Dạo này khí hậu rất tốt, những ngày sau đó thời tiết lúc nào cũng sáng sủa và không có mưa. Chỉ là hôm nay trời hơi âm u, mọi người đành phơi lúa thêm mấy ngày để chúng khô hẳn.
Đôi song sinh hồi Tết còn thích chơi đắp người tuyết với Hạ Việt nay đã cao đến đốt thứ sáu của sào trúc, Hạ Việt cùng hắn đứng trong sân phơi, giàn phơi nhìn từ xa trông như những dải tua rua óng vàng lấp lánh.
Ngày xưa Bạch gia chỉ cần dùng hai bộ giàn phơi là được, năm nay thu hoạch tăng cao nên không đủ dùng, diện tích sân phơi cũng có hạn, chỉ có thể nối thêm dây vào sào trúc, dựng giàn phơi mới ngay ngoài ruộng rồi treo lúa lên.
Hạ Việt trèo lên thang tre, lấy mấy bó lúa ở chỗ cao nhất rồi đưa cho Thức Yến đang đứng bên dưới. Thức Yến chất lúa vào một chiếc sàng to, sau đó kéo chúng qua một bên. Bạch phụ thân dẫn theo Dĩ Ngao và Dĩ Nhạc đến, Hạ Việt cũng phái vài hạ nhân của Vân gia đi hỗ trợ, bọn họ dùng xe cút kít để đẩy lúa về, không tốn sức mấy, có điều phải đi lại nhiều.
Lúa trên sàng được đem đi hết, Hạ Việt cùng Thức Yến di chuyển tới chỗ tuốt lúa, nhìn y đẩy ra một nông cụ hắn chưa thấy bao giờ.
“Cái này gọi là thiên xỉ (ngàn chiếc răng).” Thức Yến thấy trượng phu ngờ ngợ nhìn mình liền cười nói cho hắn biết.
Hạ Việt hứng thú quan sát thứ nông cụ kia, thiên xỉ kỳ thực là hai tấm ván gỗ xếp nghiêng vào nhau tầm 70, 80 độ, dùng gậy gỗ cố định lại, trên tấm ván gỗ có rất nhiều gai nhỏ nằm song song với mặt đất, thế nên người ta mới gọi nó là thiên xỉ, cạnh miệng thiên xỉ kê vải trắng để hứng lúa. (1)
Trong lúc Hạ Việt còn đang nghiên cứu thiên xỉ thì Thức Yến lại từ trong phòng kho đẩy ra một cái khung và một tấm vải trắng rất lớn.
“Cái này dùng để hứng lúa à?” Hạ Việt thấy liền đoán ngay được công dụng.
Thức Yến gật đầu, cầm một bó lúa lên, để phần ngọn vào miệng thiên xỉ, y nhẹ nhàng kéo vài cái, hạt thóc liền rào rào rơi xuống tấm vải trắng.
Hạ Việt nhìn một lát cũng thấy thích, học theo Thức Yến dùng thiên xỉ tuốt lấy thóc, công việc này không đòi hỏi kỹ xảo gì nên hắn rất thuận lợi mà thành công. Nam nhân cao hứng luồn tay vào đống thóc đã tuốt xong, thấy trên thân lúa còn sót một ít thóc, hình như đều là những hạt lép nhỏ.
“Thức Yến…” Hắn quay đầu hỏi phu lang, “Thóc còn sót lại thì mình tính sao?”
Thức Yến ngồi cạnh đang cởi dây buộc lúa, nghe thấy trượng phu hỏi, y ngẩng đầu nhìn thoáng qua, sau đó cười đáp: “Bỏ đi thôi, không bị thiên xỉ tuốt xuống thì toàn là hạt lép cả.”
“Thế à…” Hạ Việt thật ra lo lắng có cá lọt lưới, bất quá ngẫm lại, Thức Yến quý trọng lúa như thế lại cam đoan với hắn, chắc thiên xỉ không bỏ sót quá nhiều đâu.
Nghĩ đoạn, hắn cũng không ngồi suy tư nữa, bà xã giỏi giang như vậy làm Hạ Việt có chút không cam lòng, nhanh chóng chuyên tâm tuốt lúa.
Hai người cùng làm thì tiết kiệm thời gian hơn nhiều, mỗi lần tấm vải đầy thóc thì hai người lại ngừng tay, đổ thóc vào cái mẹt bên cạnh rồi mới làm tiếp. Chừng một canh giờ sau, cả hai bỗng nghe tiếng reo của đôi song sinh nhà họ Bạch.
“Ca ca, ca phu!” Hai đứa nhỏ bình thường nghịch đến mức cả người toàn bùn đất, nay lại sạch sẽ tinh tươm đứng trước mặt Hạ Việt và Thức Yến, dõng dạc nói: “Chúng ta tới giúp các ngươi nhặt thóc!”
Hạ Việt và Thức Yến đưa mắt nhìn nhau, sau đó bật cười, không nhịn được đưa tay sờ sờ đầu bọn đệ đệ.
Thư Hỉ và Thư Dự vui vẻ kéo tấm vải đầy thóc Thức Yến để trong góc sang, ngồi xổm xuống nhặt một ít cỏ rác sót lại, sau đó cẩn thận đổ vào trong sàng.
Chờ đến khi mấy người Bạch phụ từ trong ruộng trở về đã trông thấy hình ảnh ấm áp một nhà bốn người như thế.
Dĩ Ngao vừa dỡ lúa trên giàn xuống vừa thầm hỏi, hài tử trong bụng ca ca sau khi lớn lên có về phụ giúp nhà mình không nhỉ. Sau đó thiếu niên lại lắc đầu một mình, con cháu Vân gia sao lại đi làm việc nhà nông được, nếu là con của mình thì còn may ra, mong sau này nó hiểu chuyện một chút.
Nếu là con của mình…
“…”
Dĩ Nhạc kéo lúa sang chỗ Thức Yến xong, quay lại nhìn Dĩ Ngao, ngạc nhiên hỏi: “Nhị ca, sao mặt ngươi đỏ thế? Ngươi nóng à?”
Dĩ Ngao nghe vậy thì giật mình, sờ sờ mặt, nhanh chóng lắc đầu với đệ đệ.
Dùng thiên xỉ tuốt thóc ra, nhặt sạch cây cỏ và sạn lẫn vào, sau đó mọi người lại bê chúng ra một cái máy gỗ gọi là dương cốc xa. Dương cốc xa thực chất là một cái thùng rỗng, bên trong có trục bánh xe và cánh quạt. Người ta đổ thóc vào miệng phễu phía trên rồi quay đều chiếc cần bên ngoài, trục bánh xe trong dương cốc xa sẽ tạo ra gió, thóc tốt và nặng hạt trực tiếp rơi xuống chậu hứng, vỏ trấu và thóc lép sẽ rơi xuống khay chứa ngay bên cạnh, còn bụi bặm sẽ bị gió trực tiếp thổi ra cửa thông bên trái.
Sử dụng dương cốc xa chủ yếu vẫn là điều chỉnh tốc độ, gió quá mạnh sẽ thổi cả thóc tốt vào khay đựng rác, gió quá nhỏ lại không lọc được tạp vật. Cuối cùng chỉ có Bạch phụ và Thức Yến mình đầy kinh nghiệm đi làm, Dĩ Ngao và Hạ Việt phụ trách đổ thóc vào miệng phễu còn nhóm tiểu lang quan chờ chậu hứng đầy thì kéo ra đổ vào túi đựng.
Người một nhà phân công hợp tác, hiệu suất ngược lại không tệ, chỉ là số lượng lúa khá nhiều, cho dù làm cả ngày đêm cũng chưa chắc xong. Cũng may mấy ngày tới xem ra sẽ không có mưa to, mọi người cất số lúa chưa kịp tuốt vào trong góc nhà kho, dùng vải bố phủ lên tránh chim chóc tới phá.
Cứ như vậy duy trì liên tục gần một tuần, Bạch gia đã tuốt hết lúa xong, lại tốn thêm ba bốn ngày nữa để lọc gạo.
Bạch gia để lại ba mươi cân lúa làm giống, còn lại đều phân thành loại nhất đẳng và nhị đẳng cất vào nhà kho, chờ qua mùa mưa thì đem đi xay là được.
Sau đó, Hạ Việt rốt cục biết Lạc Việt xay gạo bằng phương pháp gì.
Qua cơn mưa, người ta dẫn nước vào guồng, dùng lực đẩy để di chuyển công cụ xay gạo. Công cụ này còn khéo léo hơn Hạ Việt tưởng, phía trên cũng có một miệng phễu, thóc được đổ vào một cái bồn hình trụ, bên trong có một trục xoay bằng đá được cố định chắc chắn vào đáy thùng, guồng nước sẽ đẩy trục xoay chuyển động, cọ xát vào lớp vỏ trấu, cho ra gạo trắng.
Người nào chế ra được công cụ này hẳn vô cùng thông minh, Hạ Việt cầm lấy hạt gạo trắng đã được xát bảy phần, tính toán khoảng cách của trục xoay và thành bồn, mới bắt đầu mà đã có thể nghiền ra tinh mễ bảy phần thế này, nếu có thể thu hẹp khoảng cách kia lại, có khả năng cho ra được tinh mễ phần trăm thấp hơn nữa, thậm chí đạt tới năm phần cũng không ngoa.
Nhưng khi nhìn thấy nông dân vất vả trồng trọt như vậy, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ xuống mới ra được gạo, Hạ Việt lại cảm thấy, nếu bắt người ta nghiền đi gần nửa số gạo, thực sự có chút không đành lòng. Ở hiện đại còn có máy móc và nhân số lao động lớn, ở đây tối đa chỉ có thể mượn sức súc vật cày cấy, phần lớn việc nhà nông đều phải dựa vào con người, nếu như dùng gạo năm phần chưng cất rượu, thế thì càng phải sử dụng nhiều lúa hơn.
Hắn nhìn vốc gạo trắng ngần trong tay, cuối cùng vẫn đem ý niệm muốn dùng tinh mễ năm phần chưng cất rượu chôn sâu xuống đáy lòng.
Cho dù chỉ có bảy phần, bọn hắn cũng nhất định làm ra được rượu ngon như quỳnh tương cam lộ!
Nam nhân đứng dậy, trên mặt lộ ra một nụ cười tự tin.
Đầu tháng Chín, Bạch gia cho gạo vào thúng tre, chuyển đến lò rượu của Vân gia.
Việc nhà nông toàn bộ kết thúc, Thức Yến rốt cục rảnh rỗi, lại bắt đầu làm tổ trong nhà. Biết mình lại sắp phải ra lò rượu, Hạ Việt liền quyết định tranh thủ ở nhà chơi với phu lang.
Vân phụ thân đã sớm nhờ người may cho Thức Yến mấy bộ y phục mới, bộ nào cũng rộng rãi, hiển nhiên là đã tính toán đâu vào đấy, ngay cả quần áo mùa đông và mùa xuân đều đầy đủ, lúc tiệm may đem đến, Vân phụ thân liền trực tiếp sai hạ nhân mang qua Đông viện cho con dâu.
“Cha may sớm quá, ta còn chưa lộ bụng mà.” Thức Yến mặc thử một bộ, sau đó giơ tay cho trượng phu nhìn.
Hạ Việt cười kéo kéo vạt áo bào dài thượt kia, chỉ cảm thấy Thức Yến nhỏ nhắn lọt thỏm trong bộ đồ to đùng nhìn dễ thương kinh khủng.
“Làm sớm cũng được mà, bộ này dày nè, chờ tới mùa đông mặc đi.”
Thức Yến cúi xuống nhìn nhìn, rồi lại nghiêng đầu suy nghĩ: “Cơ mà vẫn rộng lắm.”
“Vậy đầu xuân mặc.” Hạ Việt ghé qua thơm mạnh lên má y một cái, lại dỗ Thức Yến thay sang một bộ khác.
Bộ thứ hai thật ra tương đối vừa người, quần áo màu vàng nhạt làm nổi bật gương mặt mềm mại trắng nõn của tiểu hài tử, Hạ Việt nhìn thích muốn chết.
Hắn xem xét mấy món xiêm y còn lại, cũng không bắt Thức Yến mặc thử, nhìn thấy mấy đôi giày mới kia, trong đó có hai đôi to đùng, phỏng chừng là sợ sau này Thức Yến bị phù nề (3).
Hạ Việt gọi người tới cất y phục đi, lại ôm phu lang nhà mình vào lòng, chờ hạ nhân lui xuống liền bắt đầu hôn lên mặt đứa nhỏ.
Thức Yến ngoan ngoãn để hắn hôn, y buông mắt nhìn xiêm áo trên người mình, quay đầu hỏi trượng phu: “Tướng công thích bộ này à?”
“Ừ.” Hạ Việt cười híp mắt gật đầu, “Phu lang mặc như vầy đẹp lắm, sau này chịu khó chọn màu nào tươi sáng chút ha?”
Thức Yến nghe đoạn, đỏ mặt đáp: “Mấy màu đó thường chỉ có trẻ con mặc thôi.”
“Không phải ngươi cũng mới mười mấy tuổi đó sao.” Hạ Việt nhéo nhéo mặt y.
Thức Yến lập tức phản bác, “Sang năm là ta đã hai mươi rồi!”
Thức Yến thầm nghĩ, y đã kết hôn rồi mà còn mặc quần áo sặc sỡ của tiểu khanh quan, bảo đảm sẽ bị người ta nói là cưa sừng làm nghé.
Hạ Việt đương nhiên không đồng ý: “Hai mươi thì sao, Thức Yến nhà ta so với khanh quan mười mấy tuổi kém chỗ nào? Quần áo là ta đưa, ngươi mặc cho ta xem, cũng không phải mặc cho bọn họ nhìn.”
Chỉ cần trượng phu nói thích, Thức Yến sẽ không có sức chống cự, xiêm y đương nhiên là mặc cho hắn ngắm, tuy y vẫn cảm thấy có chút thẹn thùng, thế nhưng cuối cùng vẫn gật đầu đáp ứng.
Sau đó, Hạ Việt may cho y một đống quần áo nào hồng nào đỏ, nào xanh nào vàng, Thức Yến nhìn mà dở khóc dở cười, mặc những màu này đều là khanh quan 14 15, mình còn sắp sinh con cho người ta, mặc như này thể nào cũng bị chê cười.
Bất quá Thức Yến cũng không phải là không thích, y là nông gia hài tử, từ nhỏ ít khi nào được mặc quần áo sáng màu, lúc này bản thân chưa tới 20, trượng phu còn khen đẹp, y cảm thấy ngọt ngào không thôi, bị cười cũng được, chỉ cần nam nhân của mình vui.
Vì vậy ngày đó, Thức Yến mặc nguyên một bộ xiêm y vàng nhạt đi qua đi lại, đến tối lúc tắm rửa mới thay ra.
————————————————
(1) Thiên xỉ: Tác giả mô tả dựa theo máy tuốt lúa kiểu này
(2) Dương cốc xa và nguyên lí hoạt động:
(3) Chứng phù nề khi mang thai: Hiện tượng chân bị sưng phồng, thường gặp ở mu bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân ở các thai phụ vào những tháng cuối cùng.