Trăm Năm Hạnh Phúc, Trọn Đời Bình An

Chương 1



1.

Phụ thân muốn ta thay tỷ tỷ tiến cung.

Khoan hãy hiểu lầm. Tiến cung không phải là để làm phi tần trong hậu cung của hoàng đế, cũng chẳng phải để làm nữ nhân bên cạnh Thái tử.

Đương kim thánh thượng cường tráng khỏe mạnh, vậy nên lúc mới ở tuổi ngoài ba mươi đã con cái đầy đàn. Chỉ tính riêng công chúa thôi cũng đã có đến mấy người. Mà những công chúa này lâu nay đều có thái phó dạy học riêng.

Nhưng đến một ngày, thánh thượng nảy ra một chủ ý, muốn mời nữ thái phó đến dạy học cho các công chúa trong cung. Dù sao thì nam nữ khác biệt, có những chuyện giữa nữ nhân với nhau sẽ tiện nói hơn. Mà vị nữ thái phó này tất nhiên chính là Lý Nhàn - nữ thái phó học rộng tài cao nổi danh khắp kinh thành. Còn ta tiến cung chỉ để làm chân sai vặt…à không, trợ giảng cho người ta mà thôi.

Thực ra ban đầu Hoàng thượng muốn để đại tỷ của ta tiến cung. Khi thánh chỉ truyền đến phủ, đại tỷ của ta đến nhìn cũng chẳng thèm nhìn, chỉ nhàn nhạt quăng lại một câu: “Không rảnh.”

Vị công công đến truyền chỉ cũng là người hiểu nhân tình thế thái, thấy đại tỷ của ta từ chối dứt khoát như vậy thì quay sang cười nói với mẫu thân ta: “Thánh chỉ cũng đã truyền đến, dù thế nào cũng phải có người đi, trưởng công chúa, người xem có vị tiểu thư nào phù hợp không?”

“Để Nghi An đi! Nó dạo này rảnh rỗi lắm.” Phụ thân tay cầm một hộp bánh nếp bước vào trong.

“???”

“Đại tỷ không đi, theo lý mà nói thì phải đến lượt nhị tỷ chứ?”

“Nhị tỷ của con tính tình ôn hòa, không thích hợp. Hơn nữa gần đây nó cũng đang nghiên cứu về y thuật, không có thời gian.”

Cứ như vậy, ta trở thành người thay thế.

Ngày tiến cung, ta nhìn hai vị phụ huynh đang không ngần ngại thể hiện tình cảm ngay trước mặt, nhàn nhạt hỏi: “Nữ nhi vào cung chuyến này, cha mẹ có điều gì căn dặn không?”

Mẫu thân còn đang ăn điểm tâm mà phụ thân mua về, một miệng đầy bánh nói không nên lời: “Vào cung làm gì cũng nên khiêm nhường một chút. Nhớ nhà thì xin nghỉ mấy ngày về đây. Đừng có tùy tiện nổi nóng đánh người, trong đó đều là lá ngọc cành vàng, con cũng là lá ngọc cành vàng, đánh người tay đau.”

Phụ thân dịu dàng dùng khăn lau lau vụn bánh bên miệng cho bà, thờ ơ lên tiếng: “Lý thái phó là người học rộng hiểu nhiều, đáng để học tập. Có gì không biết thì cứ hỏi người ta. Con vào trong đó đừng có làm loạn, nếu như không quen thì ta sẽ đón con về, bệ hạ cũng sẽ không làm khó con.”

Ta ngoan ngoãn đáp lời: “Nữ nhi xin ghi nhớ.”

Khi Vương công công dẫn ta đến Nội Học Đường thì Lý thái phó đang dạy các công chúa đọc thơ. Người nào người nấy đều ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh, đầu đung đưa theo nhịp, bộ dạng trông rất buồn cười. Vương công công nói chuyện với Lý thái phó xong thì rời đi luôn. Lý thái phó cũng không nhiều lời, chỉ giơ tay ra hiệu cho ta ngồi xuống vị trí bên cạnh bà ấy. Có lẽ ai nấy cũng đều có chút sợ Lý thái phó, cho nên trừ một vài người ngủ gật đến nước dãi chảy cả ra bàn thì các công chúa còn lại đều khá ngoan ngoãn. Một buổi sáng cứ thế bình yên trôi qua. Có điều Lý thái phó quả thật danh bất hư truyền, khí chất hơn người khiến ta nhìn mãi cũng không thấy chán, không ngờ rằng đám người trần mắt thịt như ta cũng có ngày được ngồi dưới cùng mái nhà với thần tiên thế này.

Đến lúc dùng bữa trưa, Lý thái phó dặn dò vài câu rồi rời khỏi. Bữa trưa của các công chúa là do Hoàng thượng sai người của Ngự thiện phòng đem đến, đồng thời cũng truyền khẩu dụ rằng từ nay về sau ta sẽ dùng bữa cùng các công chúa.

“Thật là ngưỡng mộ Nghi An tỷ, chẳng cần làm gì, chỉ cần ngồi đó nhìn chằm chằm Lý thái phó. Còn chúng ta thì vất vả quá đi mất.” Nghi Hoa công chúa của Di Hòa cung vừa gặm chân giò vừa nói.

“Muội có thôi đi chưa”, Nghi Ninh công chúa của Trường Ninh cung vừa ăn táo vừa tỏ ra khinh bỉ: “Ngủ đến chảy cả nước dãi vất vả quá nhỉ?”

“Nghi Ninh, muội đừng có vừa ăn vừa chép miệng nữa được không?”

“Hì hì, ngại quá, thói quen khó bỏ ấy mà.”

“Hôm nay người của nhà bếp tâm trạng không tốt hay sao thế nhỉ, đồ ăn gì mà nhạt nhẽo.”

Các công chúa vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả khiến đầu ta ong ong. Ta chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ, không muốn để ý đến bọn họ. Tháng ba là mùa hoa đào nở rộ, là mùa vạn vật sinh trưởng. Thời điểm này lại phải vào Nội Học Đường làm công, thật đúng là xui xẻo.

Lý Thái phó có việc gấp cần phải xuất cung một chuyến, buổi chiều trở về thì sắc mặt có vẻ mệt mỏi, lúc đọc sách cũng không tập trung. Có lẽ Lý thái phó cũng cảm thấy trạng thái của bản thân không được tốt nên đọc được một lúc thì dừng lại, giao bài tập cho các công chúa rồi cho tan học sớm hơn bình thường.

Lý Thái phó vừa rời khỏi thì các công chúa nhốn nháo hẳn lên. Người này thì nói muốn đến cung khác ăn chực cơm tối, người kia thì nói muốn rủ mọi người cùng đi thả diều, còn có người nói muốn hẹn nhau đi xem chú thỏ mà ai đó nuôi, tấm bình phong mà ai đó mới thêu, thậm chí có người còn hẹn nhau đi chèo thuyền.

Ta cũng thu dọn đồ đạc, theo người trong cung đến bái kiến Hoàng hậu nương nương. Vị ma ma tổng quản dẫn ta đi còn nói Hoàng hậu từ sáng sớm đã nhắc đến ta, Trường An công chúa và Trường Lạc công chúa cũng nhớ ta lắm.

Trường An công chúa bị nhiễm phong hàn nên không đến Nội Học Đường, Trường Lạc công chúa thì mới có mấy tuổi, còn chưa hiểu chuyện nên tất nhiên cũng không cần đến.

Hoàng hậu nương nương chuẩn bị cho ta rất nhiều điểm tâm mà ta thích ăn. Bà ấy bế Trường Lạc công chúa trên tay, ngồi bên cạnh ta, tươi cười nhìn ta phồng mang trợn má tiêu diệt sạch hết những đĩa bánh ngọt trên bàn. Khi ánh mắt nhìn đến trán ta, nụ cười trên môi Hoàng hậu cũng nhạt dần.

“Nghi An dạo này còn đau đầu không?”

Ta vươn tay sờ lên vết sẹo mờ trên trán, lại nhớ đến loại thuốc mà nhị tỷ đã tốn không ít công sức để điều chế cho ta, cũng nhờ vậy mà vết sẹo đó gần như không còn nhìn thấy nữa rồi.

“Đa tạ Hoàng hậu nương nương quan tâm, không còn đau nữa rồi ạ.”

Giọng nói trong trẻo của Trường Lạc công chúa vang lên: “Nếu Nghi An tỷ bị đau thì nói với Trường Lạc nhé, Trường Lạc thổi thổi cho là hết đau.”

Ta bật cười, vươn tay xoa xoa gương mặt bầu bĩnh của Trường Lạc: “Được chứ, cảm ơn Trường Lạc công chúa nhé.”

Trường Lạc công chúa lại nghiêng đầu ghé sát vào tay ta, thì thầm: “Khương cô cô nói Nghi An tỷ đã quên mất một vài chuyện, Nghi An tỷ còn nhớ Trường Lạc thích ăn gì nhất không?”

Trường An công chúa ngồi bên cạnh vươn tay gõ một cái lên đầu Trường Lạc: “Đồ ngốc này, có ai quan tâm người khác kiểu như muội không hả?”

“Tỷ tỷ lại mắng Trường Lạc, Trường Lạc không phải đồ ngốc, phụ hoàng bảo Trường Lạc thông minh lắm đấy.”

Ta ngồi trò chuyện cùng hai công chúa được một lúc thì trời cũng sẩm tối, Hoàng hậu giữ ta ở lại Khôn Ninh cung dùng bữa. Vừa ngồi xuống bàn thì Hồng công công đã vội vã chạy vào bẩm báo:

“Nương nương, Thái tử điện hạ đến.”

“Đến đúng lúc lắm, Tiểu Huệ, mau đi lấy thêm bát đũa, có lẽ Trường Cẩn cũng chưa ăn cơm đâu.”

Thái tử điện hạ hành lễ với Hoàng hậu xong thì ngồi xuống đối diện ta, hai chúng ta mắt to trừng mắt nhỏ, cứ thế im lặng nhìn nhau. Qua một lúc thì hắn giơ tay lên trước mặt ta: “Đây là mấy?”

“...”

“Thái tử điện hạ, ta chỉ bị mất trí nhớ chứ không bị hỏng não. Hơn nữa cũng chỉ quên đi một vài chuyện không quan trọng thôi.”

“Xin lỗi nhé, lúc nãy trông ánh mắt muội đờ đẫn quá, ta cứ tưởng đầu óc bị ảnh hưởng.”

“...”

“Nghi An,” Thái tử điện hạ vừa uống canh vừa nói chuyện với ta: “Mấy ngày nữa phụ hoàng sẽ tổ chức hội săn bắn mùa xuân, nếu sức khỏe muội đã không còn vấn đề gì thì không được vắng mặt đâu đấy, năm nào mọi người cũng tham gia cùng nhau mà.”

“Không được! Lỡ như Nghi An tỷ lại bị ngã ngựa thì làm sao, huynh đền được không?” Trường An công chúa lập tức phản đối.

“Nghi An tỷ của muội có yếu đuối đến thế đâu? Không phải muội nói cô ấy sẽ trở thành nữ tướng quân à?”

“Còn phải nói à,” Trường Lạc công chúa cũng phụ đạo: “Mọi người đều nói, Nghi An tỷ văn võ song toàn đấy.”

Tôi im lặng ngồi uống canh gà. Nghe phụ thân nói hội săn bắn năm nay không giống với các năm trước, Hoàng thượng lần này muốn kiểm tra năng lực của các hoàng tử và công chúa, thậm chí nhiều thiếu gia, tiểu thư quyền quý cũng phải tham gia. Chủ yếu là muốn xem xem sự tiến bộ của mỗi người. Hoàng triều xưa nay vừa trọng văn vừa trọng võ, các hoàng tử và công chúa đều phải rèn luyện từ nhỏ, Hoàng thượng muốn kiểm tra cũng không phải là chuyện gì lạ.

Sau khi dùng bữa xong, ta và Thái tử cùng nhau rời khỏi Khôn Ninh cung. Vì ăn hơi nhiều nên ta muốn đi đến hoa viên gần đó đi dạo cho tiêu cơm. Thái tử điện hạ nói muốn đi cùng ta. Khương cô cô thấy thế thì im lặng đi theo phía sau chúng ta, cũng không lên tiếng thúc giục.

“Nghi An này, mấy hôm trước hoàng huynh có viết thư cho ta, hỏi ta rằng gần đây muội thế nào. Mấy hôm nữa huynh ấy sẽ quay về, tính ra hoàng huynh cũng đi được hơn một tháng rồi đấy.”

“Hoàng huynh? Thái tử điện hạ muốn nói đến Ninh vương?”

“Phải, đến lúc đó muội cùng ta đi đón huynh ấy. Còn nữa, Nghi An này, bình thường chúng ta phải tuân thủ lễ tiết, nhưng mà lúc ở riêng thì cứ xưng hô bình thường là được. Đừng có một câu thái tử điện hạ, hai câu thái tử điện hạ, từ nãy đến giờ muội nói bao nhiêu lần rồi? Ta nghe mà nổi hết da gà lên rồi đây, lúc trước muội đâu có khách sáo thế này đâu.”

Ta đáp lời: “Thì cũng phải giả vờ khách sáo một chút chứ.”

“Vậy thì tốt. Đừng quên đấy nhé, mấy hôm nữa cùng ta đi đón hoàng huynh.” Trường Cẩn vẫy tay tạm biệt ta rồi quay lưng bước đi.

Nhìn bóng lưng thái tử xa dần, ta nghiêng đầu hỏi Khương cô cô: “Có chắc là ta chỉ quên những chuyện không quan trọng thôi không?”

Ngày hôm sau, Lý thái phó không đến Nội Học Đường, chỉ sai người đến bảo ta đọc sách cho các công chúa nghe. Thấy các công chúa còn đang ngồi than thở đủ kiểu vì phải dậy sớm đến lớp học, đúng là có phúc mà không biết hưởng, thế nên ta bèn đọc cho bọn họ nghe bài “Gửi Mã sinh phủ Đông Dương”. Bọn họ nghe xong thì cảm động không thôi, ngoan ngoãn ngồi yên lặng làm bài tập mà Lý thái phó đã giao. (Gửi Mã sinh phủ Đông Dương *tạm dịch*: tác phẩm viết về nỗ lực của người học trò vượt khó vươn lên trong hành trình dùi mài kinh sử)

Ta ngồi nhàn rỗi không có việc gì làm, nghịch nghịch cây thước trong tay, đầu óc bắt đầu nghĩ ngợi lung tung. Lý thái phó dạo này đúng là hơi kỳ lạ, có lẽ nào chuyện này có liên quan đến vị đại nhân kia không?

Trong lúc ta đang thất thần thì giọng nói của Khương cô cô đã cắt ngang dòng suy nghĩ của ta:

“Tiểu thư, Nghi Thanh công chúa đến rồi.”

Ta nghe xong thì vội ngẩng đầu nhìn về phía cửa, người không biết đã đến từ lúc nào, đang đứng ở cửa nhìn ta cười. Ta kinh ngạc đến mức trượt khỏi ghế, ngã phịch xuống đất. Các công chúa khác thấy bộ dạng của ta thì đều bày ra dáng vẻ xem kịch hay, duy chỉ có Nghi Ninh và Nghi Hoa là đồng cảm nhìn ta, vừa lắc đầu vừa thở dài.

Ta vội đứng dậy, chỉnh lại y phục, cố gắng nặn ra nụ cười bình tĩnh nhất:

“Nghi Thanh công chúa sao lại đến đây?”

Ban đầu khi Hoàng thượng hạ lệnh cho các công chúa đến Nội Học Đường rèn luyện, Nghi Thanh công chúa đặc biệt được ưu ái không cần phải đến. Một là vì Nghi Thanh công chúa từ nhỏ đã thông minh hiểu biết, học gì cũng rất nhanh, những tiết học đơn giản này không cần phải đến nghe. Hai là vì sợ ta khó xử.

Ta cũng định là sẽ tránh mặt Nghi Thanh, cũng may là mấy ngày qua nàng ta không đến Nội Học Đường. Cứ tưởng rằng có thể yên ổn mà sống qua những ngày này, nào ngờ hôm nay ngọn gió đông nào lại thổi nàng ta đến đây.

Nghi Thanh công chúa cầm một quyển sách trên tay, dè dặt bước đến trước mặt ta:

“Gần đây ta có đọc một bài văn, trong đó có một câu ta nghĩ mãi vẫn không hiểu, cho nên mới đặc biệt đến đây nhờ Cố trợ giảng chỉ giáo.”

Có thể làm khó Nghi Thanh công chúa thì bài văn này quả thực không tầm thường, ta hiếu kỳ nghiêng đầu nhìn, trên sách là một câu được khoanh tròn bằng mực đỏ rất rõ ràng:

“Nếu ta không thể lại chơi, cớ sao người chẳng đến nơi ta chờ?”

Nụ cười trên mặt ta cứng ngắc, cuốn sách trong tay cũng rơi bộp xuống đất.

Nghi Ninh và Nghi Hoa công chúa ngồi ở hàng đầu nhìn thấy dòng chữ trên cuốn sách thì thở dài: “Đúng là nghiệt duyên!”

Phải, nghiệt duyên.

Chuyện giữa ta và Nghi Thanh công chúa nói ra thì dài dòng.

Từ nhỏ ta đã là một đứa trẻ vô cùng hiếu động, lại thêm việc hoàng triều bây giờ không yêu cầu quá nghiêm khắc đối với nữ nhân, cho nên tổ phụ và phụ thân đã dạy cho ta không ít bản lĩnh. Tổ phụ đi du sơn ngoạn thủy cũng thường đưa ta theo, nhưng tổ phụ lại nghĩ ta là thân nữ nhi mà cả ngày lộ mặt bên ngoài cũng không phải chuyện tốt, cho nên đã để ta cải trang thành nam.

Người trong nhà ta từ trước đến nay dáng người đều không thấp, cho nên cải trang thành nam đối với ta không phải chuyện khó. Có một lần tổ phụ nổi hứng dẫn ta đi câu cá, ta vẫn theo lệ thường cải trang rồi mới đi. Nhưng ta không hứng thú với trò câu cá này nên chỉ nằm dài trên chiếc ghế bên cạnh chờ đợi. Ta thả cần câu xuống nước, sau đó nằm bên cạnh ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Sau khi tỉnh lại đã thấy tổ phụ câu được mấy con cá lớn.

Ngày hôm sau, mẫu thân từ chùa quay về, mang theo một tấm cáo thị đặt lên bàn, giọng nói châm biếm:

“Con trai ta đúng là có tiền đồ, ra ngoài câu cá mà còn câu được cả một cô công chúa về nhà.”

Ta không hiểu chuyện gì, vừa ăn vừa quay sang nhìn, vừa nhìn thấy những gì ghi trên cáo thị ta đã rưng rưng nước mắt nhìn mẫu thân:

“Phiền mẫu thân lấy cho con một bát giấm, con bị hóc xương mất rồi.”

Trên cáo thị viết: Nghi Thanh công chúa trong lúc ra ngoài dạo chơi đã gặp một vị công tử bên bờ hồ, tướng mạo tuấn tú, vừa gặp đã yêu, chỉ tiếc là khi đó chưa hỏi được danh tính công tử. Nếu có người biết vị công tử này, chỉ cần đến báo tin sẽ được thưởng hai nghìn lượng vàng.

Bên dưới còn không quên đính kèm bức vẽ ta đang nằm ngủ bên bờ hồ.

Tổ phụ vuốt râu cười cười: “Lỗi ta lỗi ta.”

Sau đó phụ thân đành phải dẫn ta vào cung nhận lỗi với Hoàng thượng. Hoàng thượng hiển nhiên cũng không biết đến chuyện cáo thị này, nhìn thấy nội dung trên đó thì không biết nên khóc hay cười.

“Nghi Thanh trước đây sức khỏe không được tốt, cho nên được nuôi dưỡng ở nhà ngoại, vừa mới trở về kinh thành không lâu, không quen biết nhiều người nên mới dẫn đến cớ sự này. Cáo thị này là con bé tự cho người đi dán. Lát nữa trẫm sẽ sắp xếp cho Nghi Thanh đến gặp các khanh, chuyện này cũng không phải chuyện gì lớn, nói rõ ràng là được.”

Nghe Hoàng thượng nói vậy ta cũng an tâm phần nào, ai mà ngờ được đến lúc gặp mặt mới biết chuyện nào có đơn giản như vậy.

Nghi Thanh công chúa vừa gặm quả lê vừa nói: “Mẫu phi nói nữ nhân cũng có thể ở bên nhau mà.”

Không thể không nói Trần quý phi dạy con cũng khác người thật đấy.

Nghi Thanh công chúa lại nói tiếp: “Tỷ không đồng ý cũng không sao, ta thích là được. Mẫu phi nói rồi, cho dù là dưa chín ép thì cũng cứ gặm một miếng đã rồi tính. Tất nhiên nếu hai chúng ta lưỡng tình tương duyệt thì còn gì bằng.”

Cho dù Hoàng thượng có là cậu của ta, cho dù ông ấy có yêu quý ta thì ta cũng không có gan đi lừa gạt con gái của ông ấy. Nghĩ vậy, ta vội vàng cáo từ rồi rời khỏi.

Kể từ đó trở đi, Hoàng thượng và phụ thân ta đều chỉ coi đó là chuyện trẻ con nên không nhắc lại thêm lần nào nữa. Còn ta chỉ cần cố gắng tránh mặt Nghi Thanh công chúa trong mọi trường hợp là được. Cùng lắm thì chuyện này cũng chỉ trở thành câu chuyện trà dư tửu hậu của người trong kinh thành mà thôi. Chỉ có điều lời đồn càng đồn càng xa, càng đồn càng vô lý, biết bao nhiêu tiểu thuyết viết về hai chúng ta cũng lan truyền khắp trời nam đất bắc.

Thực ra, Nghi Thanh công chúa chưa chắc đã có tình cảm sâu nặng gì với ta. Nghĩ kỹ lại thì có lẽ cuộc sống ngày nào cũng quanh quẩn giữa những bức tường đỏ cao ngất trong cung khiến Nghi Thanh sinh nhàm chán, muốn tìm niềm vui mới, còn ta chỉ vô tình lọt vào tầm ngắm. Hôm nay Nghi Thanh đến tìm ta có lẽ cũng chỉ là muốn bày trò nghịch ngợm mà thôi.

Nghĩ vậy, ta ổn định lại tinh thần, cúi người nhặt cuốn Kinh Thi dưới đất lên: “Gần đây công việc bận rộn, mong công chúa lượng thứ.”

“Không sao”, Nghi Thanh công chúa sảng khoái xua tay.

“Nghe nói tỷ vào cung dạy học, trong lòng ta vui mừng khôn xiết. Hôm nay có thể gặp được tỷ cũng coi như thỏa lòng ta mong nhớ bấy lâu nay.”

Trước đây Hoàng thượng từng nói, nếu như Nghi Thanh công chúa còn đến làm phiền ta thì sẽ đánh gãy chân nàng, bây giờ xem ra cũng hết cách rồi.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv