Tiệc Báo Thù

Chương 21



Đới Quyên im lặng rất lâu, vẻ căng thẳng, hồi hộp. Ba Du Sinh đành chủ động hỏi, “Cô nói là định hỏi chúng tôi, cô cứ nói đi?” Đới Quyên chỉ hỏi được nửa chừng, “Có đúng là…” Vệt nước mắt chưa kịp khô, lệ đã lại trào ra.

Ba Du Sinh nhỏ nhẹ, “Đã đối chiếu nha khoa, trùng khớp. Đúng là cả hai người. Nhưng vẫn cần thận trọng, nên đã chuyển họ về chỗ pháp y để khám nghiệm. Chắc ngày mai sẽ có kết luận cuối cùng.”

“Sao lại… sao cả hai lại… anh có thể cho biết cụ thể không?” Đới Quyên hỏi xong, lại ra sức lắc đầu. Cô muốn biết nhưng lại rất không muốn nghe, không nỡ nghe. Không có nỗi đâu nào kinh khủng hơn điều này.

“Cụ thể, thì còn phải chờ xem xét đối chiếu. Chúng tôi sơ bộ được biết: chú cô và chồng cô chủ động tấn công bọn cướp, hai bên vật lộn, rồi tên cướp cho nổ thuốc nổ quấn trong người…” Ba Du Sinh nói một cách khó khăn. “Thật khó tưởng tượng nổi tâm trạng của cô lúc này… tôi xin có lời chia buồn.”

Lặng đi hồi lâu, Đới Quyên ngẩng đầu lên, có lẽ một phần là do ánh sáng, trông mặt cô càng tái nhợt, ủ rũ. “Xin lỗi, tôi… tôi rất buồn. Chỉ trong một lúc… đã mất hết người thân.”

Na Lan cũng nghẹn giọng, “Tôi đã từng trải qua cảm giác này, tôi hiểu nỗi đau của chị.”

Đới Quyên ngừng nức nở, ngạc nhiên nhìn Na Lan.

Na Lan thổ lộ, “Cha tôi mất khi tôi đang học cấp III, bị sát hại. Bạn trai của tôi ra đi năm ngoái, cũng bị sát hại.” Xưa nay Na Lan chưa từng chủ động nhắc đến những chuyện này.

“Đúng như thế ư… thật đáng ái ngại…” Đới Quyên buồn bã nhìn Na Lan. “Tôi hoàn toàn không biết… không biết cô đã phải trải qua những chuyện như thế.”

Ba Du Sinh khẽ nói, “Còn định hỏi gì nữa không? Chúng tôi sẽ giải đáp cặn kẽ…”

Đới Quyên hơi ngập ngừng, “Có… định hỏi… liệu các anh có thể cho biết… chú tôi và nhà tôi bị hại như thế nào… hung thủ là ai?”

Ba Du Sinh không do dự, “Chúng tôi đang tích cực điều tra toàn bộ sự việc, bước đầu chỉ nhận thấy nội vụ hết sức phức tạp, chưa thể xác định nhân thân hung thủ. Về mục đích của chúng… chúng đã có âm mưu tấn công hội quán Tiêu Tương, để lấy một thứ có giá trị cất trong két sắt của hội quán. Nhân đây tôi muốn hỏi cô một điều, câu này chúng tôi cũng sẽ hỏi thím của cô đang ở bên Mỹ: cô có biết thứ gì cất trong két sắt đó không?” Đây là câu hỏi anh nhất định phải nêu ra. Vì Đới Quyên là cháu gái, rất gần gũi với Đới Hướng Dương, chẳng khác gì con đẻ, Quyên còn là vợ của Yên Vệ Bình, cô phải là người hiểu rất rõ cả hai người. “Báu vật” mà Đới Hướng Dương cất trong két sắt là gì, rất ít người biết, Đới Quyên có thể là một trong số rất ít đó.

Nhưng Ba Du Sinh lại phải ngạc nhiên vì Đới Quyên trả lời rất nhanh, “Tôi biết! Trong đó là mệnh căn của chú tôi!”

Đới Quyên

Đới Quyên là kế toán viên của hiệu thuốc “Trung Sơn đại dược phòng”. Từ ngày tốt nghiệp đại học đến giờ, cô vẫn làm thứ công việc “chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng” không thể chết đói này. Lúc cô ra trường, Đới Hướng Dương đã phất lên như diều, cô không hề thiếu ăn và càng không có chuyện chết đói. Ông chú doanh nhân thường nói đùa “cháu tôi chẳng ham hố gì, có thể xuất gia tu hành”, nhưng dù xuất gia thì cô cũng chẳng thể làm nổi sư thầy chưởng môn. Đới Quyên cũng không băn khoăn, tính cách bẩm sinh đã thế, nhân định thắng thiên nhưng tính cách không thể thắng nổi thiên. Huống chi, mấy chữ “nhân định thắng thiên” vốn bị người ta hiểu sai, “nhân định” nghĩa là “lòng người an định” chứ không phải “lòng người quyết định”, phải như cô ấy, nội tâm an định thì mới có thể sống thuận theo tự nhiên và sẽ không biến thành kẻ nô lệ thăng trầm khốn đốn của số phận!

Hồi cô còn học đại học, Đới Hướng Dương đã gợi ý cô vào làm ở doanh nghiệp của ông - bấy giờ mới chỉ là công ty vật liệu Hâm Viễn, kinh doanh khai thác mỏ than, khai thác kim loại, mỏ đá, sản xuất xi măng, phân hóa học… đủ các thứ vật liệu phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Đới Hướng Dương không thể hiểu tại sao Đới Quyên cứ lắc đầu quầy quậy, ông cho rằng cô là người thông minh nhất của họ Đới, là thứ kim loại hiếm, vật liệu chất lượng cao, nếu cô tham gia, đi theo ông làm về năng lượng và vật liệu, tích lũy thêm kiến thức cuộc đời, Hâm Viễn nhờ đó sẽ có tiền đồ xán lạn. Nhất là ở Trung Quốc, trong các thể loại doanh nghiệp tư nhân thì công ty gia đình thường là đáng tin cậy và bền vững dài lâu. Đới Hướng Dương luôn coi Đới Quyên như con đẻ, nếu cô đủ năng lực thì mai kia có thể giao toàn bộ công ty cho cô.

