Có lẽ là lời nói của Trình Dục có tác dụng, hoặc có lẽ tinh thần và thể lực thật sự không chống đỡ nổi, Chu Hoành Viễn không bao lâu đã ngủ thiếp đi. Trình Dục yên lặng nhìn ánh trăng chiếu lên khuôn mặt non nớt của cậu, trong lòng dâng lên một cảm giác khó nói rõ.
Đây là thân nhân cuối cùng của Trình Dục, và cậu rồi sẽ trưởng thành.
Trưởng thành là một chuyện tốt. Nó có nghĩa là Chu Hoành Viễn cuối cùng cũng có thể nói lời tạm biệt với những năm tháng bị động và bất lực ấy, nghĩa là cậu có lý trí và tự do, cũng hàm nghĩa sự chia lìa được sắp đặt bởi vận mệnh. Cho dù đó là duyên phận giữa cha mẹ và con cái, hay là mối quan hệ chú cháu vốn chẳng vững chắc của bọn họ, đến cuối cùng, tất cả những gì Trình Dục có thể làm là nói lời tạm biệt với cậu hết lần này đến lần khác. Sau khi quen với sự tồn tại của đối phương, anh lại phải dùng phần đời còn lại để làm quen với việc đứa nhỏ mình tự tay nuôi lớn trở thành một cá nhân độc lập. Không còn nghi ngờ gì nữa, Chu Hoành Viễn là một đứa trẻ hiểu chuyện từ rất sớm, và cái giá phải trả cho sự yên tâm của người lớn là cậu mất đi những năm tháng ngây thơ đầy trân quý. Đôi khi, Trình Dục chỉ hy vọng cậu có thể làm một đứa bé, không cần suy nghĩ nhiều như vậy, cũng không cần làm nhiều như vậy.
Đêm nay, người mất ngủ không phải Chu Hoành Viễn, mà là Trình Dục.
Trường trung học số 14 đã thuê trước xe buýt, cho nên vào ngày thi trung học, Chu Hoành Viễn chỉ cần đi đến trường như ngày thường, sau đó đi xe buýt đến trường thực nghiệm tỉnh để thi.
Đây không phải là lần đầu tiên Chu Hoành Viễn đến trường thực nghiệm tỉnh, nhưng mỗi lần đến, cảm xúc trong cậu vẫn cứ sôi sục không thôi. Cậu nhìn một vòng xung quanh ngôi trường đại diện cho chất lượng giáo dục cao nhất tỉnh S, trong lòng tràn ngập ước mơ, một lần nữa cậu nghĩ, có thể vào một ngôi trường như vậy để học tập là điều may mắn đến nhường nào chứ. Bước xuống xe, thứ nhìn thấy đầu tiên là cánh cổng sắt màu đen mang tính biểu tượng, phía đối diện là một đài phun nước đang phát nhạc với nhiều chế độ phun nước khác nhau, vòng qua đài phun nước sẽ thấy một mảnh rừng nhỏ, ở giữa rừng có một hòn non bộ xiêu vẹo đứng ở đó, men theo con đường nhỏ rợp bóng cây là dãy các tòa nhà giảng dạy, một tòa có tên là Bác Văn, tòa còn lại gọi là Đốc Hành.
Phòng thi của Chu Hoành Viễn nằm ở tầng hai của toà Đốc Hành, dưới lầu có một cây đại thụ rậm rạp không biết tên, lá trên cành rung rinh xanh mướt, tựa vào cửa kính phòng học, nhẹ nhàng lay động trong gió. Lòng Chu Hoành Viễn rất bình thản, không có quá nhiều cảm xúc, cũng không có căng thẳng như trong tưởng tượng, cậu nhận lấy đề thi từ tay giám thị, và như vô số lần thi thử, dán mã vạch, viết tên, chờ đợi kỳ thi chính thức bắt đầu.
Tiếng chuông vang lên, giám thị nói với chất giọng trầm trầm, "Bắt đầu tính giờ làm bài!"
Chu Hoành Viễn nhanh chóng mở đề thi ra, giờ khắc này cậu không quan tâm gì cả, điểm số, thứ hạng, trường học, tất cả những thứ này không còn tồn tại trong đầu, cậu thậm chí còn không nhớ được tối hôm qua mình bị mất ngủ một chút, như Trình Dục đã nói, trong mắt cậu, chỉ còn lại mỗi tờ đề thi này.
Đề thi Ngữ Văn tương đối bình thường, mãi đến khi nộp bài thi Chu Hoành Viễn vẫn có cảm giác không chân thực, đến lúc bước ra khỏi phòng thi, nghe được những bạn bên cạnh khí thế ngất trời trao đổi đáp án, cậu mới mới hoảng hốt nhận ra mình vừa thi xong một môn.
Sau khi ăn cơm trưa ở căng tin, cậu nằm úp sấp trên bàn, nhưng ngủ không được, trong đầu cậu không ngừng tua đi tua lại mấy tiết toán cuối cùng với vài chỗ trọng điểm thầy giáo đã nhấn mạnh, sau đó, cậu lắc lắc đầu, buộc bản thân ngừng suy nghĩ về chúng, nhưng chỉ một giây sau, cậu lại không ngừng tự hỏi, nếu gặp phải câu hỏi về hình học giải tích, phương trình bậc hai hoặc phép quay hình quanh trục, phép biến hình, phép đối xứng, thì mình nên làm như thế nào?
Cậu hít sâu vài hơi, những kiến thức này vốn đã thuộc làu làu. Ngay sau đó, cậu lấy tấm ảnh cũ đến sờn cả mép trong cặp ra, vô thức vuốt ve chàng trai hăng hái trên ảnh, cậu liếm liếm môi, lặng lẽ tự nhủ, những kiến thức này cậu được học từ rất lâu rồi, bây giờ mình chỉ đang tự doạ mình thôi.
Đề thi Toán buổi chiều không đơn giản lắm, dạng đề trắc nghiệm ở phần cuối lạ hoắc, Chu Hoành Viễn luyện biết bao nhiêu đề mà cũng chưa từng gặp loại đề này, tuy không quá khó, nhưng đúng là tốn không ít thời gian. Phần điền vào chỗ trống cũng vậy, có một câu làm Chu Hoành Viễn lưỡng lự mãi, cuối cùng đành phải dùng thử phương pháp đại số, cuối cùng cũng tính ra đáp án. Phần cuối cùng quan trọng nhất của đề là dạng bài tổng hợp của phương trình bậc hai và phép xoay đối xứng, Chu Hoành Viễn làm khá suôn sẻ, câu hỏi phụ ở cuối đề trình bày hết hẳn nửa trang giấy, làm xong bài vừa kịp lúc hết giờ.
Sau khi về đến nhà, Chu Hoành Viễn nói chuyện này với Trình Dục, Trình Dục cười sờ sờ đầu cậu, nói, "Thì đó, con đừng suy nghĩ lung tung, kiến thức ôn cả trăm lần, làm gì dễ quên thế? Mấy chuyện đó không bao giờ xảy ra đâu, con nghĩ ngợi nhiều cũng vô ích."
Chu Hoành Viễn quấn quít bên người Trình Dục, nhỏ giọng "Dạ" một tiếng.
Có lẽ vì cả ngày thi cử vất vả cộng với việc chạy tới lui làm con người ta quá mệt mỏi, tối hôm nay đầu Chu Hoành Viễn vừa chạm vào gối đã ngủ thiếp đi, còn vang lên tiếng ngáy nhỏ nhẹ cả đêm. Trình Dục cũng ngủ rất yên ổn, đánh một giấc đến khi phương Đông ửng sáng.
Sáng hôm sau, Chu Hoành Viễn thi Vật lý và Hóa học vô cùng thuận lợi, hầu như không có chỗ nào vướng mắc, làm mãi đến cuối đề mới gặp một câu không nắm rõ.
@antiquefe (wattpad)
Môn tiếng Anh vào buổi chiều là môn thi cuối cùng. Tiếng Anh đối với một đứa trẻ đi ra từ thị trấn như Chu Hoành Viễn có thể xem là một khó khăn cực lớn. Chất lượng giáo dục của trấn Chu kém cỏi, giáo viên tiếng Anh hồi đó của Chu Hoành Viễn là một bà cô sắp về hưu, tiếng phổ thông nói còn chưa hay, tiếng Anh lại nặng âm địa phương. Trước khi Chu Hoành Viễn đến thành phố J để học, cậu chưa bao giờ có cơ hội nghe tiếng Anh bằng băng cassette, ở trường học không có loại máy ghi âm này, trong nhà lại càng không. Sau đó, Chu Hoành Viễn đến thành phố J, trường trung học số 14 mặc dù là trường đứng vị trí cuối cùng trong thành phố, nhưng lại tốt hơn nhiều so với trường học ở thị trấn, ít ra trong lớp có băng ghi âm nghe, phát âm của giáo viên cũng chuẩn hơn nhiều. Trình Dục quan tâm đến việc học của cậu, nên mua sẵn máy ghi âm để ở nhà, mỗi cuối tuần lại đốc thúc cháu trai thường xuyên luyện nghe. Nhưng dù là như thế, tiếng Anh của Chu Hoành Viễn vẫn yếu như trước, nền tảng yếu, phần Đọc và Viết vẫn ổn, chỉ có phần Nghe lúc nào cũng sai hai ba câu.
Chu Hoành Viễn không dám khinh suất, vận một trăm hai mươi thành công lực vào đôi tai, chỉ có một phần mơ hồ không nghe rõ, dựa vào trực giác chọn ngay câu C. Phần Đọc phía sau không khó lắm, đề bài viết cũng nằm trong phạm vi ôn tập hồi giờ, nhưng từ đầu đến cuối cậu vẫn căng thẳng, sau hai giờ đồng hồ, cả người cậu đổ toàn mồ hôi lạnh.
Thi xong rồi, đầu óc Chu Hoành Viễn đông cứng lại, toàn thân đờ đẫn, mãi đến khi ra khỏi phòng thi, rời khỏi trường học, Trình Dục vỗ vai gọi cậu, cậu mới tỉnh táo lại.
Chu Hoành Viễn hồi lâu không lên tiếng, chỉ chăm chú nhìn Trình Dục, còn Trình Dục thì nắm chặt tay cậu. Trên tay Trình Dục phủ đầy chai sạn, khô ráo mà ấm áp, truyền cho cậu sự ấm áp và sức mạnh vô tận. Chu Hoành Viễn lúc này mới từ từ thoát khỏi cảm giác khẩn trương tột độ, trắc trở nói một câu, "Chú ơi, con thi xong rồi."
Trình Dục mỉm cười, "Ừ, chú dẫn con đi ăn gì đó thật ngon nhé."
Chu Hoành Viễn lại lắc đầu, nói, "Con không muốn ăn cơm, con muốn về nhà." Cậu thật sự quá mệt mỏi, chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon.
Trình Dục thấy vẻ mặt cậu hơi kỳ lạ, không mấy hứng thú, vậy nên anh không kiên trì nữa, nắm tay Chu Hoành Viễn, chậm rãi đi qua một ngã tư, bắt một chiếc taxi dừng ở ven đường để về nhà.
Về đến nhà, Chu Hoành Viễn không thèm để ý đến bệnh sạch sẽ gì đó của mình, cậu rửa mặt, quần áo cũng chẳng thèm thay đã ngã xuống giường, nặng nề ngủ thiếp đi.
Ngày hôm sau khi Chu Hoành Viễn tỉnh lại, Trình Dục đã đi làm, còn để lại tờ giấy riêng cho cậu, bảo cậu tự ăn cơm.
Chu Hoành Viễn nhìn bát sữa đậu nành và que bột chiên trên bàn hồi lâu, lẩm bẩm nói với mình, "Vậy là thi xong rồi sao?"
Thế là thi xong rồi.