Một lần tình cờ, trong một tửu lầu tại một nơi nào đó, ba chúng tôi cùng nhau dùng bữa tối, lại được dịp nghe cô ca kỹ nổi tiếng nhất nơi đây, cất lên giai điệu ngọt ngào.
Thiếp vì chàng rung động
Vì yêu chàng mà đau lòng;
Chàng vì thiếp cô độc
Vì yêu thiếp mà lạc lõng bơ vơ.
Tình yêu đến
Chạm cả đáy lòng
Tình lang ơi,
Nắm lấy tay thiếp
Đôi ta ước hẹn cho đến vĩnh hằng
Thiếp nguyện vì chàng nâng khăn sửa túi
Chàng nguyện vì thiếp lo lắng trọn đời.
Đâu cần thề non hẹn biển
Chỉ cần chàng bên thiếp mãi không xa rời.
Trải qua muôn thăng trầm
Vượt qua ngàn biến đổi
Đến cuối cùng ta vẫn ở bên nhau
Đâu cần thề non hẹn biển
Chỉ cần chàng bên thiếp mãi mãi đến kiếp sau.
Phải chăng ngay từ khi gặp gỡ
Ông trời đã định
Ta mãi bên nhau?(*)
Khiết An im lặng lắng nghe bằng một thái độ say mê nhất. Tôi thấy lời bài hát sao quá đỗi phong tình nên cũng chẳng thích con bé đặt nhiều quan tâm như vậy. Nhưng nhìn vẻ mặt ngây thơ của Khiết An thoáng trầm tư, tôi cũng không nở cắt ngang nguồn cảm xúc ấy.
Lý Nhật Trung quay sang nhìn tôi, đôi mắt cũng dạt dào tâm tư.
Trên xe ngựa, Nhật Trung nửa đùa nửa thật nói với tôi: “Những gì cô đào khi nãy hát, ta có cảm giác là dành cho chúng ta.”
Tôi cúi đầu, tay vò chiếc khăn đang cầm: “Vương gia, ngài đừng nói nữa.”
Nhật Trung thở dài: “Em có biết khi em gọi ta hai tiếng “Vương gia”, khoảng cách ấy xa xôi đến cỡ nào không? Ta thích em như xưa, gọi tên ta hay gọi ta là anh; ta còn có cảm giác mình tồn tại trong lòng em – dù chỉ là một ít.”
Những lời Nhật Trung nói, không phải tôi không hiểu, chỉ là tôi không thể nào tiếp nhận được: “Vương gia, tôi có gì để khiến ngài phải bận lòng như thế?”
Nhật Trung bật cười – nụ cười mà tôi chẳng rõ là vui vẻ hay xót xa: “Nếu ta trả lời được, thì ta đã có thể ngừng yêu em.”
Tôi không dám đối diện Nhật Trung, mắt chăm chăm nhìn gương mặt đang say ngủ trên chân mình của Khiết An. Trước giờ tôi cứ nghĩ mình vốn dĩ dễ mềm lòng. Người mềm lòng thì sẽ dễ thay đổi, cớ sao tình cảm dành cho người ấy, chưa một ngày phai nhạt trong tôi?
Nhật Trung thấy tôi im lặng, một lần nữa lại lên tiếng: “Em không cần quên và không cần ép bản thân phải quên. Ta yêu em và ta cũng yêu luôn ký ức của em. Mặc dù nó làm em đau khổ, nhưng cũng chính nó đã từng đem đến cho em hạnh phúc…”
Lý Nhật Trung…
*
* *
Tôi theo Nhật Trung quay về phủ Phụng Càn vương. Hoàng thượng vừa nghe tin anh ấy quay về sau chuyến ngao du, lập tức cho người truyền gặp. Phận làm thần tử, Nhật Trung không thể không đi dù trong lòng cũng không muốn. Anh ta đưa tôi vào mật thất, rồi mới an tâm vào cung.
Lý Nhật Trung lo lắng cho tôi đến mức, khi anh không có ở trong phủ, liền ép tôi phải vào mật thất, không cho ra ngoài. Trong lòng anh bao lâu nay vẫn luôn lo sợ, chỉ cần một giây không có anh ở cạnh, tôi có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Tôi không muốn anh bận lòng, nên ở yên nơi đó, lặng lẽ chờ anh.
Nhật Trung quay về, tâm trạng vô cùng nặng nề. Tôi theo gạ hỏi mãi, anh mới cho hay, hoàng thượng muốn anh đích thân cầm quân ra trận. Lần này, thế lực giao chiến, lại là Đại Tống hùng mạnh nên phương bắc xa xôi.
“Nguy hiểm như vậy sao hoàng thượng lại để ngài đi? Hoàng thượng rốt cuộc muốn gì?” – Tôi bức xúc lên tiếng.
“Chân à, hoàng thượng vì tin tưởng ta, mới để ta đi.” – Nhật Trung nhẹ nhàng trấn an tôi.
“Tin tưởng sao? Đại Tống hùng mạnh, liệu trận này ngài chắc bao nhiêu phần thắng? Hoàng thượng khác nào ép ngài đi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan?”
“Chân à, nếu ta không ra trận… hoàng thượng sẽ đích thân dẫn quân.”
Nghe đến đây, tôi không thể nào trả lời được nữa. Lý Nhật Trung thấy tôi im lặng liền hỏi: “Em nói xem, giữa hoàng thượng và ta, em muốn ai đi?”
“Tôi…” – Tôi ngập ngừng: “Nhưng tôi vẫn không muốn ngài gặp bất kỳ nguy hiểm nào.”
Lý Nhật Trung nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi: “Em không cần trốn tránh đâu. Dĩ nhiên cũng không thể để hoàng thượng gặp nguy hiểm. Trong số tướng lĩnh, người chỉ tin tưởng ta. Ta cũng không thể phụ thánh ân.”
“Vậy… trận chiến này, theo ngài kéo dài bao lâu?”
“Nhanh thì sáu tháng… chậm thì ba năm.”
“Hãy để tôi theo ngài ra chiến trường. Nếu ngài chiến thắng, bình an trở về thì tôi cùng ngài trở về… còn bằng ngược lại, tôi tình nguyện chết cùng ngài.”
“Nghe những lời này của em, ta thật sự rất vui. Em ở yên đây, trong mật thất, tuyệt đối đừng ra ngoài trước khi ta quay lại. Có như vậy ta mới an tâm đánh giặc, nhanh chóng quay về đây.”
“Vương gia, tôi…”
“Hoàng thượng nói, đây sẽ là trận chiến cuối cùng của ta. Dù thắng hay bại, sao này cũng không cần ra trận nữa. Đợi ta về, ta sẽ lại cùng em ngao du sơn thủy, có được không?”
Tôi không còn cách nào để từ chối Lý Nhật Trung. Đáng lí tôi đã định rời khỏi nơi đây. Nhưng giờ Nhật Trung phải cầm quân ra trận, chiến đấu với Đại Tống, lành ít dữ nhiều. Không phải tôi không tin tưởng anh ta, nhưng trong lòng vẫn dấy lên những dự cảm mơ hồ. Lần cuối cùng tôi muốn vì anh ta làm một việc, chính là ở yên trong mật thất, chờ đợi đến khi anh ấy bình an trở về. Lý Nhật Trung, tôi đã nợ anh ấy quá nhiều rồi. Điều tôi làm được cho anh, chẳng khác nào giọt nước giữa biển khơi, mãi mãi không so được với tấm chân tình anh dành cho tôi.
Đêm trước khi Nhật Trung lên đường, trong lòng tôi chấn động, bởi lẽ hoàng thượng đích thân tới phủ, nói chuyện với Nhật Trung.
Tôi đứng nép vào một góc, chờ đợi hoàng thượng đến rồi lại đi. Tấm lưng to lớn ấy qua bao năm vẫn không thay đổi, chỉ có vẻ uy nghiêm càng lúc càng rợn người. Nam ngốc nghếch năm nào nhìn theo ánh mắt tôi nhìn, bỗng chốc hóa nhạt nhòa.
Khiết An lau nước mắt cho tôi: “Chị…”
Tôi mỉm cười cùng em: “Chị ổn mà!”
Khiết An im lặng đứng bên tôi cho đến khi hoàng thượng hoàn toàn rời khỏi phủ. Cứ thà không gặp để rồi quên đi, chứ gặp lại làm chi, chỉ khiến tâm tư muôn phần nhung nhớ. Yêu thương kia được tôi cất giấu tận sâu tâm khảm, chỉ chực chờ khi có thể, lập tức vỡ òa. Đến cuối cùng tôi không thể quên đi bóng hình ấy, không thể bắt con tim mình ngừng yêu thương, cũng như không thể nào quên đi chính người đã ban lệnh cho cả nhà tôi cái chết.
Đêm đó tôi không còn tâm trạng nói với Nhật Trung lời nào. Mờ sáng hôm sau… tôi cũng chỉ biết lặng lẽ nhìn theo bóng lưng anh xa dần. Lý Nhật Trung, anh nhất định bình an trở về, tôi sẽ ở đây chờ anh. Còn nếu anh gặp nạn ngoài kia, tôi sẽ đi theo anh!
Hằng ngày tôi ở mật thất, cầu nguyện trời Phật phù hộ cho Nhật Trung. Nơi đây chỉ có mỗi Khiết An được phép bước vào. Hằng ngày em ấy đều cắm hoa cho mật thất bớt ản đạm. Bình hoa cúc dần thay thế bởi những chậu trạng nguyên. Xiêm y của tôi từ mỏng đến dày. Sau đó trong phòng tôi có mấy nhành đào, mấy nhành phượng vĩ, rồi lại đến cúc, trạng nguyên. Lý Nhật Trung hứa với tôi chậm nhất ba năm anh sẽ về, bây giờ đã gần hết năm thứ hai, thứ tôi nhận được duy nhất chỉ có một lá thư gửi tôi vào dịp sanh thần.
Hoàng thượng nơi cung cấm cũng đã chào đón công chúa thứ hai. Cả hai vị công chúa đều không phải Dương Tú Loạn hạ sinh. Khiết An nói lại với tôi, nghe trong cung truyền ra, bá quan văn võ còn đòi lập hậu khác nhưng tất cả ý kiến đều bị hoàng thượng bác bỏ. Chẳng lẽ bây giờ hoàng thượng thật sự yêu thương Dương Tú Loan? Cũng đúng thôi, với cương vị phụ nữ, tôi thông cảm cho cô ta. Tất cả cũng chỉ vì một chữ tình!
*
* *
Tháng ba âm lịch năm Thiên Khánh Gia Khánh thứ nhất (1059) (**), tin thắng trận nơi biên ải truyền về. Tròn hai năm kể từ khi Lý Nhật Trung đi, cuối cùng anh ấy đã trở lại.
Khiết An báo với tôi Lý Nhật Trung đã về đến Thăng Long, nhưng anh phải vào cung gặp hoàng thượng trước. Tôi tiếp tục chờ thêm nửa ngày, hai năm trôi qua tôi chờ được, nhưng sau nửa ngày ấy lại khó khăn vô cùng.
Cánh cửa mật thất mở ra, tôi biết đó không phải là Khiết An. Bước chân anh dũng tiến gần lại nơi tôi đang quỳ trước bàn thờ Bồ tát. Giây phút đó tôi đã muốn khóc, nhưng cuối cùng tôi chọn cách mỉm cười, quay lại nhìn Lý Nhật Trung.
“Vương gia, ngài đã về…”
“Ta phải quay về, vì nơi này có em chờ ta.”
Gương mặt Nhật Trung sạm đen vì nắng gió nhưng không che giấu được sự vui mừng. Tóc anh đã điểm vài sợi bạc. Tôi cố gắng kìm lòng để không bật khóc. Tại sao tôi phải khóc khi anh ấy vẫn bình an? Bộ áo giáp trên người Lý Nhật Trung chưa kịp gỡ bỏ, thanh kiếm vẫn còn vắt ngang hông.
“Vương gia, ngài…”
Tôi chưa kịp nói hết câu khuyên Nhật Trung đi thay áo thì anh ta đã ôm chặt tôi vào lòng. Tay anh đặt trên lưng tôi, hơi thở vẫn còn mang mùi tanh tưởi. Không hiểu sao dù anh có bẩn, tôi vẫn cảm thấy bình yên vô cùng. Những người bên cạnh tôi đều đã lần lượt rời xa tôi… chỉ có Nhật Trung vẫn còn ở lại, hiền hòa che chở tôi. Tôi đưa tay lên, định ôm lấy anh, nhưng rốt cuộc không kịp nữa. Cả cơ thể anh đổ gục xuống, đè lấy tôi.
Trên người Nhật Trung chi chít vết thương, trong đó có một vết thương lớn nơi ngực phải. Lúc thái y xử lý vết thương, tôi phải tránh mặt, để rồi đến khi mọi người đi hết, tôi đến bên anh, nhìn những mảnh băng trắng nhuốm máu, thâm tâm đau đớn chẳng khác nào những vết thương ấy trên cơ thể mình.
Khiết An nấc lên nghèn nghẹn, giải thích với tôi: “Vương gia bị thương nhưng vẫn muốn nhanh chóng quay về kinh thành vì sợ chị lo. Chị à, ngài đã vì chị như thế, cớ sao chị…”
“Em ra ngoài đi, chị muốn ở đây với vương gia.”
Khiết An chần chừ nhưng rốt cuộc cũng rời đi. Tôi ngồi cạnh giường Lý Nhật Trung, lặng lẽ nhìn anh mê man. Trần Chân tôi đã tu mấy kiếp, sao hiện tại lại có người vì tôi mà hy sinh như thế này? Lý Nhật Trung, anh hay tôi thì cũng là kẻ ngốc, cứ mãi ngóng chờ một hình bóng vốn dĩ không dành cho mình. Lý Nhật Trung, so với những gì tôi có thể làm cho Nam, thì những thứ anh dành cho tôi, quả thật lớn lao và sâu đậm đến mức tôi chẳng thể đáp đền.
Tôi lấy khăn tay chậm mồ hôi trên trán Nhật Trung rồi nắm lấy bàn tay đang cử động của anh. Anh trong cơn mê vẫn ghì chặt lấy tay tôi, như không thể nào buông bỏ được.
“Nhật Trung, anh nhất định phải khỏe lại. Còn nhiều nơi chúng ta chưa đi, anh đã hứa sẽ dẫn tôi đi đến đó, anh có nhớ không?”
“Lý Nhật Trung, tôi chờ anh khỏe lại… đừng để tôi lo lắng nữa, được không?”
Bên ngoài chẳng phải nguyên tiêu, nhưng trong đầu tôi lại nhớ về hình ảnh cô đào hát năm xưa, váy đỏ chập chờn, lời ca bay bổng. Tôi thì thầm hát theo khúc tự tình thiếu nữ ấy, hy vọng Lý Nhật Trung có thể nghe thấy.
“Có ánh trăng rọi qua cửa sổ
Thiếp nhìn trăng – nâng chén rượu nồng
Sao quân tử làm ngơ không biết
Khiến lệ vương trên đôi má hồng
Quân tử ơi, quân tử hỡi
Vai anh còn nặng gánh chi đây?
Ngại chi đôi lời bày tỏ
Thiếp nguyện trao cả trái tim này.
Chẳng trách mây trôi trăng ẩn nấp
Chỉ hờn ai đó – đến bao giờ mới thấu cho đây?”
Tôi lặng lẽ tựa đầu lên tay Nhật Trung. Trong giấc mơ, tôi nghe thấy tiếng sáo trong đêm xuân năm nào, bay bổng, ngọt ngào.
*
* *
Lần tiếp theo thái y thay băng cho Nhật Trung, anh ấy vẫn chưa tỉnh. Lần này tôi không tránh mặt nữa, cứ thế nhìn thái y chăm sóc anh. Nếu Nguyễn Sùng có nơi đây, chắc rằng sẽ giúp anh tỉnh lại lâu rồi. Tôi đang nghĩ cách làm sao để liên hệ với Nguyễn Sùng thì thái y quay sang tôi, đưa một mảnh giấy.
“Ngô tiểu thư, có người nhờ tôi đưa giấy này cho cô.”
Tôi mở thư ra, ghi nhớ những chữ trên giấy một cách rõ ràng rồi lại cất vào người, sau đó ngồi xuống bên cạnh Nhật Trung. Hiện tại chẳng có gì khiến tôi bận tâm hơn anh ấy. Một ngày anh chưa tỉnh lại, tôi tuyệt nhiên không có ý định rời khỏi nơi đây.
Đến ngày thứ ba, sau khi tôi ra ngoài chọn ít hoa đem vào phòng Nhật Trung để nơi này có không khí thì đã thấy anh ở trên giường, mở mắt dõi về phía mình.
Hoa trên tay tôi rơi xuống, chân vội vã chạy về phía anh.
Nước mắt tôi lã chã rơi, còn anh thì mỉm cười: “Bé con… lo cho ta sao?”
Tôi nắm lấy bàn tay anh đang đưa về phía mình, vừa khóc vừa cười: “Tôi không còn là bé con nữa đâu.”
Nhật Trung đưa tay lên lau nước mắt cho tôi: “Trong lòng ta, em vẫn cứ là bé con thôi. Em có biết không, ta vừa trải qua một giấc mơ dài, trong giấc mơ ấy có một cô bé cùng ta ngồi chèo thuyền trên sông Bùng, trong một đêm trăng vành vạnh.”
“Ngài vẫn nhớ chuyện năm xưa sao?”
“Trong lòng ta, chưa một giây phút nào quên được hôm ấy. Cách em thấp thỏm dõi theo chị họ, cách em ngây thơ chỉ đạo cho ta chèo thuyền,… những gì về em luôn in đậm trong tâm trí ta.”
“Lúc tôi té xuống sông, chính ngài đã cứu tôi. Khi tôi tỉnh dậy, ngài đã đi xa, chỉ để lại cho tôi một chiếc áo.”
Nhật Trung thở một hơi nặng nề: “Bao năm qua, hối tiếc nhất cuộc đời ta, chính là không nhận ra tình cảm của mình sớm hơn. Nếu không…”
“Vương gia” – Tôi cắt ngang lời anh: “Tất cả đã qua rồi, ngài đừng nặng lòng nữa.”
Nhật Trung vẫn giữ lấy tay tôi. Lần này tôi cũng chẳng rút tay mình lại nữa.
“Em để ta nói hết đi. Những lời này ta để trong lòng rất lâu rồi. Nếu bây giờ không nói, e là không còn cơ hội để nói…”
Nhật Trung ngưng một lúc. Tôi nhìn anh dịu dàng.
“Là ta không nhận ra mình yêu em… Từ lần đầu gặp gỡ em đã ở trong tim ta rồi. Trước giờ ta cứ nghĩ sứ mệnh của ta là đánh trận thôi, khi mệt mỏi thì định sẵn sẽ cưới Ngô An Tương, sống đến đầu bạc răng long. Nhưng đến khi gặp em, mọi thứ trong ta bắt đầu xoay chuyển. Có những cảm xúc trước nay ta chưa từng trải qua. Vui có, đau khổ cũng có. Ta biết em đã gả đi, nhưng lại không thể ngăn bản thân mình đến tìm em. Mỗi lần trông thấy em, tâm tư ta như mảnh đất khô cằn được tưới nước.”
“Cho đến lúc em lừa ta, nói rằng em đã có cốt nhục với Huỳnh Cát, em biết ta đau đớn đến dường nào không? Ta ép bản thân mình phải quên em. Ta ép bản thân mình nên chấp nhận cuộc hôn nhân với An Tương… nhưng đến cuối cùng ta không làm được. Lúc đó ta nhận ra rằng, tình yêu không phải thứ dễ dàng để thay đổi. Ta lại ra trận, hết mình vì triều đình, chỉ mong có thể oanh liệt chết trên chiến trường thì tình cảm này mới có thể nguôi ngoai.”
“Vậy mà… ta không ngờ, em lại yêu anh trai ta.”
Lòng tôi dâng lên một chuỗi xót xa. Lý Nhật Trung, tại sao những lời này, anh lại không nói sớm hơn. Anh có biết rằng tôi cũng đã từng mong mỏi về một mối tình câm lặng, đau khổ chẳng kém anh không?
Nhật Trung đưa tay lên, chạm vào mặt tôi, cười buồn: “Nhưng bây giờ ổn rồi, em đã ở bên cạnh ta. Với ta như vậy là đủ.”
“Vương gia…”
“Gọi tên ta… một lần thôi!”
Tôi nắm lấy tay anh, môi run run: “Nhật Trung!”
Lý Nhật Trung nhắm mắt lại, thì thầm: “Ta muốn quay trở lại vào lần đầu tiên chúng ta gặp nhau, khi em chưa mang bất cứ ưu phiền gì.”
Tôi siết chặt lấy tay anh: “Mùa xuân năm sau, chúng ta sẽ về Diễn Châu, sẽ cùng nhau chèo thuyền, ngắm mặt trăng tháng giêng trên sông Bùng, có được không?”
Lý Nhật Trung hài lòng gật đầu rồi nhắm mắt lại, hơi thở đều đều. Tôi cẩn trọng đắp chăn lại cho anh rồi quay ra ngoài. Anh đã tỉnh lại, bao nhiêu lo lắng trong tôi gần như tiêu tan hết. Giờ đây, tôi có thể yên tâm ra đi rồi.
----------
(*) Ý tưởng từ bài hát Nắm tay nhau đến vĩnh hằng – Lưu Đức Hoa
(**) Năm 1059, niên hiệu vua Lý Thánh Tông (1059 – 1065)