Tu La Thần Công

Chương 35: Cuộc tỷ đấu ghê hồn giữa Địch Bình Thạch và A La tôn giả



Băng Xuyên Thiên Nữ nghe rồi, nàng muốn không tin cũng không thể được vì sự thực đã hiển nhiên.

Đào Vĩnh Trạch quả nhiên là tay mưu sâu ghê gớm. Lão làm cho Mật Lăng pháp sư, một vị cao tăng phe Mật tông trong Hồng giáo cũng phải nghe lệnh lão sai khiến.

Địch Bình Thạch sửng sốt hỏi :

- Ủa! Đào Vĩnh Trạch ư? Danh tự này tại hạ đã nghe qua, nhưng giữa y và bọn tại hạ mỗi người một phương không liên quan gì đến nhau thì làm sao các vị lại đến đây đưa thơ?

Phiên tăng cười lạt :

- Bần tăng chỉ biết đưa thư, còn chuyện hai bên có liên quan gì với nhau không chẳng cần biết đến. Thơ tin kia kìa. Sao thí chủ không lấy mà coi?

Phùng Linh tức quá không nhịn được, tiến lên cười lạt hỏi xen vào :

- Giỏi lắm! Các vị đến đây đưa thơ hay là đến để ăn cắp đồ của người ta? Có khi các vị kiêm ca hai chức vừa làm sứ giả vừa làm ăn cắp chăng?

Mật Lăng pháp sư chắp hai tay để trước ngực nói :

- A di đà Phật! Xin nữ thí chủ lựa lời mà nói, bần tăng đâu phải hạng trộm cắp?

Phùng Linh cười lạt nói :

- Đệ tử của Đào lão quái đã ăn cắp thanh Băng Phách kiếm của y. Các vị cùng đi với gã mà không đồng mưu với quân trộm cắp thì còn gì nữa? Chẳng lẽ các vị cứ miệng niệm nam mô rồi hành động gì cũng chối phăng?

Mật Lăng pháp sư hơi biến sắc mặt.

Băng Xuyên Thiên Nữ trong lòng ngờ vực, tiến lên gạt đi :

- Bảo kiếm đã lấy lại rồi. Vụ này là ở Hạng Hồng Huy chẳng nên truy cứu nữa.

Mật Lăng pháp sư hơi đỏ mặt nói :

- Bọn bần tăng thật không hiểu trong thư Đào tiên sinh nói gì. Hành vi của Hạng Hồng Huy hoặc giả có nguyên nhân nào khác xin các vị thí chủ đừng làm khó dễ y. Hãy coi thư của Đào tiên sinh sẽ rõ.

Nhà sư thấy Băng Xuyên Thiên Nữ lấy lại được bảo kiếm thì tưởng Hạng Hồng Huy đã bị bắt rồi nên nói vậy để xin cho gã.

Băng Xuyên Thiên Nữ đáp :

- Đại sư cứ yên tâm, gã đã cùng tới đây với đại sư dĩ nhiên bọn ta không làm khó dễ gã đâu, và đã để gã đi rồi.

Địch Bình Thạch nghe Phiên tăng nói liền bật cười khành khạch, đưa mắt nhìn ra thấy trên ngọn cây tháp trắng thấp thoáng có bóng một cái hộp đỏ vuông.

Y chắc thư tín của Đào Vĩnh Trạch để trong hộp đó.

Kể ra bản lãnh Địch Bình Thạch và Băng Xuyên Thiên Nữ thì việc thi triển khinh công để lấy hộp thơ không phải là việc nhỏ, nhưng ít ra cũng mất một quãng thời gian chừng uống cạn tuần trà mới lấy được.

Địch Bình Thạch tự hỏi :

- “Không hiểu bọn họ làm thế nào để thơ lên ngọn tháp được. Hành động của họ không mất chút hơi sức nào và chỉ trong nháy mắt nên bao nhiêu thị nữ trong cung chẳng một ai phát giác. Dù mình có lấy thơ xuống được song khinh công kém họ thì thật là xấu hổ”.

