Tiệm Đồ Cổ Á Xá

Quyển 3 - Chương 2: Độc Ngọc Phật



1

Năm 465.

Thác Bạt Hoằng chỉnh lại chiếc áo bào trên người, cậu vẫn thích chiếc áo khoác Hồ phục ống tay hẹp của dân tộc Tiên Ti, đơn giản lại tiện dụng, nhưng hoàng hậu thích Hán phục, hôm nay khi cho người gọi cậu vào tấn kiến, người hầu gái đã khoác cho cậu chiếc áo nhà nho ống tay rộng này.

À không, không còn là hoàng hậu nữa, mà là hoàng thái hậu.

Thác Bạt Hoằng nhìn cánh cổng lớn của Phật đường, ngập ngừng dừng bước.

Thác Bạt Hoằng ba tuổi đã được phong làm hoàng thái tử, năm nay mới mười hai tuổi. Phụ hoàng Thác Bạt Tuấn mấy ngày trước lâm bệnh qua đời, ngày mai là lễ đăng cơ của cậu rồi.

Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng là một cậu bé anh dũng và rất thông thái, Thác Bạt Hoằng biết, làm hoàng đế triều Ngụy là phải gánh vác trọng trách lớn đến đâu.

Vì sao phụ hoàng mới hai mươi sáu tuổi mà đã nhẫn tâm bỏ rơi cậu, Thác Bạt Hoằng cúi đầu, nghĩ ngợi mông lung.

Triều Ngụy có tập tục là lập con thì giết mẹ, để đề phòng ngoại thích can dự vào chính sự, năm xưa Thác Bạt Hoằng ba tuổi được lập làm thái tử, mẫu phi của cậu liền được ban cho một dải lụa trắng. Thác Bạt Hoằng vẫn nhớ như in, ánh mắt vừa tự hào vừa quyến luyến lại vừa có đôi phần oán hận của mẫu phi.

Mẫu phi của cậu chỉ có một, nên dù Thác Bạt Hoằng vẫn gọi Phùng hoàng hậu là mẫu hậu, nhưng trong lòng cậu không thừa nhận tên gọi đó.

Thật là tốt quá, mình có thể gọi cô ta là thái hậu rồi.

Thác Bạt Hoằng tự cười mình.

"Hoằng Nhi, con đến rồi à?" Trong Phật đường vẳng ra tiếng phụ nữ dịu dàng như nước.

Thác Bạt Hoằng giật mình, trong vô thức cậu chỉnh lại áo bào, rồi mới nhẹ nhàng đẩy cánh cửa lớn của Phật đường, mùi gỗ đàn hương xộc vào mũi.

Cánh cửa Phật đường mở ra, đập vào mắt cậu là bóng dáng một phụ nữ tuyệt đẹp. Phùng Kỷ đang quỳ thẳng trước tượng Phật, mặc chiếc áo tang màu trắng toát, tay rộng vạt ngắn, bên dưới mặc chiếc váy dài, bên ngoài còn thêm một chiếc váy ngắn bó eo, càng làm hiện rõ vòng eo nhỏ nhắn một cách hoàn hảo. Mái tóc mây của nàng chỉ đơn giản là dùng một sợi dây thừng màu trắng buộc lại, thả ra đằng sau, cài thêm một bông hoa vải trắng, vài lọn tóc rủ xuống vẫn còn vết đen quăn do bị đốt.

Thác Bạt Hoằng thu ánh mắt lại, hôm qua theo tập tục của tộc Tiên Ti, khi đem những quần áo phụ hoàng dùng lúc còn sống ra đốt, Phùng Kỷ xông vào đám cháy, định đi luôn cùng phụ hoàng. May có Thượng Tà, là tổng quản nội thị vẫn phục vụ hoàng tộc từ thời Thái Võ đế phát hiện ra, mới kịp thời cứu nàng, nếu không chắc chắn sẽ không đơn giản chỉ bị đốt mất mấy lọn tóc.

Khi ấy Thác Bạt Hoằng thực ra không hề bất ngờ, tình cảm thắm nồng như đôi uyên ương giữa phụ hoàng và Phùng hậu cậu là người gần gũi nhất, cậu đều nhìn thấy cả. Nhưng cậu mãi không thể coi Phùng Kỷ là mẫu hậu của mình được.

Không quên được mẫu phi của mình là một chuyện. Còn chuyện nữa là Phùng Kỷ không lớn tuổi hơn cậu là bao. Tổ phụ của nàng là vị hoàng đế cuối cùng của tiền triều Bắc Yên, sau khi bị nhà Ngụy lật đổ, nàng trở thành con gái kẻ tội nghịch, từ nhỏ phải vào cung phục dịch, lúc mẫu phi mới mất, cậu ưng ý nên giữ nàng lại bên mình làm đại cung nữ. Nhưng với một người mà mười một tuổi đã trở thành quý nhân của phụ hoàng, mười bốn tuổi đã lên ngôi báu hoàng hậu, Thác Bạt Hoằng thực sự không biết nên mừng cho nàng vì chưa sinh con cho phụ hoàng, hay cảm thấy một kẻ thủ đoạn cao siêu như vậy nên sinh một thái tử, để rồi được ban cho cái chết theo tục của triều Ngụy thì hơn.

Ẩn hiện trong ký ức xa xôi, ở giữa đám hoa phù dung, một gương mặt xinh đẹp lướt qua... Thác Bạt Hoằng thoáng chốc mơ màng, vẫn còn cho rằng nàng vẫn là một cung nữ ngây thơ hầu hạ cậu, còn cậu vẫn là một đứa trẻ chưa hiểu chuyện đời.

"Hoằng Nhi bái kiến thái hậu". Thác Bạt Hoằng giấu tâm tư phức tạp của mình đi, ngoan ngoãn quỳ lạy nàng.

Cánh cửa lớn của Phật đường đằng sau cậu chậm rãi đóng lại, đem hết ánh nắng đi chỗ khác, cả Phật đường trở nên lạnh lẽo hơn.

"Hoằng Nhi, đứng dậy đi, sau này con sẽ là hoàng đế của triều Ngụy, không cần phải quỳ trước mặt người nào nữa". Phùng Kỷ trẻ tuổi mà đầy sự cảm thán, tiếng nói như tiếng chim họa mi bồng bềnh bất định văng vẳng trong Phật đường trống trải.

Thác Bạt Hoằng đứng dậy, tiến lên mấy bước, nhìn Phùng Kỷ đang quỳ trên một tấm đệm, và còn một tấm đệm khác dành cho cậu đặt bên cạnh nàng, liền hỏi vặn thách thức: "Vậy Phật tổ có nhận một lạy của ta không?"

Phùng Kỷ thở dài một tiếng, khẽ cúi đầu, lẩm nhẩm một câu xưng tội, rồi ngẩng đầu lên, ánh mắt biết cười nhìn Thác Bạt Hoằng, nhẹ nhàng cười nói: "Phật tổ không phải là người, tất nhiên là nhận một lạy của con được".

Khi nhìn thấy dung nhan của Phùng Kỷ, Thác Bạt Hoằng lập tức nín thở. Dung mạo của Phùng Kỷ là tuyệt thế vô song, nếu không thì không thể chỉ mới mười một tuổi đã khiến phụ hoàng phá lệ cho vào hậu cung. Hiện tại nàng đang ở thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời người phụ nữ, lại thêm một chút yếu mềm của việc nhà có tang, mấy sợi tóc rủ lưa thưa bên tai, đôi mắt phượng vẫn còn chút ửng hồng sau khi khóc, gương mặt thanh thoát nhưng xanh xao, dù Thác Bạt Hoằng nhìn quen rồi cũng chẳng thể nhìn thẳng, trong lồng ngực có một thứ cảm xúc kỳ lạ đang nảy mầm, nó đang mọc lên, không thể ngăn nổi. Thác Bạt Hoằng vội vàng quỳ xuống chiếc đệm trước mặt, thành kính dập đầu trước tượng Phật. Phụ hoàng của cậu sùng tín Phật giáo, thậm chí xây hẳn một hang đá Vân Cương, nên Thác Bạt Hoằng không lạ lẫm gì với chuyện lễ Phật, có điều cậu chưa từng đến Phật đường này bao giờ nhưng trong lúc vội vàng, cậu cũng không có thời gian để đắn đo nhiều.

"Hoằng Nhi, ngày mai con lên ngôi làm vua, Phật đường này cũng sẽ thuộc về con". Phùng Kỷ bình thản nói.

Thác Bạt Hoằng nghe thấy có ý khác trong lời, ngơ ngác ngẩng đầu lên, bất chợt nhìn thấy tượng Phật đặt trong khám, liền không nén khỏi sững người.

Chẳng vì nguyên nhân gì khác, vì cậu nhìn thấy rõ ràng, đằng sau làn khói hương, tượng Phật cao chỉ khoảng một thước lại bị nứt. Một vết nứt không thể cứu chữa chạy ngang cổ, khiến cho đầu tượng rời khỏi thân, cho dù vẫn cố đặt ở vị trí cũ, thì vẫn thấy một sự quái dị khó lòng hình dung. Gương mặt của tượng Phật vẫn hiền lành thánh thiện, nhưng vết nứt sâu thì dữ dội khó tả.

Chưa từng thấy ai đi thờ tượng Phật bị nứt cả.

Thác Bạt Hoằng nghi hoặc nhìn ra xung quanh, thì nhận ra trong Phật đường rộng lớn này, chỉ có mỗi bức tượng Phật ngọc bị nứt được thờ.

"Bức tượng Ngọc Phật này, ngọc lấy từ núi Độc Sơn, nên gọi là Độc Ngọc Phật. Độc Ngọc là một trong "tứ đại ngọc", khai thác ở Nam Dương, theo ghi chép thì đã khai thác từ cuối đời Thương. Bức tượng Độc Ngọc Phật này từ nhiều năm trước có người dâng lên cho Thái Võ đế". Phùng Kỷ tay lần chuỗi tràng hạt gỗ tử đàn, hơi lim dim mắt, nhỏ nhẹ giải thích. Gương mặt nàng tuyệt đẹp, phảng phất nét từ bi, khiến nàng trông càng giống Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi.

"Thái Võ đẾ?" Thác Bạt Hoằng nghe xong hơi sững sờ, Thái Võ đế là ông nội của phụ hoàng, là cụ nội của cậu, là hoàng đế nổi tiếng nhất của triều Ngụy từ ngày khai quốc đến nay. Có thể nÓi triều Ngụy dưới tay Thái Võ đế, cuối cùng đã thống nhất phương Bắc, kết thúc cục diện phân tranh mười sáu nước kéo dài hơn trăm năm, đứng ngang hàng được với Lưu Tống phương Nam, hình thành cục thế Nam Bắc triều, triều Ngụy từ đó cũng được người phương Nam gọi là Bắc Ngụy. Thái Võ đế uy danh vang xa, trong đó sự kiện gây chấn động với người Nam nhất là mệnh lệnh "Thái Võ đế diệt Phật".

Trong thời kỳ thống trị của Thái Võ đế, tất cả tăng ni dưới năm mươi tuổi đều phải hoàn tục, tranh Phật tượng Phật cùng kinh Phật đều bị phá hủy thiêu đốt, thậm chí rất nhiều tăng ni cao tuổi ngoan cố bị giết hại, trong ngoài triều Ngụy đều cấm ngặt nhắc tới Phật giáo. Việc làm này tuy Thác Bạt Hoằng không tán đồng, nhưng cũng hiểu dụng ý của Thái Võ đế. Bắc Ngụy vừa mới thống nhất phương Bắc, các nơi chinh chiến nhiều năm, trăm nghề cần được khôi phục, đương nhiên chẳng dư dả tiền bạc lương thực để đi cung phụng đám tăng ni không biết trồng cấy. Dù Phật pháp cũng có tác dụng cho việc cai trị ngu dân, nhưng một số tăng lữ nói lời quá đà, vượt lên trên cả phép vua, Thái Võ đế là ngườI sát phạt quyết đoán, đương nhiên không thể chấp nhận.

Một Thái Võ đế như vậy, mà vẫn có kẻ dám dâng tượng Độc Ngọc Phật? Có lẽ là dâng từ trước khi ban lệnh diệt Phật? Thác Bạt Hoằng tỏ vẻ hiểu ra, nhìn bức tượng Phật nứt toác, nghĩ bụng chắc hẳn là do Thái Võ đế làm hỏng.

Phùng Kỷ rõ ràng là biết Thác Bạt Hoằng đang nghĩ gì, khẽ cười một tiếng rồi nÓi: "Tượng Phật này, là sau khi Thái Võ đế ban lệnh diệt Phật, có một chàng trai trẻ đưa cho người". Phùng Kỷ chìm vào trong ký ức xa xôi, năm xưa nàng cũng còn nhỏ tuổi, nhưng cảnh tượng đó thì vẫn nhớ như in, "NgườI đó nói với Thái Võ đế rằng, lệnh diệt Phật làm quá mạnh tay, sẽ phải chỊu báo ứng của trời. Nếu thờ phụng bức Độc Ngọc Phật này, cÓ lẽ có thể cứu vãn được nghiệp chướng mà Thái Võ đế tạo ra".

"Như thế...". Thác Bạt Hoằng không biết nói sao, cậu đương nhiên là biết sau khi lờI đó nói xong sẽ có chuyện gì xảy ra. "Sau đó bức tượng Độc Ngọc Phật này bị ném nên vỡ ra?"

Phùng Kỷ khe khẽ gật đầu, thở dài một tiếng rồi nói: "Chàng trai đó nhìn bức tượng Phật đầu rời khỏi cổ dưới đất, tỏ ra tiếc nuối nói, vì trên người Thái Võ đế có sát khí vô thượng, nên nghiệp báo này chỉ có thể đổ lên đầu hậu duệ của người. Sau này tất cả những ngườI kế thừa ngôi vua triều Ngụy đều không thể sống thọ được."

Thác Bạt Hoằng giương to đôi mắt, việc này quá hoang đường. Nhưng cậu chợt nhớ ra phụ hoàng mình mới hai mươi sáu tuổi đã mất, đôi môi mấp máy định nói gì đó, nhưng rồi lại không nói gì cả.

Phùng Kỷ lần tràng hạt trên tay, trong lờI nói có đôi chút hoang mang: "Chàng TRai trẻ khi đó bị Thái Võ đế hạ lệnh giam vào tử lao, nhưng trước khi hành hình lại biến mất không rõ nguyên nhân. Thái Võ đế nổi trận lôi đình, bởi vì sự việc quá kỳ lạ nên tượng Độc Ngọc Phật được ông nội của con, cũng tức là Cảnh Mục đế lén đem về".

Thác Bạt Hoằng hít một hơi sâu đầy khó khăn, mùi gỗ đàn hương rất ngọt ngào, bỗng chốc lại khiến cậu cảm thấy khó thở. Cậu biết Cảnh Mục đế khi còn đang làm thái tử thì chết đột ngột, lúc đó mới hai mươi ba tuổi, nên phụ hoàng cậu sau khi lên ngôi mới truy phong làm Cảnh Mục đế.

"Hoằng Nhi, ai gia hôm nay gọi con đến không phải vì chuyện gÌ khác". Phùng Kỷ lại thở dài buồn bã, "Nghiệp báo này như một lời nguyền, ứng nghiệm vào hai đời rồi, dù con không tin, thì cũng nên cẩn trọng một chút".

Thác Bạt Hoằng nghĩ lại chuyện phụ hoàng sau khi lên ngôi, bèn lập tức bãi bỏ lệnh diệt Phật của Thái Võ đế, bất chấp quốc khố trống rỗng, vẫn hạ lệnh xây hang đá Vân Cương, chắc chắn là muốn chuộc lại lỗi lầm. Thác Bạt Hoằng khẽ cất giọng nổi vâng, nhưng trong lòng thì có vẻ không tin lắm.

Chỉ là trùng hợp thôi.

Khi Thác Bạt Hoằng đã cáo tội xong và lui ra, còn nghe được Phùng Kỷ bỗng nhiên dặn dò một câu: "Hoằng Nhi, con không còn nhỏ nữa, ngày mai sau lễ đăng cơ, ai gia sẽ chọn cho con vài cô gái nhà tử tế".

"... Đa tạ thái hậu lo lắng". Thác Bạt Hoằng kìm nén cảm giác phiền muộn khó tả bỗng dưng dâng lên trong lòng, cúi đầu cảm tạ.

"Người sống trên đời, như ở giữa đám cây gai nhọn. Tâm không động, người không vọng động, không động thì không bị tổn thương. Hễ tâm động thì người vọng động, tổn thương đến thân, đau đến xương cốt, vậy nên cảm nhận được nỗi khổ của thế gian...". Tiếng niệm mơ hồ của Phùng Kỷ, theo nhip cốc cốc của tiếng gõ mõ, chầm chậm tan biến sau cánh cửa Phật đường đang từ từ khép lại.

Thác Bạt Hoằng đứng lặng ngoài cửa, lẩm nhẩm đọc đi đọc lại câu kệ đó, rồi ngây ngườI ra.

2

Năm 467.

Thác Bạt Hoằng cúi đầu nhìn đứa bé sơ sinh nằm trong bọc tã, có một cảm giác không thực, sức nặng trong lòng ít đến mức có thể khiến người ta quên mất, đứa bé nhỏ yếu đến mức có lẽ cậu chỉ cần mẠnh tay một chút là có thể bóp vụn.

Cậu năm nay mới mười bốn tuổi, nhưng đã có con trai.

Thác Bạt Hoằng biết, với tộc Tiên Ti mà nổi, lớn bằng tuổi này đã có con là chuyện thường, phụ hoàng cũng cÓ cậu vào năm mườI bốn tuổi. Thác Bạt Hoằng nhìn Lưu quý nhân nằm trên giường, gương mặt thanh tú nhưng không giấu nổi vẻ mệt mỏi, nhìn thấy biểu cảm phức tạp của nàng. Cậu biết, ở triều Đại Ngụy này, phụ nữ trong hậu cung đều có một tâm lý hết sức mâu thuẫn. Vừa muốn được hoàng đế sủng ái, vừa lo sợ mình có mang. Nếu sinh ra con gái còn được, còn lỡ mà sinh ra con trai, mà đứa con lại được vua ưu ái, thì chắc chắn phải theo tập tục của triều Ngụy, lập con thì giết mẹ.

Chẳng ai tình nguyện chết, cho dù là vì đứa con của mình.

Thác Bạt Hoằng lại nhớ tới ánh mắt không nói nên lời của mẫu phi khi mình được lập làm thái tử.

Nhìn Lưu quý nhân, thấy hơi giống ai đó, Thác Bạt Hoằng lẩm nhẩm một câu xin lỗi trong lòng, nếu đứa trẻ trong lòng cậu có thể bình an sống tới hai tuổi, thì sẽ trở thành thái tử của cậu. Nhưng trước đó không nên cho hai mẹ con gần gũi nhau quá thì tốt hơn. Cậu không muốn con trai mình có ký ức đau khổ như mình.

Dặn dò các cung nữ chăm lo chu đáo cho Lưu quý nhân, Thác Bạt Hoằng tự mình bế con ra khỏi phòng, bắt gặp Phùng Kỷ, nàng vẫn ngồi ở điện kế bên từ nãy.

Phụ hoàng đã qua đời được hai năm, Phùng Kỷ vẫn để tang theo tục của người Hán, xiêm y trắng toát, mặc một chiếc áo giao lĩnh ngắn tay thẳng, trên cổ thêu hoa bằng tơ bạc, dưới eo thắt một dải lụa to bản, làm nổi lên vòng eo nhỏ nhắn, phía dưới mặc chiếc váy dài làm bằng một loại lụa mềm mại, rủ xuống đất, tạo nên từng lớp xếp chồng lên nhau. Đôi mắt đẹp như tranh, phảng phất chút buồn trên gương mặt, không cần son phấn, nàng vẫn diễm lệ vô cùng.

(Áo có hai vạt chéo, khi mặc vắt chéo rồi buộc dây bên hông, không có cúc cài)

Thác Bạt Hoằng dừng bước một lát, bởI vì đang bế con nên không thể hành lễ như mọi khi, chỉ hơi cúi đầu nói: "Bái kiến thái hậu".

Phùng Kỷ bỏ chén trà men trắng hoa xanh xuống, động tác rất thanh nhã, ánh mắt nhìn ngay vào đứa bé trong lòng Thác Bạt Hoằng, rất tự nhiên đưa tay về phía cậu, nhẹ nhàng nói: "Nào, cho ai gia xem nào".

Thác Bạt Hoằng tiến lên vài bước, liền ngửi thấy mùi gỗ đàn hương trên người nàng, bất chợt hơi khựng lại. Cậu biết nàng vẫn luôn ở trong Phật đường, ăn chay niệm Phật cho phụ hoàng, nhưng không ngờ cả người nàng đều đã thấm đẫm mùi gỗ đàn hương.

Phùng Kỷ tự ý đỡ lấy đứa bé, thằng bé hình như thấy mùi đàn hương trên người nàng hơi hắc, liền lo lắng khua khua cánh tay bé xíu, khóc oe oe.

Thác Bạt Hoằng vội vàng đỡ lấy đứa bé, lùi ra sau vài bước, quả nhiên đứa trẻ hình như cảm nhận được hơi ấm quen thuộc, liền lập tức nín khóc.

Đôi mắt tuyệt đẹp của Phùng Kỷ thoáng qua chút thất vọng, rồi sau đó lại nở nụ cười: "Có vẻ như đứa trẻ này không có duyên với ai gia rồi, thôi vậy". Một mình trong Phật đường, lại ăn chay niệm Phật, hồi ức vợ chồng ân ái ngày xưa lại càng rõ ràng, Phùng Kỷ vốn là muốn nuôi đứa bé này, nhưng xem tình hình này thì sợ là không được rồi.

Thác Bạt Hoằng hơi nhăn mày, không kìm lòng được, khuyên nàng: "Thái hậu, người cũng nên chú ý sức khỏe". Năm nay cậu mới mười bốn tuổi, cho dù thiên phú thông minh, nhưng nắm quyền bính cả một quốc gia, quả thực là hơi quá sức. Hai năm trước, khi cậu mới lên ngôi, quyền lớn trong triều đình rơi vào tay Xa kỵ tướng quân Ất Hồn. Ất Hồn có lòng phản trắc, thường cố ý hiểu sai chiếu chỉ của cậu để giết những kẻ đối nghịch. Chỉ trong hơn bốn mươi ngày, ông ta từ Xa kỵ tướng quân thăng chức lên làm Thái úy, Lục thượng thư sự, cuối cùng là làm chức Thừa tướng, ngôi cao hơn cả vương gia, một tay che trời, hoàn toàn chẳng coi hoàng đế nhỏ tuổi ra gì.

Cậu không cam tâm để kẻ khác đè nén, nhưng không thể không thừa nhận bản thân mình đấu không lại được với Ất Hồn. Cuối cùng là Phùng Kỷ - người quanh năm niệm kinh trong Phật đường phải ra tay, lặng lẽ quan sát mọi hành động của Ất Hồn, rồi bí mật bày kế bất ngờ, khép Ất Hồn vào tội mưu phản để giết đi, nhanh như sét đánh không kịp bịt tai, sau đó tuyên bố tự mình lên triều nghe chính sự. Dù mỗi khi bãi triều nàng đều về nghỉ trong Phật đường trống trải, nhưng mọi chính lệnh của triều Đại Ngụy, đều do nàng phát ra.

Thác Bạt Hoằng cười khổ trong lòng, dù cậu được một tay nàng dạy dỗ, nhưng dù xét về mưu kế hay về chí hướng, đều không thể so với nàng.

Phùng Kỷ như thể nhìn thấu tâm can cậu, tay lần vòng tràng hạt gỗ đàn hương, nhẹ nhàng nói: "Hoằng Nhi, con yên tâm, chỉ cần con có năng lực, thì triều Đại Ngụy này vẫn thuộc về con". Phùng Kỷ dịu dàng nhìn Thác Bạt Hoằng, nay đã trở thành một thiếu niên tuấn tú, nàng hơi có đôi chút mơ màng, năm xưa khi Thác Bạt Tuấn mới gặp nàng, cũng chỉ ở tầm tuổi này, mà Thác Bạt Hoằng lại có thần thái rất giống phụ hoàng, người nàng ngày đêm nhung nhớ dường như lại hiện ra nguyên vẹn trước mặt, Phùng Kỷ bất giác ngây người.

Thác Bạt Hoằng bắt gặp ánh mắt nàng, tim bỗng đập nhanh, rồi liền thở dài cảm khái. Cậu biết nàng đang nhìn cậu để nhớ về phụ hoàng. Cậu đang định nói câu gì đó, thì đã thấy ánh mắt nàng trở lại, quay mặt đi như không có chuyện gì.

Lần nào cũng vậy, nàng là người tiến tới gần, rồi người rời ra xa cũng vẫn là nàng.

Cánh tay của Thác Bạt Hoằng bất chợt hơi siết chặt, đứa bé trong bọc tã có vẻ hơi khó chịu, bắt đầu ngọ nguậy. Thác Bạt Hoằng giật mình, lập tức lỏng tay một chút.

"Hoằng Nhi, đã đặt tên cho đứa bé chưa?" Phùng Kỷ cầm chén trà đã hơi nguội lên, nhấp một ngụm tự nhiên như không.

"Cử kỳ hoành cương, đặt tên là Thác Bạt Hoành đi!" Thác Bạt Hoằng chậm rãi nói.

(Dựng nền kỷ cương lớn (chữ trích trong lời tựa sách "Kinh Thư"), chữ "hoằng" đọc giống (cùng đọc là héng) nhưng viết khác với chữ Hoằng của Thác Bạt Hoằng (cha).)

"Thác Bạt... Hoành?" Đôi mày thanh tú của Phùng Kỷ hơi nhăn lại, cảm thấy tên hai cha con dùng chữ đồng âm có vẻ không ổn lắm. Nhưng Thác Bạt Hoằng đã nói thế, nàng cũng không thể ép cậu không có nổi cái quyền tự do đặt tên con, đành khẽ gật đầu nói: "Tên hay lắm, nếu đứa trẻ sống qua được hai tuổi, ai gia sẽ đích thân dạy dỗ nó".

Thác Bạt Hoằng thấy Phùng Kỷ đứng dậy, biết rằng trong lời nói của nàng có ý là, hai năm nữa nàng sẽ trả lại đại quyền trong triều cho cậu.

Trong lúc đó, chàng không rõ mình sung sướng nhiều hơn hay thất vọng nhiều hơn.

"Tài và sắc, người ta không bỏ được, cũng như trên lưỡi đao có mật ngọt, chẳng đủ cho một bữa, mà nếm vào thì còn đứt lưỡi...". Tiếng nói rầu rầu của Phùng Kỷ cùng với mùi gỗ đàn hương lướt qua bên tai cậu, đến tận khi bóng dáng yêu kiều của nàng đã khuất sau một góc rẽ ở hành lang.

Thác Bạt Hoằng bế đứa bé trong bọc, đứng thất thần.

3

Năm 470.

"Hoàng thượng tỉnh rồi! Hoàng thượng tỉnh rồi!"

Thác Bạt Hoằng khó khăn lắm mới tỉnh dậy sau cơn hôn mê, thì nghe thấy tiếng hô hoán ầm ĩ của người hầu ở bên giường. Cảm thấy cổ họng khô rát, Thác Bạt Hoằng đoán chắc mình đã hôn mê một thời gian, do truyền nhiễm bệnh mủ.

"Hoàng thượng, người vừa mới tỉnh, xin đừng vội". Một tiếng nói già cỗi cất lên bên giường, vừa nói vừa đỡ Thác Bạt Hoằng ngồi dậy, lót một tấm đệm ra sau lưng chàng một cách thuần thục.

Thác Bạt Hoằng ngẩng đầu, nhận ra là Nội thị tổng quản Thượng Tà, bất giác mỉm cười: "Thượng công công, trẫm không sao, ông cũng mau đi nghỉ đi". Thượng Tà phục vụ trong cung từ thời Thái Võ đế, từ nhỏ chàng đã được ông chăm sóc, trong lòng vẫn coi ông là bậc trưởng bối, nhìn thấy ông trở nên tiều tụy hẳn đi vì thức đêm, chàng không nén nổi sự lo lắng.

Thượng Tà đắp chăn cho Thác Bạt Hoằng, rồi chỉ sang bên cạnh chàng nói: "Già này không mệt, nhưng thái tử điện hạ, cứ trông cho người suốt không chịu ngủ, vừa rồi không chịu nổi nên ngủ thiếp đi bên cạnh người rồi".

Lúc này Thác Bạt Hoằng mới nhìn thấy trên long sàng của mình có một đứa bé, trên gương mặt bầu bĩnh còn vương chút nỗi buồn lo, dù trong giấc ngủ cũng không an lành, đôi tay nhỏ bé đang nắm chặt lấy áo của Thác Bạt Hoằng. Thác Bạt Hoằng sợ bi kịch của mình lại tái diễn trên đứa con trai, nên ngay sau khi Thác Bạt Hoành ra đời, chàng đã cho rời khỏi Lưu quý nhân. Mà Tiểu Hoành từ nhỏ đã không chịu được mùi đàn hương trên người Phùng Kỷ, nên cậu bé đã được Thác Bạt Hoằng nuôi nấng. Năm ngoái khi Tiểu Hoành được hai tuổi, được lập làm thái tử, mẹ đẻ của cậu là Lưu quý nhân được ban cho cái chết, Phùng Kỷ cũng giữ lời hứa, đưa Tiểu Hoành về nuôi, và trả lại triều chính cho Thác Bạt Hoằng.

"Hoàng thượng, tiểu thái tử luôn chăm sóc cho người, mủ trên người hoàng thượng cũng do điện hạ tự mình hút ra". Thượng Tà dâng lên một bát thuốc mới sắc, sợ Tiểu Hoành vừa mới được chợp mắt đã bị gọi dậy nên cố ý nói thật thấp giọng.

Thác Bạt Hoằng cảm thấy ấm áp trong lòng, đỡ lấy bát thuốc uống cạn, chẳng cảm thấy bát thuốc đó đắng nữa. Chàng trả lại chiếc bát không, phẩy tay ra hiệu cho Thượng Tà: "Thượng công công, các ông lui ra đi, ta phải nghỉ ngơi một lát". Chàng biết nếu mình không ngủ thì Thượng Tà sẽ không lui ra.

Thác Bạt Hoằng nằm xuống, nhìn con trai đang toàn tâm toàn ý nằm bên mình, chàng đưa cánh tay ra ôm cậu bé vào lòng.

Khi tỉnh lại lần nữa, Thác Bạt Hoằng nhận thấy tình hình sức khỏe của mình đã tốt lên nhiều. Đến khi mở mắt ra, chàng bắt gặp một đôi mắt trong trẻo đang nhìn chằm chằm vào mình. Khi thấy chàng tỉnh, đôi mắt ấy lộ rõ vẻ vui mừng.

"Phụ hoàng!" Tiểu Hoành toét miệng cười, Thượng công công quả nhiên không lừa cậu, phụ hoàng đúng là đã tỉnh!

Thác Bạt Hoằng cũng vui vẻ xoa đầu Tiểu Hoành, mớ tóc lòa xòa mềm mềm thật thích. "Hoằng Nhi, mấy ngày nay con đều ở chỗ phụ hoàng, đã xin phép nghỉ học chỗ thái hậu chưa?"

Tiểu Hoành nghe phụ hoàng nhắc tới Phùng Kỷ, liền sầm mặt lại, khịt mũi một cái nói: "Thái hậu bây giờ còn chẳng có thời gian để ý đến cô nữa!"

("Cô" là từ tự xưng của thái tử, cũng như vua xưng "trẫm")

Bàn tay đang xoa đầu Tiểu Hoành dừng lại, Thác Bạt Hoằng rất ít khi thấy con mình nói với giọng điệu đó, nhăn mày lại: "Sao con lại nói thái hậu như thế? Có biết trên dưới nữa không?"

Tiểu Hoành hình như bị kích động, đôi mắt lập tức mở trừng trừng, cất giọng giận dữ: "Cô không biết trên dưới? Vậy thì bà ấy biết trên dưới à? Lén lút ở với nam nhân trong hậu cung, thái hậu của một nước làm vậy là biết trên dưới?"

Câu nói đó như tiếng sét giáng xuống đầu Thác Bạt Hoằng, đầu óc chàng trống rỗng, chàng nghe thấy tiếng của chính mình đang hoang mang cất lên: "Câu này ai dạy con nói?" Phải, rất nhiều người không thích chàng và Phùng Kỷ sống yên ổn với nhau, thường hay mớm lời nói xấu, để lợi dụng sự đấu đá mà thu về chút lợi riêng. Hoành Nhi còn nhỏ như vậy, thì đã biết gì?

"Dạy dỗ gì chứ? Cô tự mình trông thấy! Nam nhân đó là Lý Dịch, em của Nam bộ thượng thư Lý Phu, trước đây cô từng gặp hắn trong buổi dạ yến cung đình, nhưng không biết hắn và thái hậu có quan hệ như vậy!" Tuy Tiểu Hoành mới ba tuổi, nhưng lớn lên trong cung, những việc cần hiểu thì đều hiểu, những việc không cần hiểu cũng đều hiểu. Hơn nữa việc này diễn ra ngay trong cung điện của thái hậu, chẳng bí mật gì lắm, tộc Tiên Ti không quá xem trọng lễ nghĩa liêm sỉ, cho dù Phùng Kỷ có sùng bái Hán tộc, cũng chỉ là mặc đồ người Hán, niệm kinh Phật mà thôi. Trong mọi hành vi cử chỉ, chẳng có chút giữ lễ nào kiểu con gái người Hán. Chỉ có điều những người hầu hạ trong cung, không hiểu vì sao đều nhất loạt giấu diếm phụ hoàng cậu việc này.

Tiểu Hoành mách xong, nghênh nghênh cái đầu lên tỏ vẻ cáu giận, thì thấy phụ hoàng vừa khỏi bệnh đã lặng lẽ đứng dậy, gọi người hầu đến rửa mặt thay áo cho mình. Gương mặt tuấn tú không có biểu cảm gì, nhưng toàn thân toát ra một thứ sát khí đáng sợ. Tiểu Hoành hơi hiểu ra vì sao không ai dám nói đến bí mật của Phùng Kỷ trước mặt phụ hoàng, bởi vì không ai dám chịu đựng cơn thịnh nộ của thiên tử. Nhưng Tiểu Hoành cũng có chuyện không hiểu, phụ hoàng cậu như vậy, không chỉ vì mỗi chuyện Phùng Kỷ dâm loạn hậu cung.

Nhìn Thác Bạt Hoằng rảo bước ra ngoài, Tiểu Hoành ngồi trên giường ngây ra một lúc, rồi giật mình nhớ ra, vội vàng gọi người hầu mau chóng đến thay áo cho cậu, rồi xỏ giày lon ton chạy đuổi theo sau. Nhưng khi cậu chạy đến cung điện của thái hậu, thì chỉ thấy máu me đầy đất, phụ hoàng của cậu cầm một thanh kiếm sắc, đứng sừng sững ở đó, đầu mũi kiếm vẫn còn nhỏ xuống những giọt máu chưa khô. Lý Dịch nằm trên đất, trên ngực có một nhát đâm lớn, đã tắt thở.

Tiểu Hoành mặt trắng bệch, lúc này cậu mới nhận ra, gương mặt của Lý Dịch có đôi phần giống với phụ hoàng, đều trẻ tuổi và tuấn tú, đôi mắt sâu thẳm. Tiểu Hoành run bắn người, trong tiềm thức cậu cảm thấy mình đã phát hiện ra một bí mật kinh khủng, nên không bước vào trong điện, chỉ sợ hãi đứng dưới cửa sổ bên ngoài điện.

Lúc này Phùng Kỷ đang tụng kinh trong Phật đường, nghe người hầu thông báo liền vội vàng tớỉ, khi nhìn thấy xác của Lý Dịch, lập tức dừng bước. Nàng không còn mặc đồ tang trắng toát như ba năm trước, mà mặc một chiếc váy dài đỏ thêu kim tuyến, thắt dải đai to bản màu vàng trên hông, ống tay và gấu váy thướt tha chuyển động liên tục theo bước đi của nàng, thật quý phái cao sang không gì sánh được. Trên mặt nàng thoa một lớp phấn nhạt, kể cả Thác Bạt Hoằng cũng chưa từng bao giờ nhìn thấy nàng đẹp như thế, trong khoảnh khắc bất chợt lặng người, nhưng lập tức nhớ ra nàng trang điểm lộng lẫy là vì ai, liền càng phẫn nộ.

Lúc này Phùng Kỷ đã nhìn rõ tình hình trong điện, gương mặt thanh tú thoáng qua chút phẫn hận, nhưng lại nhanh chóng che giấu đi một cách hoàn hảo. Nàng nhìn thanh kiếm sắc dính máu vẫn trên tay Thác Bạt Hoằng, nhẹ nhàng nói: "Hoàng thượng mới qua cơn bệnh nặng, vì sao không nghỉ ngơi cho khỏe, lại đến chỗ ai gia làm gì?"

Thác Bạt Hoằng nắm chặt kiếm trong tay, thực ra chàng không nên kích động như thế, rõ ràng là chỉ cần tìm một sơ hở nào đó rồi từ từ tính toán, không lo Lý Dịch không chết.

Chàng thực sự chỉ muốn đến xem xem Lý Dịch là kẻ như thế nào, nhưng khi nhìn thấy gã đàn ông trẻ tuổi có đôi phần giống chàng, thì không nén nổi lửa giận bừng bừng trong lòng.

Rõ ràng, người giống phụ hoàng nhất, không phải chàng sao?

Rõ ràng, trong đám hoa phù dung, người tìm thấy nàng đang khóc không phải là chàng sao?

Rõ ràng, người nàng muốn dựa dẫm đầu tiên, không phải chàng sao?

Vì sao không thể là chàng?

Thác Bạt Hoằng nghe thấy giọng nói lạnh lùng của mình cất lên: "Nam bộ thượng thư Lý Phu nhận hối lộ bị tố giác, Lý Dịch vừa nãy không chịu thừa nhận, buông lời bất kính với trẫm, trẫm nhất thời nóng giận, lỡ tay giết hắn".

Phùng Kỷ nhíu đôi mày lá liễu, cất giọng có chút giễu cợt: "Hoàng thượng quả là mọi việc tùy tâm, chẳng lẽ coi Ngự sử đài là bày ra cho vui? Ai gia không yên tâm khi giao triều Đại Ngụy vào tay bệ hạ, xem ra ngày mai ai gia vẫn cứ lên triều nghe chính sự thì hơn".

Thác Bạt Hoằng cứng đờ người, biết là việc hôm nay làm quá tay, trong cơn giận, Phùng Kỷ đòi thu lại đại quyền triều chính mà nàng mới bàn giao được một năm.

Phùng Kỷ ngồi xuống, vẫn dáng vẻ thanh nhã, bất chấp áo váy sang trọng bị máu làm bẩn, nhẹ nhàng lấy tay vuốt mắt cho Lý Dịch vừa chết, rồi đứng dậy bỏ đi, chẳng có chút gì lưu luyến.

"Người có lòng ái dục, giống như cầm đuốc đi ngược gió, rồi sẽ bỏng tay...". Vạt váy dính đầy máu của Phùng Kỷ để lại những vết loang lổ trong điện, chầm chậm khô dần trong tiếng lẩm nhẩm đọc kinh của nàng, biến thành những vệt máu xấu xí.

Thác Bạt Hoằng loạng choạng, như bị bỏng tay, cơ thể vừa qua cơn bệnh không thể giữ nổi thanh trường kiếm trong tay, rơi xuống đất vang lên tiếng leng keng, vang vọng không dứt trong tòa điện trống.

4

Năm 471.

"Người điên rồi!" Phùng Kỷ dùng một tay đẩy cánh cửa lớn của điện Chấp Chính, trừng mắt giận dữ nhìn Thác Bạt Hoằng ngồi sau bàn sách.

Chiếc bút lông trên tay Thác Bạt Hoằng vẫn không hề run rẩy, tiếp tục viết nốt câu kinh Phật, như nước chảy mây trôi rồi mới buông bút ngẩng đầu lên, mỉm cười nhìn Phùng Kỷ không mời mà đến. Chàng nhận ra rằng Phật tổ đúng là một cõi an lành, từ năm ngoái chàng đã buông bỏ, không còn lo chuyện thế tục, toàn tâm lễ Phật, lòng chàng đã bình thản hơn nhiều. Dù gặp lại nàng, cõi lòng chàng cũng chẳng còn gợi lên một gợn sóng nào nữa, chỉ còn nhìn nữ nhân đứng trước mặt mình bằng ánh mắt nhìn cái đẹp thuần túy.

Phùng Kỷ ngạc nhiên vì ánh mắt của chàng, từ lâu nàng đã quen gã trai trẻ kia nhìn nàng với ánh mắt lúc thì ngưỡng mộ lúc thì cháy bỏng, chứ chưa từng nghĩ chàng có thể nhìn nàng bằng ánh mắt bình thản an lành kia. Phùng Kỷ lúc này mới nhớ ra, Thác Bạt Hoằng đã mười tám tuổi, còn hai năm nữa là có thể làm lễ đội mũ theo phong tục người Hán, nhưng chàng trai ngồi đằng kia, giờ đã là vị đế vương thần thái hơn người, giống như Thác Bạt Tuấn nhiều năm về trước vẫn ở bên nàng.

Phùng Kỷ sửa lại mấy lọn tóc lòa xòa xuống mặt vì ban nãy đi nhanh quá, cố gắng để giọng nói mình được bình tĩnh, nàng hít một hơi sâu, nhưng không thể che giấu nổi sự tức giận trong lòng: "Hoàng thượng, năm nay người mới mười tám tuổi, vì sao lại muốn nhường ngôi?"

Thác Bạt Hoằng di tay xuống tờ kinh Phật vừa ráo mực, mỉm cười nói: "Triều chính có thái hậu lo, trẫm yên tâm".

Hơi thở của Phùng Kỷ nghẹn lại trong lồng ngực, hắn đang oán trách nàng không giao lại triều chính ư? Nhưng kẻ tự tiện giết chết nam sủng của nàng, chính là chàng mà? Chẳng lẽ nàng không được xả giận? Nàng định đem những câu đó ra hỏi, nhưng bắt gặp ánh mắt bình lặng như mặt nước của Thác Bạt Hoằng, nàng biết cho dù mình có hỏi, hắn cũng không trả lời. Phùng Kỷ nghiến chặt răng, tiếng nói như rít qua kẽ răng mà ra, nói rành rọt từng tiếng một: "Người yên tâm trao ngôi vua cho Thác Bạt Hoành ư? Thái tử mới bốn tuổi thôi".

Thác Bạt Hoằng vẫn mỉm cười nói: "Chẳng phải còn thái hậu sao?" Chàng cúi xuống, che đi thần sắc trong mắt. Bốn tuổi và mười tám tuổi có gì khác nhau? Chàng muốn làm một thái thượng hoàng nhàn tản, ra khỏi cái hoàng cung đã cầm tù nửa đời người của chàng, bên ngoài trời mây rộng lớn, vì sao chàng cứ phải bám riết lấy những thứ không thuộc về mình?

Ngôi vua từ trước giờ vẫn không thuộc về chàng.

Quyền thế từ trước giờ vẫn không thuộc về chàng.

Nàng... từ trước giờ cũng không thuộc về chàng.

Phùng Kỷ nắm chặt lấy tràng hạt gỗ đàn hương trong tay, cất giọng lạnh lùng: "Ai gia hỏi người lần cuối, người kiên quyết muốn nhường ngôi ư?"

"Phải". Thác Bạt Hoằng lại ngẩng đầu lên, cười bình thản.

Đôi mắt phượng của Phùng Kỷ bỗng sắc lạnh, nàng buông một câu: "Vậy sau này người chớ hối hận". Nói đoạn quay người bỏ đi. Thác Bạt Hoằng lặng người nhìn theo nàng một lúc, rồi tự cười mình, tiếp tục cầm bút viết kinh Phật.

Tháng Tám, ánh nắng chan hòa, trời xanh không một gợn mây. Trong lễ nhường ngôi, Thác Bạt Hoằng tự tay dắt Thác Bạt Hoành mới bốn tuổi lên đại điện, rồi bế cậu bé ngồi lên ngai vàng. Thác Bạt Hoằng biết mình chắc chắn không phải hoàng đế trẻ tuổi nhất trong lịch sử, nhưng chắc chắn là thái thượng hoàng trẻ tuổi nhất.

Phùng Kỷ đứng một bên, mặc chiếc áo bào thêu hình phượng màu đỏ tía, thờ ơ lạnh nhạt, đôi môi mỏng mím chặt.

Thác Bạt Hoằng không hề để ý tới nàng, mà chỉ đứng bên cạnh ngai vua, xoa đầu con trai, nhẹ nhàng thấp giọng hỏi: "Hoành Nhi, sao lại khóc?"

Tiểu Hoành nước mắt giàn giụa, kéo vạt áo của Thác Bạt Hoằng nghẹn ngào nói: "Phụ hoàng không cần cô nữa...".

"Sao ta lại không cần Hoành Nhi nữa? Chỉ vì phụ hoàng mệt rồi, Hoành Nhi nhất định là hiểu cho phụ hoàng phải không?" Thác Bạt Hoằng tắt nụ cười, chàng biết việc làm này của mình là rất thiếu trách nhiệm, nhưng trong cung, chàng chỉ là đồ bày cho đẹp, cần gì phải tự chuốc nỗi nhục vào mình? Không phải chàng không có đòi hỏi về quyền thế, có điều chàng không thể làm tốt như Phùng Kỷ. Những tranh chấp giữa các thế lực trong triều, chàng không thể hiểu hết vì tính cách chàng quá đơn giản. Mấy năm nay những xung đột ấy tuy không lớn, nhưng nếu để lâu thì ắt sẽ trở thành việc không thể cứu vãn. Phùng Kỷ chỉ cần một con rối, vậy thì Thác Bạt Hoành nhỏ tuổi hẳn sẽ càng hợp ý của nàng hơn.

"Phụ hoàng...". Thác Bạt Hoằng vẫn khóc lóc không chịu buông tay, những việc khác cậu bé không hiểu, nhưng cậu biết rõ, từ nay về sau, phụ hoàng sẽ rời khỏi cung. Từ nhỏ cậu đã được phụ hoàng nuôi nấng, cho dù từ hai tuổi trở đi được Phùng Kỷ dạy dỗ, nhưng nàng không đòi cậu ở cùng, buổi tối cậu vẫn về với phụ hoàng. Nếu phụ hoàng ra khỏi cung, cậu sẽ phải làm thế nào?

Thác Bạt Hoằng lấy tay áo lau khô nước mắt trên gương mặt nhỏ bé của Tiểu Hoành, rồi lại chậm rãi gỡ những ngón tay bé xíu đang níu vạt áo chàng, rất cương quyết, quỳ một gối xuống bên cạnh ngai vàng. Từ góc này có thể nhìn thấy Phùng Kỷ ở bên kia, đôi mắt phượng như đang bốc lửa.

Phải rồi, mấy năm trước, nàng từng dạy chàng rằng, ngoài Phật tổ ra, chàng không phải quỳ trước bất cứ ai.

Nhưng lần này thì khác, chàng không phải hoàng đế nữa, quỳ lạy đấng quân vương tự mình chọn ra, thì có gì không đúng?

Thác Bạt Hoằng nâng vạt áo long bào của Tiểu Hoành lên, chậm rãi cúi đầu, thành kính hôn lên vạt áo.

"Tham kiến hoàng thượng".

Chàng đã giao đất nước lại cho cậu, tuy không phải là bây giờ, nhưng chàng tín, triều Đại Ngụy sẽ hưng thịnh dưới tay Tiểu Hoành.

"Tham kiến hoàng thượng!!" Quần thần dưới điện lũ lượt quỳ xuống, tiếng hô tham bái vang trời.

Trong cả đại điện, chỉ có một mình Phùng Kỷ vẫn đứng, quan sát mọi việc, thần sắc khó tả.

Trong ống tay áo nàng có nhét một tờ giấy mà nội thị lấy từ thư phòng Thác Bạt Hoằng ra, trên đó viết lặp đi lặp lại có một câu.

"Ái dục sinh ưu phiền, ưu phiền sinh sợ hãi, nếu rời xa ái dục, chẳng ưu phiền chẳng sợ hãi".

Nếu rời xa ái dục, chẳng ưu phiền chẳng sợ hãi?

Phùng Kỷ vò nát tờ giấy trong tay áo, gương mặt thanh tú thoáng qua một nét phẫn uất.

Chàng sẽ phải hối hận...

5

Năm 472.

Thác Bạt Hoằng chắp tay sau lưng, ngắm hồng mai nở trong tuyết, thần thái tự nhiên.

Từ khi chuyển ra ngoài cung, Thác Bạt Hoằng luôn trong trạng thái được thư giãn thoải mái nhất, lần đầu tiên chàng thấy vận mệnh thực sự nằm trong bàn tay mình. Chàng đóng cửa không tiếp khách, hoàn toàn thoát khỏi triều đình, hàng ngày chỉ đi chép kinh, ngắm cảnh sân vườn, cuộc sống an nhàn tự tại. Tuy chàng mới mười chín tuổi, đáng lý ra là không quen với cuộc sống quá an nhàn này, nhưng chàng lại thích thú vô cùng với nó.

"Thái thượng hoàng, Thượng công công trong cung tới, nói có việc gấp cầu kiến". Người hầu đứng ngoài cửa bẩm báo. Tuy thái thượng hoàng đã nói là không gặp ai, nhưng họ đều là những người già theo hầu thái thượng hoàng, biết rằng không được vô lễ với Thượng công công.

Thác Bạt Hoằng giật mình, rồi liền quay người đi về phía tiền sảnh, chàng biết nếu là chuyện bình thường, Thượng Tà sẽ không tới làm phiền chàng. Chàng đi trong hành lang càng lúc càng nhanh, dự cảm không lành đang dần lớn lên.

"Thái thượng hoàng!" Thượng Tà đi đi lại lại ở tiền sảnh, lúc gặp Thác Bạt Hoằng/ liền chạy đến trước mặt, lo lắng nói: "Thái thượng hoàng, hoàng thượng được thái hoàng thái hậu gọi vào để dạy học, không biết hoàng thượng gây chuyện gì khiến thái hoàng thái hậu không vui, nên bị nhốt trong phòng chứa củi đã hai ngày ba đêm rồi! Nghe đâu thái hoàng thái hậu không cho hoàng thượng ăn gì".

Thác Bạt Hoằng nghe xong thì sững người, chàng chưa bao giờ nghĩ Phùng Kỷ cổ thể đối xử khắc nghiệt như vậy với Tiểu Hoành, năm nay thằng bé mới năm tuổi, giờ lại đang là lúc trời đông giá rét, đừng nói là hai ngày ba đêm, bị nhốt trong phòng củi nửa canh giờ thôi là đã không chịu được rồi, lại còn chưa được ăn uống gì...

Thác Bạt Hoằng cảm thấy máu trong người chảy ngược hết lên, mặc kệ mình đang mặc thường phục, mái tóc cũng chỉ buộc qua loa ra phía sau, xe ngựa còn không kịp chuẩn bị, gọi người mang cho con ngựa rồi phi thẳng về phía hoàng cung.

Thượng Tà run run chống gậy, trong lòng bất an, nhìn dấu chân ngựa trên tuyết trắng, thở dài một tiếng.

Tiểu Hoành nằm co ro trong phòng củi tối tăm ẩm thấp, nhìn chiếc bánh thịt trong tay ngao ngán, nhưng vẫn cố ăn lấy một miếng.

Thực ra Phùng Kỷ chẳng làm gì cậu, nhưng Tiểu Hoành không ưa bà ta, việc gì cũng cố ý làm trái. Giờ thì bị "đày" đến phòng củi để hối cải, nhưng đây cũng là một cơ hội tốt.

Tiểu Hoành phồng mồm lên cố nuốt miếng bánh, nghĩ bụng nhân dịp này để gọi phụ hoàng đến thăm cậu. Từ dịp quốc yến đầu năm, đã cả tháng nay cậu chưa gặp phụ hoàng rồi! Hơn nữa phụ hoàng thành tâm hướng Phật, cậu sợ phụ hoàng lỡ mà xuất gia làm sư thì hỏng. Hơn nữa cậu không nói dối, Phùng thái hậu không đưa cơm cho cậu, nhưng không cấm người hầu đưa cơm cho cậu mà. Cậu ở chỗ thái hậu hai ngày ba đêm, Thượng công công không biết sự thể ra sao, có nói quá lên cũng không trách được!

Nghe thấy tiếng người nội thị giả tiếng mèo kêu bên ngoài để báo tin, Tiểu Hoành mau chóng dúi cái bánh ăn dở vào đống củi khô trong góc phòng, lấy tay tát mạnh vào mặt, rồi nằm co quắp lại dưới đất.

Khi Thác Bạt Hoằng mở cửa phòng củi, thì thấy con trai mình đang nằm dưới đất lạnh rất đáng thương, co ro co quắp, chắc vì sốt nên mặt đỏ hồng lên, tấm thân bé nhỏ thỉnh thoảng run lên vì lạnh. Thác Bạt Hoằng trong lòng xót xa, vội đi vào bế Tiểu Hoành lên ôm trong lòng, lập tức ra khỏi đó, quay về tẩm cung gọi thái y đến chữa trị.

"Phụ hoàng... cuối cùng người cũng đến thăm cô rồi...". Tiểu Hoành mở mắt quyến luyến nhìn phụ hoàng đã lâu không gặp.

"Phải, phụ hoàng đến rồi". Thác Bạt Hoằng nghe giọng cậu bé khàn khàn, lại càng xót xa, cánh tay ôm cậu siết chặt hơn.

Tiểu Hoành dụi vào lòng phụ hoàng, lạnh lạnh, mới giật mình nhận ra Thác Bạt Hoằng không mặc áo hồ cừu, chắc vì vừa nghe tin cậu đã vội vã chạy tới. Tiểu Hoành vừa thương nhưng vừa hài lòng, ngẩng mặt lên cầu khẩn: "Phụ hoàng... xem ra cô không thích hợp để làm vua rồi, phụ hoàng về làm vua của triều Đại Ngụy được không?"

Đúng vậy, đó là nguyện vọng của tiểu hoàng đế mấy ngày nay, cậu ghét cung điện lạnh lẽo, ghét chiếc long sàng trống trải, cậu càng ghét người đàn bà hàng ngày cậu phải gặp. Cậu muốn được như ngày xưa, dù hàng ngày phải tới chỗ Phùng Kỷ để học, nhưng hàng ngày cũng đều có phụ hoàng ở bên.

Thác Bạt Hoằng bước vào tẩm điện ấm áp, nhẹ nhàng đặt Tiểu Hoành lên giường, chàng lấy tay lau vết than trên mặt cậu bé, nén sự tức giận trong lòng, nhỏ nhẹ nói: "Hoành Nhi, con nghĩ làm hoàng đế là trò trẻ con sao? Con đã là hoàng đế của triều Đại Ngụy rồi, không thể thay đổi được".

Tiểu Hoành thất vọng chu mỏ lên.

Thác Bạt Hoằng dùng tay ủ ấm cho tay cậu, mắt chàng ánh lên, chàng nói kiên quyết: "Nhưng lần này ta sẽ làm lưỡi đao của con. Phật nói: buông đao giết người, lập tức thành Phật. Vì con của ta, ta rời bỏ Phật Tổ, lại cầm lại đao kiếm được không?"

Tiểu Hoành há hốc mồm, việc này... tại sao lại khác hẳn những gì cậu dự liệu?

Năm 476.

Thác Bạt Hoằng nhảy phắt xuống ngựa ngay ngoài cửa cung, đưa dây cương cho thị vệ, tay cầm mũ giáp, sải bước đi vào trong cung. Chàng vẫn là thái thượng hoàng, nên không cần bỏ kiếm khi vào cung, cũng không cần đợi cho gọi mới được vào.

Thác Bạt Hoằng lâu ngày mới nhìn lại cung cấm, trong lòng không khỏi một nỗi nhớ nhà. Tuy hồi trước mười tám tuổi, chàng vẫn coi đây là cái phòng giam. Nhưng năm năm nay cầm quân đánh trận, khiến chàng vô cùng nhung nhớ nơi đây. Nhìn những cung nữ nội thị lần lượt quỳ lạy khi chàng đi qua, trên gương mặt họ là sự sùng bái và kính sợ thật lòng, Thác Bạt Hoằng mỉm cười hài lòng.

Năm năm trước, nhận ra rằng nhường ngôi cũng không khiến chàng có được tự do thực sự, Thác Bạt Hoằng bèn quyết định mình phải đứng lên vì con trai. Nếu chàng đã không thể tranh chấp với Phùng Kỷ trong triều đình, vậy thì chàng chuyển mục tiêu sang quân đội.

Là một hoàng đế của tộc Tiên Ti, Thác Bạt Hoằng dù lớn lên dưới tay phụ nữ trong thâm cung, nhưng chưa từng bỏ bê cung tên binh pháp. Lúc này chàng mới thực sự hiểu ra, muốn người khác không coi thường mình, thì mình phải có thực lực mạnh mẽ. Vừa may chàng đã nhường ngôi cho Thác Bạt Hoành, nếu vẫn còn làm hoàng đế, chàng chắc chắn không thể tự mình đem quân ngự giá thân chinh được. Trong năm năm nay, bên ngoài thì chàng nam chinh bắc chiến mở mang bờ cõi, bên trong thì cũng vì thế lực của mình đã lớn mạnh, chàng có cơ hội thị sát chỉnh đốn quan lại trong nước, đề bạt người hiền tài. Dốc sức lo liệu việc trong việc ngoài như vậy, về lâu về dài ắt sẽ xây dựng được một thiên hạ thái bình an định cho Tiểu Hoành. Năm nay chàng mới hai mươi ba tuổi, tương lai vẫn rất dài.

Thác Bạt Hoằng càng nghĩ càng thấy hùng tâm vạn trượng, chàng không phải là người có dã tâm lớn, chàng chỉ muốn bảo vệ người duy nhất chàng quan tâm. Đợi Tiểu Hoành lớn rồi, có thể dần dần giao việc nước cho cậu.

Thác Bạt Hoằng nhớ ra con trai mình năm nay đã chín tuổi, lần này xuất chinh, đã hơn một năm chưa được gặp cậu bé, không biết cậu có ăn uống tốt không, vóc dáng đã cao lên nhiều chưa. Thác Bạt Hoằng đi càng lúc càng nhanh, nhưng đúng lúc chàng sắp ra khỏi hành lang thì một nội thị từ bên cạnh bước ra, quỳ lạy trước mặt chàng, cung kính nói: "Bẩm thái thượng hoàng, thái hoàng thái hậu cho mời".

Thác Bạt Hoằng hơi nheo mắt lại, chần chừ trong chốc lát, rồi gật đầu nói: "Dẫn đường đi".

Đi theo người nội thị, xuyên qua hành lang quanh co, Thác Bạt Hoằng cũng không rõ mình được đưa đi đâu. Trong năm năm qua chàng rất ít khi về, cung điện cũng đã xây sửa lại, lúc này đang ở giữa mùa hạ, trăm hoa khoe sắc, Thác Bạt Hoằng ngắm nhìn cảnh vật và lòng khoan khoái. Người nội thị đi tận tới trước lương đình trong vườn hoa phù dung mới dừng lại.

Thác Bạt Hoằng nhìn bóng dáng yêu kiều đang đun rượu ngắm hoa trong lương đình, con tim bất chợt đập mạnh.

Người đàn bà này, cho dù chàng đã đứng ở phía đối địch với nàng, tuy chàng từ lâu đã tự nghiền vụn mọi ảo tưởng về nàng, nhưng trong khoảnh khắc nhìn thấy nàng, chàng vẫn không thể lừa dối con tim mình.

Tự mình đem quân chinh chiến, cũng chỉ vì muốn tránh nàng.

Thác Bạt Hoằng len lén thở dài, bước lên bậc thềm, đi từng bước tới lương đình.

Nghe thấy tiếng khôi giáp cọ xát lạch cạch, Phùng Kỷ quay đầu lại, nhìn thấy một chàng trai trẻ anh tuấn tay cầm mũ khôi, người mặc giáp bạc, khôi ngô tuấn tú, trên gương mặt chứa đầy khí thế tung hoành uy phong được rèn rũa qua binh lửa, đang bước tới dưới ánh mặt trời. Bộ khôi giáp phản xạ ánh nắng chói mắt khiến người khác không thể nhìn thẳng, uy vũ như một vị thiên tướng hạ phàm.

Phùng Kỷ hơi nheo đôi mắt phượng lại, lòng quyết tâm đã chắc chắn bỗng bị dao động mạnh, nhưng rồi lập tức lại được nén xuống.

Thác Bạt Hoằng lúc này ngẩng đầu lên, nhìn Phùng Kỷ mặc chiếc váy xanh đứng giữa đám hoa phù dung, còn kiều diễm hơn hoa, năm tháng không để lại nhiều dấu vết trên gương mặt nàng, nàng vẫn đẹp không ai sánh nổi. Thác Bạt Hoằng chợt mơ màng, dường như nghĩ rằng mình về lại khi lần đầu tiên gặp nàng hồi nhiều năm trước. Khi đó nàng cũng mặc một chiếc váy cung nữ màu xanh, nấp trong lùm hoa phù dung ngồi khóc...

Bây giờ thực ra vẫn vậy.

Khóe miệng nàng rõ ràng đang cười, nhưng gương mặt thì như sắp sửa khóc.

Thác Bạt Hoằng nhìn rõ, trên gương mặt nàng, đeo một chiếc mặt nạ, che đi sự dịu dàng, biến thành sự mưu mô và lạnh lùng.

Chàng biết, chỉ cần chàng muốn, chỉ cần chàng với tay ra, là có thể gỡ bỏ chiếc mặt nạ đó của nàng, nhìn thấy lại nàng của ngày xưa. Chàng cũng biết, chỉ cần nàng muốn, chỉ cần nàng đưa tay ra, là cũng sẽ gỡ bỏ được chiếc mặt nạ nghiêm nghị của chàng.

Nhưng họ đều không làm gì cả.

Ngay sau khi ánh mắt gặp nhau, họ đều tránh ánh mắt của người kia đi.

Nàng vẫn đeo chiếc mặt nạ đó, còn chàng vẫn nắm chặt đôi bàn tay mình.

Phùng Kỷ biết, chiếc mặt nạ nàng đeo có thể gỡ ra rất dễ, nhưng nàng cũng biết, nếu đeo mặt nạ lâu quá, thì chính nàng cũng không biết phải gỡ nó ra thế nào nữa. Đến cả gương mặt dưới lớp mặt nạ, dần dần cũng biến thành hình dáng của mặt nạ, con người trước đây của nàng không thể tìm lại được nữa.

Nàng nghe thấy mình vừa khẽ cười vừa nói: "Hoằng Nhi, về rồi à, uống cùng ta một chén rượu được không?"

Phùng Kỷ biết, chàng trai anh tuấn trước mặt sẽ không từ chối, chàng điên cuồng si mê nàng, kể cả đến giờ vẫn vậy.

Tộc Tiên Ti không giống như Hán, cha con anh em lấy cùng vợ cũng không có gì lạ. Năm xưa chỉ cần nàng mở lời, là có thể dễ dàng dùng tình yêu để điều khiển vị vua trẻ tuổi.

Nhưng nàng không muốn dùng thủ đoạn đó để đối phó với chàng, nàng muốn một vị vua hoàn mỹ có thể thay thế cho Thác Bạt Tuấn. Nàng sắp xếp phi tử cho chàng, nhìn con trai chàng ra đời, hy vọng có thể nhìn thấy một vị đế vương manh mẽ ra đời, đưa đế quốc của Thác Bạt Tuấn để lại trở nên hưng thịnh.

Nhưng nàng thất vọng, chàng lại đi lễ Phật? Đi nhường ngôi? Thậm chí đem quân đi đánh trận?

Một vị vua như vậy, thì chẳng cần nữa.

Nàng sẽ tiếp nhận đất nước của Thác Bạt Tuấn. Bởi vì đất nước này vốn thuộc về tổ phụ của nàng, nay nó thuộc về nàng, nàng sẽ chẳng cho ai nữa.

Phùng Kỷ nhìn thấy Thác Bạt Hoằng bỏ mũ khôi trong tay xuống, ngồi xuống trước mặt nàng. Nàng vén cao tay áo, tự mình rót rượu cho chàng, nhìn chàng chậm rãi uống cạn chén rượu độc mà nàng đã chuẩn bị, không để lại giọt nào.

Nhìn chàng bỗng nhiên trợn mắt, ngạc nhiên nhìn nàng, bên khóe miệng không ngừng rỉ ra máu tươi, bỗng nhiên Phùng Kỷ thấy trái tim như bị kim đâm, đau đớn như người uống rượu độc của nàng.

Thì ra, nàng đã thay đổi.

Kẻ không muốn từ bỏ triều chính là nàng, kẻ rơi vào vòng xoáy quyền lực cũng là nàng.

Chỉ vì cuộc đời nàng chẳng còn gì khác ngoài quyền lực, nên mới không chịu buông tay.

Cũng như khi tượng Phật đã vỡ nứt, thì không còn là tượng Phật nữa.

Cũng như nàng, từ lâu đã không còn là Bồ Tát hiền từ năm xưa, dưới sự hung hãn của thời gian, nàng đã biến thành Tu La.

(Đúng ra là A Tu La (dịch từ Asura), ác thần trong truyền thuyết An Độ, đối nghịch với Phật)

Phùng Kỷ sửa lại mấy sợi tóc bên tai, u buồn cảm thán: "Phật nói đời người có bảy cái khổ, sinh, lão, bệnh, tử, ghét mà phải ở bên nhau, yêu mà phải biệt ly, cầu mà chẳng được...".

Năm 476, Bắc Ngụy Hiến Văn đế Thác Bạt Hoằng bị thái hoàng thái hậu Phùng Kỷ giết hại, hưởng dương hai mươi ba tuổi.

Hôm sau, Thác Bạt Hoành nén cơn giận trong lòng, đợi Phùng Kỷ hiệu kiến trong Phật đường. Cậu lại giống như phụ hoàng mười một năm trước, đẩy cánh cửa lớn của Phật đường, nhìn thấy tượng Độc Ngọc Phật bị nứt dài ở cổ.

Năm 493, Thác Bạt Hoành dời đô về Lạc Dương, bắt đầu xây dựng hang đá Long Môn nổi tiếng.

(Di sản văn hóa thế giới, tạo thời Bắc Ngụy và mở rộng quy mô vào các đời sau này, bao gồm hệ thống chùa chiền, tượng Phật, bia đá... rất có giá trị lịch sử và văn hóa)

Năm 499, Bắc Ngụy Hiếu Văn đế Thác Bạt Hoành bị mắc bạo bệnh chết, năm đó mới ba mươi ba tuổi.

Lời nguyền của tượng Phật, vẫn tiếp tục kéo dài...

6

Năm 2012, hang đá Long Môn, Lạc Dương.

"Òa... thật là tráng lệ quá...". Đêm tối đen như mực, một gã trẻ tuổi mặc chiếc áo sơ mi đen thêu hoa văn rồng đỏ đứng dưới bức tượng Phật trong động Tân Dương Trung. Nhưng câu vừa rồi thì không phải do gã nói.

Trên vai gã chủ tiệm là một con búp bê thỏ bằng vải, chính là bác sĩ. Anh cảm thấy con rối gỗ ngô đồng thật bất tiện, nghĩ tới hình một thân xác trong phim hoạt hình, nghĩ rằng với tình trạng này của mình, sử dụng con rối vải mềm mại sẽ dễ điều khiển hơn, nên mới bắt chủ tiệm tìm búp bê vải để thử. Tuy chú thỏ dễ thương mềm mại này khiến anh hơi cạn lời, nhưng dù sao thì cũng có thể điều khiển được động tác tay chân của nó, so với con rối gỗ ngô đồng không động đậy được, thì anh hài lòng lắm rồi.

(Nguyên văn là "nghĩa hài" chỉ thân xác để tử thần nhập vào tạm thời, từ dùng trong phim hoạt hình Bleach)

Có điều nếu là sư tử hoặc hổ cho dũng mãnh hơn một tí thì tốt, bác sĩ có vẻ không chịu nổi việc mình ngọ nguậy cái tai dài thượt của con thỏ. Nhưng rất mau chóng, anh bị câu chuyện của gã chủ tiệm vừa kể thu hút sự chú ý, "Chủ tiệm này, tượng Phật trong tay anh chính là Độc Ngọc Phật hả? Có thật là có lời nguyền kỳ dị vậy không?"

Trong chiếc hộp gấm trong tay chủ tiệm, một bức tượng Phật bằng ngọc nằm im lặng, vùng cổ có khảm nạm vòng vàng, che đi vết nứt đáng sợ một cách hoàn hảo, nhìn trông giống như tượng Phật đeo vòng trang sức vàng vậy. Chủ tiệm bình thản cúi nhìn nói: "Đúng vậy, từ sau Thái Võ đế, các hoàng đế Bắc Ngụy không ai sống qua nổi tuổi tráng niên. Hiếu Văn đế Thác Bạt Hoành đã coi như sống lâu nhất rồi, bởi vì ông chăm chính sự, yêu dân chúng, lại xây dựng hang đá Long Môn. Thực ra ông xây hang Long Môn không phải vì bản thân mình, mà để cầu phúc cho phụ hoàng. Vậy nên Thác Bạt Hoành sau khi chết mới đặt thụy hiệu là Hiếu".

"Tượng Độc Ngọc Phật đã nhiễm lời nguyền của đế vương, nên chắc có thể trấn áp được càn khôn thiên tử khí ở đây". Chủ tiệm khẽ thở dài, năm xưa gã dâng tượng Phật cho Thái Võ đế nhà Bắc Ngụy không phải vì mục đích này. Nhưng ngọc tuy là vật lành, ngọc vỡ lại là thứ tà vật, tượng Phật ngọc bị vỡ lại càng xấu, mọi thứ nhân từ được tô vẽ bề ngoài, đều ẩn chứa sự đen tối bên trong.

Bác sĩ nhìn chủ tiệm chôn tượng Độc Ngọc Phật trong động Tân Dương Trung như lần trước chôn rìu Thiên Việt, bất giác lẩm bẩm hỏi: "Rìu Thiên Việt đại diện cho sự nghi kỵ của thiên tử, vậy thì Độc Ngọc Phật đại diện cho cái gì?"

Gã chủ tiệm trầm ngâm một hồi lâu, rồi mới khẽ thở dài: "Đời người có bảy cái khổ, sinh, lão, bệnh, tử, ghét mà phải ở bên nhau, yêu mà phải biệt ly, cầu mà chẳng được... Cho dù là đế vương, thì cũng là người trong cõi trần, chẳng thể thoát khỏi bảy nỗi khổ của nhân gian...".

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv