người sinh ra đều bình đẳng”, nhưng những thứ vô tri không biết nói ấy lại vô tình chia con người thành những tầng lớp khác nhau.
Chiếc túi ấy tương đương với hơn nửa năm tiền lương của cô thư ký kia nên tất nhiên là Phó Chẩn đã mua cho cô ta. Lúc ả bước xuống từ xe Phó Chẩn, lớp son trên môi đã nhạt bớt. Khi ấy Ngôn Tri Ngọc đang có thai, nhìn thấy tình cảnh ấy liền suy sụp tinh thần, không kìm chế được cảm xúc cãi nhau với Phó Chẩn ngay trước tòa nhà công ty. Hiện trường mất kiểm soát làm bà trượt chân ngã xuống bậc thang và bị sảy thai. Kể từ đó tâm trạng của Ngôn Tri Ngọc dần trở nên không còn ổn định. Mãi đến sinh nhật chín tuổi của Phó Ngôn Chân, bà mới biết Phó Chẩn có một đứa con trai ngoài giá thú. Thằng bé đó chỉ kém anh hai tuổi. Trùng hợp làm sao khi hai đứa con trai lại có cùng ngày sinh nhật. Vào ngày sinh nhật của anh, nếu Phó Chẩn không về nhà thì chắc hẳn là đang ở cùng đứa con riêng kia. Mỗi lần đến sinh nhật, trong nhà lại ầm ĩ không thể yên ổn. Đến sinh nhật mười lăm tuổi của anh, Phó Chẩn kiếm cớ không về nhưng Ngôn Tri Ngọc vẫn nhất quyết bắt ông phải về cho bằng được. Nhưng trước khi ông vào nhà, Ngôn Tri Ngọc lại chửi mắng ông thậm tệ, dùng những lời lẽ bẩn thỉu mạt sát vô cùng làm Phó Chẩn không thể chịu nổi giơ tay lên định đánh bà. Hôm ấy anh đã đánh nhau với Phó Chẩn. Sau đó Phó Chẩn không về nhà trong ba tháng, Ngôn Tri Ngọc gọi điện cũng không nghe.
Lúc ấy không biết anh đã có tâm trạng gì khi nói với Ngôn Tri Ngọc, “Hay mẹ cứ ly dị đi, bố ngoại tình thì mẹ cũng tìm vài người mà chơi bời, con không có ý kiến gì.”
Anh đã nói đến mức ấy rồi mà Ngôn Tri Ngọc vẫn không muốn ly hôn. Không biết đôi vợ chồng này đang nghĩ gì nữa. Dẫu sao anh cũng chẳng còn gì để trông mong. Kể từ đó anh không muốn về căn nhà lạnh lẽo ấy nữa. Hầu hết sẽ đến câu lạc bộ bắn cung hoặc ra ngoài chơi, chơi mệt rồi thì lại đến nhà ông ngoại để trốn tránh.
…
Gió đêm se lạnh, ánh đèn từ hàng nghìn ngôi nhà dần tắt phụt. Phó Ngôn Chân kể xong, cúi xuống nhìn Tăng Như Sơ, người cho đến giờ vẫn chưa nói một lời nào. Tăng Như Sơ đang nắm tay anh. Bàn tay cô be bé nhưng vẫn cố hết sức ôm lấy tay anh. Nhận ra ý định của cô, Phó Ngôn Chân trở tay nắm lấy tay cô đưa lên môi hôn, nửa đùa nửa thật hỏi, “Em sợ bọn họ à cô bé?”
Tăng Như Sơ ngước khuôn mặt to bằng lòng bàn tay nhìn anh. Đêm khuya tĩnh lặng, gió nhẹ hơn, trăng cũng không còn soi rõ nhưng ánh mắt cô dành cho anh vẫn trong trẻo như ngày nào.
“Em không sợ.” Cô đáp lại.
Phó Ngôn Chân mỉm cười, giây phút ấy đôi mắt đen của anh như chìm đắm trong thiên hà cách xa hàng nghìn dặm. Anh vòng tay ôm cô thật chặt. Siết mạnh đến mức như muốn để cô hòa vào máu thịt của mình. Khung cảnh đong đầy tình cảm như này rất thích hợp để nói lời thề về một tình yêu vĩnh cửu. Nhưng anh không có ý hứa hẹn gì cả, chỉ lặng lẽ ôm cô vào lòng suốt đêm.
Phó Ngôn Chân ở lại Bắc Thành gần một tuần. Mãi đến tối thứ Sáu, ông nội mới gọi điện cho anh và bảo anh quay lại Giang Thành. Nam Lộc Loan là khu biệt thự đắt đỏ sang trọng bậc nhất ở Giang Thành. Có vị trí gần sông núi, nếu nói theo huyền học thì là một vị trí có phong thủy rất tốt. Đám mây ngưng tụ có màu tím là điểm nhấn chính của khu dân cư này. Ngoài trời nhiều mây, chiếc đèn chùm pha lê trong phòng khách được bật sáng, lấp đầy không gian rộng lớn bằng ánh sáng. Nhưng lúc Phó Ngôn Chân bước vào, anh vẫn cảm thấy có gì đó trống vắng lạnh lẽo, khác hoàn toàn với căn nhà nhỏ ấm cúng của Tăng Như Sơ.
“Về rồi à.” Bà nội anh đang thắp hương trước bàn thờ Phật, thấy anh về, bà vui vẻ chào đón. Nhà nào sống ở Nam Lộc Loan cũng có bàn thờ Phật trong nhà, ai nấy đều có một đức tin trung thành với Phật. Nhưng Phó Ngôn Chân chưa bao giờ thờ Phật trong nhà.
Bà nội liên tục đánh mặt về phía phòng đọc sách với Phó Ngôn Chân, tỏ ý rằng ông nội anh đang ở đó, nhanh chóng lên mà dỗ dành ông đi.
Phó Ngôn Chân lập tức hiểu ra ông đang nổi giận. Bước vào phòng có thể thấy giá sách làm bằng gỗ sưa được kê sát tường, sách trên đó được sắp cẩn thận theo từng hàng đều là đồ trang trí vì chẳng có ai đọc nó cả. Nhưng ngày nào cũng phải lau chùi dọn dẹp nếu không sẽ tích tụ một lớp bụi.
Ông cụ tóc trắng ngồi trên xe lăn, quay mặt ra cửa sổ, chỉ để lại tấm lưng lạnh lẽo và cô đơn. Ngoài cửa sổ là những ngọn núi mờ sương. Trời hôm nay nhiều mây âm u. Tâm trạng và thời tiết như hòa quyện vào nhau, khó có thể biết cái nào u ám hơn.
Phó Ngôn Chân nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay siết chặt đặt trên tay cầm xe lăn của ông nội, không thể phân biệt được ông đang cố chịu cơn đau hay kìm nén cảm xúc.
Anh đứng nhìn một lúc rồi mới lên tiếng gọi, “Ông nội.”
Phó Cảnh Thâm biết thằng cháu mình đã về bởi ông nghe được tiếng anh và tiếng bà nội ở phòng khách. Tối qua ông gọi điện mắng mỏ anh một trận mà anh vẫn còn tâm trạng cười nói, ông cũng có đôi chút thán phục.
Phó Cảnh Thâm quay xe lăn lại, ngước nhìn cháu trai mình. Những nếp nhăn trên trán ông hằn rõ hơn theo cử động. Mỗi một nếp nhăn giống như một khe núi, một cảnh quan đã được tôi luyện theo thời gian. Dưới những nếp nhăn ấy là đôi mắt sắc sảo sâu thẳm của Phó Cảnh Thâm, dù không giận cũng khiến người khác phải e sợ. Chẳng có mấy ai dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy.
Phó Ngôn Chân thản nhiên đón cái nhìn của ông, một tay đút túi bước đến gần, nở nụ cười nhẹ, “Hà cớ gì ông lại phải giận đến như này?”
Phó Cảnh Thân nhìn cháu trai, chợt thấy không hiểu gì về nó. Ông luôn muốn đào tạo bồi dưỡng Phó Ngôn Chân để giao cho anh tiếp quản nhà họ Phó, nhưng thằng bé này chẳng có hứng thú gì với việc kinh doanh. Khi còn bé thì chỉ mải mê chơi bắn cung. Sau này vì chuyện nhà họ Mạnh mà nó không bắn cung được nữa nhưng vẫn chẳng đoái hoài đến việc kinh doanh. Mấy năm nay cứ sống lông bông bất cần. Mãi đến gần đây, chú hai anh đến tố cáo anh tự tiện quyết định đi Bắc Thành ký hợp đồng với người khác.
“Thậm chí nó đến mà chẳng nói trước với bên kia.” Nguyên văn câu nói của chú hai anh lúc đó.
Khi ấy Phó Cảnh Thâm đã nói với chú hai phải kèm cặp dạy bảo anh nhiều hơn, nhưng toàn là chú hai bảo gì thì anh làm đó, anh chẳng buồn để ý gì đến công việc. Ngày đó chú hai còn nói một câu đầy ẩn ý, “Cánh cứng quá rồi nhỉ.” Lúc này Phó Cảnh Thâm mới bắt đầu suy nghĩ.
Phó Ngôn Chân biết mục đích của chú hai không đơn giản như vậy, chú ta đến thăm ông nội để thăm dò xem việc mình chơi cờ bạc nợ nần có bị anh nói với ông nội không. Ông cụ đã ra lệnh và cảnh cáo nhiều lần rằng không cho ai dính đến cờ bạc, thậm chí đó còn là một quy tắc trong gia đình. Anh cho người đi điều tra một cách trắng trợn không hề nể nang như vậy như một lời cảnh cáo trực tiếp đến chú hai. Vậy nên anh đã đoán được chú ta sẽ đến tìm ông nội. Những người có tật giật mình luôn rất nhạy cảm, tất nhiên sẽ đánh hơi được những thứ đáng ngờ.
Lúc anh còn ở Bắc Thành, chú ta đã gọi cho anh rất nhiều lần, nhưng anh đều không nghe máy. Anh lại không ở Giang Thành nên nếu có lo lắng nhất định sẽ tới gặp ông nội để thăm dò. Cả dòng họ đều đang nhòm ngó đến tài sản của ông nội. Ai cũng sợ phần của mình ít hơn người khác nên dầu gì vẫn thấy sợ ông nội. Phó Ngôn Chân là người duy nhất trong nhà vẫn có thể bình tĩnh khi bị Phó Cảnh Thâm nhìn vào mắt. Phó Chẩn thậm chí còn không thể nói năng trôi chảy khi đứng trước mặt bố mình, đã mấy chục năm trôi qua mà ông ta vẫn không thể thay đổi được.
“Bên ngoài gió to đấy ông nội.” Phó Ngôn Chân khép cửa sổ rồi lại đẩy xe lăn cho ông. Từ biểu cảm đến động tác đều rất tự nhiên. Anh đẩy ông đến bàn làm việc rồi kéo ghế ngồi xuống. Dù trước mặt ông nội thì anh vẫn giữ thái độ ngông nghênh bất cần với dáng ngồi bắt chéo chân.
Phó Cảnh Thâm không vòng vo với anh mà đi thẳng vào vấn đề, “Sao cháu không nghe lời Thành Đức?”
Phó Thành Đức là chú hai của Phó Ngôn Chân.
Anh trầm giọng giải thích, “Việc này đã được giao cho cháu xử lý, nhưng chú hai lại muốn can thiệp và bí mật liên lạc với Thiên Hối. Cháu cũng không biết tại sao chú ấy cứ một mực muốn hợp tác với họ đến vậy.”
Phó Cảnh Thâm bình tĩnh nói tiếp, “Chẳng phải nó vẫn không yên tâm để cháu làm việc đó sao?”
Phó Ngôn Chân bật cười, “Đấy mà là dáng vẻ không yên tâm về cháu à?”
Phó Cảnh Thâm nhìn kỹ hơn vào gương mặt của cháu trai, vẫn là dáng vẻ phớt đời nhởn nhơ như trước đây nhưng ông lại thấy có gì đó khang khác.
Phó Ngôn Chân ngước mắt nhìn ông, “Vả lại ngay cả ông còn yên tâm thì chú ấy dựa vào đâu mà không yên tâm chứ?”
Phó Thành Đức không phải con ruột của Phó Cảnh Thâm mà là con của anh trai ông. Phó Cảnh Thâm lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, hồi nhỏ ông sống ở vùng nông thôn vô cùng khổ cực. Chính anh trai ông là người đã nuôi ông ăn học và ông ấy cũng là người kiếm được số tiền đầu tiên để lập nghiệp.
Sau khi trở nên phát đạt, ông đối xử với Phó Thành Đức không kém cạnh so với Phó Chẩn. Nhưng Phó Thành Đức có sức cạnh tranh cao hơn Phó Chẩn, Phó Chẩn chỉ là tên công tử bột ẻo lả chẳng làm nên trò trống gì. Những năm này nhờ có Phó Thành Đức mà ông ta mới có thể hoàn thành được những việc mà ông cụ giao phó. Nếu để ông ta tự làm thì chẳng thể làm nổi một việc gì. Phó Cảnh Thâm vẫn luôn tin tưởng Phó Thành Đức. Nhưng lòng tham của con người là không đáy. Thứ mà Phó Thành Đức muốn nhiều hơn thứ mà Phó Cảnh Thâm muốn cho.
Phó Cảnh Thâm đanh giọng nói, “Vậy cháu điều tra nó lại làm ầm ĩ như vậy, chưa kịp nắm được điểm yếu đã bị người ta biết trước.”
Sau khi đuổi Phó Thành Đức về, ông đã sai người điều tra xem Phó Ngôn Chân đang làm gì. Không khó để biết anh đang điều tra chú hai.
Phó Ngôn Chân cười nhạt, “Cháu cũng không muốn làm gì chú hai cả. Dù sao thì hồi bé thời gian chú ấy chơi với cháu còn nhiều hơn cả bố ruột.”
Phó Cảnh Thâm dừng động tác mở nắp tách trà, ngước mắt nhìn anh. Phó Ngôn Chân không nói gì thêm, chỉ ngồi đó cười đáp lại cái nhìn của ông.
Nói dai nói dài lại thành nói dại, lại khiến người ta nảy sinh nghi ngờ. Phó Ngôn Chân biết ông nội mình có bệnh đa nghi nặng, nhưng cũng biết ông nội tin tưởng mình. Năm anh bị thương, ông nội kiên quyết đoạn tuyệt với nhà họ Mạnh, thậm chí còn lấy tên thật để tố cáo con rể. Từ đó về sau, cô của anh chưa một lần về căn nhà này.
Sau một hồi im lặng, Phó Ngôn Chân cất lời hỏi, “Ông còn chuyện gì không ạ?”
Phó Cảnh Thâm đặt tách trà xuống, “Cháu đến Bắc Thành làm gì?”
Phó Ngôn Chân nhướng mày, “Cháu đi tìm cháu dâu cho ông.”
Lại một khoảng im lặng. Trong phòng yên tĩnh đến nỗi có thể nghe rõ tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài cửa sổ.
Phó Cảnh Thâm nửa tin nửa ngờ, “Cháu có ý gì? Muốn tự đi tìm?”
Phó Ngôn Chân trả lời một cách chắc nịch, “Cháu tự tìm.”
“Chẳng phải mẹ cháu vẫn luôn muốn cháu lấy cô bé bên nhà họ Tả đó sao? Mấy ngày trước bà nội còn kể mẹ cháu lại để mắt đến cháu gái bên nhà họ Thái.” Phó Cảnh Thâm nói.
Phó Ngôn Chân đáp lại, “Chẳng có ích gì đâu.”
“Sau này cháu không có ai giúp đỡ, phải tự bước đi trên đôi chân của mình, con đường phía trước sẽ rất khó khăn, giờ cháu vẫn còn trẻ, ông không thể bảo cháu cứ bình tĩnh, thoải mái chơi đùa…”
Phó Ngôn Chân xen ngang lời ông, “Cháu không chơi.”
Phó Cảnh Thâm yên lặng nhìn anh nhưng không thể tìm ra một nét bông đùa trên gương mặt ấy. Phó Ngôn Chân dựa vào ghế, nở nụ cười uể oải biếng nhác như mọi khi, “Cháu không chơi thật mà.”
Nhưng Phó Cảnh Thâm hiểu rằng anh không hề nói đùa. Bất chợt ông cảm thấy cháu trai mình dường như đã thay đổi nhiều đến mức ông không thể hiểu nổi.
Phó Ngôn Chân ngồi thẳng người, cuối cùng nói, “Ông ơi, mấy ngày nữa cháu muốn mở một cuộc họp.”
Phó Cảnh Thâm nhìn anh hồi lâu, không nói lời nào, chỉ đi lấy điện thoại cố định trên bàn để gọi cho trợ lý của ông. Bao năm qua ông vẫn mong ngóng có ngày Phó Ngôn Chân thay đổi ý định. Ông biết sức khỏe của mình đã như ngọn đèn dầu sắp cạn, không biết có thể sống được mấy năm nữa. Lúc đó ông thấy mình không thể đợi được đến ngày thằng bé này trở nên chín chắn trưởng thành, nản lòng thoái chí mới cho phép Phó Chẩn đưa đứa con riêng về nhà. Nhưng đứa bé kia cũng nhu nhược y như bố nó, đứng trước mặt ông chẳng thể nói năng rõ ràng mạch lạc khiến ông vô cùng thất vọng.
Năm ngày sau, tập đoàn Phó thị tổ chức một cuộc họp hội đồng quản trị. Trước tòa nhà trụ sở tập đoàn trải thảm đỏ, dãy xe hơi sang trọng đậu ngoài cửa. Chiếc xe cullinan mới coóng của Phó Ngôn Chân cũng dừng lại trước cửa. Hôm nay anh mặc một bộ vest sang trọng tối màu tôn lên bờ vai rộng, vòng eo thon cùng với đôi chân dài thẳng tắp. Bước chân anh không vội vã cũng không chậm chạp khi bước lên bậc cầu thang. Anh luôn là người thu hút sự chú ý giữa đám đông chen chúc xung quanh. Có vài nhân viên đứng trong sảnh nhất thời chưa nhận ra anh là ai, thậm chí còn tưởng là có người nổi tiếng nào đến. Cho đến khi có người có trí nhớ tốt thấp giọng nói, “Là thiếu gia đấy.”
Cuộc họp hội đồng quản trị hôm nay chắc hẳn sẽ không diễn ra trong hòa bình. Phó Ngôn Chân đến đây một mình, Phó Cảnh Thâm cũng không ra mặt để hỗ trợ anh. Anh phải tự giải quyết mọi tình huống.
Cánh cửa phòng họp từ từ mở ra. Khi Phó Ngôn Chân bước vào, tất cả giám đốc đều đã có mặt. Phó Thành Đức cũng ở đó, lạnh lùng nhìn anh. Trên mặt anh vẫn là vẻ ngông nghênh ngạo mạn phớt đời, đôi mắt đen không thể hiện vui buồn. Nom dáng vẻ thờ ơ không quan tâm mọi thứ nhưng lại có vài phần bình tĩnh thản nhiên.
Trong những năm chơi bắn cung, điều anh yêu thích nhất là bắn mũi tên cuối cùng trong trận đấu. Đặc biệt là khi đối thủ ngang tài ngang sức, việc bắn mũi tên cuối cùng đó dưới áp lực nặng nề còn kí/ch thích hơn cả việc liếm mũi đao dính máu.
Từ khi đánh cược nửa cái mạng vào trận đấu năm ấy, anh chưa từng chạm vào cái cung hay mũi tên một lần nào. Nhưng bây giờ dường như anh đã tìm lại được cảm giác kí/ch thích khi bắn mũi tên cuối cùng đó.