Năm Quang Nhật thứ tám, hoàng cung Bách Phượng đón xuân trong một bầu không khí ảm đạm. Hoàng tộc họ Tống vừa mất đứa trẻ đầu tiên. Tứ phi lại bớt đi một người. Hoàng đế vì việc này mà nổi cơn thịnh nộ, chẳng buồn đón giao thừa cùng hoàng hậu. Đây đã là năm thứ hai đêm giao thừa ở Triêu Lan cung thiếu vắng long nhan. Chuyện xấu đồn xa, chẳng bao lâu, đến cả văn võ bá quan cũng bắt đầu ngờ vực rằng hoàng đế đã ghét bỏ hoàng hậu rồi.
Liễu Yến Yến đã thành kẻ vô dụng. Đứng đầu chúng phi hiện nay chỉ còn ta và Triệu Lam Kiều. Nhưng dẫu có được sủng ái thế nào thì ta vẫn là công chúa nước khác, Triệu Lam Kiều mới là người có khả năng ngồi lên hậu vị. Hướng gió thay đổi, hậu cung cũng bắt đầu sục sôi. Lãng Hà cung ngày nào cũng tấp nập người tới thăm hỏi. Mà nơi nào có nhiều người thì ắt sẽ lắm việc thị phi.
Nghe đâu có một hôm, Liên Nhạc chẳng biết vì sao lại đụng phải Quỳnh Tử Yên và Dương Ngọc Huệ ở gần Lãng Hà cung, càng không rõ phạm phải tội gì mà bị hai kẻ hung hãn kia bắt dập đầu tạ tội đến nỗi trán chảy máu ròng ròng. Hoàng đế biết được thì giận lắm, lập tức ra lệnh phạt Quỳnh Tử Yên và Dương Ngọc Huệ quỳ hai canh giờ, còn trách hoàng hậu không biết quản lí hậu cung. Riêng phần Liên Nhạc, tuy được hoàng đế đích thân đến an ủi hồi lâu nhưng vết thương trên trán nàng khá nặng, e rằng sau sẽ để lại sẹo khó coi. Cũng may, trong họa có phúc. Hoàng đế nhân dịp này chuyển Liên Nhạc khỏi Sương đình, dời đến ở Lạc Mai cung. Ở chỗ Minh Du, chỉ cần Liên Nhạc biết yên phận như trước thì đời này không còn gì phải lo ngại.
Đến tận lúc này, ta vẫn còn bị chuyện của Xuân Hạnh dằn vặt, cả ngủ cũng không ngon, làm gì còn tâm trạng hóng chuyện thiên hạ. Vì vậy khi Tiểu Phúc Tử đến bẩm báo, ta cũng chỉ nghe tai này lọt qua tai kia mà thôi. Ấy thế nhưng Ngọc Nga lại tỏ ra phật ý. Nàng nói:
– Liên tiểu chủ bề ngoài thanh cao thoát tục, không ngờ cũng là kẻ gió chiều nào che chiều ấy. Bỗng nhiên xuất hiện ở gần Lãng Hà cung? Còn không phải là đi bợ đỡ Triệu đức phi sao?
Ta biết Ngọc Nga vẫn còn ác cảm với Liên Nhạc vì chiếc gối thảo mộc thêu uyên ương đợt trước. Việc Liên Nhạc lợi dụng Trịnh Vân Anh để tiếp cận ta, dĩ nhiên ta chưa quên. Nhưng chuyện lần này thực sự không thể trách nàng.
Liên Nhạc được hoàng đế chú ý chỉ vì có gương mặt hao hao giống Lê Khiết. Hoàng đế đối tốt với nàng trước sau cũng vì nhớ đến tình nghĩa với Lê Khiết mà thôi. Nhưng rốt cuộc nàng vẫn chỉ là cái bóng của Lê Khiết, như vậy ân sủng sao có thể bền vững? Năm qua tháng lại, đến một ngày khi ngay cả Lê Khiết cũng chìm vào quên lãng, một cái bóng như Liên Nhạc biết phải làm sao?
Tình cảnh xót xa như vậy, Liên Nhạc buộc phải luồn cúi cũng là lẽ thường tình. Thế nên, ta chẳng nỡ trách nàng. Ngày trước chẳng phải ta cũng từng cài ngọc trâm hồ điệp của hoàng hậu đó sao?
Ta cười, nói với Ngọc Nga:
– Ngay cả Dương thuận dung còn lui tới Lãng Hà cung cơ mà.
Ngọc Thủy đang thu xếp đồ đạc ở gần đó, nghe đến Dương Ngọc Huệ, không kìm được phải tham gia:
– Dương thuận dung tính tình ngang ngược phách lối, nếu không nhờ hoàng hậu che chở thì làm gì còn sống được đến hôm nay?! Không ngờ hoàng hậu chỉ mới gặp vài chuyện không may, nàng ta đã quay lưng đi đầu quân cho Triệu đức phi rồi!
Ta nghe Ngọc Thủy giận dữ chỉ trích Dương Ngọc Huệ, chỉ có thể lắc đầu cười cho qua chuyện.
Từ lần bị thái hậu giáng chức, Dương Ngọc Huệ đã bất mãn hoàng hậu rồi. Nàng ta trở mặt cũng chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Điều làm ta canh cánh trong lòng chính là Ngọc Thủy. Nàng xuất thân từ Hà phủ, đối với hoàng hậu luôn vạn phần kính trọng. Tuy từ trước đến nay nàng chưa từng làm gì có lỗi với ta nhưng nàng vẫn nặng lòng với hoàng hậu thế này… Ta không khỏi sinh tâm nghi ngại. Người như nàng, rốt cuộc nên dùng hay không?
Dường như Ngọc Nga cảm nhận được tâm trạng nặng nề của ta, liền chủ động chuyển đề tài:
– So ra vẫn là Lạc thục dung có lòng. Hôm qua, tỳ nữ của nàng ấy đã đưa quà cảm tạ chủ nhân, cũng không quên Bạch tiểu chủ và Phong tiểu chủ. Người đến đúng lúc chủ nhân đang ngủ trưa. Nô tỳ đã thay chủ nhân chọn vài món đồ tương xứng để đáp lễ nhưng lại quên bẵng đi mất, giờ mới nhớ ra để bẩm báo, xin chủ nhân tha tội.
Nàng nói đoạn, thong thả mở tủ lấy ra một đôi guốc gỗ xinh xắn đặt xuống cạnh chân ta.
Ta vui vẻ xỏ chân vào đi thử, không kiềm được phải xuýt xoa khen ngợi:
– Lạc thục dung thực là khéo léo. Thủ công còn nhỉnh hơn cả nữ quan ở Thượng cung cục đấy chứ!
Ngọc Nga cười nói tiếp:
– Phía Bạch tiểu chủ, Lạc thục dung tặng một cái chặn giấy khắc hình hoa cúc còn Phong tiểu chủ thì nhận được một cây kiếm gỗ.
Ta gật đầu tán thưởng:
– Bảo kiếm tặng anh thư. Tâm tư của nàng xem chừng còn tinh tế hơn cả tay nghề khắc gỗ này.
Ngọc Thủy bật cười:
– Quả đúng như vậy. Phong tiệp dư vừa nhìn thấy cây kiếm gỗ kia thì hai mắt đã sáng lên, chẳng nỡ rời tay. Nghe người bên Bắc viện kể lại, từ tờ mờ sáng Phong tiệp dư đã thức dậy luyện kiếm rồi.
Bản thân ta cũng rất thích đôi guốc này, bèn đứng dậy đi qua đi lại mấy vòng. Tiếng guốc gõ lộc cộc trên nền nhà nghe thật vui tai. Nhưng vui vẻ chẳng được bao lâu thì ta lại nhớ đến lời nhờ vả của Lạc Linh Chương, tâm tình chợt rối bời.
Chuyện này ta đã thử nhắc đến trước mặt hoàng đế. Hắn chẳng tỏ thái độ gì, chỉ hờ hững đáp: “Sức khỏe Linh Chương không tốt, cứ ở mãi trong phòng khó tránh tâm tình u uẩn. Đợi đến khi tiết trời ấm áp, bảo cung nhân đỡ nàng ấy ra ngoài dạo chơi, hít chút khí trời thì sẽ thôi nghĩ ngợi vẩn vơ.”
Nghe nói sau đó, hoàng đế đã sai người mang đến chỗ Lạc Linh Chương mấy bao đất quý. Loại đất này màu mỡ phì nhiêu đặc biệt chỉ có ở vùng núi Long Tu. Để duy trì cho ngự hoa viên bốn mùa tươi tốt, Nội thị giám phải sai người vượt ngàn dặm xa xôi hiểm trở mang đất ấy về. Lạc Linh Chương rất thích hoa quỳnh, nhưng giống hoa này khó trồng, lại chóng tàn. Mấy bao đất này có lẽ sẽ giúp nàng ngắm hoa quỳnh được lâu hơn một chút, nhưng e chẳng ích lợi gì đối với tâm bệnh của nàng.
Từ đầu, ta đã biết hoàng đế sẽ chẳng đồng ý nên cũng không trông mong nhiều, chỉ thấy thương xót cho Lạc Linh Chương mà thôi. Đời này, có lẽ nàng chẳng còn cơ hội gặp lại mẫu thân rồi.
Thời gian chậm rãi trôi đi, thấm thoắt đã đến tiết Nguyên Tiêu. Nhớ lại độ này năm ngoái, ta đang sống dở chết dở ở hành cung Thanh An. Ta cảm thấy mình chỉ hợp phong thủy Cẩm Tước cung, hễ cứ ra ngoài là gặp xui xẻo. Có lẽ năm nay hoàng đế cũng đã ngộ ra điều ấy nên chẳng lôi ta đi đâu nữa. Khi hoàng hậu tỏ ý muốn mở tiệc mừng sinh thần cho ta tại Triêu Lan cung, hoàng đế cũng gạt đi.
Sức khỏe hoàng đế đã ổn định nhưng hắn vẫn thích diễn trò đau ốm trước mặt quần thần. Vì vậy hắn vẫn theo lệ cũ ba ngày mới thượng triều một lần. Sinh thần ta rơi vào đúng hôm hoàng đế không phải thượng triều, vì vậy từ sớm hắn đã đến Cẩm Tước cung ăn dầm nằm dề.
Khi hắn đến nơi thì ta mới vừa ngủ dậy. Ta đang ngồi trước gương, tóc còn chưa kịp chải xong, lôi thôi vô cùng. Hắn trông thấy bộ dạng ta chẳng ra làm sao, liền phá lên cười chọc quê. Ta còn chưa biết nên nổi giận hay nên tạ tội thì hoàng đế đã phẩy tay đuổi hết cung nữ ra ngoài. Hắn đi đến bên cạnh ta, chậm rãi cầm chiếc lược gỗ trên bàn giúp ta gỡ từng lọn tóc rối. Ta lặng người nhìn dáng vẻ hắn phản chiếu trong tấm gương đồng trước mặt. Động tác của hắn hơi vụng về, nét mặt tuy vô cùng tập trung nhưng rõ ràng không quen tay nên phải hồi lâu sau mới làm xong một kiểu bới nửa đầu đơn giản. Ấy thế nhưng trông hắn có vẻ hài lòng lắm.
Hắn vỗ vỗ vai ta, vênh mặt hỏi:
– Thế nào? Không tệ đấy chứ?
Ta gật đầu, trịnh trọng đáp:
– Không tệ chút nào, hơn thần thiếp hẳn một bậc!
Nhớ lại có lần ta tranh việc với Ngọc Nga, giành tự mình bới tóc. Chật vật một hồi cũng làm xong, đang định hỏi Ngọc Nga thấy tay nghề ta thế nào thì vừa đúng lúc Tạ Thu Dung bước vào. Nàng trợn mắt nhìn đầu tóc ta, kinh hãi ré lên: “Ngọc Nga! Ngươi bới tóc kiểu gì mà trông như tổ chim thế kia?!”
Từ đó về sau, ta không còn giành bới tóc nữa.
Hoàng đế chưa biết đến tài bới tóc kinh thiên động địa ấy nên nghe ta nói thế thì khoái chí vô cùng. Đoạn, hắn lần tay áo lấy ra một cây trâm gỗ, nhẹ nhàng cài lên búi tóc của ta.
Cây trâm khắc hình mấy đóa tử đinh hương nhỏ xinh, giữa mỗi đóa hoa bé xíu lại khảm một hạt thạch anh tím lóng lánh. Trên thân trâm hình như còn khắc một chữ rất nhỏ. Ta phải nheo tít cả mắt lại mới đọc được, ấy là chữ “Tiếu”.
Hoàng đế trông thấy ta nhìn cây trâm chằm chằm thì đột nhiên đỏ mặt. Hắn ấp úng giải thích:
– Năm ngoái làm bánh bao, trẫm lỡ để quên bếp lửa… suýt chút là cháy mất cả Noãn các… nên năm nay lão Tô sống chết cũng không cho trẫm làm nữa… trẫm đành làm cho nàng cái này… Nếu nàng không thích… không dùng cũng không sao…
Hắn nói rồi, giơ tay toan gỡ trâm xuống.
Ta vội vàng nắm lấy tay hắn, cản lại:
– Thiếp thích mà…
Cầm tay hoàng đế ta mới giật mình phát hiện, trên tay hắn có mấy vết thương rất mới. Ta hoảng sợ ngước nhìn hắn, nói không nên lời:
– Hoàng thượng…
Hoàng đế lắc đầu, khẽ đáp:
– Hết đau lâu rồi… đừng lo.
Ta chẳng rõ hắn có nói thật hay không, nhưng chẳng hiểu sao trái tim ta lại vô cớ nhói đau, bàn tay đang cầm tay hắn cũng run lên. Hoàng đế thấy vậy, lại phì cười, dùng tay còn lại xoa đầu ta nhè nhẹ:
– Chỉ là vết thương ngoài da, có đáng gì đâu?
Ta còn định nói thêm nhưng hoàng đế đã chặn lời:
– Trẫm đã nói rồi, không sao cả. Nàng mà còn nhiều lời xem như phạm tội khi quân.
Hoàng đế đã ỷ thế ép người, ta chẳng dám lắm lời nữa.
Ở Tùy Khâu, Nguyên Tiêu là một dịp lễ lớn. Mỗi năm, tới thời điểm này, phụ hoàng của ta đều tổ chức tiệc tùng ca múa linh đình, mời hết thảy văn võ bá quan đến Thượng Uyển thưởng hoa, thi thố văn thơ. Hậu cung cũng muôn phần nhộn nhịp, khắp nơi đều treo lồng đèn đủ hình thù, màu sắc đẹp đẽ.
Bách Phượng cũng có tục chơi lồng đèn vào dịp Nguyên Tiêu, nhưng tục ấy chỉ tồn tại ngoài dân gian. Nghe nói thời Tiên đế mới kế vị, chính sự còn rối ren. Trong hậu cung có kẻ thông đồng với quan viên trong triều, mượn việc thả đèn trời mà đưa tin ra ngoài, bị Tiên đế biết được. Ngài cả giận, lập tức xử tử phi tần đó rồi ban lệnh cấm hậu cung không được thả đèn trời nữa. Tuy rằng khi ấy Tiên đế chỉ cấm đèn trời chứ không cấm việc ăn mừng Nguyên Tiêu, nhưng ai ai cũng hiểu sự việc năm đó vĩnh viễn là cái gai trong lòng ngài. Thế nên, trong cung cũng chẳng còn ai hào hứng với tết Nguyên Tiêu nữa. Chuyện cũ dần thành lệ. Đến bây giờ, trong hoàng cung Bách Phượng, Nguyên Tiêu cũng chỉ là một ngày rằm như mọi ngày rằm khác trong năm mà thôi. Nếu không, hoàng đế đã chẳng thể đến Cẩm Tước cung, cùng ta an nhàn nằm vắt chân trên sạp gỗ sưởi nắng, ăn bánh ngọt, nói chuyện vu vơ thế này. Có lần, hoàng đế nói với ta, năm trước hắn dắt ta ra ngoài cũng chỉ vì muốn cùng ta đi ngắm lồng đèn. Chẳng ngờ, lồng đèn không thấy đâu, ta lãnh trọn một mũi tên độc còn hắn thì rước về một cục nợ họ Tô. Rút kinh nghiệm từ lần đó, năm nay, hoàng đế không bày vẽ nữa.
Sinh thần của ta, hoàng hậu rộng lượng miễn cho lễ thỉnh an. Vậy nên, ta hoàn toàn rảnh rỗi. Hoàng đế biết ta chẳng hứng thú mấy chuyện tao nhã như đánh đàn, ngâm thơ, bèn hỏi ta thích làm gì. Hắn nói trong ngày đặc biệt này, hắn sẽ cùng ta làm điều ta thích. Ta liền bảo với hắn, chuyện ta thích nhất chính là nằm ườn một chỗ không làm gì cả. Thế là hoàng đế sai người khiêng chiếc sạp gỗ trong phòng ta ra kê ở mái hiên, chúng ta cùng làm hai con sâu lười. Chúng ta nằm chán lại ngồi, ngồi chán lại nằm, cứ thế tận hưởng sự bình yên ấm áp hiếm hoi này, chẳng bận tâm tương lai còn bao cơn sóng gió chực chờ.
***
Tháng hai năm Quang Nhật thứ tám, Tùy Khâu đưa tin bệnh tình của phụ hoàng trở nặng. Vì quốc gia đại sự, phụ hoàng quyết định nhường ngôi cho thái tử Chu Trường Lăng, lui về làm thái thượng hoàng chuyên tâm dưỡng bệnh.
Chu Trường Lăng lên ngôi, đặt hiệu là Thuận Thiên. Trần hoàng hậu sau mấy năm bị Thẩm quý phi đè đầu cưỡi cổ, cuối cùng cũng leo lên được ngôi thái hậu, nhận phong hiệu Từ Khánh. Thẩm quý phi thăng thành quý thái phi. Các hoàng tử đồng loạt được phong vương, công chúa thì được ban châu báu ngọc ngà. Ngay cả nữ tử lưu lạc vạn dặm xa xôi như ta cũng được Chu Trường Lăng nhớ đến, thăng hẳn làm trưởng công chúa, phong hiệu Hiếu Thục. Mấy rương lễ vật của Chu Trường Lăng gửi đến cho ta đều khắc đủ năm chữ “Hiếu Thục trưởng công chúa” vừa to vừa rõ. Chu Trường Lăng làm thế chẳng khác nào giễu cợt ta. Ta nhìn mà không khỏi ngán ngẩm. Loạn binh đao mỗi lúc một gần hơn.
Nghĩ đến mặt tích cực, bỗng nhiên có vài rương châu báu cũng là chuyện tốt. Ta lựa ra mấy món đáng giá nhất đem hiếu kính với hoàng hậu, đương nhiên cũng không quên đưa đến chỗ mấy người tỷ muội thân thiết của mình. Nghĩ bụng, nếu mấy chữ “Hiếu Thục trưởng công chúa” này mà cứ đổi được ngân lượng mãi thì ta cũng vui lòng chấp nhận.
Tin Chu Trường Lăng kế vị làm cả triều đình Bách Phượng chấn động, nhưng đó chưa phải là biến cố lớn nhất trong mùa xuân năm ấy. Không lâu sau, trời lại nổi phong vân.
Một ngày xuân ấm áp, từ ngoài cung truyền vào tin hữu tướng Trịnh Hoằng bị côn đồ ám toán. Một lão tướng cả đời xông pha trận mạc, bách chiến bách thắng cuối cùng lại bỏ mạng như vậy ngay tại kinh thành, khiến cho hết thảy mọi người đều cảm thấy xót xa. Trịnh thị lại thêm một phen điêu đứng. Trịnh Vân Anh nghe tin, tay chân rụng rời, chẳng nói nổi lời nào đã chết ngất.
Trịnh Vân Anh đau lòng ngã bệnh đã hơn tháng ròng vẫn chẳng thấy khởi sắc. Mỗi lần ta đến thăm đều thấy muội ấy nằm thẫn thờ, sắc mặt càng lúc càng nhợt nhạt.
Có lúc, muội ấy níu lấy áo ta, khóc rưng rức: “Có phải là do muội thấy chết không cứu… cho nên mới liên lụy phụ thân chịu quả báo thay muội không?”
Có lúc, muội ấy lại lẩm bẩm một mình: “Lão thầy bói kia nói không sai… Nhất định là do muội mệnh xấu… Đã khắc chết đại ca, bây giờ lại khắc cả phụ thân…”
“Cô nương sinh ra dưới chòm sao xấu, bẩm sinh số mệnh đã gắn với hai chữ ly biệt…”
Chẳng hiểu sao, mấy lời giả thần giả quỷ của lão thầy tướng số năm trước như vọng lại bên tai ta. Ta tất nhiên chẳng mảy may tin tưởng nhưng cũng chẳng biết phải an ủi muội ấy thế nào, chỉ có thể lặng lẽ ngồi bên cạnh muội ấy, để muội ấy tựa vào vai mình mà rơi lệ.
Cái chết của Trịnh tướng cũng khiến hoàng đế trăn trở không yên. Nghe Lý Thọ nói, đã mấy đêm rồi hắn không tài nào chợp mắt được. Đàm Mộc lo bệnh cũ của hắn tái phát, hết mực khuyên nhủ nhưng vẫn vô dụng. Lý Thọ và Tô Trường Tín đều hết cách, chỉ còn biết tới tìm ta.
Khi ta đến Noãn các cầu kiến thì hoàng đế đang ngồi đọc tấu chương bên một ngọn nến nhỏ. Nghe thấy bước chân ta, hắn ngẩng đầu nhìn lên, khẽ nở nụ cười, giang tay vẫy gọi ta:
– Hiếm khi thấy nàng đến tìm trẫm. Mau lại đây!
Ta lặng lẽ đến ngồi bên cạnh hoàng đế, chăm chú quan sát sắc mặt u ám của hắn, chợt thấy đau lòng:
– Hoàng thượng làm gì cũng phải nghĩ cho sức khỏe của mình chứ.
Hoàng đế gục đầu lên vai ta, giọng mỏi mệt:
– Bây giờ, trẫm chẳng biết phải nghĩ gì, làm gì mới phải.
Ta nghiêng đầu tựa lên đầu hắn, nhẹ nhàng cất lời:
– Hoàng thượng, chuyện của Trịnh tướng quân cũng là ngoài ý muốn…
Chẳng đợi ta nói hết câu, hoàng đế đã bật cười chua chát:
– Là chuyện ngoài ý muốn của chúng ta, nhưng đối với kẻ khác thì chưa chắc.
Ta hơi giật mình, dè dặt hỏi lại:
– Ý hoàng thượng là…
Hoàng đế nhắm mắt lại, chầm chậm nói:
– Trịnh Hoằng cả đời thanh bạch, y phục chỉ độc một loại vải thô, bổng lộc có bao nhiêu đều đem cứu tế dân nghèo. Trên người lão có cái gì đáng cướp? Lại nói, người trong kinh thành đều biết mặt lão, bọn côn đồ thông thường dù có hung hăng thế nào cũng làm sao có gan động đến Trịnh tướng gia? Trẫm vừa nghe tin Trịnh Hoằng bị kẻ cướp giết hại liền biết chuyện này nhất định có nội tình. Trẫm sai Đàm Mộc đích thân đi nghiệm thi, đây chính là kết quả.
Nói rồi, hắn đặt quyển tấu sớ đang đọc vào tay ta. Thấy ta ái ngại không dám cầm, hắn thở hắt ra:
– Không cần nhát gan như vậy. Thứ nàng không thể đọc, trẫm tất sẽ không đưa cho nàng.
Nghe hoàng đế nói thế, ta mới yên tâm giở ra đọc. Thế nhưng đọc được mấy dòng, hai tay ta đã run lên.
Tuy thân thể Trịnh tướng chi chít vết thương, nhưng vết thương đầu tiên lại là vết thương trí mạng. Đàm Mộc xác định Trịnh tướng bị đâm một nhát thẳng vào tim, chết ngay tức khắc. Những vết thương sau đó chỉ là để ngụy trang, tạo hiện trường một cuộc ẩu đả.
Trịnh tướng già yếu bệnh tật, không còn phong độ một địch mười năm nào nhưng vẫn chưa đến nỗi không tránh nổi một đao của đám côn đồ đầu đường xó chợ.
Ta ngước nhìn hoàng đế, cẩn thận thăm dò:
– Chuyện này… hoàng thượng định xử lý thế nào?
Hoàng đế day day thái dương, chán nản đáp:
– Trẫm đau đầu suốt một thời gian dài mà vẫn không thể nghĩ ra biện pháp. Thừa Nguyên biết phụ thân hắn chết oan, nhất quyết đòi tự mình đi điều tra…
Bọn côn đồ kia sau khi sát hại Trịnh tướng đã lột sạch tư trang của ông. Như hoàng đế đã nói, trên người Trịnh tướng chỉ mang bạc lẻ, đồ vật đáng giá xét ra cũng chỉ có mỗi một miếng ngọc bội gia truyền. Trịnh Thừa Nguyên lần theo manh mối này, đi khắp các hiệu cầm đồ ở kinh thành dò hỏi, không ngờ thực sự tìm được ngọc bội. Mà điều không thể ngờ hơn – người đem ngọc bội của Trịnh tướng đi cầm lại là huynh trưởng của Liễu Yến Yến, đại công tử Liễu thị, Liễu Nghiên.
Ta dè dặt nói:
– Liễu thị không thiếu tiền tài. Liễu đại công tử sao lại đến mức phải đi làm cướp?
Mà có cướp thì cũng nên lựa đám trọc phú mà cướp chứ, sao lại to gan nhắm vào lão tướng Trịnh Hoằng?
Nét mặt hoàng đế càng trở nên khó coi. Hắn lấy lại bản ghi chép từ tay ta, gần như muốn vò nát nó:
– Liễu Nhất đức cao vọng trọng nhưng trưởng tử của lão ta lại chẳng ra gì. Liễu Nghiên kia quanh năm suốt tháng chỉ biết rượu chè, bài bạc… Có điều, lá gan của hắn rất nhỏ, xưa nay chưa từng làm ra chuyện gì quá đáng nên trẫm luôn mắt nhắm mắt mở. Trẫm biết chắc chắn Liễu Nghiên không có gan động đến Trịnh Hoằng, nhưng nay Thừa Nguyên lại tìm được chứng cớ xác thực như thế…
Hoàng đế bỏ lửng câu nói, khẽ buông tiếng thở dài.
Chuyện này có lẽ Liễu Nghiên cũng bị gài bẫy. Liễu Yến Yến vừa phạm tội tày trời, nay huynh trưởng của nàng ta lại vướng vào án mưu hại trọng thần. Nếu đem chuyện này ra ánh sáng, chỉ sợ Liễu thái phó không chống đỡ nổi.
Hoàng đế cảm thấy có lỗi với nhà họ Trịnh, nhưng hắn lại càng không thể cứ thế tự chém đứt cánh tay phải của mình. Ta nhìn hắn giãy giụa trong thế tiến thoái lưỡng nan, không thể không tự trách bản thân vô dụng. Nếu lúc trước ta suy tính chu toàn hơn thì Liễu Yến Yến đã không phải chịu oan, hoàng đế cũng chẳng đến nỗi bị dồn ép như vậy.
Hoàng đế nhắm mắt, im lặng ngả đầu lên vai ta, dường như đã ngủ thiếp đi. Ta lặng nhìn xấp giấy nhàu nát trong tay hắn, lòng ngàn vạn ngổn ngang. Mãi lâu sau, khi bờ vai ta bắt đầu tê mỏi vì sức nặng của hoàng đế, hắn mới cất lời:
– Trẫm đã thề với Thừa Nguyên… Nói hắn cố gắng vì đại cục mà nhẫn nhịn một năm, khi đại sự thành rồi, trẫm nhất định sẽ đòi lại công bằng cho Trịnh thị…
Từng lời hắn thốt lên như thấm đẫm bi thương cùng bất lực.
Trên bàn, ngọn nến đã cháy đến chân nhưng đám nô tài sợ hãi chẳng dám vào châm thêm nến mới.
Thoáng chốc lửa tàn, cả gian phòng như bị nhấn chìm trong bóng tối âm u.