Chưa bao giờ cả một biển người có thể im lặng đến nhường này.
Lần lượt, từng người một, họ quay mặt nhìn sang hướng khác, rồi tất cả đều cúi xuống, như thể đang trầm tư mặc tưởng. Những ánh đèn máy quay cũng vậy, lần lượt chiếu xuống mặt đất như thể muốn bày tỏ sự tôn kính trước màu đen của bóng đêm lúc này đã trở lại bao kín bầu trời. Dường như đã có một khoảnh khắc mà cả thế giới cùng nhất loạt cúi đầu.
Hồng y Mortati quỳ xuống cầu nguyện, và những vị Hồng y khác cũng làm theo ngài. Những người lính gác Thuỵ Sĩ buông chùng tay kiếm, đứng lặng im. Không ai nói lời nào. Không ai nhúc nhích. Ở khắp mọi nơi, mọi trái tim đều dâng đầy xúc cảm.
Cảm giác mất mát. Sự khiếp hãi. Sự kinh ngạc. Niềm tin mãnh liệt Một cảm giác vừa sợ sệt, vừa sùng kính đối với một sức mạnh phi thường và hoàn toàn mới mẻ vừa hiện điện trước mắt.
Vittoria Vetra đứng run rẩy bên những bậc thang bằng đá dẫn lên Đại thánh đường. Hai mắt cô nhắm nghiền. Trong dòng thác lũ, những cảm xúc mãnh liệt đang cuộn lên trong trái tim trẻ trung của cô gái, một âm thanh vang lên, nghe văng vẳng như tiếng chuông nhà thờ từ một nơi nào đó xa xăm. Ban sơ. Tàn khốc. Cô cố gạt âm thanh ấy ra khỏi trí não.
Nhưng nó vẫn cứ vang vọng mãi, để rồi cô gái lại phải cố đẩy nó ra bên ngoài tâm trí. Nỗi đau này là quá lớn. Vittoria cố ép não bộ tập trung vào những gì đang chiếm trọn sự chú ý của tất cả mọi người… sức mạnh kinh thiên, động địa của phản vật chất… cơn nguy khốn vừa chấm dứt của Vatican… Giáo chủ Thị thần… những hành động quả cảm… những phép nhiệm màu… sự xả thân. Thế nhưng âm thanh ấy vẫn cứ vang lên… vang lên chói lói… vang vọng giữa những xúc cảm trào dâng, với cảm giác cô đơn đến tê người.
Robert.
Anh đã đến tìm cô ở lâu đài St. Angelo.
Và đã cứu mạng cô.
Để rồi bị huỷ diệt bởi phát minh của chính cô.
Vừa cầu nguyện, Hồng y Mortati vừa băn khoăn không hiểu ngài có thể nghe được lời của Chúa giống như Giáo chủ Thị thần hay không. Phải chăng phải thật sự tin vào phép màu thì người ta mới thấy được sự linh ứng của nó? Dù vẫn giữ trọn trong lòng đức tin cổ sơ vào Chúa, Hồng y Mortati là con người của thời hiện đại. Ngài không bao giờ tin vào những phép màu nhiệm. Dĩ nhiên là trong tôn giáo của ngài, người ta vẫn nhắc đến sự nhiệm màu… những bàn tay rớm máu, sự phục sinh những: vết tay trên tấm vải liệm… tuy vậy, với lối suy nghĩ rất thực tế, ngài vẫn lý giải rằng đó chính là một phần của huyền thoại. Chúng chính là minh chứng cho điểm yếu nhất của con người - nỗi khát khao được tận mắt nhìn thấy bằng chứng. Bản thân phép màu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không đi kèm với những câu chuyện mà chúng ta đều muốn tin rằng chúng có thật.
Ấy thế mà…
Không lẽ mình hiện đại đến nỗi không tin nổi vào những gì vừa tận mặt chứng kiến? Đó có phải là một phép nhiệm màu hay không?
Đúng thế mà! Bằng cách thì thầm mấy lời vào tai Giáo chủ Thị thần, Chúa đã can thiệp đúng lúc, và bảo vệ được nhà thờ. Nhưng sao lại khó tin đến thế. Giả sử không có phép nhiệm màu này thì sẽ phải nghĩ thế nào về Chúa? Rằng Đấng Toàn Năng chẳng hề để tâm đến mọi sự hay sao? Rằng chính ngài cũng bất lực hay sao? Phép nhiệm màu là lời giải hợp lý duy nhất!
Trong tư thế quỳ, Hồng y Mortati cầu nguyện cho linh hồn của Giáo chủ Thị thần. Ngài cảm tạ người hầu cận trẻ tuổi của cố Giáo hoàng. Dù còn trẻ tuổi, con người ấy đã cho ngài thấy sự nhiệm màu của đức tin tuyệt đối.
Nhưng vẫn thật khó tin, suốt cả đời, Hồng y Mortati chưa bao giờ thấy đức tin của mình bị thử thách đến mức này…
Sự im lặng trên quảng trường St. Peter bắt đầu chuyển thành những tiếng xì xầm bàn tán. Rồi tiếng rì rầm chuyền thành tiếng lao xao, để rồi sau đó, nó biến thành tiếng rầm rầm đinh tai nhức óc Cả biển người bỗng chốc đồng thanh hô lớn:
- Nhìn kìa! Nhìn kìa!
Hồng y Mortati mở mắt, quay sang nhìn đám đông. Tất cả mọi người đều đang đưa tay chỉ về phía sau ngài, về phía mặt tiền của Đại thánh đường St. Peter. Ai nấy mặt mày tái xanh. Một số quỳ sụp xuống. Một số thì ngất lịm đi. Nhiều người khác bật lên những tiếng thổn thức không thể kìm nén nổi.
- Nhìn kìa! Nhìn kia kìa?
Hồng y Mortati quay lại, ngỡ ngàng, đưa mắt nhìn theo hướng tay họ đang chỉ. Đám đông đang chỉ tay lên tầng tháp cao nhất của Đại thánh đường, - nơi có những pho tượng khổng lồ mô phỏng chúa Giê-su và những tông đồ của Người.
Trên đó, trên cánh tay phải của chúa Giê-su, một người đang đang rộng hai tay đón chào cả thế giới… chính là Giáo chủ Thị thần Carlo Ventresca.