Y chau mày ngẫm nghĩ :

- Mình là địa vị chủ nhân và rời khỏi đây một lúc khá lâu cũng không tiện. Hừ! Phải chăng họ đến đây để thách thức mình? Bây giờ chỉ có một biện pháp là kêu thị nữ trèo theo bậc thang lên lấy thơ, nhưng làm vậy cũng mất nhiều thì giờ, và tổn thương đến thể diện?”

Địch Bình Thạch còn ngần ngừ bỗng nghe Phùng Linh cười lạt hỏi :

- Cách đưa thơ là thế này đây. Đào Vĩnh Trạch là cái thá gì mà dám vô lễ với phái Thiên Sơn như vậy? Được rồi! Để ta coi xem hắn nói gì rồi sẽ tính chuyện với các vị.

Bà nói xong cởi chiếc dải đỏ buộc trên đầu, tung người lên không.

Phùng Linh liệng đầu dây tựa hồ không phí chút sức nào mà thực ra bà đã ngấm ngầm vận dụng huyền công, thi triển công phu “Phi Hoa Trích Diệp” thương thừa.

Bỗng nghe vèo vèo mấy tiếng vang lên. Đầu sợi dây tựa hồ con rắn nhỏ màu hồng bay vọt lên không.

Chỉ trong chớp mắt, dưới ánh dương quang, bóng hồng lạt dần rồi quá tầm mắt không thấy đâu nữa.

Mấy chục tên thị nữ trong vườn ngẩng đần lên nhìn trời. Chúng không hiểu Phùng Linh làm trò gì?

Phiên tăng sắc mặt lợt lạt. Bỗng nghe đánh choang một tiếng. Một vật từ trên ngọn tháp rớt xuống như cao su.

Tên thị nữ đứng gần lượm lên đưa trình Địch Bình Thạch, thì là một cái hộp vuông nhỏ bé. Đầu sợi dây hồng của Phùng Linh đã buộc thành nút vào hộp, tựa hồ chính bà đã buộc dây đem đến.

Phiên tăng cả kinh thất sắc.

Nguyên chiếc hộp vuông này trong đựng thư tín của Đào Vĩnh Trạch và do Hạng Hồng Huy thi triển khinh công tuyệt đỉnh treo lên ngọn tháp. Thế mà Phùng Linh chỉ dùng sợi dây nhỏ kéo xuống được là nhờ ở nội công thượng thừa về công phu.

“Phi Hoa Trích Diệp”, thủ pháp của Phùng Linh khiến cho hào khí của Phiên tăng giảm đi mấy phần.

Địch Bình Thạch lấy ngón tay vạch một cái thẳng như đao thức, kéo thơ trong hộp ra.

Chiếc hộp đựng thơ làm bằng gỗ đàn rất kiên cố, Địch Bình Thạch thi triển “Thủ Thiết Chỉ Đàn công”, sợ với công phu “Phi Hoa Trích Diệp” của Phùng Linh tuy chưa bằng nhưng cũng đủ làm kinh thế hãi tục.

Phiên tăng nghĩ bụng :

- “Thảo nào mình ở Ấn Độ đã nghe nói Địch Long là tay cao thủ đệ nhất Trung Quốc, gã con trai y cũng không phải tầm thường. Quả nhiên lời đồn không sai thực”.

Địch Bình Thạch mở hộp rồi lấy thơ cùng Băng Xuyên Thiên Nữ coi. Trong thơ viết :

“Kẻ mạt học võ lâm là Đào Vĩnh Trạch kính gửi chủ nhân Băng cung tòa hạ :

Lâu này được nghe kiếm pháp thông huyền, thần công trác tuyệt, lão phu già nua muốn được mở rộng tầm mắt, mạo muội biên thơ này sai đệ tử tới nơi mượn kiếm về coi một chút.

Ngày rằm tháng ba sang năm lão phu sẽ đem kiếm tới, trước phần mộ Thúy Vi tiên tử trên núi Thanh Thành để kính hoàn. Tại hạ có ý mượn kiếm là để thôi thúc đại giá y trước”.

Kể ra lời lẽ của Đào Vĩnh Trạch bề ngoài có vẻ rất lịch sự, nhưng Địch Bình Thạch hiểu rõ đây là một phong thư khiêu chiến bất giác nổi giận, cười lạt nói :

- Đào Vĩnh Trạch nói vậy thì ra lão đầy lòng tự mãn. Tuy thần công quãng đại, nhưng thanh bảo kiếm của Băng cung không để cho ai lấy một cách dễ dàng, nếu lão muốn tỷ thí võ công thì bất tất phải giở trò úp mở này. Hai vị về nói cho lão hay, đúng ngày rằm tháng ba sang năm tại hạ sẽ đúng kỳ hẹn lên núi Thanh Thành lĩnh giáo. Đồng thời các vị bảo cho lão hay bất tất phải phái tên cắp vặt đến lấy trộm đồ nữa.

Trong lúc Địch Bình Thạch nói vậy, Băng Xuyên Thiên Nữ đưa mắt ra hiệu, nhưng y không hiểu ý nàng.

Mật Lăng pháp sư mặt lạnh như băng hững hờ đáp :

- Bần tăng chỉ có trách nhiệm đi với cao đồ Đào tiên sinh tới đây hạ thơ, còn việc Đào tiên sinh khiêu chiến với thí chủ hoặc sai đồ đệ lấy bảo vật thì không liên quan gì đến bần tăng cả. Thí chủ nói vậy há chẳng là trách móc bần tăng quá nặng lời ư?

Bây giờ Địch Bình Thạch mới hiểu cái đưa mắt của vợ, y làm bộ ngơ ngác tươi cười đáp :

- Xin đại sư đừng hiểu lầm. Tại hạ có ý nhắn những câu này đến tai Đào Vĩnh Trạch mà thôi.

Thực ra Địch Bình Thạch trong lúc nóng giận, y nói mau quá, chẳng những thóa mạ Đào Vĩnh Trạch mà còn mạt sát luôn Mật Lăng pháp sư và Phiên tăng kia nữa. Bây giờ y giải thích là để lấy lòng hai nhà sư thôi.

Phùng Linh nói theo :

- Đúng thế! Đào Vĩnh Trạch không phải là bọn vô danh tiểu tốt trên chốn giang hồ, hắn muốn khiêu chiến thì cứ đường hoàng mà khiêu chiến, sao lại dùng thủ đoạn bất chánh này.

Bà nhắc lại ý kiến của Địch Bình Thạch khác nào lửa cháy đổ thêm dầu.

Mật Lăng pháp sư đột nhiên quay lại ngó Phùng Linh hỏi :

- Kỳ hạn ngày rằm tháng ba sang năm, không hiểu nữ thí chủ có lên núi Thanh Thành để coi một trường náo nhiệt chăng?

Phùng Linh hỏi lại :

- Sao? Đại sư hỏi làm chi?

Mật Lăng pháp sư đáp :

- Nếu nữ thí chủ cũng đi thì khi đó bần tăng sẽ xin thỉnh giáo nữ thí chủ mấy chiêu.

Nguyên nhà sư muốn khiêu chiến với Địch Bình Thạch, nhưng vì giữa Lạt Ma giáo và Băng Xuyên Thiên Nữ có mối quan hệ sâu xa nên nể mặt nàng mà quay sang khiêu chiến Phùng Linh.

Băng Xuyên Thiên Nữ vừa đưa mắt ra hiệu cho trượng phu đừng gây thù kết oán với Mật Lăng, không ngờ xảy ra to chuyện. Nàng sợ Phùng Linh còn đưa ra những lời khó nghe nữa, trong lòng cực kỳ hồi hộp.

May ở chỗ Phùng Linh cũng biết địa vị Mật Lăng pháp sư, bà liền cười nói :

- Chính ra ta vì muốn đấu với Đào Vĩnh Trạch mà lên núi Thanh Thành. Nếu đại sư đã có lòng chỉ bảo thì khi đó ta xin lão giáo đại sư trước.

Bà chính thức tiếp thụ lời tuyên chiến của đối phương không nói thêm gì nữa, khiến cho Mật Lăng pháp sư hơi khó chịu.

Băng Xuyên Thiên Nữ hỏi :

- Tại hạ có điều chưa rõ. Chẳng hiểu có thể phỏng vấn đại sư được chăng?

Mật Lăng pháp sư đáp :

- Nữ hộ pháp có điều chi cứ hỏi.

Băng Xuyên Thiên Nữ hỏi :

- Pháp sư là bậc cao tăng đắc đạo, không hiểu vì lẽ gì lại cam làm sứ giả cho Đào Vĩnh Trạch?

Mật Lăng pháp sư đáp :

- Mọi việc trên thế gian không ngoài hai chữ nhân quả. Duyên pháp đã xui khiến như vậy thì số kiếp không thể tránh khỏi. Nữ hộ pháp duy trì công đức cho bản giáo, khiến bần tăng bao giờ cũng kính phục. Nữ hộ pháp đã có mối giao tình với bản phái, bần tăng không thể quên và nhất định không có chuyện xích mích với nữ hộ pháp.

Băng Xuyên Thiên Nữ đầy lòng ngờ vực mà không sao hỏi cho ra được. Có điều nhà sư nói vậy nàng cũng nhận biết sở dĩ lão ước hẹn Phùng Linh lên núi Thanh Thành mới tỷ đấu là có ý tránh cuộc giao chiến ở Băng cung để tỏ lòng tôn kính nàng.

Không ngờ đợt sóng này chưa lặn thì đợt sóng khác đã nổi lên. Mật Lăng pháp sư khiêu chiến tạm dàn xếp thì Phiên tăng cười hô hố nói :

- Bần tăng chả cần phải nghĩ đến chuyện giao tình giao nghĩa chi hết. Lâu nay từng ngưỡng mộ Thiên Sơn kiếm pháp nổi tiếng, cực kỳ tinh diệu và muốn lãnh giáo Địch đại hiệp mấy chiêu tại đây ngay bây giờ.

Phiên tăng không chờ Địch Bình Thạch trả lời đã rút đơn đao đánh “soạt” một tiếng.

Nguyên Phiên tăng này là một tay cao thủ bậc nhất ở Ấn Độ. Y là đệ tử Long Diệp thượng nhân, pháp hiệu là A La tôn giả. Hắn đã nhận đồ lễ của Ni Bạc Nhĩ vương mà có ý đến làm khó dễ với Địch Bình Thạch.

Chính ra Ni Bạc Nhĩ vương là biểu huynh Băng Xuyên Thiên Nữ. Năm trước Ni Bạc Nhĩ vương đã vì Băng Xuyên Thiên Nữ mà dấy quân mười vạn xâm nhập Tây Tạng. Sau một phen chiến đấu, bao nhiêu võ sĩ mà Ni Bạc Nhĩ mời đến đều bị thảm bại ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Đồng thời lúc đó về mặt Trung Nguyên cũng kéo đại quân tới nơi, Ni Bạc Nhĩ vương đành chịu giảng hòa, khua chiêng thu binh.

Từ đó Ni Bạc Nhĩ vương vẫn căm hận Địch Bình Thạch, vì thế mà đưa lễ mời A La tôn giả đến quyết đấu với Địch Bình Thạch một phen.

A La tôn giả đang muốn thử thách võ công Trung Quốc, gặp dịp Ni Bạc Nhĩ vương cầu viện, liền nhận lời xuống Trung Nguyên ngay.

Ý nguyện của A La tôn giả là muốn tỷ thí võ công Trung Quốc, không tính tới chuyện liều mạng với Địch Bình Thạch, nhưng hắn đã nhận lời Ni Bạc Nhĩ vương, tiện việc Băng cung tỷ thí với Địch Bình Thạch một phen. Một là hắn thấy võ công phái Thiên Sơn lẫy lừng Trung Quốc mà chưa biết nó đặc biệt ở điểm nào. Hai là bất luận thắng hay bại, cuộc đấu này coi là đã đáp lời Ni Bạc Nhĩ vương.

Đào Vĩnh Trạch biết tin vụ này liền thi triển tuyệt đỉnh thần công để thu phục A La tôn giả.

A La tôn giả nhận thấy võ công Đào Vĩnh Trạch đáng bậc sư phụ lại càng hy vọng lão có ích cho mình, nên mới cam tâm tình nguyện làm sứ giả cho lão.

Đào Vĩnh Trạch phái A La tôn giả làm sứ giả đi theo Mật Lăng pháp sư đến Băng cung. Đây là một cơ hội thuận tiện cho A La tôn giả.

Đào Vĩnh Trạch úy kỵ nhất là phái Thiên Sơn. Lão luyện thần công chưa đến nơi và chưa nắm được phần thắng một cách tuyệt đối, nên không muốn tự mình thân chinh đến Thiên Sơn khiêu chiến với vợ chồng Địch Long. Lão sợ phái người khác đi cũng bị thất bại, liền đổi hướng phái người đến khiêu chiến với con Địch Long là Địch Bình Thạch. Lão còn sợ Địch Bình Thạch không chịu ứng chiến, vì thế mà sai đồ đệ là Hạng Hồng Huy thi triển bản lãnh “Diệu ảo không không” lấy cắp bảo kiếm ở Băng cung để chọc giận y. Chờ đến ngày rằm tháng ba sang năm lão luyện thần công xong thì dù cả cha con Địch Long có tới núi Thanh Thành lão cũng không sợ.

Đào Vĩnh Trạch chắc mẩm bản lãnh thần thâu của đệ tử mình có thể làm nên việc, ngờ đâu lại chạm trán Phùng Linh.

Hạng Hồng Huy sắp thành công lại hỏng. Còn A La tôn giả và Mật Lăng pháp sư bị Địch Bình Thạch phát giác và bị vây hãm tại Băng cung.

Chỉ vì mấy câu nói mà gây thành xích mích, A La tôn giả nói rõ muốn lãnh giáo Thiên Sơn kiếm pháp mà Địch Bình Thạch là Thiếu chưởng môn nên không thể từ chối được.

Địch Bình Thạch thấy thái độ A La tôn giả ngạo mạn thì trong lòng không khỏi tức giận, rút kiếm ra nói :

- Đại sư ở xa đến là khách, xin ra chiêu trước đi!

Địch Bình Thạch cầm thanh Du Long kiếm và cũng là một trong hai thanh bảo kiếm trấn sơn. Chàng vung kiếm như rồng bay phượng múa, lưỡi kiếm dưới ánh dương quang chói lọi trông lóa mắt.

A La tôn giả vừa ngó thấy đã hơi sờn lòng, nhưng không tỏ vẻ sợ sệt, hắn ngạo nghễ gật đầu lên tiếng giục :

- Tiếp chiêu đi!

Rồi vung đao chém thẳng xuống. Đao phóng ra văng vẳng có tiếng ầm ầm như sấm dậy tỏ ra cương mãnh vô cùng. Chỉ trong chớp mắt lưỡi dao đã chém tới trước ngực Địch Bình Thạch.

Địch Bình Thạch xoay tay ra chiêu “Đại Mạc Cô Yên” vung kiếm lên móc.

Kiếm quang lấp loáng rít lên như rồng gầm.

A La tôn giả trong lòng kinh hãi, huơ đao lên đỡ nghe đánh choang một tiếng rùng rợn. Tia lửa bắn ra tung tóe.

Thanh long đao của A La tôn giả bị mẻ một chỗ. Thanh đao này đúc bằng thép nguyên chất nặng tới bốn năm chục cân, nên lúc ban đầu tuy hắn biết Địch Bình Thạch sử bảo kiếm mà hắn vẫn không sợ hãi. Ngờ đâu thanh Du Long kiếm là một lợi khí ghê gớm vượt ra ngoài sự ước lượng của A La tôn giả.

Địch Bình Thạch ra chiêu đó là “Truy Phong kiếm thức” trong Thiên Sơn kiếm pháp. Kiếm pháp này chia làm tám tám sáu mươi tư thức. Cứ tám thức vừa dứt thì lại một chiêu khác tiếp đến liên miên bất tuyệt khác nào mưa rừng gió biển.

Đao kiếm tung hoành A La tôn giả vọt người lên không. Chiêu thứ hai của Địch Bình Thạch đâm vào khoảng không. Y ra chiêu thứ ba thì A La tôn giả vừa hạ mình xuống. Mũi kiếm gần chấm gót giày hắn liền băng người ngang ra để tránh.

Kiếm chiêu của Địch Bình Thạch như mây bay chớp nhoáng. Ba chiêu chưa đả thương được đối phương y liền huy động luôn hai chiêu thứ tư và thứ năm.

Lúc y sử dụng đến chiêu thứ sáu, mũi kiếm phóng tới sau lưng A La tôn giả.

A La tôn giả xoay tay áo lại phấ tmạnh một cái. Tay áo hắn liền bị đứt cụt. Đồng thời kiếm của Địch Bình Thạch cũng chệch đi một chút.

Đột nhiên A La tôn giả vừa rụt về lại thò ra nhắm chụp xuống cổ tay Địch Bình Thạch.

Chiêu này cổ quái tuyệt luân. Đây là Du già công phu trong võ lâm của người Ấn Độ. Cánh tay hắn cong đi nhằm trúng bộ vị đối phương cơ hồ không tránh thoát.

Băng Xuyên Thiên Nữ đứng bên thấy thế, hoa dung thất sắc, bật tiếng la hoảng.

May ở chỗ kiếm thuật Địch Bình Thạch cực kỳ tinh diệu. Ngoại trừ công lực y còn non chút, còn bản lãnh của y chẳng kém gì phụ thân.

Thế công của địch đánh tới đột ngột, Địch Bình Thạch vừa động tâm tự nhiên phát sinh phản ứng. Người y xiên đi một chút, đột nhiên xoay thành vòng tròn thế là thoát được tình trạng hiểm nghèo.

Địch Bình Thạch lại biến đổi thế kiếm. Chiêu thứ bảy, phóng xuyên qua dưới nách A La tôn giả.

Chiêu thứ tám, y vừa xoay mình vừa phóng kiếm lại đâm vào trước ngực đối phương.

A La tôn giả quát lên một tiếng thật to, hắn chém xuống một đao thật trầm trọng.

Địch Bình Thạch chấn động tâm thần tự hỏi :

- “Chẳng lẽ hắn không sợ bảo kiếm của ta chặt đứt binh khí của hắn”.

Đột nhiên y cảm thấy áp lực rất mạnh. Đao kiếm đã dính chặt vào nhau.

Nguyên A La tôn giả nhắm rất đúng thế kiếm đồng thời xử chiêu “Sư Tử Hống” để náo loạn tâm thần Địch Bình Thạch. Hắn vận động toàn thân công lực vào thanh đao ép chặt lấy sóng kiếm.

Địch Bình Thạch sử tám chiêu Truy Phong kiếm thức bí ảo phi thường, thật đã đến chỗ tuyệt nghệ của Thiên Sơn kiếm pháp. Ban đầu tuy y chiếm được thượng phong mà chưa đả thương được đối phương. Đến hai chiêu tối hậu, A La tôn giả vẫn vừa thủ vừa công.

Phùng Linh thấy thế cũng phải khen thầm không giám coi thường địch nhân nữa.

Lúc này đao kiếm dính nhau rồi chiến trường yên như tờ, tưởng chừng sau trận mưa to gió lớn, bầu trời bình tĩnh lại.

Trong không trường, ngoài Ngụy Tô và Cảnh Quyên Quyên ít kinh nghiệm chiến đấu còn ngoài ra đều là những tay võ đại hành gia, nhìn nhận lúc này rất nghiêm trọng, không có giám thở mạnh.

Nguyên hai bên tỷ đấu chân lực nội gia. Mạnh được yếu thua là ở keo này.

Bảo kiếm của Địch Bình Thạch cũng như loan đao của A La tôn giả không còn có tác dụng gì nữa.

Sau khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà, tấm thân hai người cùng lún xuống một bậc. Đây là tình trạng chống cự áp lực của đối phương, bên nào cũng thi triển thân pháp Thiên cân trọng. Chân hai người sâu xuống đất tới đầu gối.

Phùng Linh thở phào một cái rồi nói :

- Chân lực hai người tương đương nhau, bất tất phải tỷ đấu thêm cho mệt.

Băng Xuyên Thiên Nữ cũng nhìn Mật Lăng pháp sư thi lễ hỏi :

- Phiền đại sư cùng tại hạ ra chiết giải hai bên đừng giằng co nữa, được chăng?

Mật Lăng pháp sư chắp tay đáp :

- Nữ hộ pháp nói vậy rất hợp ý bần tăng.

Nhà sư lấy cây phất trần, Băng Xuyên Thiên Nữ rút băng kiếm khỏi vỏ. Băng kiếm cùng phất trần đưa ra khều một cái, đao kiếm liền tách rời.

Bỗng nghe đánh sầm một tiếng, Địch Bình Thạch cùng A La tôn giả tung người lên không. Dưới chân còn để lại hố sâu đến hai thước.

Cát bụi mờ mịt. Địch Bình Thạch rời khỏi chỗ cũ đến hai trượng. Còn A La tôn giả tung ra xa đến ba trượng.

Địch Bình Thạch tra kiếm vào vỏ chắp tay nói :

- Thần công của đại sư thật là trác tuyệt, tại hạ bội phục vô cùng.

A La tôn giả mặt đen cũng ửng đỏ đáp lễ nói :

- Kiếm pháp Thiên Sơn quả nhiên danh bất hư truyền.

Hắn ngừng lại một lúc rồi đưa mắt nhìn Băng Xuyên Thiên Nữ thi lễ nói :

- Ngày hội họp trên núi Thanh Thành, nếu có duyên tương ngộ tiểu tăng hãy xin lãnh giáo nữ hộ pháp mấy chiêu.

Băng Xuyên Thiên Nữ mỉm cười nói :

- Ngày hội trên núi Thanh Thành, ta nhất định phải đi, nhưng hai chữ lãnh giáo mà đại sư vừa nói thì ta không dám đâu.

Mật Lăng pháp sư nói :

- Bây giờ bần tăng xin cáo biệt. Chúng ta sẽ gặp nhau trên núi Thanh Thành.

Nhà sư chưa dứt lời, hai người đã vượt khỏi bức tường vây bọc hoa viên.

Kể ra thân phận hai nhà sư này so với Hạng Hồng Huy tuy còn kém nhưng nghĩ tới A La tôn giả sau cuộc ác chiến mà khinh công còn được như vậy, cũng đủ khiến mọi người phải kinh hãi.

Về kết quả cuộc tỷ thí vừa rồi, Địch Bình Thạch hai chân cắm xuống đất hơn đối phương đến hai tấc, mà lúc phân khai, A La tôn giả nhảy ra xa được hơn y một trượng mới đứng vững thân hình, thì bản lãnh hai bên có thể gọi là tương đương, không ai hơn kém.

Địch Bình Thạch thở dài nói :

- Trời đất bao la thật không biết còn bao nhiêu cao nhân dị sĩ. Trước kia ở Trung Nguyên mình dã tưởng võ lâm đến chỗ tận thiện tận mỹ, mà nay xem ra có khác nào ếch nằm đáy giếng, tưởng trời là nhỏ. Vừa rồi mình không có thanh Du Long kiếm thì e rằng đã bị thất bại về tay Phiên tăng rồi.

Phùng Linh cười nói :

- Ngươi bất tất phải ca ngợi cái sở trường của người làm mất hết oai phong của mình. Phiên tăng kia tuy võ công cao cường, nhưng so với phụ thân ngươi và Chưởng môn các phái Thiếu Lâm, Võ Đang hãy còn kém xa lắm.

- Tiểu điệt nữ chưa biết Đào Vĩnh Trạch là người thế nào, nhưng cứ tình trạng bữa nay mà xét thấy Mật Lăng pháp sư và Phiên tăng cam bề chịu làm sứ giả cho lão, thì bản lãnh nhất định hơn người. Cuộc đại hội trên núi Thanh Thành, chúng ta phải cẩn thận lắm mới được.

Trình Hạo, Tạ Vân Chân đều ngấm ngầm nao núng. Bọn họ đi mời các môn phái đến trợ viện. Ban đầu họ tưởng chỉ để đối phó với một mình Đào Vĩnh Trạch. Bây giờ mới biết ngoài lão còn rất nhiều cao thủ về phe với hắn. Như vậy cuộc đại hội trên Thanh Thành, tuy chưa rõ ai thắng ai bại, có điều họ nhận rằng phần thua bên mình phải chịu nhiều hơn.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv