Bình-dương từ trong phòng Thanh-Mai bước ra, mặt nàng tái nhợt. Khai-quốc vương hỏi:
- Cái gì đã xẩy ra?
Bình-dương run run:
- Mặt sư tỷ Thanh-Mai đỏ như gấc, mắt trợn ngược, e khó qua khỏi.
Khai-quốc vương vào phòng Thanh-Mai. Vương hỏi Lệ-Thanh:
- Đỗ phu nhân, còn hy vọng gì không?
Đỗ-lệ-Thanh thở dài:
- Cứ tình trạng này, tiểu tỳ nghĩ Trần cô nương khó qua khỏi trong ba ngày. Tiểu-tỳ chỉ biết trị Nhật-hồ chu-sa độc chưởng, mà không biết trị Thất-trùng ngũ hoa độc.
Chợt Thanh-Mai nói trong cơn mê sảng:
- Bố ơi! Con đau quá. Bố cứu con với. Ối bố ơi, hàng trăm con rắn nó cắn con.
Nàng giật lên một cái:
- Bố ơi! Bố đừng bỏ con một mình. Con đau quá. Bố cứu con với.
Đỗ Lệ-Thanh hỏi Bảo-Hòa:
- Tấu cô! Không biết sao Trần cô nương không kêu người khác, mà lại kêu đại hiệp Tự-An trong giấc mơ?
Bảo-Hòa giảng nghĩa:
- Gốc hồn con người thuộc trời. Vì vậy khi đau đớn về tinh thần, người ta gọi trời. Gốc của thân xác thuộc cha mẹ, nên khi đau đớn thân xác thường gọi cha mẹ. Trần cô nương mồ côi mẹ, bất cứ việc gì khó khăn cũng do Trần đại hiệp lo cho cả. Nay đau đớn thân xác, Trần cô nương gọi cha là lẽ thường.
Bình-dương nước mắt đầm đìa nói với Khai-Quốc vương:
- Chú hai ơi. Cháu nghĩ chú hai nên khẩn đưa Thanh-Mai về Thiên-trường, để Trần đại hiệp được nhìn mặt con gái lần cuối. Cơ chừng này, cháu e Thanh-Mai khó qua khỏi.
Khai-Quốc vương hỏi Thiệu-Thái:
- Hôm cháu với Mỹ-Linh bị giam ở Hồng-hương cốc. Mỹ-Linh bị trúng Chu-sa độc chưởng của Nguyên-Hạnh. Bố-đại hòa thượng chữa trị cho Mỹ-Linh như thế nào? Cháu thử diễn lại một lựơt cho cậu xem nào. Biết đâu chẳng tìm ra được chút ánh sáng?
Thiệu-Thái diễn lại từ đầu đến cuối. Nhìn qua, vương biết Bố-đại hòa thượng dùng thượng thừa Thiền-công hóa giải chất độc trong người Mỹ-Linh. Vương nghĩ:
- Hiện nay trong người Thiệu-Thái Thiền-công mạnh vô song, biết đâu y không làm gì được cho Thanh-Mai?
Vương hỏi Đỗ Lệ-Thanh:
- Đỗ phu nhân, tôi nghĩ, thà chúng ta cho Thiệu-Thái thử hóa giải chất độc trong người Thanh-Mai, dù thành công, dù thất bại cũng cam lòng. Còn hơn để Thanh-Mai đau đớn như thế này.
Đỗ Lệ-Thanh lắc đầu:
- Tiểu tỳ chỉ truyền cho Thân thế tử phép hóa giải chất độc của Chu-sa Ngũ-độc chưởng. Còn đối với chất độc khác, tiểu tỳ không biết.
Tuy nghe Đỗ Lệ-Thanh nói vậy, Thiệu-Thái vẫn đến trước Thanh-Mai. Chàng để tay lên huyệt Nội-quan của nàng, rồi vận khí hút độc chất ra. Chàng vừa vận khí, thì cảm thấy có hai luồng nội lực cực kỳ hùng hậu chống trả, đẩy bật tay chàng ra ngoài. Ngón tay chỏ của chàng như bị con thú ngoặm một miếng. Không tự chủ được, chàng dụt tay lại, kêu lên tiếng ái chà đầy vẻ đau đớn.
Chàng nhìn lại ngón tay chỏ, nửa ngón tay đỏ như máu, sưng vù lên như quả chuối. Đỗ Lệ-Thanh lắc đầu:
- Trong người Trần cô nương hiện có đến bẩy chất độc đều thuộc âm hàn. Vừa rồi thế tử để tay vào huyệt Nội-quan của Trần cô nương. Nội-quan thuộc thủ Khuyết-âm tâm bào kinh. Trong người cô nương có bẩy thứ độc. Độc rắn nhập tâm, phát ra tâm bào kinh. Vì vậy khi thế tử vận công hút độc chất trong người Trần cô nương, tay thế tử bị nọc rắn truyền sang. Thế tử khẩn đẩy chất độc ở ngón tay ra ngoài ngay, đừng để nó chạy vào tạng phủ.
Thiệu-Thái vận khí ra ngón tay, trong khoảng mười tiếng đập tim, trên ngón tay chàng tiết ra thứ nước nhờn mầu vàng, thoang thoảng có mùi hương thơm. Bảo-Hòa cầm tay anh lên ngửi:
- Có mùi thơm của Ngọc-lan với Hoàng-cúc.
Thiệu-Thái sống ở rừng núi từ nhỏ, từng thấy nhiều người bị rắn cắn. Chàng lắc đầu:
- Đỗ phu nhân. Thường nọc rắn nhập cơ thể, không làm sưng lên. Tại sao tay tôi lại bị sưng?
- Thưa thế tử, trong bẩy thứ nọc độc, thì nọc rắn lục nhập tâm. Nọc bò cạp nhập can. Nọc nhện xanh nhập tỳ. Nọc rết đen nhập phế. Nọc tằm núi nhập thận. Thế nhưng nọc ong vàng, nọc sâu ngũ sắc nhập Tam-tiêu. Tam tiêu chia ra thượng, hạ, trung tiêu. Nọc ong vàng nhập thượng tiêu. Tâm nằm ở thượng tiêu. Vì vậy tay thế tử còn bị nọc ong vàng nhập. Nọc ong, nọc rắn hợp lại làm tay thế tử bị sưng lớn.
- Thế bây giờ tôi làm sao để đẩy chất độc ra ngoài?
- Khó quá. Nội công của Bồ-tát Sùng-Phạm thuộc Thiền-công. Khi tập Thiền-công đến chỗ tối cao, có thể hóa giải mọi thứ độc trong người. Nhưng khi độc chất nhập tạng phủ, Thiền-công cũng vô hiệu. Thế tử không nhớ hôm ở Thiên-trường, đại hiệp Tự-An đã kể truyện thời Lĩnh-Nam. Công chúa Yên-lãng Trần Năng cũng như Tiên-yên nữ hiệp Trần-thi Phương-Chi trúng Huyền-âm độc hưởng. Bồ-tát Tăng-giả Nan-đà dạy hai vị Thiền-công, nên hóa giải được chất độc. Đến khi Trần Tứ-Gia hút chất độc trong người Bắc-bình vương Đào Kỳ, Bồ-tát cũng bó tay. Nay độc chất nhập vào người Đoàn Huy, Trần cô nương hút vào, nên Thất-trùng, Ngũ-hoa đã nhập tạng phủ, Thiền-công e cũng chẳng làm gì được.
Lý Long chợt hiểu ra:
- Trong lúc đối thoại với Đoàn Huy, Thanh-Mai trình bầy phương pháp điều trị Thất-trùng Ngũ-hoa độc bằng cách đùng châm cứu, sau đó xử dụng Thiền-công hóa giải chất độc. Thì ra châm cứu trị Ngũ-hoa độc, còn Thiền-công hóa giải Thất-trùng. Ngặt vì bây giờ Thanh-Mai hút vào tạng phủ, thành ra cả hai phương pháp đều vô dụng.
Bảo-Hòa đề nghị:
- Hồi Bồ-tát Tăng-giả Nan-Đà giúp công-chúa Yên-lãng với nữ hiệp Trần-thi Phương-Chi đẩy chất độc, bằng cách giảng kinh, rồi hai vị tự hoá giải lấy. Còn trường hợp Thanh-Mai, chị mê man, làm sao có thể hoá giải chất độc cho nổi?
Khai-quốc vương chưa có ý kiến gì, thân binh vào báo:
- Khải tấu vương gia, hai vị thượng khách đã trở về.
Hai vị thượng khách mà thân binh nói đây tức Phạm Hào, Trần Kiệt. Hai người lên vùng Tản-viên gặp chưởng môn phái này là Đặng Đại-Khê, nay trở về. Lý Long vội chỉnh đốn y phục ra đón. Ra tới cửa, vương thấy hai vị khách cùng Tự-Mai, Tôn Đản đang đứng chờ.
Trần Kiệt thấy vương vội hỏi:
- Tại hạ nghe Thanh-Mai bị trúng độc, bệnh thế ra sao?
Khai-quốc vương rơi nước mắt:
- Cực kỳ trầm trọng!
Chị em Tự-Mai mồ côi mẹ sớm, sống với nhau thân thiết, hòa thuận vô cùng. Nó nghe tin chị bị bệnh, không cần ý tứ, lễ phép. Nó chạy vào phòng Thanh-Mai. Thấy chị nằm bất động, nó đưa tay bắt mạch. Vừa để ngón tay vào cườm tay chị, nó vội dụt lại, bật lên tiếng kêu:
- Ái chà!
Nó có cảm tưởng như bị người ta ngọam một miếng vào tay. Trần Kiệt hỏi:
- Cái gì vậy?
- Thưa chú, tay cháu như bị chặt đứt, đau đớn vô cùng.
Trần Kiệt cầm tay Thanh-Mai bắt mạch. Ông sẽ để ngón tay vô danh vào bộ vị Thốn, thấy mạch căng như chiếc dây thừng. Ông để ngón giữa vào bộ vị Quan, ngón tay chỏ vào bộ vị Xích. Cả ba bộ vị mạch cùng Hồng đại, nhưng mạch lại không nhảy mau. Ông dồn chân khí vào ba bộ vị của Thanh-Mai. Ông thấy sức phản kích mạnh vô cùng. Ông dồn chận khí sang thực mạnh, bỗng ông cảm thấy bao nhiêu chân khí của ông cuồn cuộn chạy vào người Thanh-Mai. Kinh hoàng ông vội thu liễm lại.
Đỗ Lệ-Thanh hỏi:
- Đại hiệp thấy thế nào? Xin đại hiệp giảng chi tiết về phép luyện nội công phái Đông-a, hy vọng tiểu tỳ tìm ra phương giải cứu Trần cô nương.
Trần Kiệt lắc đầu:
- Thanh-Mai là con anh cả tôi, nhưng lại do tôi luyện võ cho nó. Có thể nói trong tất cả đệ tử bản môn, nội lực Thanh-Mai khi rời nhà theo Tịnh-Huyền lễ Lệ-hải bà vương vào loại cao nhất, hơn cả Ngô An-Ngữ. Tuy vậy muốn thành đại cao thủ cần phải đến tuổi bốn mươi, hòa hợp được thủy, hỏa mới thành tựu.
Khai-quốc vương hỏi:
- Tại hạ nghĩ nội công phái Đông-a vốn xuất từ phái Tiêu-sơn. Mà nội công Tiêu-sơn gốc Thiền công, làm gì có lẽ âm, dương, ngũ hành, mà có thủy hỏa?
Trần Kiệt xua tay:
- Đúng, lúc đầu nội công bản phái xuất phát từ Thiền-công Tiêu-sơn. Nhưng các tổ đời sau đã nghiên cứu, chế biến khác đi nhiều. Cho đến nay, võ công Tiêu-sơn vẫn còn giữ nguyên căn bản nhà Phật, song chiêu số sát thủ hơn võ công phái Thiếu-lâm nhiều. Võ công Đông-a, trải qua sáu trăm năm cải biến cũng khác xa với võ công Tiêu-sơn. Còn thủy, hỏa đây, không phải thủy hỏa của Ngũ-hành mà là Tứ-đại, trong kinh Phật.
Khai-quốc vương tự chửi thầm:
- Thanh-Mai bị bệnh làm mình lú lẫn. Mình là đệ tử của một vị đại sư đắc đạo, mà không biết đến Tứ-đại thì bậy thực. Hôm trước sư phụ đã giảng cho mình nghe chi tiết kinh Thủ-lăng-nghiêm, mà mình quên khuấy đi.
Tôn Đản hỏi:
- Sư huynh, Tứ-đại gồm những gì vậy?
Khai-quốc vương giảng:
- Tứ đại gốc từ tiếng Phạn mahâblutas dịch ra. Maha là lớn. Brutas là vật. Tứ đại gồm bốn chất lớn tạo thành vũ trụ và con người tức địa, thủy, hỏa, phong.
Đỗ Lệ-Thanh tò mò:
- Vương gia, tiểu tỳ chỉ nghe biết ngũ tạng lục phủ cấu tạo thành con người. Tâm, tiểu trường, tâm bào, tam tiêu, lưỡi, mạch thuộc hỏa. Can đởm, mắt, gân thuộc mộc. Tỳ, vị, miệng, thịt thuộc thổ. Phế, đại trường, mũi, lông, tóc, thuộc kim. Thận, bàng quang, tai, xương, răng thuộc thủy. Tiểu tỳ chưa từng nghe qua lý của Tứ-đại trong kinh Phật.
Khai-quốc vương đưa mắt ra hiệu cho Mỹ-Linh. Mỹ-Linh đáp thay chú:
- Điều phu nhân nói, đó thuộc lý Ngũ-hành trong y học, trong nội công của Lĩnh-Nam cổ. Còn Tứ-đại trong Phật giáo khác lắm. Tứ đại bao gồm đất, nước, lửa, gió. Trong con người tóc, răng, móng, da, thịt, gân, xương, thận, tim, gan, bụng, lá lách, phổi, dạ dày, ruột non, ruột già, phân... thuộc đất.
Tôn Đản nghe Mỹ-Linh nói, nó gật đầu, tỏ ý hiểu:
- Như vậy tất cả những gì thuộc chất ướt trong người thuộc thủy. Chẳng hạn như đàm, mủ, máu, nước dãi, mước bọt, nước tiểu.
Trần Kiệt xoa đầu Đản:
- Cháu nghe ít, mà hiểu nhiều. Thế cháu thử đoán xem, trong người, những gì thuộc hỏa? Thuộc phong?
Tôn Đản đáp không suy nghĩ:
- Cái gì làm nóng cơ thể thuộc lửa. Những gì làm ra hơi, như hơi thở, trong bao tử thuộc phong.
Trần Kiệt khen ngợi Tôn Đản, rồi nói:
- Đó thuộc Thiền-công nhà Phật, gốc nội công phái Đông-a. Trải sáu trăm năm, phái Đông-a đã nghiên cứu rộng ra hợp với lý Ngũ-hành thành hệ thống mới. Đệ tử phái Đông-a phải hòa hợp được Tứ đại động, tĩnh, phong, lôi, mộc, thổ, hỏa, kim, thủy, hỏa. Thanh-Mai đã hòa hợp được hết, chỉ duy thủy hỏa chưa tới được.
Ông thở đài:
- Bản phái cứ bị luẩn quẩn trong cái giới hạn đó mãi. Chưa tìm ra phương pháp cho đệ tử vượt trước bốn mươi tuổi. Không ngờ cái lẽ đó lại nằm trong kinh Thủ lăng nghiêm. Đại sư Huệ-Sinh đã tìm ra lẽ hòa hợp. Trong lần đi Cửu-chân cháu Thanh-Mai thọ lĩnh phép ấy từ người. Nội lực cháu trở thành cao thâm vô cùng. Thế rồi trong thời gian ở Vạn-thảo sơn trang, Hồng-Sơn đại phu dạy cháu về học thuyết Âm-Dương, Kinh-lạc, Tạng-phủ. Cháu luyện phương pháp vận khí bằng kinh mạch. Mười hai chính kinh, Kỳ-kinh bát mạch của cháu đả thông hết. Khi trở về Thiên-trường, cháu đem lý thuyết ra hỏi tôi. Tôi giải thích thêm vài chỗ khúc mắc, thế là cháu phối hợp được tất cả động, tĩnh, phong, lôi, mộc, thổ, hỏa, kim, thủy, hỏa. Cho nên công lực cháu mạnh không kém gì bọn tôi.
Đỗ Lệ-Thanh nhảy phắt lên:
- Tiểu tỳ hiểu rồi. Hôm trước Trần đại hiệp có giải thích rằng Thiền-công nhà Phật gồm có bốn loại, gọi là Tứ đại giai không. Khi luyện một loại nào tới chỗ tối cao, cũng kiêm cả bốn loại kia. Thanh cô nương được đại sư Huệ-Sinh chỉ điểm, vượt ra được, trong người như cái hồ trống rỗng. Rồi cô nương lại được Hồng-sơn đại phu dạy cho cách đả thông mười hai chính kinh cùng Kỳ-kinh bát mạch. Vì vậy khi cô nương chạm vào người Đoàn Huy. Trong người y đầy dẫy nội tức Vô-thọ giả tướng. Nội tức Trần cô nương như biển cả. Nội tức Đoàn Huy như nước sông. Thành ra bao nhiêu nội tức của y bị Trần cô nương thu hết, thu cả chất độc trong người y.
Trần Kiệt hỏi:
- Cái gì? Đoàn Huy cũng tới Thăng-long sao?
Bảo-Hòa tường thuật tỷ mỷ mọi diễn biến trong vụ Thanh-Mai bị trúng độc một lượt. Trần Kiệt nghe xong, ông cau mày:
- Như vậy Thanh-Mai nguy kịch lắm rồi. Hiện nay trong người nó đang hóa giải chất độc. Nếu sức chống trả mạnh hơn độc chất, nó thoát nạn. Còn ngược lại nó sẽ mê man mấy năm không chừng. Nội lực Thanh-Mai hiện gồm nội lực Đoàn Huy với của nó. Nội lực hai chúng tôi không đủ sức đẩy hết chất độc trong người nó ra ngoài. Muốn đẩy hết nội lực nó khỏi cơ thể, e phải năm anh em chúng tôi. Thôi được, tôi đem Thanh-Mai về Thiên-trường trị bệnh.
Khai-quốc vương gật đầu:
- Tiểu bối xin được cùng đi với sư muội Thanh-Mai.
Mỹ-Linh nước mắt đầm đìa:
- Chú hai ơi, hiện nay bọn Tống đang trên đường về Thăng-long, mưu ép triều đình bỏ quốc hiệu Thuận-thiên bỏ quốc danh Đại-Việt. Sự thể cực kỳ trầm trọng. Ông nội đạo đức có dư, nhưng cháu e không đủ sức đối phó với bọn Triệu Thành. Việc sư tỷ Thanh-Mai, sống hay chết đành phó thác cho số mệnh. Chú hai không thể để vận mệnh đất nước cho bọn Tống muốn làm gì thì làm.
Trần Kiệt cũng nói:
- Vương gia, dù Thanh-Mai có chết, cũng còn nhiều Thanh-Mai khác. Song quốc thể không nên để mất. Vương gia cứ để chúng tôi đem Thanh-Mai đi. Bằng vào lẽ nhân quả, Thanh-Mai không thể chết được. Nếu Thanh-Mai chết, cũng chết vì đại cuộc thống nhất tộc Việt. Phái Đông-a chúng tôi cực kỳ hãnh diện.
Khai-quốc vương thở dài:
- Đành vậy thôi. Sau khi bọn Tống đi rồi, tại hạ sẽ đến Thiên-trường bái kiến các vị sau.
Phạm Hào mỉm cười:
- Hẳn như vậy. Anh em tại hạ xin chờ vương gia.
Mỹ-Linh đề nghị:
- Cháu nghĩ, sắp đến ngày giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ, thế nào các vị đại hiệp Thiên-trường cũng về. Như vậy không cần đem sư tỷ Thanh-Mai đi. Cứ để chị ấy ở đây tốt hơn.
Bảo-Hòa bảo Thiệu-Thái:
- Vừa rồi anh Thiệu-Thái để tay vào huyệt Nội-quan chị Thanh-Mai, hút ra một ít chất độc. Vậy bây giờ ta thử làm lại. Tuy không hút chất độc khỏi tạng phủ, chỉ cần hút khỏi kinh mạch, biết đâu chị Thanh-Mai không tỉnh dậy, hoặc bệnh nhẹ đi, chờ Hồng-sơn đại phu trị cho.
Đỗ Lệ-Thanh nói với Thiệu-Thái:
- Thế tử thử làm xem, biết đâu chúng ta chẳng gặp may.
Thiệu-Thái ngồi xuống, chàng nhắm mắt vận khí, rồi áp bàn tay vào bàn tay Thanh-Mai. Chàng dùng tâm pháp Đỗ Lệ-Thanh dạy, hút chất độc. Chàng cảm thấy bàn tay mình tê dại đi. Từ bàn tay Thanh-Mai có hai luồng nội lực cực kỳ hùng mạnh kháng cự lại sức hút của chàng. Chàng biết đó là độc chất cùng nội lực Thanh-Mai thay nhau chống với Thiền-công, cùng Chu-sa độc chưởng. Ước khoảng ăn xong bữa cơm, trong người Thanh-Mai thêm luồng nội lực thứ ba chống lại với Thiền-công của chàng, rồi chàng cảm thấy hai bàn tay đau, rát vô cùng. Chịu không nổi chàng bật lên tiếng kêu:
- Ái chà.
Rồi dụt tay lại. Lệ-Thanh hỏi:
- Cái gì vậy?
- Lúc đầu tôi thấy có hai luồng nội lực chống trả, lát sau thành ba. Độc chất không chịu cho tôi hóa giải, mà truyền vào tay tôi..
Hai bàn tay Thiệu-Thái sưng vù. Lệ-Thanh nói:
- Thế tử mau tọa công, rồi vận khí ra chống trả.
Thiệu-Thái áp dụng tâm pháp Đỗ Lệ-Thanh dậy, chàng vận khí tự hóa giải chất độc, cảm giác đau nhức như bị thiêu đốt từ từ biến mất. Nhưng hai bàn tay chàng vẫn sưng vù.
Đỗ Lệ-Thanh nhìn tay Thiệu-Thái, lắc đầu::
- Thế tử thử vận khí phát chưởng thử xem, chưởng có ra không?
Thiệu-Thái ra sân, chàng vận khí phát một Chu-sa chưởng, nhưng chưởng không ra. Trần-Kiệt bảo:
- Thế tử vận khí vào đơn điền, rồi đưa lên thượng tiêu, phát chưởng.
Thiệu-Thái làm theo, quả nhiên chưởng phát ra cực kỳ mãnh liệt, bùng một tiếng, sân bằng đất khô cứng như vậy, mà sụt xuống thành một cái hố sâu đến một gang tay. Trong chưởng có mùi thơm ngào ngạt của năm thứ hoa. Hai bàn tay Thiệu-Thái bớt sưng liền.
Bảo-Hòa hỏi Trần Kiệt:
- Như thế nghĩa là gì?
Trần Kiệt giải thích:
- Chân khí của Thiệu-Thái do Thiền-công tạo thành. Khi y luyện Chu-sa độc chưởng, giữa độc chất với Thiền-công không hợp với nhau được. Y dùng tâm pháp của Hồng-thiết giáo vận Thiền-công, nên Thiền-công không phát ra. Tuy vậy y cũng hoá giải được độc chất trong người Thanh-Mai. Tại đơn điền Thanh-Mai có ba thứ nội tức. Một là nội tức phái Đông-a, hai là nội tức của Tiêu-sơn do Huệ-Sinh truyền dạỵ. Ba là nội tức của Đoàn Huy. Ba thứ luân phiên chống trả. Thiền-công chỉ hoá giải được nội tức Đông-a, Tiêu-sơn. Còn nội tức Đoàn Huy e vô hiệu. Vì vậy nội tức đó mới truyền chất độc vào người y.
Ông chỉ xuống hố sâu nói:
- Y áp dụng tâm pháp Hồng-thiết phát chưởng, chưởng không ra. Tôi dạy y phát chưởng Đông-a, chưởng ra, chất độc theo đó cũng thoát đi.
Bảo-Hòa mừng quá:
- Bây giờ tuy chưa tìm ra biện pháp trị tuyệt bệnh cho chị Thanh-Mai. Anh Thái tạm áp dụng biện pháp vừa rồi, hút bớt chất độc ra. Chất độc giảm, biết đâu không dần dần khỏi hẳn?
Đến đó có một thái giám phi ngựa tới. Y nhảy xuống đất kính cẩn hành lễ trước Khai-quốc vương:
- Khải tấu vương gia, Hoàng-thượng ban chỉ thỉnh vương gia.
Khai-quốc vương bái từ anh em Trần Kiệt. Vương vọt mình lên ngựa đi liền. Đến điện Càn-nguyên, vương xuống ngựa, vào trong. Thuận-thiên hoàng đế, cùng các thân vương, thượng thư đang ngồi chờ. Thuận-thiên hoàng đế hỏi:
- Bệnh tình Trần tiểu thư ra sao?
Khai-quốc vương lắc đầu:
- E khó qua khỏi. Đại hiệp Trần Kiệt, Phạm Hào muốn đem về Thiên-trường để Thiên-trường ngũ kiệt dùng thần công đẩy chất độc ra.
Chỗ triều đình đông người, vương không muốn tường thuật cuộc mò mẫm chữa bệnh của Thiệu-Thái.
Thuận-thiên hoàng đế bảo Khai-quốc vương:
- Vương nhi! Ta cho thiết triều bất thường, vì Bình-Nam vương triều Tống vừa tới kinh thành. Vậy vương nhi hãy trần thuật tất cả những biến cố vừa qua tại Cửu-chân cho triều đình nắm vững tình hình.
Khai-quốc vương tóm lược mọi biến cố, nhưng vương dấu không thuật vụ anh em Đàm Toái-Trạng làm gian tế cho giặc, cũng như Nguyên-Hạnh là người của Khu-mật viện nhà Tống gửi sang Đại-Việt trường kỳ mai phục. Vương chỉ thuật tới chỗ phái Đông-a nhận lễ, rồi từ chối đề nghị của sứ đoàn nhà Tống. Vương lờ vụ Dực-thánh vương theo Tống.
Thuận-thiên hoàng đế nói với triều thần:
- Từ trước đến nay, phái Đông-a vẫn không trợ giúp triều đình. Từ lẽ đó, người ta phao vu phái này kình chống trẫm. Sự thực nay đã rõ trắng đen. Phái Đông-a chỉ không hợp tác với trẫm, do một vài hiểu lầm. Nhưng phái này vẫn một lòng với xã tắc, đó là điều trẫm mong muốn rồi. Dù trẫm làm vua, hay ai làm vua cũng được, miễn mọi con dân Đại-Việt đều nhất tâm giữ nước cũng đủ.
Vua bà Bắc-biên hỏi:
- Như vậy trong nước Việt mình hiện có bằng này vấn đề phải đối phó. Một, bọn sứ đoàn Tống đang đi mua chuộc, đe dọa võ lâm. Hai, Lê Long-Mang với thế lực vô cùng to lớn của phái Sài-sơn, định nổi dậy bên trong. Ba, bọn Chiêm-thành phía Nam, mưu đánh chiếm vùng Nam-biên. Bốn, Lão-qua đang chuẩn bị đánh vào phía Tây. Năm, bọn họ Nùng muốn nổi dậy ở Bắc-biên. Chúng ta phải đối phó cách nào?
Vũ-đức vương nói:
- Tất cả năm vấn đề đều đo bọn Tống gây ra. Con dun đạp lắm cái đầu cũng phải quằn. Khi Lê Hoàn mới cầm vận nước, võ lâm không thuận, triều đình thiếu người tài, mà Lê còn dám cầm gươm đánh Tống. Nay chúng ta có triều đình mạnh, nhân tài đông, lương thực dư thừa. Tốt hơn hết chúng ta trước diệt bọn sứ đoàn. Sau đó bất thần tung quân diệt Chiêm, Lào. Nội bộ, làm cỏ lực lượng Lê Long-Mang. Bấy giờ Tống kinh hoàng, không dám dòm ngó đất nước mình nữa.
Phò mã Đào Cam-Mộc xua tay, tỏ ý không thuận:
- Giết sứ đoàn, bất cứ ai cũng có thể làm. Từ tiền cổ đến nay, trong bang giao sử Việt-Hoa, chưa bao giờ xẩy ra truyện này cả. Hiện nhà Tống được cai trị bởi những Nho thần, chẻ sợi tóc làm tư. Miệng luôn nói nhân, nghĩa. Người chủ trương gây chiến e không quá hai, trong một trăm. Triều đình do đó thiếu quyết tâm Nam chinh. Nếu bây giờ ta giết chết sứ đoàn của họ. Máu tự ái nổi lên. Trăm người như một, họ có cớ dốc binh nghiêng nước đánh ta. Ta không chống nổi.
Ông ngưng một lúc, tiếp:
- Vả lại, chúng ta có hàng nghìn phương thức đối phó với Tống. Cần tìm phương thức nào đỡ tốn máu nhất vẫn hơn. Về việc Chiêm với Lào, thần nhi ở gần biên cương mấy năm qua, thần nhi biết rất rõ. Dân chúng Chiêm, Lào đều sợ người Hoa, không ưa Tống. Họ vẫn nghĩ họ là người Việt. Biên cương phân ra Việt, Lào, Chiêm chẳng qua như phân giới huyện mà thôi. Quốc vương hai nước đó đều hướng về triều đình. Bọn Triệu Thành sang, dụ dỗ, đe dọa, nhưng vô ích. Dường như chúng thay đổi kế sách, bằng cách xui quần thần giết chúa, sẽ được chúng phong chức tước. Sau đó chúng sai bọn gian thần đem quân đánh phía sau ta. Điều này Khai-quốc vương hẳn biết rõ hơn.
Thuận-thiên hoàng đế hỏi Dực-thánh vương:
- Hoàng đệ, sứ đoàn tới Thăng-long vào lúc nào?
Dực-thánh vương tâu:
- Thần được hoàng-huynh ban chỉ tiếp đón sứ đoàn, nên sáng hôm qua đã ra cửa Tường-phù đón tiếp. Sứ đoàn từ Chiêm-thành về bằng đường thủy. Thần mời sứ đoàn vào ngụ ở cung Nghênh-xuân. Thần cử thái giám, thị nữ, cùng mã phu hầu hạ cực kỳ chu đáo. Thần mời chánh sứ sáng mai sẽ vào triều kiến hoàng huynh ở điện Cao-Minh. Nhưng chánh sứ Bình-nam vương nói rằng, chức tước của vương cao hơn Nam-bình vương, nên y đòi hoàng huynh phải thân ra đón.
Thuận-thiên hoàng đế gật đầu:
- Dù sao, trẫm nhận sắc phong của triều Tống, mong họ để cho nước mình yên. Triều Tống phong cho trẫm làm Nam-bình vương của quận Giao-chỉ. Chức tước này nhỏ hơn chức Phụ quốc thái úy của Triệu Thành nhiều. Lại nữa, dù chánh sứ không phải là Thành, là Vương Duy-Chính chăng nữa, khi mang sứ mệnh của vua Tống, trẫm vẫn phải thân ra đón tiếp.
Dực-thánh vương tiếp:
- Bình-nam vương nói rằng: Hoàng huynh lạm xưng đế hiệu Thuận-thiên, quốc hiệu Đại-Việt, như vậy nghịch thiên triều. Ý Bình-nam vương muốn hoàng huynh phải triệt bỏ cả hai.
Thuận-thiên hoàng đế hỏi:
- Các khanh nghĩ sao?
Phò mã Đào Cam-Mộc đứng dậy nói:
- Kể từ khi vua Đinh thống nhất sơn hà, lấy quốc hiệu Đại-cồ Việt,thành lập triều đình riêng một góc trời. Họ Lê kế tục, người Tống mượn cớ đó đem quân sang đánh. Họ Lê được sĩ dân thiên hạ cùng đứng lên giúp sức, diệt bọn Hầu Nhân-Bảo, Lưu Trừng. Do đó người Tống để cho được yên. Bây giờ họ lại kiếm cớ khác. Họ thấy bản triều được lòng dân. Họ chưa dám đánh. Họ cần làm một cái gì, để cho bản triều mất hậu thuẫn của dân chúng. Sau đó họ mới đem quân sang. Bằng nay triều đình bỏ quốc hiệu Đại-Việt, chắc chắn sĩ dân thiên hạ sẽ khinh khiến, đem so sánh với họ Lê. Bấy giờ Lê Long-Mang khởi binh, lấy cớ triều đình hèn yếu. Sĩ dân Đại-Việt chia hai đánh nhau. Dù bên nào thắng chăng nữa, tinh lực kiệt quệ. Bấy giờ Tống mang quân sang đánh. Ta lại bị mất nước.
Ông ngừng một lúc, tiếp:
- Cho nên, dù bọn Triệu Thành đòi hỏi triều đình bỏ quốc hiệu, niên hiệu, chúng ta nhất định không lùi. Lùi tức là mắc mưu chúng.
Khai-thiên vương hỏi:
- Vậy chúng ta phải làm thế nào?
Khai-quốc vương cười nhạt, tâu:
- Việc này không còn thu gọn trong họ Lý nhà ta nữa, mà của võ lâm Đại-Việt. Cũng không phải của võ lâm Đại-Việt mà của toàn thể người Việt. Thần nhi nghĩ chẳng còn bao lâu nữa tới rằm tháng tám, đúng ngày giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ. Anh hùng thiên hạ đều tụ tập về Thăng-long. Chúng ta hãy đem việc này cáo với các đại tôn sư. Các đại tôn sư sẽ đối phó với bọn Tống.
Dực-thánh vương nhăn mặt:
- Các đại tôn sư võ lâm tụ hội về Thăng-long kỳ này lành ít, dữ nhiều cho họ Lý nhà mình. Giả như họ đồng quyết định trả ngôi vua về cho họ Lê, bấy giờ chúng ta sẽ ra sao? Khi ngôi vua về họ Lê. Lê Long-Mang, đương nhiên họ phải giết tuyệt giòng họ Lý để phòng hậu hoạn. Thần nghĩ, mình nên phục mấy đạo quân, trong lúc họ họp. Nếu họ để cho họ Lý tồn tại, ta im lặng. Nhược bằng họ muốn hại họ Lý, ta tung quân vào, bắt tất cả, đem giết đi là hơn cả.
Khai-quốc vương lắc đầu:
- Không thể, và không nên làm như vậy. Một là các đại tôn sư bị chúng ta giết chết, nhưng đệ tử, môn phái của họ còn. Tất cả họ sẽ đứng lên làm phản, chống triều đình. Bấy giờ bọn Tống kéo sang, ta chống sao nổi? Trước hết chúng ta làm cách nào duy trì được đoàn kết dân tộc thì tốt nhất. Bằng không, trong hai cái trọng đại gồm ngôi vua họ Lý và Đại-Việt, chúng ta cần phải hy sinh một. Ta hy sinh họ Lý.
Dực-thánh vương gắt:
- Ý người muốn để hoàng thượng cùng chúng ta đưa cổ cho Lê Long-Mang chặt đầu hay sao? Người hiện cầm quyền nghiêng nước, mà người không có kế hoạch gì chu toàn đã là điều không xứng đáng. Bây giờ nguy cơ đến trong sớm tối, người buông lỏng à?
Khai-quốc vương nghĩ thầm:
- Ông chú này âm mưu đi đêm với bọn Tống, mưu chiếm ngai vàng. Ông ta biết rằng khi ông ta ló đầu tạo phản, võ lâm không tha thứ cho ông. Vì vậy ông muốn diệt võ lâm trước, rồi khi ông tạo phản thì không sợ gì nữa. Ta sợ khi ông lên ngôi vua rồi, ắt bỏ quốc hiệu, niên hiệu, thần phục bọn Tống. Không chừng khi Tống mang quân đến biên giới, ông ta đã đầu hàng rồi cũng nên.
Vương đưa mắt cho Thuận-thiên hoàng đế, rồi nói với Dực-thánh vương:
- Thúc phụ đừng lo, thần nhi khắc có biện pháp đối phó.
Dực-thánh vương hỏi dồn:
- Biện pháp gì? Biện pháp tự tử ư?
- Thúc phụ! Thúc phụ hãy để yên cho thần nhi giải quyết. Ở đây tai vách, mạch rừng. Kế hoạch không thể đem bàn được. Biết đâu không có gian tế Tống trong triều? Ngay trong nhà ta nào chắc không có bọn gian tế Tống?
Dực-thánh vương nghe nói chột dạ, đành im lặng.
Thuận-thiên hoàng đế đứng dậy:
- Bãi triều. Ai về phủ ấy. Tất cả phải đề phòng. Vì sứ đoàn sang chuyến này toàn cao đại cao thủ võ lâm. Riêng Khai-quốc vương hộ giá trẫm thăm bệnh tình Trần cô nương. Trẫm quyết định nều cần hy sinh họ Lý, chúng ta hy sinh, để Đại-việt còn.
Ngài lên xe, Khai-quốc vương cỡi ngựa theo hầu bên cạnh, hướng về phủ đệ. Vương tâu:
- Tâu phụ hoàng, tại phủ đệ của thần nhi, hiện có hai vị khách, thần nhi e phụ hoàng trông thấy ắt nổi lôi đình.
- Ai thế?
- Tâu phụ hoàng đó là hai trong Thiên-trường ngũ kiệt.
Thuận-thiên hoàng đế mỉm cười:
- Con quên mất ta xuất thân đệ tử của bồ tát Vạn-Hạnh ư? Cái gì hôm nay có, ngày mai thành không. Lẽ vô thường trong đạo Phật con quên sao? Một năm trước đây, khi thần nhi chưa về nhiếp chính, ta bị các quan coi Khu-mật viện tâu hằng ngày về phái Đông-a. Nào là phản nghịch, nào kiêu căng, nào chống đối quan địa phương. Vì vậy cho nên ta mới không ưa phái Đông-a. Nay chỉ nguyên thấy tư thái Thanh-Mai, ta cũng hiểu được phần nào nội bộ phái này rồi.
Ngài ngừng một lúc, tiếp:
- Ta sẽ dùng lễ võ lâm tiếp hai vị ấy.
Xe sắp đến cổng phủ, viên võ quan theo hầu hô lớn:
- Đệ tử phái Tiêu-sơn tên Lý Công-Uẩn, xin được tiếp kiến nhị vị đại hiệp phái Đông-a.
Hai anh em Phạm Hào, Trần Kiệt từ trong chạy ra, hành lễ theo qui cách võ lâm, hai tay chắp vào nhau:
- Phạm Hào, Trần Kiệt xin tham kiến Lý đại hiệp phái Tiêu-sơn.
Thuận-thiên hoàng đế xuống xe, nắm tay Trần Kiệt:
- Hà, không ngờ hôm nay tại hạ được diện kiến cái túi khôn của Đại-Việt. Trần ngũ gia, thế nào bệnh tình cháu Thanh-Mai ra sao?
Trần Kiệt lắc đầu:
- E khó qua khỏi. Tuy nhiên bệnh tình có chiều thuyên giảm. Thiệu-Thái hút chất độc trong người cháu Mai ra, cũng có kết quả.
Khai-quốc vương thỉnh Thuận-thiên hòang đế ngồi vào chủ vị tiếp khách. Còn vương ngồi dưới Phạm Hào, Trần Kiệt.
Thuận-thiên hoàng đế nói:
- Trước khi cháu Thanh-Mai bị nạn, cứ như lời cháu nói với Đoàn Huy, cháu có thể trị được bệnh cho y. Cháu là đệ tử của Hồng-Sơn đại phu, mà cháu biết trị, đại phu hẳn trị bệnh cho cháu được. Hai vị khẩn đưa cháu tới Vạn-thảo sơn trang cầu với đại phu, hy vọng cháu thoát nạn.
Phạm Hào gật đầu:
- Thế thì không đáng lo ngại. Chỉ còn mấy hôm nữa, đến ngày giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ, Hồng-Sơn đại phu ắt về Thăng-long. Bấy giờ chúng ta cầu người ra tay. Vả Hồng-Sơn đại phu tính tình có chỗ kỳ cục, nhưng người thương yêu đệ tử như thương yêu con trong nhà. Thanh-Mai có hy vọng sống.
Trần Kiệt nhìn sắc diện Thuận-thiên hoàng đế, ông hỏi:
- Lý đại hiệp, tại hạ hỏi một câu hơi đường đột. Đại hiệp hiện làm vua, ngồi trên ngai vàng ban phúc, giáng họa cho trăm họ. Tại sao Lý huynh lại tỏ vẻ đăm chiêu lo lắng thế kia?
Thuận-thiên hoàng đế mỉm cười:
- Trần ngũ hiệp tưởng tại hạ cũng giống như vua Lê ngọa triều hẳn? Tại hạ sinh vào gia đình nghèo khó, được nghĩa phụ nuôi dưỡng trong chùa Tiêu-sơn, lại được ân sư truyền nghiệp. Khi vua Lê Ngọa-triều băng, sư phụ truyền cho tại hạ giữ lấy quyền quốc thể, đem đạo lý đức Thế-tôn cai trị đất nước, sao cho dân chúng được ấm no. Từ ngày ấy đến giờ, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tại hạ đem lại cho dân chúng một đời sống thanh nhàn. Tuy vậy, tại hạ cũng không giám quên lề lối võ lâm.
Lý Long tiếp lời phụ hoàng:
- Tâu phụ hoàng, hôm trước Trần ngũ gia đã ghé thăm thần nhi, ban cho nhiều lời dạy dỗ thực quí báu hơn vàng.
Rồi vương thuật lại buổi hội ngộ đầu tiên giữa vương với anh em Trần Kiệt, hôm họ tới Thăng-long. Thuận-thiên hoàng đế chỉ Lý Long:
- Đây, đứa con thứ nhì của tại hạ. Trong chuyến đi Cửu-chân, nó đã kết huynh muội với Thanh-Mai, Tự-Mai. Mong hai vị coi nó như Thanh-Mai, mà dạy dỗ cho những điều hay.
Phạm Hào vốn ít nói, bây giờ ông mới lên tiếng:
- Phàm đã là anh hùng, phải lấy lòng đãi nhau. Có gì khó khăn, thố lộ cho nhau cùng nghe. Cách đây ít lâu, sứ đoàn nhà Tống đến Thiên-trường găp anh em tại hạ. Họ đưa ý kiến rằng vua Tống định cử binh sang hỏi tội họ Lý về việc cướp ngôi nhà Lê. Nhưng Bình-Nam vương Triệu Thành can gián không nên động binh. Y xin đi sứ, tìm con cháu nhà Lê, rồi bắt Lý huynh thoái vị, trả lại ngôi cho con cháu di thần. Triều Tống muốn tỏ ra họ Thiên-tử, muốn hưng diệt, kế tuyệt. Họ tìm được Hồng-Sơn đại phu, chính là Lê Long-Mang, con của Lê Hòan. Họ yêu cầu anh em tại hạ, trước đây thuộc chỗ cố tri Long-Mang. Rồi sư phụ tại hạ với Lê Hoàn có tình giao hảo... anh em tại hạ đứng lên giúp Long-Mang đòi lại ngôi vua. Đại sư huynh chúng tôi cho người điều tra, quả đúng Hồng-sơn đại phu tức Lê Long mang. Người phát thư mời Đại-Việt ngũ long, cùng các đại tôn sư võ phái về Thăng-long họp, nhân ngày giỗ Bắc-bình vương để bàn việc này.
Thuận-thiên hoàng đế thản nhiên mỉm cười:
- Ý Triệu Thành muốn nói rằng: Nếu Đại-Việt ngũ long ép tại hạ thoái vị. Tống để Đại-Việt yên. Còn như tại hạ tại vị, Tống mang quân sang đánh. Có phải thế không?
Trần Kiệt gật đầu:
- Đúng. Hôm trước Triệu Thành tới tệ trang trình bầy như vậy. Y yêu cầu phải Đông-a đứng ra chủ trì công đạo vụ này. Đại huynh tôi chưa quyết định gì cả. Người đích thân đi Vạn-thảo sơn trang điều tra xem có đúng Hồng-Sơn đại phu là Lê Long-Mang không? Người sai anh em tôi đi Tản-viên hỏi ý kiến chưởng môn Đặng Đại-Khê. Sau đó mới có quyết định.
Khai-quốc vương hỏi:
- Thế Đặng chưởng môn quyết định sao?
- Đặng im lặng. Đặng bảo sau khi hội ý với các vị tôn trưởng trong phái, rồi sẽ phát biểu ý kiến vào ngày giỗ Bắc-bình vương.
Phạm Hào tiếp:
- Trong khi chúng tôi ở Tản-viên, bọn Triệu Thành dùng lễ vật tới thăm. Song tôi không rõ sứ đoàn đã nói gì, và phái Tản-viên phản ứng ra sao.
Có tiếng nói đâu đó vọng lại:
- Phái Tản-viên nhận lễ, hứa sẽ trả lời sau một tháng.
Khai-quốc vương đứng dậy:
- Nùng đạo trưởng.
Vương ra ngoài, đã thấy Nùng-sơn tử cùng với sư phụ Huệ-Sinh vào trong phủ. Hai bên hành lễ với nhau. Huệ-Sinh nhìn Thuận-thiên hoàng đế, rồi cười:
- Sư đệ, có truyện chi mà sắc mặt đăm chiêu thế kia? Sư đệ quên mất rằng sư phụ từng dậy Chúng ta sinh ra vốn trần truồng. Dù thế nào chăng nữa, ta chết trần truồng là cùng chứ gì?.
Thuận-thiên hoàng đế chắp tay:
- Đạo hạnh tiểu đệ thua nhị sư huynh xa. Đa tạ sư huynh nhắc nhở.
Nùng-Sơn tử hỏi Trần Kiệt:
- Hai vị đã gặp đại sư huynh của chúng tôi rồi phải không? Đại sư huynh chúng tôi có cái tật, bất cứ truyện gì cũng thủng thẳng giải quyết. Cho nên việc quí vị thỉnh ý kiến, người không trả lời ngay. Bọn Tống đem lễ vật tới, người cũng tiếp theo lễ võ lâm, rồi hứa lơ mơ. Mãi hôm qua người mới họp chúng tôi, bàn về việc Tống muốn Lý trả ngôi vua cho Lê. Chúng tôi đã quyết định xong. Ngày rằm này, sư huynh tôi sẽ phát biểu ý kiến. Sở dĩ tại hạ chưa thể công bố quyết định, vì trong bản phái đang có nhiều tranh chấp.
Trần Kiệt ngạc nhiên :
- Quý phái cũng có tranh chấp sao? Không lẽ lại Đỗ Xích-Thập?
Nùng-Sơn tử than:
- Đúng thế.
Trước đây Bảo-Hòa được Đặng Đại-Khê sủng ái cùng cực. Ông dạy cho nàng mười hai chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Nay nàng nghe ông đang có sự, thì quên cả địa vị nhỏ bé của mình trước ông ngoại, cậu hai. Nàng hỏi Nùng-Sơn tử:
- Nùng đạo trưởng. Sư bá Đại-Khê của cháu có truyện không vui sao? Đỗ Xích-Thập là ai vậy?
Nùng-Sơn tử thở dài:
- Truyện này xẩy ra cách đây hơn ba mươi năm. Hồi ấy, sư phụ bần đạo lâm trọng bệnh, nghĩ khó qua khỏi. Người phân vân không biết chỉ định ai thay thế.
Bảo-Hòa lắc đầu:
- Khi sư phụ qua đời, đương nhiên đại đệ tử thay thế mới đúng đạo lý.
- Lẽ thông thường thì vậy. Nhưng bấy giờ đại sư huynh bần đạo tuổi mới hai mươi lăm, võ công không đủ lãnh đạo môn phái. Sư phụ bần đạo triệu tập các vị trưởng thượng, cùng để tử. Yêu cầu mọi người bầu người kế tục. Ai cũng tưởng sư thúc bần đạo tên Đỗ Xích-Thập võ công cao cường, đạo đức nức tiếng sẽ được trúng cử. Nào ngờ, vào giữa lúc sắp khai diễn cuộc bầu, thì người bị bệnh.
Bảo-Hòa ngạc nhiên:
- Bị bệnh thì bị bệnh, cũng vẫn làm chưởng môn được chứ?
- Quận chúa không biết đấy thôi. Người bị lên cơn vì... Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng. Trong bản phái phanh ra vụ người âm thầm nhập Hồng-thiết giáo. Hơn nữa người giữ chức trưởng lão trong hội đồng giáo vụ Trung-ương. Lập tức người bị đuổi ra khỏi bản phái. Sư huynh bần đạo được cử làm chưởng môn.
Mỹ-Linh tỏ vẻ hiểu biết:
- Bây giờ sắp đến ngày giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ. Trong ngày giỗ, các đại tôn sư sẽ quyết định về việc ủng Lê, ủng Lý. Đỗ tiền bối xuất hiện đòi làm tôn sư. Có phải thế không?
__ Đúng vậy. Cho nên đại sư huynh bần đạo chưa dám công bố quyết định vì lý do ấy. Trong ngày giỗ, thế nào Đỗ sư thúc cũng xuất hiện, gây rối chứ người không chịu để yên đâu.
Huệ-Sinh chỉ vào phòng Thanh-Mai:
- Bần tăng nghe Thanh-Mai bị trúng độc, vội trở về xem có làm gì được không?
Ông vào phòng, cầm mạch Thanh-Mai, rồi hỏi Tự-Mai:
- Trước đây sư thái Tịnh-Huyền đã dạy cho Thanh-Mai với cháu những kinh gì?
Tự-Mai kính cẩn:
- Sư phụ giảng cho chúng cháu bộ kinh Lăng-già, Kim-cương, Tượng-đầu tinh xá, và Bát-nhã.
Mỹ-Linh thấy sư phụ trở về, lòng nàng đang nặng trĩu lo bệnh tình Thanh-Mai, tự nhiên nhẹ hẳn đi. Nàng trình bầy tất cả mọi biến chuyển từ khi Thanh-Mai trị bệnh cho Đoàn Huy, y luận của Đỗ Lệ-Thanh, Trần Kiệt, cho đến việc Thiệu-Thái hút chất độc.
Huệ-Sinh không nói gì. Ông mở bọc, lấy ra cuốn trục bằng lụa, đem treo lên tường. Đó là bức hình vẽ Phật Thích-Ca ngồi dưới gốc bồ đề. ông bảo Thiệu-Thái:
- Thí chủ hãy ngồi Kiết-già, quay mặt vào bức tranh này. Hai tay nắm lấy tay Thanh-Mai. Ngón tay chỏ để vào huyệt Nội-quan nàng. Nếu thấy có triệu chứng gì lạ như đau, nóng cũng đừng buông ra.
Thiệu-Thái vâng lời, làm theo. Huệ-Sinh nói với mọi người:
- Sư thúc Sùng-Phạm chỉ tìm người có đức để ban một trăm năm công lực. Vì vậy người truyền cho Thiệu-Thái. Thiệu-Thái chưa qui y, cũng chưa tập Thiền. Về kinh điển có lẽ chỉ biết câu Nam-mô A-di-đà Phật. Thành ra y giống như đứa trẻ có một kho tàng, mà không biết xử dụng. Bây giờ bần tăng thử dạy y cách vận Thiền-công, may ra y có thể cứu được Thanh-Mai.
Luật lệ võ lâm hồi đó, khi sư phụ, hoặc người trưởng thượng dạy võ công cho đệ tử, nếu người ngòai tò mò vào, coi như là một hành vi không tha thứ. Vì vậy mọi người rời khỏi phòng Thanh-Mai.
Huệ-Sinh bảo Mỹ-Linh:
- Con ngồi canh ngoài cửa phòng, bất cứ trường hợp nào cũng không được cho ai vào, bằng không tính mệnh Thiệu-Thái, Thanh-Mai với sư phụ e khó toàn.
Ông đóng cửa lại, nói với Thiệu-Thái:
- Bần tăng dạy thí chủ cách vận Thiền-công. Thiền-công nhà Phật đặt trên căn bản kinh Kim-cương, Lăng-già và Bát-nhã. Ba kinh tuy khác nhau, nhưng cùng thu về một mối là đi đến chỗ nhập đạo tức Vô thượng chính đẳng chính giác. Trong ba kinh, bần tăng giảng cho thí chủ kinh Bát-nhã trước.
Thiệu-Thái đã nghe Mỹ-Linh đọc kinh Bát-nhã nhiều lần, riết rồi thuộc làu. Chàng nói:
- Bạch đại sư, suốt mấy tháng nay, sáng, chiều đệ tử đều nghe Mỹ-Linh đọc kinh. Sau khi dứt kinh, đọc một lần kinh Bát-nhã. Vì vậy đệ tử thuộc lòng.
- Thế thí chủ có hiểu ý nghĩa kinh này ra sao không?
- Đệ tử không hiểu, chỉ đọc như con vẹt học nói mà thôi.
- Bát-nhã không phải tiếng Hán-Việt, mà do tiếng Phạn phiên âm ra. Bát nhã là cái tâm trí thoát ra ngòai cái tham, sân, si, dứt các mối lầm, tự mình thông đạt, soi sáng.
Thiệu-Thái có trong người Thiền-công của bồ-tát Sùng-Phạm, vì vậy chàng nghe Huệ-Sinh nói, hiểu liền. Huệ-Sinh tiếp:
- Ba-la-mật có nghĩa vượt qua bờ bên kia, tới Niết-bàn, và giúp đưa người ta cùng tới. Ấy là nền tảng đại đức, đại hạnh, cao nhất của trí tuệ, quyết tới bờ giác, tức thành Phật và độ người đắc quả như mình. Có sáu đại đức, đại hạnh, gọi mang tên Lục-độ.
Trí nhớ của Thiệu-Thái trở lại với hôm ở trong Hồng-hương cốc, bồ tát Sùng-Phạm bảo chàng phải dùng Thiền-công của ngài để đi vào Lục-độ, đó là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền-định, Trí huệ. Chàng chỉ hiểu lờ mờ. Hôm nay Huệ-Sinh giảng, chàng mới thực sự hiểu rõ, nó nằm trong yếu chỉ Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Huệ-Sinh tiếp:
- Kinh Bát-nhã Ba-la mật-đa tâm kinh giảng về đại hạnh Bát-nhã. Cho nên phàm sau khi tụng xong bộ kinh, cần tụng một lần kinh Bát-nhã, coi như thoát ra vòng khổ hải. Con thử đọc kinh Bát-nhã lên cho ta nghe xem nào.
Thiệu-Thái đọc:
Quán-tự-tại Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến Ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
- Mấy câu này nghĩa là gì?
- Hôm trước Mỹ-Linh giảng: Ngài Bồ-tát Quán-tự-tại, khi tu hành pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã tinh thâm, soi kính thấy năm uẩn đều không, độ thoát tất cả sự khổ ách. Nhưng đệ tử không biết Ngũ uẩn là gì. Tại sao khi năm uẩn đều không, mà giải thoát được hết khổ ách?
- Đúng thế. Ngũ-uẩn gồm năm thứ, tích tụ, hoà hợp thành thân và tâm con người. Ngũ-uẩn nó che mất chân lý, khiến chúng sinh cứ đi vào luân hồi, không thoát ra được.
Trong khi Thiệu-Thái trả lời Huệ-Sinh, chàng cảm thấy nội tực Thanh-Mai với nội lực chàng tranh đấu không ngừng. Độc chất từ người nàng tràn sang người Thiệu-Thái, chàng dùng tâm pháp của Đỗ Lệ-Thanh hoá giải đi.
Chàng tỉnh ngộ:
- Ngũ uẩn tức Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức như đoạn dưới của kinh nói. Trong thế gian có bao nhiêu người ắt có bấy nhiêu Ngũ-uẩn, không cái nào giống cái nào cả. Như đệ tử, bị chính cái Ngũ-uẩn của mình giam mình.
- Đúng thế. Con giác ngộ mau thực. Sắc là vật có hình. Nếu bỏ được hình, sắc, có phải thoát ra được cái ngục tù thứ nhất rồi không?
Thiệu-Thái buông lỏng, nhắm mắt lại, như quên mọi vật xung quanh. Tự nhiên chàng cảm thấy người như đi trên mây, như trong giấc mơ. Chàng nghe tiếng Huệ-Sinh giảng:
- Còn thọ. Thọ là khi cái thân mình đối cảnh, thấy vui, sướng, buồn khổ. Đấy cái ách thứ hai buộc mình như thế đấy.
Cái ách thứ ba tên tưởng. Khi đối cảnh, nhận ra sự đen, trắng, nhỏ, to, dài, ngắn. Đấy hình cái ách thứ ba trói buộc mình.
Ách thứ tư tên hành. Khi đối cảnh, đem lòng ham muốn, buồn vui, giận hờn.
Cuối cùng là thức. Đối cảnh hiểu biết, phân biệt mọi sự... Người tu Thiền phải bỏ ra ngoài năm thứ đó.
Thiệu-Thái chợt nhớ lại:
- Thanh-Mai thấy Đoàn Huy, nàng muốn trị bệnh cho y, chinh phục y, hầu đưa đến Đại-Việt, Đại-lý cùng khởi binh đánh Tống đòi lại đất tổ. Rõ ràng đủ cả Ngũ-uẩn. Nếu như bỏ ra Ngũ-uẩn, con người lên tiên rồi còn gì nữa?
Chàng buông lỏng ý nghĩ, người như chết đi trong chốc lát. Chợt chàng thấy hai tay rung động thực mạnh, rồi nội lực Thanh-Mai như tuôn vào người chàng. Phản ứng tự động chàng hóa giải nội lực đó đi. Nhưng ngón tay chàng đau đớn không thể tưởng tượng được. Nhớ lời Huệ-Sinh, chàng chịu đau, không dụt tay lại. Chàng áp dụng kinh Bát-nhã Ba-la-mật, bỏ ra ngòai cái đau đớn, khiến người chàng như nhập vào giấc ngủ thực sâu. Trong mơ mơ màng màng, chàng nghe có tiếng người nói bên tai.
Cứ như vậy, không biết bao nhiêu lâu, chàng thấy đau nhói ở môi trên và đầu ngón tay trỏ. Chàng giật mình thức dậy,thấy người cầm kim đâm mình là một trung niên nam tử khoảng năm mươi, khuôn mặt cực kỳ uy vũ. Trung niên này mỉm cười, hàm răng trắng đều như hạt bắp. Khi ông cười hai con mắt có đuôi, trông thực dịu dàng. Ông nói:
- Tỉnh rồi. Con lợn tỉnh rồi.
Chàng mở mắt nhìn xung quanh, thấy mình đang nằm trên một cái giường tre. Giường đặt giữa, căn phòng bằng gỗ. Cửa sổ bằng phên tre đan. Trong phòng không có gì, ngoài cái bàn cũng bằng tre. Chàng biết trung niên nam tử dùng châm cứu trị bệnh cho mình. Trong đầu óc, chàng nhớ rằng đại sư Huệ-Sinh bảo chàng nắm lấy tay Thanh-Mai, rồi giảng kinh Bát-nhã cho . Sau đó chàng nhập tĩnh, rồi không biết gì nữa.
Thấy Mỹ-Linh đứng cạnh nước mắt đầm đìa, chàng hỏi:
- Mỹ-Linh. Tại sao lại khóc?
Mỹ-Linh gạt nước mắt:
- Anh mê man từ hôm qua đến giờ.
Thiệu-Thái vốn người chân thật, trung hậu, không biết khách sáo. Chàng chỉ trung niên nam tử:
- Có phải vị này đã cứu anh không?
Mỹ-Linh gật đầu:
- Vị này là người mà em thường nhắc nhở. Anh vẫn ước mong được gặp đó. Nay anh đã toại nguyện. Không những anh được gặp, mà còn được người cứu trị cho thoát chết.
- Là Hồng-sơn đại phu chăng?
Mỹ-Linh trả lời bằng cái gật đầu. Thiệu-Thái ngồi dậy, chỉnh đốn y phục, chàng chắp tay hướng Hồng-Sơn đại phu:
- Đệ tử Thân Thiệu-Thái kính cẩn ra mắt đại phu. Đa tạ đại phu cứu mạng.
Hồng-Sơn đại phu cười ha hả:
- Miễn lễ. Này, con lợn này, ta cứu người với điều kiện thì người khỏi tạ ơn ta.
Thiệu-Thái nhìn xung quanh. Chàng ngạc nhiên vô cùng. Vì lúc đại sư Huệ-Sinh dạy Thiền-công cho chàng, chàng đang ở phủ Khai-quốc vương. Còn đây là đâu? Chàng chưa từng thấy qua.
Một thiếu niên tuổi khoảng mười bốn, mười lăm bước vào hỏi Mỹ-Linh:
- Thế nào? Ông ỉn của chị tỉnh rồi hả. Để em bảo chúng mang cái gì vào cho ông ăn.
Nói rồi nó cầm tay Thiệu-Thái bắt mạch:
- Mạch hết hồng đại rồi. Bây giờ trì mà hoãn. Thốn vị nhảy mạnh, nhưng có tiếng đập cao, tiếng đập thấp. Thốn vị ứng với thượng tiêu, bao gồm tâm, phế. Tâm tàng thần, khi thần bất định thì các nhịp đập ở thốn vị không đều. Ông ỉn ơi, nghe nói dường như ông ỉn lọt mắt xanh chị Mỹ-Linh của tôi, hẳn là người quân tử đạo cao lắm. Hà cớ ông ỉn lại giận người.
Từ hôm gặp Bố-đại hòa thượng, ngài gọi chàng là con lợn, rồi từ đó cái tên lợn lan tràn khắp nơi. Hồng-Sơn đại phu gọi chàng là lợn, dĩ nhiên chàng không dám nói gì. Còn thiếu niên vừa rồi, dường như thân quen với Mỹ-Linh, cũng gọi chàng bằng tiếng ỉn, chàng hơi bực mình. Không ngờ thiếu niên này bắt mạch mà biết cả trong nội tâm chàng.
Thiếu niên tiếp:
- Bộ vị quan của ông ỉn yếu quá, hẳn ông ỉn đói rồi đây. Ông ỉn vừa qua hơn ngày mê man, giờ mới tỉnh, cho ông ỉn ăn một món đặc biệt, do mỗ làm, chứ không do đầu bếp. Nhưng mỗ giao hẹn trước. Khi mỗ sửa soạn, hễ ông ỉn nuốt nước bọt, phải công nhận cái tên ông ỉn hoặc lợn ỉn. Còn ngược lại ông ỉn không nuốt nước miếng mỗ tình nguyện lĩnh tên ông ỉn thay thế cho.
Mỹ-Linh nghe thiếu niên nói, nàng bật cười, khẽ cốc lên đầu nó:
- Lém vừa thôi!
Thiếu niên chạy ra ngoài. Thiệu-Thái hỏi:
- Mỹ-Linh, đây thuộc địa phương nào? Cái gì đã xẩy ra? Thiếu niên vừa rồi là ai vậy?
Mỹ-Linh ngồi xuống cạnh chàng:
- Đây thuộc Cổ-loa. Chúng ta đang ở trong y viện Yên-lãng. Hôm trước sư phụ dạy anh vận Thiền-công để hút chất độc cho chị Thanh-Mai. Anh nhập tĩnh sâu quá, Thiền-công phát ra mạnh vô cùng. Đáng lẽ anh sẽ hút được chất độc trong người chị ấy ra. Nhưng trước khi nhập tĩnh, anh quán tưởng hút chất độc. Vì vậy chất độc trong người chị Thanh-Mai tràn vào người anh. Thiền-công trong người anh hoá giải hết nọc độc Thất-trùng. Còn Ngũ-hoa hương lại không hút được. Thế là anh với chị Thanh-Mai cùng mê man. Giữa lúc đó phu nhân Hồng-Sơn phu nhân tới. Người đem chị Thanh-Mai với anh tới đây cho đại phu trị bệnh cho.
Thiệu-Thái hỏi:
- Vừa rồi Hồng-Sơn đại phu bảo rằng anh không nên đạ tạ người. Vì người trị bệnh có điều kiện. Vậy điều kiện đó là điều kiện gì?
Mỹ-Linh nói:
- Từ trước đến giờ Hồng-Sơn đại phu trị bệnh cho thiên hạ có đến hàng triệu người. Ai xin tiên sinh cũng trị cho hết, không nhận tiền tạ. Nhưng có ba loại người ngoại lệ, muốn tiên sinh trị cho, phải chịu một điều kiện nào đó. Một, bệnh nhân phải mắc chứng nan y, không lương y nào trị được. Hai, tiên sinh không trị cho bệnh nhân gốc Tầu. Ba, bệnh nhân thuộc con cháu, hoặc quan chức của họ Lý.
Rồi nàng thuật lại những gì xảy ra khi nàng với Thanh-Mai, Bảo-Hòa tới Vạn-thảo sơn trang xin trị bệnh cho Thiệu-Thái nghe. Thiệu-Thái lắc đầu:
- Như vậy đại phu cố chấp quá. Mạ mạ nói dị nhân thường kỳ quặc quả không sai.
- Còn thiếu niên vừa rồi là con trai của Hồng-sơn đại phu, tên Lê Văn. Hồi bọn em tới Vạn-thảo sơn trang, có kết bạn với chú ấy, nên chú ấy gọi em bằng chị. Tâm địa chú ấy thực lương thuần, dễ thương kỳ lạ.
Rồi nàng kể việc Lê Văn ăn cắp thuốc của bố cứu chị em nàng. Khi đấu võ với nàng, nó vờ thua, thuật lại một lựơt.
Nghe Mỹ-Linh kể, tự nhiên Thiệu-Thái thấy yêu Lê Văn vô cùng.
Có tiếng Lê Văn nói vọng vào:
- Ôi, bà chị xinh đẹp đang kể xấu người ta đấy à.
Nó mang vào một mâm thức ăn, bầy ra bàn. Nó nói:
- Chị Mỹ-Linh, hôm nay em đãi chị ăn toàn cá, tôm, không có thịt lợn. Không lẽ em đãi ông ỉn, lại bắt ông ăn thịt bà ỉn sề?
Trên bàn có bốn món ăn: Cá kho, cá rán, cá nấu ám, và ốc nhồi luộc. Mỹ-Linh xới cơm ra bát. Nàng bảo Thiệu-Thái:
- Anh ngồi dậy ăn chứ!
Thiệu-Thái ngồi dậy, chàng cầm bát đũa định ăn, Lê Văn chụp lấy tay chàng:
- Khoan, ông ỉn uống thuốc đã.
Nó đặt bát thuốc nóng, khói lên nghi ngút trước mặt Thiệu-Thái:
- Ông ỉn uống đi.
Thiệu-Thái nghe Mỹ-Linh nói về Lê Văn, chàng hết buồn tiếng ông ỉn của nó, mà cảm thấy vui vui. Chàng uống hết bát thuốc, cầm đũa định gắp cá kho ăn trước. Lê Văn dùng đôi đũa của nó, cặp cứng đôi đũa của chàng:
- Khoan, khoan, ông ỉn có món ăn đặc biệt, ngon lắm, chờ tý nữa mẹ mỗ nấu cho. Còn bốn món này của chị em mỗ.
Thiệu-Thái đói muốn lè lưỡi ra, mà chàng phải ngồi nhìn Mỹ-Linh, Lê Văn ăn. Hai người vừa ăn, vừa nói truyện, dường như không biết đến con tỳ, con vị trong người chàng nó đang nhai, đang cắn ruột gan chàng. Chàng nuốt nước bọt ừng ực, mà hai người như không biết đến.
Hai người ăn xong bữa cơm, một thiếu phụ tuổi khoảng hai mươi, trang phục rất giản dị đến. Thiếu phụ quấn mớ tóc mây bằng một sợi lụa đỏ. Nàng mặc chiếc áo cánh lụa trắng, quần lụa đen. Bà không đeo nữ trang.
Trước kia khi chưa rời Bắc-biên, Thiệu-Thái tưởng trên đời chỉ có em gái mình là Bảo-Hoà xinh đẹp nhất. Sau chàng thấy sắc đẹp dịu dàng của Mỹ-Linh, sắc đẹp tươi hồng của Thanh-Mai. Bây giờ chàng lại thấy sắc đẹp huyền ảo, khi có khi không, như người trong mơ của thiếu phụ.
Mỹ-Linh thấy thiếu phụ, vội vàng đứng dậy:
- Tiểu nữ tham kiến phu nhân.
Thiệu-Thái giật mình, nghĩ thầm:
- Thì ra thiếu phụ đẹp này là phu nhân Hồng-sơn đại phu đây. Hôm trước đứng hầu ông bà ngoại. Hai ngài cật vấn cậu hai về hai lần tuyển đệ nhất giai nhân cho cậu hai, mà cậu hai đều cho qui gia. Người thứ nhất thuộc đại tri kỷ của cậu tên Lâm Huệ-Phương. Cậu gặp Huệ-Phương, yêu ngay. Nhưng giữa lúc tình ý mặn nồng, cậu nghe Huệ-Phương có người tình, lập tức cậu tặng ngọc, ngà, vàng bạc cho nàng đi tìm ý trung nhân. Ý trung nhân của Huệ-Phương chính thị nhân vật lẫy lừng Hồng-Sơn đại phu. Huệ-Phương hẳn bà này đây.
Chàng nhìn Huệ-Phương một lần nữa, trong lòng nảy sinh sự khâm phục Khai-quốc vương:
- Ông bà ngoại mình quả thực có con mắt tinh đời, tuyển người đẹp thế này cho cậu hai. Hồi ở Bắc-biên, mình nghe mẹ kể, cậu hai thuộc loại người trung hậu, tính tình khoáng đạt, lại có cái đức từ bi của nhà Phật. Nay mình mới thấy sự thực. Với một giai nhân thế kia, cậu hai gặp, say mê liền. Thế nhưng cậu biết ngừng lại, để cho nàng được toại nguyện với người yêu.
Thiếu phụ quàng tay qua cổ Mỹ-Linh, cử chị nhẹ nhàng, êm dịu như mẹ với con:
- Thế nào, công chúa. Thế tử tỉnh rồi à. Công chúa bằng lòng chưa?
Hai người đứng bên nhau, gió thổi y phục bay nhè nhàng, như hai cây ngọc trước gió. Thiệu-Thái nảy ra ý so sánh Mỹ-Linh với Huệ-Phương. Đẹp thì ca hai cùng đẹp. Nhưng ở Huệ-Phương tàng chứa tất cả cái sắc sảo, tươi hồng như đoá hoa hải đường. Còn Mỹ-Linh lại dịu dàng, ôn nhu như vẻ đẹp của tượng Quán-Thế-Âm.
Lê Văn nắm tay thiếu phụ:
- Mẹ đến trễ tý nữa, con e con tỳ con vị sẽ cắn đứt ruột ông ỉn ra, thực tai vạ.
Thiệu-Thái biết chắc đây là phu nhân Hồng-Sơn đại phu. Chàng kính cẩn hành lễ:
- Tiểu bối xin tham kiến phu nhân.
Hồng-Sơn phu nhân mỉm cười:
- Thế tử chẳng nên đa lễ. Tôi đến để làm món ăn cho thế tử đây. Độc chất trong người thế tử đã trục ra hết. Duy trong tỳ, còn chút, không cách gì lấy ra được. Vì vậy tỳ hoạt động khó khăn. Trong phép trị, cần làm cho tỳ vị vận hoá thực mạnh, mới mong trục nổi. Cho nên tôi bầy ra bữa ăn của Mỹ-Linh, Lê-Văn, để thế tử ngồi nhìn, tỳ vị bị kích thích tối đa.
Bây giờ Thiệu-Thái mới hiểu tại sao Mỹ-Linh, Lê Văn cố tình ngồi ăn, không nói truyện với chàng, thì ra tất cả nằm trong trị liệu. Chàng tự biết, thân thế Hồng-Sơn phu nhân cao quí biết bao. Dù là một thế tử, một công chúa, khó lòng Huệ-Phương thân làm món ăn cho như vậy. Đây chẳng qua những liên hệ với cậu hai mà chàng được hưởng. Bà vì tình cậu hai mà cưng chiều chàng.
Hồng-Sơn phu nhân mở cái đĩa đậy kín trước mặt Lê Văn ra. Bà chỉ cho Mỹ-Linh:
- Trong này có tất cả tám thứ, ta làm món ăn, tên Bát trân, ngũ vị Bát trân, ngũ vị là gì? Bát trân là tám thức. Một là gan lợn, hai là cá chép, ba là chim sẻ, bốn là thịt gà, năm là cua biển, sáu là mực, bẩy là tôm, tám là lươn. Nếu không có thịt chim sẻ, có thể thay bằng thịt bồ câu hay bất cứ chim gì cũng được. Không có lươn, thay bằng ếch, bằng sò, bằng don, bằng hào.
Bà mở cái hộp gỗ ra. Trong hộp có năm ngăn. Bà chỉ vào hộp:
- Đây, năm thứ gia vị, gọi tức ngũ hương. Trong tám thứ trên, có thịt gà, cá chép, cua biển, mực, tôm, thuộc năm thứ có chất độc, ăn vào dễ sinh phong. Phải dùng năm thứ gia vị trị độc tố. Thịt gà dùng gừng, cá chép dùng tỏi, cua biển dùng chanh, mực dùng nghệ, tôm tiêu. Năm thứ gia vị này gọi là ngũ hương.
Bà dùng đũa gắp miếng thịt gà nhúng vào hộp đựng gừng tươi dã nhỏ, rồi bỏ vào bát bằng sứ. Lê-Văn gắp miếng cá chép nhúng vào hộp đựng bột tỏi, sau tới cua biển với chanh. Nó làm được hai thức, thì Hồng-Sơn phu nhân đã làm xong ba thức. Cuối cùng bà gắp gan lợn, chim sẻ, lươn cho lên trên. Bà rưới thêm mấy giọt nước mắm, cười:
- Thằng cà chớn, làm đi.
Nhanh nhẹn Lê Văn cầm chai rượu rót vào một cái đĩa, rồi bưng bát đựng tám thức tẩm gia vị đặt giữa đĩa. Nó đánh lửa, châm vào rượu. Rượu cháy bùng lên.Ngọn lửa xanh như một cái hoa sen, bao phủ bát đựng thực vật. Nó cầm cái đũa bằng sành cứ luôn tay khuấy rượu cho lửa bốc cao. Một lát, mùi thơm xông lên ngào ngạt. Nó nói với Thiệu-Thái:- Ông ỉn, cấm ông nuốt nước bọt, mà từ nãy đến giờ, ông nuốt đến mười bẩy lần. Nhưng như vậy chính ông ỉn tự nhận cái tên lợn của mình rồi nghe.
Miệng nói, tay nó cầm khăn lót cho khỏi nóng, bưng Bát trân, ngũ vị ra để trước mặt Thiệu-Thái:
- Mời ông ỉn. Nhớ ăn chậm thôi, cẩn thận nghe, đừng có nuốt cả lưỡi vào.
Thiệu-Thái đói quá, chàng quên mời Hồng-sơn phu nhân, cầm đũa gắp ăn. Tám thức, có tám mùi vị khác nhau, lại thêm năm thứ hương thơm. Thức ăn nọ hấp hương thơm sang thức ăn kia, cộng với hương rượu, vị cháy, làm thành món ăn cực kỳ trân quí.
Lê Văn nói:
- Phàm trong khoa trị bệnh, khi cơ thể mình thiếu thức gì, thì mình thèm thức đó. Như chị Mỹ-Linh, cơ thể thuộc âm hàn, nên chị thích ăn nóng. Cơ thể em thuộc dương nhiệt, nên thích ăn lạnh. Ngược lại khi cơ thể mình dư thức gì, thức đó trở thành chất độc. Cho nên hôm qua, chị Mỹ-Linh hắt hơi một cái hết chục quả xoài mà vẫn không sao. Còn em mới táp có mấy miếng, trong miệng muốn sưng, nổi mụn rồi.
Mỹ-Linh tỉnh ngộ:
- Ừ nhỉ, hèn gì hôm qua, chị thấy em ngồi nhìn chị ăn. Chị tưởng em nhường cho khách. Hoá ra em không thích. Ban nãy em bắt mạch cho anh Thiệu-Thái rồi cho anh ấy ăn món này, vậy nguyên lý ra sao?
- À, thế này. Trước đây anh Thiệu-Thái chưa từng tập Thiền-công, chưa qui y, chẳng từng học kinh kệ. Thế rồi Bồ-tát Sùng-Phạm truyền cho anh ấy Thiền-công của ngài. Thành ra anh ấy có công lực cao thâm vô cùng, mà không biết xử dụng.
Mỹ-Linh phục Lê Văn, nàng gật đầu:
- Em mới bằng này tuổi mà kiến thức đã cao như vậy rồi, thực hiếm có. Hôm trước sư phụ chị cũng nói vậy.
Lê Văn tiếp:
- Thiền công là thứ công lực của Phật, của tiên, chính đại quang minh. Đỗ Lệ-Thanh không biết thế, đem truyền cách luyện Chu-sa Ngũ-độc chưởng cho anh Thiệu-Thái. Do vậy ma với Phật lẫn lộn trong người anh ấy. Thành ra anh ấy muốn dùng Thiền-công hoá giải chất độc không được.
Nó cười:
- Lại đến đại sư Huệ-Sinh cũng không nhìn ra lẽ quan trọng nữa, khi trong người anh Thiệu-Thái chứa toàn cá, thịt, tôm, cua. Trong lúc Thiền-công nhà Phật của ngài Sùng-Phạm chỉ toàn rau, đậu, hoa, qủa. Cho nên dù đại sư dạy anh ấy vận Thiền-công, cuối cùng đi đến chân khí chạy hỗn loạn trong cơ thể, rồi anh ấy còn hút chất độc cứu chị Thanh-Mai, suýt nữa cả hai tiêu dao miền Cực-lạc.