Thích Khách Vô Danh

Chương 48



Hôm sau. Đột nhiên tuyết rơi nhỏ lại. Nắng sớm nhàn nhạt.

Mạc Hi rửa mặt xong, xuống lầu gọi một chén cháo khoai lang, một cái bánh bao tể thái (tể thái là một loại cỏ, còn non có thể ăn được, dùng làm thuốc giải nhiệt, cầm máu), hai cái trứng trà ngũ vị hương (trứng luộc trong nước trà). Chỗ nổi bật ở quán trọ đã dán bố cáo: hôm nay bến đò đã mở cửa. Hi vọng các vị khách quan đừng bỏ lỡ thời gian.

Ăn xong điểm tâm cách thời gian đò khởi hành không lâu lắm. Liền đem theo bao vải nhỏ của nàng trả tiền rồi đi.

Hai mươi năm trước bến đò Phong Lăng cũng không giống như hiện tại chỉ là một bến đò, mà còn là nơi giao lưu buôn bán của thành trấn. Mạc Hi chầm chậm bước đi trong thành cổ hoang sơ. Từ bố cục trước cửa hàng sau phố phường và kiến trúc trên các cửa tiệm mà xem, nơi này trước đây nhất định vô cùng phồn hoa. Tuyết trắng phủ ngói, trên những căn lầu hoang đầy tuyết ngẫu nhiên lộ ra một góc sơn đỏ loang lổ, càng hiện rõ sự tĩnh mịch thê lương.

Đi qua một cây cầu đá có đề hai chữ "Điệp trướng" (núi non trùng điệp), tiếp tục đi một nén hương nữa là một cây cầu hình vòm có đề hai chữ "Chẩm giang" (gối lên sông). Mạc Hi nhìn dãy núi phía sau, lại nhìn bậc thang xuống dưới ở đằng trước, một dãy cửa hàng nối tiếp con đê đá trên sông, tỉnh ngộ: chỉ bốn chữ này đã nói hết kết cấu của bến đò Phong Lăng.

Nàng còn chưa kịp tán thưởng cổ nhân sử dụng văn tự xuất thần nhập hóa, liền thấy trong tuyết trắng một bóng người mặc áo thu màu sẫm, không khỏi âm thầm thở dài một tiếng: âm hồn không tan.

Mạc Hi một đường đi tới vẫn chưa hiển lộ võ công, có lẽ hắn nghe thấy tiếng bước chân, quay đầu, chớp mắt một cái liền đến trước mặt nàng, chưa nói đã cười. Nụ cười kia trong nắng sớm nhàn nhạt, giữa băng tuyết, lại có cảm giác đất hoang nở hoa. Một lát sau mới nói: "Thật xin lỗi, ta thức quá sớm, không đành lòng quấy nhiễu giấc ngủ của cô, nên không gọi cô cùng đi." Giọng nói ôn hoà hiền hậu, giống như nói chuyện cùng bạn bè.

Mạc Hi trong lòng thầm mắng: vô nghĩa, ta có thể không nghe thấy động tĩnh cách vách sao... Cô nương ta không sợ ngươi đi xa, chỉ sợ ngươi đi không đủ xa. Trên mặt lại bất động thanh sắc nói: "Là ta thức trễ." Trong lòng lại tiếp một câu: đáng tiếc còn chưa đủ trễ.

Soái ca ‘tự nhiên’ nghe nàng trả lời như thế, ngược lại ngẩn người, nhưng chốc lát liền khôi phục nụ cười, hỏi: "Cô nương có phải lần đầu tiên đến đây qua sông hay không?"

"Đúng thế."

Sau đó hắn lại lít rít líu ríu nói một vài thứ không có dinh dưỡng (những câu chuyện nhạt nhẽo, không quan trọng), Mạc Hi chỉ cảm thấy đi cùng người này giống như đặt mình trong đàn quạ đen. Kỳ thật hắn nói về phong cảnh, nhân tình một số nơi rất là thú vị, chỉ là lộn xộn chút. Hơn nữa trong lời nói nghe ra là một người đọc rộng nhớ lâu, đi lại nhiều nơi. Chỉ là Mạc Hi hành tẩu giang hồ một thân một mình đã quen, liền có chút không kiên nhẫn.

Một đường kiềm nén xúc động muốn trực tiếp đánh bay hắn. Thật vất vả qua khỏi gác chuông, sắp đến bến đò.

"Nơi này được gọi là 'Quá Nhai tháp'. Tháp chính là phật, rất nhiều người vội qua đò không kịp đi lễ Phật nơi đây, liền xây dựng tháp này thành dạng rỗng, mọi người đi qua dưới tháp, liền tính đã lễ Phật, có thể phù hộ bình an. Trong tháp vốn có treo một thanh kiếm, đó là một trong thập đại danh kiếm Thừa Ảnh."

Mạc Hi nghe đến đây, hai mắt sáng ngời, cảm thấy hứng thú hỏi: "Vậy sau đó thế nào, thanh kiếm này vì sao lại đổi chỗ?"

Soái ca ‘tự nhiên’ thấy nàng hứng thú, đương nhiên càng ra sức nói: "Sau khi bến đò Phong Lăng xây xong, trăm năm nay bởi vì có đông khách qua đường, dần dần trở thành nơi hết sức phồn hoa. Những mảnh đất hai bên đê đá, lại càng tấc đất tấc vàng, cũng thành nơi tụ tập buôn bán khi đó. Quán trọ, tiệm trà, cửa hàng, lần lượt mọc lên, nằm dọc theo thềm đá. Tất cả hàng hóa của những thôn trang gần đây đều đem đến buôn bán, sầm uất có thể tưởng tượng được. Người giàu trong vùng này, tự nhiên sẽ cảm thấy đây là một khối đất phong thuỷ quý hiếm, liền nói là có rồng nằm. Nhưng sau đó mọi người lại sợ rồng trong vùng theo dòng sông mà chạy đi, vì thế ngay tại bến đò Phong Lăng tạo nên tháp này, trấn long thân. Lại treo Thừa Ảnh kiếm có thể trấn yêu trừ tà trong tháp, để uy nhiếp du long."

"Rồng là linh vật, vì sao lại dùng Thừa Ảnh có thể trấn yêu tránh tà chứ?"

"Rồng tuy là linh thú, nhưng vẫn không thay đổi được khí thế hung ác, Thừa Ảnh xưa nay được xưng là tao nhã chi kiếm, có thể hóa lệ khí (khí thế hung ác) thành tường hòa (tốt lành hài hòa)."

"Là ai đem Thừa Ảnh để vào trong tháp?"

"Là chủ nhân ngày xưa của nó, người được mệnh danh thiên tài võ học tức tiền nhiệm chưởng môn Hà Quần Thanh của Thục Sơn phái. Ngày xưa Hà Quần Thanh vì cuộc sống của bá tánh thiên hạ, chủ động dâng ra bội kiếm tùy thân cùng ông ấy gắn bó làm bạn nhiều năm."

Mạc Hi biết rõ hắn nói một nửa lưu một nửa là cố ý , lại cũng không thể không hỏi: "Vậy vì sao sau này lại lấy đi?"

"Sau đó chưởng môn Thục Sơn là Lâm Tích bỏ phái Thục Sơn, Thục Sơn như rắn mất đầu, lòng người dao động, vì chỉnh nhân tâm, chấn uy danh, Thừa Ảnh liền được Hà Quần Thanh thu hồi, truyền cho đương nhiệm chưởng môn Cù Diệu."

Mạc Hi nghe đến đây không khỏi âm thầm tự nhủ, đã là vật truyền thừa cho người đủ tư cách làm chưởng môn, Cù Diệu há lại dễ dàng đồng ý giao kiếm. Việc này còn cần suy tính kỹ hơn.

Hai người một đường trò chuyện với nhau đến bến đò.

Đợi không đến nửa canh giờ, đò liền rời bến. Cảnh sắc hai bên bờ sông thật là hùng vĩ, xa xa những ngọn núi cao hiểm trở như xuyên thẳng đến trời cao nằm cạnh dòng sông chảy thẳng rồi đột ngột đổi hướng. Bên bờ cành quỳnh cây ngọc trong suốt lóng lánh, sương đọng trên lá cây lấp lánh ánh bạc.

Vì nước sông chảy xiết, vả lại còn có băng trôi, nên thân thuyền tạo thành từ gỗ thô (gỗ nguyên cây, chỉ đục đẽo phần giữa để có chỗ ngồi) bền chắc, mặc dù so ra kém thuyền viễn dương của thời hiện đại, nhưng ở thời này cũng coi như cực lớn. Mạc Hi đứng trên sàn thuyền nhìn phong cảnh đủ rồi, không muốn đứng trong gió lạnh gào thét nữa, liền vào trong khoang thuyền. Soái ca ‘tự nhiên’ cũng đi theo vào.

Bên trong lại có một ông lão tóc trắng xoá đang kể cho mọi người nghe về truyền thuyết bến đò Phong Lăng:

"Nghề chèo đò này đò là từ đời tổ tiên của lão truyền xuống, nay ta lại truyền cho con ta. Thứ khác lão không biết, nhưng truyền thuyết về bến đò Phong Lăng này cũng có biết chút ít. Tương truyền bến đò Phong Lăng cũ có Huyết Lệ Thạch (đá máu và nước mắt) của đệ nhất tể tướng Sở Thương bổn triều. Sở Thương vốn là đại Tư Mã (hai chữ Tư Mã từ đời nhà Chu được dùng để gọi một chức quan võ coi tất cả các việc binh trong nước, tức là chức Binh bộ Thượng thư đời sau) của tiền triều Kinh, thê tử của hắn vì có dung mạo chim sa cá lặn, trong một lần cung đình có yến hội cho phép những mệnh phụ bên ngoài vào yết kiến, bị vị quốc quân đời thứ hai của tiền triều là Mộ Dung Chấp nhìn trúng, cường nạp làm phi. Nàng này tính tình cương liệt, thề chết không theo, Mộ Dung Chấp liền phái người đuổi giết Sở Thương, cho rằng nếu trượng phu nàng chết nàng sẽ thay đổi tâm ý. Sở Thương một đường đêm đi ngày trốn, cuối cùng tới sông Mân, bi phẫn rơi lệ nôn máu trên tảng đá lớn bên bờ bến đò Phong Lăng. Sau đó trải qua phong sương tuyết vũ, màu đỏ sẫm trên tảng đá này không phai. Sở Thương sau khi qua sông đã ra tây lĩnh quan, chạy trốn tới tiểu quốc Nghiệp (tên đất thời xưa, ở phía bắc An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) lân bang. Mấy năm sau, Sở Thương dẫn dắt Nghiệp binh phá tây lĩnh quan diệt tiền triều Kinh. Sở Thương còn quật mộ Mộ Dung Chấp, tiên thi (đánh xác chết bằng roi) ba trăm, báo mối hận đoạt vợ."

Mạc Hi âm thầm gật đầu, Nghiệp lúc trước chính là Nam triều ngày nay, quốc hiệu "Nam" là sau khi nhập quan mới sửa. Chỉ là Nghiệp vốn rất cằn cỗi, khí hậu lạnh khủng khiếp, nên sau khi nhập quan, đất cũ bị bỏ hoang. Dần dà mảnh đất này liền bị dân tộc du mục địa phương chiếm cứ thống trị. Thì ra hoàng đế tiền triều Kinh bị tiên thi là chuyện như vậy. Không cần phải nói, vị Sở phu nhân khuynh quốc khuynh thành này lại bị mang danh hồng nhan họa thủy trên lưng. Trước giờ nếu hoàng đế làm chuyện gì ngu xuẩn hoặc không có đức hạnh, từ sử quan, cho tới dân chúng, đều thích đổ lên người nữ nhân, thật sự là gán tội cho người khác.

Soái ca ‘tự nhiên’ nghe xong liền nói tiếp: "Câu chuyện này còn chưa hết. Ngày đế đô Kinh triều đạt được thành, thái tử công tử Hiểu chạy khỏi kinh thành, lại từ Phong Lăng vượt qua sông Mân, ra tây lĩnh quan, kỳ thật khi đó còn gọi tần quan, chạy đến biên cảnh Nghiệp, ẩn náu. Hậu nhân có thơ :

Quần sơn vạn hác hợp thành vi, trường kiếm đông lai nguyện dĩ vi.

Khu mã quan môn bi cố quốc, hồi đầu chiến lũy cách tà huy.

Dĩ khán giang thượng thiên phàm quá, mạc nhạ lô trung nhất diệp phi.

Diệc hữu kê minh phương đắc độ, Tần Quan tuy hiểm cánh năng xuất.

Bài thơ này nói về quá trình hắn ngàn dặm đào thoát. "Mạc nhạ lô trung nhất diệp phi" là chỉ công tử Hiểu qua sông Mẫn. "Kê minh phương đắc độ" là nói hắn vốn bị đất Nghiệp phá thành bắt làm tù binh, thái tử phi của hắn vì để hắn thuận lợi thoát đi, tự nguyện hiến thân cho Nghiệp tướng lãnh binh ngày đó, người đất Nghiệp đó liền lén thả công tử Hiểu. Công tử Hiểu trốn tới tần quan, dựa vào một mưu sĩ giả gà gáy lừa binh sĩ thủ quan mở cửa thành trước, mới có thể thuận lợi thoát khỏi truy binh xuất quan."

Mạc Hi nghe xong không khỏi có cảm giác thổn thức vô hạn, cho dù vạn dặm giang sơn này đều là nam nhi đời đời tương truyền, giang sơn thay đổi lại không thể thiếu hồng nhan dùng máu lệ thân thể đúc thành. Thầm nghĩ: Soái ca ‘tự nhiên’ om sòm thì có om sòm chút, nhưng trong bụng trữ hàng thật không ít. Ngẫu nhiên khoe chữ cũng có chút tác dụng.

Chú thích:

Cháo khoai lang

cháo khoai lang

Bánh bao tể thái

bánh bao tể thái

SONY DSC

Trứng trà ngũ vị hương

trứng trà

Tháp dạng rỗng là thế này đây:

quá nhai tháp

quá nhai

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv