Đến khi Thuỵ Miên tỉnh dậy đã là giờ cơm. Thuý Như tìm đến chuyển lời mời dùng bữa tối của Bửu Toại: “Thuỵ Miên tỷ, Bửu Toại công tử tổ chức tiệc thiết đãi bằng hữu, muốn mời tỷ tới phủ viện tham dự.”
Thuỵ Miên bụng cũng đã đói, liền không khách khí nhận lời. Nếu lúc này Bửu Toại có mời nàng đến đếm ngân lượng, chưa chắc nàng đã nhanh nhẹn mà có mặt như vậy, nhưng ăn uống, lại là chuyện khác.
Trong đám nô tài đứng canh trước cửa có hai người lạ mặt mà Thuỵ Miên chưa gặp bao giờ. Ngồi bên trong, xung quanh bàn tròn là ba người nam nhân, đang nâng ly chúc nhau nói lời khách sáo. Một người Thuỵ Miên đã quen thuộc là Bửu Toại, một người là Cát Uy mà nàng đã thọ giáo buổi chiều, người còn lại là ca ca của Cát Uy buổi chiều mới đến.
Nam nhân lạ mặt có vẻ ngoài phong hoa trác nguyệt (1), y phục tao nhã, cầm quạt phe phẩy dáng vẻ xuất trần. Mỗi làn gió phảng phất từ chiếc quạt lại đưa tóc mai trước mặt hắn bay bay, trông vô cùng phong lưu. Nam tử có khuôn mặt trái xoan, mắt phượng mũi cao, răng trắng môi hồng, tuấn tú khôi ngô. Thuỵ Miên cảm thán, ở thời hiện tại, người này nếu làm diễn viên chắc cũng có nhan sắc vào bậc Tứ đại thiên vương, hiếm có khó tìm.
(1) Phong hoa trác nguyệt: nam nhân có diện mạo đẹp đẽ
Thuỵ Miên bước vào, Bửu Toại nhìn thấy liền đứng dậy vui vẻ giới thiệu: “Cát Uy đệ và Đắc Di huynh, cô nương đây là Phó Thuỵ Miên mà ta đã nhắc tới. Thuỵ Miên cô nương tuổi trẻ tài cao, tinh thông y thuật. Không có nàng, ta giờ này chắc vẫn tâm tê phế liệt. Thuỵ Miên, để ta giới thiệu cho muội: đây là Hữu Cát Uy công tử, là bằng hữu của ta, và Hữu Đắc Di, sư huynh của Cát Uy công tử.”
Cát Uy vẫn không nói gì, tuy vẻ mặt có chút ngượng ngùng, còn Đắc Di đã đứng dậy giơ tay hành lễ: “Phó Thuỵ Miên cô nương, danh đã nghe qua, thật là tài mạo song toàn. Ta cũng xin chúc mừng cô nương trở thành sư đồ của Đàm sư bá, vinh hạnh khó có ai bì được.”
Thuỵ Miên hơi chạnh lòng nghĩ về lão biến thái, nàng mặc kệ Cát Uy, rồi lễ phép đáp lại: “Đắc Di công tử thật là biết cách ăn nói, không như ai kia, không phép không tắc. Tiểu nữ là Phó Thuỵ Miên, rất vui được gặp mặt.”
Đắc Di bất ngờ nhìn Thuỵ Miên liếc xéo Cát Uy khi nàng nhắc đến người nào đó không lề phép, đoán ra được đệ đệ đang bị gọi hồn, nhanh chóng cũng mỉm cười, liền ung dung cưỡi ngựa xem hoa.
Cát Uy bị đả kích, bắt đầu mặt mẩn đỏ.
Bửu Toại thấy vậy liền bắt chuyện làm lành: “Thuỵ Miên muội, trước lạ sau quen, Cát Uy là hảo bằng hữu của ta, là người chính trực ngay thẳng nên có gì nói đó. Có chuyện gì hiểu lầm, muội hãy bỏ qua đi.”, lại quay sang Cát Uy nói: “Cát Uy đệ, Thuỵ Miên là cô nương vô cùng bác ái, trên kính dưới nhường, rất được lòng người. Hai người đừng như vậy, thật là khó xử cho ta.”
Cát Uy miễn cưỡng, cũng vì nể mặt Bửu Toại mà nâng ly rượu, nhìn Thuỵ Miên, nói trong khó khăn: “Là ta đã quá lời trước, ta xin lấy rượu tạ lỗi. Thuỵ Miên cô nương, bỏ qua.”
“Được, hảo hán đại trượng phu không chấp việc vặt.” Thuỵ Miên hào sảng đáp lại.
Đắc Di tươi cười như hoa, một lần nữa nâng chen rượu chúc tụng: “Thuỵ Miên cô nương đúng là nữ trung hào kiệt, tại hạ xin kính nàng một ly.” Thuỵ Miên không ngại mà nhận lấy.
Trên bàn cơ man nào là đồ ăn, nàng vui sướng thoải mái đánh chén, không giống như các vị nữ tử thiên kim, miệng ngọc tay tăm. Ngoài Bửu Toại đã quen với việc ăn uống không khách khí của nàng, Đắc Di càng nhìn vẻ phóng khoáng không câu nệ của Thuỵ Miên, càng thêm ấn tượng.
Cát Uy nói: “Bửu Toại huynh, lần này ta và ca ca đến đây, vừa là để thăm huynh, lại vừa có việc cần làm.”
Đúng lúc này Đắc Di làm đổ ly rượu ra bàn, vội vàng lau chùi, quay sang tạ lỗi với Bửu Toại: “Xem ta kìa, ở bên mỹ nhân là tay chân luống cuống.”, vừa nói vừa mỉm cười phong lưu nhìn Thuỵ Miên, “Dược Trang thành của Bửu Toại công tử giang sơn hữu tình, non xanh nước biếc, nhân vật hào hoa, làm lòng người say mê. Phiền huynh thu xếp cho chúng ta ở tệ xá dăm bữa nửa tháng, liệu có gây phiền hà?”
Bửu Toại giữ lễ: “Không phiền, hai vị lặn lội từ Kỳ quốc đến đây bôn ba vì nghe ta gặp nạn, ta thật cảm kích. Đã đến nơi này rồi, ở lại nghỉ ngơi dăm bữa nửa tháng cũng là điều tốt”.
Thuỵ Miên giật mình nhìn Đắc Di vừa rải hoa đào với nàng, lòng thầm nghĩ: “Đắc Di công tử này vẻ mặt anh tuấn, nhìn thì đường hoàng, vậy mà lời nói cử chỉ lại thật ngả ngớn chướng mắt. Hắn dúng là có dáng dấp công tử thiếu gia ăn chơi.”
Ăn được mấy miếng, Đắc Di ngả người khẽ nói vào tai Bửu Toại làm hắn có chút không tự nhiên, nhưng rồi cũng phải phép mà gật đầu đồng ý. Bửu Toại quay sang nhìn Thụy Miên, nét mặt ngần ngại, sau đó liền gọi gia nhân bên ngoài vào nhẹ giọng phân phó.
Bửu Toại và Cát Uy tiếp tục hào hứng đàm luận về kiếm pháp, hai người khách sáo liên tục khen ngợi kiếm giới của nhau. Bửu Toại thích thú với thanh bảo kiếm sắc bén của Cát Uy: “Kiếm báu của đệ đúng là bảo vật ngàn vàng khó kiếm. Nhất là viên đá xanh lam gắn trên chuôi kiếm, độc tôn trên đời. Nhất định đợi ta khỏe hẳn, chúng ta phải cùng nhau tỉ thí thêm lần nữa.”
Cát Uy nói: “Được, thời gian ta và ca ca ở đây có thể còn dài. Chúng ta nhất định có cơ hội.”
Thuỵ Miên thầm nghĩ nếu giá trị của viên đá lớn như vậy, thì chỉ cần búng viên đá từ chuôi kiếm ra mang đi đổi là cả đời không lo chết đói. Đúng là đồ dùng của đại thiếu gia, không giống với người thường.
Đắc Di ngồi mỉm cười phe phẩy phiến quạt, thần thái ung dung, khiến Thuỵ Miên không khỏi tò mò mấy lần đưa mắt quan sát. Phát hiện Thuỵ Miên thỉnh thoáng lại nhìn mình, Đắc Di không ngại mà còn mỉm cười nháy mắt, làm nàng hóc mất miếng xôi, uống bao nhiêu canh mới trôi.
“Thuỵ Miên cô nương, cứ từ từ mà dùng, uống bát canh đi.” Đắc Di tỏ ra vô can, ngây thơ không biết mình là người vừa gây ra tràng sặc của nàng.
Hắn hỏi: “Thuỵ Miên cô nương tài năng y thuật thiên phú. Cô nương học y thuật từ đâu?”
Thuỵ Miên trả lời: “Y thuật của ta chỉ là vừa đủ dùng. Ta vẫn luôn dự tính có thể học hỏi trao dồi thêm. Nếu có thể ta mong muốn sẽ chu du khắp nơi trong thiên hạ, vừa tìm tòi kiến thức y khoa, vừa thưởng thức mỹ vị nhân gian, không vướng bận, có thể đóng góp gì đó cho thế gian cũng là điều tốt.”
Đắc Di nhìn Thuỵ Miên có chút ngạc nhiên: “Cô nương là nữ nhi rất có hoài bão.”
“Thuỵ Miên cô nương không lo nghĩ về thành gia lập thất ư? Chẳng phải tam tòng tứ đức là phẩm chất nên có của nữ tử sao?” Cát Uy nghe thấy liền hỏi, giọng điệu có chút không hài lòng. Bửu Toại lúc này cũng đã quay lại chăm chú nghe chuyện.
Thuỵ Miên thấy Cát Uy có ý đánh giá chê bai, nàng thầm nghĩ: “Người này thật khô cứng, lại quá cổ hủ phong kiến, phải mở mang đầu óc cho hắn chút mới được”, liền trả lời Cát Uy: “Công tử, để ta kể công tử nghe chuyện này. Có nước tên Giao chỉ ở phía Nam, bị đô hộ trong 2000 năm.
Hai ngàn năm này chịu bao thống khổ. Lạc tướng của Giao Chỉ có hai nhi nữ; hai nữ nhân này có lòng trung nghĩa, uất ức trước cảnh lầm than của dân tộc, quyết đứng lên khởi nghĩa, giành lại chính quyền. Trong mười năm, kiên trì thành công đánh thắng giặc ngoại xâm, lập nên vương quyền mới tại Mê Linh. Người đời còn gọi hai bà là Trưng Trắc và Trưng Nhị(1). Tiếng thơm muôn đời, không ai không cảm phục nghĩa khí.
(1) Dựa trên cuộc đời của hai nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Lại nói đời Nguyễn Sơ, có nữ tử tên Tiểu Thanh, là người nữ tử điển hình mà Cát Uy công tử nói đến, nổi tiếng tài mạo song toàn, tam tòng tứ đức. Chẳng phải trong tam tòng có tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu hay sao.
Tiểu Thanh có ý trung nhân, nhưng vì chế độ không cho nàng tự quyết, phải nghe theo sắp xếp của phụ thân, lấy người mà mình không mong muốn. Bi kịch xảy ra, phu quân Tiểu Thanh lập thê lấy thiếp, Tiểu Thanh không những không có được tình yêu mà còn bị hàm oan chết yểu, chỉ vì không kháng cự được ý muốn của phu quân nàng, bị hại bởi tiểu thiếp của chính tướng công mình. Người đời có ai nhớ đến Tiểu Thanh là nữ tử tòng phu? Người ta chỉ khóc thương nàng mà thôi:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư(2)
(Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương)
(2) Bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký do đại văn hào Nguyễn Du sáng tác
Cát Uy công tử, nữ nhi là phận má đào, tuy nhiên, nữ nhân cũng có thể quật cường tự đứng lên. Ai trách Trưng Trắc Trưng Nhị tài ba cứu nước, lại có ai ca ngợi Tiểu Thanh vì chồng vu thân? Vậy, tam tòng tứ đức của Cát Uy công tử không phải là đúng hết. Ta đây không quản phong kiến lễ giáo, miễn là làm được điều mình muốn, không nổi lòng tham, giúp được nhiều người, không phạm điều ác, không nhất thiết phải làm theo những gì người đời chỉ định.”
Cả ba nam nhân đều im lặng mà ngồi nghe. Bửu Toại mỉm cười khích lệ, Cát Uy im lặng như hến còn ánh mắt Đắc Di ánh lên vẻ thưởng thức; hắn không tiếc lời khen ngợi: “Thuỵ Miên cô nương đúng là nữ tử hiếm có.”
Tiểu nhân sai vặt lúc này đã quay lại, thông báo với mọi người: “Bẩm thiếu gia, Hồng Nhi cô nương ở Liễu Ngọc Bích đã tới, đang đợi bên ngoài.”
Bửu Toại liền nói: “Người mau mời cô nương vào.”
Trang phục một thân đỏ rực, dáng vẻ thon gọn xinh tươi, nữ tử tên Hông Nhi vừa vào đã mang vẻ mặt phong tình, phấn son thơm phức, làm lòng người xốn xang. Đi sau nàng ta là một tì nữ, tay ôm đàn bầu được bọc trong tấm vải nhung màu vàng.
Hồng Nhi dù cúi mặt thẹn thùng nhưng nét tươi cười như hoa không thể che lấp, nàng ta cất giọng yểu điệu thánh thót: “Tiểu nữ Hồng Nhi xin kính chào các vị thiếu gia và cô nương.”
“Hảo, người đẹp vang tiếng đúng là có danh có thực.” Đắc Di bật cười đắc ý.
Thuỵ Miên nhìn sang Cát Uy lúc này đang ngồi im uống rượu thì nàng tự mình thấu hiểu, lầm bầm độc thoại: “Một tên thô lỗ và một tên háo sắc, quả là huynh đệ hợp cạ”.
Bửu Toại lịch sự nho nhã, giữ đúng mực nói: “Hồng cô nương, ta nghe danh cô nương đã lâu, nay nhân có bằng hữu ghé chơi, muốn được thưởng thức tài nghệ đàn ca của nàng, nên cho người mời cô nương đến. Liệu cô nương có thể biểu diễn vài khúc để tiếp đãi bằng hữu của ta?”
“Bửu Toại và các vị thiếu gia cô nương chê cười rồi, tiểu nữ mong ngóng còn chẳng được. Hôm nay xin được dùng chút tài lẻ đàn ca vài bài góp vui.” Hồng Nhi nói rồi ra hiệu cho nha hoàn ôm đàn đặt trên bàn trước mặt, bắt đầu gảy đàn cất tiếng hát. Bài hát câu từ tha thiết, nội dung tình chàng ý thiếp, thương nhớ vấn vương. Giọng hát của Hồng Nhi cô nương như chim hoạ my, quả thật làm Thuỵ Miên say mê thích thú.
Bửu Toại thấy Thuỵ Miên tập trung nghe hát, khẽ cười mà đưa đến cho nàng cốc trà: “Thuỵ Miên muội thích nghe hát như vậy thì lần sau huynh đưa muội đến Thuyết Thư Lâu. Nơi đó vừa có hát kịch lại vừa có diễn tuồng, vô cùng náo nhiệt.”
Thuỵ Miên gật đầu mỉm cười khoái chí, đáp: “Huynh nhớ nhé. Cảm ơn huynh.”
Cứ sau mỗi bài hát, Đắc Di lại đứng lên cao hứng mà vỗ tay tán thưởng, nói mấy câu tâng bốc tán tỉnh, làm Hồng Nhi càng hứng khởi; hai người này quên cả Bửu Toại thiếu gia, ăn ý mà tiếp rượu nâng ly. Thuỵ Miên nhìn cảnh suy tình, tự tưởng tượng ra một cành hoa trà rụng trong đêm tĩnh mịch.
Thuỵ Miên vì ăn mà tâm trạng thoải mái, cơn buồn ngủ kéo đến, nàng xin cáo lui trước. Trước khi đi, nàng đến trước mặt Hồng Nhi thân thiện cười nói: “Hồng cô nương, ta thật tình hâm mộ giọng hát của cô. Từ giờ rảnh sẽ thường xuyên đến Liễu Ngọc Bích tìm cô. Nếu cô nương không ngại, hai chúng ta có thể kết duyên làm bằng hữu.”
Đám nam nhân nghe thấy Thuỵ Miên tuyên bố sẽ chăm đến nơi lầu xanh mái đỏ mà không khỏi kinh ngạc, bọn họ nhìn nàng đánh giá: đây hoặc là nữ nhân rộng rãi không quản dèm pha hoặc thật sự là một cô nương không biết phép tắc, quy củ. Đối với Thuỵ Miên, cả hai trường hợp trên đều đúng.