Phó Quân Thanh gật đầu thật nhẹ, dời tầm mắt rồi lẳng lặng đi xuống bàn của mình, cả lớp lại yên ắng, không ai lên tiếng vì quá bất ngờ.
Triệu Thiên Kiệt lên lớp đã đủ sốc, ngay cả nam thần lạnh băng Phó Quân Thanh cũng chịu xuất hiện, hôm nay cá biệt đều cải tà quy chính à?
Giản Chiêu đi đến bên bàn giáo viên, gõ tay xuống thùng giấy, sau đó chậm rì rì mở ra. Học sinh phía dưới căng mắt nhìn theo, thấy y lấy ra một cái khung hình mô phỏng sân khấu nhỏ làm bằng bìa cát-tông đặt lên bàn, rồi lôi tiếp những thứ đồ lộn xộn nhìn như những con rối. Y thuần thục cầm lấy thanh gỗ cột sợi dây nối với tay chân rối gỗ để điều khiển chúng, đôi mắt hấp háy nhìn xuống dưới, hỏi:
"Các học sinh thân mến, đã có ai trong số những người ngồi ở dưới từng được xem múa rối kể truyện chưa?"
Vài tiếng trả lời vang lên, toàn bộ sự chú ý được dồn đến bên này. Trò múa rối này đã không còn phổ biến từ nhiều năm về trước, lũ trẻ có thể đã từng được nghe kể nhưng chưa được tận mắt nhìn thấy. Huống hồ lũ học sinh nhà giàu này từ nhỏ vốn chỉ cắm mặt vào thiết bị điện tử, nào biết đến thú vui của những đứa trẻ nghèo ở nông thôn. Huống hồ bây giờ trò này chỉ còn được chú ý ở nhiều quốc gia khác, ở nước này những rạp múa rối đã sớm dẹp qua một bên cho những nhà hát rạp phim quy mô hoành tráng hơn. Vì thế Giản Chiêu rất hài lòng khi thấy những thiếu niên bên dưới đang quan tâm đến việc làm của mình. Y kéo cái màn đỏ tượng trưng cho rèm sân khấu ở bìa cát-tông ra hai bên, để lộ khung cảnh được trang trí một cách màu mè để làm lòe mắt lũ con nít. Thả những con rối lỏng lẻo xuống, bàn tay Giản Chiêu linh hoạt điều khiển cho chúng vung tay đá chân gỗ, giọng đều đều trầm ấm kể ra một câu chuyện do tự mình chế ra dựa theo hàng trăm câu chuyện cổ khác.
Phía dưới có tiếng cười trào phúng, một giọng nói huênh hoang phát ra:
"Ông thầy này định dùng trò con nít với câu chuyện cổ tích cũ rích và đồ dụng cụ mạt hạng làm tụi này hứng thú sao?"
Có vài tiếng hùa theo, nhưng rất nhanh đã im bặt. Giản Chiêu tắt đèn, bật đèn pin điện thoại và dựng đứng nó vào tường, ánh sáng từ điện thoại làm cho sân khấu nhỏ trở thành điểm sáng duy nhất. Dường như y chẳng nghe thấy âm thanh hỗn tạp nào nữa, chỉ có chất giọng trầm ấm khàn khàn nhấn nhá từng chỗ cao trào từ bản thân phát ra, chìm đắm trong thế giới rối gỗ do tay mình dựng lên, bàn tay thuần thục điều khiển rối làm chúng trở nên sống động, câu chuyện về hoàng tử cứu công chúa xem chừng nhàm chán và trẻ con lại được y biên kịch trở nên gay cấn, múa rối càng linh hoạt. Lũ học trò dường như cũng bị cuốn theo, hô hấp đều lên xuống theo tình tiết truyện, ngay cả tên đầu gấu phá phách nhất cũng chăm chú dõi theo.
"Kiếm sĩ rút một thanh kiếm gỗ đeo bên hông, nhìn đến con rồng khổng lồ dữ dằn trước mặt, anh ta đang do dự xem có nên liều cái mạng quèn của anh để cứu công chúa đang bị quỷ giữ nhốt trong tòa tháp không... Ồ, khoan đã, nãy giờ đã qua nửa tiết học rồi."
Giản Chiêu buông con rối xuống, xếp gọn sân khấu cát-tông vào trong thùng. Lũ học sinh lập tức la ó phản đối, vài người còn đứng hẳn dậy thi nhau đặt câu hỏi:
"Cuối cùng kiếm sĩ có cứu được công chúa không thầy?"
"Em không chịu, thầy đã bắt đầu trước thì thầy phải có trách nhiệm kể hết câu chuyện cho bọn em!"
"Kể xong rồi học cũng được mà thầy!"
"Thầy ơi, sau đó thế nào..."
"Thầy ơi, thầy Giản..."
Giản Chiêu mỉm cười, đóng thùng lớn lại, bắt đầu dùng phấn ghi tựa đề bài học trên lớp, mặc kệ tiếng la hét ồn ào bên dưới. Trong lòng thầm nghĩ dù có côn đồ đến đâu, kiêu căng ngạo mạn đến đâu, ra vẻ thế nào cũng chỉ là những thiếu niên chưa trưởng thành, tâm hồn vẫn còn bị truyện cổ tích dụ dỗ làm mê mẩn. Triệu Thiên Kiệt ngồi dưới hậm hực:
"Lại muốn bày ra cái trò gì..."
"Thầy Giản, em có ý kiến!" Ôn Dĩ Hoài ôn hòa giơ tay, chờ có sự cho phép của Giản Chiêu mới nói "Em biết chuyện học hành cũng rất quan trọng, thầy không thể bỏ cả tiết để kể chuyện và múa rối cho chúng em nghe. Nhưng chúng em thật sự bị cuốn hút vào câu chuyện của thầy. Hay là nếu hôm nay chúng em chăm chỉ nghe giảng và làm bài, kết thúc bài học sớm hơn thì thầy dành thời gian còn lại tiếp tục múa rối cho chúng em nhé?"
Giản Chiêu dừng tay đang viết phấn, nhìn xuống dưới, hỏi:
"Ý kiến này cũng ổn, có em nào đồng ý không? Nếu không thích múa rối thì..."
"Có!!! Em có thích!!! Tuy em dốt môn Toán nhưng em sẽ cố làm hết bài mà!" Một học sinh gầm lên làm cờ tiên phong theo chủ ý của Ôn Dĩ Hoài vừa phát biểu, cả lớp lập tức ồn ào nhốn nháo theo, tiếng la hét vang đến mức cả lớp bên cạnh cũng giật mình. Khóe môi Giản Chiêu không nhịn được cong lên, nụ cười nhẹ nhàng như thể đã đạt được mục đích:
"Được rồi, vậy nếu hoàn thành xong đống bài tôi soạn ra hôm nay và học nghiêm túc, tôi sẽ tiếp tục câu chuyện về vị kiếm sĩ cho các em."1