Trùng Sinh Chi Si Tửu Hữu Diễn

Chương 57: Lên men (hạ)



Trước đó, lò rượu đem cơm đã ủ và phơi khô trộn với nước lạnh theo tỉ lệ, đổ vào trong thùng sắt. Các tàng nhân cúi người xuống, rải bánh men rượu vào quấy đều, sau đó lại ủ một ngày một đêm.

Lên men lần hai chia làm ba lần, lần thứ nhất tiến hành vào buổi sáng, Hạ Việt im lặng đứng bên cạnh xem mọi người làm việc.

Ngày này cách đây một năm là lần đầu tiên hắn được vào lò rượu, Hạ Việt nghĩ lại mà hoài niệm vô cùng. Hắn vẫn nhớ rõ phương pháp lên men, không được quá mạnh tay, chú ý tiết tấu, không nghiền nát cơm mà để chúng tự mềm ra, duy trì một động tác cố định trong mấy canh giờ liền.

Bất kỳ tàng nhân nào được hỏi đều phải thừa nhận đấy là một công việc vô cùng khô khan, trái lại không ai than thở gì cả, chỉ chuyên tâm làm việc. Trong phòng, chỉ nghe tiếng mộc sạn đảo qua đảo lại.

Đỗ sư nhìn chằm chằm lư hương nhỏ bên cạnh, nguyên sư thấy không sai biệt lắm, quay người sang xin chỉ thị của Đỗ sư: “Cha, có thể chưa ạ?”

Đỗ sư nhìn lư hương, gật đầu.

Các tàng nhân đồng loạt dừng động tác trong tay, mấy học đồ lục tục mang dụng cụ đi rửa.

Hạ Việt ngồi xuống, dùng bay gỗ san phẳng mặt cơm, mọi người tạm thời đậy kín thùng cơm lại, nửa canh giờ sau tiến hành đợt rải men tiếp theo, rồi nửa giờ sau làm thêm lần nữa là được.

Qui trình lên men rốt cục hoàn tất.

Các tàng nhân đổ ba thùng cơm đã lên men vào trong vại gỗ, dùng gậy nhẹ nhàng quấy, lúc này, cơm đã biến thành dạng hỗn hợp hơi sệt. Người ta đưa vại vào chỗ mát, đợi các vi sinh vật sinh sôi và tiêu diệt hết tạp khuẩn, con men thiên nhiên phát triển và phá vỡ cấu trúc của đường trong gạo, lượng men tăng lên đến một mức độ nào đó sẽ tự động ngừng lại.

Trong khoảng thời gian chờ đợi, lò rượu liền chuẩn bị làm mẻ rượu thứ hai. Lúc này, gió đông đã từ từ len lỏi vào Dận thành.

Hạ Việt dặn người đốt lò sưởi lên, có điều Thẩm đại phu dặn không nên đốt nóng quá, không có lợi cho thai phụ.

Thức Yến cũng không còn thời gian mà ngủ gà ngủ gật nữa, vào đông, y cùng Vân phụ thân bắt đầu thu xếp sổ sách của Vân gia, không chỉ có lò rượu và Hỉ Cửu Túy mà còn vài cửa hàng cho thuê ở khu Đông, cuối năm phải đi một chuyến thu tiền, xem có chỗ nào cần tu sửa hay không.

Thừa dịp bụng chưa lớn lắm, Thức Yến cùng Vân phụ bắt đầu bôn ba khắp nơi. Hạ Việt biết chuyện cũng không ngăn y lại, dù sao nên để mấy người kia biết mặt thiếu phu nhân nhà mình, sau này tiền bạc trong nhà cũng do y quản lý.

Vân phụ thân vốn định dần buông tay để Thức Yến tập làm quen, có điều bây giờ y đang có em bé nên không tiện, cuối cùng vẫn tích cực dạy cho y vài chuyện lặt vặt.

Thức Yến hiện tại trong bụng thêm một người, di chứng bệnh cũ hầu như đã khỏi hẳn, sức ăn đương nhiên càng lúc càng lớn, một ngày ăn bốn năm bữa không nói, khẩu phần cũng sắp vượt qua Hạ Việt.

Hạ Việt đương nhiên là chiều y vô điều kiện, chỉ cần không vượt qua giới hạn của Thẩm đại phu, hắn liền để Thức Yến ăn thoải mái. Thỉnh thoảng mỗi khi sang Hỉ Cửu Túy kiểm tra, Hạ Việt cũng vòng qua phố mua cho y ít đồ ăn vặt.

Hỉ Cửu Túy mùa đông lại chuẩn bị bán rượu nóng. Hôm nay đã không cần thiếu đương gia thường xuyên đến xem, dân sành rượu ở Dận thành ai cũng ngóng trông mùa đông mau mau đến, hiện tại quán lúc nào cũng đông nghịt.

Bởi vì Thức Yến theo Vân phụ thân học quản lí sổ sách, Hạ Việt cũng đem sổ sách của Hỉ Cửu Túy về cho y xem, sau đó nói với Phương quản sự nếu mình bận quá thì hắn cứ tìm thiếu phu nhân cũng được.

Ở Việt kinh, phu lang giúp đỡ trượng phu quản lý nhà cửa là chuyện rất đỗi bình thường, nơi đó không chỉ là mạch máu kinh tế mà còn là trung tâm chính trị, để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho Hạ Việt. Tuy rằng chỉ ở trong kinh mấy ngày, nhưng Hạ Việt cảm giác mình bị ảnh hưởng không ít, hơn nữa hắn còn là người hiện đại xuyên đến, tư tưởng cởi mở hơn nhiều. Thức Yến có năng lực, Hạ Việt cũng nguyện ý để y tham dự vào sự nghiệp của mình.

Hắn không muốn phân giới hạn quá rõ với đứa nhỏ kia.

Chỉ là văn hóa của Việt kinh còn chưa thổi đến đây, Thức Yến bản thân cũng tương đối truyền thống, trượng phu uỷ quyền cho làm y rất là thụ sủng nhược kinh, vừa lo sợ có người nói này nói nọ, lại vừa muốn làm thật tốt để không cô phụ tín nhiệm của nam nhân.

Hạ Việt rất thích y như thế, cho dù chuyện mình yêu cầu có phi lý đến mức nào đi nữa Thức Yến cũng sẽ không dị nghị, không chỉ ngoan ngoãn thuận theo còn cố gắng làm tốt.

Vì vậy, Hạ Việt phi thường an tâm quay lại lò rượu làm việc.

Hắn đặt mười hai vạn phần tâm tư vào thùng rượu đầu tiên, bởi vì đấy chính là rượu Vân Khởi.

Hạ Việt đối với Vân Khởi có chút cảm tình riêng, không chỉ vì nó là cống phẩm năm nay mà còn là loại rượu đầu tiên hắn tham dự vào quá trình sản xuất. Chính là lúc làm Vân Khởi, hắn mới học được cách nấu cơm và cách ủ rượu. Thức Yến thích Vân Khởi vô cùng, một năm này, Hạ Việt hy vọng có thể nói cho y biết, rượu này là chính tay hắn làm.

Đến ngày thứ tư, đoàn người chuẩn bị ủ nóng dung dịch cơm rượu của thùng thứ nhất.

Bể ủ được tạc bằng đá, thoạt nhìn rất giống cái siêu nấu nước ở trái đất. Cái bể này giữ nhiệt rất tốt, người ta đổ nước nóng vào bể, đặt cơm rượu vào thùng sắt rồi nhúng vào bể, giúp axit lactic phát triển thuận lợi hơn.

Lần đầu tiên ủ nóng, ngày nào mọi người cũng phải châm nước mới vào bể, đến lần thứ năm thì cơm rượu bắt đầu bốc mùi. Đó là một thứ mùi kỳ lạ hỗn tạp, vừa chua vừa hôi phiêu đãng trong không khí. Hạ Việt lần đầu ngửi thấy thì vô cùng khó chịu, nhưng hắn không than vãn gì, nam nhân biết, mùi hương kia tượng trưng cho việc axit lactic đang phát triển thuận lợi.

Những ngày kế tiếp, Hạ Việt và các tàng nhân vẻ mặt bình tĩnh tiếp tục ủ nóng và quấy đều cơm rượu, phảng phất như không ngửi thấy mùi hương nồng nặc kia.

Bảy ngày sau, bọt khí trong men nổ ra, dung dịch cơm sền sệt bắt đầu phình to.

Đỗ sư và mọi người vây quanh thùng lớn, chăm chú nhìn vào trong bể, ai nấy đều mỉm cười nhẹ nhõm. Con men hoạt động thuận lợi, đã bắt đầu tiêu diệt tạp khuẩn.

Phản ứng của bọt khí vô cùng kịch liệt, tốc độ bành trướng cũng nhanh, mọi người ở lò rượu đành thay phiên nhau coi chừng, cách một lúc phải dùng bay san phẳng mặt cơm để tránh cơm trào ra ngoài.

Hôm nay một vị nguyên sư lười biếng dựa vào thành bể ngủ gật, kết quả bị bọt khí trào ra ướt nhẹp quần áo, mỗi khi đám Đỗ sư say rượu là lại lôi chuyện này ra cười.

Vân Khởi ủ xong, Hạ Việt cũng thả lỏng được một chút, ngoại trừ buổi sáng nấu cơm ủ gạo, thay phiên nhau trông chừng thì hắn không phải làm gì cả. Buổi sáng thỉnh thoảng Hạ Việt còn đem bánh cơm về nhà, dùng chậu than nướng lên cho Thức Yến ăn.

Chưa được mấy ngày, lò rượu lại lâm vào trạng thái như chuẩn bị đi đánh trận.

Hôm đó, mọi người sắp sửa ủ sôi cho Vân Khởi.

Đã gọi là ủ sôi, người ta cũng dùng nước rót vào trong cơm đã ủ, tiến hành tương tự như ủ nóng, có điều lò rượu sẽ dùng nước sôi để giết chết con men, ngăn chúng tiếp tục sinh nở.

Ở kiếp trước, Hạ Việt từng lăn lộn đi theo đối tác nghe người ta giảng giải trình tự chưng cất rượu, đến bước này lại chả hiểu ra làm sao cả. Tại sao ban đầu vất vả ủ men như thế cuối cùng lại tiệt trùng hết, thế thì rượu ở đâu ra.

Nghe bạn bè tỉ mỉ giải thích xong, Hạ Việt mới hiểu được, ủ sôi không đồng nghĩa với tiệt trùng mà chỉ loại bỏ men yếu kém cùng tạp khuẩn còn lại, chỉ có con men tốt khỏe mới có khả năng sống sót.

Tuy rằng số lượng men sẽ bị giảm, nhưng số men khỏe lưu lại sẽ trở thành một đội quân tinh nhuệ, có thể giúp làm ra rượu ngon.

Ủ sôi cũng chính là quá trình nguy hiểm nhất, nếu thời gian ủ quá dài, nhiệt độ quá cao có thể giết chết cả men tốt.

Vân Khởi giằng co chừng nửa canh giờ, trong lúc đó mọi người không ngừng châm nước mới vào bể. Bong bóng khí vốn đã ngừng nổ nay lại mãnh liệt trào lên, thoạt nhìn hệt như đang giãy dụa.

Sau khi ủ sôi xong, dung dịch cơm sẽ được đưa đi làm mát và phơi khô.

Đây là giai đoạn để cho men nghỉ, bọt khí đã ngừng nổ, thoạt nhìn rất sóng yên bể lặng. Nhưng mấy tàng nhân cũng không dám thư giãn, mỗi ngày đúng giờ lại dùng gậy quấy, bảo trì nhiệt độ thấp để giúp men phát triển.

Đến đây, bước khó khăn nhất coi như kết thúc.

Mà sau đó không lâu, Thức Yến cũng bắt đầu xuất hiện phản ứng nôn nghén.

Vân phụ thân và Bạch cha lúc mang thai lại nôn nghén rất sớm, Thức Yến không đến nỗi thế nhưng từ một hai tháng trước tinh thần y bắt đầu yếu hẳn, rất dễ mệt mỏi. Cho dù là ở nhà hay đi ra ngoài, cho dù là rảnh rỗi hay bận rộn, chỉ cần thức tầm một canh giờ là Thức Yến lại buồn ngủ, thế nhưng đến khi trèo lên giường, y lại không ngủ được.

Hạ Việt cố gắng ở cùng y, thấp giọng nói chuyện, thỉnh thoảng còn dỗ y ngủ.

Nhưng cho dù có ngủ thì Thức Yến cũng không ngủ được lâu. Em bé trong bụng đang lớn dần, gây áp lực lên thận và bàng quan nên ngoài nôn nghén thì Thức Yến rất hay mắc tiểu.

Tối đến, y cũng phải đi vệ sinh nhiều lần, mà mỗi lúc như thế lại phải đánh thức nam nhân dậy, Thức Yến không đành lòng, có một thời gian còn cố nín, lúc Hạ Việt phát hiện liền quát cho một trận tơi bời, bắt Thức Yến mặc kệ có chuyện gì, từ nay về sau chỉ cần thấy không khỏe phải lập tức báo ngay với hắn.

Lúc bụng Thức Yến bắt đầu hiện rõ thì Vân Khởi đã tiến vào giai đoạn thêm men. (1)

————————————————

(1) Giai đoạn thêm men: Bước thêm nấm men, cơm trắng và nước vào trong hỗn hợp cơm rượu trong công đoạn “nguyên”, qui trình này kéo dài từ 18 – 32 ngày, đây sẽ là hỗn hợp cuối cùng trước khi ép thành rượu.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv