Ủa? Tứ Hoàng tử bữa nay bị làm sao mà ăn nói linh tinh quá vậy? Làm người đàn ông ngay thẳng chính trực không muốn, lại muốn thành kẻ lươn lẹo. Bộ khùng hả? Hay cũng hít nhiều khí trời nên phê pha luôn rồi? Hoặc cũng có thể là hắn đang thả thính ta đó nha! Nỡm ạ! Má ta cứ nóng ran ý à! Cơ mà, nóng kệ nóng, bổn cô nương còn lâu mới dễ dãi nha. Ta đây cũng thuộc dạng nữ nhân xinh đẹp, con nhà lành được dạy bảo tử tế, không thiếu người hỏi cưới đâu! Ta e thẹn nói:
- Vô Tư dẫu sao cũng là phận nữ nhân, chuyện hôn nhân đại sự, sao có thể tự mình định đoạt?
Vô Ưu tủm tỉm bảo ta:
- Tứ cô nương nói cũng phải. Vậy cứ để phu quân tương lai của nàng định đoạt đi.
- Phu quân tương lai của ta là ai vậy?
Ta giả ngu hỏi. Vô Ưu lừ mắt chất vấn:
- Nàng thực sự không biết phu quân tương lai của mình là ai? Trong suốt những năm tháng xưa cũ, nàng vậy mà lại chưa từng hứa hẹn với ai?
Có rồi. Ta từng hứa hẹn với Vô Ưu cả tỉ lần cơ, cứ hễ được hắn cưng chiều là ta lại mềm lòng đồng ý sau này sẽ gả cho hắn. Nhưng lời hứa nông cạn của con nít ranh, ai mà tính? Kệ đi! Xí xoá! Ta ứ thích thừa nhận đâu. Ta thích cho hắn ăn cháo lươn cơ! Ta giả bộ đăm chiêu suy nghĩ rồi ngây thơ trả lời:
- Thực sự ta chưa từng hứa sẽ gả cho ai hết nha.
- Vậy chắc Tứ cô nương cũng chưa từng xin cưới chồng bằng hai ngàn củ khoai lang, chưa từng mặc cả lên mười ngàn củ, càng chưa từng xin trả góp hai ngàn lượng vàng để rước rể, nhỉ?
Vô Ưu hỏi đểu. Ta tỉnh queo đáp:
- Công tử cứ đùa! Con gái con lứa phải có giá chứ, không thách cưới thì thôi, ai điên đâu mà bỏ tiền ra để cưới chồng? Lại còn phải nhịn ăn nhịn mặc để trả góp hai ngàn lượng vàng, thử hỏi chắt chiu dè xẻn như vậy thì bao giờ cuộc đời mới phất lên được? Toàn chuyện tầm bậy không à, ta chả liên quan.
- Ra vậy! Ra là Tứ cô nương đã sớm bị mắc bệnh mất trí nhớ. Người đâu! Lôi thầy lang lên đây!
Chất giọng uy phong của Tứ Hoàng tử khiến ta sởn gai ốc. Chỉ một loáng sau, thầy lang đã xuất hiện. Ông ta bắt mạch cho ta xong liền hỏi thăm:
- Xin hỏi Tứ cô nương năm nay là năm con gì?
Ta chau mày hỏi lại ông ta:
- Ơ hay? Cái ông này hỏi câu buồn cười nhể? Năm Mậu Thìn thì là năm con rồng chứ còn gì nữa?
- Vậy cô nương có nhớ hiện tại là tháng mấy không?
- Tháng Tám, ngày Rằm. Á! Hôm nay là tết Trung thu đó nha! Suýt chút nữa thì ta quên béng mất mình còn có việc hệ trọng phải làm.
- Tứ cô nương có việc gì hệ trọng?
Thầy lang hỏi dò. Ta sốt sắng nói:
- Ta phải ăn bánh trung thu đó nha!
- Thứ lỗi cho ta nhiều lời, ăn bánh trung thu... dường như không phải là việc hệ trọng.
- Ơ kìa? Tết Trung thu mà không ăn bánh trung thu thì ai mà biết đấy là tết Trung thu? Hơn nữa, việc ăn bánh dẻo và bánh nướng vào ngày Rằm tháng Tám chính là nét đẹp ẩm thực tinh tuý được lưu giữ từ đời cụ nội của ông ngoại của bà nội của sư phụ ta rồi. Nếu như tổ tiên của ông không truyền lại phong tục đáng quý đó cho đời sau thì phận con cháu như ông hiểu thế nào được tầm quan trọng của việc ăn bánh trung thu?
- Đúng là ta không hiểu thật. Bỏ qua chuyện đó đi. Ta xin phép hỏi Tứ cô nương câu cuối, giả dụ như mỗi năm cô nương ăn một chiếc bánh dẻo và một chiếc bánh nướng vào ngày Rằm tháng Tám thì từ khi sinh ra tới giờ cô nương ăn bao nhiêu chiếc bánh rồi?
- Hỏi vớ hỏi vẩn. Lúc mới sinh, ta đã có răng đâu mà ăn bánh trung thu? Lớn lên có răng rồi cũng chẳng bao giờ ăn hai chiếc, chả bõ dính răng.
Thầy lang vui vẻ quay sang bảo Vô Ưu:
- Bẩm công tử, Tứ cô nương hoàn toàn khoẻ mạnh, đầu óc minh mẫn, không thể có chuyện bị mất trí nhớ.
Ơ? Hoá ra từ nãy tới giờ thầy lang đang kiểm tra độ minh mẫn của ta đấy hả? Thế mà chả nói trước một câu để ta giả ngu ngơ tí cho vui, hại ta bị Vô Ưu lườm rõ kinh. Hắn hùng hổ tuyên bố:
- Tứ cô nương chắc chắn đã bị mắc bệnh mất trí nhớ, ngươi khám không ra thì khả năng cao là y thuật của ngươi có vấn đề. Người đâu! Mau đem tên lang băm này vứt xuống sông cho ta.
Hai tên lính to cao chạy vào phòng xách thầy lang lên như thể định vứt ông ta xuống sông thật. Ông ta sợ khiếp vía, mồ hôi vã ra như tắm, tay chân run lẩy bẩy, miệng không ngừng van xin:
- Tứ cô nương! Cô nương trót quên chuyện gì làm mếch lòng công tử... thì cô nương... làm ơn... làm phước... nhớ lại... giùm ta với...
Ta nhanh trí dỗ ngọt Vô Ưu:
- Bẩm công tử, thầy lang phán cũng không hẳn là sai. Căn bệnh mất trí nhớ của dân nữ là tâm bệnh, chỉ một mình dân nữ mới bắt được bệnh của mình và tự chữa trị cho mình. Mong công tử không liên luỵ người vô tội.
- Vô tội? Làm gì có thầy lang nào không bắt ra bệnh lại vô tội? Ngọc Trí đâu? Vả tên lang băm này cho ta! Vả đến khi nào Tứ cô nương khỏi bệnh thì thôi!
Gì vậy? Tứ Hoàng tử đã phải trọng dụng tới cao thủ tát không trượt phát nào rồi ư? Ngọc Trí mà đã ra tay thì gạo không xay thành cám mới là lạ đấy! Vô Ưu khốn khiếp! Dám cậy quyền thế ức hiếp ta. Dám ép ta phải chịu thua. Ta không phục. Không phục tí nào hết! Cơ mà, ta cũng không thể để cho thầy lang vô tội phải húp cháo loãng. Ta chấp nhận xuống nước:
- Mong công tử nương tay, dân nữ đã khỏi bệnh mất trí nhớ rồi.
- Thật không? - Vô Ưu chất vấn ta.
- Dạ, rất thật thưa công tử.
- Khỏi lâu chưa?
- Dạ, vừa mới khỏi xong ạ.
- Được rồi. Tứ cô nương đã khỏi bệnh thì ta cũng không có lý do gì để phạt thầy lang cả. Cho ông ta lui xuống!
Ta lúc bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm. Vô Ưu cười khẩy, nhàn nhạt hỏi ta:
- Phiền Tứ cô nương nói ra thân phận của ta.
Tuy Vô Ưu nóng tính, nhưng hắn không phải là dạng tiểu nhân thích lèm nhèm. Hắn đã tha cho thầy lang rồi, nếu sau này ông ta không phạm vào trọng tội gì thì hắn sẽ không tìm ông ta tính sổ vô lý đâu. Ta an tâm chơi ván bài mới với hắn, cố ý nói to dõng dạc:
- Dân nữ khấu kiến Tứ Hoàng tử.
Ngoại trừ Vô Ưu vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh thì những người còn lại đều há hốc. Chắc bọn họ đang cố nghĩ xem vì sao ta lại biết hắn là Tứ Hoàng tử. Vô Ưu cho người hầu thân cận của mình lui ra ngoài hết. Hắn không thắc mắc gì cả, chỉ bình thản thừa nhận:
- Ta đúng là Tứ Hoàng tử. Nhưng ta ép Tứ cô nương đến bước này, không phải là để nghe nàng gọi Tứ Hoàng tử. Điều ta mong đợi là một cái tên khác.
- Tứ Hoàng tử thân phận cao quý, ta dẫu có biết tên thật của người cũng sao dám gọi thẳng thừng?
Gương mặt Vô Ưu thoáng nét buồn khiến lòng ta cũng trùng xuống theo. Hai ngón tay cái của hắn xoa xoa hai bên gò má của ta. Hắn dịu dàng gọi:
- Tứ Tứ!
Khoé mắt ta rưng rưng. Ta ương bướng quay mặt đi. Hắn lại tiếp tục gọi:
- Tứ Tứ!
Lần này thì ta bật khóc. Hắn áp hai lòng bàn tay của mình lên hai gò má của ta, bắt ta phải đối diện với hắn. Hắn cụng nhẹ trán mình vào trán ta, kiên nhẫn hỏi:
- Tứ Tứ giận sao?
Ta gào lên:
- Ta không có giận. Không thèm giận. Ta việc gì phải giận dỗi một người bỏ đi biệt tích mười năm, đến một bức thư cũng không thèm gửi về cho ta?
Vô Ưu thở dài giải thích:
- Tứ Tứ! Ta đã viết rất nhiều thư cho nàng. Mẫu hậu cũng khẳng định đã gửi thư về phủ Thường Tín rồi. Nếu như nàng không nhận được bức thư nào, có lẽ Bách Tâm đã giở trò bỉ ổi.
- Ngươi dựa vào đâu mà nghi ngờ sư phụ ta? Ngộ nhỡ mẫu hậu ngươi nói xạo thì sao?
- Tứ Tứ! Không được phạm thượng. Mẫu hậu ta hiền lương thục đức, không có chuyện nói hai lời.
- Sư phụ ta là bậc chính nhân quân tử, người chắc chắn không bao giờ giấu thư của ta.
- Cho dù hắn là bậc chính nhân quân tử thì hắn cũng là nam nhân. Hắn yêu thích nàng, ngăn cản ta đến với nàng cũng là chuyện thường tình.
- Im đi! Ta không cho phép ngươi nói xấu sư phụ ta.
- Được rồi! Ta không nói nữa. Tứ Tứ! Nàng gọi tên ta... có được không?
- Ta không nhớ.
- Nàng nói vậy có nghĩa là những năm tháng qua, chỉ mình ta hoài niệm?
- Ngươi hoài niệm cái gì chứ? Hoài niệm cái củ khoai lang à? Mười tuổi, ngươi hồi cung, xung quanh có biết bao nhiêu cung nữ hầu hạ, ngươi tối ngày chơi đùa cùng các nàng, còn đâu thì giờ nhớ đến ta?
- Quanh ta nhiều nữ nhân, vậy quanh nàng không nhiều nam nhân chắc? Nàng còn nuôi hẳn năm đứa đồ đệ ở trong phủ kia kìa, ta vẫn chưa xử chuyện đó đâu.
- Ta nuôi năm đồ đệ đấy, thì sao nào? Ngươi cũng có tốt đẹp gì đâu mà đòi xử ta? Ngươi đừng tưởng ta không biết, vào năm ngươi bị đày ra biên ải, ngươi đã dùng mỹ nam kế để mê hoặc thủ lĩnh của bộ tộc Trúc Nữ.
- Ta chỉ cạn với người ta ba chén rượu, nói ta dùng mỹ nam kế là oan ức cho ta.
- Ngươi khỏi nguỵ biện. Ngươi nào có uống rượu với một mình ả, phàm là nữ nhân nổi tiếng trong kinh thành, có ai chưa từng cụng ly cùng Tứ Hoàng tử? Ngươi ham mê tửu sắc, ai mà không biết?
Ta chỉ nói vậy thôi mà Vô Ưu giận tím mặt, hắn đùng đùng bỏ đi. Ngọc Minh chạy vào hỏi ta:
- Tứ cô nương nghe được những chuyện vừa rồi ở đâu?
- Người trong trấn Sơn Nam đồn ầm lên đó. Không muốn nghe cũng phải nghe.
- Quả thực có chuyện công tử giao hảo với nhiều người. Nhưng Tứ cô nương thử nghĩ xem, nếu như công tử thực sự là một người ham mê tửu sắc như lời đồn thì làm sao có thế lực mạnh như bây giờ?
- Theo sự hiểu biết của ta về công tử nhà ngươi, hắn vốn không phải là người đam mê quyền lực.
- Công tử của nhiều năm về trước đúng là lúc nào cũng chỉ mong đến ngày được lập phủ riêng, cưới Tứ cô nương về làm thê tử rồi hai người sống thong dong với nhau ngày qua ngày. Nhưng thân phận đặc biệt của công tử không cho phép người được toại nguyện. Công tử tài hoa hiếm có, từ lâu đã là cái gai trong mắt nhiều người. Nếu công tử không trở thành người có thực quyền để áp chế họ, e rằng công tử chẳng thể sống sót được tới ngày hôm nay.
- Cuộc sống trong cung... gian nan đến thế sao?
- Càng là nơi cao, càng dễ bị nhòm ngó. Càng là người được xem trọng, càng dễ bị săm soi. Không phải là công tử không thương Tứ cô nương, mà là thương rất nhiều. Vì thương nhiều nên lại càng không dám gặp người thương khi chưa đủ khả năng bảo vệ nàng. Mãi đến năm công tử mười bảy tuổi, nắm trong tay mười vạn quân tinh nhuệ, khiến cho cả Thái tử cũng phải kiêng dè, công tử mới an tâm đi tìm cô nương. Tiếc rằng, khi công tử tìm về chốn cũ, Bách Tâm liền nói cô nương đã rời phủ. Hắn không những không tiết lộ cho công tử biết cô nương đang ở đâu mà còn giở nhiều trò mèo, hại công tử tìm cô nương vô cùng khổ sở.
- Ngươi nói láo! Ta lén lút bỏ đi, sư phụ ta sao có thể biết ta đang ở đâu mà tiết lộ?
- Tứ cô nương quá ngây thơ rồi! Bách Tâm coi cô nương như bảo bối, nếu không biết cô nương ở đâu, hắn sao có thể an tâm sống qua ngày? Phủ cô nương đang ở là hắn đã an bài trước cho cô nương. Trong năm đồ đệ của cô nương, có một người là gian tế của hắn.
- Ta không tin! Dọc đường tới trấn Sơn Nam, ta thu nhận được bốn đồ đệ. Ngũ đồ đệ thì sau này Ngân Hạnh mới đẻ ra. Ta cũng dùng hai chục quan tiền để mua lại phủ của người ta, hoàn toàn không liên quan tới sư phụ.
- Tứ cô nương thử ngẫm lại xem với hai chục quan tiền, có thể mua được biệt phủ rộng như vậy không? Cả vườn mẫu đơn rực rỡ trong phủ, loài hoa mà cô nương thích nhất, nếu không phải do Bách Tâm trồng từ trước thì quá trùng hợp đi!
- Biết đâu cũng có người thích hoa mẫu đơn, người ta cần tiền gấp nên bán lại phủ cho ta với giá rẻ. Chuyện trùng hợp trên đời thiếu gì? Ngươi đa nghi quá đấy!
- Vậy lúc Tứ cô nương mới tới trấn Sơn Nam, đã có tiếng tăm gì đâu, tại sao vừa tới đã có nhiều khách tìm đến cô nương, nhờ cô nương xem vận mệnh? Phải chăng là Bách Tâm đã lót đường cho cô nương?
- Ta... ta...
Ta chả biết cãi gì cả. Đúng là ta vừa mới tới trấn Sơn Nam, treo mỗi cái biển thông báo ta biết xem bói đã có khách tới tìm. Hơn nữa, cứ lúc nào ta lỡ tay tiêu pha quá trớn, hết tiền phải ăn khoai lang sống thì y như rằng ngày hôm sau lại có khách sộp tới phủ. Ta cứ tưởng số mình hên, giờ mới biết bản thân mình từ khi rời phủ Thường Tín tới giờ vẫn luôn sống trong vòng tay bao bọc của sư phụ. Ngọc Minh thở dài nói tiếp:
- Ngày công tử về Sơn Nam, Bách Tâm đã ra lệnh cho đệ tử của mình dụ cô nương tới Sơn Tây chơi, để công tử không thể tìm ra cô nương. Công tử cho người điều tra đến đâu, hắn liền che đến đó. Bách Tâm quả thật cũng là nhân tài hiếm có khó tìm, nhưng rất tiếc, hắn bị cái tính mềm lòng nên đấu không lại công tử. Công tử có thể ở Chiêm Thành suốt nhiều tháng liền, làm bộ như không còn quan tâm tới cô nương nữa. Nhưng Bách Tâm thì không thể. Hắn phần vì tưởng công tử đã bỏ cuộc, phần vì nhớ thương cô nương nên trong một lần say rượu đã lén tới phủ của cô nương, trèo lên cây xà cừ cổ thụ đằng sau vườn, ngồi nguyên một ngày trời chỉ để ngắm cô nương. Bọn ta vì vậy mới biết được tung tích của cô nương.