Tô Sầm đi đến khi ngọn đèn đầu tiên trên phố sáng lên mới dừng bước, cậu nhìn ngó xung quanh, không phải đường về nhà. A Phúc cúi đầu đi sau cậu, hẳn là đã gọi cậu vài lần rồi mà chẳng được đáp lại nên đành phải đi theo.
Hoàng hôn buông xuống, cái lạnh đầu xuân dần thấm qua lớp áo mỏng. Tô Sầm đi về phía ngọn đèn, chỉ thấy một lá cờ ghi hàng chữ "tiệm chè Điền Ký" bằng lối chữ lệ trông có vẻ lâu đời, nét chữ đã mờ đi. Cửa tiệm này chỉ là một lán nhỏ được dựng đơn sơ bằng cỏ tranh, bên dưới bày biện dăm ba chiếc bàn, chiếc ghế. Nội thành Trường An có quy củ giới nghiêm rất chặt chẽ, ông cụ chừng sáu mươi đang vội vàng thu dọn bàn ghế lại, hẳn là sắp đóng cửa.
Tô Sầm bước lên, vốn chỉ định hỏi thăm xem đây là đâu, đi đường nào để về căn nhà ở phường Trường Lạc. Nhưng khi lại gần, Tô Sâm thấy hai bát nước lê còn bốc hơi trên bàn lại không khỏi động lòng, cậu lấy mấy đồng tiền ra hỏi mua hai bát chè này.
Ông lão thấy vậy mới vội vàng bê ghế trên bàn xuống, Tô Sầm vội bảo không cần, họ đứng đây ăn là được.
Một bát chè ấm nóng vào bụng mới giúp tay chân cậu ấm hơn, Tô Sầm nhìn căn phủ tối đen cách đó không xa, tò mò hỏi: "Đó là gì thế ạ?"
Ông lão nhìn theo cậu, cười bảo: "Trông cậu chắc cũng là sĩ tử vào Kinh tham gia khoa cử đúng không? Sao đến cổng cống viện cũng không nhận ra thế?"
Tô Sầm ngạc nhiên: "Đây là cống viện ạ?"
Ông lão hiền từ cười, đáp: "Ban ngày trông sẽ thấy hùng vĩ hơn, khoa cử lần này bắt đầu từ ngày mai, cống viện đã giới nghiêm từ sớm rồi, đen thù lù thế này cậu không nhận ra cũng phải."
"Đi mòn giày sắt tìm không thấy, chẳng phí công lao lại được ngay," Tô Sầm cười nói, thấy cửa tiệm đã đóng cửa cũng không ở lại lâu, cậu từ biệt ông lão rồi định đi quanh trường thi một vòng, coi như tìm hiểu xem trường thi mà hàng ngàn, hàng vạn sĩ tử trên thế gian hướng tới trông thế nào.
Ba cánh cổng đều đang khép chặt, hoành phi bên trên ghi "Cống viện Trường An", hai bên cột đỏ là đôi câu đối:
Tướng tướng vô chủng bút mặc tự tranh.
Bạch ốc công khanh kim bảng đề danh.
*Hiểu nôm na là không ai sinh ra đã là tướng văn tướng võ, phải tự mình giành lấy, sĩ tử nhà nghèo muốn làm quan phải đề tên bảng vàng.
Lạc khoản[1] đề tên Hàn lâm Học sĩ tiền nhiệm Lâm Tông Khanh. Người này từng là thầy giáo của Tiên Đế, là tấm gương cho sĩ tử, văn nhân khắp thiên hạ. Có điều từ khi Tiên Đế băng hà, ông không chịu nổi lề lối trong triều nữa nên từ quan về quê, mở trường dạy học ở quê. Tuy không quan tâm việc triều chính nhưng vẫn tiếp tục dạy dỗ ra rất nhiều rường cột cho triều đình.
[1] Dòng chữ viết nhỏ để tên họ và ngày tháng ở trên các bức họa hay các bức đối trướng.
Tô Sầm thấy chữ của thầy mình lại không khỏi ê răng. Năm xưa chính những con chữ này đã phê kín bài văn của cậu, ông cụ tiên phong hạc cốt này cầm bút lên như biến thành người khác, ngôn từ sắc bén, đôi mắt sáng rực. Đến hôm sau cậu mang bài văn mới qua tìm ông, ông cụ lại híp mắt, nói rằng thật ra bài viết hôm qua cũng có chỗ đáng khen, cậu cân bằng lại hai bài rồi ngày mai nộp lại.
Tô Sầm cấp tốc tránh xa cổng chính, vòng ra tường ngoài xem thử. Vách tường cao hơn hai trượng, bên trên giăng đầy rào gai, cứ cách một quãng lại có một chòi gác, nhìn là thấy nghiêm ngặt.
Tô Sầm đi men theo tường đông, trường thi đủ chứa vạn người chỉ dài hơn một dặm, đi nửa nén hương đã từ phía nam sang được phía bắc. Vừa định quay sang tường bắc, Tô Sầm bỗng khựng lại.
Mồ hôi lạnh túa ra, Tô Sầm rùng mình.
Một thước trước mắt cậu có một đống lửa bập bùng, ba, bốn người quỳ tăm tắp dưới đất vừa lẩm bẩm vừa đốt vàng mã, ánh lửa rọi lên khiến khuôn mặt họ trắng bệch, bầu không khí vô cùng quỷ quái.
Hai bên nhìn nhau một lúc, sau đó cùng thét lên.
Một chốc sau mới có một tên béo đứng dậy ra dấu im lặng với hai người, ra khỏi ánh lửa quái dị kia rồi, Tô Sầm mới nhận ra họ là con người.
"Các huynh làm gì vậy?" Tô Sầm nhíu mày hỏi.
Tên béo kéo cậu lại gần, nói nhỏ: "Huynh cũng tham gia khoa cử ngày mai đúng không?"
Tô Sầm không trả lời, tên béo cũng không để bụng, gã nhét nửa xấp tiền vàng vào tay Tô Sầm, bảo: "Mau ra đó vái đi, bảo đảm ngày mai sẽ đề tên bảng vàng."
Tô Sầm không nhận mà hỏi: "Các huynh đốt vàng mã ở đây để được đề danh bảng vàng sao?"
"Chắc huynh mới tới nên chưa nghe chuyện đúng không?" Tên béo ra vẻ bí hiểm ghé sát vào tai Tô Sầm: "Trong trường thi này có ma đấy."
Tô Sầm sửng sốt, cậu không khỏi trợn mắt, thầm nghĩ các người mới giống ma đấy. May sao có bóng đêm che khuất, tên béo cũng không để bụng, kéo Tô Sầm lại nói tiếp: "Nhiều năm trước có một sĩ tử hộc máu chết ngay trong trường thi, trong lòng sinh oán khí nên hóa thành lệ quỷ lượn lờ quanh đây, mỗi khi đến kỳ khoa cử lại xuất hiện quấy rối sĩ tử. Nhưng nếu trước ngày thi một ngày huynh qua đây tế bài thì y sẽ không làm khó huynh." Nói xong lại nhét tiền vàng vào tay Tô Sầm: "Mau qua lạy đi, phải thành tâm vào nếu không không linh đâu."
Tô Sầm trả tiền vàng lại: "Không cần đâu, tôi không tin mấy thứ này."
"Thà tin là có, chớ tin là không." Tên béo vẫn hết lòng khuyên lơn: "Người trẻ tuổi phải biết kính sợ, tôi thấy có duyên với huynh nên mới nói chuyện này, không nói cho người khác biết đâu."
À thế ra ba người đang quỳ kia không phải huynh gọi lại hả?
"Đa tạ." Tô Sầm mỉm cười rồi quay người lui ra.
Tên béo bất đắc dĩ lắc đầu, tiếp tục quỳ xuống đốt vàng mã.
Cuối cùng hai người cũng về nhà trước giờ giới nghiêm. Gần tới thi Hội, nhà trọ trong thành đã kín chỗ từ lâu, may có ông già nhà cậu mua cho căn nhà này, bằng không với kiểu sát ngày mới tới như họ e là muốn ở tòa miếu nát ngoài thành cũng phải thương lượng với người ta. Dặn dò A Phúc khóa cửa xong, Tô Sầm ngồi ngẩn ngơ trên ghế, lúc thì nhớ đến khuôn mặt tinh xảo của Khúc Linh Nhi, lúc lại nghĩ đến tên béo ngồi đốt tiền vàng, cuối cùng tất cả cùng hóa thành đôi mắt sâu thăm thẳm kia. Cậu tự thấy mình cũng là người trải đời, nhưng chưa từng có ai mang cho cậu cảm giác áp bức mạnh mẽ đến thế.
Nếu ví cậu lúc trước như chú mèo giương nanh múa vuốt, thì khi đứng trước người đàn ông kia cậu như bị tóm cổ, lông mèo xù lên lại chẳng thể làm gì.
Mà người đó mới chỉ nhìn cậu một cái thôi.
A Phúc bưng một ngọn đèn lên, dè dặt hỏi: "Nhị thiếu gia, cậu có đọc sách nữa không?"
Tô Sầm nhìn chồng sách vở trên bàn, nói: "Đặt đèn xuống, ngươi lui xuống đi." Cậu tiện tay vớ lấy cuốn Trung Dung, giở được đôi trang lại ném về.
Cậu dồn sức vào lúc học thường ngày rồi, chuyện nước đến chân mới nhảy này không phải tác phong của cậu. Tô Sầm quay lại, thấy A Phúc vẫn đứng yên tại chỗ, cẩn thận lựa lời: "Nhị thiếu gia, hay là em cũng đi đốt tiền cho cậu nhé, em biết nhị thiếu gia coi thường mấy chuyện này, nhưng đúng như tên béo kia nói đấy, thà tin là có chớ tin là không, em đi thay cậu cho, cậu cứ nghỉ ngơi ở nhà là được."
A Phúc này vốn là thuộc hạ của lão gia, ban đầu Tô Sầm chỉ nghĩ người này được ông cụ phái theo giám sát cậu, giờ xem ra cậu ta cũng thật lòng thật dạ nghĩ cho mình. Nghĩ vậy, Tô Sầm không nhịn được nói đùa: "Ngươi không sợ nửa đêm qua đó một mình bị lệ quỷ kia bắt đi ăn thịt à?"
A Phúc giật mình, mặt mày trắng bệch, song vẫn kiên trì nói: "Nhưng...nhưng mà..."
Tô Sầm cười bảo: "Ngươi yên tâm, nhị thiếu gia nhà ngươi có bản lĩnh thật sự, không cần quỷ thần phù hộ. Bây giờ ngươi về nghỉ đi, đừng gây tiếng động gì quấy rầy ta ngủ, không là ta kéo ngươi ra cho ma xơi đấy."
A Phúc nhoẻn miệng cười, cúi người lui ra.
Hôm sau, Tô Sầm chuẩn bị đầy đủ sách bút, trản đèn, ba cây nến, đi theo đội quân sĩ tử trùng điệp vào cổng chính cống viện, nhìn dòng chữ thầy mình viết trên cột, cậu nhe răng bước vào.
Giương mắt nhìn thiếu gia nhà mình vào cửa, đến khi cổng khép lại vẫn không có hành động bất thường gì, A Phúc mới dám thở phào.
Nơi ứng thí trong cống viện là những gian phòng nhỏ, dài năm thước, rộng bốn thước, cao tám thước. Nói cho bùi tai thì là phòng nhỏ, còn nói khó nghe thì chẳng bằng cái chuồng. Thi Hội gồm ba lần, mỗi lần ba ngày, cũng tức là đến đêm phải ngủ lại cái chuồng nhỏ này, mùa đông lạnh giá còn chẳng duỗi được chân. Tô Sầm thấy vậy không khỏi nhếch miệng, thầm nghĩ phải nhanh chóng viết cho xong rồi ra sớm, nếu không cần thiết thì nhất quyết không ngủ lại đây.
Tìm thấy phòng thi của mình, Tô Sầm vừa định bước vào đã nghe vài tiếng gào thét vang lên phía sau. Cậu quay lại, chỉ thấy một kẻ cao gầy đang chỉ vào một tên béo mà mắng nhiếc.
Tô Sầm nhướng mày, trùng hợp không cơ chứ, tên béo này chính là người đốt tiền vàng hôm qua.
"Con nhà giết lợn như mi đỗ được Cử nhân đã là được tổ tiên phù hộ cho rồi, vậy mà cũng dám tham gia thi Hội, mọi người đều học trường học lớp, cái ngữ như mi được tới đâu chính mi không rõ à? Còn dám ra chạy ra cho mất mặt cơ đấy!"
Chẳng mấy chốc đã có một toán người vây quanh, tên cao gầy kia càng mắng càng hăng tiết, còn tên béo thì chỉ cúi đầu lau mồ hôi. Giữa tháng Hai bị người ta mắng đổ mồ hôi mà cũng không đáp trả, nếu không phải kẻ này quá hèn nhát thì tức là quá thâm hiểm.
Đến khi lính tuần trong cống viện phát hiện ra thì đám đông mới giải tán, tên cao gầy vừa đi vừa chửi, tên béo lau mồ hôi, vừa quay lại đã thấy nụ cười đầy ẩn ý của Tô Sầm.
Tên béo cũng nhận ra cậu, gã cười gượng, sau đó chắp tay vào căn phòng bên cạnh.
Lúc này Tô Sầm mới quay đầu lại, cúi người vào chiếc chuồng nhỏ của mình, vừa ngồi vào trong đã có người lại khóa cửa, Tô Sầm bày đồ dùng lên bàn, vươn vai rồi nhắm mắt suy nghĩ. Đến khi mở ra, cặp mắt kia bỗng trở nên trong trẻo và sắc bén.