“Bé ngốc, em thay khóa là xong rồi còn gì?”
Ở đầu kia của thành phố, Nhiếp Chấn Hoành cũng nói với Lâm Tri câu tương tự.
Thời tiết chuyển lạnh, Nhiếp Chấn Hoành nghĩ bụng dạo này bé con toàn ngủ trong nhà mình, nên bảo sẽ xuống lầu mang ít quần áo ấm của Lâm Tri lên. Dù gì chín bỏ làm mười thì hai người cũng coi như đã sống chung rồi, anh cũng muốn sắm cho em người yêu mấy vật dụng hằng ngày còn thiếu nhân mùa mua sắm cuối năm, tiện thể lấp đầy nhà mình luôn. Anh sẽ mua hết những món đồ có thể nâng cao chỉ số hạnh phúc của hai người mà trước kia anh không thèm để ý.
Nhưng mà, khi Nhiếp Chấn Hoành chỉ lục ra được mấy chiếc áo len ít ỏi từ tủ quần áo nhà Lâm Tri, anh không kìm được lòng mình mà hỏi bé con, quần áo ngày xưa em mặc đi đâu hết rồi?
Dù mẹ của Lâm Tri không còn, nhưng Nhiếp Chấn Hoành vẫn thường xuyên nghe Lâm Tri nhắc đến bà. Thi thoảng ăn món gì đó quen thuộc, đôi lúc nhìn thấy nơi mình từng đi qua trên TV, khi thì là vì nghe được từ ngữ thân quen trong ký ức. Bé con cũng không giấu giếm việc mẹ đã qua đời, mà ngược lại, cậu đang sử dụng một phương thức khác để không ngừng tưởng nhớ người mà mình thương yêu nhất.
Cũng chính vì thế, nên Nhiếp Chấn Hoành hiểu rất rõ bà Lâm thương con trai đến mức nào. Một người mẹ như thế, không thể để đứa con quý báu của mình chịu rét vào mùa Đông được.
Ngày xưa sống thiếu tinh tế quen, nên bình thường Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng để tâm đến chuyện ăn mặc của cậu nhóc lắm. Nhưng giờ ngẫm lại, hình như quần áo của bé con chỉ có mỗi mấy món mặc đi mặc lại thôi. Có lẽ trước kia ẻm dọn đến đây vội quá nên quên mất, hoặc cũng có thể là… ẻm không còn cơ hội mang đi nữa?
Chuyện này nhất định có liên quan đến một số ký ức không hay của Lâm Tri.
Trước đây Nhiếp Chấn Hoành chưa bao giờ chủ động hỏi cậu cả, vì anh sợ mình bất cẩn chạm vào hồi ức đau buồn của Lâm Tri. Nhưng giờ anh lại dám vứt bỏ nỗi băn khoăn ấy để hỏi thẳng thành lời, vì anh tin vào tình cảm của hai người, cũng tin rằng mình có thể điều chỉnh tốt cảm xúc và nỗi bất an của em người yêu.
Vì thế trước khi đi ngủ, Nhiếp Chấn Hoành lắng nghe cậu ngố nhà anh từ tốn kể lại một câu chuyện về bố cậu khiến anh giận sôi máu.
Năm đó, sau khi phát hiện chứng bệnh của con trai, Hứa Như mẹ Lâm Tri luôn phải chạy đôn chạy đáo để chữa bệnh cho con, đồng thời cũng không quên gánh việc trong ngoài của gia đình. Nhưng ông Lâm là chủ gia đình mà lại chẳng biết gánh vác trách nhiệm tẹo nào, ngược lại còn trách cứ bà Lâm không phát hiện ra triệu chứng khác thường của con từ sớm. Giờ loại bệnh tâm lý có đổ tiền vào cũng không thể chữa dứt điểm này chắc chắn sẽ theo Lâm Tri cả đời, quả thực khiến lão mất mặt vô cùng.
Vì gia đình, nên bà Lâm chấp nhận chịu đựng hết những lời quở trách, thậm chí là những trận đánh đập của đức ông chồng. Nhưng sau khi phát hiện lão ta bắt đầu trút giật lên con trai mình, thì tình mẫu tử khiến bà mạnh mẽ hẳn lên. Bà cầm báo cáo chứng nhận thương tích đi, quyết tâm ly hôn với gã đàn ông ấy.
Sau dạo đó, lão ta rời khỏi nhà, căn hộ thuộc về hai mẹ con. Vì hồi đó ông Lâm làm ăn lớn, tiền vào như nước, nên cũng chẳng để bụng đến căn hộ cũ kỹ ấy. Lão lập tức tìm được một cô người tình xinh đẹp, sau đấy đi thêm bước nữa, cũng sinh ra một đứa con thoạt trông chẳng có vấn đề gì.
Đấy đều là những chuyện thi thoảng Lâm Tri nghe mẹ kể vậy. Thật ra sau khi cha mẹ ly hôn, cậu không còn gặp lại gã đàn ông ấy nữa. Lúc mẹ qua đời, dì cậu giúp cậu xử lý hậu sự của mẹ. Cũng vì lo lắng cậu không thể tự sống một mình được, nên dì cậu mới tự tiện liên hệ với ông Lâm.
Trong suy nghĩ của dì Lâm Tri, đâu thì một giọt máu đào cũng hơn ao nước lã, gia đình có tệ mấy cũng chẳng thể tệ bằng ở với người xa lạ được. Dù sao Lâm Tri cũng là con trai ruột của gã đàn ông kia, giờ mẹ mất, ít nhất cha còn chăm lo cho cậu được. Nhưng dì Lâm Tri lại lờ đi việc liệu Lâm Tri có muốn cái sự “quan tâm săn sóc” ấy không.
Khi dì tìm tới ông Lâm, thì gã đàn ông ấy đang cầu bơ cầu bất vì đầu tư thất bại. Số tiền lão kiếm được nhờ làm ăn buôn bán mấy năm rày, và cả nhà cửa, đều đã bị tòa án niêm phong thế chấp, vì vậy lão tiện đường mang cả vợ con vào ở nhà của Lâm Tri.
Tu hú chiếm tổ, chẳng sai tẹo nào. Nhưng trong mắt bố Lâm Tri, lão lại cảm thấy ngày xưa lão chính là người mua căn hộ này, dù lúc ly hôn đã chia cho vợ cũ, nhưng đấy vẫn là tài sản có phần của lão, vậy nên lão vào ở cũng là hợp nhẽ.
Nỗi sợ hãi trước nhân vật người bố này hẵng còn vương lại trong kí ức của Lâm Tri. Vả lại cậu ăn nói vụng về không khôn khéo, vậy nên cậu chỉ có thể vận hết khả năng trốn trong căn phòng nhỏ, để toàn bộ không gian còn lại cho gia đình ba người kia.
Nhưng bà vợ hai của ông Lâm lại không phải là kẻ dễ đối phó. Mụ đàn bà ấy đã nghe ông Lâm kể về căn bệnh của Lâm Tri. Sau khi ở cùng nhà với Lâm Tri một thời gian, mụ lại càng hiểu thấu tính cách của cậu hơn. Có thể nói mụ đã thoải mái cải tạo lại căn nhà vốn tràn ngập dấu vết của Hứa Như thành dáng vẻ mà mụ mong muốn mà chẳng hề e dè, kiêng nể Lâm Tri tẹo nào. Thậm chí, mụ vừa dùng đồ đạc của Hứa Như, vừa chê gu của bà nghèo nàn lạc hậu.
Khi Lâm Tri nghe thấy mụ hạ thấp mẹ mình hết lần này đến lần khác, rốt cuộc cậu cũng không nhịn được nữa.
Cậu đẩy mụ ta ra, rồi kéo chiếc vali mà mình đã chuẩn bị sẵn sàng từ lâu ra khỏi phòng, một thân một mình chạy trốn khỏi căn nhà tràn ngập những màu sắc mà cậu căm ghét đó.
Phải đến khi mẹ đổ bệnh rồi, Lâm Tri mới biết mẹ còn một căn nhà nữa.
Mẹ bảo, đấy là căn nhà mẹ chuẩn bị để cậu kết hôn. Bà luôn giấu giếm từ bấy đến giờ, không ai biết, cũng chẳng ai tranh cướp được.
Hồi đó Lâm Tri còn không biết nhà để kết hôn là gì. Mẹ chỉ cười đưa chìa khóa cho cậu, nói với cậu rằng, nếu sau này hết tiền, cậu có thể bán căn nhà ấy đi, đổi thành tiền cất trong ngân hàng, muốn làm gì thì cứ làm.
Về sau, khi Lâm Tri chạy khỏi nhà mình, đầu óc cậu trống trơn, cậu chỉ có thể đi theo lời mẹ dặn trong ký ức, tìm thấy căn hộ nằm trong khu tập thể cũ của xưởng máy móc này.
Ở lầu hai, không cao, ngoài nhà có bao nhiêu là hoa đẹp rủ xuống từ tầng trên.
Tựa như sắc Xuân vậy.
Dù căn hộ này không tiện nghi như ngôi nhà trước kia, nhưng cũng đủ cho cậu sống. Hơn nữa Lâm Tri còn phát hiện, mẹ đã cất đầy tranh trong một căn phòng ở đấy. Bao nhiêu là tranh do cậu vẽ, mẹ cũng ở trong ấy.
Lâm Tri thỏa mãn nghĩ thầm, cậu lại có thể sống cùng mẹ rồi.
“Vậy là em để lại căn nhà đó cho gia đình lão ta ư?”
Nhiếp Chấn Hoành nghe hết câu chuyện, vừa đau lòng lại vừa giận dữ. Anh mong sao có thể lập tức chạy đến trước mặt tên đàn ông khốn nạn kia tẩn cho lão một trận nên thân. Nhưng cuối cùng, anh chỉ âm thầm siết chặt nắm đấm, sau đó dang đôi tay ôm chặt cậu nhóc bên cạnh mình, đặt một cái hôn nhẹ lên đỉnh đầu cậu.
“Vâng.” Lâm Tri cọ vào mặt người đàn ông, đáp lúng búng.
“Không được, đấy là căn nhà mẹ em để lại cho em mà! Sao lại để lũ ấy được hời?” Nhiếp Chấn Hoành không nuốt trôi nổi cục tức này, “Đi, ngày mai anh đây sẽ dẫn em đi thay khóa, đuổi lũ ấy đi!”
“Nhưng mà…”
Sau một khoảng im lặng, Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy ai kia kéo vạt áo mình. Anh cúi đầu, chạm vào đôi mắt trong trẻo sâu thẳm của cậu thanh niên.
“Nhưng mà nếu thay khóa rồi… thì em trai em sẽ ở đâu?
“Giờ em có chỗ ở rồi, có cả anh Hoành nữa. Nhưng em trai em còn bé, không bị bệnh, em muốn… em muốn em ấy được lớn lên yên lành.”
—
Nha Đậu:
Lão Nhiếp: Xoa tay hầm hè chuẩn bị đi đổi khóa.
Chít Chít: Em có anh Hoành rồi! (nhào tới đẩy ngã Lão Nhiếp)
Lão Nhiếp: Thôi, cục cưng nhà mình đáng yêu thế này, hai đứa mình cứ khóa nhau trước đã.