Phi Yến tuy bên ngoài làm mặt tỉnh và khiêu khích Tiểu Tường chứ thật ra trong lòng nàng buồn vô hạn. Từ ngày Phi Nhi bận biên soạn Văn Vận Phủ Phi Yến cô đơn lắm, không còn ai đùa vui với nàng nữa, mỗi chiều nàng đều xuống núi dạo chơi trong trấn.
Có một hôm Phi Yến đi ngang qua quán rượu mà lần đầu nàng gặp Cửu Dương, trong lòng bồi hồi, định bụng vào mua vài cân mang về tặng chàng, ngờ đâu mới xế chiều quán đã đóng kín cửa. Phi Yến thấy là lạ, không nén được, lập tức gõ cửa. Từ bên trong có giọng đàn ông vọng ra:
- Quán hôm nay đóng cửa, đã có thông báo phía trước. Quý khách vui lòng tìm nơi khác!
-Tôi không phải khách dùng bữa, chỉ muốn vào hỏi thăm một việc.
Có tiếng động kèn kẹt, cánh cửa quán mở he hé, một người đàn ông trạc tuổi tứ tuần ló đầu ra nhìn, vẻ sợ sệt. Phi Yến chắp tay chào:
-Chào ông chủ! Xin thứ lỗi cho tôi đường đột…
Chủ quán tên Tứ Bình nhớ ra nàng, người mà đêm nào cũng mang đến cho y nhiều mối rượu, vội vái chào lại:
-Hóa ra là cô nương, không dám, chẳng hay cô có việc gì muốn hỏi tôi?
Phi Yến chưa đáp vội mà đưa cặp mắt liếc nhìn vào trong, thấy trong nhà trang hoàng hoa đèn, dán đầy giấy hoa văn màu đỏ, hình long phụng rực rỡ. Song ở góc phòng có một cô gái trẻ trạc mười lăm mười sáu ngồi ủ rũ, khuôn mặt khá xinh xắn. Nàng ngần ngại hỏi:
- Chẳng dám nào, nếu ông chủ không trách là tôi đây quá tò mò xin cho hỏi quán có hỉ sự mà tại sao lệnh ái dường như không được vui cho lắm?
Cô gái nghe nói, chừng như động mối thương tâm, lại oà lên khóc nức nở. Tứ Bình mời Phi Yến vào nhà, thở dài:
- Hai chị em cô là khách quen quán tôi nên chẳng giấu gì cô, sáng mai là ngày xuất giá của tệ nữ…- Chủ quán cúi mặt buồn rầu - Nhưng sự thực là tệ nữ bị ép buộc phải về làm vợ người ta, thật đáng xấu hổ cho kẻ làm cha, có hai cánh tay này mà đành bất lực nhìn con bị đưa vào chỗ chết!
Phi Yến nổi giận xung thiên, đôi mày liễu cau lại:
- Kẻ nào ngang ngược, dám cưỡng hôn con gái nhà lành, họ là quan chức hay dân thường vậy?
- Đến quan quyền tỉnh này còn phải sợ, không dám đụng đến hắn. Hắn chính là đại thủ lĩnh của bọn cướp Lãnh Hải Sơn, biệt hiệu là Châu Tân Trình.
Lãnh Hải là ngọn núi nhỏ cách chợ Hồ Lô chừng vài dặm.
- Chẳng lẽ quan quân cũng chịu thua, không dám ra tay trừ diệt bọn sơn tặc này sao?
Tứ Bình lắc đầu, cười khinh miệt:
- Quan quân thời nay chỉ biết ăn của đút, sợ giặc như cọp, xem dân như thù, đâu tha thiết gì đến trị an vỗ về dân thứ. Vả lại, sào huyệt chúng trên núi rất kiên cố, giăng nhiều cạm bẫy. Mỗi lần bị đuổi đánh chúng rút về núi là an toàn, quan quân không sao tấn công vào được. Chờ quan quân đi rồi lại hoành hành như cũ.
Phi Yến lắng nghe chủ quán nói, xen lẫn đó là tiếng khóc rấm rức với những lời than thở khe khẽ:
-Tiểu Liên, con gái khổ mạng của mẹ con đừng khóc nữa.
Phi Yến hỏi:
- Chừng nào chúng đến bắt người?
-Ba ngày trước chúng đã đem ít vật dụng đồ cưới và trang phục cô dâu đến, hẹn sáng mai bình minh lên sẽ mang kiệu lại rước dâu. Chúng nói nếu không giao cô dâu ra, cả dòng họ nhà tôi sẽ nguy mất.
Tự nhiên Phi Yến hỏi:
-Rượu ở quán này ngon nhất Tứ Xuyên, không biết bọn thổ phỉ có dùng rượu quán này đãi tiệc cưới ngày mai?
Tứ Bình đáp:
-Đương nhiên có, chúng vừa cướp người vừa cướp vật, bảo rằng khi kiệu tới rước dâu thì nhà gái cũng phải cho người khiên hai mươi vò rượu theo tới trại.
Trong đầu Phi Yến lóe một tia sáng, nàng nói:
- Nếu ông không muốn giao lệnh ái cho bọn cướp tôi sẽ giúp đỡ cho?
Tứ Bình ngần ngại nhìn nàng dò xét:
-Cô nương giúp chúng tôi bằng cách nào?
Nghe Phi Yến nói sẽ tìm cách giúp mình, Tiểu Liên lật đật chạy đến quỳ thụp trước mặt khách, vừa lạy vừa van cầu:
- Xin hãy cứu giúp cuộc đời muội, muội xin nguyện làm thân trâu ngựa, suốt kiếp chẳng quên ân đức tỉ. Bằng không… muội cũng sẽ tìm cách tự tử mà chết.
Phi Yến xua tay:
- Ầy! Tiểu muội muội đứng lên, bình tĩnh lại nào, tỉ sẽ có cách mà. Tên cướp nào dám xuống đây ép hôn tỉ bảo đảm sẽ không toàn mạng trở về.
Tứ Bình phu nhân trong bụng thấp thỏm, không nhịn được vội bước lại xen vào:
- Bứt dây động rừng, tôi e là nếu giết mấy tên cướp lẻ tẻ xuống đây e rằng bọn còn lại trên núi vẫn chưa bị diệt trừ. Chúng chờ cho cô đi mới trở xuống bắt tội gia đình chúng tôi, khi đó thì lấy ai bảo vệ cho?
Phi Yến nháy mắt:
-Tôi có kế sách này thần diệu lắm, có thể đột nhập vào hang ổ bọn chúng để diệt tận gốc rể.
- Kế sách gì thế, thưa cô?
-Sáng mai tôi sẽ trà trộn vào sơn trại lục lâm bằng cách hóa thành một trong những người gánh rượu...
Phi Yến nói, và nàng nhìn gia đình chủ quán rượu, cười nhẹ:
-Thiên cơ bất khả tiếc lộ. Tôi chỉ nói được bấy nhiêu. Nhưng tôi bảo đảm các người tôi sẽ xâm nhập được vào cấm địa bọn chúng cứu tiểu thư đây ra và không gặp nguy hiểm, hãy an tâm. Ngày mai sau khi kiệu tới rước dâu đi, hai vợ chồng các người hãy đến miếu Quan Công dưới chân núi Lãnh Hải mà chờ, lánh thân vào một chỗ an toàn, tôi sẽ tìm cách đưa tiểu thư ra khỏi sơn trại đến đó hội ngộ hai người.
Tứ Bình vẫn tỏ vẻ rụt rè:
- Bọn cướp này đông đảo, võ nghệ lại cao cường e rằng cô nương khó lòng đối phó.
Thấy ông ta vẫn còn chưa tin tưởng lắm, Phi Yến bèn nhìn quanh quất, rồi đi đến cúi xuống nhặt hòn đá xanh khá to trước cửa quán, quay lại chìa ra hỏi:
- Cái đầu chúng có cứng bằng viên đá này không nhỉ?
Nói xong nàng gồng bàn tay bóp lại, rồi xoè ra, hòn đá vỡ vụn, rơi xuống lả tả. Gia đình chủ quán kinh ngạc đến há hốc cả mồm.
Từ bây giờ tới giờ rước dâu không còn bao thời gian nữa. Phi Yến phải trở về chuẩn bị. Nàng bái chào họ rồi ra về.
---oo0oo---
Trời tờ mờ, trông xa không rõ mặt người. Hừng đông không lộ sáng bởi những đám mây đen vần vũ phía xa. Phi Yến thức dậy tự lúc đầu giờ Dần, ngồi dáng lớp da lên mặt, rồi dùng cọ kẻ kẻ đánh đánh thêm nhiều lớp phấn lên cho tấm da mặt tiệp với màu da cổ nàng. Cuối cùng nàng búi tóc cao lên, dùng khăng trắng quấn lại. Đâu đó xong xuôi, nàng dùng thân đao làm gương soi mình một lúc, hài lòng với diện mạo của một nam tử rồi mới cất đao đi.
Ở khu trại ba cô gái ngủ chung một lều, thật may tối qua Phi Nhi không có trong lều, do nàng bận bịu với việc biên soạn thơ Đường nguyên đêm. Phi Yến cả mừng, hóa trang mặt mày y phục xong xui nàng nhón gót đi tới cửa lều, chưa vén rèm đã nghe tiếng:
-Ai đó!
Tiểu Tường nghe tiếng động, đang ngủ ngồi bật dậy, mắt nhắm mắt mở nhìn Phi Yến, sau đó nàng mở cả hai con mắt thật to hô lên:
-Á à! Là tên du côn du kề ngươi, ta tìm nhà ngươi lâu lắm rồi! Hôm nay bổn nương không tha…
Phi Yến đưa tay lên môi suỵt khẽ:
-Đừng la, là tôi, Phi Yến này!
Tiểu Tường phát hiện tên sờ ngực nàng hôm nọ chính là Phi Yến, như đặt được một tảng đá trên ngực xuống.
Và trái với suy nghĩ của Phi Yến, Tiểu Tường cũng không trách giận chi nàng, chỉ thò lò con mắt hỏi:
-Thuật dịch dung của cô cũng khá tốt đó, mà sao sáng nay lại cải nam trang chi nữa vậy?
Vừa nói vừa sờ tay lên mặt Phi Yến tìm đường giáp ranh giữa cổ và tấm da mặt.
Phi Yến phủi phủi tay Tiểu Tường ra, nói:
-Tôi đi làm việc nghĩa, tình lang thường bảo người có võ phải làm việc ích dân lợi nước là gì?
Dứt lời định quay đi.
Tiểu Tường gọi giật:
-Này!
-À quên - Phi Yến quay lại - Không biết cô đây có biết cái chi sáng sáng không, tôi cần cái gì đó phản chiếu ánh sáng.
-Tấm gương? - Tiểu Tường đáp.
-Đúng đúng! - Phi Yến mừng mừng.
Dè đâu Tiểu Tường đáp gọn:
-Không có.
Phi Yến cụt hứng đi một vòng quanh lều hất tung cả chiếu, gối, quần áo đồ đạc sang bên để tìm. Vừa tìm vừa lẩm bẩm như một bà cụ đãng trí:
-Bọn chúng thế nào cũng khám xét ta, ta phải dùng vật gì bắt ánh sáng mà không bị nghi ngờ đây nhỉ?
-Tôi có cái này - Tiểu Tường sau hồi suy nghĩ cũng nhớ ra.
Nhưng chưa chịu đưa Phi Yến ngay mà nói:
- Cô phải nói tôi nghe chuyện nghĩa hiệp gì mới được, và dùng nó bắt được ánh sáng để làm chi? Trông cô bí bí mật mật như vậy, chắc định làm chuyện không tốt rồi. Cô mà không chịu nói tôi hô lên cho sư tỉ cô biết đấy!
Câu hăm dọa thật là có tác dụng, Phi Yến không cách nào bèn kể Tiểu Tường nghe chuyện cướp dâu, cũng không quên căn dặn Tiểu Tường không được tiếc lộ với sư tỉ nàng, bằng không với tánh tình Phi Nhi lại cản không cho nàng đi.
Tiểu Tường vạch túi hành lý của nàng lôi ra một vật:
-Cái này? Được không? Từ khi lên đây huynh ấy thoát ly chuyện giang hồ, không dùng lâu rồi.
Phi Yến nhìn nan quạt làm bằng sắt, ôm hôn Tiểu Tường một cái “chụt” rõ to lên má, mừng nói:
-Cô đúng là Quan Âm tạ thế! Đúng thứ tôi cần!
Chợt thấy trên quạt có vẻ hình một người con gái, nàng hỏi:
-Ả này... có phải là tiểu sư muội huynh ấy?
-Ừ.
Đáp lại lời Tiểu Tường là cái bĩu môi của Phi Yến.
---oo0oo---
Phi Yến tới quán rượu lúc trời hãy còn mù sương. Thường thì đám cưới nhà ai đều cũng có đông đủ thân thuộc láng giềng đến dự, nhưng đám cưới này vắng tanh vắng ngắt, chỉ có bốn người gánh rượu, Tứ Bình cùng vợ y đang ngồi trong nhà, cửa mở toát hoác.
Hai mươi vò rượu được chuẩn bị xong thì giờ hẹn rước dâu cũng vừa đến. Ngoài cửa có tiếng chân khá đông người giậm huỳnh huỵch và giọng cười nói xôn xao. Chợt có tiếng thét dõng dạc:
- Xin mời tân nương ra kiệu hoa.
Tứ Bình bước tới mở cửa. Phi Yến thấy tên cướp Lôi Đại Hổ với bộ râu tóc xoăn dài, và đám thủ hạ của hắn. Người này là sư đệ của Châu Tân Trình. Một chiếc kiệu hoa lộng lẫy phủ lụa đỏ tơ vàng được bốn người lực lưỡng khiêng dừng ngay trước cửa. Người nào cũng có giắt gươm đao vũ khí cạnh bên hông. Bọn cướp thấy cha nàng dâu thì cũng làm theo lễ chắp tay vái một cái chào.
Tứ Bình vội vàng đáp lễ, xong nói:
- Mời đàn trai ghé vào tệ quán xơi ly rượu cho ấm bụng.
Lôi Đại Hổ lắc đầu:
- Chúng tôi được lệnh đại ca mang tân nương về sơn trại liền không được chậm trễ, e giờ lành sẽ qua đi.
Tứ Bình phu nhân không nỡ xa con gái, định nói gì đó để giữ chân bọn cướp lại thêm một hồi nhưng Phi Yến đã lên tiếng trước. Nàng ra vẻ sợ sệt nói:
- Vâng vâng, chúng ta không nên trái lệnh đại vương.
Tứ Bình phu nhân đành bước vào trong bảo Tiểu Liên trùm khăn che mặt lên, rồi từ nhà sau dìu cô dâu ra. Tiểu Liên bước lên kiệu.
Lôi Đại Hổ nói:
- Lệnh ái và đại vương thành duyên giai ngẫu, sau này chúng ta đã là người một nhà, quán rượu này hằng tháng không cần phải đóng tiền bảo hộ nữa. Xin chào!
Lũ cướp cũng vái chào từ biệt. Phi Yến và mấy người nam nhân gánh rượu mỗi người cùng gánh bốn vò, bắt đầu đi theo kiệu dâu hướng tới Lãnh Hải sơn.
---oo0oo---
Cửu Dương đang ở trong lều biên soạn nốt mấy trang cuối của quyển một Văn Vận Phủ, tối qua chàng thức trắng đêm. Lão Trần như thường lệ ở cạnh bên chuẩn bị thêm giấy bút cho chàng. Khi này các cống sinh còn chưa ngủ dậy. Nghị Chánh thì đã dẫn Hiểu Lạc đi săn.
Một xấp giấy hoa tiên được lão Trần để ngay ngắn trên bàn, mực cũng được mài sẵn, có hai cây bút mềm gác hai bên. Thêm một ly trà nóng, một tí hương trầm cho vào lò sưởi đặt ở giữa căn lều. Rồi ông lão đi lấy chiếc áo khoác mang đến cho Cửu Dương, kính cẩn nói:
- Thất gia, mặc thêm áo nầy vào rồi hãy làm việc tiếp. Trời đang lạnh thế này sẽ bệnh đấy.
Cửu Dương đỡ lấy áo, thấy ông lão xem mình như con trong lòng cảm động vô cùng.
- Dạ cám ơn Trần thúc.
-Có chi đâu thất gia, tại lão nô cảm thấy lo lắng vậy thôi, ngài không chê lão nô này già ưa lải nhải là được rồi.
Ông lão móm mém nụ cười hiền, nói thêm:
- Lão nô hiểu ngài nhiều lắm. Ngài là một người có trách nhiệm với công việc đã được giao phó, nhưng làm thơ xong gắng đi ngủ để giữ gìn sức khỏe nhé.
Cửu Dương lại nói tạ ơn, sau đó cúi xuống tiếp tục với công việc của chàng.
Tứ bề bây giờ hoàn toàn yên tĩnh, chàng cầm bút nhìn giấy trước mặt. Nghe tiếng gió thổi bên ngoài từng đợt từng đợt qua. Trong giấy có bài thơ nói về tiết Thanh Minh đã sớm qua rồi. Đêm mưa tiễn xuân tàn, đặc biệt buồn thê lương. Đọc thơ nghĩ đến phận mình, ngày xưa cũng là một thiếu gia như ai, ở quê nhà được cha mẹ thương yêu, có thầy đến tận nhà dạy học mọi thứ, nhưng rồi vì gia đình tham gia cuộc khán chiến chống triều đình đã làm mất đi hai đấng sinh thành, cha mẹ đã mất nhà cửa tiêu tan, hai anh em chàng mồ côi cô quạnh, nếu không có Giác Viễn, Cửu Nạn sư thái và Mã Lương, không biết rồi tương lai sẽ về đâu? Nghĩ đến cảnh nước mất nhà tan mà lòng buồn bã. Bên ngoài tiếng gió tiếp tục thổi vi vu, âm thanh đơn điệu buồn buồn.
Cửu Dương biên vừa xong một trang thơ thì nghe có tiếng chân ngoài cửa lều, rồi Phi Nhi mang vào một xấp giấy nói:
-Bản cảo Đường Thi đã chỉnh lý xong, xin mời huynh xem.
Cửu Dương nhìn đôi mắt Phi Nhi mà quên hẳn buồn bực. Chàng cầm lấy xấp giấy lật xem, thấy phần mở đầu của bộ Đường Thi là mười bài thơ của Đường Thái Tông Đế Kinh Thiên Thập Thủ. Phi Nhi chọn những bài này là đúng ý chàng. Cửu Dương mỉm cười, những câu thơ đó mang khí thế khoát đạt, tâm thế hoành tráng diễm lệ, thể hiện tiết tháo cao thượng và hoài bão vĩ đại làm cảm khái và rung động lòng người.
Cửu Dương đọc lên hai câu:
-Tâm tùy lãng nhật cao,
Chí dư thu sương khiết
Phi Nhi nói:
-Muội trích hai câu này từ cuốn Thăm lại chiến địa đánh bại Tiết Cử Bá Vương.
Gương mặt chàng không giấu vẻ cảm kích:
-Tốt! Tốt lắm! Để chiều này huynh sẽ duyệt lại tất cả.
Phi Nhi được khen ửng hồng đôi má, đoạn nói:
-Có việc này muội muốn tham khảo ý kiến của huynh.
Cửu Dương đặt xấp bản khảo qua một bên, nói:
-Chuyện gì?
Phi Nhi nói:
-Trong bản khảo Đường Thi này, riêng phần thơ của Lý Bạch có tám trang, nhưng một trang trong đó muội nghĩ có gì không đúng.
-Tại sao?
Phi Nhi nhìn Cửu Dương, cười dịu dàng:
-Muội coi nhiều sách cũ, nhưng trong bản cảo Đường Thi này lại xửa Cửu Huê Sơn thành Cửu Tử Sơn.
Cửu Dương ngạc nhiên:
-Ồ, vậy sao? Để huynh xem thử nào.
Lại cầm xấp giấy lên. Phi Nhi giúp chàng lật đến những trang thơ của Lý Bạch, nói:
-Muội nghĩ ý của Lý Bạch phải là Cửu Huê Sơn mới đúng, vì nhớ hồi Lý Ngụy đánh Tấn đã có câu “Cửu Huê Sơn nhất thiên tự, tản hại dân vũ trung,” còn có câu này còn xưa hơn nữa này, nói là “Cửu Huê kỳ tú cận tại thiên đài,” cho nên muội thấy cần phải sửa lại đoạn đó.
Cửu Dương cùng lão Trần lắng nghe, Phi Nhi nói tiếp:
-Cửu Huê Sơn trong đoạn thơ này của Lý Bạch muội nghĩ chính là viết về Ngưỡng Huê Sơn Tịch, một thiền sư sống thời Ngụy Tấn, Nam Bắc triều, là môn đệ lừng danh của Huê Sơn Linh Hựu và là người khai sáng tông Huê Ngưỡng. Trí huệ và kinh nghiệm giác ngộ thâm sâu của Sư nổi danh trong thiền giới thời đó nên Sư cũng có biệt danh là "Tiểu Thích ca." Trước tuổi hai mươi, Sư yết kiến và trau dồi kinh nghiệm với nhiều ngôi sao sáng trong Thiền tông và đã mang danh là một thiền sinh xuất sắc. Dưới sự hướng dẫn của Huê Sơn, rất nhiều người đạt yếu chỉ thiền.
Cửu Dương xúc động lặng lẽ nhìn nàng. Chờ cho Phi Nhi nói xong, lão Trần nói:
- Lộ tiền bối có cô cháu gái thông minh vô cùng, lại còn thông thạo về sử và thơ, nếu là lão nô đã không bao giờ phát hiện ra rồi.
Phi Nhi được khen khiến nàng sung sướng trong lòng, cười nói:
-Vãn bối làm sao được kỳ tài như thất gia chứ, chỉ là con mọt sách thôi.
Cửu Dương cũng nhìn Phi Nhi với nụ cười dịu dàng, ánh mắt chàng giữ yên trên mặt nàng khá lâu, bấy nay chàng cứ ngỡ nàng chỉ là một cô bé ham chơi, không ngờ làm được việc như vậy.
Tiểu Tường mang bình trà nghi ngút khói và ba món điểm tâm vào đặt trên bàn, mời những người trong lều đến ăn. Phi Nhi trố mắt:
-Hôm nay lẽ ra tới phiên Phi Yến nấu ăn chứ tỉ? Chắc muội ấy lại ngủ quên, thật là ngại quá.
Tiểu Tường đương nhiên nhớ hôm nay là ngày nàng được ngủ nướng thêm một chút, nhưng không tiện nói ra tại sao Phi Yến lại vắng mặt.
Thấy đôi mắt sáng long lanh của Tiểu Tường cứ đảo qua đảo lại như xao xẹt, còn miệng thì cứ “à à” liên tục, Cửu Dương biết nàng đang giấu chuyện gì đó. Tra hỏi một hồi Tiểu Tường cũng nói ra tông tích của Phi Yến.
Phi Nhi nghe danh Châu Tân Trình, bật đứng dậy nói:
- Nguy! Người này đã từng tay không đơn thân độc mã đột phá tam ải của Thanh Thành để đoạt lấy bảo đao của chưởng môn chúng tôi!
Lão Trần nói với Cửu Dương:
-Sư đệ hắn Lôi Đại Hổ cũng là chủ tiêu cục Đại Bảo, vì là một phần tử trong giới lục lâm nên những chuyến tiêu của hắn không bao giờ bị cướp hàng.
Cửu Dương cũng lo lắng nghĩ “võ công hai người này rất cao cường, so với Phi Yến hơn hẳn ít nhất cũng mười mấy bậc.”
Đối diện với sơn trại là một khu rừng khá rậm. Cửu Dương chọn một tán lá rậm rạp trèo lên ẩn mình kín đáo trong đó đưa mắt quan sát mọi động tĩnh ở hậu hoa viên. Chàng không tiện ra mặt, sợ bọn thổ phỉ vốn có thù với Giang Nam thất hiệp, phát hiện ra chàng và những cống sinh đang ở Tứ Xuyên, chừng đó lại phải tiếp tục chạy nạn đi nơi khác.
Chàng đoán Phi Yến sẽ tìm cách cướp dâu ở hậu viên, nhưng nhìn mãi mà không thấy Phi Yến đâu. Cửu Dương bắt đầu cảm thấy sốt ruột thì bỗng thấy trong hoa viên thấp thoáng có bóng người. Người đó đi xuyên qua những luống hoa trà về phía tân phòng mà không bị ai cản lại.
Chàng chợt mỉm cười và lắc đầu, đúng là ngé con không biết sợ cọp, mặc kệ có mai phục hay không cô bé này cứ thích là làm.
---oo0oo---
Quả như Phi Yến nghĩ, lúc trước khi đặt chân vào trại nàng và bốn người gánh rượu ai cũng bị xét toàn thân xem có mang vũ khí vào không. Phi Yến đã dùng vải bó ngực chặt lại cho thật phẳng để giống nam nhân. Bọn gác cổng không phát hiện vật gì khả nghi ngoài cây quạt của nàng, nên cho năm người nàng qua cổng.
Năm người gánh rượu trên vai đi một vòng thật xa từ cửa trước ra hậu viên, đặt hai mươi vò rượu vô bếp. Ở trên núi thì trại chủ là vua, nên cái ăn cái mặc cũng bắt chướt y vua. Bọn đầu bếp dùng kim vàng thử xem rượu có độc không mới cho năm người nàng ra về.
Khi bước ra khỏi bếp Phi Yến ôm bụng kêu đau quá, nói xin vào nhà xí một lát, thực chất là quản binh để đi tìm nàng dâu. Hồi sau Phi Yến cũng lén lút lần vô được đến tân phòng, vừa cởi đồ và gở tấm mặt nạ đang đeo ra vừa nói:
-Nè, muội mặc vào mau.
Tiểu Liên gật đầu, nhưng vẫn còn lo lắng nhìn Phi Yến:
- Thế còn...
Phi Yến nói:
-Muội đừng lo, những đồ sính lễ trang phục cô dâu cứ để lại đây cho tỉ. Tỉ sẽ không sao đâu.
Phi Yến giục Tiểu Liên thay quần áo, đeo mặt nạ nam nhân vào rồi ra khỏi phòng, giao mọi việc lại cho nàng giải quyết. Tiểu Liên đi rồi, Phi Yến đến nơi chiếc giường, ở trên giường thất bảo đặt sẵn bộ trang phục cô dâu tha thướt với những đồ trang sức đắt tiền do bọn cướp đưa đến đặt cạnh bàn phấn. Nàng nhủ bụng “mình phải bắt tay thi hành kế hoạch ngay không nên chậm trễ…”
Sau khi Phi Yến dùng một tấm da mặt khác hóa thành Tiểu Liên rồi, nàng cầm bộ áo cô dâu khoác vào người. Nàng bỏ khăn quấn tóc, xổ mái tóc dài óng mượt xuống phủ lưng, chảy tóc và đội mảo đỏ lên ngắm mình trong gương. Xong phủ khăn che kín mặt.
- Thật là một vị tiểu thư nhan sắc khuynh thành! Tôi đây chỉ mới ngắm cái lưng đã mê. Hèn chi trại chủ trông thấy đã phải chết mê chết mệt!
Phi Yến ngoảnh lại, thấy bà mai đứng nhìn mình ra vẻ tán thưởng. Nàng hỏi:
-Đến giờ bái thiên địa rồi sao?
-Dạ, mời trại chủ phu nhân.
Bà mai trả lời, hơi ngạc nhiên vì bây giờ dáng đi cô dâu trông rất ung dung tự tại, khác hẳn thái độ chậm rụt lo âu sợ sệt lúc nãy. Tới khi bái đường, bà ta càng được dịp ngạc nhiên hơn khi cô dâu còn vén khăn che đầu sang bên mỉm cười nheo mắt tỏ vẻ bỡn cợt.
Phi Yến bái thiên địa xong được bà mai dìu trở về phòng chờ tân lang, vừa vào phòng nàng liền đánh ngất rồi giấu bà ta dưới gầm giường. Phi Yến đi đến bàn ăn đặt giữa phòng, khi này trời gần trưa, nàng chưa ăn điểm tâm nên đói bụng lắm rồi, thấy trên đó nào là một con gà trống luộc, chè trôi nước, bánh phu thê, mì xào, mứt táo khô, trái cây, và một vò rượu, bất quá nhịn không được rót một ly ra uống.
Phi Yến ngồi chờ lâu rất lâu, cuối cùng đói quá đành ăn sạch luôn đĩa bánh ngọt, quất luôn đĩa mì xào, nhay xong trái lê, cửa liền mở ra. Nàng lật đật kéo khăn xuống phủ mặt.
Châu Tân Trình ăn tiệc cưới với khách đã đời, mãi đến khi khách khứa ai cũng say mèn mới đi tìm tân nương tử của y. Y đi vào chưa kịp nâng khăn che mặt Phi Yến lên đã dang tay ôm nàng. Phi Yến giãi ra:
-Ôi! Chàng này, buông thiếp ra, chúng ta hãy ăn viên chè đi, kẻo qua giờ lành bây giờ!
Châu Tân Trình cười giả lả:
- Ta không ăn chè đâu, chỉ ăn.... nàng thôi.
- Ít ra chàng cũng phải đóng cửa lại đã chứ!
Châu Tân Trình bế thốc Phi Yến lên:
- Ta không đợi được!
Vừa nói vừa bế nàng đưa vào giường.
- Người đẹp, nàng sẽ vĩnh viễn là của ta, đúng vậy chứ?
Phi Yến dịu dàng đáp:
- Bao giờ thiếp cũng là của chàng mà. Cả trước đây cũng vậy!
Châu Tân Trình nhắm mắt, ngây ngất hít lấy hít để mùi hương thơm tho từ người thiếu nữ tỏa ra. Nhưng mùi hương mỗi lúc một gắt, khiến Châu Tân Trình buồn ngủ. Y cảm thấy có gì đó không bình thường, quả nhiên Phi Yến lấy khăn trùm đầu xuống, lột miếng da mặt ra. Châu Tân Trình vội mở bừng mắt nhổm lên định nhảy khỏi giường nhưng chân tay mềm nhũn, dục vọng lập tức biến đi không còn chút dấu vết, mắt kinh hoàng nhìn ra cửa, há miệng định kêu thét lên.
Phi Yến điểm huyệt câm của y, dí sát mặt nàng vào mặt y, cười nhăn nhở nói:
- Tân nương của ngươi bây giờ đã cao chạy xa bay với người yêu của cô ấy rồi! Hi hi!
Châu Tần Trình muốn la lên nhưng bị điểm huyệt khiến y không phát ra được tiếng nào, ngã gục xuống giường, người lịm dần đi.
Cửu Dương nấp trên cành cây quan sát mọi cảnh tượng xảy ra trong sơn trại. Thoạt tiên chàng trông thấy Phi Yến với vẻ mặt tuấn tú, giả dạng nam nhi giống không chê vào đâu được, thẳng bước đi vào hoa viên. Chàng mỉm cười, chợt nhận ra người con gái này tinh nghịch nhưng cũng vì lòng trắc ẩn mới làm vậy. Tiếp đó, chàng thấy nàng đột nhập vào phòng tân hôn của Châu Tân Trình, không đơn giản chỉ là việc cướp dâu.
Đúng như chàng nghĩ, sự việc mới chỉ bắt đầu thôi. Sau khi đánh thuốc mê tân lang, Phi Yến lục lạo trong tủ lấy đi cùng nhiều thứ trang sức quý giá, cho vào miếng vải rồi cột thành cái túi quàng qua vai. Trước khi trốn đi còn dùng rượu tưới khắp tân phòng nữa. Trông nàng khi ra khỏi phòng tân hôn phấn khởi ra mặt. Chuyến đi này của Phi Yến chẳng những kết quả mỹ mãn mà còn có thể nói là thắng lợi vượt quá mọi dự kiến.
Phi Yến đứng ở hành lang ngước mặt nhìn lên cao, lúc này mặt trời đứng bóng, nàng dùng nang quạt mang theo trong mình phản chiếu ánh sáng của mặt trời chiếu vào rượu dưới sàn, làm lửa bốc cháy cả phòng. Lửa theo đường rượu lan từ tân phòng đi rất nhanh, từ hậu viên ra đại sảnh, tràn đến nhà chứa rượu, làm nổ một tiếng lớn như núi lửa phun trào. Vì bấy giờ là mùa khô nên rất dễ bốt cháy, mà sơn trại lại được xây hoàn toàn bằng gỗ, phút chốc doanh trại đã chìm trong biển lửa. Thì ra lúc trước khi đặt chân vào sơn trại, Phi Yến đã ngấm ngầm với những người gánh rượu, bảo với họ rằng khi nào đi gần tới trại thì dùng một chiếc đinh nhỏ làm vò rượu bể một lỗ, rượu được gánh đi suốt từ cổng trước ra cổng sau, bị rò rỉ mà không ai hay rồi theo đó mà bốt cháy thiêu đốt khu sơn trại.
-Mau lên! Mau lên!
-Trại chủ ơi!
-Đại ca!
Phi Yến hy vọng lần này trở về nhất định sẽ nhận được lời khen ngợi từ Phi Nhi, không ngờ ở cuối hành lang lại thấy ai như Lôi Đại Hổ và một nhóm chục tên cướp núi đang tất tả mang nước lại tân phòng cứu hỏa. Bọn chúng chưa phát hiện ra nàng, Phi Yến nấp sau một cây thông cao hơn nàng cái đầu, đợi chúng đi qua rồi mới nhanh chóng thi triển khinh công nhảy qua khỏi bức tường để vượt ra ngoài. Nào ngờ nàng vát theo quá nhiều vàng bạc trên lưng, phi thân không qua được bức tường cao, lúc đáp xuống nàng còn bị mất thăng bằng nên trặc mắt cá chân.
-Úi da!
Phi Yến kêu lên, nước mắt trào cả mi.
-Ai đó?
Bọn Lôi Đại Hổ nghe tiếng kêu chỗ phía sau cây thông, khả nghi vội tiến lại.
Cửu Dương thấy Phi Yến sắp bị nguy hiểm, nhưng lại sợ bị Lôi Đại Hổ và đàn em hắn nhận diện sẽ tạo thêm thù với tiêu cục Đại Bảo, chàng bèn xé toạt một manh áo phủ lên mặt rồi nhanh tay cột một gút phía sau gáy, phóng đến sau lưng Phi Yến.
-Theo ta! - Cửu Dương vừa nhỏ tiếng nói vừa dùng tay bịt miệng nàng lại, bế nàng lên phóng qua bức tường.
Khi Lôi Đại Hổ lại đến nơi thì phía sau cây thông không còn ai nữa. Mà y cũng không có thời gian nghĩ ngợi nhiều, lửa bốc ngút trời, khói đen dày đặc, Lôi Đại Hổ phải nghỉ cách rời khỏi sơn trại. Bọn cướp phần đông say mèm ở nhà trước nên đều bị thiêu chết cả, phần nhỏ còn lại thì hớt hải đi làm nhiệm vụ chữa cháy, sau hồi thấy lửa quá lớn, mà nhị trại chủ lại biến mất, chúng biết sẽ không dập tắt thành công được, người nào người nấy cong mông chạy như vịt.
Phi Yến cũng được ân công nàng bế chạy như bay xuống núi. “Én nhỏ” được người ta cứu thoát, nhưng tánh tình vốn dĩ rất ngạo mạn, không nói câu cảm ơn nào hết, cứ nghĩ người này cứu mình chắc vì số vàng mang theo trên lưng mình. Trong lúc hai người chạy tới gần một ngôi đền nàng lại tưởng người đàn ông này sờ mó nàng vì khi đó bàn tay y vô tình đặt sai vị trí trên mình nàng. Nàng hét lên:
-Ê! Quân thô bỉ hạ lưu, định thừa cơ hả? Thả tôi ra! - Vừa hét nàng vừa giải dụa đạp chân loạn xị, còn cắn vào vai y một miếng nữa.
Bịch! Cửu Dương giật mình thả tay, Phi Yến liền té xuống đất.
Phi Yến nằm dưới đất ngó lên, lúc này mới có dịp nhìn kỹ tướng tá của ân nhân nàng.
-Tình lang, là huynh sao? - Nàng phát hiện đôi mắt người này quen quen, vội kêu lên.
Cửu Dương cởi bỏ tấm khăn che mặt, gật đầu, đoạn cúi xuống tháo chiếc giày của nàng ra, tay phải giở gót chân. Chàng nhìn bàn chân nàng nhỏ nhắn, vừa cầm tới đã nhớ tiểu sư muội, nhớ hồi còn nhỏ mỗi lần hai người ngồi chơi bên Tây Hồ chàng đều rửa chân cho nàng, thấy trong lòng rung động, ngửng đầu nhìn lên, bắt gặp Phi Yến nhìn chàng mỉm cười. Nụ cười sao mà giống tiểu sư muội như vậy? Trong ánh nắng ban trưa, Cửu Dương thấy khuôn mặt Phi Yến rạng rỡ tuy trên má có điểm mấy giọt lệ nhưng ánh mắt đầy vẻ vui tươi, khiến chàng nhớ người thương, như ngây như dại.
Phi Yến thì cảm kích tình lang lắm, cổ nghẹn lại không thốt nên lời. Lát hồi nàng lấy lại vẻ liến thoắng nói:
- Thật nhờ huynh lanh trí cứu muội. Vì sao huynh biết muội đang gặp nguy mà đến kịp thời như thế?
Ánh mắt Cửu Dương không rời mặt nàng, đáp:
-Sợ người ta bắt muội đi, lúc đó lại phải dùng ngân lượng để đánh đổi.
Phi Yến hiểu là chàng nói dối. Trống ngực nàng đập liên hồi. Chàng theo dõi mình chăng? Có phải chàng lo lắng đến sự an nguy của nàng mà chủ tâm rình rập, hòng xuất hiện đúng lúc để cứu nàng? Phi Yến tin chắc như vậy. Nàng cảm thấy nỗi sung sướng tràn ngập cả lòng. Ừ nhỉ, chàng cũng không phải là kẻ vô tình trước vẻ yêu kiều diễm lệ của nàng. Bất giác nàng đưa mắt nhìn Cửu Dương lần nữa, và bắt gặp chàng vẫn chưa quay đi. Tâm hồn nàng xao xuyến vô biên.
Phi Yến không còn sức để đi tiếp nữa, chân nàng bắt đầu sưng phồng lên, con đường xuống núi hãy còn xa, hai người đành trú lại trong ngôi đền hoang. Cửu Dương dìu nàng ngồi xuống giữa đền, dùng hai viên gạch kê cao chân bị đau của nàng lên, sau đó lấy một chiếc bát đựng nước lạnh và một đầu mảnh vải nhúng trong bát nước, đầu còn lại dùng để quấn vào chân nàng để cố định vết thương. Nước lạnh thấm theo tấm vải có tác dụng như chườm lạnh trong khi chàng đi tìm hái lá chìa vôi, lá bạc thau, lá đau xương, lá cúc tần, lá thầu dầu tía, lá ngải cứu, và lá náng hoa trắng. Dùng mỗi thứ một nắm tay, nhai nát đắp vào chỗ chấn thương. Những thứ lá đó đắng vô cùng, Phi Yến vừa ngửi qua đã muốn nôn ọe, thế mà chàng lại bình thản được. Nàng nhìn chàng tỏ vẻ biết ơn, đôi mắt long lanh vô cùng xinh đẹp.
Trời tối, có tiếng sói tru nghe lanh lảnh. Cửu Dương tìm củi đốt lửa sưởi ấm và tiện để xua đi thú dữ. Hai người ngồi bên nhau, nhìn đống củi cháy phát ra âm thanh nghe lốp bốp, Phi Yến giơ tay lên bịt lấy đôi tai nói:
-Muội không ngủ được, muội sợ tiếng sói lang lắm, hay huynh làm một bài thơ cho muội nghe?
Cửu Dương không có tâm trạng làm thơ nhưng cũng gật đầu chiều theo nàng, suy nghĩ một chút chàng cất giọng:
-Ngày về chốn cũ bỗng nhớ Ai?
Tình ta treo đó biết bao ngày
Hẹn Em sao mãi nhìn nhau ngại
Mộng ước tan rồi khoé mắt cay!
Bạn bè nâng ly rượu lai rai
Tạc tới tạc lui suốt mấy ngày
Tưởng quên mà nhớ ngày Thơ mãi
Tình đầu sao xoá, dễ gì phai?
Phi Yến bảo thêm một bài, chàng lại dễ dãi gật đầu, thoáng suy nghĩ rồi đọc:
-Em đã đến và đi không từ giã
Mặc mùa thu chết lặng đón đông qua
Xác bàng rơi xào xạc trước hiên nhà
Như chôn kín tình ta vào thổ mộ
Thời gian ơi! Biết bao giờ tao ngộ
Cảnh tương phùng chắc đợi đến chiêm bao
Dạ đêm trường dằn dặt đến nôn nao
Hồn lở loét cồn cào da diết gọi
Bóng Người đi biền biệt hoài không mỏi
Bao năm rồi khóe mắt vẫn cay cay
Sau đó tiếp tục đọc:
-Tựa cửa nhìn xa ngắm nguyệt tà
Cung Hằng bám gót nửa cành đa
Rãi lên nhân thế muôn trùng sáng
Màu lạ quấn quanh cõi ta bà
Dạ lý xả mùi quyện tinh sương
Ngát tỏa hương xa khắp vô thường
Bướm ong ngủ kỹ không bay lượn
Bỏ mật phấn ngồi kết tơ vương
Ai hay ai biết nhớ Người thương
Nước mắt hoen mi rớt ướt giường
Gặp nhau trong mộng cười sung sướng
Tỉnh giấc lên đường trấn biên cương
Rồi lại đọc:
-Ngày xưa đó hồ Tây sao êm ả
Chiều xa nhà lặng lẽ ngắm hoàng hôn
Một năm trôi sao dạ thấy bồn chồn?
Ngày trở lại rộn ràng da diết nhớ
Phố ngàn thông mang tình yêu cởi mở
Thu sắp về, hạ tím ủ vần thơ...
Đọc đến cuối bài, Cửu Dương quay sang nhìn Phi Yến, giật mình khi chàng trông thấy nàng ngồi bó gối như một con chim nhỏ, tướng ngồi giống sư muội chàng đến lạ!
Én nhỏ, đêm nay muội ngồi cạnh huynh, những bài thơ u hoài vừa rồi huynh đọc, muội có hiểu gì không mà mặt lại ngẩn ngơ?
Phi Yến ngồi dầm mình trong ánh lửa bập bùng, đôi mắt đẹp long lanh như hai vì sao biếc, có đôi khi Cửu Dương tưởng chính sư muội chàng đang ngồi nghe chàng làm thơ bên bếp lửa của Hắc Viện năm nào. Và chàng thấy trái tim mình sống lại.
Phi Yến tựa đầu lên vai Cửu Dương.
Chàng ngồi im lặng để nàng trong tư thế ấy một hồi lâu mới đẩy nhẹ nàng ra. Chàng biết làm gì khác hơn? Xa Tây Hồ, chàng cứ mong tình xưa hãy tắt, nhưng đêm nay nhận ra nó mãi còn cháy ở trong lòng, và tê tái hiểu ra dầu cho mai này chàng đến với ai thì mối tình ấy chẳng qua chỉ là sự nối dài của mối tình chàng với sư muội chàng qua một hình bóng khác. Cứ nghĩ cảnh ôm Phi Yến trong tay mà lòng cứ ngỡ đang hôn sư muội đắm đuối, Cửu Dương rùng mình, nghe lạnh toát sau lưng.
Cửu Dương bỏ đi ra ngoài sân đền, ngồi xuống bật thềm, nâng ống tiêu lên, nghe lòng mình rạn vỡ. Tiếng tiêu sầu gửi buồn thương theo gió, từng cơn từng cơn len lỏi trên áo như muốn xoa dịu lòng chàng.
Nữ thần y, muội có biết không, đêm nay có một người đang nhớ về muội? Giấc ngủ muội cách chỗ huynh ngồi hàng vạn dặm, biết đâu trong cơn mơ đêm nay muội đang lần theo tiếng tiêu này dọ dẫm đến nơi này, ngồi lặng lẽ bên bếp lửa như một con mèo nhỏ năm nào.
Cửu Dương thổi xong khúc nhạc đưa tay lên ôm đầu và ngạc nhiên thấy mồ hôi ra uớt từng chân tóc, mặc dầu ngoài trời đã lạnh lắm sương khuya.
Phi Yến đứng đằng sau lưng chàng tự hồi nào. Khi Cửu Dương buông ống tiêu xuống nàng khẽ đặt tay lên vai chàng bồi hồi không nói. Lâu thật lâu, Phi Yến mới hỏi, ngậm ngùi:
- Có phải huynh thổi điệu nhạc này cũng dành cho người ta?
Giọng nói không khác sư muội chàng là bao, câu hỏi kề bên mà nghe như ảo ảnh, như có như không. Cửu Dương đáp và nghe tiếng lòng mình từ xa xăm vọng lại:
- Bản nhạc nào huynh cũng thổi về nàng ấy cả. Nhưng hai đứa chúng tôi như sao Sâm sao Thương, bầu trời kín mà quay hoài chẳng gặp.
Lúc đó, tuyết rơi.
(còn tiếp)
Hồi: Đại náo tân phòng (hạ)
Sáng hôm sau hai người rời ngôi đền trở về Đồng Sơn. Phi Yến khập khiễn đứng dậy, chu mồm phụng phịu:
-Muội chưa đi được, muội muốn như hôm qua.
Vừa nói nàng vừa chỉ chỉ tay xuống chân nàng, khi này sưng vù lên như một cái giò heo, rồi chỉ tay lên ngực chàng. Phi Yến nhìn Cửu Dương chờ đợi. Ánh mắt nàng có cái gì vừa dịu dàng vừa tha thiết khiến chàng không sao từ chối được, đành gật đầu.
Có dịp gần gũi chàng như vậy, Phi Yến càng bị choáng ngợp với vẻ ngoài của người đàn ông này. Nàng không khỏi ngỡ ngàng. Chàng quả là rất đẹp trai, vẻ đẹp của người đàn ông đầy bản lĩnh. Khác hẳn vẻ già dặn của lần gặp trước, lần này chàng trẻ trung dễ gần hơn.
Vả lại lần này nàng được chàng cứu mạng, lòng đã thương càng thêm thương. Nàng nhìn chàng như sói ngắm một con mồi mà chưa biết cách nào để tóm gọn.
Dường như đọc được những suy nghĩ trong đầu nàng, cặp mắt dài đầy tinh quái của Cửu Dương nheo lại.
-Hình như muội đang ngầm coi huynh là con mồi ngon nhỉ?
Phi Yến lúng túng trước cặp mắt như nhìn thấu mọi suy nghĩ của chàng. Sau một lúc cũng đáp lại đáo để:
-Nếu huynh tự cho mình là con mồi thì muội sẵn sàng làm thợ săn.
Cửu Dương cúi đầu, quan sát cô gái nằm trên tay mình. Mười bảy tuổi, trẻ trung, có ý chí. Cơ thể tràn đầy sức sống, đôi mắt sáng và biết nói, đó thực sự là một cô gái tuyệt vời. Thật đáng tiếc…
Chàng chỉ lắc đầu, cười nhẹ nhàng.
-Huynh cười tưởng muội nói đùa sao? Muội… tình cảm của muội là thật đó, từ ngay lần đầu gặp gỡ muội đã nhận ra huynh chính là định mệnh của đời muội.
-Muội yêu huynh vì cái gì?
-Nhiều lắm, vì huynh trưởng thành, khẳng khái, nam tính, biết quan tâm đến người khác, muội không kể hết được. Dù sao thì huynh khác hẳn với những người đàn ông muội đã từng gặp, huynh rất đặc biệt.
Phi Yến định nói thêm vì huynh chung tình nữa nhưng cuối cùng nàng dừng lại, nàng hạn chế hỏi về người cũ vì sợ lại khơi lên vết thương lòng chàng. Giờ nàng không biết gì hơn là ở bên cạnh chàng và chờ.
Cửu Dương bế Phi Yến trong tay đi đến chân núi Đồng Sơn. Nàng im lặng suốt một đoạn đường bỗng nói:
-Muội biết huynh cần thời gian, thời gian là liều thuốc tốt nhất chữa lành mọi vết thương, quá khứ dù đẹp đến đâu cũng không thể tồn tại, chỉ có hiện tại và tương lai là mãi mãi, muội chấp nhận chờ huynh.
Lời này khiến cho lòng Cửu Dương chấn động mạnh.
- Thơm quá, muội rất thích! Huynh để muội xuống đi.
Chàng chưa biết nói gì thì Phi Yến lại bảo đặt nàng xuống.
Chân núi Đồng Sơn hoa trà thi nhau đua nở, hoa trà là một trong những loài hoa chuyên nở trong mùa đông.
Phi Yến đứng giữa rừng trà hoa cười rạng rỡ như mặt trời mùa hạ:
-Huynh đừng lo, muội nói là chấp nhận chờ huynh không có nghĩa là buộc huynh mai này phải yêu muội, cũng không cần huynh phải thương hại, chỉ cần huynh cho muội mượn bờ vai, mượn đôi vòng tay, để dựa và sưởi ấm, như vậy đủ rồi, muội hứa sẽ trả lại cho huynh…
Khi nói câu này nàng hy vọng rằng trái tim chàng cần thời gian để chấp nhận thực tế là cuộc đời đôi khi vẫn thế, không phải điều gì ta muốn cũng được, đặc biệt khi đó là tình yêu.
-Hãy cứ bên muội như những ngày đã qua, cứ nhẹ nhàng và là chính con người huynh như thế nhé. Huynh không cần phải thương hại muội đâu, cũng không cần phải thấy mình có lỗi. Chúng ta không ai có lỗi chỉ vì mình không yêu lại một người yêu mình. Điều muội cần chỉ đơn giản là, cho muội mượn bờ vai một chút để muội dựa vào, để muội tự làm lành trái tim mình. Rồi một mai nhỡ mà huynh tìm được hạnh phúc rồi, cũng không sao, sự đợi chờ của muội sẽ không đi vào lảng phí đâu, khi đó muội sẽ đứng dậy, trả lại cho huynh bờ vai ấm áp đó. Muội sẽ chào huynh, sẽ mỉm cười chúc phúc huynh bên một người con gái khác, người con gái nào đó thuộc về huynh!
Cửu Dương xúc động nhìn Phi Yến, bên nàng chàng không cảm thấy áp lực, phải chăng vì bầu trời của nàng luôn tràn nắng lấp lánh? Và tự nhiên nghĩ nếu chàng yêu cô gái này, chỉ có hạnh phúc, hạnh phúc và hạnh phúc, vui vẻ mãi mãi.
Một cơn gió mạnh thổi tạt qua bụi hoa trà làm những cánh hoa bay tán loạn như những cánh bướm. Cảnh này khơi lại ký ức Cửu Dương hồi nhỏ, có lần hai đứa bé trốn học ra Tây hồ chơi.
Hôm đó đứa con trai đang ngồi trong học đường, một tú tài là người chuyên phụ trách dạy văn cho các cô nhi nói:
- Các em phải viết cho xong bài văn đây, kẻo rồi khi phu tử về lại mắng các em là mải chơi!
Đứa con trai kia là người nộp bài sớm nhất, vừa đặt tờ giấy lên bàn thầy giáo đã định chạy đi chơi. Vị tú tài nọ chộp lấy cánh tay nhỏ của nó, chậm rãi hỏi:
- Đã thuộc mấy bài thơ “cảm thông cho người chinh phụ” của Lý Bạch chưa nào?
- Thuộc rồi ạ - Bé trai nói.
- Đọc một bài cho huynh nghe xem.
- “Khi tóc thiếp xõa ngang trán, bẻ hoa chơi trước cửa nhà”
Trong những bài thơ về chinh phụ ngâm, bé trai thích nhất bài Trường Can Thành của Lý Bạch nên đọc thuộc lòng bài đó:
-"Chàng cưỡi ngựa trúc đến
Quanh giường nghịch ném quả mơ xanh
Cùng sống trong đất Trường Can
Hai đứa không hề ý tứ
Năm mười bốn làm vợ chàng
Mặt thẹn chẳng lúc nào tươi tỉnh
Cúi đầu ngoảnh vào vách tối
Gọi nghìn câu, không trả lời một lần"
Đang đọc bỗng bé trai im bặt, mắt chăm chú nhìn về phía một góc trong vườn hoa.
- Sao hả em? Không thuộc bài nữa hay sao? - Tú tài ôn tồn hỏi.
- Không ạ - Bé trai nói mà vẫn dán mắt về phía góc vườn ban nãy, có một người đang nấp trong đó, hai bím tóc ló ra đung đưa, cộng thêm ngón tay nhỏ nhắn xinh xinh đang chỉ chỉ về phía cầu Đoạn.
Khi này một tú tài khác bước vào, lớp học đành ngưng lại một chút, hai người thanh niên cùng trò chuyện gì đấy, lát hồi ngoảnh lại thì trên những chiếc ghế nhỏ đã vắng một học trò.
Đứa con trai vừa đặt chân lên cầu Đoạn, bé gái đã hớn hở reo:
-Đẹp không? Thất ca! Đẹp không?
Đứa con trai đứng sững lại, ngây người ra.
-Nhìn kìa, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài - Tay bé gái chỉ sang bên kia bờ hồ.
Nói rồi đứa con gái chạy băng băng sang bên đấy. Đứa con trai vụt chạy nhanh lên phía trước.
-Trên tay của huynh cầm cái gì?
Lát sau bé gái cũng qua tới bên kia bờ hồ, vừa ôm ngực thở vừa hỏi.
-Không có gì - Đứa con trai trả lời, hí hửng cười nói và giấu bàn tay đằng sau lưng.
-Đưa đây muội coi?
-Không đưa.
-Đưa đây mau lên!
Lời nói như ra lệnh, đồng thời chân bé gái cũng dậm thình thịch.
Đứa con trai cũng chiều mà đưa tay ra, ngỡ sư muội sẽ vui.
Hai giọt lệ xuất hiện trên má cô bé:
-Muội rủ huynh đến đây để ngắm cảnh hoa bướm mùa xuân, ai kêu huynh làm chúng chết đâu, coi huynh kìa, đã gây nghiệp chướng rồi đó. Coi nè, tụi nó đang là một đôi phu thê tốt đẹp như hai đứa chúng mình sau này vậy, huynh đã chia rẽ tụi nó rồi!
Dáng điệu buồn buồn của bé gái làm tim đứa con trai đau nhói. Nó giương đôi mắt vừa to vừa đen nhìn cô bé một cách ngây ngô, hồi lâu mới tiu nghỉu nói:
-Huynh bắt nó vì muội bảo thích, nếu không thì huynh bắt làm gì? Huynh đã chán trò này từ lâu lắm rồi!
Nói xong cầm con bướm ném đi…
Những cánh hoa trà chau lượn như bướm trắng một vòng cũng rơi xuống đất. Cửu Dương trở về với hiện tại, lại nhìn Phi Yến, khi này dang rộng hai tay như đôi cánh chim hít lấy hít để mùi hương dìu dặt. Khi nàng quay lại đã thấy Cửu Dương đi về phía những bụi hoa. Lúc xưa chàng đã từng hứa với sư muội rằng một mai này khi non nước tàn chiến chinh, sẽ đưa nàng đi đến thảo nguyên, tìm nơi mà trăm hoa đua nở hái tất cả các loại hoa khác nhau ở đó tặng nàng.
Cửu Dương hái không chỉ một nhánh trà hoa mà cả một bó, và với bó hoa to đùng đó trên tay chàng rảo bước đến trước mặt én nhỏ. Rồi không nói một lời, chàng lặng lẽ và trang trọng đặt bó hoa vào tay Phi Yến, lòng xao xuyến như đang ký thác cả một trời tâm sự.
Phi Yến nhẹ nhàng ôm lấy bó hoa nhưng không nhìn hoa mà mỉm cười nhìn vào mắt Cửu Dương.
Trong một thoáng, chàng chợt nhận ra nàng đáng yêu không thể tả. Trước đây chàng cũng đã nhận ra điều đó nhưng lần này mới là lần phát hiện có giá trị nhất. Và cũng chính trong khoảnh khắc kỳ diệu đó, chàng hiểu rằng nụ cười và ánh mắt nàng hôm nay sẽ mãi mãi in sâu vào tâm khảm chàng, mãi mãi, không thể phai mờ.
Mọi diễn biến chỉ xảy ra trong một tích tắc nhưng Cửu Dương cảm thấy cái giây phút ấy dường như kéo dài vô tận. Chàng thấy thời gian như ngưng đọng lại, và đúng vào lúc chàng đinh ninh hai người sắp sửa biến thành hai tượng đá giữ rừng hoa trà thì đâu đây có tiếng sột soạt vừa đột ngột phát ra từ bụi hoa bên cạnh, như thể có một con thỏ vừa phóng ra khỏi chỗ nấp. Cửu Dương giật mình đảo mắt nhìn qua bên kia bụi hoa thấp thoáng sau bóng cây thưa, một cái bóng nhỏ đang chạy vụt đi khiến chàng bỗng bồi hồi tự hỏi, ai như là Tiểu Tường?
---oo0oo---
-Muội muội ngốc, sao lại không nói với tỉ, suýt nữa hai chị em mình đã không còn dịp thấy nhau.
Cả đêm qua Phi Nhi bồn chồn chờ Phi Yến dưới chân núi Đồng Sơn, giờ thấy mặt liền ôm chằm lấy em gái vừa trách vừa khóc.
-Xin lỗi tỉ tỉ - Phi Yến ái náy đáp.
Hai người dìu nhau trở về khu trại trên Đồng Sơn.
---oo0oo---
Tiểu Tường chạy băng băng qua rừng hoa trà, dừng lại bên một cây đa to, khi nãy nàng thấy Phi Yến Cửu Dương bên nhau hai người đáp trả thoải mái, nàng không chịu được cái cảnh này, vừa nghĩ tình yêu của nàng dành cho chàng ấm áp và chân thành biết bao! Chuyện gì cũng làm vì chàng, vậy mà...Sao huynh không chọn muội!
Tiểu Tường ngồi xuống bên gốc cây.
-Tường Nhi...
Có tiếng ngập ngừng từ phía sau nàng.
-Huynh đừng gọi người ta!
Tiểu Tường nói lớn, vẫn không quay lưng lại. Những trăm ngàn uất ức trong lòng nàng vào giây phút này đã tràn khỏi con đê ngăn.
Tiểu Tường khóc rồi, khóc nức nở, đôi vai nhỏ run bần bật, nước mắt vòng quanh mặt, nhưng không muốn chàng thấy nàng khóc, liên tục dùng tay lau mặt, lau vừa mạnh vừa nhanh. Thôi thôi đừng khóc nữa, nàng nhủ bụng, mi lúc nào cũng thế này, toàn tự một mình huyển hoặc, cứ hy vọng mãi, tưởng sẽ thay đổi được người ta... Bây giờ mi không còn cơ hội gì nữa rồi...không còn cơ hội gì nữa…
-Thôi nín đi, nghe huynh này.
Cửu Dương đi vòng ra trước mặt quỳ xuống, dỗ dành, dùng ngón tay cái lau nước mắt cho nàng. Sau một hồi, Tiểu Tường không khóc nữa. Rồi một hồi nữa, mới bình tĩnh lại, nhìn chàng:
-Những gì huynh nói, toàn là nói dối, huynh từ chối tình cảm của người ta, sở dĩ như vậy chỉ vì không ưa thích, chứ sao lại nói rằng chưa quên được tiểu sư muội?
Nàng khi nói câu này đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, nhưng câu đầu tiên của Cửu Dương đã làm nàng giật mình.
-Không, lòng của huynh cũng như kim chỉ nam, từ xưa tới nay cũng chỉ cùng một phương hướng thôi.
-Huynh nói dối, rõ ràng có tình với Phi Yến!
Nàng lại bị kích động khi nói câu này, giọng nói gằn cao.
Tiểu Tường nói rồi yên lặng nhìn chàng. Nàng nhớ mới đây thôi, khi trao bó hoa đó cho Phi Yến, cái ánh mắt đầy quan tâm của chàng nàng đã thấy một phần tình cảm dành cho Phi Yến. Lúc đó nàng cứ ngỡ rằng chàng đã yêu. Thế mà bây giờ chỉ nói là khí phách của người thanh niên, muốn bảo vệ, che chở cho một cô gái yếu đuối thôi sao? Và Tiểu Tường bỗng giật mình. Như vậy thì Phi Yến là người có nhiều hấp lực thật. Bất cứ một người nào đến gần đều như bị cuốn hút, đều có cảm tình với cô ta.
Cửu Dương im lặng, Tiểu Tường hỏi:
-Muội nói trúng rồi, chối không được, phải không?
Chàng lắc đầu.
-Vậy tại làm sao?
Cửu Dương tặt lưỡi, tránh không nhìn Tiểu Tường:
-Vì huynh thấy Phi Yến có nhiều cử chỉ giống…nữ thần y.
Tiểu Tường như từ trên mây rơi xuống đất. Lời giải thích của Cửu Dương khiến nàng thẫn thờ. Hoá ra là vậy. Không ngờ một vị anh hùng tay không đánh cả thiên quân vạn mã ở rừng Tây Sơn lại ngây thơ và ngốc nghếch quá đỗi. Cô gái đó đã dẫm qua đời chàng bằng đôi giày đầy gai nhọn, trái tim chàng rớm máu, sao lòng còn giăng mắc sợi tơ xưa? Để bây giờ tìm một hình bóng giống vậy mà thay thế, tình yêu tạm bợ này sẽ tồn tại đến bao giờ?
-Huynh vẫn không thể gạt đi bóng hình nàng ấy để tìm đến một người hoàn toàn mới, vẫn vẽ hình nàng ấy hằng đêm, và thậm chí khi đi qua những nơi giống như góc nhỏ kỷ niệm, vẫn còn cảm giác tim nhói buốt. Phi Nhi nói huynh chưa chịu buông tha tình cũ cũng đúng, Nghị Chánh nói huynh là một gã dở hơi ôm ấp một mối tình si cũng chẳng sai. Là huynh cam tâm tình nguyện đứng yên một chỗ chờ đợi, dù cô ấy có khi đã không còn nhớ tới. Là huynh cam tâm tình nguyện đứng phía sau dõi theo bóng của cô ấy dù đã nói câu cố quên hàng vạn lần, cách nhau hàng vạn ngày thương nhớ.
Tiểu Tường nhìn Cửu Dương, chàng đẹp, từ dáng người đến khuôn mặt, tiếng nói trầm bỗng, phong nhã, đĩnh đạc, duyên phải biết. Thế mà...
Ánh mắt nàng chợt dàu dàu. Người ta hay nói đàn bà vương vấn tình xưa, đàn ông say đắm tình vừa mới quen, còn chàng, thì ngược lại.
Nhớ hồi ở Hàng Châu, gái đẹp đi qua, chàng không liếc nhìn huống chi dán mắt vào họ, chàng hoàn toàn không bận tâm tới những cô nương môi son má phấn ấy, như bị mê muội bởi một bóng người thướt tha đứng bên bờ hồ. Mà người đó bất quá khi gặp chỉ hỏi vài câu bâng quơ, ra vẻ chẳng quan tâm gì chàng. Còn mấy cô nương xinh đẹp tài mạo không kém theo tán, chàng tiếp chuyện, nhưng trong lòng không buồn để ý. Họ ức lắm, sau này Tiểu Tường hay nghe các cô gái Hàng Châu khi nói về chàng thường có câu: “Vẫn bộ y phục màu trắng, như một u hồn đang phiêu diêu nhưng đầy mê hoặc, mặt mang một nỗi điềm nhiên lạnh lùng.” Sau đó họ đọc:
“Ngũ quan Tuấn tú
Lắm cô si mê
Nhưng anh trót thề
Yêu mãi mình em
Vẻ ngoài bảnh bao
Ăn nói ngọt ngào
Duyên anh sẵn có
Thuỷ chung anh thừa!”
Đọc rồi họ bưng miệng cùng cười.
Ngồi nhớ lại, Tiểu Tường hỏi:
-Cả đời này huynh chỉ yêu sư muội thôi sao?
Cửu Dương gật đầu một cách cương quyết.