Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy

Quyển 1 - Chương 28



Luôn có những khoảng thời gian, sau khi qua đi, mới phát hiện nó còn khắc sâu trong trí nhớ.

Nhiều năm sau, đứng dưới ngọn đèn trong đêm tối, bỗng nhiên nhớ lại, sẽ lặng lẽ mỉm cười.

Những người đó, đã ngồi trên chuyến tàu của thời gian, biến mất vĩnh viễn. Trong lòng, lại có một dòng sông ấm áp chảy vượt thời gian, vĩnh viễn không biến mất.

Hồi ức là mãi mãi

Tiểu Ba gặp chuyện không may làm tôi bỗng trầm tĩnh hẳn, những chuyện phản nghịch và nổi loạn trước giờ đều không còn, tôi trở nên ngoan ngoãn lạ thường, cuộc sống hàng ngày chỉ có hai địa điểm, một con đường, trường học và nhà.

Tôi bắt đầu dùng toàn tâm trí cho việc học tập, bởi vì tôi biết điều Tiểu Ba hy vọng nhất chính là, ngày nào cũng nhìn thấy tôi có thành tích học tập tốt, anh sẽ rất vui vẻ. Bây giờ tôi không thể làm gì giúp anh, đây là điều duy nhất tôi có thể làm vì anh.

Từ Hiểu Phỉ gặp chuyện không may rồi lại đến Trương Tuấn, cuộc sống của tôi vẫn không có mục tiêu gì, đừng nói là ghét môn tiếng Anh, mà ngay cả những môn tự nhiên như toán, lý tôi cũng học suýt đi nhiều.

Tôi dùng thời gian vài ngày để xem lại tất cả những bài trong quyển sách giáo khoa toán, lý, học lại tất cả kiến thức, nghiên cứu thật kỹ những bài ví dụ mẫu, sau đó, tôi bắt đầu mượn vài quyển sách tham khảo của Quan Hà, xem kỹ hơn những bài khó cô ấy khoanh bút đỏ vào, càng khó lại càng hứng thú, vì khi gặp phải những bài khó, sẽ một lòng nghĩ đến vấn đề đó, những lo lắng khác trong lòng sẽ tạm quên đi.

Quan Hà lẳng lặng nhìn tôi cố gắng giải từng bài tập khó, mỗi lần tôi giải ra một bài tập khó ấy, liền vứt ngay tờ nháp đi, chẳng buồn giữ lại để ghi nhớ phương pháp chứng minh, nhưng cô ấy lại cất những tờ nháp đó của tôi.

Ngày nào tôi cũng cực kỳ nghiêm túc, không đọc tiểu thuyết, không đi đâu chơi, lúc nào cũng làm bài tập. Quan Hà rất ngạc nhiên, không rõ vì sao tôi lại đột nhiên thay đổi tính khí như vậy.

~~~~~~~~

Thời gian lên lớp tôi làm bài tập, giờ giải lao, tôi chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ, làm nhiệm vụ của khán giả, xem Tống Thần, Lí Sam tập diễn tiểu phẩm. Kịch bản gốc của tiểu phẩm là do Tống Thần viết, nhưng lời kịch cuối cùng lại là kết tinh trí tuệ của tập thể chúng tôi.

Trong quá trình tập luyện, mọi người đều liên tục chỉnh sửa, đôi lúc lại quên từ, người diễn nói lung tung, nhưng không ngờ lại mang đến hiệu quả kinh người, mọi người nhất trí hô to: “Giữ lại, giữ lại!”

Sau khi tôi và Quan Hà chọn trái chọn phải, cuối cùng cũng chọn bài “Lại thấy khói bếp” [1] của Đặng Lệ Quân, rất hợp với đứa không có giọng hát trời cho như tôi, cũng không có chữ “tình yêu” rõ ràng, không phạm vào điều kiêng kị của thầy hiệu trưởng. Lúc họ nghỉ ngơi sau khi tập xong tiểu phẩm, tôi và Quan Hà sẽ luyện hát.

Tống Thần đặc biệt không khách khí với tôi, lúc tôi hát, cậu ta cứ tỏ vẻ kêu khóc đáng thương, làm như sợ hãi lắm ấy, năm lần bảy lượt nói với Quan Hà: “Tớ muốn lôi cậu ấy vào toilet, có ai giúp tớ không?”

Quan Hà cười nói: “Tớ sẽ giúp sức với ai đó để lôi cậu vào.”

Trong tiếng cười của mọi người, tôi có cảm giác hoảng hốt, tôi dường như không giống những nữ sinh cùng trang lứa. Đọc sách, học tập, ở bên những người bạn, vui chơi nô đùa. Những lúc cười vui qua đi, tôi biết mình không giống họ, họ có thể không ưu sầu mà theo đuổi những thú vui, còn tôi sẽ nhìn ra ngoài cửa sổ và nghĩ, bây giờ Tiểu Ba đang ở đâu? Khi nào anh trở về?

Đến khi ngay cả tôi cũng thuộc được lời kịch trong tiểu phẩm của Tống Thần, hội diễn văn nghệ rốt cuộc cũng đến.

Tất cả dường như vẫn giống năm đầu tiên tôi vào trung học, nhóm tuấn nam mỹ nữ của các lớp, lấy ca múa để tranh cao thấp, Lâm Lam vẫn dùng hai điệu nhảy uyển chuyển để tham gia cuộc thi, gần như có thể khẳng định lớp 9-2 sẽ giành được giải thưởng. Tuy nhiên, đối với tôi, tất cả lại không giống năm đầu tiên ấy, Đồng Vân Châu không tham gia, cũng không thấy bóng dáng của Hiểu Phỉ, Trương Tuấn dùng tâm sức đối phó với cảnh sát đã mệt lắm rồi, càng không thể tham gia cuộc thi

Năm năm tháng tháng, hội diễn văn nghệ vẫn diễn ra tương tự như vậy; tháng tháng năm năm, con người đã không còn như trước nữa.

Ngoài tiết mục của lớp 9-2 ra, tiết mục của lớp 9-1 cũng khá hay, tuy nhiên, nó lại không được thầy hiệu trưởng thích, bởi vì chủ đề không đủ “lành mạnh tích cực hướng về phía trước”, mà tiết mục của lớp tôi thì vô cùng đặc biệt.

Trước đây không phải chưa có lớp nào diễn tiểu phẩm, nhưng với tiểu phẩm của lớp tôi, vì có cậu thi nhân Tống Thần bày ra, kèm theo một đống lời kịch hư cấu do cả đám nghĩ ra, chính vì vậy mà nó càng khác lạ hơn.

Tống Thần đưa tên mọi người trong lớp tôi vào lời kịch, biên diễn thành câu chuyện xưa, đương nhiên, lời thoại trong đó có đóng góp trí tuệ của cả nhóm chúng tôi. Tống Thần lại biên diễn rất có phong cách hậu hiện đại, vô li đầu và giải cấu trúc [2] ( cho dù lúc ấy, chúng tôi căn bản không biết cái gì gọi là hậu hiện đại, vô li đầu, giải cấu trúc), hình tượng nhân vật trong tiểu phẩm này vô cùng bỉ ổi, hơn nữa trang phục lại vô cùng thảm hại, ví dụ như, đội mũ lôi phong [3] giả làm Hồ Hán Tam, mặc áo đỏ, tóc vuốt keo bóng loáng đến ruồi bọ cũng bị trơn ngã là Lưu Đức Hoa, áo cánh dơi đỏ chói là Quách Phú Thành…

(Hồ Hán Tam: ông là diễn viên điện ảnh.)

Đúng hôm trước ngày diễn, Ngụy Lão Tam sắm vai Hồ Hán Tam lại bị ốm, dưới sự cố bất đắc dĩ đó, ánh mắt của cả dám nhắm thẳng vào tôi và Quan Hà, vì hai đứa chúng tôi đã làm khán giả xem chán chê rồi, không ít lời kịch biến thái trong đó là đóng góp của chúng tôi, không thể tìm “diễn viên thay thế” nào thích hợp hơn, Quan Hà dựa trên tinh thần “bạn hy sinh còn tôi hưởng lợi” lập tức nói: “Tớ không diễn được đâu, La Kì Kì thì không thành vấn đề.”

Dưới sự phản đối không hiệu quả của tôi, Tống Thần chụp cái mũ lôi phong màu lục quân lên đầu tôi, Lí Sam dán vô số mảnh vá lên cái áo Tôn Tru Sơn tôi phải mặc, những người khác túm tôi đi thay quần, đeo giày, bộ quần áo ghê tởm vốn là của Ngụy Lão Tam mà giờ lại chuyển hết lên người tôi, tuy Lão Tam gầy yếu, nhưng vóc dáng rất cao, tới 1m8, còn tôi chỉ cao 1m63, tôi phải cuốn hai vòng ống quần mới không bị quét đất.

Mọi người nhìn tạo hình của tôi, đều cười đến nỗi tí thì bò lăn ra đất, Tống Thần đưa chiếc gậy chống cho tôi: “Tốt lắm, cứ lên đài như thế này đi!”

Tôi ai oán lườm lườm Quan Hà, Quan Hà lại đánh giá tôi từ trên xuống dưới, cầm lấy bút vẽ lông mày, vẽ hai đường râu cá trê ngoài miệng tôi.

Cả đám đều vừa cười vừa vỗ tay, vô cùng hài lòng với nét bút của Quan Hà.

Lí Sam cười nói: “Bộ dạng này dù thế nào Quan Hà cũng không chịu diễn, La Kì Kì cậu phải diễn thôi!”

Tôi không diễn thì có thể làm được gì chứ?

Tôi bắt đầu thầm nhẩm lại lời kịch, vì tiểu phẩm này, mọi người đều bỏ ra rất nhiều tâm huyết, nếu không tham gia, chẳng phải tôi đã bỏ phí tâm huyết của mọi người sao.

Không phải tôi đã vốn bị mang tiếng xấu sao? Tôi đã mất hình tượng từ lâu rồi, chuyện này không thành vấn đề!

Tiểu phẩm vừa bắt đầu, hội trường đã cười rộ lên, lớp trưởng Lí Sam đại nhân của chúng tôi, bình thường vốn là nam sinh khỏe mạnh lực lưỡng, rạng rỡ như ánh mặt trời, mà bây giờ biến thành tên ái nam ái nữ ẻo lả, mặc áo đỏ, eo đánh bên này lắc bên kia bước đi ưỡn ẹo, thế nên hiệu quả giải trí đúng là không hề nhỏ!

Đến lúc tôi còng lưng, chống gậy, đầu đội mũ lôi phong, mặc áo Tôn Trung Sơn vá chằng chịt, run rẩy đi trên đài, vẫy vẫy tay nói với mọi người: “Chào bà con! Hồ Hán Tam tôi đã trở lại rồi!” (Hồ Hán Tam nổi tiếng với câu nói này)

Mọi người bên dưới đều cười rộ lên, giám khảo ngồi ở góc đài cũng cười nghiêng ngả.

Chốc lát sau, âm nhạc nổi lên, biến thành Quách Phú Thành hát “Yêu em không dứt”, [4] trong tiếng nhạc sống động ấy, Tống Thần đóng Quách Phú Thành, mặc áo cánh dơi, quần trắng, nhảy mạnh một cái lên đài, dang rộng hai tay, làm một tư thế cực kỳ khoa trương, cực kỳ nhu tình, cực kỳ cool, cũng cực kỳ ghê tởm, dưới đài đã có người cười ngã khỏi ghế.

Sau đó cậu ta bắt đầu lắc mông ca hát với các giáo viên và học sinh ngồi xem: “Trong lồng ngực cất giấu một ngọn lửa, những ngày ấy thật không dễ chịu…”

Ăn theo điệu nhạc của bài “Yêu em không dứt” mà Quách Phú Thành hát, nhưng ca từ lại bị chúng tôi “biên diễn” thành nỗi đau khổ khi không thể giải được một bài tập khó.

Đáng thương cho mấy anh chàng “Tứ Đại Thiên Vương” bị chúng tôi biến thành những hình tượng ghê tởm, mọi người bên dưới vừa thấy kinh khủng vừa cười ha hả.

Tứ Đại Thiên Vương hồi ấy là: Lê Minh, Quách Phú Thành, Trương Học Hữu, Lưu Đức Hoa.

Mấy người chúng tôi cũng không nhịn được mím môi cười. Đã xem vô số lần rồi, nhưng lúc trước không có hiệu quả của trang phục và ánh đèn, hơn nữa tôi phát hiện, bọn Tống Thần có vẻ điên điên, đứng trên đài biểu diễn còn mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với ở dưới đài.

Từ nhân vật cổ đại đến ngôi sao hiện đại, toàn là những nhân vật xa xôi, có bắn đại bác cũng không tới mà lại cùng xuất hiện trong một câu chuyện, Tống Thần phát huy đến cực hạn phong cách diễn châm biếm, hết nhân vật này đến nhân vật khác, tiếng cười dưới đài mãi không ngớt.

Đang lúc mọi người cười vui vẻ, bỗng một giọng nam trung nghiêm trang vang vọng cả hội trường.

“Chuẩn bị tập bài thể dục bảy động tác, giậm chân tại chỗ, giậm! Một hai ba bốn năm sáu bảy tám, hai hai ba bốn năm sáu bảy tám, dừng! Duỗi thân vận động, chuẩn bị! Một hai ba bốn năm sáu bảy tám, hai hai ba bốn năm sáu bảy tám…”

Nhạc điệu rất quen thuộc, mỗi người mỗi ngày đều phải làm, mọi người nghe choáng váng, tưởng rằng bên trong sân khấu có gì đó trục trặc, quấy rầy chúng tôi biểu diễn.Sau đó lại thấy chúng tôi chạy hoảng loạn, vừa chạy vừa ồn ào: “Hiệu trưởng đến, hiệu trưởng đến, chạy nhanh! Chạy nhanh!”

Chúng tôi cởi quần áo, ném mũ, đúng là một đám học sinh đang nổi loạn, bị thầy hiệu trưởng “sờ gáy”, đến khi chúng tôi xiêu vẹo “giả nai” xong, lại bắt đầu tập bài thể dục trên đài, một thầy đeo kính đen, đội mũ lưỡi trai xám, lưng cong cong, chắp tay sau lưng, bước nhanh lên đài. Đó chính là dáng vẻ mà không học sinh nào của trường không biết, dáng vẻ của thầy hiệu trưởng.

Dưới đài lại bắt đầu cười vang, thầy hiệu trưởng ngồi trên bàn giám khảo, cũng tháo kính ra cười to, lúc tổng duyệt tiết mục, vì tiết kiệm thời gian, chúng tôi chỉ diễn một phần ba tiết mục, màn hay nhất ở đoạn cuối này, thầy hoàn toàn không biết.

Theo tiếng nhạc của bài thể dục, chúng tôi vẫy tay tạm biệt mọi người, đi xuống đài theo thứ tự, “thầy hiệu trưởng” là người đi sau cùng, mới đi được vào bước, lại đột nhiên quay người lại, răn dạy đám học sinh dưới đài: “Cười! Cười cái gì mà cười? Không được cười! Phải nghiêm túc! Nghiêm túc!”

Giọng Tứ Xuyên nói tiếng phổ thông, cậu ta nói hai chữ “Nghiêm túc” rất giống thầy hiệu trưởng, mọi người đều cười khúc khích, cậu lập tức chạy vào sau khán đài cùng chúng tôi.

Ngoài hội trường con đang cười, chúng tôi đứng sau màn cũng cười, người sắm vai thầy hiệu trưởng nói giọng Tứ Xuyên là Ngô Vũ, cười hì hì nói: “Không biết thầy ấy sẽ xử lý chúng ta thế nào đây.”

Mọi người đều cười, chỉ còn hơn một tháng nữa là tốt nghiệp, chúng tôi đều thoải mái không kiêng kị nhiều chuyện.

Lí Sam nói với Quan Hà: “Sau ba tiết mục nữa là đến tiết mục của các cậu rồi, các cậu đi chuẩn bị nhanh lên, biểu diễn tốt nhé.”

Chú thích:

[1] Lại thấy khói bếp của Đặng Lệ Quân: trên mạng có dịch là “còn thấy khói thuốc” hay “lại thấy khói thuốc”, mình tra từ rồi, “khói bếp” đúng hơn “khói thuốc”. Đây là ca khúc “Lại thấy khói bếp”, ca sĩ Vương Phi hát.

http://www.youtube.com/watch?v=0QALgAy3oPI&feature=player_embedded

[2] Mấy cái chủ nghĩa này hơi khó hiểu, không hiểu cũng không sao, nói gọn là cậu Tống Thần này biết dùng những cách gây hài để châm biếm, kịch bản của cậu có ý nghĩa.

Chủ nghĩa hậu hiện đại là một xu hướng trong nền văn hóa đương đại được đặc trưng bởi sự chối bỏ sự thật khách quan và siêu tự sự. Chủ nghĩa hậu hiện đại nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ, những quan hệ quyền lực, động cơ thúc đẩy; đặc biệt nó tấn công việc sử dụng những sự phân loại rõ ràng như nam với nữ, bình thường với đồng tính, trắng với đen, đế quốc với thực dân. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả phê bình văn học, xã hội học, ngôn ngữ học, kiến trúc, nghệ thuật thị giác, và âm nhạc.

Tư tưởng hậu hiện đại là sự giải thoát có chủ ý từ những cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện đại đã thống trị trước đó. Thuật ngữ “hậu hiện đại” bắt nguồn từ sự phê phán tư tưởng khoa học về tính khách quan và tiến bộ gắn liền với sự khai sáng của chủ nghĩa hiện đại.

Vô li đầu: đại khái là dùng những điều hài hước để châm biếm.

Giải cấu trúc là một trào lưu tư tưởng hiện đại trong khoa học xã hội và nhân văn, xuất hiện ở phương Tây từ những năm 60.

Giải cấu trúc hay chủ nghĩa giải cấu trúc trước hết là lí thuyết chống lại sự chuyên quyền của chủ nghĩa cấu trúc, nhưng không chỉ có thế. chủ nghĩa cấu trúc người ta giải thích các tác phẩm văn học bằng quan điểm lịch sử, hoàn cảnh xã hội, tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý đồ của tác giả… Chủ nghĩa cấu trúc ra đời chứng minh rằng ý nghĩa của tác phẩm chỉ nằm trong cấu trúc của văn bản, quan điểm lịch sử bị phế bỏ, điều đó làm cho chủ nghĩa cấu trúc trở thành kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa Mác, và một thời gian dài ở các nước xã hội chủ nghĩa chủ nghĩa cấu trúc là thứ cấm kị và đối tượng phê phán liên tục. Nhưng có điều lạ lùng này. Tuy hai lí thuyết thù địch nhau, song lại giống nhau hoàn toàn ở một điểm: đó là tin rằng mỗi tác phẩm văn chương chỉ có một nghĩa, một ý nghĩa xác định, bất di dịch, người ta có thể thò tay vào túi và lấy ra, chỉ cần biết nắm được phương pháp này hoặc phương pháp kia. Một khi có nhà phê bình quyền uy nào phán về một tác phẩm nào đó có một tư tưởng nào đó thì tác giả của nó có mà chạy đằng trời cũng không thoát khỏi nhận định ấy, anh ta hoặc hưởng niềm vinh quang hoặc chịu niềm cay đắng, tủi nhục do nhận định kia mang lại. Nhưng đến thời giải cấu trúc thì cái quan niệm kia bị lung lay đến tận gốc.

[3] Mũ lôi phong là kiểu mũ mùa đông trùm tai của bộ đội Trung Quốc.

[4] Yêu em không dứt của Quách Phú Thành:

http://www.youtube.com/watch?v=jOBZR-CKs2s

Quan Hà và tôi lập tức đi thay quần áo, Quan Hà vừa thay quần áo vừa cười nói với tôi: “Đây là cuộc thi văn nghệ đặc biệt nhất mà tớ từng tham gia.”

Tôi mỉm cười không nói chuyện. Khi tập luyện, cảm thấy không sao cả, nhưng khi đứng ở trên đài, cùng vui cười cùng nỉ non với mọi người, rất nhiều cảm giác hoàn toàn không giống. Lí Sam, Tống Thần, Ngụy Lão Tam, Vương Hào… Họ không còn là những cái tên xa cách nữa

Tôi rất cảm ơn Quan Hà đã đưa tôi hòa vào đám bạn này, làm cho tôi lần đầu tiên có loại cảm giác tên là vinh dự tập thể.

Tôi và Quan Hà mặc váy, cô giáo Ngô chủ nhiệm lớp tôi tìm người đến trang điểm nhẹ cho chúng tôi, Quan Hà đánh giá tôi, mỉm cười nói: “Rất đẹp, mọi người nhất định sẽ rất ngạc nhiên.”

Tôi không tin lời khen của cô ấy, lịch sự cười cười, cô ấy hoàn toàn hiểu được ý tôi, nghiêm túc nói: “Không phải tớ động viên cậu, Kì Kì, ngũ quan của cậu không phải xuất chúng, nhưng cũng rất hài hòa, hơn nữa cậu còn mang trên người khí chất đặc biệt, thật sự rất đặc biệt, cậu phải tự tin vào bản thân mình.”

Tôi vẫn không tin, nhưng tôi cố gắng làm ra vẻ mình đã tin lời cô ấy.

Chúng tôi nắm tay nhau bước ra ngoài, cúi đầu mỉm cười với mọi người, người dẫn chương trình giới thiệu chúng tôi xong, Quan Hà cười với tôi, lấy micro trên tay tôi, nhìn xuống dưới đài nói: “Từ năm lớp 7 đến giờ, mình cũng không nhớ mình đã từng kéo đàn nhị bao nhiêu lần trên đài, mỗi một lần đều rất đặc biệt, thế nhưng, lần này chính là lần đặc biệt nhất, bởi vì mình sắp tốt nghiệp, cũng bởi vì người đứng bên cạnh mình là bạn thân La Kì Kì của mình. Chúng mình đã suy nghĩ rất nhiều mới lựa chọn được bài “Lại thấy khói bếp”, thầy giáo định không duyệt bài này của chúng mình, nhưng mình đã nói với thầy rằng ‘bạn’ ở trong bài là con gái, không phải là con trai, thầy mới miễn cưỡng chấp nhận.”

Mọi người đều cười, Quan Hà cũng cười nói: “Vì vậy, xin các bạn một tràng pháo tay cổ vũ cho chúng mình, và cũng mong rằng các bạn sẽ có những kỷ niệm đẹp đẽ.”

Các bạn bên dưới vỗ tay nhiệt tình, vô cùng nể mặt Quan Hà.

Quan Hà đưa micro cho tôi, ngồi chiếc ghế tựa đã đặt sẵn trên đài, bắt đầu kéo đàn nhị, Lí Sam đứng sau Quan Hà gõ chuông tam giác.

Chuông tam giác: dùng để khuếch đại âm thanh. Nó như thế này:

Nhìn phía dưới đông nghìn nghịt bóng người, không biết vì sao đột nhiên lại nghĩ đến Trương Tuấn cũng ngồi ở phía dưới, tôi hơi hồi hộp, đã tham gia rất nhiều cuộc thi diễn thuyết rồi, tôi cho rằng mình đã sớm vượt qua sự hồi hộp, lo lắng trên sân khấu này.

“Lại thấy khói bếp…” tôi bị vỡ giọng, đúng là sợ cái gì cái ấy đến, không khỏi cười khổ châm biếm.

Trong hội diễn văn nghệ, học sinh lớp 7 và lớp 8 có vẻ khá ngoan, nhưng học sinh lớp 9 lại ỷ vào tư cách đàn anh đàn chị, hơn nữa cũng sắp tốt nghiệp rồi, nhà trường không quản nổi, thế nên tình huống trên đài vừa xuất hiện, đám nam sinh khối lớp 9 đã bắt đầu huýt sáo, vỗ tay rào rào, lúc này đây, vì nể Quan Hà đã có lời lúc đầu nên phần lớn mọi người đều nể tình, nhưng đám ma vương tụ tập hết ở lớp 9-7 kia lại ồ ồ cười vang.

Nghĩ đến Trương Tuấn, tim tôi nhảy lên thình thịch, có phải cậu ấy cũng đang cười nhạo tôi không?

Quan Hà lo lắng nhìn tôi, ý bảo tôi khi nào chuẩn bị tốt, có thể ám chỉ với mình, cô ấy lại bắt đầu kéo đàn, mà tôi càng ngày càng thấy lo lắng, lo lắng cứ như lần đầu tiên lên phát biểu cảm tưởng vào đầu năm lớp 7, thanh âm tắc nghẹn trong cổ họng, không thể nào hát ra được.

Lớp 9-7 vẫn vỗ tay, huýt sáo, càng lúc càng lớn, kéo theo không ít tiếng ồn ào khác, tuy lòng tôi đang nổi sóng cuồn cuộn, nhưng may mắn da mặt còn dày, nên vẻ mặt tôi vẫn vô cùng trấn tĩnh, Quan Hà thì chưa từng gặp phải chuyện xấu hổ như vậy, mặt đỏ lên, ngại ngùng đến mức dường như cô ấy sắp ném cái đàn đi rồi trốn xuống đài.

Đột nhiên, Trương Tuấn đứng lên từ khu giữa lớp 9-7, hét lớn: “Ầm ĩ cái gì? Không thích nghe thì cút đi!”

Đám ma vương lớp 9-7 nhanh chóng im lặng, bọn họ chẳng sợ giáo viên, nhưng lại rất sợ Trương Tuấn.

Trong hội trường trở nên yên tĩnh lạ thường, tôi không thể nói rõ cảm giác trong lòng mình lúc bấy giờ, chuyện rối rắm vừa nãy Trương Tuấn thấy tôi như một đứa ngốc, nhưng cậu lại giúp tôi gỡ rối.

Tôi hít sâu một hơi, khôi phục một chút tâm tình, nhìn Quan Hà gật đầu, ý bảo cô ấy bắt đầu kéo đàn nhị, mới đầu Quan Hà còn kéo sai vào âm, dần dần cũng kéo đúng nhạc, tôi cũng hát một lần nữa, tiếng hát không to, nhưng câu chữ cũng rất rõ ràng:

“Lại thấy khói bếp bốc lên

Hoàng hôn bao bọc cả vùng đất

Muốn hỏi khói bếp rằng

Bạn muốn đi đâu

Trời chiều có thơ tình

Hoàng hôn có họa ý

Thơ tình họa ý mặc dù thơ mộng

Nhưng trong lòng tôi chỉ có bạn

Lại thấy khói bếp bốc lên

Làm cho tôi hồi tưởng

Mong bạn biến thành đám mây hồng

Bay vào giấc mơ của tôi

Trời chiều có thơ tình

Hoàng hôn có họa ý

Thơ tình họa ý mặc dù thơ mộng

Nhưng trong lòng tôi chỉ có bạn

…”

“Bạn” trong bài hát này là con gái ư? Thầy hiệu trưởng chắc chắn không phải chưa từng nghe Đặng Lệ Quân hát, nhất định thầy không tin, nhưng với bài hát kinh điển này và thầy cũng từng trải qua tuổi trẻ, chính vì vậy, thầy đồng ý cho chúng tôi phóng túng một lần.

Biểu diễn xong, trong tiếng vỗ tay của mọi người, tôi và Quan Hà nhìn nhau cười, thắng thua đều không quan trọng, quan trọng là chúng tôi cùng nhau vượt qua khoảnh khắc ngưng tụ này, ngưng tụ trong bài hát, tương lai, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, khi chúng tôi nghe thấy bài hát này, nhất định sẽ nhớ tới nhau, nhớ tới những tháng năm niên thiếu của chúng tôi.

Quan Hà đứng lên, đi đến gần tôi. Chúng tôi tay nắm tay, cúi đầu chào mọi người dưới đài, khi ngẩng đầu lên, ánh mắt hai người cùng nhìn về phía lớp 9-7. Sau này, dù vào thời khắc nào, chỉ cần chúng tôi nhớ tới nhau, nhớ tới những năm tháng thanh xuân của mình, chúng tôi cũng sẽ nhớ tới một thiếu niên đã đứng lên, đã giúp chúng tôi.

Khi công bố kết quả của hội diễn văn nghệ, tất cả mọi người đều cảm thấy bất ngờ, cũng cảm thấy hợp lý.

Tôi và Quan Hà không được giải thưởng gì, đây có lẽ là lần đầu tiên Quan Hà biểu diễn thất thủ. Tiểu phẩm của lớp tôi đoạt được giải nhì, Tống Thần đại diện cho mọi người đi lĩnh thưởng. Những người khác lĩnh thường, đều mỉm cười hay cúi đầu ngại ngùng, cậu ta lại đoạt lấy micro từ tay người dẫn chương trình, vui cười nhìn về phía dưới đài nói: “Cảm ơn thầy hiệu trưởng nghiêm túc nhưng không thiếu tình yêu của chúng em, thưa thầy, các bạn lớp 9-4 chúng em đều yêu thầy!”

Mọi người trong hội trường cười rộ lên, vì thầy hiệu trưởng ghét nhất những câu “anh yêu em”, “em yêu anh” trong các bài hát, cũng nói từ “yêu”, thầy thường xuyên răn dạy chúng tôi, cái cần hiểu biết thì không hiểu biết, ngày nào cũng nói mấy từ “yêu yêu yêu”, vậy mà Tống Thần cũng không thèm để ý, chắc thầy đang bắt đầu hối hận vì đã trao giải thưởng cho chúng tôi.

Tống Thần cũng sợ thầy hối hận, vừa nói xong, liền ôm cúp chạy xuống dưới đài, chọc cho cả hội trường cười vang.

Đó là hội diễn văn nghệ nhiều tiếng cười nhất trong trí nhớ của tôi, dù là giáo viên hay học sinh, ngay cả thầy hiệu trưởng nghiêm túc cũng cười vui vẻ.

Mấy người chúng tôi cũng cười mãi, khi lễ trao giải kết thúc, đã là hơn mười giờ tối, nhưng mọi người vẫn chưa muốn về nhà, ồn ào muốn Tống Thần chiêu đãi. Tống Thần nhận được tiền thưởng, được coi là người giàu có trong mắt chúng tôi, mọi người đều áp bức cậu.

Tống Thần vung bàn tay to lên: “Không thành vấn đề, chúng ta đi ăn món cay nóng đi.”

Món cay nóng: nguyên văn Hán Việt là ma lạt năng, đó là những món cay nóng bắt nguồn từ Tứ Xuyên, Trung Quốc, vùng đất nổi tiếng với những món ăn cay.

Mọi người hô vang, một đám đi cùng nhau, theo nhau ra ngoài, vẫn không quên kích bác nhau, hạ thấp đối phương, nâng cao bản thân, mọi người cười cười, nói nói, đánh đánh, náo loạn cả lên.

Chúng tôi trở thành đoàn nổi bật giữa đám đông.

Đi đến cổng trường, đang định quẹo trái, tôi đột nhiên liếc mắt nhìn ngã tư đối diện, dưới ánh đèn đường có một thân ảnh cực kỳ quen thuộc, tôi lập tức vùng thoát khỏi bàn tay Quan Hà, chạy sang phía đường đối diện.

Tiểu Ba đút tay vào túi quần, mỉm cười nhìn tôi.

Tôi không nghĩ nhiều, chỉ có kích động, nhào vào lòng anh, ôm anh hỏi: “Sao anh không gọi em?”

Cổng trường truyền đến tiếng huýt sáo, tôi tức giận quay đầu lại, mắng: “Thần kinh à!” Lại vội vàng hỏi, “Anh về lúc nào thế? Mọi chuyện đã được giải quyết rồi sao?”

Anh ấy mỉm cười nói: “Về lúc chiều.”

Tôi rất mừng, khúc kha khúc khích nói: “Có phải còn kịp thi đại học không? Nhưng cũng mất nhiều thời gian rồi, hay để sang năm đi, có thể ôn tập nhiều hơn một năm, thi vào một trường tốt.”

Quan Hà, Tống Thần, Lí Sam… mấy người họ đều đi tới, đứng cách chúng tôi một khoảng, Tống Thần gọi: “La Kì Kì, cậu có đi ăn món cay nóng không?”

Tiểu Ba nói: “Em đi chơi cùng mọi người đi, hôm khác anh lại đến tìm em.”

Tôi chần chừ, không nói, Quan Hà gọi: “Kì Kì.”

Tiểu Ba giục tôi: “Nhanh lên nào, mọi người đều đang đợi em.”

Tôi đi về phía đám Quan Hà, Tống Thần, một đám người cười hi hi ha ha hướng về phía chợ đêm, bàn xem ăn ở cửa hàng nào ngon nhất.

Tôi vừa đi vừa quay đầu lại nhìn, thấy Tiểu Ba quay lưng bước đi, tay đút túi quần, cúi đầu nhìn đường.

Dưới đèn đường, bóng dáng của anh kéo dài cô đơn.

Tôi đột nhiên dừng bước, nói với Quan Hà: “Thật sự xin lỗi các cậu, tối nay tớ không thể đi ăn cùng các cậu được, tớ còn có chút việc.”

Bọn Tống Thần đều kêu to: “Quá vô sỉ, lật lọng.”

Lí Sam ôn hòa nói: “Mọi người cùng nhau đi, không muốn thiếu ai cả, chúng ta sắp thi rồi, những buổi tụ hội cũng không còn nhiều nữa.”

Quan Hà cũng khuyên: “Kì Kì, tối nay cậu lập công lớn, chúng ta đi ăn mừng, sao có thể không có cậu được?”

Tôi không để ý những người khác, chỉ cười xin lỗi với Quan Hà, liền xoay người chạy đuổi theo Tiểu Ba, đến khi đuổi kịp, tôi nhảy mạnh lên người anh, rồi vòng tay qua ôm khuỷu tay anh, nói:

“Mời em đi ăn thịt dê nướng.”

Tiểu Ba mỉm cười nhìn tôi: “Em không đi ăn món cay nóng à?”

“Em thích ăn thịt dê nướng.”

Sau này, tôi luôn nghĩ, có lẽ vào tối hôm đó, Tiểu Ba phát hiện ra rằng, tuy chúng tôi đã ở bên nhau sáu năm, đã cho rằng chúng tôi là người một nhà, nhưng thực ra tôi và anh cũng không phải người ở cùng một thế giới. Anh nhìn tôi và các bạn cạnh nhau, khoan khoái đấu võ mồm, trêu đùa, vì tài hoa và thành công không đáng kể của mình mà tự hào kiêu ngạo, vui vẻ, chúng tôi là những học sinh trung học bình thường nhất, đang sống trong những năm tháng thanh xuân tươi vui, vì vậy, rõ ràng là anh đến tìm tôi, nhưng lại không gọi tôi, để mặc tôi đi lướt qua anh, hướng tới một thế giới hoàn toàn khác thế giới của anh

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv