Từ sau chuyến du lịch, họ quay về với nhịp sống như trước khi cô nằm viện. Thậm chí còn lạnh nhạt, xa cách hơn trước đây. Thân ai nấy lo, mệnh ai nấy sống. Tuy anh không nói ra nhưng cô đã hiểu được anh muốn giữ khoảng cách với mình. Gần đây anh ít khi về nhà, cô làm việc xong cũng hay đi chơi cùng đồng nghiệp, cảm giác như đã quay về cuộc sống sáng lên văn phòng tối đi bar khi ở nước ngoài ngày trước. Chờ mãi cũng tới kỳ nghỉ Quốc khánh, vừa hết ngày làm việc cô đã lái xe về quê thăm ông bà ngay. Cô định không báo cho anh nhưng nghĩ đi nghĩ lại dù sao cũng sống cùng nhà nên đã soạn một tin nhắn gửi đi rồi quăng điện thoại sang bên tập trung lái xe.
Về đến quê thì cũng đã tối muộn, nhiều nhà đã tắt điện đi ngủ. Đâu đó chỉ còn le lói vài ánh đèn đường. Nhà ông bà cô ở trên núi, đường lên nhỏ hẹp nên ô tô không lên được, chỉ có gửi xe ở dưới thị trấn rồi thuê xe máy lên hoặc người nhà đến đón. Cô đã chắc mẩm tối nay phải ở lại thị trấn rồi không ngờ vừa gửi xe xong định đi tìm nhà nghỉ thì lại gặp một người bạn lúc nhỏ.
"A Dờ? A Dờ phải không? Tao nè, An choắt nè"
"Cô là..." người cô vừa gọi gãi đầu vì không biết vì sao cô gái kia biết tên mình.
Ông bà cô sống ở làng của người đồng bào nhưng lại không cùng dân tộc với họ. Nhà cô di dân lên tỉnh miền núi này làm ăn rồi định cư từ đời cụ cố nên cũng không còn quen biết ai ở quê gốc nữa, đã sớm coi nơi này là quê mình, sống hoà nhập với người đồng bào, chỉ có tiếng nói là khác thôi. Vùng này cũng là vùng phát triển, chưa thực sự là vùng tập trung nhiều người đồng bào nhất mà vẫn có nhiều gia đình như gia đình cô nên trẻ con đều biết cả tiếng của dân tộc mình vừa biết cả tiếng Kinh. Khi còn ở quê đám trẻ đều gọi cô là An choắt vì cô kén ăn, người gầy nhỏ như cái que. Có lúc khách du lịch gặp cô lúc nhỏ còn tưởng là gia đình khó khăn nên bị suy dinh dưỡng. A Dờ là bạn chơi lúc nhỏ của cô, ở cách nhau mấy nhà thôi, lúc trước đều gắn như hình với bóng. Nhưng dù sao cô cũng đã lên thành phố nhiều năm, những lần về trước đều vội vội vàng vàng không gặp được nên cậu ấy không nhận ra cũng là lẽ dĩ nhiên.
Thuý An liền tiến lại gần: "Đây, nhận ra chưa? An choắt. Cháu ông Bình bà Hạnh ở đầu làng đây thây"
"A, con An, bay giờ khác quá, tao không nhận ra" A Dờ nắm vai cô lắc mạnh rồi nói: "Về bao giờ? Về nhà bay chưa?"
"Vừa đến nơi đây thây. Còn sợ mai mới về làng được. Gặp bay ở đây vui quá. Chở tao về với"
"Đi thôi"
Đường về làng tối om lại còn gập ghềnh khúc khuỷu, cô và A Dờ lắc qua lắc lại trên chiếc xe máy đã xuống cấp nhiều của cậu ấy vì chạy đường núi. Con đường thì nhỏ, hai bên đều là vách núi cheo leo nên dù nhà nước đã làm rào chắn cũng rất nguy hiểm.
"Đèn điện đâu hết rồi? Hồi trước tao về đã có đèn đường rồi mà"
"Mất điện bay ơi. Xuống mua xăng chạy máy nổ đây thây"
"À bảo sao. Cứ tưởng làng đi ngủ hết rồi"
Hơn 30 phút sau mới đến nơi. Nếu là lúc ban ngày cứ thoải mái mà chạy thì chỉ mất nửa thời gian đó thôi, vì trời tối nên không dám chạy nhanh, chỗ này mà ngã xuống thì không ai nhặt xác cho hai người được.
"Ông Bình ới, bà Hạnh ới, con An nó về" A Dờ vừa chống xe là đã hồ hởi gọi lớn.
Ông bà không biết cô về, lúc này đã đi ngủ. Tiếng A Dờ thì ồm ồm vang vọng đoán chừng cả hàng xóm cũng nghe thấy. Ông bà cô cầm chiếc đèn dầu soi đường ra mở cửa. Nhìn thấy là cô về thì ôm lấy cháu mừng rỡ rơm rớm nước mắt.
"Bay về đi, tao về đây mai sang tao ăn cơm mới" A Dờ nói xong thì nổ xe chạy đi.
"Cảm ơn nhá" cô đứng sau vẫy vẫy theo.
Vừa rồi A Dờ nói cô mới nhớ ra, đang mùa lúa chín, người đồng bào thu hoạch về sẽ cúng cơm mới rất long trọng. Xem ra ngày mai còn có thể lên nương chụp ảnh, xem bà con gặt lúa rồi, khung cảnh nhất định sẽ đẹp vô cùng.
Cô để quên điện thoại trong xe, đồ đạc cũng đều trên xe, chỉ có mỗi túi xách đeo ở người là cầm về đây. Sáng mai lại phải đi xuống thị trấn chở đồ về thôi. Ông bà vẫn giữ lại quần áo trước đây của cô, tuy sau này cô có cao lên một chút nhưng cân nặng vẫn thế, ngoại trừ hơi ngắn ra thì vẫn mặc được.
Tắm rửa thay đồ xong thì chui vào ngủ với bà. Ông bà vẫn hay ngủ riêng vì người già đêm trở dậy đi vệ sinh nhiều nếu ngủ chung sẽ dễ làm người kia tỉnh theo, vì vậy ông bà đã ngủ riêng mấy năm nay. Đâu có giống như người trẻ các cô, cô ngủ say đến nỗi bà cô hay nói: "Khiêng bay bán sang Trung Quốc bay còn chưa dậy"
Tối nay cô an ổn ngủ ở ngôi nhà tuổi thơ của mình, đâu biết rằng có người đã lái xe xuyên đêm lên vùng này chỉ vì lo lắng cho cô.
Lúc cuối buổi chiều nhận được tin nhắn của cô, Hoàng Duy nhắn lại là đi đường buổi tối nguy hiểm, để mai rồi về nhưng không thấy cô trả lời. Tiếp sau đó vài tiếng lại thấy trên mạng đưa tin có một vụ tai nạn xảy ra trên đúng cung đường mà cô đi, có một chiếc xe Mini Cooper màu trắng đã lao xuống vực. Bên dưới có người bình luận nói người lái xe là một phụ nữ trẻ. Lúc này xe và người đều dưới vực, đang tích cực cứu hộ nên vẫn chưa rõ danh tính. Không hiểu thế nào mà anh lại thấy trong người bồn chồn, đứng ngồi không yên nên anh bèn gọi cho mẹ cô hỏi địa chỉ nhà ở quê, vì chỉ là suy đoán nên anh cũng sợ làm mọi người lo lắng không dám nói ra, anh chỉ bảo anh cũng muốn về đó chơi. Mẹ cô nghe xong thì bảo:
"Thế mà không bảo An nó chờ, mình con đi coi chừng lạc đấy. An nó quen đường nhắm mắt cũng đi đến nơi được" mẹ cô nói.