Bởi thế sau khi Đới Quyên lấy chồng, Đới Hướng Dương liền nhanh chóng bồi dưỡng cháu rể Yên Vệ Bình thành cấp phó, thành ái tướng tâm phúc của mình.

Nhưng Đới Quyên đến giờ vẫn là kế toán cho một hiệu thuốc. Chưa trải qua sóng gió thương trường, cô không rõ mình có năng lực này hay không nhưng cô biết chắc chắn mình sẽ vô tình nhập cuộc với việc làm ăn của tập đoàn Hâm Viễn. Đã quen với cuộc sống bình lặng bao năm trời, Đới Quyên muốn có thêm nhiều thời gian để đọc kinh Phật, đọc thơ văn cổ điển.

Cô rất thích Tống từ, cô thường ngẫu hứng mở cuốn Tống từ toàn tập ra, say sưa ngâm nga. Đọc nhiều đọc mãi, cô đã cảm nhận được nó khá sâu sắc. Cô thường nói với bạn bè rằng, thật ra, toàn tập Tống từ có không ít bài non kém, nhưng dù non kém đến mấy, Tống từ vẫn hết sức thú vị.

Trước khi gặp Yên Vệ Bình, cuộc sống Đới Quyên rất nhàn tản, không phải chịu gánh nặng gì, lại có ông chú “đẳng cấp” như thế, cô rất tự bằng lòng nhưng cũng chưa bao giờ cảm thấy mình hạnh phúc, e rằng trên đời này không có nhiều người mồ côi cha mẹ từ nhỏ mà lại cảm thấy mình hạnh phúc. Mẹ cô bị ung thư buồng trứng rồi mất năm 36 tuổi, ít lâu sau cha cô mất do tai nạn giao thông. Chính Đới Quyên cũng nhận thấy khía cạnh tiêu cực, âm thầm của mình có liên quan đến những cú sốc hồi thơ ấu. Nhưng Yên Vệ Bình xuất hiện đã khiến cô thay đổi tất cả.

Thoạt đầu, cô ngỡ anh như người ngoài hành tinh hoặc như một diễn viên. Khi đó cô quan sát và biết rõ cái hay cái dở của phái nam trong giới kinh doanh, và thấy hơi buồn cho họ. Còn Yên Vệ Bình thì ít điểm chung với những con người như thế, anh biết tôn trọng người khác, biết cách yêu thương, anh hiểu rằng tự kiểm soát và sự trung thực quan trọng hơn những thú vui nông cạn. Đới Quyên cho rằng đó là biểu hiện của sự thiếu thực tế đời thường. Yên Vệ Bình có đúng như thế không?

Đới Quyên không sợ đàn ông đích thực, cô thậm chí có thể bao dung những thiếu sót và nhầm lẫn của người ấy, cô chỉ sợ gặp phải đàn ông siêu thực mà thôi.

May sao, thực tế đã chứng minh Yên Vệ Bình là sự bù đắp của bồ tát do những bất hạnh của Đới Quyên thời thơ ấu, là một người yêu gần như hoàn mỹ.

Nhưng trên đời này không có ai hoặc thứ gì là hoàn mỹ cả!

Cho nên, sau bốn năm trời tươi sáng nhất đời, bồ tát lại đem Yên Vệ Bình đi khỏi cô, miệng thản nhiên mỉm cười, tay bắt ấn hoa lan.

Yên Vệ Bình ra đi, Đới Hướng Dương ra đi, Đới Quyên trở về với u tịch. Họ để lại tập đoàn Hâm Viễn nhưng nó luôn cách cô rất xa, và để lại Tiêu Tương - tuy không phải quê hương nhưng chí ít cô cũng từng đặt tên cho nó.

Đới Quyên không mảy may dính dáng đến tập đoàn Hâm Viễn. Với hội quán Tiêu Tương, cô cũng chỉ dừng ở cái tên đó mà thôi. Đới Hướng Dương đã nhiệt tình trưng cầu ý kiến của Đới Quyên, để cô đặt tên Tiêu Tương cho hội quán và tên cho các gian phòng bên trong. Chỉ có thế. Tại sao đặt là Tiêu Tương? Không lo người ta hiểu lầm đó là hiệu ăn khẩu vị Hồ Nam hay sao? Kể cả hiểu lầm cũng không thành vấn đề, vì các món Hồ Nam khá thịnh hành ở Giang Kinh, huống chi một hội quán có tính chất tư nhân này, sự hiểu lầm đó sẽ tạo cơ hội cho các thực khách tương lai đi sâu tìm hiểu thêm, tức là hữu ích chứ không có hại gì. Ý nghĩa thực sự của hai chữ Tiêu Tương là cái đẹp, cái đẹp tha thướt, cái đẹp lung linh.

Chữ mẫu để khắc biển hiệu là thủ bút của nhà thư pháp số một Giang Kinh là Lưu Bỉnh Húc. Mấy năm qua Đới Quyên theo Lưu Bỉnh Húc học thư họa, cô trực tiếp mời thầy cho chữ chứ không cần ông chú chi ra mấy đồng tiền. Cô đoán không nhầm: sự phụ hiểu ngay ý nghĩa mỹ học của hai chữ Tiêu Tương chứ không hề cho rằng nó ngụ ý ẩm thực.

Ngoài ra, Đới Quyên không liên quan đến mọi sự vụ khác của Tiêu Tương. Mới chỉ tư vấn vài chữ này, cô đã cảm thấy có người không ưa - Lương Tiểu Đồng dường như coi hội quán là “đại nghiệp” hoặc một thứ đồ chơi rất đẳng cấp của mình, anh ta bao quát và quyết định đủ mọi việc lớn nhỏ. Ví dụ Lương Tiểu Đồng từng nêu “ý tưởng” đặt tên hội quán là… Kim Lợi Khải[1], khiến người ta có thể chết ngất luôn! Đới Hướng Dương vừa nghe đã cười nhạt, lắc đầu. Ông nói riêng với Đới Quyên và Yên Vệ Bình: anh chàng ấy chê chú chưa đủ giàu chảy mỡ, chưa đủ hôi tanh vì đồng tiền hay sao? Hay anh ta cho rằng nhà này muốn mở ngân hàng? Anh ta không hiểu rằng mở hội quán không nhằm kiếm mấy đồng tiền lẻ, thật ra hội quán là một phương thức xã giao, là một nét thanh lịch.

[1] Lời ca mừng kim tiền và lợi lộc.

Cho nên, Đới Hướng Dương giao cho Đới Quyên việc đặt tên, giao cho Yên Vệ Bình phụ trách lao động (Lương Tiểu Đồng thì gọi việc này là nguồn nhân lực) và tổ chức các vị trí giám đốc, phục vụ, đầu bếp… Đới Hướng Dương rất sợ để Lương Tiểu Đồng làm những việc này, sợ anh ta sẽ đưa cả đàn mèo mả gà đồng vào làm phục vụ bàn (rồi tiện thể “xài” luôn), hoặc anh thợ nấu ăn mới ra nghề muốn chóng nổi danh nhưng chỉ giỏi khệnh khạng ra vẻ ta đây.

Những việc này của Tiêu Tương hầu như Yên Vệ Bình bao tất. Mấy năm nay Yên Vệ Bình nổi lên vị trí thứ hai của tập đoàn Hâm Viễn một cách xứng đáng, nói anh bận trăm công nghìn việc không ngoa chút nào, Đới Quyên không muốn thế, lẽ ra anh không nên dồn quá nhiều tâm trí cho một cái hội quán. Giờ đây hồi tưởng lại, Đới Quyên không thể không tin vào số phận: lẽ ra hôm nay Yên Vệ Bình không cần phải có mặt trong bữa ăn trưa ở hội quán Tiêu Tương.

Cách đây hai hôm, chị gái Yên Vệ Bình ở Thanh Đảo gọi điện báo tin người cha bị xuất huyết não, đã hôn mê một ngày trời. Yên Vệ Bình trưởng thành theo dấu chân người cha, ngay tính cách cũng phát triển theo mô hình của cha, thậm chí tham gia quân đội như cha, tình cảm cha con rất sâu nặng. Nhận được tin này, anh lập tức xin chú vợ cho nghỉ phép, khẩn trương làm nốt các việc quan trọng của tập đoàn, mua vé để bay đến Thanh Đảo sớm nhất có thể. Nào ngờ sáng nay Đới Hướng Dương lại “dở chứng” nói rằng ngày khai trương hội quán Tiêu Tương phải tiếp nhiều khách, nhất là bữa tối đặc biệt đông, đây cũng là dịp để Yên Vệ Bình thể hiện mình nhiều hơn, kết giao nhiều hơn, không nên bỏ lỡ. Bữa trưa có Đới Thế Vĩnh là nhân vật nhỏ nhưng anh ta là do Yên Vệ Bình giới thiệu, anh có vai trò nhất định trong tương lai của tập đoàn, giúp đưa tập đoàn ra khỏi thế bế tắc hiện nay. Cho nên gặp gỡ Đới Thế Vĩnh là rất quan trọng, Yên Vệ Bình không thể vắng mặt. Đới Hướng Dương cam đoan: giữa chừng dạ tiệc sẽ cử xe đưa cháu rể đi suốt đêm đến Thanh Đảo còn nhanh hơn là đi máy bay.

Anh bộ đội nghiêm chỉnh Yên Vệ Bình dẫu không muốn thì vẫn sẵn sàng chấp hành lệnh cấp trên, bèn “xin vâng”.

Lúc sáng sớm ra khỏi nhà, như thường lệ, anh ôm hôn vợ, và nói có lẽ phải bốn năm ngày nữa mới trở về, anh băn khoăn vì phải để vợ ở nhà một mình với đứa con còn nằm trong bụng…

Đới Quyên đã có bầu ba tháng.

Nếu không vì đang bị nghén, cô sẽ cùng đi Thanh Đảo với chồng để thăm nom bố.

Thế mà giờ đây Yên Vệ Bình đã ra đi mãi mãi, Đới Quyên đã mất người thân yêu nhất, đứa con tương lai cũng mất người cha sẽ rất mực thương yêu nó.

Lẽ nào chuyện này đều là tại cái thứ “mệnh căn” giời ơi của Đới Hướng Dương mà mọi người vẫn nhắc đến xưa nay? Than ôi, cái thế giới ma quỷ tối mắt vì tiền, ta nguyền rủa ngươi!

Không ít người biết Đới Hướng Dương có cái thứ gọi là mệnh căn, nhưng người đã tận mắt nhìn thấy nó thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Càng không nhìn thấy thì càng hay bàn tán đồn đại, có người nói nó là một tín vật do tổ tiên họ Đới để lại, ví dụ tượng Phật đã được hòa thượng khai quang điểm nhãn, hoặc bùa gỗ đào đã được linh hỏa truyền nhập, có người đoán là tảng than đá đầu tiên mà Đới Hướng Dương khai thác được, có người liên tưởng từ chữ “căn” đoán rằng đó là một củ nhân sâm cực to giống hệt đứa trẻ con, lại có người suy đoán theo kiểu ly kỳ quái dị, nói rằng đó là một tiểu quỷ được vị pháp sư Đông Nam Á giúp Đới Hướng Dương nuôi dưỡng - chứng cứ là: mỗi năm Đới Hướng Dương đi nghỉ vài lần ở vùng Đông Nam Á. Thậm chí có người nói, “mệnh căn” là một bó tiền cực to, tiền Nhân dân tệ hoặc đô la Mỹ, tuy nhiên, nếu nói thế thì tiền chẳng phải là mệnh căn của tất cả mọi người ở chốn bụi trần này hay sao?

Đới Quyên thường kiềm chế không hỏi Đới Hướng Dương các chuyện kinh doanh nhưng bí mật về “mệnh căn” thì cô biết. Không chỉ mình cô mà cả Yên Vệ Bình, thậm chí cô không tính ra được… ít nhất có mấy mươi người hay nâng cốc với Đới Hướng Dương cũng biết sự thật về mệnh căn.

Chính Đới Quyên cũng phải công nhận nó là một báu vật.

Nói ra, các bạn đừng kinh ngạc… nhưng nhất định các bạn sẽ kinh ngạc. Sao tôi có thể ngăn người khác đừng kinh ngạc, vì bản thân tôi lần đầu biết về nó cũng bị trằn trọc mấy đêm liền!

Đó là một tài liệu viết tay. Mãn Giang Hồng. Bản chép tay của Nhạc Phi!

Thảo nào Đới Hướng Dương coi nó là mệnh căn! Cho đến nay, giới học thuật vẫn còn tranh luận kịch liệt: câu từ “Nộ phát xung quan” có đích xác là của con người trung nghĩa nhất trong lịch sử Trung Hoa không? Khi sở hữu bản chép tay của một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất trong lịch sử, nó sẽ “xóa sổ” mọi tranh luận của giới học thuật, và có thể lớn tiếng nói rằng: mọi tán dương đỉnh cao của chúng ta đối với cổ nhân không hề khoa trương, tinh thần hiến thân, trung thành, oanh liệt ấy của Nhạc Phi có thể trở thành tín ngưỡng của chúng ta.

Thậm chí có thể biến những tranh luận ấy trở thành trò cười thời nay.

Chỉ có điều, Đới Hướng Dương coi nó là mệnh căn của doanh nghiệp gia đình, nói chính xác hơn là mệnh căn của ông ta, là sự bảo đảm an toàn vĩnh cửu, là sự sùng bái đầy mê tín. Đúng là Đới Hướng Dương quý cô cháu còn hơn con đẻ chứ không phải tỏ vẻ trước mặt thiên hạ, cô không bao giờ muốn nói những lời không tốt đẹp về chú mình, nhưng cô vẫn nghĩ dù ông kinh doanh thành công đến đâu thì bản chất cũng bình thường như bao người khác, cũng có khuyết điểm chứ không cao thượng sáng ngời gì cả. Nhân gian có biết bao người thắp hương cho Nhạc Phi, Đới Hướng Dương chỉ là người tôn thờ một bản chép tay của ngài, xin ngài phù hộ cho đế quốc thương mại nho nhỏ của ông. Ông mê tín cũng là phải, vì trong 18 năm qua tập đoàn Hâm Viễn hùng mạnh đã phải chịu vài ba phen thăng trầm, theo cách nói của ông: năm 1998 vì vấn đề vốn mà Hâm Viễn suýt nữa bị sáp nhập, năm 2003 và năm 2008 cũng suýt chết ngạt vì vấn đề vốn, may sao cuối cùng cũng thoát hiểm. Đới Hướng Dương đã nhìn thấy nhiều đối thủ cạnh tranh có tài ba, tiềm lực và quy mô lớn hơn ông không vượt qua nổi những cửa ải đầy khó khăn rồi đau đớn biến thành trò cười của lịch sử, ông không thể không cảm thán chẳng qua mình được đấng linh thiêng trong cõi vô hình phù hộ đó thôi. Vì thế, sau mỗi lần thoát hiểm, ông càng thêm kính ngưỡng cái gọi là mệnh căn ấy. Qua thái độ muôn phần sùng kính của ông chú đối với bản chép tay Mãn Giang Hồng của Nhạc vương, Đới Quyên nhận ra bài từ ấy thực sự là chỗ dựa tinh thần của ông, chỗ dựa tuyệt đối, đến mức… cần đi khám bệnh tâm lý.

Hoặc để bác sĩ tâm lý trợ giúp cũng được.

Thật đáng tiếc, nếu gặp Na Lan sớm hơn.

Giờ đây nói những chuyện này đã là quá muộn. Khi Đới Quyên gặp Na Lan lần đầu thì sự việc đáng sợ đã xảy ra mất rồi.

Sáng ngày ra, sau khi nôn ọe như thường lệ, trứng gà, sữa dinh dưỡng bị lùa ra hết, Đới Quyên mệt lử nằm đi văng, sờ cái bụng hơi nhô lên. Cô thầm nghĩ, bé ơi, dù bé là hoàng tử hay công chúa, hai ta cũng đã có ân oán với nhau, mẹ là người hay để bụng, mẹ sẽ đánh dấu lên lịch, con bắt mẹ nôn ọe bao nhiêu lần thì bấy nhiêu lần mẹ sẽ bớt cho con ăn kem, ăn sô cô la. Chắc con sẽ mỉm cười, nhưng liệu con mỉm cười được bao lâu?

Lúc di động Đới Quyên réo vang, có lẽ cũng là lúc xe cảnh sát đang chạy vào Dư Trinh Lý. Người gọi đến là Cù Đào, giám đốc lễ tân của hội quán Tiêu Tương, một thanh niên mà Yên Vệ Bình rất ưng ý. Vẻ rất lo lắng, anh ta cho Đới Quyên biết tin lầu chính Tiêu Tương bị cướp tấn công, lúc này cảnh sát đã đến nhưng bọn cướp vẫn còn trong nhà, có thể Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình đã bị giữ làm con tin!

Đới Quyên mở di động. Trên WeChat đã có vô số tin hỏi thăm: cậu biết tin Tiêu Tương bị cướp chưa? Thật đáng sợ, nghe nói có tiếng súng? Chú cậu có ở đó không? Chồng cậu lên máy bay rồi chứ?

Đương nhiên không thể trả lời các bạn đang rất lo lắng quan tâm hỏi thăm, và cũng bỏ cả rửa mặt chải đầu, Đới Quyên vội vã thay quần áo rồi chạy ào ra ngoài, chui vào xe, lần đầu tiên cô bấm còi inh ỏi cả khu dân cư nghe thấy.

Nhà vợ chồng cô thuộc khu biệt thự ở tuyến vành đai 3, trên đường từ đây vào trung tâm thành phố, nửa đầu phóng như điên, nửa sau đi chậm như rùa, Quyên đành đỗ xe trước một siêu thị rồi xuống đi tàu điện ngầm.

Khi đến được đầu khu Dư Trinh Lý thì vụ nổ đã xảy ra, ở xa cũng nhìn thấy khói đen bốc lên nghi ngút. Mở di động, họ vẫn đang truyền hình trực tiếp. Đới Quyên biết tin về vụ nổ, biết tin lầu chính Tiêu Tương tan hoang khủng khiếp, Cù Đào kể lại khá cặn kẽ và thông báo vừa có vài xe cứu thương chở người đi cấp cứu ở bệnh viện số 6. Đới Quyên hỏi, “Có nhìn thấy chú tôi và anh Yên Vệ Bình không?” Cù Đào lắc đầu, an ủi cô, “Em đứng khá xa, không nhìn thấy tất cả những người bị thương, nhưng chắc là không vấn đề gì đâu.”

Tuy vậy Đới Quyên có một linh cảm rất không lành.

Cô hỏi danh sách các vị khách ở lầu chính, Cù Đào nói không có, nhưng anh ta biết bàn ăn ở đại sảnh tầng hai có Đới Hướng Dương, Yên Vệ Bình, Lương Tiểu Đồng và một thương gia. “Ai đó trong nội bộ hội quán đã thuê bao gian nhỏ Túy Hoa m, không rõ tiếp quý khách nào, nhưng về sau nghe cảnh sát nói, thì ra đấy là một anh phóng viên và một chị chuyên gia tâm lý tên Na Lan.”

Na Lan? Cái tên nghe quen quen.

Đới Quyên cảm ơn Cù Đào rồi đi vào Dư Trinh Lý. Cô nói với cảnh sát đứng ở cửa hội quán Tiêu Tương rằng mình là người nhà con tin, muốn hỏi tình hình. Viên cảnh sát cũng nói như Cù Đào chứ không hé lộ chi tiết gì, dù biết cô là người nhà con tin.

Đới Quyên dặn dò Cù Đào nán lại ngóng tin, rồi chạy đến bệnh viện Nhân dân số 6.

Phòng cấp cứu “náo nhiệt” khác thường, bất ngờ tiếp nhận đông đảo người bị thương, các cảnh sát đều căng thẳng như ra trận, gây áp lực rất lớn cho khu nhà cấp cứu. Đới Quyên hỏi bác sĩ, hỏi y tá… có bệnh nhân tên là Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình không, nhưng không nhận được câu trả lời nào. Cô đành vào tận phòng cấp cứu nhìn từng giường một, sau đó lại sang phòng ICU, nhìn thấy một nữ đang hôn mê, cuối giường treo tờ bìa theo dõi ghi “Na Lan”.

Thì ra cô này là chuyên gia tâm lý Na Lan, đang bị thương nặng. Đới Quyên nhìn kỹ hơn, khuôn mặt cô ta cũng quen quen.

Cuối cùng, hiểu rằng có đi tìm nữa cũng vô dụng. Đới Quyên dần dần chấp nhận khả năng sẽ phải nghe tin chẳng lành. Và cô đã chấp nhận, đây là ngày đen tối nhất kể từ khi cô trưởng thành. Một hiện thực tàn khốc. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, cô đã mất hết người thân, mất người yêu duy nhất của mình.

Cô bỗng thấy trời đất quay cuồng, bữa sáng đã nôn hết, quá lo lắng nên cũng không nghĩ đến bữa trưa nữa, lúc này vừa đói vừa mệt, lòng như lửa đốt, đôi chân mềm nhũn, ngã vật xuống cái ghế ở khu chờ khám cấp cứu.

Lúc tỉnh lại, Đới Quyên thấy mình đang nằm trong phòng theo dõi và được truyền dung dịch muối, ngồi bên cạnh là một cô gái trông rất quen, phục vụ ở lầu Đông Tiêu Tương, nói rằng Cù Đào lo chị Quyên bị mệt nên bảo cô đến đây tìm. Lúc nãy một y tá ở phòng cấp cứu phát hiện ra Đới Quyên bị ngất, liền đưa ngay vào đây để truyền dung dịch. Cô phục vụ vừa vào viện liền chạy ngay đến phòng cấp cứu, tìm thấy Đới Quyên mà còn lo lắng rằng mình đến muộn.

Cũng may, Đới Quyên chỉ bị hạ đường huyết, truyền dịch xong, cô ăn chút bánh trái do cô phục vụ mang đến, nghỉ ngơi một lát thì dần dần hồi phục. Nằm trên giường, cô ngẫm nghĩ. Lúc nãy đi tìm Yên Vệ Bình và Đới Hướng Dương, nhìn thấy khá nhiều cảnh sát, thấy một số nhân viên của Tiêu Tương ví như Ngu Uyển Chân vẫn hay gọi cô là “chị Quyên”, bếp trưởng Lý Vạn Tường, bảo vệ Cát Tam Lạc… Phần lớn con tin là người của Tiêu Tường, nghĩa là sao? Chắc chắn cảnh sát cần ghi bút lục của những người mục kích sự việc, những người này cũng cần chăm sóc y tế. Đới Quyên đoán rằng cảnh sát sẽ tổ chức làm việc ngay tại bệnh viện này.

Cô ngồi dậy, rồi bước ra hỏi hai anh cảnh sát hình sự. Họ cho biết đội trưởng Ba Du Sinh đang có mặt trong viện. Đúng, cô phải gặp Ba Du Sinh, chỉ để hỏi một câu: Vệ Bình và chú tôi có còn trên đời này không?

Dù cô đã đoán ra câu trả lời.

Nhưng cô vẫn hy vọng mình đã đoán sai.

Khoảng bốn tiếng hai mươi phút sau, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.

Phòng làm việc quá im ắng, khiến Na Lan thấy ngột ngạt. Căn phòng nhỏ này không tự biết mình chật chội hay sao, mà bốn bề tường của nó cứ như co vào giữa, cố ý ép chặt những con người đang buồn bã và bức xúc này?

Cảm giác bi thương đè nặng những con người bị thương, trói buộc họ, biến họ thành nô lệ.

Đới Quyên lại khóc nức nở, khóc lặng người. Na Lan ôm đôi vai gầy guộc của Quyên, khẽ nói, “Chị rất buồn, tôi biết. Nhưng nên chú ý giữ sức khỏe, vì chị và vì cháu bé…”

Đới Quyên lau nước mắt, gật đầu. Lát sau cô ngẩng đầu lên, dường như đã trấn tĩnh hơn.

“Tôi muốn hỏi một câu.” Ba Du Sinh vốn định để khi khác, nhưng thấy Đới Quyên đã khá hơn, nên anh cứ hỏi. “Về tình hình… của chú cô. Gần đây thể lực của ông ấy thế nào?”

Cảm thấy câu hỏi này của Ba Du Sinh hơi lạ, Đới Quyên nhích mày, nghĩ ngợi. “Vẫn tốt. Anh tra ra vấn đề gì à?”

Ba Du Sinh, “Không… Gần đây ông ấy có bị áp lực công việc hoặc có tâm trạng không ổn định không?”

“Không.” Đới Quyên trả lời gần như ngay lập tức. Ba Du Sinh biết, khi đang hỏi hoặc thẩm vấn đối phương, nếu câu trả lời bật ra mau chóng như vậy, thì điều đáng kể sẽ còn ở phía sau. Cho nên anh không nói gì, chỉ lặng lẽ chờ đợi. Đúng thế, ánh mắt và vẻ mặt của Đới Quyên chứng tỏ cô bắt đầu nghĩ ngợi, lục tìm trong trí nhớ. Lát sau cô nói, “Chú tôi làm về năng lượng, nguyên vật liệu, thị trường luôn biến động mạnh, yêu cầu về vốn cũng rất lớn, tôi cho rằng áp lực ông ấy phải chịu chưa bao giờ là nhỏ cả. Ông thường kể với lớp trẻ chúng tôi rằng, từ ngày dấn thân vào kinh doanh, đã thăng trầm ít nhất ba lần. Lúc thăng thì phất nhanh ghê gớm, lúc trầm thì gần như khuynh gia bại sản. Không gì có thể lùa ông đi rõ xa hoặc đè bẹp ông ngã gục. Tính cách ông vốn giỏi chịu đựng, dù gặp chuyện lớn đến đâu cũng không thể hiện ra nét mặt. Cho nên, anh hỏi thế thì tôi trả lời ngay là ‘không’. Tuy nhiên, cố nghĩ cho tỉ mỉ… gần đây tôi lờ mờ cảm thấy có áp lực, gián tiếp cảm nhận được qua chồng tôi - anh Yên Bình. Áp lực từ việc kinh doanh của tập đoàn. Tính cách chú tôi… đương nhiên vẫn không thay đổi, không hề thở than hoặc hoang mang lo lắng, nhưng cũng có vài dấu hiệu, ví dụ, khi cả nhà ngồi ăn cơm, tôi nói vài câu chuyện thường ngày, nhưng nhận ra rằng chú tôi nghe đấy nhưng đầu óc và ánh mắt mất tập trung, như thể nghĩ ngợi những gì đó rất xa xăm.”

Ba Du Sinh gật đầu, “Nhà mọi người ở gần nhau, chắc là không có thư từ gửi nhau gì cả. Phiền cô, trở về nếu thấy ông ấy còn giấy tờ hoặc thư điện tử gì để lại cho cô, nếu có vẻ không bình thường, mong cô trao đổi với chúng tôi. Chúng tôi muốn tìm ra mọi manh mối liên quan đến vụ cướp.”

“Hiểu rồi. Bọn cướp muốn nhằm vào mệnh căn của chú tôi, vì thế mà chú tôi bỏ mạng. Điều ấy sẽ là chìa khóa để các anh phá án.”

“Cảm ơn cô đã hiểu cho chúng tôi.” Ba Du Sinh mở kẹp bìa trên bàn lấy ra một tệp ảnh. “Muốn phiền cô thử nhìn những tấm ảnh này, xem có nhận ra ai không?”

So với tệp ảnh ban đầu đưa cho những người chứng kiến vụ việc xem, ở đây có thêm hai tấm ảnh: một nam giới tuổi không quá 25 và một nam giới khoảng 35 tuổi. Đới Quyên không biết là ai, các con tin khác cũng không biết.

Về điều này, cảnh sát ở ban chuyên án không lấy làm lạ và cũng không nản lòng. Giờ đây có thể cơ bản loại trừ hai người này là nhân viên hoặc thực khách của Tiêu Tương. Hai người này đáng ngờ ở chỗ: người bình thường thì hay đem theo giấy tờ tùy thân, ví tiền hoặc di động… nhưng hai người này thì trống trơn, trong người không có gì hết. Và toàn thân lại mặc đồ đen.

Đới Quyên ra về rồi, Ba Du Sinh trở lại ban chuyên án, Khương Minh lập tức bước tới, “Lúc nãy anh dặn tôi hỏi thêm anh Đường Vân Lãng, đến giờ vẫn chưa có kết quả.”

Ba Du Sinh vẫn chưa kịp hỏi Đường Vân Lãng một vấn đề rất quan trọng: ngoài đoạn nòng súng ngắn trong túi quần Yên Vệ Bình, còn tìm thấy mảnh nào của khẩu súng không?

Như những “con tin” nhớ lại, tên cướp quấn thuốc nổ trong người rồi cho nổ, trước lúc chết vẫn cầm súng trường bán tự động, không ai nhớ được khẩu súng đó có bị thổi bay ra hoặc bị ai nhặt không. Súng vẫn trong tay hắn, dù không ai nhặt thì các mảnh vỡ phải nằm ở hiện trường. Lửa cháy có thể làm biến dạng khẩu súng, nếu Lương Tiểu Đồng nhớ không nhầm thì đó là súng trường bán tự động kiểu 95, các bộ phận đều bằng thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm, không thể bị nát vụn và không thể bị cháy ra tro.

Nhưng cho đến giờ vẫn chưa phát hiện thấy bất cứ mảnh vụn nào có vẻ như thuộc về khẩu súng đó chứ đừng nói là khẩu súng hoàn chỉnh. Một điều kỳ lạ khác là, tên cướp A cầm súng ngắn đã chạy ra khỏi hiện trường, tại sao trong túi quần Yên Vệ Bình lại có một đoạn nòng súng ngắn? Yên Vệ Bình xuất thân quân nhân, đương nhiên đã tiếp xúc với súng đạn, tại sao trong ngày khai trương hội quán lại có mẩu nòng súng ngắn trong túi quần? Và, lại vừa khéo là nòng súng Glock mà tên cướp sử dụng?

“Đường chưởng môn cùng các đồ đệ xuống tầng trệt kiểm tra và tìm thấy vỏ đạn Luger 9 ly viên đạn đã bắn vào cậu bảo vệ Cát Tam Lạc. Trên tầng hai, bọn cướp cũng bắn một phát đạn, nhưng đại sảnh đã bị cháy tan hoang do vụ nổ, khắp sàn là gạch vữa, gỗ vụn…”

Ba Du Sinh, “Phát súng ở tầng hai bắn lên trần nhà kia mà?”

“Đúng! Trần nhà bị cháy sạch, không thể nhận ra. Cần bắc thang để nhìn, nhưng nền đại sảnh quá ọp ẹp, bên kỹ thuật hình sự đang lo nếu bắc thang thì không an toàn, người của phòng thiết bị đã chở ván gỗ đến và sẽ sửa lại sàn, nhưng nếu thế thì lại là làm hỏng hiện trường. Cho nên hiện giờ Đường chưởng môn vẫn đang cố gắng khám nghiệm mặt sàn.”

Ba Du Sinh, “Có lý.” Anh biết, khám nghiệm một diện tích đầy các mảnh vụn, lại bị ướt lép nhép, thì không thể làm xong trong một hai tiếng đồng hồ.

“Họ vẫn đang tìm, và có lẽ không dễ mà tìm thấy viên đạn.”

Cửa phòng họp bỗng mở ra, một người đàn ông trung niên cao gầy bước vào.

Cô gái đang đọc bút lục ngẩng đầu, nhận ra người này cũng là một trong các con tin - phóng viên Quách Tử Phóng - bèn thản nhiên thông báo, “Sếp Ba đã nói là từ chối mọi cuộc phỏng vấn.”

Quách Tử Phóng, “Không lo! Anh ấy đã bị tôi kiểm soát, tôi nói gì anh ấy cũng nghe.” Thình lình nhận ra cô gái đang tủm tỉm này chính là Na Lan, anh kêu lên. “Đồ quỷ sứ, làm tôi giật cả mình! Sao cô lại chạy đến đây?”

“Đến để tìm lại ký ức đã mất.”

“Tôi phụ đạo miễn phí cho cô về ngữ văn nhé: đã tìm, tức là phải mất rồi, cho nên không cần nói là ‘tìm lại ký ức đã mất’. Nói ‘tìm lại ký ức’ là đủ hiểu rồi!”

Na Lan thở dài, “Tôi là người đầu tiên nói anh vô duyên hay sao?”

Ba Du Sinh giơ tay lên, Quách Tử Phóng nói giọng mũi, “Thấy chưa: ‘người ấy đến trước em’!”

Na Lan ngán ngẩm lắc đầu, “Chắc là ca từ của bài hát thịnh hành nào mà chỉ 7X các anh mới nghe chứ gì?”

“Đúng! Em đã thấy từ ngữ của người ta chọn lọc bóng bẩy ra sao chưa?”

Thấy Quách Tử Phóng càng nói càng lan man, Ba Du Sinh vội nhắc, “Anh đúng hẹn nhỉ? Định nói chuyện với tôi chứ gì?”

“Chúng ta mới trao đổi dăm câu, chưa bắt đầu thì đã kết thúc, tôi chưa dứt hứng thì nói nữa cũng là chuyện bình thường mà!” Quách Tử Phóng đặt tách cà phê trong tay xuống, dường như là tách thứ hai rồi.

Ba Du Sinh chỉ vào một gian nhỏ hẹp, “Thế thì mời anh chịu khó vào phòng thẩm vấn tạm thời của chúng tôi để nói chuyện.”

Mười sáu ngày trước khi xảy ra vụ án, tại một căn hộ ở khu dân cư Phú Lạc xã Ninh Hồ ngoại thành Giang Kinh.

Khi ba tên cướp lại hội ý lần nữa, thì tên cướp A tuyên bố đã giải quyết được hai khâu quan trọng trong kế hoạch hành động.

Hắn mở chiếc ba lô đem theo, bên trong là ba khẩu súng hai dài một ngắn. Tên B vốn hay đọc tạp chí quân sự, đôi khi cũng lướt web quân sự nữa, hắn trầm trồ, “Kiếm đâu ra nhanh thế? Súng ngắn Glock 19 danh tiếng! Hai súng trường bán tự động 95…” Rồi hắn thán phục nhìn tên A cứ như nhìn một kẻ rất xa lạ. “Cha mẹ ơi! Chắc không phải đại ca đã bán mình cho xã hội đen rồi chứ?”

Tên A cười khẩy, “Gia nhập xã hội đen thì tao chưa đủ tư cách, chưa đủ trong sạch.” Hắn đặt khẩu súng ngắn vào tay tên C, tên C nâng thử nặng nhẹ ra sao, rồi cười, “Đúng là mày chưa đủ trong sạch. Đây là súng giả!”

Tên B mỉm cười, “Còn phải nói! Mày bảo đại ca đi đâu để tìm được súng thật chứ.”

Tên A, “Trên đời không có việc gì khó không làm nổi. Vẫn có thể tìm được súng thật nhưng phải tốn công tốn sức, lại nguy hiểm nữa! Thì giờ của chúng ta có hạn, cần tập trung vào việc lập phương án kín kẽ hoàn hảo. Đây là hàng nhái, nhưng kích cỡ và kết cấu y như hàng xịn.”

Tên B, “Đồng ý! Súng này trông rất thật, tao chịu không nhận ra. Chúng ta chỉ cần hù dọa bọn họ chứ đâu cần giết người?”

Tên C xem xét khẩu súng ngắn rồi cười ha hả, “Tuy là hàng nhái nhưng vẫn có thể bắn được đạn súng hơi.”

Tên B, “Thế thì có gì là lạ? Súng cao su cũng có thể bắn được đạn súng hơi.”

“Mày nói chẳng đâu vào đâu cả! Ý tao là, súng này vốn có cơ chế để bắn đạn bi hoặc đạn cao su. Nếu lý luận như mày, thì cầm tay ném cũng tức là bắn được đạn súng hơi à?” Tên C làu bàu. Hơn chục năm qua hắn và tên B đôi co nhau suốt, không đứa nào chịu lép vế.

“Thôi đi! Chấm dứt lý sự.” Tên A lại mở ba lô lấy ra một hộp đạn bi. “Cứ chuẩn bị sẵn sàng cũng không thừa. Dù sao những thứ này cũng không khó kiếm. Kể từ tối nay chúng ta bắt đầu diễn tập xem nên khống chế hơn chục con tin như thế nào, vì chuyện này là khâu then chốt.”

Tên B sửng sốt, đứng bật dậy khỏi ghế, “Mày nói đùa phải không? Chúng ta đâu cần bắt giữ con tin làm gì?”

Tên A, “Ừ, có lẽ tao nói chưa chuẩn. Tất nhiên không cần bắt giữ bất cứ ai, ý tao là: ở đó có một đám người, chúng ta phải diễn tập cách dùng súng để khống chế họ, không cho họ chạy đi lung tung. Đồng thời, chúng ta tra hỏi lão Đới Hướng Dương bắt lão nói ra mật mã két sắt.”

Căn phòng im lặng như tờ, cả ba cùng tưởng tượng khung cảnh hôm đó sẽ như thế nào, lần đầu tiên hợp tác, kinh nghiệm trộm cướp đơn thương độc mã trước đây gần như chẳng ích gì cho vụ này.

Tên C bỗng nói, “Dùng còng! Chúng ta cần một lô còng!”

Tên B ngạc nhiên, “Cần còng để làm gì? Còng mười mấy người, rất chi là rách việc! Đã là cướp, thì phải cực nhanh gọn, bọn ta rất sẵn thời gian hay sao?”

“Thảo nào mày là thằng thiển cận! Tốn một chút thì giờ còng họ lại thì họ khỏi phải gây sự, phản công, khỏi phải ăn đạn, làm loạn, tức là chúng ta một công đôi ba việc! Vì chúng ta chỉ có ba người, chỉ có súng giả, nếu bị phản kích thì mày có bắn không? Mà bắn cũng không chết được ai, hễ có một người phản kháng thì cả bọn sẽ phản kháng, đánh giáp lá cà, vật lộn, lúc đó súng thành vô dụng.” Tên B nói đâu ra đấy, khiến tên C cảm thấy có lý dù đã nghĩ ra không ít “lý luận”. Hắn đành ngậm miệng.

Tên A cũng bị thuyết phục, “Được! Mai tao sẽ thu xếp còng, còng còn dễ kiếm hơn súng. Đem về rồi, chúng ta cũng phải luyện tập thực hiện cho có bài bản.” Hắn cất ba khẩu súng vào ba lô rồi cất vào tủ áo trong căn hộ mà tên B và C đang thuê. “Có đột phá quan trọng: vợ tao đã cùng tao giải quyết được cách tiến vào lầu Ba Khắc êm thấm an toàn.”

Tên B, “Tao đoán là vợ chồng mày tìm ra một lối vào bí mật?”

Tên A, “Có lẽ tại mày đọc quá nhiều tiểu thuyết trộm mộ! Đâu ra lối đi bí mật? Đã có cách đi vào mà không cần chui rúc bẩn thỉu như địa đạo.”

“Mau nói đi?” Tên B hào hứng hết cỡ.

“Nói thì ăn thua gì?” Tên A đứng lên. “Tao sẽ cho mày nhìn tận mắt! Bây giờ đi luôn! Hôm nay sẽ chính thức khảo sát ngay tại trận.”

Khoảng năm tiếng sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv