*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Lâm Gia Thái Bảo
-
Năm 1928, trên con kinh dẫn vào làng Hưng Hội, quận Vĩnh Lợi, Bạc Liêu (nay nằm đâu đó gần thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) là những người nông dân chạy loạn, thất thểu bồng bế nhau. Những người này phần lớn từ Trà Vinh lánh sang. Thời buổi loạn lạc, dân cư phải di tản liên miên, chỉ có những người có ruộng đất hoặc của ăn của để thì còn có lý do để bám đất bám làng, tầng lớp bần cố nông thì chỉ có nước phải lang bạt như thế mà thôi.
Trời chiều tháng bảy mưa rả rít, âm u tịch mịch, loạn dân co cụm lại với nhau dưới các tán cây. Ngoài đồng trống, có một thằng bé rách rưới vẫn lang thang, băng qua những thửa ruộng lún sình, có vẻ nó định đi đến miếu ông Hổ ngoài rìa làng. Dân làng cũng chẳng ai màng quan tâm, những thằng nhóc mồ côi lang thang tứ xứ như thế đầy ra. Thằng nhỏ nom đói và lạnh lắm, vai cứ run lên sau từng trận gió, nó phải đi mãi mới thấy miếu ông Hổ hiện ra phía trước, thấp thoáng sau tán cây gừa cổ thụ.
Chuyện về cái miếu ông Hổ ở làng Hưng Hội này kể ra cũng khá ly kỳ. Tương truyền lúc Nguyễn Ánh chạy về phương nam, có lần đi ngang đây thì thấy một bức tượng hổ bằng đá, nằm trơ trọi, lúc này, quân Tây Sơn đã đuổi theo sát bên, tính mạng chúa tôi Nguyễn Ánh thập phần nguy hiểm, Ánh chỉ kịp đặt tay lên đầu tượng rồi ngửa cổ mà khấn rằng: “Nếu trời thương thân này thì cho ứng nghiệm được thoát tai ách, Ánh tôi thề sẽ có báo đáp!”
Vừa nói xong trời đất bỗng tối sầm lại, một trận cuồng phong nổi lên cùng kéo theo một tiếng gầm kinh thiên động địa, sấm nổ vang dậy một góc trời khiến ai cũng phải nhắm mắt bịt tai, khi họ mở mắt ra, quân Tây Sơn không hiểu vì lý do gì đều ngã lăn ra đất bất tỉnh, nhờ thế chúa tôi Nguyễn Ánh mới thoát thân được, bèn rút lên Thất Sơn, An Giang. Sau này khi phục quốc, Nguyễn Ánh nhớ đến ơn xưa, bèn cho người tìm lại tượng hổ năm nào, dựng nên một ngôi đền khang trang, hương khói rất vượng, thần Hổ linh ứng vô cùng. Vào giai đoạn Pháp thuộc, nghĩa quân thường giả trang làm người đến cúng bái, tổ chức họp bàn chiến lược tại đền, quân Pháp biết được bèn ra lệnh đập bỏ. Tuy nhiên, vừa sáng hôm sau, những tay lính Pháp tham gia đập đền đều chết thảm tại doanh trại, bụng như bị con gì xé ra, kinh khủng vô cùng. Tên đồn trưởng hoang mang cực độ, bèn sai người lập lại ngôi đền, nhưng quy mô không còn lớn như trước, cho nên chỉ gọi là cái miếu. Từ đó về sau, người ta bảo rằng ông Hổ đã bỏ đi, ngôi miếu không còn linh thiêng, cộng với loạn dân liên miên, khói hương dần lạnh lẽo, chẳng còn ai tu sửa nên từ ngoài nhìn vào trông như nơi thờ cô hồn vậy, âm u và thê lương.
Lại nói về thằng bé mồ côi, nó bước chân thấp chân cao, điệu bộ mệt lả, lầm lũi tiến vào ngôi miếu cổ. Trời lúc này đã nhá nhem tối, bên trong ánh sáng mờ mờ, không nhìn rõ được gì cả. Nó quá đói và mệt, bèn ngả lưng dựa vào tường, định ngủ một giấc cho qua cơn, lúc này khi đôi mắt nó đã quen dần với bóng đêm, thằng bé giật mình, thứ nó dựa vào không phải là vách tường mà là ba cái quan tài xếp chồng lên nhau. Nó vừa định kêu lên thì từ trên quan tài thò ra đầu một người đàn ông, chừng bốn mươi tuổi, khuôn mặt gầy gò khắc khổ như cô hồn dã quỷ khiến thằng bé suýt ngất. Bỗng cái bóng lên tiếng: “Cái thằng này, tao còn sống sờ sờ, mày là ai mà đi qua vùng này?”
Thằng bé thấy vậy mà gan dạ, có lẽ mồ côi từ lâu cộng với cuộc sống lăn lộn từ nhỏ khiến nó can đảm hơn, nó nói: “Tôi chạy loạn qua vùng này, cả nhà chết hết rồi.”
Ông kia mới lục tục bò ra khỏi quan tài, ông ta còn dẫn theo một thằng nhóc, cũng trạc tuổi thằng bé mồ côi kia, đoạn mới quay sang nói: “Này là thằng cháu tao, mày có ăn gì chưa? Nhìn mặt này chắc cũng nhịn đói vài ngày rồi hả?” Thằng bé chỉ im lặng gật đầu, ông kia mới bảo đợi một chút, rồi loay hoay nhóm lên một đống lửa nhỏ, lấy trong túi ra hai củ khoai đưa cho thằng nhóc, bảo nó nướng lên mà ăn. Nó chộp vội củ khoai, ăn sống luôn, sau đó vốc miếng nước lã bên hiên uống no bụng rồi lăn ra ngủ. Lúc ấy chỉ mới độ giờ Tuất.
Ngoài trời sấm nổ liên hồi, mưa giông nghe như tiếng ai đó kêu gào, khóc lóc hết sức thảm thiết, cây gừa cọ tán vào mái ngôi miếu chẳng khác gì tiếng hàng trăm bàn tay đang cào cấu, giống như đang cố sức kêu thằng bé mồ côi kia thức dậy. Ông lão và thằng bé đi cùng lặng lẽ nhìn lên trời rồi đóng chặt cửa miếu lại, cất lên những tràng cười “chít chít”, ánh chớp lóe lên soi sáng khuôn mặt hai ông cháu là hai cái đầu chuột lông lá. Thì ra cả hai người họ là loài chuột lang, sống lâu năm trong mồ mả, có được âm khí rồi lại ăn được dầu đèn, liếm chân nhang đền miếu, linh khí thu thập từ từ mà có hình người, mỗi ngày phải nằm trong quan tài mười hai tiếng để lưu giữ cốt khí chí âm. Hai con chuột tiến từ từ đến thằng bé mồ côi vẫn còn ngủ say, tên chuột tinh già kêu chít chít, nói với tên nhỏ: “Nhịn đói mấy ngày để tu luyện, vừa may có thằng nhỏ này cúng cho một mạng”, lão vừa nói vừa há cái mõm đầy những răng nhọn định ngoạm ngay cổ thằng bé vắn số. Chớp lại lóe lên lần nữa, trong tiếng sấm cũng vang lên tiếng nói nhẹ nhàng nhưng chắc nịch: “Tôm tép, ông nội ngươi đã định tha cho, còn không biết chạy mà lại định ăn thịt ta à?”
Một luồng sợ hãi chạy dọc người hai tên chuột tinh, cảm giác nguy hiểm cận kề khiến chúng phải nhảy lui về sau mấy bước, tên chuột già rít lên những tràng chói tai: “Thằng khốn, mày là ai? Mau xưng tên tuổi!”
Thằng nhóc nhẹ nhàng ngồi dậy, vươn vai, nhếch mép nói: “Bọn chuột nhắt các ngươi có vãng sanh thì nhớ tên ông nội mày là Trần Hải Long!” Hải Long chỉ mới tí tuổi đầu nhưng dáng đứng hết sức uy nghi lẫm liệt khiến lão chuột tinh run sợ một phép, toan bỏ chạy nhưng loáng một cái, Hải Long với thân thủ phi phàm đã chặn trước đầu lão. Bị dồn vào đường cùng, lão cố gắng tấn công, dùng móng vuốt cào xé tới tấp tuy nhiên chỉ như trò đùa với thằng nhóc vậy. Vừa thấy lão chuột tinh sơ hở, Hải Long vận khí, khắp tay nó hiện lên chi chít những kinh văn được xăm ẩn, chỉ một tay phải tung chưởng đánh gục lão yêu quái. Thấy tên chuột tinh tiểu tử đang run sợ, Hải Long chỉ đến bên cạnh nó, dùng tay ấn vào trán nó, chỗ ấn vào lóe lên ánh sáng màu lơ rồi lịm tắt, Hải Long nói: “Ta lang thang hai ngày nay, toàn đi qua vùng loạn lạc, đói không có đồ ăn, may mà chú cháu nhà ngươi giúp đỡ, ta chỉ đánh dằn mặt hai bọn mi, chớ nên tính chuyện hại người nữa, ấn Bồ Đề Tỏa ta để lại trên trán mi, hãy nương vào nó mà tinh tấn tu tập, tìm đến chùa chiền mà nghe giảng kinh Phật, đừng phí hoài công sức tu luyện bấy lâu, bằng không thì ta sẽ không tha mạng cho lần hai đâu!”
Tên chuột con quỳ lạy rối rít, cõng chú của mình chạy thẳng một mạch trong làn mưa giông. Hải Long thấy vậy cũng không quan tâm nữa, bèn lăn ra ngủ tiếp, vì sáng hôm sau nó còn phải đi đến làng Long Thạnh gần đó để xử lý một việc hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Ngày hôm sau, mặt trời chưa ló dạng, Hải Long đã lên đường. Củ khoai sống hôm qua và vốc nước lã đối với nó là quá đủ, sinh lực như hồi phục hoàn toàn. Đi một lèo, đến gần trưa nó mới tới được làng Long Thạnh, hỏi thăm nhà ông Năm Ớt.
Làng Long Thạnh ai cũng biết nhà ông ta, họ thường gọi là nhà ông Năm Kho Gạo. Xưa kia, tổ tiên Năm Ớt từ vùng Thất Sơn An Giang đến làng lập nghiệp, từ từ gây dựng cơ đồ, đến thời Năm Ớt thì đã là một vựa gạo khổng lồ, ghe đậu dưới bên tấp nập, cả ngày không ngớt tiếng kêu gọi nhau trên bến. Mọi chuyện tưởng chừng như hết sức thuận lợi, tuy nhiên dạo gần đây, công việc làm ăn hơi xuống dốc. Ban đầu Năm Ớt cũng chẳng buồn quan tâm nếu như vợ ông không bị tiếng kêu dựng dậy lúc nửa đêm, lần nào cũng là: “Sao mày ngồi lên đầu tao?”, đến nỗi vợ ông xanh xao, mất ngủ trầm trọng. Tình hình trở nên tệ hơn là khi cả nhà ông Năm, mỗi lần ngồi ghế đều cảm giác như phần lưng ghế là cơ thể của ai đó, đang cố vòng tay ôm lấy họ, nửa đêm thì từ trong mấy bồ gạo vang lên tiếng như bàn tay cào cấu, ao sau nhà cứ nửa đêm nghe tiếng có người phóng ì đùng, quẩy nước văng cả lên bờ, nhưng khi người làm kéo ra thì lại không thấy ai cả.
Một hôm, bà Hai đang soi gương chải đầu thì thấy trong gương có người đứng vuốt tóc mình, giật mình xem lại thì thấy tóc dính đầy bùn hôi thối. Người thường mê tín một thì với dân kinh doanh như ông Năm mê tín mười. Ông ta hầu như suy sụp tinh thần, trong một tháng mời mười chín ông thầy pháp thì cả thảy mười chín ông, ông nào cũng lắc đầu quầy quậy, bó tay trước cái vong bí ẩn đang ám cả nhà Năm Ớt. Hải Long nghe chuyện bèn đến, viện cớ là để thử sức, nhưng kỳ thực mục đích chính là vì nó muốn tìm một thứ. Khi nó đến nơi, người ở nhà ông Năm định đạp cho một phát vì tội bố láo, ai đời một thằng nhỏ như nó có thể trừ ma được. Hai tên người ở túm lấy áo nó định đẩy ra thì Hải Long xoay người, tung ra mấy cước làm hai tên nằm đo ván rồi nó đi hiên ngang vào sân nhà ông Năm. Cậu Hai Chính, con lớn của ông Năm thấy có động liền chạy ra, kéo thêm vài người làm nữa, vừa xuất hiện ở sân thì đã bị Hải Long chỉ tay vào mặt mắng rằng: “Gia đình này thật vô ơn, không biết trên dưới, hôm nay tôi đến đây muốn giúp các người diệt họa mà các người nỡ đối xử với tôi như thế à?”
Hai Chính chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả, thấy thằng nhóc vừa mới hạ hai tráng đinh nhà mình, miệng còn lên giọng chửi bới dĩ nhiên sôi máu, lao đến định dạy cho Hải Long một bài học. Ai ngờ thân thủ thằng bé quá nhanh nhẹn, thoắt cái đã leo lên vai cậu Hai, tay vỗ nhẹ vào trán rồi lầm rầm gì đó. Đột nhiên Hai Chính quỳ sụp xuống, khóc lóc liên hồi, không sao dừng lại được, làm ông Năm phải lật đật chạy từ trong nhà ra, thấy cậu Hai đang quỳ mọp dưới chân một thằng bé, nước mắt nước mũi dàn dụa thì hết sức bối rối. Hải Long thấy vậy chỉ tay vào ông Năm, nói: “Thằng con ông vô lễ, gặp cao nhân như ta mà dám mạo phạm, ta chỉ niệm chú nhẹ cho nó mê man, nhà ông còn ai coi thường ta thì ra một lượt để ta phạt luôn thể!”
Ông Năm lờ mờ hiểu ra chuyện, nghĩ bụng chắc thánh thần nhập vào thằng nhóc này, có câu bệnh thì vái tứ phương, bèn chạy đến chắp tay cung kính: “Lạy ông nhỏ, thằng con nhà tôi sự đời chưa tỏ tường, mạo phạm đến ông nhỏ, ông chớ nên chấp nhặt như vậy, hôm nay ông nhỏ ghé qua tệ xá có điều chi đấy ông?”
Hải Long dõng dạc nói: “Tôi thường đi đây đó trừ ma diệt quỷ, nghe đồn nhà ông có vong khó, tôi lặn lội từ xa tới đây để trừ hại thay gia đình, chỉ xin đổi lại một thứ trong nhà ông mà thôi!”
Năm Ớt nghe thấy vậy liền mừng quýnh lên, nhưng nhớ lại mười chín ông thầy pháp lủi thủi ra về lúc trước thì tâm trạng chùng xuống hẳn, bèn nói: “Không biết ông nhỏ tài phép ra sao, chứ cái vong này tôi thỉnh nhiều thầy về vẫn không trị được.”
Hải Long cười lớn, nói: “Loại thầy pháp tôm tép ấy không đáng để ta nhắc tới, ta cam kết với ông, trong một canh giờ là ta trục vong xong, đổi lại ông chỉ cần đưa ta một thứ trong nhà ông là được”. Năm Ớt nghĩ dù sao cũng chẳng mất gì bèn gật đầu cái rụp.
Hải Long thấy vậy liền giải thuật cho Hai Chính rồi quay sang nói Năm Ớt kêu tất cả mọi người trong nhà ra sân đứng hết, mỗi người ngậm một cây đũa ngang miệng, trán quét ít máu gà trống, tay cầm ba que nhang, trong lúc Hải Long vào nhà trục vong thì bên ngoài, họ phải vừa ngậm đũa, vừa niệm Phật thầm trong đầu, không được ngơi nghỉ cho đến khi nó trở ra, nếu không thì sẽ bị cái vong đó nhập vào.
Ông Năm nghe thằng nhỏ mới bảy tám tuổi cắt đặt mọi thứ chỉ biết há hốc mồm kinh ngạc, răm rắp nghe theo. Lúc nó vào nhà, ông Năm hỏi có cần gì không, nó lắc đầu, cười rồi giơ tay lên nói: “Cần cái này được rồi!”
Hải Long lững thững bước vào nhà, đang giữa trưa nhưng không khí trong này âm u đến đáng sợ, lạnh lẽo, nó biết được rằng chính sự xuất hiện của nó đã làm thế lực kia bộc phát mạnh mẽ hơn. Hải Long chắp hai tay lại bắt ấn, niệm chú gì đó, tay phải nổi kinh văn tựa như lần đấu với lão chuột tinh, nó đi khắp căn nhà, quan sát trên dưới, bỗng nó dừng lại trước tấm gương soi khung gỗ chạm khắc kiểu Pháp mà bà lớn dùng để trang điểm, nó tháo tấm gương ra, đem đặt ở giữa nhà, hướng mặt gương lên trên, rồi đi vòng quanh tấm gương bảy lần, vừa đi vừa niệm chú, sau đó cắn rách ngón tay cái, lấy máu vẽ những ký tự ngoằn ngoèo lên mặt gương, vừa vẽ vừa niệm nhanh và to hơn nữa. Bỗng từ trên xà nhà vọng xuống tiếng hét chói tai, tấm gương lập tức nứt ra, trong đấy hiện lên hình ảnh một nhục thể kỳ dị với những cái đầu to nhỏ khác nhau dính chặt lại. Trông nó như con thằn lằn, tứ chi là bốn bàn tay năm ngón. Hải Long nhìn lên trần nhà thì không thấy gì cả, lập tức hiểu ra là nó trống trong gương, con “thằn lằn” này nhe nanh ra, sẵn sàng nhào ra cắn nát đầu Hải Long bất cứ lúc nào, nhưng Hải Long không hề tỏ ra nao núng. Nó nhếch mép: “Thì ra là mày, hôm nay gặp tao coi như số mày xui!”, vừa dứt lời, nó lập tức xốc tấm gương lên rồi quay ra mặt sau, bắt ấn hai tay chọc thẳng vào. Lại thêm một tiếng thét nữa vang lên, những vết nứt chạy dài trên gương, từ đó ứa ra chất dịch màu đen hôi thối. Từ phía mặt gương, những bóng đen quỷ dị liên tục phóng ra.
Hải Long vội quăng tấm gương, tức thì bóng đen lao đến, giơ bàn tay sắc nhọn định bổ thẳng vào đầu nó, nhưng nó ngay lập tức thủ thế đỡ đòn chí mạng, nhảy lui về sau mấy bước. Nhìn trực diện mới biết thực thể của nó kinh dị hơn hình ảnh trong gương gấp mấy lần: một cái đầu khổng lồ, tóc dài, phần cổ là hàng chục khuôn mặt người nhỏ bé ghép lại mà thành, đôi mắt nó to hơn cái thúng, mở thao láo, cái miệng kinh tởm ngoác rộng, nôm có thể nuốt gọn cả con trâu. Nó không có chân, chống đỡ thân hình là bốn cái tay ngoằn ngoèo khẳng khiu, ngón tay dài như chiếc đũa.
Có vẻ mục đích chính của Hải Long là trục nó ra khỏi tấm gương, lúc này Hải Long bắt ấn, miệng nói đầy tự tin: “Chơi thế đủ rồi nhé!”, tức thì hai lòng bàn tay phát sáng rồi nó lao đến con quái không chút do dự. Bên ngoài, gia đình Năm Ớt ngậm đũa tụng kinh mỏi cả răng, ê cả hàm nhưng chẳng ai dám lơi là, đều làm theo lời Hải Long một phép. Giữa trưa, trời nắng chang chang bỗng nhiên mây đen từ đâu kéo đến ầm ầm trên đầu như sắp có một cơn bão khổng lồ ập đến. Vừa lúc này, trong nhà vang lên tiếng “phập” đanh gọn, mây đen cũng theo đó mà tan đi nhanh như lúc nó xuất hiện. Chốc sau đã thấy Hải Long vác tấm gương đi ra, vừa nhìn thấy mặt gương, vợ chồng ông Năm lăn ra ngất xỉu: trên đấy chi chít những vết ố hình khuôn mặt đang la hét.
Hai Chính hỏi sự tình nãy giờ bên trong, Hải Long đặt tấm gương xuống, phủi tay ra bộ chuyện trẻ con, bảo: “Không biết nhà mấy người mua tấm gương này ở đâu, đây là tấm gương cổ, chủ nhân đầu tiên của nó có lẽ đã chết thảm, oan hồn nhập vào gương không siêu thoát được, ám hết đời chủ này tới đời chủ khác. Nó là siêu linh hồn, trú ngụ trong gương, mỗi ngày nhà các người soi vào nó thì thần trí mê muội dần, quỷ khí được giấu sau lớp gương cho nên mấy tay thầy pháp trước không phát hiện được. Cũng may ta đến đúng lúc, chứ nếu không thì nay mai thôi, quỷ hồn nó làm chủ tâm trí mấy người hoàn toàn rồi sẽ làm mấy người điên loạn, gặp ai là giết người đó, gom âm khí về nuôi nó!”
Nói xong, Hải Long đến kế bên Năm Ớt giờ còn đang nằm mê man, vả vào mặt ông ta mấy cái cho tỉnh hẳn rồi nói: “Tôi đã làm xong phần việc của mình, ông cũng nên thực hiện lời hứa đi.”
Năm Ớt vừa mới hoàn hồn, lắp bắp: “Nhà tôi tiền tài không thiếu gì, ông nhỏ muốn gì thì cứ nói.”
Hải Long ngồi chồm hổm kế bên ông Năm, ra dáng suy nghĩ gì đó rồi nói: “Tôi biết ông tổ năm đời nhà ông ngày xưa là người bên Chân Lạp, thân cận của vua Ang Em, sau bị vua Ang Tham lật đổ, tổ tiên ông lưu lạc qua vùng Thất Sơn có giúp đỡ một người tên là Bà Đà Ngạc xây dựng lăng mộ cho con gái ông ta, Bà Đà Nhan, tuy nhiên để giữ bí mật về lăng mộ, Bà Đà Ngạc lệnh giết tất cả phu xây, tổ tiên ông trốn thoát được, lánh về vùng này bắt đầu lập nghiệp, hẳn ông ta có để lại cho con cháu một tấm giấy trắng có bốn chữ Hán, đừng dối tôi, tôi muốn lấy tấm giấy đó!”
Năm Ớt ngây mặt ra, nói: “Bẩm ông nhỏ, chuyện ông nhỏ nói về nguồn gốc tổ phụ nhà tôi quả là có thật, … làm … làm sao ông nhỏ biết được?”
Hải Long vỗ bụng cười: “Đã bảo ta là thần thánh mà, những chuyện này sao giấu ta được.”
Ông Năm nghĩ lại, truyền thuyết dòng họ ông có kể về tấm giấy đó, nó như là chìa khóa dẫn đến lăng mộ công nương Bà Đà Nhan của vùng Thất Sơn, những năm 1730. Tuy nhiên, trải gần hai trăm năm, con cháu đời sau không ai hiểu được tấm giấy đó là chìa khóa kiểu gì, vì trên khuôn giấy đó chỉ độc có bốn chữ Hán: “Cử Đầu Vọng Nguyệt”, ngoài ra không còn thêm chi tiết gì khác. Đã nhiều lần, người trong họ đem ra nhờ những bậc thầy uyên thâm Hán tự rồi cả thầy phong thủy, thầy bói về nhưng ai cũng bó tay, không hiểu nổi dụng ý trong đó là gì, đến đời ông Năm cũng dành hơn chục năm để nghiên cứu vì biết ắt hẳn tìm được lăng mộ đó dĩ nhiên trong đấy ngọc ngà châu báu không thể thiếu, tuy nhiên lực bất tòng tâm, càng nghiên cứu càng mù mờ. Từ lâu trong tâm trí ông Năm đã sớm đầu hàng chuyện này, chẳng màng quan tâm nữa, cho nên khi Hải Long đề nghị, ông ưng thuận ngay. Ông Năm dẫn Hải Long vào từ đường, lôi ra một hộp gỗ sơn son thếp vàng hình rồng hết sức tinh xảo, trong hộp đấy có rất nhiều vật gia bảo, đồ nào cũng đáng giá thiên kim, tờ giấy ấy nằm ở lớp cuối cùng. Tay run run, ông ta lấy nó lên, phải cẩn thận vì nó đã quá cũ kỹ, có thể rách bươm bất cứ lúc nào. Hải Long đón lấy tờ giấy, chỉ mới nghía qua cái là nó đã nhếch mép, điệu bộ tự tin vô cùng khiến ông Năm không khỏi kinh ngạc, lẫn chút bối rối. Rốt cuộc thằng nhóc này là thần thánh phương nào đây? Hải Long cuộn tờ giấy lại rồi quay lưng đi thẳng, ông Năm gọi với theo: “Ông nhỏ ơi, khoan, gượm đã, chẳng hay cao danh quý tánh của ông nhỏ là chi?”
Thằng bé đi tiếp, không thèm ngoảnh lại, nói: “Ông nhớ ta là Trần Hải Long được rồi.”
Có cuộn giấy, Hải Long đi ra mé làng, nơi có cái nghĩa địa, nó đi vòng quanh trong đấy, kiếm mấy cái chiếu quấn xác cũ, rút ra mấy sợi mành rồi giắt vào túi quần, sau đó đi kiếm một cái lư hương, nó lựa cái nào có tuổi đời lâu nhất rồi khấn vái người đã khuất, sau đó cầm lư hương lên, rút chân nhang cắm lại trước bia mộ, vét sạch tro trong đấy ra rồi đi hái thêm ít lá chuối non bỏ vào. Kế tiếp nó lại đi vòng quanh xem xét, có những ngôi mộ đất nằm sát mé kinh nhỏ, từ lâu đã bị lở, để lộ bên trong cỗ quan tài mục nát, Hải Long không chút do dự, thò tay vào cạy ra một mảnh ván hòm. Nó kiểm tra lại đồ đạc rồi đi ra chợ, kiếm mãi mới có một chỗ bán đồ ăn, nó vét túi còn ít tiền bèn mua ba cái bánh bao, ăn ngay một cái còn hai cái để dành. Mấy ngày nay lang thang khắp nơi, nơi nào cũng tan hoang, chẳng có chỗ nào bán đồ ăn, tính nó lại không thích đòi hỏi gì từ chủ nhà cho nên đói vật vờ là vì thế.
Ăn no xong nó đi kiếm nước lã uống cho qua cơn khát rồi nằm đại trên bụi rơm mà ngủ, những chuyện còn lại phải đợi đến đêm mới làm được.
Như được cài sẵn đồng hồ, đầu giờ Tý, lúc trăng vừa lên cao, Hải Long tỉnh dậy, lật đật chuẩn bị. Nó chạy ra bãi sình ven sông khoét một lỗ nhỏ, đợi nước rỉ ra thì múc vào cái lư hương, đoạn xé nhỏ manh chiếu quấn xác cùng với lá chuối non bỏ vào rồi dùng ván hòm giã nhẹ, vừa giã nó vừa lầm rầm bài chú gì đó. Lát sau, trong lư hương chỉ còn lại một dung dịch màu xám tro, đặc kẹo do mủ chuối, nó bê lư hương lên một gò đất khô ráo, trải tờ giấy ra rồi dùng dung dịch đó đổ lên, lấy tay xoa đều ra. Thật kỳ lạ, tờ giấy cũ kỹ tưởng chừng như gió còn có thể làm tan thành tro bụi vậy mà khi thấm bởi dung dịch này lại không hề hấn gì cả, vả lại nó còn chuyển sang màu vàng đậm, trông tươi mới hết sức. Đợi cho dung dịch thấm hẳn vào rồi khô đi, Hải Long mới cầm tờ giấy lên soi dưới ánh trăng, chỉ lờ mờ nhìn ra một thứ gì đó. Chợt nó nghe sau lưng có tiếng người bước lại gần - đó là một vị thanh niên chỉ chừng hai hai hoặc hai ba tuổi, vận bộ đồ tàu và đội cái nón bánh tiêu màu nâu, miệng ngậm tẩu thuốc.
Người này xuýt xoa: “Biết đặc tính của Cốt Chỉ cần phải thoa nước Oa Hãn để hiện lên ẩn đồ, mới tám tuổi mà đã khai được Khốc Chú Tịnh Độ Vãng Sinh, lại còn dùng cả Thiên Đăng Ẩn Quang Chú diệt siêu linh, mạn phép cho Lý Huỳnh tôi được hỏi, tại sao Trần Hải Long, con trai của Trần Bá, vị thông hải cuối cùng, lại phải kỳ công đi tìm lăng mộ Bà Đà Nhan như vậy?”