Sau này tôi mới biết Chu Gia Dã bị thương khi đu dây cáp, khoảng thời gian đó anh không ghi hình mà chỉ nằm trong bệnh viện.
Nhưng anh không nói cho tôi biết. Trên WeChat, anh vẫn vờ như phải làm việc đến khuya, vẫn giám sát tôi ăn ba bữa một ngày và tập thể dục nên tôi không biết gì cả.
Khoảng thời gian đó tôi cũng rất lo lắng, vì năm ấy tôi bận thi tốt nghiệp nên lâu rồi không đặt bút viết. Bây giờ việc viết lách rất lạ lẫm đối với tôi, ngày nào tôi cũng rơi vào trạng thái nghi ngờ và tự ti về bản thân. Cứ liên tục sửa rồi viết lại, song cho dù có viết kiểu gì tôi cũng không hài lòng, thậm chí có lần tôi còn từng nghi ngờ liệu bản thân có thật sự phù hợp với con đường này không.
Cảm xúc của tôi bắt đầu dễ dàng mất kiểm soát, một mặt vì khổ sở bởi sự vô dụng của mình, mặt khác là vì chán ghét bản thân luôn mất kiểm soát. Tôi như một kẻ vô cùng mâu thuẫn.
Chu Gia Dã không ở bên cạnh, nỗi lo âu và áp lực của tôi ngày một nhiều hơn.
Tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc lẻn vào nhóm người hâm mộ đi gặp anh ở sân bay giống hồi Giáng Sinh năm ngoái, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải kiềm chế lại. Bởi vì ngay từ đầu tôi đã biết rõ, đây là cái giá phải trả khi thích Chu Gia Dã, tôi không thể sợ hãi, cũng chẳng thể đổi ý.
Hôm đó tôi đi siêu thị mua đồ ăn một mình.
Tôi gặp Lương Phương và Giang Nhu đang đi cùng nhau, họ cho tôi quá giang một đoạn đường. Đến dưới lầu, họ giúp tôi mang những đồ nặng xuống, khi tạm biệt Giang Nhu còn dặn tôi: "Khoảng cỡ tháng sau Tiểu Dã mới về được, có chuyện gì thì em cứ liên hệ với chị, bây giờ chị sống ở gần đây."
Tôi chỉ thấy hơi nhớ anh: "Hy vọng tháng sau anh ấy về được. Anh ấy bảo em là đạo diễn Trần yêu cầu gắt lắm, nhưng em không ngờ là bị trì hoãn lâu thế."
"Haizz, chủ yếu là do cả nửa tháng trời nằm..." Nói đến đây, Giang Nhu bỗng im bặt. Cô ấy nhận ra mình vừa nói điều không nên nói, cô ấy vội sửa lời: "Không có gì đâu, chắc tháng sau là về được rồi. Lần trước bọn chị đến thăm đoàn phim, thấy tiến độ cũng gần xong rồi."
Tôi không hỏi Giang Nhu thêm vì không muốn cô ấy khó xử. Tôi biết bọn họ không nhắc đến chuyện đó với tôi vì Chu Gia Dã đã dặn dò trước rồi.
Sau khi về nhà, dường như mọi lo âu và áp lực trong thời gian này không thể kiểm soát được nữa. Tôi gọi Chu Gia Dã rất nhiều, rất nhiều rất nhiều cuộc điện thoại.
Tôi biết chắc chắn lúc đó anh đang bận, nhưng tôi cứ gọi anh hết cuộc này đến cuộc khác.
Mãi đến tối, anh mới thấy được cuộc gọi nhỡ của tôi.
Mấy chục cuộc gọi nhỡ liên tiếp nhau, anh vội vàng gọi lại cho tôi. Giọng điệu căng thẳng vì nghĩ rằng tôi gặp phải chuyện gì, anh sốt ruột hỏi tôi có chuyện gì không.
Mấy tháng nay, tôi hiếm khi nghe thấy giọng anh. Buổi tối khi anh về cũng đã rất mệt mỏi, hôm sau lại còn phải dậy sớm. Bây giờ anh khá nổi tiếng, nhưng vẫn còn ở mức non nớt so với những vị tai to mặt lớn trong phim của đạo diễn Trần, mà đây còn là lần đầu tiên anh xuất hiện trên màn ảnh nên áp lực của anh rất lớn. Vì vậy tôi cũng không làm phiền anh, ngoan ngoãn ăn cơm và tập thể dục đúng giờ. Tôi không muốn khiến anh xao lãng, cũng không muốn mình là gánh nặng của anh.
Mặc dù tôi rất nhớ anh, cực kỳ cực kỳ nhớ anh.
Song tôi biết, đây là cái giá cho việc thích Chu Gia Dã.
Trong đám đông ai cũng có thể thích anh, chỉ có tôi là không thể. Bước ra khỏi căn hộ này, tôi và anh chỉ có thể là người xa lạ. Liệu sẽ có ngày bọn tôi quang minh chính đại nắm tay bước đi công khai không? Có thể sẽ có, nhưng tôi thấy không quan trọng lắm, tôi có thể không quan tâm đến điều ấy.
Chỉ là anh bị thương, ai cũng có thể công khai đi thăm anh, chỉ có tôi là không. Mọi áp lực và khổ sở dường như không thể kiểm soát được nữa.
Tôi không trách anh không báo cho tôi vì tôi hiểu rõ suy nghĩ của anh. Cho dù nói cho tôi biết thì có thể làm gì khác đâu, chỉ tổ khiến tôi thêm lo lắng. Tôi không làm được gì cả, thậm chí đến bệnh viện thăm anh cũng không được. Thay vì khiến tôi lo lắng từ nơi xa thì chẳng thà không nói còn hơn.
Tôi thật sự không trách anh.
Tôi chỉ là rất nhớ anh, nhớ anh rất rất nhiều.
Tôi che miệng khóc, còn anh yên lặng nghe điện thoại. Thời gian hiển thị trên cuộc gọi trôi qua từng giây, ngoài câu hỏi “em sao thế?” đầy sốt ruột thì anh không hỏi thêm gì nữa.
Bởi vì dường như anh không cần hỏi thêm.
Không biết bao lâu trôi qua, tôi sụt sịt gọi tên anh.
Anh trầm giọng ừ một tiếng, giọng nói khản đặc: "Đừng nghe họ nói, chuyện không nghiêm trọng thế đâu."
"Không... Họ không nói gì với em cả, em cũng không hỏi họ." Tôi che mắt, dường như bàn tay khó lòng lau sạch nước mắt: "Chu Gia Dã, anh đau không?"
Anh không lên tiếng, một hồi sau, anh khàn giọng nói một chữ: "Đau."
"Bây giờ ổn rồi phải không?"
"Tuần trước đã lành rồi, em đừng lo lắng."
"Dạ."
"Nhưng có thể phải tháng sau anh mới về được."
"... Dạ."
"Ở nhà ngoan nhé, đừng để anh lo lắng."
"Dạ."
Chúng tôi lại im lặng, nhưng chẳng ai cúp máy. Đến khi có người gõ cửa tìm anh, anh mới kết thúc cuộc gọi, bảo tôi đi ngủ trước, đừng đợi anh.
Dường như Hoa Hoa cũng cảm nhận được tâm trạng sa sút của tôi nên đêm nào cũng nằm canh ngoài cửa phòng, nghe thấy tôi thức giấc là sẽ cào cửa ngay.
Tôi vừa mở cửa là nó sẽ nhào vào người tôi, liếm tay tôi rồi dụi dụi cái đầu xù lông của nó. Nó an ủi nỗi buồn của tôi bằng cách riêng của mình
Sau đó tôi cho Hoa Hoa vào phòng ngủ luôn, nó ngoan ngoãn nằm trên đầu giường. Mỗi đêm tôi tỉnh giấc sẽ thấy nó ngoan ngoãn nằm cạnh tôi. Bỗng dưng tôi nhớ đến lời nói của Chu Gia Dã lần trước, anh bảo nếu có con gái thì tôi sẽ có một người thân máu mủ trên đời. Con bé sẽ dựa dẫm, sẽ rất cần và rất yêu tôi như Hoa Hoa vậy.
Lúc ấy, tôi có hỏi anh tại sao lại là con gái mà không phải là con trai.
Anh bảo con nào cũng được, nếu là con trai thì sẽ để thằng bé trưởng thành sớm một chút để có thể bảo vệ em.
Nhưng bây giờ nói về chuyện tương lai vẫn còn xa lắm, bây giờ tôi chỉ có thể sống thật tốt và chờ đợi anh thôi. Anh bảo sẽ có ngày đó.
Chắc sẽ có ngày đó thôi.
Nhưng mà tháng sau, rồi lại tháng sau nữa, Chu Gia Dã vẫn chưa về Đế Đô.
Lịch trình của anh vô cùng dày đặc, về nhà một chuyến cũng khó.
Tuy nhiên anh đã đóng máy và rời đoàn phim, thời gian tương đối tự do hơn một chút. Anh có thể có nhiều thời gian gửi tin nhắn và gọi điện với tôi hơn, nhưng thời gian phản hồi có hơi dài. Tôi trả lời tin nhắn của anh thì có thể phải đợi mấy chục phút sau mới nhận được phản hồi.
Hôm đó anh tham dự một buổi lễ ở Vu Châu, mấy người Trình Giác và Giang Nhu đều có mặt. Bọn họ ở trong phòng nghỉ tại hậu trường cùng anh, họ đã trang điểm xong và đang đợi đến lượt.
Anh bớt chút thời gian gọi điện cho tôi, trò chuyện câu được câu mất. Anh hỏi hôm nay tôi ăn gì, tôi bảo tôi chỉ biết làm mấy món đó thôi, ăn ngán rồi nên không muốn ăn nữa. Anh cười khì như đang dỗ trẻ, dặn tôi cố chịu một chút, ăn cơm đàng hoàng rồi đợi anh về làm món khác cho.
Bên anh khá ồn ào, mấy người nghệ sĩ thân thiết với anh khi tụ họp sẽ ầm ĩ như thế, trẻ con đến mức muốn quậy banh nhà. Họ kéo đến trước mặt Chu Gia Dã, thấy anh đang gọi điện thoại thì hiểu ngay, họ đồng thanh ồ một tiếng: "Chu Gia Dã à, mấy tháng trời cậu không về nhà, sao cậu chịu được vậy?"
Chu Gia Dã chậc một tiếng, ngứa tay muốn đánh nhưng người kia phì cười rồi chạy trốn mất.
Mấy người họ không ngừng chọc ghẹo anh, nhưng vẫn có người còn chút lương tâm. Giang Nhu đứng bên cạnh đề nghị: "Bữa tiệc rượu tuần sau cậu bảo Ý Ý đi với bọn chị đi, còn không thì hẹn em ấy theo lịch trình của cậu đi."
"Đúng đó, cậu xem, chỉ có chị Nhu quan tâm cậu và đưa ý kiến cho cậu thôi."
"Tôi quá phiền với việc cậu ấy hút thuốc rồi!"
Chu Gia Dã ối một tiếng muốn ngăn lại nhưng không kịp nữa, tôi nghe thấy hết rồi.
Trong điện thoại, tôi hỏi: "Khuất mắt trông coi cái là anh lại hút thuốc à?"
Anh thở dài: "Hôm nay em giữ mặt mũi cho anh đi, lúc về rồi em muốn xử lý anh sao cũng được."
"Không được."
"Ý Ý à…" Anh nói khẽ, quay lưng về phía bọn họ rồi cất giọng khẩn cầu.
Tôi nhịn cười: "Không được đâu."
Tôi nghe tiếng anh kéo ghế ngồi xuống, tiếng ầm ĩ cũng như xa hơn. Anh đến một chỗ yên tĩnh không có người rồi nhỏ giọng giải thích: "Anh không có hút nhiều, chỉ hút một chút lúc ăn cơm chung thôi."
"Lúc ăn cơm chung với họ ư?"
"Ừm."
"Vậy là anh còn uống rượu nữa hả?"
Anh lặng im chớp mắt, bất đắc dĩ bật cười: "Thế là hôm nay anh khó lòng trốn thoát rồi nhỉ?"
Tôi nghe tiếng cãi cọ ồn ào bên phía anh, tưởng tượng ra anh đứng ở chỗ vắng người để lén gọi điện thoại cho tôi. Sự kiện đêm nay đã lên hot search, ảnh chụp của anh lúc chiều đến Vu Châu và cả tạo hình hôm nay cũng đã lên hot search luôn rồi.
Song giờ đây, anh quay lưng lại với nhóm người rộn rã, trầm giọng gọi điện thoại cho tôi đầy lưu luyến.
Thật ra cuộc trò chuyện của bọn tôi quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có mấy lời tẻ nhạt đầy quen thuộc. Tôi biết anh hút thuốc và uống rượu có chừng mực, ngoài việc xã giao thì cũng chỉ có một nguyên nhân là áp lực thôi. Áp lực của anh lúc nào cũng nhiều, trước giờ luôn thiếu ngủ và kiệt sức. Bên ngoài trông anh luôn tràn trề năng lượng như mặt trời rực rỡ, nhưng đôi khi ở nhà, anh chỉ dựa vào tôi nghỉ ngơi cả ngày mà chẳng thốt ra lời nào.
Tôi không nói gì, anh lại nhỏ giọng cất lời, giọng nói khàn khàn sau lưng đám người, là lời thì thầm mà chỉ tôi mới nghe thấy: "Thật sự là anh không hút nhiều đâu, chỉ là anh… hơi nhớ em thôi."
"Ý Ý... Tuần sau có bữa tiệc rượu, là tiệc tư nhân ở Đế Đô, em có muốn đến dự không?"
Giọng nói của anh quá khẽ, chút do dự kia nghe mà đau lòng.
Tôi hỏi anh: "Anh muốn em đi không?"
"Muốn chứ, mà cũng không muốn."
"Vậy cuối cùng là muốn hay không?"
"Anh muốn gặp em, nhưng trong hoàn cảnh đó..."
Anh còn chưa dứt lời, tôi đã trả lời ngay: "Thế thì em sẽ đi."
Anh cười nhẹ, dường như không quá bất ngờ với đáp án của tôi. Thế nên anh lại cất lời, giọng nói vẫn khàn khàn: "Lúc đó anh không thể bên em được."
"Em biết mà."
"Anh chỉ có thể đứng nhìn em từ xa thôi."
"Em biết."
"Ngoài Giang Nhu thì em không quen ai cả, cũng không ai biết em hết."
"Em biết."
"Ngay cả anh cũng không thể quen em."
"... Em biết mà."
Lần này anh im lặng rất lâu, không khí giữa tôi và anh như ngừng lại, yên lặng đến mức có thể nghe tiếng nhân viên bước vào phòng nghỉ gần đó để hỏi về công tác chuẩn bị. Dường như loáng thoáng có người gọi tên anh, nhóm Trình Giác giúp anh từ chối, bảo anh bận chút việc.
Anh thờ dài, giọng điệu căng thẳng hơn hồi nãy: "Hay là thôi đi em."
Tôi nghe ra sự giằng co khổ sở của anh, tôi cố kìm nén nỗi đau lòng, nhưng cũng muốn mắng cho anh tỉnh ra: "Em đâu phải thủy tinh đâu. Chu Gia Dã, anh là người nhát gan à?"
"Phải không?"
"Kẻ nhát gan."
Anh khàn giọng tự giễu, ừ một tiếng: "Anh là kẻ nhát gan."
"Đồ nhát gan."
"Anh là đồ nhát gan."
"Kẻ nhát gan."
"Anh là kẻ nhát gan mà." Ngay sau đó, anh trầm giọng cất lời khiến tôi không chịu nổi: "Nhưng mà gã nhát gan này rất nhớ em."
"Lâm Ý, em đến gặp anh đi."
Buổi tiệc rượu hôm đó, người tới đón tôi là bạn của Chu Gia Dã - Thái tử gia của Giải trí Tinh Quang, Tưởng Nam.
Tôi chưa từng gặp nhưng đã nghe qua, đôi khi bọn họ bật mic chơi game, tôi sẽ ngồi bên cạnh xem họ chơi, nghe họ ầm ĩ nói chuyện. Đôi khi anh ấy nghe tiếng tôi qua mic sẽ ghẹo một câu "11 nhà cậu đấy à?".
Người chơi với anh không biết tên tôi nên họ toàn gọi là 11. Anh bảo vệ tôi rất tốt, ngay cả tên tôi anh cũng chưa từng nhắc đến ở bên ngoài.
Tôi lên xe, có một cô gái cực kỳ xinh đẹp ngồi ở hàng ghế sau. Cô ta nhìn tôi với ánh mắt đánh giá rồi khách sáo chào tôi. Bởi vì Tưởng Nam đích thân lái xe đến đón tôi nên cô ta rất soi xét tôi.
Tất nhiên, cô ta mới là bạn đồng hành thật sự của Tưởng Nam tối nay.
Còn tôi chỉ dựa vào cái danh là bạn đồng hành của anh ấy để vào tiệc rượu thôi. Người trong giới ai cũng biết Tưởng Nam là kẻ phong lưu, dẫn thêm một cô bạn gái cũng chẳng phải chuyện hiếm lạ gì.
Vì không hiểu tường tận về tôi nên Tưởng Nam cũng không định giải thích thân phận của tôi với bạn đồng hành. Bạn bè của Chu Gia Dã rất trượng nghĩa, giúp được gì là sẽ giúp chứ không bao giờ bép xép lung tung.
Anh ấy đưa tôi lên xe, sau đó không hề gọi tên tôi mà chỉ mờ ám nói bóng gió: "Giấu kỹ thật đấy!"
Ở bất kỳ nơi nào có mặt người ngoài thì sẽ không bao giờ nhắc đến Chu Gia Dã.
Lúc vào sảnh, cô bạn nữ kia khoác tay Tưởng Nam, nhìn tôi với ánh mắt đắc ý. Bởi lẽ người Tưởng Nam khoác tay là cô ta chứ không phải tôi.
Tôi nhận được tín hiệu từ cô ta nhưng không để tâm lắm vì tôi vẫn chưa thấy Chu Gia Dã trong đám người. Có lẽ do sự ngơ ngác của tôi quá rõ ràng nên Tưởng Nam hơi cúi người, nhỏ giọng nhắc nhở tôi: "Em 11 này, em có thể giả vờ giống thật chút được không? Em có thể dời ánh nhìn của em sang anh không? Em thế này trông rất khả nghi, như thể mượn anh để tìm bến đỗ tiếp theo vậy. Vừa nhìn là biết không phải người anh dẫn tới rồi!"
Nói rồi anh tự tiếc nuối cho chính mình: "Nếu lão Chu không gánh anh lên vương giả thì không thể chấp nhận được, vốn là tối nay anh có thể trái ôm phải ấp mà!"
Tôi nghĩ ngợi bảo: "Hay là tôi cũng khoác tay anh nhé?"
"Đừng!" Tưởng Nam từ chối ngay: "Anh không dám đâu, nếu lát nữa lão Chu nhìn thấy thì anh chết chắc!"
"..."
Anh ấy nói rất nhiều, diễn cũng mượt mà hơn tôi, dáng vẻ cúi đầu ghé mắt nói chuyện với tôi cực kỳ giống công tử ăn chơi đang chọc cười cô tình nhân. Anh ấy khiến cô bạn gái thật sự nhìn tôi bằng ánh mắt dao găm.
Sau khi anh ấy nhắc nhở, tôi cũng kiềm chế hơn, không tìm kiếm bóng dáng của Chu Gia Dã nữa.
Chắc là Chu Gia Dã cũng chưa tới, nếu không anh đã trở thành trung tâm của mọi ánh nhìn rồi. Đạo diễn Trần đưa cả đoàn đến tiệc rượu tối nay để chúc mừng phim mới của ông ấy đóng máy thuận lợi sau 5 năm. Trong danh sách khách mời hôm nay, anh là một trong những nhân vật chính.
Thân phận của tôi tối nay là bạn đồng hành của Tưởng Nam, tôi phải đi theo anh ấy chào hỏi một vòng. Những tình huống và cảnh tượng thế này khiến tôi không thoải mái, nỗi sợ xã giao của tôi dần đạt tới đỉnh điểm, cứ mỗi lần thấy người là tôi lại không thoải mái đến mức da đầu căng chặt.
Thân phận bạn nữ đồng hành này khá ngại ngùng, đặc biệt là trong tình cảnh danh lợi quá rõ ràng thế này. Người khác nhìn bạn với ánh mắt thấp kém, mấy ông khách già đầu bóng loáng lướt mắt đánh giá và nghiền ngẫm tôi như thể đang ngắm một món trang sức tinh xảo. Dẫu có sự tán thưởng nhưng là kiểu tán thưởng một món trang sức, chỉ cần bỏ chút công sức là có thể có được, và cũng có thể tặng người khác bất kỳ lúc nào.
Tôi nhạy cảm đến mức thấy lạnh gáy, thậm chí là còn thấy sợ hãi. Bởi lẽ những ánh mắt đó không mấy xa lạ, khi tôi dần lớn lên, những bóng ma sẽ hằn sâu trong linh hồn đầu tổn thương và theo tôi cả đời.
Trước khi học cấp 3 ở Nam Đài, tôi đi học ở Đế Đô. Những tiểu thư công tử nhà quyền quý cũng nhìn tôi với ánh mắt như thế, là ánh mắt đầy khinh thường khi nhìn một kẻ thấp hèn.
Xuất thân của tôi không phải là bí mật, nói cách khác, ở trong giới quyền quý thì nó không phải là bí mật. Đặc biệt là chuyện khiến người ta cười khinh này được truyền đi rất rôm rả.
Tuy không ai nói rõ nhưng mọi người đều biết tôi là đứa con riêng của nhà họ Lâm.
Tôi là đứa con gái riêng của một con chim sẻ ham giàu, mơ mộng muốn bay lên cành cao. Tôi cũng giống như người mẹ đê tiện không biết xấu hổ kia, là đứa hề ăn vạ để bòn rút nhà họ Lâm. Xuất thân thấp hèn thế mà cũng đến học ngôi trường này, ôm mộng bay lên cành cây.
Tôi đã nghe những lời này vô số lần rồi.
Nó có trong những lời thì thầm được cố tình khuếch đại sau lưng tôi để tôi nghe thấy, có trong những tiếng giễu cợt khi xé sách và vẽ lên đồng phục của tôi, có trong cả ý định xấu xa khi thuốc kích dục kém chất lượng được bỏ vào ly nước của tôi để xem tôi bị xấu mặt. Bạn nam, bạn nữ, giáo viên, không ai có ý tốt cả. Bọn họ đồng tâm hiệp lực xa lánh tôi như muốn đuổi đứa dị hợm này khỏi tầng lớp của họ. Trong mắt họ, tôi là đứa thấp hèn, không xứng để xuất hiện trong giới của họ, vì thấp kém hơn nên tôi phải cút về vũng bùn.
Mà ngoài chịu đựng ra thì tôi đâu còn cách nào khác, bởi vì người mẹ luôn ôm mộng bước lên giới thượng lưu nên bà đã tìm đủ cách để đưa tôi vào ngôi trường đó, mong rằng sẽ được trân quý nhờ con. Tôi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, không có đường lui cũng chẳng có người quan tâm. Bình thường tôi chỉ toàn nhận được sự căm ghét của bà, đó là nỗi thù phá tan mộng đẹp.
Sau khi đi chào hỏi một vòng, mấy ánh nhìn chăm chú khinh thường đầy quen thuộc khiến tôi sắp ngạt thở, song tôi vẫn luôn nở nụ cười trên môi.
Bởi lẽ có một kẻ nhát gan muốn gặp tôi và tôi cũng muốn gặp anh.
Cuối cùng, vào lúc cuộc chào hỏi kéo dài như đang tra tấn tôi vẫn chưa kết thúc thì bỗng xung quanh lần lượt rộn ràng lên. Mọi người đều lục tục nhìn về phía cửa chính, việc chào hỏi và trò chuyện cũng được ngừng lại.
Cũng giống như khi mặt trời ló dạng, ánh nắng rực rỡ lan tràn thu hút mọi ánh nhìn.
Ánh mắt đánh giá tôi của ông sếp bụng bia đang trò chuyện với Tưởng Nam cũng dời đi, hướng về phía cửa chính. Ánh mắt ấy chẳng còn chút khinh miệt hay đánh giá nào, chỉ liên tục nhìn vào giữa đám đông, kèm ý định nịnh hót và tính toán riêng.
Tưởng Nam len lén đụng tay, cúi người nghiêng đầu nói với tôi: "Em 11, không quay lại nhìn hả? Người trong lòng của em đến rồi."
Sự kiên cường mà tôi chịu đựng nãy giờ như thể sụp đổ tại giây phút đó, tôi nhịn mãi mới kìm được độ cay nơi hốc mắt. Tôi không thể khóc ở đây được, bởi người muốn gặp tôi là một người nhát gan mà.