Khi không có mặt Maximilian Kohler - Tổng Giám đốc CERN, người ta còn gọi ông là Konig - Ông vua. Danh hiệu này khiến mọi người cảm thấy sợ hãi hơn là tôn kính đối với một người cai trị đầy quyền lực ngồi trên ngai vàng - chiếc xe lăn. Mặc dù ít người được tiếp xúc riêng với ông ta, nhưng câu chuyện khủng khiếp vì sao ông ta tàn tật thì ai ở CERN cũng biết, và một số ít người cằn nhằn về tính khí gay gắt của ông… chứ không phải niềm đam mê khoa học thuần tuý.
Dù mới tiếp xúc với Kohler, Langdon nhận ra ngay, giám đốc Kohler luôn tự mình giữ khoảng cách. Anh phải đi rất nhanh mới theo kịp chiếc xe lăn chạy bằng điện của Kohler khi họ im lặng tiến đến cửa chính. Chiếc xe lăn này không giống bất cứ chiếc nào mà Langdon từng nhìn thấy - nó được trang bị nhiều thiết bị điện tử gồm hệ thống điện thoại đa đường dây, hệ thống nhắn tin, màn hình máy tính, thậm chí cả máy quay camera nhỏ có thể tháo rời. Nó thực sự là trung tâm chỉ huy di động của vua Kohler.
Langdon bước qua cánh cửa dẫn vào sảnh chính rộng lớn của CERN.
Nhà thờ kính, Langdon đăm chiêu, ngước mắt nhìn lên trời.
Phía trên, mái nhà kính màu xanh nhạt lấp lánh dưới ánh mặt trời ánh lên những tia nắng, tạo ra các tia có dạng hình học trong không gian, mang lại cảm giác về một gian đại sảnh kỳ vĩ. Những vệt tối góc cạnh buông thõng tựa như những đường vân cắt ngang bức tường ốp gạch trắng, rồi phủ xuống nền nhà lát đá cẩm thạch. Không khí sạch sẽ, thoáng mùi thuốc khử trùng. Một nhóm các nhà khoa học đang vội vã đi tới đi lui, bước chân họ dội vào khoảng không.
- Lối này, ông Langdon! - Tiếng ông ta vang lên như một chiếc máy, giọng nói cứng nhắc, khô khan y như vẻ ngoài nghiêm nghị của ông ta. Kohler húng hắng ho và lau miệng bằng chiếc khăn mùi xoa trắng, trong khi đôi mắt xám cô hồn nhìn chằm chặp vào Langdon.
- Nào, hãy nhanh chân lên. - Chiếc xe lăn dường như muốn lao vút đi trên sàn nhà ốp đá.
Langdon cứ bước theo ông ta, đi qua những dãy hành lang tưởng như vô tận. Mỗi dãy hành lang đều rất sống dộng. Các nhà khoa học trông thấy Kohler đều tỏ vẻ ngạc nhiên, đưa mắt nhìn Langdon như muốn hỏi anh ta phải là người thế nào thì mới được ưu ái đến vậy.
- Tôi rất xấu hổ khi phải thú nhận rằng, - Langdon đánh bạo lên tiếng, cố gắng bắt chuyện. - Tôi chưa bao giờ nghe nói đến CERN cả.
- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, - Kohler đáp, câu trả lời gấp gáp của ông ta nghe có vẻ cay nghiệt - Đa số người Mỹ không xem châu Âu là cái nôi của những nghiên cứu khoa học. Họ chỉ coi chứng tôi là một khu vực buôn bán kỳ dị - một quan niệm kỳ quặc nếu ông nhìn lại quốc tịch của những người như Anhxtanh, Galieo hay Newton.
Langdon không biết phải trả lời ra sao. Anh lôi tờ fax từ trong túi áo ra.
- Người đàn ông trong tờ fax này, ông có thể…
Kohler vẫy tay ngắt lời anh:
- Thôi nào. Không phải ở đây. Tôi sẽ đưa ông đến chỗ ông ta ngay bây giờ. - Ông ta chìa tay ra - Có lẽ tôi nên lấy lại cái đó.
Langdon đưa cho ông ta tờ fax và im lặng bước theo.
Kohler đột ngột rẽ trái rồi đi vào một sảnh rộng treo đầy bằng khen và huy chương. Một tấm biển lớn chắn ngay lối vào.
Langdon chậm rãi đọc hàng chữ được khắc bằng đồng trên đó.
GIẢI THƯỞNG ARS ELECTRONICA
Vì những sáng tạo văn hoá trong thời kỳ kỹ thuật số
Trao cho Tim Berners Lee và CERN vì phát minh ra
MẠNG THÔNG TIN TOÀN CẦU
Ồ mình thật tệ, Langdon nghĩ thầm khi đọc những dòng chữ này. Ông ta không đùa tí nào. Anh cứ tưởng rằng người Mỹ phát minh ra Web. Và vốn kiến thức của anh cũng chỉ giới hạn ở mấy trang web tải cuốn sách của anh hay thỉnh thoảng anh lên mạng tìm tài liệu về Bảo tàng Louvre hay El Prado bằng cái máy Macintosh cổ lỗ sĩ của mình.
- Mạng toàn cầu, - Kohler vừa nói vừa ho và lau miệng - Ban đầu, đây là một mạng kết nối các máy tính nội bộ. Nó cho phép các nhà khoa học từ nhiều bộ phận khác nhau chia sẻ những phát kiến của họ hàng ngày. Đương nhiên, cả thế giới đều cho rằng Web là công nghệ của Hoa Kỳ.
Langdon vẫn bước dọc hành lang.
- Sao không công bố chuyện này một cách công khai?
Kohler nhún vai, rõ rành không bận tâm.
- Một sự hiểu nhầm vặt vãnh về một công nghệ chẳng có gì to tát. CERN vĩ đại hơn rất nhiều so với việc nối mạng máy tính toàn cầu. Các nhà khoa học của tôi ngày nào cũng tạo ra những phép màu.
Langdon nhìn Kohler vẻ dò hỏi. Những phép màu? - Từ phép màu chắc chắn không nằm trong vốn tử vựng của Harvard. Phép màu là để dành cho khoa thần học.
- Ông có vẻ hoài nghi? - Kohler nói - Tôi nghĩ ông là nhà nghiên cứu biểu tượng học tôn giáo. Chẳng lẽ ông không tin vào phép màu sao?
- Tôi không dám chắc về những phép màu. - Langdon nói - Nhất là những thứ diễn ra trong phòng thí nghiệm.
- Có lẽ dùng từ phép màu ở đây chưa đúng lắm. Tôi chỉ muốn nói bằng ngôn ngữ của đất nước các ông thôi.
- Ngôn ngữ của tôi? - Langdon đột nhiên cảm thấy không thoải mái.
- Tôi không muốn làm ông thất vọng, nhưng tôi nghiên cứu biểu tượng tôn giáo - Tôi là một học giả chứ không phải một linh mục.
Kohler đột ngột giảm tốc độ và quay lại, ánh mắt ông ta dịu đi đôi chút:
- Đương nhiên. Tôi cũng khá đơn giản. Người ta không cần chờ đến lúc bị ung thư rồi mới đem ra phân tích các triệu chứng.
Langdon chưa bao giờ thấy ai lập luận kiểu như vậy.
Khi họ đi dọc hành lang, Kohler gật đầu đồng tình:
- Chắc là tôi và ông sẽ hiểu nhau rất nhanh thôi, ông Langdon ạ.
Dù sao thì Langdon cũng nghi ngờ điều đó.
° ° °
Khi hai người rảo bước nhanh hơn, Langdon bắt đầu thấy như có tiếng gõ trên đầu. Âm thanh càng ngày càng vang dội theo mỗi bước đi, vọng cả vào tường. Dường như nó phát ra từ phía cuối hành lang trước mặt họ.
- Cái gì vậy? - Cuối cùng Langdon cũng lớn tiếng hỏi. Anh cảm thấy như họ sắp đi vào chỗ có núi lửa đang hoạt động.
- Ông rơi tự do, - Kohler đáp, giọng nói ồm ồm của ông ta phá tan bầu không khí tẻ nhạt và ông không đưa ra thêm lời giải thích nào.
Langdon ngừng hỏi. Anh quá mệt mỏi, còn Maximilian Kohler thì dường như không muốn thể hiện lòng hiếu khách.
Langdon nhắc mình nhớ lại tại sao anh có mặt ở đây. Illuminati.
Anh chắc rằng ở đâu đó trong cái phòng thí nghiệm khổng lồ này có một xác chết… xác chết được đóng dấu biểu tượng mà anh phải bay gần 5.000 km tới để xem.
Khi họ đến cuối hành lang, tiếng động trở nên lo đến nỗi điếc cả tai, làm đế giày Langdon rung lên bần bật. Họ rẽ vào một lối ngoặt và nhìn thấy phòng trưng bày bên phải. Bốn cánh cửa dày gắn trên một bức tường cong, giống cửa sổ tàu ngầm. Langdon dừng lại và nhìn qua một trong những cái lỗ.
Giáo sư Langdon đã từng trông thấy nhiều thứ kỳ quặc trong đời nhưng đây là thứ kỳ lạ nhất. Anh chớp mắt mấy lần, băn khoăn không hiểu mình có bị ảo giác hay không. Anh nhìn chằm chằm vào căn phòng hình tròn khổng lồ. Bên trong là những người đang trôi bồng bềnh như không trọng lượng. Ba người tất cả. Một trong số họ vẫy chào và làm động tác nhào lộn trên không.
Chúa ơi, anh nghĩ. Mình đang ở vùng đất kỳ lạ của Oz.
Sàn nhà là một mạng lưới hỗn độn, giống như lưới chuồng gà. Những gì nhìn thấy được ở phía dưới chiếc lưới là ánh sáng kim loại lờ mờ của một cánh quạt lớn.
- Ông rơi tự do, - Kohler nói và dừng lại đợi anh. Trò chơi lộn nhào trên không trong nhà để xả stress. Đây là đường hầm quay theo chiều dọc.
Langdon nhìn với vẻ kinh ngạc. Một trong số những người lộn nhào là một phụ nữ béo phì đang tiến dần về phía cứa sổ. Bà ta đang bị dòng không khí đẩy đi nhưng vẫn cười tươi và giơ cao ngón tay cái với Langdon báo hiệu mọi việc tốt đẹp. Langdon mỉm cười yếu ớt, cũng đáp trả lại bằng cứ chỉ đó và băn khoăn không biết bà ta có biết rằng đấy là biểu tượng phồn thực cổ xưa, biểu trưng cho sức mạnh tình dục của đàn ông hay không.
Langdon nhận ra rằng bà béo đó là người duy nhất mang trên người một thứ trông giống như chiếc dù nhỏ xíu. Miếng vải quấn quanh người khiến bà ta trông chẳng khác gì một món đồ chơi.
- Cái dù bé của bà ta để làm gì vậy? - Langdon hỏi Kohler. - Nó có đường kính chưa đến 1 mét.
- Để ma sát, - Kohler nói - Làm giảm khí động lực học của bà ta, như thế cánh quạt ở dưới mới nhấc bà ta lên nổi. - Ông tiếp tục di chuyển dọc theo hành lang. - Mỗi mét vuông lực cản sẽ làm giảm trọng lượng rơi của cơ thể di gần 20%.
Langdon gật đầu lơ đễnh.
Anh không thể ngờ rằng vào đêm nay, ở một đất nước cách xa nơi đây hàng ngàn cây số, thông tin này sẽ cứu sống anh.