Hồng y Mortati toát mồ hôi hột trong chiếc áo tế thụng màu đen. Không phải chỉ vì nhà nguyện Sistine nóng như trong lò hơi, mà còn vì Mật nghị Hồng y sẽ khai mạc trong vòng 20 phút nữa, thế mà bốn vị Hồng y vẫn bặt vô âm tín. Sự vắng mặt của họ đã khiến cho những lời xì xào e ngại ban đầu của các Hồng y khác chuyển thành nỗi lo lắng thực sự.
Hồng y Mortati không thể tưởng tượng những vị vắng mặt này có thể ở đâu. Chẳng lẽ họ đang ở chỗ Giáo chủ Thị thần? Dĩ nhiên là theo truyền thống, Giáo chủ Thị thần thể nào cũng dùng trà riêng với bốn vị được lựa chọn vào đầu giờ chiều, nhưng việc đó phải từ cách đây mấy tiếng rồi. Họ ốm chăng? Hay họ ăn phải cái gì? Hồng y Mortati nghi ngờ chuyện đó. Dù có bị cái chết cận kề thì những người được chọn lựa vẫn có mặt ở đây. Chỉ một lần trong đời, thường là không bao giờ, một vị Hồng y có cơ hội được bầu chọn làm Giáo hoàng. Theo luật Vatican thì vị Hồng y đó phải ở bên trong nhà nguyện Sistine khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Nếu không thì vị đó sẽ không thể được bầu chọn.
Mặc dù có đến bốn người được chọn lựa nhưng rất nhiều thành viên của Hồng y đoàn đã biết trước ai sẽ là Giáo hoàng tương lai. Trong vòng 15 ngày qua đã có cả một cơn bão những cuộc điện thoại và bản fax thảo luận về những ứng cử viên tiềm năng. Theo thông lệ, người ta sẽ chọn lựa bốn cái tên, mỗi người trong số này đều đáp ứng được những điều kiện tiên quyết bất thành văn để trở thành Giáo hoàng.
"Phải nói được tiếng Ý, Tây Ban Nha và Anh.
Không dính líu đến vụ tai tiếng nào.
Tuổi từ 65 đến 80".
Thông thường, một trong số những người được lựa chọn nổi bật hơn cả sẽ là người được Hồng y đoàn bầu chọn. Đêm nay, người đó là Hồng y Aldo Baggia đến từ Milan. Hồ sơ trong sạch của Hồng y Baggia, cùng với khả năng ngôn ngữ vô song và tài giao tiếp tuyệt vời với các con chiên đã làm vị Hồng y này trở thành ứng viên nổi bật nhất.
Vậy thì ông ta ở chỗ quỷ quái nào nhỉ? Hồng y Mortati băn khoăn.
Hồng y Mortati cực kỳ lo lắng về sự kiện các Hồng y mất tích, vì đức cha chính là người điều hành Mật nghị Hồng y. Một tuần trước đây, Hồng y đoàn đã nhất trí bầu Hồng y Mortati vào cương vị Đại Cử Tri - người dẫn dắt các nghi lễ của Mật nghị Hồng y. Dù là người có quyền lực trong giáo hội, nhưng Giáo chủ Thị thần chỉ là một linh mục, và còn chưa quen với các thủ tục bầu chọn phức tạp, vì vậy người ta phải bầu ra một vị Hồng y để chủ trì các nghi lễ bên trong nhà nguyện Sistine.
Các vị Hồng y vẫn thường nói đùa rằng được bổ nhiệm làm Đại cử tri là vinh dự "khó khăn" nhất trong giáo hội Cơ đốc.
Người ta thường cử một người không đủ điều kiện trở thành ứng viên cho ngôi vị Giáo hoàng, và trước khi Mật nghị Hồng y khai mạc, người được bổ nhiệm phải dành nhiều ngày để nghiên cứu từng trang trong cuốn Universi Dominici Gregis 1 để xem xét thật tỉ mỉ các nghi thức bí mật nhằm đảm bảo rằng cuộc bầu cử của Mật nghị Hồng y sẽ diễn ra theo đúng luật thánh.
Dù vậy, Hồng y Mortati không hề cảm thấy bực bội. Ngài biết trước rằng mọi người sẽ bầu mình. Không chỉ là vị Hồng y cấp cao, ngài còn là người thân tín của cố Giáo hoàng, và điều đó khiến ngài được mọi người quý trọng. Xét theo luật thì Hồng y Mortati vẫn nằm trong khung độ tuổi được bầu chọn, nhưng ngài đã quá lớn tuổi. Ở tuổi 79, ngài đã vượt qua giới hạn bất thành văn về tuổi tác. Hồng y đoàn cho rằng cha không còn đủ sức khỏe để đảm nhiệm những trọng trách nặng nề của ngôi vị Giáo hoàng. Giáo hoàng thường phải làm việc 14 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần và sau khoảng 6,3 năm thì sẽ chết vì kiệt sức.
Trong giáo hội, mọi người vẫn thường nói tếu rằng đảm nhận ngôi vị Giáo hoàng là "con đường nhanh nhất để đi tới Thiên đàng" của các vị Hồng y Giáo chủ.
Nhiều người tin rằng Hồng y Mortati đã có thể trở thành Giáo hoàng từ thời còn trẻ nếu ngài không quá khoáng đạt. Đến khi đức cha muốn theo đuổi ngôi vị Giáo hoàng thì chỉ còn Chúa ba ngôi 2: Bảo thủ. Bảo thủ. Bảo thủ.
Hồng y Mortati để ý thấy một chi tiết hơi buồn cười: cố Giáo hoàng, cầu cho linh hồn của Người được an nghỉ bên Chúa, đã bộc lộ một suy nghĩ rất tự do khi lên nắm quyền. Có lẽ Người đã cảm nhận được sự lạc hậu của nhà thờ so với cuộc sống hiện đại, nên tỏ ra nhân nhượng và giảm bớt vai trò của nhà thờ đối với giới khoa học, thậm chí Người còn tài trợ cho một số công trình nghiên cứu tiêu biểu. Thật đáng buồn, đó lại là một thất bại về chính trị. Phe bảo thủ trong giáo hội cho rằng Giáo hoàng đã trở nên "lú lẫn" còn những nhà khoa học thuần tuý lại buộc tội Người là rắp tâm mở rộng ảnh hưởng của nhà thờ vào một địa hạt vốn không thuộc về tôn giáo.
- Vậy họ đâu rồi?
Hồng y Mortati quay lại.
Một vị Hồng y đang lo lắng vỗ vai đức cha.
- Ngài biết họ ở đâu đúng không?
Hồng y Mortati cố tỏ ra không lo lắng:
- Có lẽ vẫn đang dùng trà với Giáo chủ Thị thần.
- Vào giờ này ư? Thật không đúng phép tắc chút nào! - Vị Hồng y nhíu mày vẻ không tin. Chẳng lẽ Giáo chủ Thị thần quên cả thời gian hay sao?
Đức cha Mortati cũng nghi ngờ điều đó, nhưng không nói gì.
Đức cha biết rằng đa số các vị Hồng y không quý mến Giáo chủ Thị thần, họ cho rằng vị thầy tu này còn quá trẻ so với niềm vinh dự được trực tiếp phục vụ Giáo hoàng. Đức cha cho rằng thái độ thiếu thiện cảm đó chẳng qua chỉ là thói đố kỵ, ngài khâm phục vị thầy tu trẻ này, và vẫn ngấm ngầm đồng tình với sự lựa chọn của cố Giáo hoàng. Khi nhìn sâu vào mắt viên thị thần trẻ tuổi, Mortati chỉ thấy một niềm tin vững chắc. Không giống như các vị Hồng y khác, viên thị thần này đặt giáo hội và đức tin lên trên những động cơ chính trị nhỏ nhen. Con người trẻ trung này mới thực sự là người của Chúa.
Trong suốt thời gian phục vụ Giáo hoàng, viên thị thần này đã tỏ ra tận tuỵ đến mức trở thành huyền thoại. Nhiều người cho rằng sự tận tuỵ ấy là do một sự kiện màu nhiệm xảy đến với Giáo chủ Thị thần từ thuở còn bé… một sự kiện như thế chắc chắn sẽ để lại dấu ấn không phai mờ trong tim bất cứ ai. Thần diệu và màu nhiệm.
Hồng y Mortati đôi khi vẫn thầm ước được trải qua một sự kiện như thế trong thời thơ ấu của mình, để ngài cũng có được đức tin mạnh mẽ như chàng trai trẻ này.
Thật không may cho giáo hội, Giáo chủ Thị thần sẽ không bao giờ thăng tiến được đến ngôi vị Giáo hoàng. Để trở thành Giáo hoàng thì phải có tham vọng chính trị, mà đó chính là thứ Giáo chủ Thị thần không hề có. Viên thị thần trẻ tuổi này đã nhiều lần khước từ những vị trí cao trong giáo hội, và nói với Giáo hoàng rằng chỉ muốn phụng sự nhà thờ như một người bình thường.
- Giờ phải làm thế nào? - vị Hồng y ban nãy lại vỗ vai đức cha Mortati, vẻ chờ đợi.
Đức cha ngẩng mặt lên:
- Ngài nói gì?
- Họ đến muộn! Chúng ta phải làm gì bây giờ?
- Chúng ta còn có thể làm được gì? - Mortati đáp. - Phải đợi chờ. Phải có đức tin.
Có vẻ không hài lòng với câu trả lời của Hồng y Mortati, vị Hồng y đó rút lui vào bóng tối.
Hồng y Mortati đứng im một lúc, tay day nhẹ thái dương, cố giữ cho đầu óc được tỉnh táo. Thực ra thì mình nên làm gì nhỉ? Đức cha ngước lên, nhìn qua bàn thờ chúa, và ngắm bức hoạ nổi tiếng của Michelangelo "Ngày Phán xét cuối cùng". Bức tranh không thể làm dịu đi nỗi lo lắng trong lòng đức cha. Bức tranh khủng khiếp này cao khoảng 15,5 mét, mô tả cảnh Chúa Giê-su phân chia loài người thành hai loại: người tử tế và người tội lỗi, rồi chuẩn bị ném những người tội lỗi vào địa ngục. Ở đó có những xác chết bị lột da, thiêu cháy, một kẻ thù của Michelangelo đang ngồi trong địa ngục, đeo đôi tai lừa. Guy de Maupassant từng viết rằng bức hoạ này chẳng khác gì tranh cổ động cho trận đấu vật trong một lễ hội hoá trang, và tác giả của nó chỉ là một người công nhân bốc vác.
Hồng y Mortati đồng tình với nhận xét này.
--- ------ ------ ------ -------
1 Universi Dominici Gregis: Hiến pháp toà thánh.
2 Chúa ba ngôi: Sự hợp nhất của Cha. Con và Thánh thần trong đạo Cơ đốc.