"Không sao, con đi được ạ, con tắt máy đã mẹ nhé"
Lúc anh đến được hiện trường vụ tai nạn thì vẫn chưa cứu được người lên, địa hình có chút phức tạp. Ở đây ngoài người dân địa phương và cơ quan chức năng thì còn có những người ngoại tỉnh khác như anh, đều lo lắng không biết có phải người nhà mình không nên bèn chạy đến đây chờ. Anh gọi cho cô rất nhiều lần nhưng đều là tiếng thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được khiến anh càng sốt ruột. Cảm giác như có tảng đá đè nặng trước ngực giống hệt như khi cô vào viện vậy. Đến rạng sáng thì cứu hộ được người lên, đa chấn thương nhưng vẫn còn hơi thở yếu ớt. Xe cấp cứu đã túc trực sẵn lập tức chở người đi viện. Lúc này anh mới biết người gặp tai nạn không phải cô, chỉ là trùng màu xe, trùng hãng mà thôi. Mãi đến giờ anh mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Hoàng Duy lên xe, đi theo địa chỉ đến được thị trấn gần nhà ông bà cô. Đã có vài người dân dậy sớm mở cửa hàng, xem liền mang địa chỉ đến hỏi thì họ nói ô tô không lên được làng này, phải đi xe đạp hoặc xe máy lên. Cả hai loại xe này anh đều không biết đi nên đành hỏi chỗ gửi xe rồi hỏi đường để đi bộ lên.
Mẹ cô nói nhà ông bà cô là căn nhà đầu tiên trong làng, nhà quét vôi trắng, phía trước có khoảng vườn nhỏ trồng nhiều loại cây khác nhau. Anh đi đến đầu làng thì đúng là có căn nhà như vậy. Anh thấy có một bà cụ đang khom lưng phơi thứ gì đó, ông cụ thì ngồi trên ghế mây, tay cầm tẩu thuốc mắt lim dim. Đúng lúc định hỏi thăm thì thấy cô bước ra từ nhà trong, đầu tóc vẫn rối, có lẽ vừa ngủ dậy.
"Bà ơi nhà mình có gì ăn không ạ?"
"Trong chõ có xôi đấy. Muối vừng trong tủ. Lấy mà ăn" bà cô ôn tồn đáp.
"Á bà phơi hoa đấy ạ? Mai cháu mang về thành phố ít nhé"
"Ừ, mang về hãm trà mà uống, có đường đen ông mới nấu nữa bay mang về luôn đi, cho thằng rể nó còn biết đặc sản quê mình"
"Vâng" cô cười ngọt ngào rồi đi vào nhà bếp kiếm đồ ăn.
Nhìn thấy cô bình an vô sự Hoàng Duy cũng vô thức mỉm cười, anh không vào trong nữa mà xoay người quay lại thị trấn lấy xe về. Trên đường đi nghĩ lại hành trình từ tối qua của mình, anh cũng không biết vì sao chỉ đọc một mẩu tin ngắn đã làm anh lo lắng đến thế, không biết sao mình lại vì cô mà chạy xuyên đêm đến đây chỉ vì một hiểu nhầm. Anh nghĩ có lẽ vì ở chung nhà quá lâu nên cũng quan tâm nhiều hơn. Hơn một tháng qua cố tình giữ khoảng cách anh biết cô không vui nhưng cũng đành vậy mới khiến cô không bị lún sâu vào tình cảm. Cũng giống như lúc này, anh thấy cô bình an là được rồi, không cần vào gặp để mọi chuyện phức tạp hơn.
Anh nói cô tự nghĩ là mình thông minh nhưng anh thì cũng không khác gì. Bản thân anh cũng chưa nhận ra người mà anh coi là bạn cùng nhà này đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong lòng anh. Nhiều năm sau nghĩ lại khoảnh khắc này anh mới hiểu hoá ra rễ tình đã bám chắc lấy trái tim từ thuở ấy.