Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng

Chương 139: Vòng lặp tuần hoàn (Hoàn toàn văn)



Các bạn học của Phương Mục Dương đều biết anh đã kết hôn.

Những cậu bạn nam chưa lập gia đình ít nhiều gì thì cũng luôn có chút ghen tị với những người bạn học đã lập gia đình của mình, đặc biệt là ở lớp học vẽ cơ thể người.

Trong lớp vẽ cơ thể người, không khó để nhận biết một sinh viên nam đã kết hôn hay chưa, lúc bấy giờ ngoại trừ vài người có thể xem được mấy bộ phim điện ảnh chiếu nội bộ thì những bộ phim chiếu công khai đến một nụ hôn trên màn ảnh cũng chẳng có. Các sinh viên chưa kết hôn thấy người mẫu nữ chờ vẽ thì kiểu gì cũng có phần xấu hổ, đôi mắt thực sự không biết đặt vào chỗ nào, cũng không biết phải làm sao thì mới có vẻ không xúc phạm người đối diện, nhìn vào không giống một tên lưu manh. Cũng may cô gái người mẫu kia tính tình phóng khoáng, khi bọn họ vẽ cũng không thấp thỏm. Những sinh viên đã kết hôn thì thoải mái tự nhiên hơn nhiều, mà trong số những người đã kết hôn đó, Phương Mục Dương lại càng bình thản. Đối với anh mà nói, người mẫu cho dù là nam hay nữ thì cũng chẳng có gì khác nhau cả.

Các bạn học của Phương Mục Dương không chỉ biết chuyện anh đã kết hôn mà còn biết vợ anh là Phí Nghê. Phí Nghê đã dần trở nên nổi tiếng sau khi giúp giảng viên của mình dịch một tập thơ của một tác giả người Mỹ, trên bìa cuốn thơ ấy có đề tên cô. Không ít bạn học của Phương Mục Dương cũng đọc được cuốn thơ đó. Phí Nghê không chỉ dịch thơ nước ngoài mà còn giúp những nhà thơ trong nước dịch thơ của mình sang tiếng Anh, để họ tiếp cận được nhiều độc giả hơn nữa.

Tâm hồn thơ ca của Phương Mục Dương cũng là Phí Nghê khai sáng. Có một hôm cô ngồi sau xe đạp của anh, dán mặt vào lưng anh, nhẹ giọng ngâm nga một bài thơ bằng tiếng Anh, một bài thơ về tình ái. Ngày ấy ánh trăng rất đẹp, Phương Mục Dương cứ ngỡ rằng Phí Nghê mượn tạm ngôn ngữ của người nước ngoài để bày tỏ tấm lòng của mình với anh, cô không dám dùng tiếng mẹ đẻ bởi vì nó quá táo bạo và nồng nhiệt, nếu nói ra chỉ sợ những người xung quanh nghe thấy cũng sẽ đỏ mặt, mà cho dù xung quanh họ chẳng có ai thì vẫn sẽ không tiện nói. Vậy là anh cũng nói đôi câu sến súa đáp lại, chỉ có điều anh nói bằng tiếng Trung. Phí Nghê cấu anh một cái: “Anh đúng là không biết xấu hổ, sao có thể nói thế được?”

Phương Mục Dương rất lấy làm khó hiểu, lời anh nói nghe đâu có sến bằng Phí Nghê, có lẽ là bởi vì anh nói tiếng Trung, nhưng quanh họ cũng đâu có ai nghe thấy.

Anh cười đáp: “Lời thật lòng thì có gì mà không nói được?” Sau đó lại dùng tiếng Anh lặp lại những lời ấy một lần nữa.

Lần này Phí Nghê lại không nói gì, không biết là do thẹn thùng hay vì lý do gì khác.

Vào ngày sinh nhật Phương Mục Dương, cả nhà họ cùng ăn mừng bên nhau. Gia đình họ không giống với những gia đình khác, ở nhà họ Phương, vào ngày sinh nhật của mình, con cái nhất định phải tặng quà cho mẹ, còn bản thân đứa con ấy thì cũng chưa chắc có quà hay không. Đây là quy định do ông Phương đặt ra, ông luôn biến ngày sinh nhật của bọn trẻ thành lễ tạ ơn, chỉ chuyên dùng để bày tỏ lòng biết ơn với vợ mình. Theo quan điểm của ông Phương, nếu không nhờ bà xã ông cố gắng, mấy đứa nhóc của ông sao có thể ăn sinh nhật.

Phí Nghê tiếp nhận tập tục này của nhà họ Phương một cách hết sức tự nhiên, vào sinh nhật của mình cô cũng sẽ chuẩn bị quà tặng mẹ chồng. Phương Mục Dương sinh nhật trước, Phí Nghê vốn định chuẩn bị hai món quà, một món biếu giáo sư Mục, còn món còn lại tặng Phương Mục Dương. Nhưng Phương Mục Dương lại bảo Phí Nghê không cần chuẩn bị quà cho anh, chỉ cần đồng ý với một yêu cầu của anh là được. Còn quà của Phương Mục Dương tặng mẹ, ông Phương đã sớm quyết định từ lâu rồi. Ông bảo con trai vẽ tặng bà bạn già một bức tranh truyền thống, có đẹp hay không cũng không sao, quan trọng nhất là tấm lòng, ông sẽ đề chữ bên cạnh. Thế nên Phương Mục Dương đành phải vẽ tranh trước rồi đưa đến chỗ ông Phương, sau đó ông Phương viết xuống một bài thơ ông tâm đắc, còn mang đi đóng khung nữa.

Ông Phương rất coi trọng sinh nhật của các con, ngay cả khi gia đình họ xa cách nhau, chỉ có hai bàn tay trắng thì tới sinh nhật đám nhỏ, ông cũng không quên bày tỏ lòng biết ơn vợ và mua một bát mì trứng gà bằng số tiền dành dụm được, coi như cải thiện bữa ăn một chút. Hiện tại điều kiện đã tốt hơn nhiều, ông cũng càng có cơ hội để mặc sức mà vận dụng trí tưởng tượng. Ông Phương sáng tác một bài thơ khác cho con trai rồi nhờ giáo sư Mục chép lại, xem như là lời chúc của cả hai người họ với đứa con này. Sau khi tán thưởng thơ của bạn già, giáo sư Mục không thể không viết lại dưới ánh nhìn chòng chọc của ông Phương. Ông Phương khen chữ phu nhân mình ngày càng đẹp, rất có mấy phần phong cách của ông, đây đại khái chính là tướng phu thê người ta nói.

Bữa tiệc sinh nhật kết thúc viên mãn dưới sự chủ trì của ông Phương. Phí Nghê đàn một bản nhạc trong nhà, nhạc là ông Phương chỉ định. Đương nhiên khi nói với Phí Nghê ông cũng không gọi đó là chỉ định, chỉ là gợi ý mà thôi.

Nhận được bài thơ cha anh sáng tác còn mẹ anh tự tay viết, Phương Mục Dương không khỏi cảm thán trong lòng, những bài thơ đang nổi lúc bấy giờ hoàn toàn không thể nào ảnh hưởng đến cha anh. Phí Nghê cũng bày tỏ sự tán thưởng đối với thơ của ông Phương, hơn nửa là xuất phát từ sự kính trọng với bậc bề trên của mình. Ông Phương sợ tỏ vẻ phân biệt đối xử giữa con dâu và con trai nên đã hứa riêng với Phí Nghê là đợi đến sinh nhật cô, ông cũng sẽ tặng cô một phần quà giống như thế. Phí Nghê không ngờ cha chồng mình sẽ nói vậy nên hơi có chút bất ngờ, ông Phương lại hiểu nhầm cô bất ngờ vì tự nhiên ông tốt thế, còn thoáng kiểm điểm bản thân xem có phải lúc trước ông bỏ bê con dâu nên giờ con bé mới phản ứng như vậy không, đồng thời vội vàng bày tỏ đấy đều là chuyện người một nhà nên làm. Tiệc sinh nhật kết thúc, Phí Nghê và Phương Mục Dương tạm biệt cha mẹ, trở về tiểu viện của mình.

Phí Nghê về đến nhà rồi mới biết được yêu cầu của Phương Mục Dương, bởi vì lúc trước cô đã đồng ý nên giờ không thể nuốt lời, chỉ đành để anh vẽ lên chiếc váy mà cô đang mặc.

Đó là một chiếc váy cũ, vì mặc lâu rồi nên cô rất có tình cảm. Phương Mục Dương cũng khá quen thuộc với chiếc váy này, không chỉ quen mỗi hình dáng mà còn quen với cả xúc cảm của nó. Vẽ lúc Phí Nghê đang mặc váy hoàn toàn khác với vẽ lên vải vẽ bình thường, chiếc cọ của anh phiêu du trên tấm “vải vẽ mới”, khi nặng khi nhẹ.

Tấm “vải vẽ mới” này vốn đã mềm mại, khi được vẽ lên lại càng lúc càng mềm hơn, đã thế còn không yên tĩnh chờ anh đặt bút giống vải vẽ tranh bình thường.

Phương Mục Dương nhờ Phí Nghê đọc lại cho anh nghe bài thơ tiếng Anh mà cô đã đọc hôm trước.

“Thơ nào cơ?” Phí Nghê căn bản không nhớ chuyện mình từng đọc thơ cho Phương Mục Dương.

Trí nhớ của Phương Mục Dương không kém, chỉ là lượng từ vựng của anh có hạn, lúc ấy nghe không hiểu gì, chỉ có thể nhớ được mấy từ mấu chốt. Anh đọc ra vài từ để nhắc lại cho cô nhớ.

Phí Nghê tức thì đỏ mặt. Cô chưa từng đọc bài thơ ấy cho Phương Mục Dương nghe, chẳng qua hôm đó cô mải suy nghĩ cách dịch thơ nên mới lẩm nhẩm thành tiếng mà thôi. Dạo gần đây cô vẫn luôn suy nghĩ về bài thơ này, nhưng mãi vẫn chưa tìm được cách chuyển ngữ mình vừa ý nên ngay cả lúc đi đường cũng nhớ tới nó. Về sau bài thơ đó lại không được chọn vào tuyển tập bởi vì nó quá lộ liễu, không ngờ Phương Mục Dương lại hiểu được. Có lẽ là nhờ chuyến đi tới Mỹ của anh lần trước nên vốn từ vựng của anh lại tăng lên, còn hiểu nhầm là cô đọc cho anh nghe nữa chứ.

Phí Nghê nói đó là người khác viết.

Phương Mục Dương nói anh biết, anh chỉ muốn nghe Phí Nghê đọc thôi.

Nếu là bình thường thì Phí Nghê sẽ thẳng thắn làm rõ mọi chuyện, nói với Phương Mục Dương đó đơn thuần là hiểu lầm. Nhưng hôm nay lại là sinh nhật của anh, cô không muốn làm cho anh mất hứng.

Thế nên Phí Nghê đành phải phối hợp với anh mà đọc từng câu chữ một, nhưng cũng cố ý lược bớt mấy chữ cô cho là quá trắng trợn.

Tuy vốn từ vựng của Phương Mục Dương ít ỏi nhưng mới vừa nghe xong mấy ngày hôm trước, có vài từ anh vẫn còn nhớ khá kỹ, hiện tại lại không nghe được. Anh chia sẻ sự ngờ vực của mình với Phí Nghê.

Phí Nghê không nói lời nào.

Phương Mục Dương lại nhờ Phí Nghê dịch lại bài thơ mà cô đọc.

Phí Nghê cười: “Đừng có giả vờ, em thừa biết là anh hiểu.”

“Nhưng anh muốn được nghe bản dịch của em cơ.” Việc Phương Mục Dương nói chuyện không ảnh hưởng gì tới việc anh vẽ tranh lên tấm vải “mới”.

“Anh tự mình suy nghĩ đi.” Phí Nghê dùng tay che mắt, chậm rãi mở năm ngón tay, để cho ánh sáng xuyên qua kẽ hở.

Cả hai người họ đều không nói gì với nhau nữa, Phí Nghê cảm thấy sự im lặng này hình như còn khiến cô thấy bức bối hơn lúc trước. Làm giá vẽ hình người quả thực là chẳng dễ dàng, cho dù người vẽ tranh không đòi hỏi gì ở cô.

Phương Mục Dương vẽ sai một nét hiếm hoi, anh xin lỗi Phí Nghê, Phí Nghê nói không sao cả.

Nhưng dù cô có nói thế thì Phương Mục Dương cũng không thể hạ thấp yêu cầu với bản thân mình. Để không xảy ra sai lầm nữa, anh đưa bút càng thận trọng. Sự thận trọng của anh khiến Phí Nghê rất khó chịu, cô thà rằng anh vẽ sai cũng muốn anh vẽ mau hơn một chút.

Hơi thở của cô càng lúc càng dồn dập, ngực cũng tự nhiên phập phồng.

Phương Mục Dương không chê trách cô lộn xộn, khiến anh không thể không cẩn thận hơn khi vẽ. Anh chỉ nói cô không cần căng thẳng.

Trong khi vẽ tranh, Phương Mục Dương lại đọc lại bài thơ Phí Nghê đọc cho anh nghe lần nữa, bảo cô giúp anh sửa lại những lỗi sai trong ký ức của mình.

Phí Nghê che cả khuôn mặt, nói anh đọc không hề sai.

Cô sợ nhột, mà khi vẽ tranh trên váy cô Phương Mục Dương lại không để ý điều đó. Phí Nghê bảo Phương Mục Dương chú tâm hơn một chút, nhưng Phương Mục Dương càng chú tâm thì cô lại càng thấy nhột, nhịn không được mà né đi. Chiếc váy này không có tay, nét vẽ vốn nên dừng ở trên váy bởi vì cô trốn tránh mà đáp xuống cánh tay cô. Phí Nghê nhìn cánh tay mình, Phương Mục Dương dùng ngón tay chạm vào nó: “Lát nữa anh sẽ rửa sạch cho em.”

Phương Mục Dương thực hiện lời hứa của mình. Anh rửa cho cô rất cẩn thận, không hề thô bạo như khi anh giặt quần áo.

Chiếc váy Phương Mục Dương vẽ cho Phí Nghê cô vẫn luôn để trong nhà, chưa một lần nào mặc ra ngoài cả.

Mỗi lần nhìn thấy chiếc váy đó, cô lại không thể không nhớ tới buổi tối hôm ấy. Nhưng chẳng có lần nào là cô dám nhớ quá nhiều.

Mãi về sau mới có lần Phí Nghê phải cẩn thận suy ngẫm lại. Tuy đã kết hôn với Phương Mục Dương mấy năm, nhưng cứ nhớ tới một số chi tiết nào đó là cô lại bất giác sờ sờ vành tai. Song cô không thể không hồi tưởng cho thật kỹ, cô nghi là mình đã mang thai rồi, nhưng lại không nhớ ra nổi đoạn nào không đúng cả.

Cô và Phương Mục Dương vẫn chưa tốt nghiệp, cô cũng chưa chuẩn bị cho việc sinh con đẻ cái. Trước khi đến bệnh viện kiểm tra, Phí Nghê nói chuyện này cho Phương Mục Dương nghe. Tuy Phương Mục Dương cũng chưa sẵn sàng, nhưng anh nói nếu đã có thì không thể không sinh ra. Bọn họ vẫn luôn thực hiện đầy đủ biện pháp để ngăn con tới, nhưng nếu đứa bé vẫn cứ tới cho bằng được, đuổi đi cũng không hay lắm.

Phí Nghê cảm thấy anh nói cũng có lý.

“Nhưng chúng ta đều chưa tốt nghiệp mà?”

Phương Mục Dương không coi đây là chuyện lớn, anh nói mình có thể tạm nghỉ học để chăm sóc cho Phí Nghê, chờ con lớn hơn một chút rồi quay về trường học cũng không sao.

“Anh nói chuyện tạm nghỉ nghe nhẹ nhàng quá.” Phí Nghê không muốn việc học của Phương Mục Dương bị gián đoạn, cho dù chỉ là gián đoạn tạm thời. Cô không khỏi có phần sầu muộn, nhưng tất cả các phiền toái ở trong miệng Phương Mục Dương nghe đều có vẻ giản đơn.

Tuy Phương Mục Dương cũng cảm thấy con cái sẽ ảnh hưởng đến không gian riêng giữa anh và Phí Nghê, nhưng thấy cô ủ dột như vậy thì vẫn phải nói với cô về mặt tốt. Phương Mục Dương nói khi còn nhỏ anh được nuôi dạy rất tốt, có thể tự mình vui vẻ mà không làm phiền cha mẹ. Anh tin rằng con của bọn họ cũng sẽ như vậy.

“Hồi bé em hay ốm lắm.” Nếu không cũng sẽ không học cùng trường tiểu học với anh.

Phương Mục Dương nói như thế cũng không sao, dù hồi nhỏ có ốm yếu thì hiện tại chẳng phải vẫn mạnh khỏe à?

Phí Nghê cười Phương Mục Dương lạc quan đến mức mù quáng, lúc nào cũng nghĩ đến những tình cảnh tươi sáng nhất. Nhưng sự lạc quan của anh quả thực đã an ủi cô.

Phương Mục Dương vẽ một bức chân dung cho đứa bé tương lai của họ. Anh không ngừng sắp xếp và kết hợp các đặc điểm trên mặt mình và Phí Nghê, nhưng kết quả quá trừu tượng, nhìn vào chỉ thấy biến dạng một cách cực đoan. Phí Nghê mới đầu còn muốn phì cười, nhưng nghĩ đến chuyện đối tượng Phương Mục Dương vẽ chính là em bé của hai người họ, cô lại không khỏi nghiêm túc: “Có người nào như anh không? Vẽ được con mình thành cái dạng này.”

Phương Mục Dương dùng hai phút để vẽ lại một bức tranh khác, đưa cho Phí Nghê xem. Phí Nghê nhìn, vừa buồn cười vừa bực tức: “Đây là con anh, không phải con em.”

Phương Mục Dương cũng cười: “Làm sao mà một mình đẻ con được? Anh không có cái bản lĩnh đó. Nếu như em không hài lòng thì tự vẽ một bức xem.”

Phí Nghê cầm lấy quyển sổ của anh, thật sự vẽ một bức tranh. Cô quan sát những đường nét bên dưới mặt Phương Mục Dương, sau đó lại kết hợp với diện mạo của chính mình để phác họa một bức chân dung đơn giản. Đầu tiên cô vẽ một cô bé, sau rồi lại vẽ thêm một cậu bé, bởi vì cô không biết con của họ rốt cuộc là nam hay nữ.

Vẽ xong, Phí Nghê không đưa cho Phương Mục Dương xem, nhưng vẫn bị anh cướp lấy: “Con của anh sao có thể không cho anh nhìn được?”

Nét vẽ của Phí Nghê tuy non nớt nhưng lại cực kỳ nghiêm túc, Phương Mục Dương cũng có thể thấy được bóng dáng của anh và Phí Nghê trên tranh. Xem tranh xong, anh không khỏi mỉm cười.

Phương Mục Dương không trừu tượng hóa con mình nữa, bắt đầu tưởng tượng chi tiết.

Anh bảo Phí Nghê tổng hợp lại ngoại hình của hai người họ lần nữa một cách có trật tự. Theo sự tổng hợp của Phí Nghê, dưới ngòi bút của anh lần lượt xuất hiện những em bé khác nhau, cùng là một bộ phận đó nhưng ở trên mặt bé trai và bé gái vẫn có những nét khác biệt. Phương Mục Dương vẽ rất nhanh, dù không tỉ mẩn nhưng đều phù hợp với sự miêu tả của Phí Nghê. Những đứa trẻ trong tưởng tượng này có bé đẹp, có bé lại chưa đẹp lắm, nhưng Phí Nghê hoàn toàn không để tâm tới chuyện đó. Cô chỉ thấy rất kỳ diệu. Trong lòng cô đã sớm biết một đứa trẻ sẽ có vô số khả năng, nhưng khi tranh vẽ của chúng xuất hiện trước mắt cô thì lại là câu chuyện khác. Phí Nghê vắt kiệt trí tưởng tượng của mình để cho ra hàng chục hình tượng khác nhau, cuối cùng phát hiện có những khuôn mặt trông na ná, chỉ khác biệt vài điểm nhỏ, nhưng những điểm khác biệt này vẫn có thể mở ra hàng trăm ngàn khả năng khác. Phí Nghê xoa xoa cổ tay Phương Mục Dương, bảo anh nghỉ ngơi một lát, không cần vẽ nữa.

Hai người tỉ mỉ nhìn ngắm con mình, Phí Nghê không cầm lòng được mà mỉm cười. Phương Mục Dương nhéo má cô, hỏi cô xem trong mấy chục cái khả năng này thì đứa con tương lai của họ có thể sẽ giống bức hình nào nhất.

Phí Nghê nghiêm túc suy ngẫm, cuối cùng cảm thấy thế nào cũng tốt, đều là sự kết hợp giữa cô và Phương Mục Dương.

Phương Mục Dương cũng cảm thấy thế nào cũng tốt, nhưng điều đó không ngăn cản được đam mê tiên đoán của anh. Anh đánh số cho từng đứa bé trong tranh rồi chọn một con số để đặt cược với Phí Nghê, nói nếu như sau này con trông giống vậy thì Phí Nghê phải đồng ý với một yêu cầu của anh.

Phí Nghê cười anh thiếu đứng đắn, làm gì có người làm cha nào giống anh chứ.

Mà người cha thiếu đứng đắn này đã hoàn toàn xua tan mọi sự lo lắng của cô, khiến cô cảm thấy có con tuy trước mắt nhiều phiền toái, nhưng cũng không phải là không thể vượt qua được.

Kết quả kiểm tra ngày hôm sau cho thấy họ đã sợ bóng sợ gió một hồi. Có lẽ đứa bé cảm thấy hai người bọn họ không đáng tin cậy nên không chịu đến cái nhà có cha mẹ cá cược về ngoại hình của con mình, nếu bọn họ muốn có nó thì bắt buộc phải qua được khảo nghiệm thêm một khoảng thời gian nữa.

Phí Nghê biết kết quả xong thì đầu tiên là nhẹ nhõm thở phào, ngày đó xác thực không để lại khả năng mang thai, cũng không có nhiều chuyện ngoài ý muốn như vậy. Một lần ngoài ý muốn còn có thể chấp nhận được, nhưng quá nhiều cái ngoài ý muốn thì quả thực không chịu nổi. Cô vẫn hi vọng em bé có thể tới đúng kế hoạch, không ảnh hưởng đến việc học của cô và Phương Mục Dương. Nhưng trong khi vui mừng thì cô vẫn có chút hụt hẫng, hiệu suất hành động của cô và Phương Mục Dương rất cao, không chỉ diện mạo của con mà ngay cả phòng em bé trang hoàng thế nào đều đã suy nghĩ cả rồi.

Ngày biết được đứa bé vẫn chưa tới, buổi trưa hai người cùng ra tiệm ăn, chúc mừng việc học không vì thế mà trễ nải. Thật ra nếu đứa bé tới, bọn họ vẫn sẽ ra ngoài tiệm để ăn mừng. Phương Mục Dương lúc nào cũng tìm được lý do để ăn mừng cả.

Tập tranh vẽ vẫn còn đó, thi thoảng Phương Mục Dương vẫn vẽ thêm một vài bức dưới sự tưởng tượng của Phí Nghê. Cuộc cá cược giữa họ chưa bao giờ cũ.

Những bức tranh của Phương Mục Dương treo ở phòng trưng bày bên New York cả năm vẫn chưa bán được, song anh không để trong lòng. Thậm chí thị trường các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài chuộng thứ gì, anh lại càng không bận tâm, chỉ vẽ những gì khiến anh vui vẻ.

Anh không có bất cứ kỳ vọng gì vào việc bán tranh, cho nên ngày môi giới thông báo tranh của anh đã bán được, anh còn vô cùng sửng sốt. Sau khi sửng sốt là đến một hồi mừng rỡ, bởi vì anh có tiền rồi. Không có tiền anh vẫn sống được bình thường, nhưng mà nếu đã có tiền anh cũng chẳng lo mình xài không hết. Phương Mục Dương hoàn toàn không có chút giáo dưỡng nào của một người làm nghệ thuật, biết tranh mình đã bán được, anh chỉ nghĩ tới sức mua của đồng tiền. Đồng thời anh cũng tin tưởng, người chịu bỏ số tiền cao để mua tranh của anh chắc hẳn sẽ không đối xử tệ với nó.

Chỗ tiền này sau khi đổi thành nhân dân tệ lại có vẻ càng nhiều hơn. Anh dùng số tiền đủ mua cả một cái sân để mua cho Phí Nghê một cây dương cầm mới, đồng thời cũng mua cả quà cho cha mẹ và anh chị của Phí Nghê lẫn cha mẹ anh chị mình. Theo quan điểm của Phương Mục Dương, tiền không thể giữ trong người, cứ có tiền là phải tiêu. Phí Nghê nghe thấy giá cả của cây đàn kia thì chỉ cảm thấy Phương Mục Dương phát rồ rồi. Cô đâu phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, làm gì cần dương cầm tốt như thế chứ.

Phương Mục Dương cười cô: “Em cũng quá xem nhẹ bản thân mình rồi đấy, chẳng nhẽ đôi tay của em không xứng với cái đàn đó sao? Phiền em yêu cầu cao với bản thân hơn tí nhé.”

Hơn nữa đàn còn có thể để lại cho con của họ, tuy rằng đứa nhỏ này vẫn chưa thấy dấu vết gì.

Không biết là bởi hiệu ứng tâm lý hay vì lý do gì khác, chẳng bao lâu sau Phí Nghê đã cảm nhận được cái hay của một cây đàn tốt. Nhưng cây đàn trước kia Phương Mục Dương đóng nội thất đổi cho cô thì cô vẫn giữ trong nhà, thi thoảng lại chơi một chút.

Để không phụ chiếc dương cầm mới này, thời gian Phí Nghê dùng để đánh đàn mỗi ngày tăng lên rõ rệt. Là nhà tài trợ của cô, Phương Mục Dương cũng được hưởng không ít ích lợi từ sự tài trợ của mình, bởi vì phần lớn thời gian anh đều là vị thính giả duy nhất của Phí Nghê.

Những bức tranh của Phương Mục Dương treo trong phòng trưng bày liên tiếp bán ra thành công, một số còn được bán lại hoặc mang đi bán đấu giá với giá cao, song ở trong nước chẳng hề có ai hay biết. Phương Mục Dương hiện giờ rất thờ ơ với danh tiếng, bởi vì không cần nổi tiếng anh cũng có tiền để tiêu. Khi anh vừa mới chào đời cha anh đã có tiếng tăm, trong nhà khách khứa nườm nượp tới lui, chưa từng có ngày vắng vẻ, khiến anh muốn chơi cũng khó. Bởi vì vết xe đổ của cha mình nên anh cảm thấy không nổi tiếng cũng không hoàn toàn là chuyện xấu, ngay cả triển lãm tranh ở trong nước anh cũng lười không tham gia. Các bạn học của anh đều lấy làm khó hiểu, với trình độ của Phương Mục Dương, không đến mức ngay cả một giải thưởng nhỏ cũng không giành được chứ?

Anh có tham gia đâu, đương nhiên không giành được rồi.

Những tuyển tập thơ mà Phí Nghê dịch ngày càng có nhiều người đọc, nơi đâu cũng thấy. Trong trường học dường như chẳng có ai không đọc thơ, trong khi tranh vẽ, đặc biệt là tranh sơn dầu thì chung quy vẫn là niềm yêu thích của số ít. Ở ngoài vòng tròn hội họa nhỏ hẹp, Phương Mục Dương không được nổi danh như Phí Nghê. Khi danh tiếng của cô ngày càng vang xa, Phương Mục Dương lại có thêm một danh hiệu khác – chồng của Phí Nghê. Ở trong mắt một số người, anh quả thực chỉ sống dưới cái bóng của Phí Nghê, đã thế lại còn có vẻ tự đắc với niềm vui ấy.

Phương Mục Dương cũng không chối bỏ cách gọi này. Anh rất phóng khoáng khi vung tiền mua dụng cụ vẽ tranh, nhưng anh đi học không có lương, chỉ mỗi vợ anh là có, vậy nên anh luôn bảo cọ vẽ của mình là Phí Nghê cho tiền mua. Thật ra anh nói cũng không sai, tất cả tiền trong nhà đều do Phí Nghê quản lý. Có người thậm chí còn nghi ngờ tiền mua vải vẽ của anh cũng đến từ nhuận bút của Phí Nghê.

Sau khi Phương Mục Dương bảo vậy ba bốn bận, mọi người cũng dần tiếp nhận mà không thấy lấn cấn nữa. Nếu như cẩn thận phân tích, anh quả thật là có chút vốn liếng để dựa hơi vợ.

Phương Mục Dương kể lại những lời ấy cho Phí Nghê nghe, Phí Nghê ung dung nhìn anh, cười nói: “Anh đúng thật là có vốn liếng đấy, em sẽ nỗ lực để cho anh được dựa hơi. Nhưng mà anh phải chờ thêm chút nữa nhé.”

“Anh chờ được mà.”

Hai năm sau, bọn họ có một đứa con. Ngoại hình không hề giống với bức vẽ Phương Mục Dương chọn tí nào.

Tuy nhiên ngày đó Phương Mục Dương cũng chẳng kịp nhìn kỹ con mình, anh quá bận bịu quan tâm đ ến mẹ của nó.

Đứa nhỏ này đẹp hơn cha nó tưởng tượng một chút.

Mẹ của Phí Nghê rất thích nhóc, điểm chưa hoàn mỹ duy nhất chính là đứa nhóc ấy quá hiếu động, nói hơi khó nghe thì là có hơi phiền phức. Bà nói Phí Nghê hồi nhỏ không hề như vậy. Phương Mục Dương lại nói, có vô số khả năng tổ hợp gen di truyền, phận làm cha mẹ chỉ có thể bình tĩnh đón nhận mà thôi. Phí Nghê cũng đồng tình với cách nói của anh.

Song ông Phương lại chẳng thấy đồng tình mấy, ông chỉ thấy gen của nghịch tử quá mức cứng đầu cứng cổ. Con gái sinh cho ông một cô cháu ngoại, ông Phương cảm thấy rất vui, điểm duy nhất chưa trọn vẹn chính là cháu ngoại của ông họ Cù, tuy ông rất hài lòng với con rể nhưng vẫn có chút tiếc nuối. Còn cậu nhóc của con trai ông thì lại giống hệt nó hồi còn bé, về sau không biết sẽ khó nuôi đến cỡ nào. Mặc dù nghịch tử có nhiều khuyết điểm nhưng ông vẫn phải giữ gìn hình tượng cho nó trước mặt con dâu, thế nên ông Phương chỉ bảo nghịch tử hồi nhỏ không giống cháu ông bây giờ, tương đối ngoan hơn một tí.

Đây là nghĩa vụ của người làm cha.HOÀN

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv