Ta không rõ chàng có nghe thấy không, nhưng ta cứ hát thôi, hát cho vơi đi nỗi muộn phiền trong lòng. Kẻng báo canh năm, ta chợt thấy những ngón tay của chàng động đậy. Khi đó, trời vẫn còn nhá nhem tối, ta còn chưa kịp vui mừng thì đã bị cung nữ của Hoàng hậu tống cổ ra ngoài. Ở bên trong, Hoàng hậu hân hoan reo lên:
- Hoàng thượng đã tỉnh! Người đâu! Mau! Mau đi báo tin cho Thái hậu và Thái thượng hoàng.
Ta còn nghe thấy cung nữ kể công giúp chủ nhân của Phượng Hoàng cung:
- Bẩm Hoàng thượng, suốt mấy ngày hôm nay, Hoàng hậu lo lắng cho người đến mất ăn mất ngủ. Người xem! Hoàng hậu gầy xác xơ ra rồi. Chỉ vì muốn lấy máu làm thuốc dẫn cứu người, Hoàng hậu đã không ngần ngại để mười đầu ngón tay của mình bị thương tổn.
Hoàng hậu mắng mỏ cung nữ:
- Im ngay! Ai cho các ngươi nhiều lời?
Các cung nữ vẫn to gan làm màu:
- Bẩm Hoàng thượng, cho dù hôm nay có bị phạt, nô tì cũng phải nhiều lời. Hoàng hậu nương nương đối với chuyện tình cảm quả thực rất ngốc nghếch, trong khi các phi tần khác tìm đủ mọi cách để tranh sủng, nương nương lại chọn cách yêu thương Hoàng thượng trong thầm lặng. Rằm tháng nào nương nương cũng cầu nguyện, chỉ mong Hoàng thượng luôn bình an.
- Bẩm Hoàng thượng, tình cảm Hoàng hậu dành cho người bao la như biển rộng, nương nương từng nói với nô tì nếu Hoàng thượng có mệnh hệ gì, nương nương sẽ không đủ dũng cảm để bước tiếp con đường này.
- Bẩm Hoàng thượng, nương nương là chủ hậu cung, bận trăm công nghìn việc nhưng ngày nào cũng dậy từ canh năm để chuẩn bị bữa sáng cho Hoàng thượng, còn không quên dặn dò các đầu bếp giữ bí mật, tránh làm Hoàng thượng khó xử. Hoàng thượng thích ăn món gì, nương nương đều cố gắng học hỏi. Hoàng thượng chỉ ho khẽ một cái thôi cũng đủ khiến ruột gan nương nương quặn thắt. Ngay cả việc Hoàng thượng thích Đơn tần, nương nương cũng để tâm. Nương nương còn cho thị vệ đi đón Đơn tần, mong Đơn tần về cung sớm để khi Hoàng thượng tỉnh lại có thể nhìn thấy nàng...
- Đủ rồi!
Hoàng hậu quát cung nữ rồi thỏ thẻ trình bày:
- Thần thiếp biết Hoàng thượng thương nhớ Đơn muội nên đã cho thị vệ đi đón Đơn muội. Chỉ là... Đơn muội không chịu hồi cung, muội ấy nhờ thị vệ gửi cho Hoàng thượng một bức thư.
Ta đoán Hoàng hậu nói xong liền đưa thư ta viết cho Hoàng thượng. Có một khoảng lặng, có một tiếng cười giòn giã vang lên, nhưng nghe cớ sao chua chát thấu tâm can? Giá như Hoàng hậu đừng cố tình cho ta nghe đoạn hội thoại vừa rồi, giá như nàng sai thị vệ lôi ta đi luôn thì trái tim ta đã không nhức nhối đến thế. Ta bị giam lỏng trong quán trọ nhỏ ở kinh thành, nhiều ngày liền không thể ngủ được vì bị ám ảnh bởi tiếng cười đau thương của Hoàng thượng. Ta ăn gì cũng không vô, mỗi ngày chỉ húp được vài hớp cháo loãng. Ngày hai mươi lăm tháng Giêng, Cẩm Anh trốn ra khỏi cung, tới quán trọ thăm ta thì ta đã như con cá mắc cạn, nằm thoi thóp trên giường rồi. Nàng khóc rưng rức, uất ức kể chuyện trong cung:
- Bẩm Đơn tần nương nương, ngay sau khi nương nương rời cung, Ngọc Minh và Ngọc Trí đã được thả ra. Tuy nhiên, Hoàng hậu nương nương đang đắc sủng nên bọn hắn không dám tố cáo Hoàng hậu giam lỏng mình. Tất cả mọi người biết chuyện nương nương hồi cung sớm cũng chẳng ai dám hé răng nửa chữ. Cẩm Anh suy cho cùng cũng là một trong những người hèn nhát đó, nô tì còn người thân ở quê, nô tì không dám đắc tội với Hoàng hậu. Nô tì thật hổ thẹn với nương nương.
Ta gượng cười, thều thào nói:
- Em không có lỗi gì hết... vốn là sự lựa chọn của ta... chính ta đã thoả thuận với Hoàng hậu.
- Nhưng... nhưng... nô tì thấy ấm ức cho nương nương quá. Hiện tại, tất cả của ngon vật lạ đều được đem tới Phượng Hoàng cung. Hoàng thượng đi đâu cũng rủ Hoàng hậu đi cùng. Nô tì nghe cung nữ ở Tuệ Long điện kể rằng Hoàng thượng từ khi đọc bức thư đó chưa từng chủ động nhắc tới nương nương.
- Không nhắc cũng tốt... đỡ đau lòng...
Miệng ta nói vậy nhưng tim ta thì đã tê buốt mất rồi. Cẩm Anh thấy ta thở khó nhọc liền la toáng lên:
- Người đâu! Đơn tần nương nương sắp không xong rồi. Mau cho gọi thầy lang tới đây.
Thị vệ hờ hững đáp lời nàng:
- Hoàng hậu nương nương có lệnh không cho phép người lạ tới đây. Đơn tần nương nương nếu có phúc lớn ắt sẽ vượt qua được kiếp nạn.
- Có tin ta lấy dép vả vào miệng ngươi không? Đơn tần nương nương bệnh nặng lắm rồi, không gọi thầy lang thì phúc nào độ cho nổi?
- Sao ngươi phải cuống lên thế nhỉ? Hay Đơn tần ăn ở thất đức nên ngươi sợ nương nương bị nghiệp quật?
- Nghiệp quật cái đầu nhà ngươi ấy. Hoàng hậu làm như này không khác gì ép Đơn tần vào chỗ chết cả.
- Chết cũng tốt, đỡ chật đất.
- Ngươi! Tên hỗn xược!
Cẩm Anh tức tối đứng dậy, nàng chưa kịp vả cho tên thị vệ phát nào thì đã bị hắn giữ tay. Nàng quát:
- Ta không thèm tính toán với ngươi nữa! Ngươi không đi tìm thầy lang thì ta tự đi!
Ta cười buồn. Cẩm Anh quả thực quá ngây thơ. Nàng vì sao mà trót lọt trốn ra khỏi cung? Chẳng phải do Hoàng hậu cố tình thả nàng ra, để nàng tới quán trọ kể lể những điều khiến ta đau lòng hay sao? Hoàng hậu rõ ràng muốn dồn ta tới ngõ cụt, thị vệ sao có thể cho phép Cẩm Anh đi tìm thầy lang? Cẩm Anh bị giam lỏng cùng ta. Nàng biết bản thân mình yếu thế nên van nài thị vệ cho ta một bát canh gà để bồi bổ cơ thể. Nàng khóc cạn nước mắt nhưng chỉ được phát cho một bát cháo loãng thệch. Nàng cay cú lườm thị vệ rồi sụt sịt bảo ta:
- Đơn tần cố gắng húp hết bát cháo cho lại sức, để nô tì bón cho nương nương nha.
Ta húp được vài thìa, thấy đắng miệng liền bảo nàng:
- Em ăn đi, ta nuốt không trôi.
Cẩm Anh oà khóc rưng rức. Mãi một lúc lâu sau, nàng mới mếu máo nói:
- Đơn tần... nô tì... đã không còn nghe thấy giọng nói của nương nương nữa rồi... phải... phải... để ý tới khẩu hình miệng... mới biết nương nương nói gì...
- Vậy sao?
Ta hỏi nàng, quả thực ta cũng không nghe thấy giọng nói của chính mình. Cả người ta mỏi mệt, rệu rã. Đêm hai mươi sáu tháng Giêng, ta yếu đến mức không thể cử động nổi chân tay. Ta cứ tưởng sẽ không được gặp lại Uy Vũ nữa nên đã rất buồn. Ai ngờ, Hoàng hậu đem theo cung nữ Thuận Hiền và ngự y tới thăm ta. Hoàng hậu phạt Cẩm Anh ba tháng bổng lộc rồi đuổi nàng về cung. Ta không những được Hoàng hậu cho uống thuốc mà còn được ăn canh gà tẩm bổ. Hoàng hậu sai Thuận Hiền thoa một lớp kem dưỡng làm từ bột ngọc trai lên mười đầu ngón tay của ta, mục đích là để che đi những vết cắn. Ta mấp máy môi hỏi nàng:
- Hoàng hậu... tại sao lại cứu muội?
Hoàng hậu thẳng thắn đáp:
- Đơn muội là người trong tim Hoàng thượng, nếu như muội rời xa nhân thế, Hoàng thượng nhất định sẽ ôm nỗi nhớ thương muội suốt đời. Đó hiển nhiên không phải là điều bổn cung muốn. Những ngày vừa qua, ta làm khó muội vì muốn trút giận một xíu thôi.
Hoàng hậu chỉ trút giận "một xíu" mà đã suýt lấy mạng ta rồi, đến khi nàng trút giận "nhiều xíu", không hiểu số phận ta sẽ đi về đâu? Nàng từ tốn tâm sự:
- Rằm tháng Mười năm Canh Ngọ, chính là ngày đại hôn của ta, Hoàng thượng đã không tới Phượng Hoàng cung. Rằm tháng Mười năm Tân Mùi và Rằm tháng Mười năm Nhâm Thân, Hoàng thượng cũng không hề xuất hiện tại bữa tiệc mà ta dồn biết bao nhiêu tâm huyết để chuẩn bị. Năm xưa, người ta đồn Tứ Hoàng tử lắm tài nhiều tật, đam mê tửu sắc, nhưng ta chưa từng bị lời đồn đó làm cho nao núng. Bởi vì ta biết Hoàng thượng một khi đã yêu thích ai thì sẽ rất chung tình. Mỗi năm, người chỉ uống quá chén đúng một lần vào Rằm tháng Mười, là ngày mà người khổ tâm nhất. Ta muốn muội sống để chứng kiến Rằm tháng Mười năm nay, Hoàng thượng sẽ không khổ tâm nữa. Thay vào đó, người sẽ hạnh phúc bên ta. Đó là hình phạt thích đáng nhất dành cho muội, kẻ đã trộm mất trái tim của phu quân ta trong suốt mấy năm qua.
Ta cười buồn. Một canh giờ sau, Hoàng thượng tới quán trọ. Hoàng hậu nhẹ nhàng trình bày:
- Bẩm Hoàng thượng, thần thiếp đã xuất cung khi chưa được sự cho phép của Hoàng thượng. Thần thiếp biết tội, mong Hoàng thượng trách phạt.
Thuận Hiền ấm ức nói:
- Bẩm Hoàng thượng, Hoàng hậu nghe tin Đơn tần bị bệnh nặng thì đã rất sốt ruột. Nương nương chỉ kịp sai người báo tin cho Hoàng thượng rồi vội vã đem nô tì và ngự y rời cung. Cũng may nương nương đến kịp thời, nếu không thì Đơn tần đã nguy rồi.
Mấy tên thị vệ cũng tỏ ra ấm ức bẩm báo:
- Bẩm Hoàng thượng, tuy Hoàng hậu sai vì không làm theo quy củ, nhưng tất cả cũng chỉ vì Hoàng hậu quá nhân từ, mong Hoàng thượng minh xét.
- Bẩm Hoàng thượng, suốt mười ngày liên tiếp, Đơn tần nương nương đều chạy tới Hội Thi Ca nghe các mỹ nam ngâm thơ, còn uống rượu giao bôi với bọn họ.
- Bẩm Hoàng thượng, ti chức mới là người có tội. Ti chức thân là thị vệ nhưng không khuyên ngăn Đơn tần, để Đơn tần ham chơi vô độ, không biết điểm dừng dẫn tới ngọc thể bị suy nhược nặng, khiến cho Hoàng hậu lo lắng. Xin Hoàng thượng trách phạt.
Hoàng hậu quát ầm lên:
- Ngậm mồm lại hết cho bổn cung. Các ngươi thân là thị vệ lại dám đi bôi nhọ Đơn tần nương nương, còn ra cái thể thống gì nữa hả?
Dứt lời, nàng nhỏ nhẹ bảo Hoàng thượng:
- Bẩm Hoàng thượng, mong người đừng tin lời của các thị vệ. Theo thần thiếp thấy, Đơn muội nhất định không phải là kiểu đàn bà ham chơi và mê trai đẹp đâu ạ.
Hoàng thượng cười khẩy bảo:
- Hoàng hậu không cần phải nói đỡ cho Đơn tần. Nàng ta có ham chơi và mê trai đẹp hay không thì trẫm rõ hơn ai hết.
Hoàng thượng nói vậy cũng có lý của chàng. Những năm tháng ở Sơn Nam, ta ham chơi và mê trai đẹp thứ hai thì ai xếp thứ nhất đây? Ta gọi chàng:
- Hoàng thượng...
Ta định bao biện cho bản thân một chút, rằng ta chỉ ham chơi giống như bức thư ta viết theo ý Hoàng hậu thôi chứ không mê trai. Nhưng ta chợt nhớ ra mình vẫn đang bị mất giọng, Hoàng thượng lại không nhìn về phía ta nên cũng chẳng biết ta gọi chàng. Chàng buồn bực hạ lệnh:
- Người đâu! Truyền ý chỉ của trẫm, Hoàng hậu nhân từ hiền hậu, thưởng cho mười viên ngọc trai thượng hạng. Đơn tần ham chơi, mê trai, để ngọc thể khánh kiệt, phạt bổng lộc một năm.
Hoàng hậu nhân từ cầu xin cho ta:
- Bẩm Hoàng thượng, phạt như vậy có phần hơi nặng. Một năm không có bổng lộc, Đơn muội sống trong cung nhất định sẽ rất khổ cực. Thần thiếp xin Hoàng thượng cho phép thần thiếp được đổi mười viên ngọc trai của mình ra bạc để tặng lại cho Đơn tần.