Vương Tự Bảo đã không khuyên nhủ thì thôi, đằng này lại còn nhiệt tình gật đầu: "Oán mới đúng. Đàn ông như sư phụ của con ấy mà, có người phụ nữ tốt nào lại không oán giận chứ?"
Tưởng thị trừng mắt nhìn con gái mình, vội vàng lên tiếng: "Xuất giá tòng phu, đây là số mệnh. Nhưng rồi sẽ ổn cả thôi."
Vương Tự Bảo bĩu môi nói: "Không phải là con không mong sư nương với sư phụ được êm đẹp. Nhưng nếu cứ dung túng sư phụ như hồi trước thì người chịu thiệt thòi chỉ có sư nương với hai sư huynh thôi."
Lư thị nghe vậy thì thoáng lộ vẻ đau buồn, mở to mắt, ngạc nhiên nhìn Vương Tự Bảo.
Đúng là một cô bé kỳ lạ.
Vương Tự Bảo phớt lờ ánh mắt của Tưởng thị, cô cứ muốn tùy hứng giúp đỡ sư nương trừng trị sư phụ đểu cáng đấy, thì đã làm sao nào? Nếu không uốn nắn lại Lữ Duyên, sau này sẽ chẳng có chuyện gì tốt đẹp.
Một người đàn ông ham mê nữ sắc, lại vô trách nhiệm thì không xứng để gánh vác trọng trách.
"Vậy con muốn giúp ta thế nào?" Lư thị tò mò hỏi.
Vương Tự Bảo suy nghĩ rồi hỏi lại: "Sư nương đến từ dòng họ Lư ở Duy Châu nhỉ?"
Lư thị gật đầu: "Đúng vậy. Ta là con gái út của nhị phòng Lư gia."
"Vậy khi thành thân với sư phụ, hẳn sư nương có rất nhiều của hồi môn?" Vương Tự Bảo hỏi tiếp.
"Tuy không xa hoa nhưng của hồi môn của ta cũng không hề ít. Ta là con gái út ở trong nhà, từ hồi ta còn nhỏ xíu, người nhà đã tích của hồi môn cho ta rồi." Lư thị nói xong thì thoáng chìm đắm vào không khí sôi nổi của lễ thành thân năm ấy.
Vương Tự Bảo chờ Lư thị định thần lại mới tiếp tục hỏi: "Vậy của hồi môn của sư nương giờ ở đâu?" Cô nghe nói cả nhà Lữ Duyên phải trắng tay ra đi, vậy chỗ của hồi môn của Lư thị nhiều như vậy giờ đã đi đâu?
Lư thị nghe Vương Tự Bảo hỏi vậy thì đỏ mặt, sau đó ngượng ngùng trả lời: "Cũng chẳng còn là bao nữa."
"Nhiều như vậy mà hết rồi? Vậy sư nương cho con chép lại danh sách chỗ của hồi môn đã bán nhé. Rồi con sẽ nghĩ cách để lấy lại cho sư nương." Vương Tự Bảo nói chắc như đinh đóng cột.
Người này rốt cuộc là thế nào vậy? Còn nhớ hồi Vương Tự Bảo mới gặp Lữ Duyên, cô còn hỏi ông những chuyện về nam nhân, nữ nhân và con cái, trong đó có chuyện nam nhân tiêu của hồi môn của nữ nhân. Lúc ấy lời sư phụ nói với cô còn có vẻ khinh thường, cho rằng cô đang gây gổ với mình. Nhưng giờ thì sự thật đã phơi bày trước mắt.
Mặc dù Lư thị không đưa của hồi môn cho Lữ Duyên tiêu xài, nhưng một người đàn ông đã không lo kiếm tiền để nuôi gia đình thì chớ, lại còn lấy tiền mình có để nuôi kỹ nữ, nuôi thê thϊếp bên ngoài. Ông ta còn cho đó là việc phong nhã, là đang chăm sóc cho hồng nhan tri kỷ.
Nhưng ông đối xử với vợ con mình như thế nào?
Vứt vợ con ở gia tộc suốt mười mấy năm mà không để mắt đến, để cho thê tử phải dùng của hồi môn để duy trì cuộc sống.
Vẫn là câu nói đó: Ai bảo phụ nữ không bằng đàn ông? Nếu không có Lư thị, hai đứa con của Lữ Duyên làm sao được chăm sóc tử tế và trưởng thành đây?
Vương Tự Bảo càng nghĩ càng giận, tinh thần chính nghĩa cũng ngày càng sục sôi. Nếu người này không phải là sư phụ của mình, cô chỉ muốn sai người đánh ông ta một trận cho hả giận.
"Chỗ đó chúng ta đã bán đi cả rồi, làm sao lấy lại được?" Lư thị càng nghĩ càng thấy khó hiểu.
"Chuyện này cứ để con lo. Nhưng từ giờ trở đi, sư nương không được dung túng sư phụ của con như hồi trước nữa, chuyện gì kiểm soát được thì phải kiểm soát. Nơi đây là Ung Đô, không phải đất tộc của Lữ gia. Những thứ mục nát của Lữ gia cần phải vùi lấp thì vùi lấp hết đi." Vương Tự Bảo nói đến cuối thì cảm thấy nặng nề khác thường.
Đây là điều cần thiết trong quá trình tiến bộ và phát triển của thời đại.
Theo dòng chảy của lịch sử, có những thứ chắc chắn phải biến mất, dù cho nó đã từng huy hoàng thế nào. Đây chính là hiện thực tàn khốc.
Bởi vậy, con người không nên cứ sống mãi trong quá khứ, chìm đắm mãi trong ánh hào quang đã qua. Chỉ có không ngừng tiến lên phía trước, không ngừng dấn thân, con người mới có thể tiến bộ.
Sự huy hoàng của Lữ gia cuối cùng cũng đã lui vào dĩ vãng. Chỉ có đập bỏ đi rồi xây lại thì mới có thể có được khả năng sống. Nếu không thì Lữ gia sẽ chỉ ngày càng mục nát, cuối cùng bị đục ruỗng hoàn toàn.
Trên đường trở về, Lư thị nghiền ngẫm nhiều lần câu nói cuối cùng của Vương Tự Bảo. Những thứ cần phải vùi lấp thì hãy vùi lấp hết đi.
Bao năm qua khi ở đất tộc của Lữ gia, cái mà bà vùi lấp lại là chính mình. Bây giờ vì bà, vì hai đứa con trai, bà cần phải sống cho thật tốt. Nếu không sau này bà còn phải đi đâu mới có thể tìm được chỗ của hồi môn thứ hai để nuôi mình với hai đứa con đây?
Đã đến lúc người đàn ông mà bà từng yêu thương cần phải đảm nhiệm vai trò làm chồng, làm cha rồi.
Lư thị nắm chặt tay lại, tự động viên tinh thần.
Theo Vương Tự Bảo thì đây chính là cái lẽ "làm mẹ phải kiên cường".
Qua vài ngày, Lư thị dẫn người đến dọn dẹp căn nhà mà Vương Tự Bảo đã chuẩn bị cho họ. Lữ Hồng Bác và Lữ Hồng Vĩ cũng bắt đầu học tập cùng Vương Tự Bảo và Lâm Khê.
Ở Hầu phủ, lần đầu tiên bọn họ được nghe phụ thân mình giảng bài, cũng là lần đầu tiên thấy được phong cách giảng bài tự do, phóng khoáng của Vương Tử Nghĩa.
Đến lúc này, hai người họ mới phát hiện ra mình quá yếu nhược, có quá nhiều thứ bọn họ đều không hiểu, hơn nữa họ cũng nhận ra hồi trước mình đã tự cao tự đại thế nào. Nếu giờ so sánh thì chỉ sợ họ còn chẳng bằng tiểu sư muội và Lâm Thế tử.
Cần phải biết là Vương Tự Bảo và Lâm Khê còn nhỏ hơn huynh đệ họ mấy tuổi liền.
Từ khi có Lữ Duyên tham gia, Vương Dụ Tuần càng như hổ mọc thêm cánh.
Trong lúc họ căng thẳng và bận rộn, thoắt một cái đã đến ngày thi Hội.
Vào ngày nay, người nhà chuẩn bị cho Vương Dụ Tuần rất nhiều đồ. Thế nhưng, Vương Dụ Tuần chỉ mang theo toàn đồ mà Vương Tự Bảo cho hắn để đến trường thi.
Thi Hội gồm ba phần, mỗi phần thi ba ngày, tổng cộng mất chín ngày. Trong thời gian này, sĩ tử không được phép rời khỏi nơi thi. Truyen DKM.com
Thế cũng có nghĩa là những người tham gia thi Hội phải ăn ở ngủ nghỉ tại trường thi suốt chín ngày.
Khi đến trường thi, mỗi sĩ tử sẽ được xếp vào từng hào xá.
Mỗi hào xá là một gian phòng cực nhỏ được bao kín ba mặt, mặt còn lại hướng về phía hành lang rộng mở. Trong hào xá chỉ đặt một bộ bàn ghế, một cái bếp lò nhỏ, một cái bô và một tấm chiếu.
Với một người có bệnh sạch sẽ nghiêm trọng như Vương Dụ Tuần, đây là một kiểu hành hạ cực kỳ thống khổ. Nếu được thì hắn đã muốn rút lui rồi. Nhưng vì ước mơ của mình, vì muội muội yêu quý, hắn chỉ có thể thầm động viên bản thân và nhẫn nhịn.
Chuyện Vương Tự Bảo cần làm chính là cố hết sức để cải thiện không gian phòng thi của Vương Dụ Tuần, nếu không sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát huy của hắn.
Vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết ở đây chính là việc ăn uống.
Vương Dụ Tuân là một đại thiếu gia, từ nhỏ đã được hầu hạ đến tận miệng thì làm sao biết cách nấu ăn?
Cũng may, bếp lò mà trường thi chuẩn bị chính là loại bếp nhỏ dùng để đun trà nấu nước mà hắn biết dùng.
Kể từ khi thấy Lữ Duyên tự tay nấu trà, Tứ công tử Vương Dụ Tuần thích học đòi làm sang cũng học theo ông. Cho nên chuyện này cũng không làm khó được hắn.
Vậy tiếp theo là chuyện làm thế nào để nấu ăn và ăn cái gì.
Những nhà bình thường thì sẽ chuẩn bị cho sĩ tử ít lương khô, dưa muối và thêm ít nước lọc để uống là xong.
Những nhà có tiền thì sẽ chuẩn bị vài loại bánh ngọt cao cấp, tốt nhất là loại bánh có thể để được lâu như bánh bơ. Nhưng đồ ăn kiểu này lại quá đơn giản, bữa nào cũng ăn thì chắc chắn sẽ ngán, hơn nữa cũng không đủ dinh dưỡng.
Tất nhiên cũng có một số nhà thổ hào chuẩn bị thịt thà cá mú, nhưng mấy người đó lại chẳng chịu động não nghĩ xem những thứ thịt thà đã nấu chín đó sao có thể để được tận chín ngày? Huống hồ mỗi bữa đều ăn đồ dầu mỡ như vậy chẳng lẽ không sợ đau bụng?
Bởi vậy nên Vương Tự Bảo phải nghĩ cách chuẩn bị những loại đồ ăn vừa tiện lợi lại nhanh gọn, hơn nữa còn phải dễ làm cho Vương Dụ Tuần.
Thế là, mì ăn liền đã được ra đời sau bao lần Vương Tự Bảo thử nghiệm.
Sau khi ăn thử một lần, Vương Dụ Tuần đánh giá rất cao món ăn này.
Ăn kèm cùng mì ăn liền là xúc xích, nhưng món này hơi khó làm nên tạm thời không nghĩ đến. Vương Tự Bảo sai người gói dưa muối ướp với trứng gà mặn nấu chín ở sơn trang, sau đó đưa cho Vương Dụ Tuần mang theo.
Để đỡ phải mang nhiều đồ, Vương Tự Bảo còn sai người làm một chiếc nồi sắt nhỏ theo kiểu nồi nấu bột. Chiếc nồi này vừa có thể dùng để đun nước, lại có thể nấu mì. Như vậy Vương Dụ Tuần sẽ không cần mang nhiều thứ vào trường thi.
Về phần y phục, Tưởng thị chuẩn bị cho hắn toàn những phục sức cực kỳ sang trọng, nhưng theo Vương Tự Bảo thì khi đến trường thi, dù có mặc đẹp đến mấy cũng chả có ai ngắm cả. Mặc đồ bền chắc, thoải mái và phù hợp sẽ thực tế hơn.
Tốt nhất là những đồ vừa có thể mặc ngoài, vừa làm đồ ngủ được.
Vậy là Vương Tự Bảo gói ghém hết chỗ quần áo làm bằng vải bông, cùng một màu tối và rộng rãi thoải mái cho Vương Dụ Tuần đem đi.
Lại nói đến chỗ nghỉ ngơi. Nếu để Vương Dụ Tuần nằm thẳng lên chiếu và chăn đệm suốt mấy ngày liền, hẳn hắn sẽ phát điên.
Thế là Vương Tự Bảo cho người mau chóng làm một chiếc túi ngủ có mũ thật rộng rãi cho hắn. Ngủ trong chiếc túi này vừa có cảm giác an toàn, vừa thấy thoải mái. Vương Dụ Tuần cũng miễn cưỡng chấp nhận.
Về vấn đề đi vệ sinh. Loại bô mà trường thi cung cấp đều là thứ đã bị người dân bình thường bỏ đi. Bây giờ cả Đại Ung, thậm chí là cả đại lục đều dùng bô Bảo. Vậy là Vương Dụ Tuần đã nhờ Thái tử biểu ca đến lúc đó đổi hết bô cũ trong trường thi sang bô Bảo, ngoài ra còn chuẩn bị thêm cả tro để lấp mùi xú uế.
Còn về chuyện bút mực giấy nghiên, Vương Dụ Tuần đương nhiên sẽ dùng những thứ tốt nhất, đồng thời cũng ngụ ý những điều tốt đẹp nhất.
Đến túi lớn để đựng những thứ này cũng là do Vương Tự Bảo sai người may riêng cho Vương Dụ Tuần. Ngoài hình vẽ thi đỗ Trạng nguyên ra, điều quan trọng nhất của chiếc túi vẫn là tác dụng khá thiết thực.
Hẳn những người thích xem phim cổ trang đều có ấn tượng khó phai với cái bọc đựng được hai bộ quần áo đã đầy.
Lần này đi thi, những đồ mà Vương Dụ Tuần mang theo đều nhiều về mặt chủng loại cũng như số lượng, cho nên Vương Tự Bảo lại sai người may cho hắn hai cái túi vải lớn giống kiểu túi du lịch để xách theo.